Sự phát triển tự ý thức của HS THCS

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ: “Hướng dẫn học sinh tự đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập môn Toán ở trường trung học cơ sở” (Trang 50)

Khi vào lứa tuổi thiếu niên, do sự đột biến của cơ thể ở tuổi dậy thì, trước hoàn cảnh học tập mới, đặc biệt do sự phát triển các quan hệ xã hội, sự giao tiếp trong tập thể mà ở thiếu niên xuất hiện nhu cầu quan tâm đến nội

tâm của mình, đến những phẩm chất nhân cách riêng, xuất hiện nhu cầu TĐG, nhu cầu so sánh mình với người khác. Điều này khiến các em muốn xem xét lại mình, muốn tỏ thái độ mới về mình. Các em có nhu cầu tự khẳng định mình trước người lớn, biểu hiện ở chỗ các em luôn có ý thức rằng mình có đủ khả năng để tự quyết, để độc lập.

Sự bắt đầu hình thành và phát triển tự ý thức đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc đến toàn bộ đời sống tâm lý của lứa tuổi này, đến hoạt động học tập, đến sự hình thành mối quan hệ qua lại với mọi người. Tự ý thức không có nghĩa là tách rời thực tế, khỏi thế giời cảm xúc bên trong; không phải là sự thể hiện độc nhất nguyện vọng tự nhận thức, tự mổ xẻ, tự phân tích triền miên, vô bổ. Nhu cầu tự ý thức nảy sinh từ nhu cầu cuộc sống, từ hoạt động thực tiễn, từ yêu cầu mong muốn của người lớn, của tập thể quy định. Động lực thúc đẩy sự phát triển tự ý thức của HS THCS là nhu cầu về vị trí của các em trong gia đình, nhà trường và xã hội, nhu cầu muốn chiếm được vị trí trong nhóm bạn, trong mắt thầy cô, muốn được sự tôn trọng, yêu mến của thầy cô, bạn bè. Đặc điểm quan trọng về tự ý thức của lứa tuổi này là mâu thuẫn giữa nhu cầu tìm hiểu bản thân với kĩ năng chưa đầy đủ để phân tích đúng đắn sự biểu lộ của nhân cách.

Về sự TĐG, ở lứa tuổi này các em có xu hướng độc lập ĐG bản thân. Nhưng khả năng TĐG của các em lại chưa tương xứng với nhu cầu đó. Do đó có thể có mâu thuẫn giữa mức độ kì vọng của các em với thái độ của những người xung quanh với các em. Nhìn chung các em thường tự thấy chưa hài lòng về bản thân. Ban đầu ĐG của các em còn dựa vào ĐG của những người có uy tín, gần gũi với các em. Dần dần các em sẽ hình thành khuynh hướng độc lập phân tích và ĐG bản thân. TĐG của HS THCS còn nhiều hạn chế:

 Các em nhận thức và ĐG được các mẫu hình nhân cách trong xã hội nhưng chưa biết rèn luyện để có được nhân cách theo mẫu hình đó.

 HS THCS có thái độ ĐG hiện thực khách quan rất thẳng thắn, mạnh mẽ, chân thành và dứt khoát nhưng chưa phân tích được mặt phức tạp của đời sống và các quan hệ xã hội.

Ý nghĩa quyết định nhất để phát triển tự ý thức ở lứa tuổi HS THCS là cuộc sống tập thể của các em, nơi mà nhiều mối quan hệ giá trị đúng đắn.

Như vậy trên cơ sở phát triển tự ý thức và thái độ nhận thức thực tế, trên cơ sở yêu cầu ngày càng cao đối với chúng, vị trí mới mẻ của các em trong tập thể đã làm nảy sinh khát vọng tự tu dưỡng nhằm mục đích phát triển cho bản thân những nét tính cách tốt, khắc phục những nét tính cách lạc hậu, những khuyết điểm, sai lầm của mình.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ: “Hướng dẫn học sinh tự đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập môn Toán ở trường trung học cơ sở” (Trang 50)