Điều kiện nhà trồng
Nhà trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm. Thiết kế nhà trồng tốt nhất là nhà lá, phủ cát phía dưới nền và che màng xung quanh để giữ ẩm cho tốt. Tùy mỗi loại nấm mà có khoảng nhiệt độ và độ ẩm thích hợp khác nhau. Ngoài ra, khoảng nhiệt độ và độ ẩm của từng loài nấm cũng khác nhau trong từng giai đoạn sinh trưởng của nấm. Tuy nhiên, nhìn chung thì nhiệt độ thích hợp của
nhà trồng nấm bào ngư xám (Pleurotus sajor – caju) khoảng 25-30oC, độ ẩm 70-95% (Lê Duy Thắng, 2006), phải bảo đảm thoáng khí cho nhà trồng và ánh sáng nhẹ để hệ sợi nấm phát triển tốt. Điều kiện nhà trồng ảnh hưởng quan trọng đến sự sinh trưởng của hệ sợi nấm cũng như năng suất nấm. Các bịch phôi được chất lên kệ, theo hàng, mỗi hàng gồm 8 kệ, mỗi kệ chất được 28-30 bịch phôi (nhà trồng nấm của DNTN Nấm Việt ).
Trồng và chăm sóc nấm
Lúc mới đem bịch phôi vào nhà trồng không được tháo nút bông và không được tưới nước trực tiếp vào bịch phôi. Chỉ tưới nước dưới nền để giữ độ ẩm không khí (tùy theo điều kiện tự nhiên có thể tưới khoảng 1 lần/ngày hoặc không).
Quan sát và ghi nhận sự biểu hiện của bịch phôi (biểu hiện của bịch bị nhiễm, tốc độ tăng trưởng của tơ nấm, độ dày của tơ nấm) đến khi nào hệ sợi nấm phát triển tốt và lan khắp khối cơ chất (kéo tơ có màu trắng đồng nhất và có thể có cả các bào tử đen hình thành). Khi tơ nấm đã phát triển và lan khắp khối cơ chất, đồng thời không bị nhiễm nấm mốc hay tạp khuẩn thì tiến hành tưới rửa bịch phôi, sau đó 1 ngày tháo nút bông ở cổ bịch phôi và chỉ tưới dưới nền để giữ độ ẩm cho nhà trồng, 2 ngày sau khi tháo nút bông mới được tưới phun sương trực tiếp lên bịch. Lúc đầu thì chỉ tưới trực tiếp lên bịch phôi khoảng 1 lần/ngày, đến khi quả thể nấm xuất hiện và phát triển ra phía ngoài bịch thì tăng cường tưới trực tiếp lên bịch khoảng 2-4 lần/ngày tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Việc tưới nên tưới lúc sáng sớm, trưa và chiều mát, nếu buổi trưa nắng nóng quá thì có thể tưới 2 lần.
Quan sát sự phát triển của nấm, nếu quan sát phía sau bịch phôi có sự xuất hiện của các nụ nấm (nhỏ) thì tiến hành rạch bịch phía trước đầu nụ nấm khoảng 2cm để cho nụ nấm chui ra và phát triển. Cũng có thể rạch 2 bên thân bịch phôi, chiều dài từ 1-2cm, nhưng việc rạch bịch nhiều quá làm cho tai nấm có kích thước nhỏ và thời gian thu hoạch nấm càng rút ngắn. Chú ý, việc rạch bịch phải tiến hành trước khi tưới hoặc sau khi tưới bịch phôi ít nhất là 3 giờ.
Nhận biết một số bịch phôi nhiễm nấm lúc trồng
Các bịch phôi bị nhiễm nấm mốc, nấm gió, ấu trùng ruồi non, nấm nhầy hoặc tạp khuẩn có thể quan sát bằng mắt thường thì không được tháo nút gòn ra mà phải loại bỏ những bịch phôi đã bị nhiễm để tránh lây nhiễm cho những bịch phôi còn lại.