Nhóm chức năng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện quản trị nguồn nhân lực tại trường Cao đẳng nghề số 8 đến năm 2020 (Trang 25)

6. Kết cấu luận văn

1.3.2.Nhóm chức năng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Nhóm chức năng này chú trọng vào việc xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo, lựa chọn hình thức và chính sách đào tạo, nhằm nâng cao năng lực của nhân viên, đảm bảo cho nhân viên trong doanh nghiệp có các kỹ năng, trình độ và nhận thức cần thiết để hoàn thành tốt công việc được giao, tạo điều kiện cho các nhân viên được phát triển tối đa năng lực cá nhân. Bên cạnh việc đào tạo mới còn có các hoạt động đào tạo lại nhân viên khi có sự thay đổi về qui mô sản xuất, kinh doanh hay quy trình công nghệ, kỹ thuật. Nhóm chức năng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thường có các hoạt động như: hướng nghiệp, huấn luyện, đào tạo kỹ năng thực hành cho công nhân; bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề và cập nhật kiến thức quản lý, kỹ thuật công nghệ cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ.

Đào tạo, được xem như là một yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược của tổ chức, chất lượng của nhân viên đã trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của các doanh nghiệp và thực tế đã chứng minh rằng, đầu tư vào nguồn nhân lực có thể mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với việc đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và các yếu tố khác của quá trình sản xuất và kinh doanh, GARRY BECKER, người Mỹ đạt giải thưởng Nobel năm 1992 đã khẳng định “không có đầu tư nào mang lại nguồn lợi lớn như đầu tư vào nguồn lực, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục”. Đó cũng chính là lý do vì sao các nhà lãnh đạo cần phải chú trọng hàng đầu đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của mình.

Trong các tổ chức, vấn đề đào tạo và phát triển được áp dụng nhằm:

- Trực tiếp giúp nhân viên thực hiện công việc tốt hơn, đặc biệt khi nhân viên thực hiện công việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn mẫu, hoặc nhân viên có sự thay đổi về vị trí, nhiệm vụ công việc theo yêu cầu của tổ chức.

- Cập nhật các kỹ năng, kiến thức mới cho nhân viên, giúp họ có thể áp dụng thành công các thay đổi công nghệ, kỹ thuật trong doanh nghiệp/tổ chức.

- Tránh tình trạng quản lý lỗi thời, giúp các nhà quản trị áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến, phù hợp được với những thay đổi về qui trình công nghệ, kỹ thuật và môi trường kinh doanh.

- Giải quyết các vấn đề tổ chức. Đào tạo và phát triển có thể giúp các nhà quản trị, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân và giữa Công đoàn và các nhà quản trị, đề ra các chính sách về quản lý nguồn nhân lực của doanh nghiệp có hiệu quả.

- Hướng dẫn công việc cho nhân viên mới. Bởi chính họ sẽ thường gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong những ngày đầu làm việc trong tổ chức, doanh nghiệp. Các chương trình định hướng công việc đối với nhân viên mới sẽ giúp họ mau chóng thích ứng với môi trường làm việc của doanh nghiệp.

- Chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kế cận. Đào tạo và phát triển còn giúp cho nhân viên có được những kỹ năng cần thiết cho các cơ hội thăng tiến và thay thế cho các cán bộ quản lý, chuyên môn khi cần thiết.

- Thỏa mãn nhu cầu phát triển cho nhân viên. Khi được trang bị những kỹ năng chuyên môn cần thiết sẽ kích thích nhân viên thực hiện công việc tốt hơn, đạt được nhiều thành tích cao hơn, muốn được trao những nhiệm vụ mang tính thách thức hơn và có nhiều cơ hội thăng tiến cao hơn.

Xu thế ngày nay, nguồn lực đang trở thành vũ khí cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, sự thành bại của mỗi doanh nghiệp, tổ chức sẽ luôn gắn chặt với chính sách và chiến lược phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là phát triển giáo dục. Không thể có được hiệu quả như mong muốn, nếu không thực hiện tốt vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho tổ chức/doanh nghiệp của mình. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tổ chức, khả năng lãnh đạo và khả năng tư duy, xét đoán tình

hình, nhìn nhận những mâu thuẫn giữa thực tại của doanh nghiệp với xu thế chung, điều quan trọng hơn cả là thái độ, quan điểm và quyết tâm đổi mới của các nhà quản trị trong tư duy chiến lược về nguồn nhân lực của doanh nghiệp/tổ chức.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện quản trị nguồn nhân lực tại trường Cao đẳng nghề số 8 đến năm 2020 (Trang 25)