Tăng huyết áp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu microalbumin niệu và một số yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 (Trang 71)

- Creatinine

4.2.7.Tăng huyết áp

Chƣơng 4 BÀN LUẬN

4.2.7.Tăng huyết áp

Một trong các biến chứng thường gặp của đái tháo đường là tăng huyết áp và từ biến chứng THA, bệnh có thể đưa đến các biến chứng khác nặng hơn như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tổn thương thận trong đái tháo đường. Các biến chứng này sẽ góp phần làm bệnh ĐTĐ nặng lên nhanh chóng, từ đó làm tăng huyết áp nặng hơn.

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 70,9% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có tăng huyết áp (theo tiêu chuẩn THA cho người đái tháo đường theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Mỹ 2011), tỉ lệ THA giữa nhóm MAU (+) cao hơn so với nhóm có MAU (-), sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ THA giữa nhóm MAU (+) và MAU (-) (58,5% so với 41,5%, p<0,001) những trường hợp bệnh nhân THA có nguy cơ MAU (+) cao gấp 8,3 lần so với trường hợp HA bình thường. Nhóm THA có MAU trung bình cao hơn nhóm không THA có ý nghĩa (p < 0,01).

Sự xuất hiện MAU ở bệnh nhân THA là do tăng áp lực cầu thận dẫn đến tổn thương tế bào nội mạc gây phóng thích các chất vận mạch đồng thời gây tổn thương tế bào biểu mô làm mất chất glycoprotein, do đó mất khả năng lọc protein theo điện tích. Hậu quả làm tăng thoát protein ra nước tiểu, mà thành phần chủ yếu là albumin (do tổn thương ở cầu thận), lúc đầu với lượng rất nhỏ gọi là microalbumin niệu.

Theo tác giả Hồ Hữu Hóa (2009), Nguyễn Đức Ngọ (2009), Nguyễn Văn Quýnh (2005), Võ Xuân Sang (2010), Hồ Xuân Sơn (2007) nhận thấy THA ở nhóm MAU (+) cao hơn nhóm MAU (-) có ý nghĩa thống kê [6], [9], [13], [14], [15].

Tác giả Đào Thị Dừa (2010) nhóm bệnh nhân ĐTĐ kèm THA, béo phì có tỉ lệ bệnh thận đái tháo đường cao [5].

Tác giả Ki-Up Lee (1995) THA là yếu tố liên quan microalbumin niệu [49]. Merilyn G. Goldschmid (1995) nghiên cứu “Bệnh ĐTĐ ở đô thị người Mỹ gốc Phi” cho thấy tăng nguy cơ microalbumin niệu liên quan đến THA và làm chậm tiến triển bệnh thận liên quan đến kiểm soát tăng huyết áp [41].

Theo tác giả Leo K. Niskanen (1996) sự phát triển albumin niệu liên quan đến THA và nồng độ insulin lúc đói [60].

Qua nghiên cứu của Ranjit Unnikrishnan (2007), Joong-Yeol Part (1998) HA tâm thu là yếu tố nguy cơ phổ biến của albumin niệu [63], [78].

Søren Nielsen (1995) “Albumin niệu và HA 24h ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có và không có albumin” thấy rằng tiến triển albumin niệu liên quan với sự gia tăng HATTh, HATTr 24h [59].

Graziela Bruno (1996) nghiên cứu trên bệnh nhân ĐTĐ ở Ý cho thấy ở sự so sánh với nhóm không có microalbumin niệu, cả hai nhóm có microalbumin niệu và protein niệu có TGPHB dài hơn có ý nghĩa, HATTh, đường máu đói, HbA1c, hút thuốc lá, acid uric, HATTr cao hơn [31].

Như vậy, có thể thấy tăng huyết áp có vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh thận đái tháo đường. Ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp vừa là hậu quả vừa là yếu tố thúc đẩy sự tiến triển của bệnh lý cầu thận. Do vậy việc kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường có vai trò quan trọng trong việc làm giảm biến chứng thận. Nhiều nghiên cứu thấy rằng điều trị các thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin có thể làm chậm tiến

triển bệnh thận vì đều có tác dụng giảm protein niệu và kiểm soát huyết áp tốt hơn [28], đặc biệt làm giảm khoảng 60-70% nguy cơ tiến triển từ microalbumin niệu đến protein niệu [36].

Takashi Uzu (2007) trong thử nghiệm SMART “Sự giảm microalbumin niệu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2” Phân tích hiệu quả của ức chế RAS trong việc làm giảm HA và kết quả về thận. So sánh giữa 2 nhóm bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có thời gian phát hiện ĐTĐ ít nhất 5 năm và có microalbumin niệu, HA ≥ 130/80 và ≤ 180/110 có dùng thuốc hạ HA ức chế RAS và nhóm HA ≥ 140/90 và ≤ 180/110 không dùng thuốc hạ HA, nhóm dùng thuốc HA thấp hơn và ngăn được biến chứng thận. Và ở nhóm có dùng thuốc hạ HA chia làm 2 nhóm dùng Valsartan và nhóm dùng Amlodypin nhóm dùng Valsartan giảm microalbumin niệu hơn. Vì vậy ARBs có thể được xem là thuốc lựa chọn đầu tiên ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 và microalbumin niệu [79].

Tác giả Nicola Joss (2002) trong một nghiên cứu về bệnh mạch máu và sự sống còn ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 và bệnh thận cho thấy nhóm dùng ức chế men chuyển có albumin niệu thấp hơn có ý nghĩa với ACR 251 mg/mmol so với 336 mg/mmol ở nhóm không dùng ức chế men chuyển [44].

Gen Yasuda (2005) nghiên cứu ảnh hưởng của Losartan và Amlodipin trên bài xuất albumin niệu và HA lưu động ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có tăng huyết áp với bệnh thận đã hình thành, kết quả ở nhóm dùng losartan HA giảm, nhóm dùng amlodipin HA cũng giảm nhưng ở nhóm dùng losartan bài xuất albumin niệu giảm còn nhóm dùng amlodipin thì không [83].

Qua 3 nghiên cứu lớn: Irbesartan ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 và microalbumin niệu (IRMA2) [65], chiến dịch Irbesartan ở bệnh thận ĐTĐ (IDNT) [50] là giảm điểm cuối ở bệnh nhân ĐTĐ không phụ thuộc insulin với Angiotensin II đối kháng Losartan (RENAAL) [30] cho thấy ức chế thụ thể nên được xem là lựa chọn đầu tiên cho giai đoạn sớm và khi đã có BTĐTĐ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu microalbumin niệu và một số yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 (Trang 71)