- Việc trả lương phải trên cơ sở năng suất lao động:
TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ ĐÌNH CÔNG
5.1.1. Khái niệm tranh chấp lao động
Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, khi các quan hệ lao động trở nên sống động, đa dạng và phức tạp, mục đích nhằm đạt được lợi ích tối đa trong việc mua bán sức lao động đã trở thành động lực trực tiếp của các bên quan hệ lao động thì tranh chấp lao động trở thành vấn đề khó tránh khỏi. Trong quá trình trao đổi sức lao động đó không phải bất cứ lúc nào người lao động và người thuê mướn lao động cũng dung hòa được với nhau về tất cả các vấn đề. Giữa họ có thể xuất hiện những bất đồng về quyền và lợi ích trong quan hệ lao động. Trong đó có những bất đồng do hai bên có thể thương lượng, thỏa thuận được nhưng cũng có những bất đồng bằng thương lượng giữa các bên sẽ không đạt được kết quả. Trong trường hợp đó, các bên phải nhờ đến người thứ ba hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trên thực tế không phải tất cả những bất đồng về quyền và lợi ích trong lao động đều dẫn đến tranh chấp lao động. Những bất đồng giữa các chủ thể chỉ được coi là tranh chấp lao động khi các bên từ chối thương lượng hoặc đã thương lương mà không giải quyết được, một trong hai bên yêu cầu tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi.
Cũng cần phân biệt tranh chấp lao động với những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau vì phần lớn các trường hợp vi phạm pháp luật lao động là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tranh chấp lao động. Nhưng cũng có trường hợp không có vi phạm pháp luật lao động vẫn có thể dẫn đến tranh chấp lao động.
Điều 157 Bộ luật lao động quy định: “Tranh chấp lao động là những tranh
chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động và người sử dụng lao động”.
Bài giảng Luật Lao động GV: Nguyễn Thị Hà
5.1.2.Phân loại tranh chấp lao động
- Tranh chấp lao động cá nhân: Là tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động. Tranh chấp này chỉ mang tính chất đơn lẻ, cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động chứ không có tính tổ chức, không có sự liên kết tập thể giữa những người lao động với nhau và không có sự tham gia của tổ chức công đoàn.
- Tranh chấp lao động tập thể: Là tranh chấp giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động. Tranh chấp này có thể xảy ra trong phạm vi một bộ phận doanh nghiệp, trong toàn bộ doanh nghiệp hoặc thậm chí trong một phạm vi rộng hơn như trong một ngành. Công đoàn cơ sở là tổ chức đại diện cho tập thể người lao động là chủ thể một bên trong tranh chấp này.