Khi tìm hiểu giọng điệu của ba tác giả có thể bắt gặp những tiếng nói phong phú, khi ngọt ngào, dịu nhẹ hay suy tư, chiêm nghiệm hoặc dằn vặt, day dứt thì cuối cùng cũng đều gặp nhau ở chất giọng nữ tính, đối thoại, tâm tình. Nhiều truyện ngắn có tính chất như một bức thư, một thông điệp, một sự đối thoại với mọi người để có sự thấu hiểu, cảm thông. Giọng tâm tình thường xuất hiện ở các truyện ngắn trần thuật ở ngôi thứ nhất, phù hợp với cốt truyện dòng tâm trạng, với những hồi ức, hồi tưởng.
Trong Hai bảy bước chân là lên thiên đường hay Người đàn bà có ma lực, cả câu
chuyện là lời tự sự, giãi bày, hồi tưởng của những cô gái về thiên đường họ đã trải qua, về những cay đắng họ sắp chịu đựng. Những dòng tâm sự đầy xót xa, khắc khoải của cô gái gieo trong lòng người đọc cảm giác dịu nhẹ, xót xa, cái dịu nhẹ đến từ giọng
điệu : “Kỳ lạ thay cái thiên đường. A Đam và E Va vì yêu nhau mà phải đày xuống hạ
giới. Còn em chỉ vì thiếu tình yêu em không được lên thiên đường. Còn anh, anh đang ở đâu ? Anh có ở thiên đường của anh không ? Mỗi buổi tối em vẫn thích xem chương trình thời sự. Em vẫn không thể rời mắt khỏi anh”[67; 232]
Giọng tâm tình đối thoại thể hiện rõ nhất ở những truyện ngắn dưới hình thức bức
thư, hay sự đối thoại với chính mình. Ở dạng này, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban và Chơi Hạ Long của Lý Lan là những chuyện tiêu biểu. Bức thư gửi mẹ Âu Cơ như lời tâm tình của một đứa con mang nặng nỗi đau với mẹ : “Những người mẹ là những
người có trước, hãy hiểu nỗi lòng của những đứa con gái, để nỗi đau hòa chung, đồng cảm và biến mất”, “Đất mẹ có thấm nỗi đau của con hay không, con không biết.”
Xuyên suốt Chơi Hạ Long là lời tự bạch của cô gái, hướng về chàng trai, đối thoại với một người mà người đó không hề hay biết, điều đó tạo ra mạch tâm tình cho tác phẩm.
Cách sử dụng các đại từ xưng hô chàng, nàng cũng khiến cho âm điệu của câu văn
thêm mềm mại, nữ tính : “Người nàng lâng lâng như bước trên đệm khí. Nhưng những
bước chân đặt lên từng bậc thang lại nặng nề biết bao…”(Sau chớp là dông bão).
Trong câu văn của Đỗ Hoàng Diệu ta cũng bắt gặp cái khắc khoải, da diết đầy nữ tính :
“Đúng ngày hẹn, nàng lên đường. Sóng bạc đầu hung hãn nhiều triệu năm xuất hiện.
Nàng ngồi chắp tay trước biển hàng giờ, rì rầm cầu nguyện. Nước mắt nàng ướt bờ cát theo từng gót chân đi. Nàng ngoái nhìn. Sóng chồm lên liếm gót chân nàng, tiễn đưa…”(Huyền thoại về một lời hứa)
3.2.3.2. Sắc thái giọng điệu riêng của ba nhà vănt nữ
Y Ban là một tác giả khá đa dạng về giọng điệu, có lúc cũng ngọt ngào, dịu nhẹ
(Và anh một phần ba cuộc đời em, Vùng sáng kí ức, Quê nội), lúc xót xa thấm thía (Thiên đường và địa ngục), lúc lạnh lùng, thẳng thắn (Những chuyện nhặt dọc
đường). Nhưng nổi bật nhất trong văn Y Ban là giọng dằn vặt, chất vấn. Y Ban đi sâu
vào từng ngõ ngách trong tâm hồn con người và thấy ở đâu cũng là những dằn vặt, suy
tư và chất vấn. “Ta là một người đàn bà rất hoàn hảo nhưng tại sao ta không có được
kết quả của sự hoàn hảo ấy?” (Người đàn bà có ma lực). Đó là giọng điệu mà các
nhân vật của Y Ban dùng để tự vấn mình, để tránh khỏi những cám dỗ mà cuộc sống luôn đặt ra.
Với Lý Lan, chất giọng riêng của vùng đất Nam Bộ, nhẹ nhàng, kín đáo, không cầu kì, làm duyên là một đặc trưng riêng của cây bút này. Các tác giả văn xuôi Nam Bộ, từ Hồ Biểu Chánh qua Lý Văn Sâm, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Trang Thế Hy v.v... thường có một nét đặc trưng chung trong bút pháp: lối kể chuyện của họ mộc mạc; cái thực trong văn họ tự nhiên mà không bao giờ mang tiếng trau chuốt, đẽo gọt, tức không gợi cảm giác khéo, nuột nà, càng không phải là kết quả một sự dụng công cố ý đi gần đến tiểu xảo. Đây không hẳn là câu chuyện phong cách bề ngoài; đây là một quan niệm về văn chương, về cuộc đời ít nhiều có dính dáng đến môi trường hoàn cảnh. Trên mảnh đất mới mẻ mà trù phú này, người ta thích sống một cách tự do, như chim trời cá
nước, thích nói và viết sao như mình đang nghĩ, không sợ bị cái gì (kể cả quá khứ) ràng buộc. Cây bút nữ này đã tiếp nhận một cách hồn nhiên kinh nghiệm của người đi trước, để rồi, trong hoàn cảnh của mình, thêm vào đó những sắc thái mới, làm nên một giọng điệu mới.
Qua những trang sách của Lý Lan, Ta bắt gặp một cuộc sống hiện thực đổi thay qua những năm chiến tranh, qua những năm bộ mặt đất nước đang dần dần thay đổi. Có biết bao nghiệt ngã, oái ăm đổ ập xuống cuộc sống con người. Văn phong Lý Lan từ những ngày đầu cầm bút đến những tác phẩm về sau cũng thêm vẻ từng trải, trầm ngâm hơn, nhưng có một giọng điệu trong văn Lý Lan không hề thay đổi, đó là giọng điệu tin yêu. Nhân vật của Lý Lan dù có trải qua bao thăng trầm của cuộc sống thì điều neo giữ họ lại vẫn là niềm tin yêu cuộc đời. từ những câu văn ngợi ca những vẻ đẹp
thiêng liêng cao cả như cuộc sống gian lao của đất nước (Cỏ hát), sự hy sinh tận tụy của một thầy giáo bình thường (Nguyệt quý). Có khi, gần gũi hơn, là vẻ đẹp giản dị của
đám dân xóm nghèo, lam làm vất vả, mà sống nghĩa tình, và hết lòng với những mơ
ước đơn sơ của mình (Chị ấy lấy chồng chưa ? Một thằng nhỏ, Mùa lá chín). Cho
đến những trang viết đầy khắc khoải về cuộc sống hiện đại sau này, chẳng hạn trong
Trăm con hạc trắng, vì cuộc mưu sinh, một "họa sĩ vườn" phải bán đi bức tranh mà cả
mình và con cái trong nhà đều yêu quý, loại tranh "cả đời người mới vẽ được một lần”. ". Nhưng đứa trẻ ngẩn ngơ vì tiếc bức tranh lại cũng là đứa trẻ đưa ra lời an ủi thông
minh: "Ba đừng buồn! Hạc trắng bay về bồng lai rồi !”. Con người trong tác phẩm của
nhà văn luôn luôn phải trải qua những khó khăn mà mọi kiếp làm người vẫn trải, và dù điều gì xảy ra, thì rồi người ta cũng sống qua được cả, nhẫn nại, cam chịu, giữ lấy niềm
tin của mình. Trong Cần Giuộc, một cô gái ra trường được phân công đi dạy ở một
vùng xa. Ngay trên chuyến xe hàng dẫn đến miền quê kia, cô đã gặp bao cảnh nghịch mắt, khiến lòng cô se lại. Và câu cuối cùng trong thiên truyện mang tên Cần Giuộc này là cái câu tác giả đứng ra kín đáo mà ân cần an ủi cô:
Ngay cả trong Tiểu thuyết đàn bà, cuốn sách viết về cuộc chiến đã qua dưới góc
nhìn của một người phụ nữ, đầy xót xa, đau đớn. Vậy mà văng vẳng suốt những trang sách là những câu hát ngợi ca đức tin của con người trong ngục tù, câu hát khiến nhân vật Thoa thêm vững bước. Và cuối cùng, dù trải qua bao vất vả, khó khăn, con người trong truyện ngắn Lý Lan vẫn mạnh bạo sống, mạnh bạo tiến về phía trước với niềm tin,hi vọng khôn nguôi của một nhà văn Thoa với cuốn tiểu thuyết về dòng họ, của một Liễu với việc là từ thiện và của một Không Bé – Betty trong hành trình hội nhập văn hóa. Văn phong của Lý Lan giản dị mà đầy chững chạc, trẻ trung là vì cái giọng điệu này.
Đối với Đỗ Hoàng Diệu, bên cạnh cái mạch tự sự thấm đẫm chất nữ tính, “đầy mê hoặc”, có thể nhận ra chất giọng ám ảnh, băn khoăn, khắc khoải, xót xa. Truyện của Đỗ Hoàng Diệu viết về những người phụ nữ trẻ, mang trong mình cả “một gánh nặng phi phàm”, cả một “gánh nặng tổ tông”, những gánh nặng đó luôn đè nặng trong tâm thức
của họ khiến họ không lúc nào hoài nghi, băn khoăn. Cô gái trong Bóng đè từ khi chưa lấy chồng đã mang trong mình một ám ảnh : “Ngày gặp Thụ tôi không còn con gái. Cơ
thể săn chắc mượt mà vun đầy hai mươi rúc lên hồi còi dài khi chiếc bóng của anh đổ ập xuống mình. Một buổi chiều, bóng tôi lọt thỏm giữa bốn vách nhà rông trong khuôn viên Bảo tàng Dân Tộc. Bàn chân ai lào xào sỏi đá sau lưng…về sau tôi biết mình đã đánh mất điều quý giá nhất buổi trưa hôm ấy. Chúng đã cướp mất cuộc đời con gái khi vừa chớm đến, khi tôi vừa biết xỏ tay thành thạo vào chiếc áo su chiêng…Tôi không thể ngờ đó chỉ là số phận. Thứ số phận đã đẩy đưa cho tôi gặp Thụ và làm vợ anh vội vàng, giống một linh ứng mà cơ thể tôi đã ám hiệu rúc còi.” Nỗi niềm ám ảnh đó đi
theo suốt cô gái để cô luôn day dứt coi đó là một số phận. Đến cả khi chấp nhận số phận, cô vẫn không thôi ám ảnh, day dứt bởi phải chăng mình đã đồng lõa, mong chờ
những cái bóng của tổ tiên nhà chồng hiện về mỗi đêm, cưỡng hiếp cô : “Bình thường
như tôi đã bị cưỡng hiếp. Nhưng sao tôi không chống cự ? Phải chăng tôi đồng lõa, phải chăng tôi đã ưỡn người lên chờ đón ? Phải chăng vòng quay đã được sắp đặt từ
buổi trưa ngốt ngát bất thường tuổi thơ đến buổi chiều Bảo tàng Dân Tộc Thụ đổ bóng xuống đời tôi ? Nhưng suốt những năm thiếu nữ tôi đã mong chờ, tôi đã khát cháy, giờ đây nó hiện hình sao tôi hoang mang ? Vòng quay số phận cuộc đời tôi không phải vòng quay yêu thương. Tôi là ai, từ đâu đến ? Tổ tiên đế vương Trung Hoa tay dài chạm gối nhà Thụ muốn gì ?”. Những câu hỏi băn khoăn, day dứt trở đi, trở lại đầy ám
ảnh trong tác phẩm.
Không chỉ trong Bóng đè, Ở Vu quy hay Dòng sông hủi ta cũng bắt gặp nỗi ám ảnh về thân phận nô lệ của người con gái. Trong Vu quy, cô gái chịu làm nô lệ của
người đàn ông Tàu đầy quyền lưc, chịu quỳ gối để được ông cho ăn, để được uống nước sâm trong một cảm giác thích thú mà đầy nhục nhã. Vùng chạy khỏi số phận nhưng số phận vẫn cứ đeo đuổi, cô băn khoăn, chất vấn :
“- Nhưng…nhưng con không hiểu. Con không hiểu sao chồng con lại là một xác
ướp. Là trò đùa của mọi người ?”
Để rồi nhận được câu rả lời :
“Không phải trò đùa. Mà số phận con gái ạ. Cả dân tộc này đâu có đùa. Con phải
quay trở lại khách sạn với chồng con. Số kiếp đã như vậy rồi, gái chính chuyên phải một chồng, biết vâng phục chồng và xã hội.”
Trong Dòng sông hủi, cô gái một lần nữa luôn phải chạy trốn người chồng bệnh
hoạn, chuyên reo rắc mọi khổ đau, bất hạnh cho con người. Vậy nhưng thường trực
trong cô lúc nào cũng là nỗi lo sợ nơm nớp. Bắt đầu từ một linh cảm chẳng lành : “Vài
ngày sau khi tôi đang tắm, một viên đá không hiểu từ đâu xộc đến làm vỡ kính, gió và mưa thốc thẳng vào thân thể tôi bỏ ngỏ. Cơn mưa đá bất thường giữa mùa đông. Tôi không biết rằng cơn mưa lạ lùng, trái ngược ấy cũng kéo theo những điều trái ngược cho cuộc sống của mình thời gian sau.” Cho đến khi trước cổng nhà người tình, cô bắt
gặp chồng : “Bởi đôi mắt nhỏ him híp đang phát ra một vùng lửa rực hờn. Vũng lửa
màu đen, tối, tàn khốc, man rợ…Bước chạy càng nhanh hơn. Đôi bàn chân của một đứa bé tôi mang dưới người toạc từng miếng đau đớn.”
Ám ảnh, day dứt đầy xót xa là những gì toát lên khi đọc Đỗ Hoàng Diệu. Giọng điệu ấy phục vụ cho một ý đồ nghệ thuật chủ đạo mà trên đây đã đề cập. Giọng điệu ấy cũng làm nên một Đỗ Hoàng Diệu với tiếng nói rất riêng, không lẫn với một cây bút nữ nào khác.
Nhìn chung, giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ làm nên cá tính của nhà văn. Nhìn lại chuyện của các cây bút nữ có thể thấy sự đa sắc màu của giọng điệu. Bên cạnh
một “Nguyễn Thị Thu Huệ chao chát và dịu dàng, ngây thơ và từng trải, đớn đau và tin
tưởng cứ trộn lẫn trong văn Nguyễn Thị Thu Huệ tạo nên tính đa cực của ngòi bút nữ có duyên trong lĩnh vực truyện ngắn” [53; 8] ; một Võ Thị Hảo với giọng ngọt ngào,
dịu nhẹ là một Y Ban luôn cất giọng tự vấn để đi tìm một con đường tốt hơn cho người phụ nữ ; một Đỗ Hoàng Diệu với giọng day dứt, ám ảnh và một Lý Lan giản dị, chững chạc luôn lấp lánh niềm tin yêu. Tất cả gặp nhau tại một mạch văn chương nữ tính, điều làm nên sức hấp dẫn quan trọng trong tác phẩm của họ.
KẾT LUẬN
1. Khoa học nghiên cứu về giới với sự phát triển của mình đã góp một tiếng nói quan trọng trong việc nhìn nhận thấu đáo sự phát triển, phụ thuộc và xác lập địa vị giữa hai phái tính trong xã hội. Sự phát triển của lý thuyết giới đã bác bỏ những quan niệm coi sự khác biệt về quyền lợi, địa vị của hai giới trong xã hội có nguyên nhân khách quan từ mặt sinh học, chỉ ra rằng sự khác biệt của hai phái tính bắt nguồn từ sự khác
biệt về những điều kiện văn hóa, tâm lý, xã hội. Đúng như Beauvoir nói : “Người ta
không sinh ra làm đàn bà, người ta trở thành đàn bà”. Về mặt chính trị, xã hội, nó là
tiền đề lý luận để chủ nghĩa nữ quyền phát triển và giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên thế giới những năm 60 của thập kỉ trước. Trong văn học, lý thuyết về giới mở ra những khuynh hướng tiếp cận văn bản mà tiêu biểu là lý thuyết phê bình văn học nữ quyền. Dưới ảnh hưởng của phong trào đấu tranh cho nữ quyền, văn học nữ tự tin lộ diện, bộc lộ hết những ưu điểm mà đặc điểm phái tính của mình đem lại. Thoát thai từ phương Tây, văn học nữ quyền có ảnh hưởng rộng lớn tới các quốc gia châu Á, châu Phi và Việt Nam không là một ngoài lệ. Dòng văn chương nữ đặc sắc sau 1986 đã ghi nhận một khuynh hướng nữ quyền tồn tại và khởi sắc trên văn đàn. Nhìn lại dòng chảy văn học thế giới và trong nước dưới cái nhìn về giới thật sự là bước đi cần thiết trong quá trình nghiên cứu văn học đương đại.
2. Trong số rất nhiều nhà văn nữ đương đại, Y Ban, Lý Lan, Đỗ Hoàng Diệu đã để lại dấu ấn riêng của mình trong công cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới. Từ việc thể hiện khát khao bình đẳng giới trong lĩnh vực chủ thể sáng tác, đến việc khẳng định tên tuổi mình bằng những tác phẩm có giá trị. Văn chương của họ thật sự đã đem đến cho người phụ nữ sự tự tin, quyết tâm đòi hỏi giải phóng mình. Xem xét vấn đề giới được thể hiện trong tác phẩm của các nhà văn nữ, chúng tôi chú ý đến ba đặc điểm:
Thứ nhất, khát vọng bình đẳng giới thể hiện qua việc đề cao người phụ nữ và thể hiện cách lý giải riêng của phụ nữ về đời sống.
Nhân vật nữ trong các sáng tác hiện lên như một chủ thể tự ý thức, tự khẳng định bản thân mình không e dè, phụ thuộc vào định kiến xã hội. Đó là những cô gái độc lập, tự chủ trên hành trình tìm kiếm bản thân, nguồn cội, khao khát hoàn thiện mình trong sáng tác của Lý Lan; người phụ nữ hiện đại không chấp nhận sự ràng buộc của lễ giáo, khao khát được yêu thương, được khẳng định trong truyện của Y Ban và những cô gái thông minh, đa cảm như một “bản năng” trong tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu. Khát vọng bình đẳng giới còn thể hiện ở việc các cây bút nữ thể hiện cái nhìn riêng của mình trong các đề tài rộng lớn như văn hóa, chiến tranh cho đến những câu chuyện của đời