Điều 390, khoản 1, Bộ luật Dân sự 2005 qui định: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị của các bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”. Qui định này cho thấy hai đặc điểm cơ bản của một đề nghị giao kết hợp đồng: (1) thứ nhất, đề nghị được gửi cho bên đã xác định được; và (2) thứ hai, thể hiện ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị của bên đề nghị.
Điều 390, khoản 2, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh. Các qui định này không nêu được rõ ngoại diên của khái niệm đề nghị giao kết hợp đồng. Thông thường ngoại
diên của “đề nghị” (offer) được thế giới, cũng như Công ước Viên 1980 quan niệm là “đề xuất” (proposal). Đó chính là các thuật ngữ. Trong khi đó từ “đề nghị giao kết hợp đồng” quá dài dòng không có tính chất là một thuật ngữ pháp lý. Vì vậy nghiên cứu sửa đổi lại từ ngữ này là cần thiết.
Một đề nghị giao kết hợp đồng, để được coi là chào hàng, phải thỏa mãn các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, đề nghị đó phải được xác định cụ thể. Điều này có nghĩa là xuất phát từ nội dung của nó bên được chào hàng có khả năng hiểu được ý chí của bên chào hàng. Thông thường một đề nghị được coi là xác định nếu có chứa các nội dung của hợp đồng tương lai. Bất kỳ sự không xác định nào liên quan đến nội dung của hợp đồng tương lai, quyền và nghĩa vụ cũng như đối tượng của hợp đồng đều có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau về nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng và điều này có thể làm cho đề nghị giao kết hợp đồng mất đi chức năng, mục đích của một chào hàng. Quảng cáo hay lời mời chào hàng thường là không xác định, bởi lẽ chúng không có các nội dung của một hợp đồng tương lai.
Thứ hai, đề nghị giao kết hợp đồng phải thể hiện được sự ràng buộc của bên chào hàng với lời đề nghị của mình trong trường hợp được bên được chào hàng chấp nhận. Yêu cầu nói trên có nghĩa là chào hàng phải được lập như thế nào đó để cho phép bên được đề nghị biết được rằng, để ký hết hợp đồng chỉ cần họ thể hiện sự đồng ý của mình với chào hàng. Dấu hiệu này cùng với dấu hiệu thứ nhất cho phép phân biệt chào hàng với lời mời để đối tác đưa ra chào hàng.
Thứ ba, chào hàng phải được gửi cho một người hay một số người cụ thể, tức là địa chỉ gửi đến phải được xác định rõ ràng. Lời mời chào hàng mặc dù được gửi cho một hay một số người xác định, tuy nhiên nó không thể hiện được sự ràng buộc của bên đưa ra đề nghị. Quảng cáo thường không
được gửi cho một người xác định nào mà nó chỉ có mục đích thông báo, giới thiệu cho tất cả những người quan tâm về một loại sản phẩm nào đó của người đưa ra quảng cáo.
Từ sự phân tích nói trên, có thể thấy, khoản 1, Điều 390, Bộ luật Dân sự 2005 cần phải được sửa đổi như sau: Đề nghị giao kết hợp đồng được gửi cho một hay một số người xác định được coi là chào hàng nếu đề nghị đó được xác định và thể hiện được ý định của người chào hàng chịu sự ràng buộc trong trường hợp đề nghị được chấp nhận. Chào hàng phải có các điều khoản chủ yếu của hợp đồng.
Vấn đề tiếp theo là giá trị pháp lý của một đề nghị giao kết hợp đồng được coi là chào hàng. Lý thuyết về ký kết hợp đồng chỉ ra rằng, có hai loại chào hàng: thứ nhất, chào hàng có quy định thời hạn trả lời và thứ hai, chào hàng không quy định thời hạn trả lời. Khi xem xét khoản 1, Điều 390, Bộ luật Dân sự 2005 có thể nhận thấy pháp luật Việt Nam có quy định chào hàng không quy định thời hạn trả lời, tuy nhiên giá trị pháp lý của nó lại không được nói đến. Thực vậy điểm a, khoản 1, Điều 392, Bộ luật Dân sự 2005 quy định rằng, bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị. Theo tôi, điều khoản này chỉ quy định giá trị pháp lý của chào hàng có quy định thời hạn trả lời. Bởi vì quy định này có thể hiểu là trong khoảng thời gian từ thời điểm bên được đề nghị nhận được đề nghị đến khi kết thúc thời hạn trong đề nghị, bên đề nghị không được rút lại hay hủy đề nghị của mình. Mặt khác sẽ hết sức vô lý nếu quy định trên được áp dụng cho cả đề nghị giao kết hợp đồng không quy định thời hạn trả lời bởi vì không quy định khoảng thời gian hiệu lực của nó. Vậy thì đối với chào hàng không quy định thời hạn trả lời bên đề nghị có thể rút lại hoặc hủy lời đề nghị của mình
khi nào? Hay nói cách khác là bên được đề nghị giao kết hợp đồng phải trả lời trong thời hạn nào thì trả lời đó mới được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nhiều nước, kể cả Công ước Viên 1980 không những chỉ có sự điều chỉnh đối với đề nghị giao kết hợp đồng được coi là chào hàng có quy định thời hạn trả lời mà còn có sự điều chỉnh đối với chào hàng không quy định thời hạn trả lời. Khoản 1, Điều 16, Công ước Viên 1980 quy định, bên đề nghị có thể rút lại đề nghị nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc rút lại chào hàng trước khi trả lời chấp nhận. Điều 145, Bộ luật Dân sự Đức 1900 quy định, trong trường hợp chào hàng không quy định thời hạn trả lời thì bên chào hàng chịu sự ràng buộc trong thời hạn hợp lý, tức là trong thời hạn hợp lý đó bên chào hàng không được thay đổi hay hủy lời đề nghị của mình. Điều này có nghĩa là nếu bên được đề nghị đưa ra sự chấp nhận trong thời hạn hợp lý đó thì hợp đồng sẽ được ký kết. Khoản 1, Điều 441, Bộ luật Dân sự Liên bang Nga 1994 quy định rằng, khi chào hàng bằng văn bản không quy định thời hạn trả lời, hợp đồng được coi là đã ký kết nếu bên chào hàng nhận được sự trả lời chấp nhận của bên kia trước thời hạn do pháp luật quy định, nếu pháp luật không quy định thì trong thời hạn hợp lý cần thiết cho việc chấp nhận. Thời hạn hợp lý được quy định trong pháp luật của Đức, Liên bang nga trong từng trường hợp cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khoảng cách giữa các bên, phương tiện thông tin, tính chất của hợp đồng tương lai… Theo nguyên tắc, thời hạn hợp lý này được xác định bởi khoảng thời gian giữa ngày bên được đề nghị nhận được chào hàng và ngày bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận.
Từ những gì được nói ở trên, tôi nghĩ rằng, trong Bộ luật Dân sự Việt Nam nên chăng cũng cần phải có quy định cụ thể hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng không có quy định thời hạn trả lời.