Xu thế toàn cầu hóa ngày càng thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại. So với các lĩnh vực khác như sản xuất và dịch vụ, thì mua bán hàng hóa luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc tế. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hình thức pháp lý của mua bán hàng hóa quốc tế, do đó ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế nói riêng và trong giao lưu quốc tế nói chung.
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có các các ý nghĩa pháp lý sau:
Thứ nhất, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thể hiện ý chí của các bên tham gia giao kết hợp đồng.
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thể hiện sự tự nguyện của các bên khi tham gia giao kết. Đây là căn cứ cơ bản nhằm đảm bảo một nguyên tắc cơ bản của hợp đồng. Ý chí của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được thể hiện thông qua các nội dung mà các bên đã cùng nhau xây dựng trong hợp đồng. Các điều mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng chỉ có hiệu lực khi nó thực sự thể hiện sự thống nhất ý chí của các bên. Hợp đồng có thể bị vô hiệu nếu có sự nhầm lẫn, lừa dối hay đe dọa, có nghĩa là không có sự tự nguyện hay không có sự thống nhất ý chí của các bên vì vậy không làm phát sinh ra quyền và nghĩa vụ của các bên.
Ý nghĩa quan trọng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chính là sự ghi nhận tự do thể hiện ý chí của các bên trong hợp đồng.
Thứ hai, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là công cụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng song vụ có đền bù vì vậy thể hiện rõ mối quan hệ tiền – hàng. Các bên có quyền thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của mình và của đối tác với mục đích đảm bảo quyền và lợi ích của đôi bên, theo đó, một bên có quyền nhận hàng theo đúng thỏa
thuận, và bên kia có quyền nhận tiền (giá bán) theo thỏa thuận. Các bên đều có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ của họ. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu hình thức hợp đồng bằng văn bản. Nó chính là công cụ biểu hiện ý chí cụ thể của các bên [7, tr. 24]. Và như vậy nếu một bên vi phạm thì đó là công cụ để bảo vệ hữu hiệu quyền và lợi ích của bên kia. Qua văn bản hợp đồng tòa án hoặc cơ quan tài phán có thể xác định ý chí của các bên vào thời điểm giao kết hợp đồng. Cũng qua hợp đồng tòa án hoặc cơ quan tài phán có thể giải thích được ý chí của các bên trong hợp đồng, nhằm giải quyết những bất đồng của các bên có liên quan đến hợp đồng. Cũng qua hợp đồng tòa án hoặc cơ quan tài phán có thể xác định được lỗi của các bên để từ đó đưa ra những chế tài thích hợp nhằm đảm bảo công bằng và lợi ích cho bên bị vi phạm.
Thứ ba, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giúp các quốc gia kiểm soát hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa
Ngoài vai trò đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, hợp đồng mua bán hàng hóa còn là công cụ giúp các cơ quan chức năng của các quốc gia kiểm soát được hoạt động kinh doanh khi xuất nhập khẩu hàng hóa. Thông qua các hoạt động kiểm tra hoạt động kinh doanh của các thương nhân, thông qua kiểm tra các hợp đồng, các giao dịch của các chủ thể mà các quốc gia có thể nắm được hoạt động kinh doanh của các thương nhân. Từ hoạt động kiểm tra, nắm số liệu thương mại quốc tế này, nhà nước có thể kịp thời điều chỉnh các chính sách thương mại quốc tế của mình.
Qua kiểm tra, nhà nước có thể phát hiện ra các sai phạm của các thương nhân mắc phải trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Đồng thời qua công tác kiểm tra các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của các thương nhân, nhà nước có thể ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của thương trường. Những
thay đổi phù hợp sẽ tạo điều kiện để thương nhân có thể giao kết hợp đồng một cách thuận lợi và an toàn hơn với thương nhân nước ngoài. Những thay đổi này góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại quốc tế phát triển, qua đó nền kinh tế quốc dân phát triển.
CHƢƠNG 2
SO SÁNH CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA
CÔNG ƢỚC VIÊN 1980 VỚI PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ