• Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động:
Biểu đồ 2.1: Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động của (%)
( Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán của NHTMCP Á Châu)
Vốn huy động của ACB trong năm 2012, 2013, có xu hướng giảm, biểu hiện ở việc tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động của ACB năm 2012 là -32,02%, sau đó năm 2013, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng âm ở mức -5,15%. Sự thu hẹp của quy mô vốn huy động trong năm 2012, 2013 chủ yếu xuất phát từ sự giảm mạnh của nguồn huy động từ kênh phát hành giấy tờ có giá và vay từ thị trường liên ngân hàng. Nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng trực tiếp của biến cố tháng 8/2012, khi ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB bị bắt giam điều tra về sai phạm trong hoạt động kinh tế, sau đó là hàng loạt lệnh bắt giam nhiều cán bộ cấp cao của ACB đã giáng một đòn mạnh vào ACB. Sự kiện này đã khiến giá gần như tất cả các cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoản TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đồng loại giảm giá. Cùng cú sốc và áp lực đóng trạng thái vàng đã khiến
cổ phiếu ACB giảm một mạch từ 25000 đồng/cp xuống tới gần 15.000 đồng/cp. Điều này dẫn tới nguồn vốn huy động thông qua kênh phát hành GTCG mà chủ yếu là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi vàng giảm hơn 16 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2014, tuy rằng vốn huy động từ phát hành GTCG và vay liên ngân hàng vẫn giảm nhưng vốn từ huy động tiền gửi tăng đã góp phần đẩy tổng vốn huy động từ các nguồn tăng 8,51% so với năm 2014. Việc nguồn vốn tiếp tục được củng cố qua các năm sẽ là điều kiện tốt để ngân hàng mở rộng, phát triển kinh doanh của mình.
• Tỷ trọng vốn tiền gửi trên tổng nguồn vốn huy động:
Bảng 2.1 : Tỷ trọng vốn huy động trên tổng quy mô huy động vốn của ACB giai đoạn 2012-2014(%) Chỉ tiêu 2012 2013 2014 Vốn tiền gửi(triệu đồng) 134.533.483 143.953.772 157.857.731 Tổng vốn huy động từ các nguồn(triệu đồng) 176.307.607 166.598.989 179.609.771 Tỷ trọng vốn tiền gửi/Tổng vốn huy động(%) 76,3% 86,4% 87,9%
(Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán của NHTMCP Á Châu)
Đi sâu vào đánh giá năng lực huy động vốn của ACB, ta thấy rằng quy mô nguồn vốn tiền gửi không ngừng tăng qua 3 năm. Mặc dù năm 2012 xảy ra biến cố lớn đối với ngân hàng, nhưng nhờ có khả năng lãnh đạo, điều hành linh hoạt, khả năng đáp ứng kịp thời về thanh khoản cho khách hàng đã giúp trấn an, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào ngân hàng. Do đó quy mô tiền gửi không những không bị sụt giảm mà còn tăng lên qua các năm. Tính đến năm 2014, quy mô tiền gửi đã tăng hơn 23 nghìn tỷ đồng so với năm 2012. Điều này là một kết quả đáng ghi nhận của ACB xuất phát từ một số nguyên nhân như:
ACB đã liên tục có những sự cải cách và nâng cao về cả chất lượng và phong cách phục vụ. Cùng với đó, ACB còn xây dựng giá trị cốt lõi trong giai đoạn 2014-2018, là chính trực, cẩn trọng, cách tân, hài hòa và hiệu quả, lấy đó là hệ quy chiếu cho các chính sách, định hướng trong mọi hoạt động và coi là hệ quy tắc ứng xử của ACB. Công nghệ ngân hàng hiện đại cũng được ACB chú trọng phát triển đã giúp các giao dịch với khách hàng được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn,…
Bên cạnh đó một nguyên nhân khách quan đến từ sức hấp dẫn giảm xuống của các kênh để giành và tiết kiệm khác. Kể từ sau khi lệnh cấm huy động vàng đưa ra, cùng những nỗ lực của NHNN trong việc chống đô la hóa, các kênh tích trữ vàng và cất giữ ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn, sự lựa chọn tối ưu và minh bạch hơn cả mà khách hàng lựa chọn vẫn là kênh đầu tư vào tiền gửi ngân hàng.
Nguồn vốn tiền gửi không chỉ tăng lên về quy mô mà tỷ trọng trong cơ cấu tổng nguồn vốn của ngân hàng còn không ngừng tăng lên qua các năm. Nếu năm 2013, tỷ trọng nguồn vốn huy động mới chỉ chiếm 76,3% thì đến năm 2014, con số này đã lên đến 87,9%. So với các kênh huy động vốn khác như: phát hành GTCG hay vay vốn trên thị trường liên ngân hàng, thì vốn tiền gửi vẫn được đánh giá là nguồn vốn có chi phí rẻ. Nếu biết sử dụng hiệu quả, nguồn vốn tiền gửi có thể là đòn bẩy tài chính hữu hiệu để nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh.
• Tốc độ tăng trưởng tín dụng:
Biểu đồ 2.2: Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng giai đoạn 2012-2014(%)
(Nguồn: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của một số NHTMCP)
Kết hợp xem xét tăng trưởng tín dụng cùng với quy mô, tỷ trọng dư nợ tín dụng qua các năm, có thể thấy, năm 2012, dưới tác động của biến cố cùng với yêu cầu tất toán toàn bộ trạng thái vàng đã khiến cho tín dụng của ACB gần như không tăng trưởng trong năm 2012. Năm 2013, 2014, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu cải thiện. Năm 2013, nếu so với tốc độ tăng trưởng của ngành 12,51%, thì mức tăng trưởng tín dụng 4,27% còn ở mức thấp, tuy nhiên vẫn rất đáng được ghi nhận, trước bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tổng cầu yếu trong khi ACB thì đang phải vật lộn với việc xử lý hậu quả của biến cố năm 2012.
Bảng 2.2: Tỷ trọng tín dụng trong cơ cấu tài sản của ACB giai đoạn 2012-2014(%)
Chỉ tiêu Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014
Tổng dư nợ tín dụng(Triệu đồng)
101.312.766 105.642.038 114.745.251
Tổng tài sản có(Triệu đồng) 176.307.607 166.598.989 179.609.771
Tỷ trọng tín dụng 57,46% 63,41% 63,79%
Xét về tỷ trọng tín dụng trong cơ cấu tài sản có, nhìn chung có xu hướng tăng lên, điều này cho thấy, hoạt động tín dụng vẫn đóng một vị trí quan trong trong danh mục tài sản sinh lời, và vẫn là khoản mục đóng vai trò chính trong việc tạo ra thu nhập cho ngân hàng. Đến năm 2014, tăng trưởng tín dụng tăng khá cao so với năm 2013. Tín dụng có được sự tăng trưởng đáng kể như vậy là do, sang năm 2014, ACB đang dần thực hiện việc đa dạng hóa ngành nghề cấp tín dụng. Cho vay thương mại và sản xuất, gia công chế biến về cơ bản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ cho vay của ACB, mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 có được là nhờ sự tăng 1.125 tỷ đồng trong cho vay thương mại và 290 tỷ đồng cho vay gia công, chế biến. Tuy nhiên vì sự khó khăn của nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp trong nước phục hồi chậm nên quy mô cho vay thương mại, sản xuất, gia công tuy có tăng nhưng khá khó khăn và nhiều rủi ro. Trước tình hình đó, ACB đã có định hướng phát triển hoạt động tín dụng khá linh hoạt, với việc mở rộng, đa dạng hóa phạm vi cho vay đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực hơn, biểu hiện là sự tăng lên trong quy mô dư nợ cho vay xây dựng, dịch vụ cá nhân và cộng đồng, dịch vụ tài chính, các ngành nghề khác. Đặc biệt năm 2014, dư nợ cho vay các ngành nghề khác tăng tới hơn 6934 tỷ đồng so với năm 2013.
• Tỷ lệ tài sản có sinh lời trên tổng tài sản:
Biểu đồ 2.3: Tỷ lệ tài sản có sinh lời của ACB giai đoạn 2012-2014(%)
(Nguồn: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của NHTMCP Á Châu)
Tài sản có sinh lời trong giai đoạn năm 2012-2014 có nhiều sự biến động. Năm 2012, tỷ trọng tài sản có sinh lời là 95,14%. Đến năm 2013, tỷ trọng tài sản có sinh lời tăng lên mức 97,24%, sau đó năm 2014, tỷ trọng tài sản có sinh lời lại giảm nhẹ xuống mức 96.49%. Năm 2013, quy mô tài sản có sinh lời tuy có sự giảm xuống, nhưng về tỷ trọng lại có sự tăng lên. Năm 2013, trong cơ cấu tài sản có sinh lời, quy mô các khoản mục tiền gửi và góp vốn đầu tư có sự giảm xuống, quy mô khoản mục cho vay khách hàng và chứng khoán đầu tư lại có sự tăng lê. Về cơ bản, danh mục tài sản có sinh lời của ACB có sự tập trung hơn vào những mảng kinh doanh chính của mình như: tín dụng, đầu tư chứng khoán, và giảm dần hoạt động đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết. Tuy quy mô giảm nhưng tỷ trọng tài sản có sinh lời lại
tăng lên, điều này là do, sang năm 2013, ACB có sự giảm mạnh quy mô tài sản không sinh lời là tiền mặt từ 7.096.310 triệu đồng xuống mức 2.043.490 triệu đồng, tức là giảm 5.052.820 triệu đồng. Điều này có thể được lý giải từ chiến lược kinh doanh của nhà điều hành ACB, năm 2012, kết quả từ hoạt động kinh doanh đã phải đón nhận khoản lỗ lớn hơn 1800 tỷ đồng từ hoạt động ngoại hối, hiệu quả hoạt động kinh doanh ảnh hường, do đó ngay sang năm 2013, nhận thấy vấn đề đóng trạng thái vàng đã cơ bản được hoàn thành, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung khá tốt, cùng với đó là những thách thức trong việc khôi phục lại hiệu quả hoạt động kinh doanh, ACB đã có sự điều chỉnh nhẹ trong cơ cấu danh mục tài sản, với sự giảm dần tỷ trọng tài sản không sinh lời, tăng tỷ trọng tài sản sinh lời, để giảm thiểu bớt gánh nặng chi phí, đồng thời tuy không thể mở rộng về quy mô tài sản sinh lời, nhưng chú trọng hơn đến nâng cao chất lượng để nâng cao hiệu quả sinh lời cho tài sản có sinh lời trong ngân hàng. Và kết quả thu được là năm 2013, lợi nhuận của ngân hàng tăng 42.453 triệu đồng so với năm 2012.
Sang đến năm 2014, tỷ trọng tài sản có sinh lời lại có sự giảm nhẹ từ 97,24% xuống 96,49%. Năm 2014, quy mô tài sản không sinh lời mở rộng nhanh hơn quy mô tài sản sinh lời, do đó tỷ trọng tài sản sinh lời có sự giảm nhẹ. Góp phần vào sự tăng lên trong quy mô của tài sản sinh lời chủ yếu vẫn là sự tăng lên của hoạt động đầu tư vào chứng khoán và hoạt động cho vay. Bên cạnh việc phát triển tài sản có sinh lời, để đảm bảo tốt khả năng thanh khoản, ACB có tăng khoản tiền mặt dự trữ thêm 452.797 triệu đồng so với năm 2013. Đồng thời, đầu tư thêm 251.787 triệu đồng vào tài sản cố định, để phát triển hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp đến khách hàng, đóng góp tích cực vào quá trình mở rộng các khoản thu nhập phi lãi từ phí cho ngân hàng.
Nhìn chung, tuy rằng tỷ lệ tài sản có sinh lời có sự biến động lên, xuống qua các năm, nhưng vẫn luôn được ACB duy trì ở mức khá cao, điều này là một trong những định hướng quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ACB.
• Tỷ lệ dư nợ tín dụng/ Tổng nguồn vốn huy động (LDR):
Bảng 2.3: Tỷ lệ dư nợ tín dụng/Tổng nguồn vốn huy động của ACB giai đoạn 2012- 2014 (%)
Chỉ tiêu Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Tổng dư nợ tín dụng (triệu đồng) 102.970.462 107.233.037 115.422.198 Tổng nguồn vốn huy động (triệu đồng) 134.533.483 153.953.772 157.857.731 Tỷ lệ dư nợ tín dụng/Tổng nguồn vốn huy động(%) 77% 70% 73%
(Nguồn: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của NHTMCP Á Châu)
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng nguồn vốn huy động là một trong những tỷ lệ được sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới để thể hiện mối tương quan giữa dư nợ cho vay và vốn huy động. Theo thông tư 13/2010/TT-NHNN thì LDR được quy định đối với ngân hàng là không quá 80%. Tuy nhiên, NHNN đã ban hành thông tư 19/2010/TT-NHNN, theo đó hệ số LDR đang được thả nổi. Nhìn vào hệ số LDR của ACB qua 3 năm ta có thể thấy, hệ số này đang có xu hướng giảm dần. Năm 2014, hệ số này chỉ đạt mức 73%. Nếu ta so sánh với mức quy định trước kia của NHNN theo thông tư 13, cũng như so sánh với nhiều ngân hàng khác cùng quy mô thì có thể đánh giá hệ số LDR của ACB đang ở mức khá thấp.
Biểu đồ 2.4: Tỷ lệ cho vay/huy động-LDR của một số ngân hàng trong hệ thống năm 2014 (%)
( Nguồn: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của một số NHTMCP )
Việc hệ số này ở mức thấp không thực sự tốt đối với hoạt động ngân hàng, vì điều này cho thấy nguồn vốn mà ngân hàng huy động về chưa thực sự được sử dụng hiệu quả. Ngân hàng sẽ phải trả những chi phí nhất định cho nguồn vốn huy động mà họ đang duy trì, trong khi một phần vốn đang không được sử dụng để sinh lời sẽ tạo ra gánh nặng chi phí và làm giảm hiệu quả kinh doanh của ACB. Tỷ lệ LDR của ACB ở mức thấp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
Nguyên nhân khách quan đến từ việc năm 2013, 2014, do nền kinh tế còn phục hồi chậm, tổng cầu yếu, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện, do đó khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp nói riêng cũng như của nền kinh tế nói chung rất thấp.
Nguyên nhân chủ quan đến từ chính sự e ngại từ phía các ngân hàng. Trước tình hình hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn khó lường, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt ACB lại vừa trải qua biến cố lớn, chính điều này đã khiến ngân hàng dè dặt, thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng. Đây cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến cho ACB là một trong những ngân hàng có hệ số LDR thấp trong hệ thống.