Tự do thoả thuận là một nguyên tắc quan trọng bậc nhất của hợp đồng. Điều đó dẫn đến hệ quả là các bên có quyền lựa chọn hình thức thích hợp của hợp đồng. Có thể chia hình thức của hợp đồng thành hai loại: (1) Hình thức chứng cứ; và (2) hình thức kết cấu nội dung [5]. Hình thức chứng cứ là sự bộc lộ vật chất của sự thống nhất ý chí giữa các bên trong quan hệ hợp đồng, có thể có bốn hình thức: văn bản, lời nói, cử chỉ và sự im lặng. Mục này chỉ nói tới hình thức chứng cứ của hợp đồng. Còn hình thức kết cấu nội dung của hợp đồng được nghiên cứu tại mục nói về đề nghị giao kết hợp đồng bởi sự gắn bó chặtt chẽ của nó với các điều kiện cụ thể của hợp đồng [8, tr 38].
Mặc dù các bên có quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng, thế nhưng thông thường để bảo đảm an toàn pháp lý trong giao kết hợp đồng, cũng như để bảo vệ trật tự công cộng hoặc lợi ích của bên yếu thế, đối với một số loại hợp đồng, pháp luậtquốc gia cũng như quốc tế đòi hỏi người giao kết hợp đồng phải tuân theo những hình thức nhất định. Bộ luật Dân sự 2005 tại Điều 122, khoản 2 qui định hình thức hợp đồng là một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp pháp luật có qui định. Tiếp đó Điều 134 của Bộ luật này qui định:
“Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.
Hình thức của hợp đồng là cách thức thể hiện ý chí ra bên ngoài dưới hình thức nhất định của các chủ thể hợp đồng. Thông qua cách thức biểu hiện này, người ta có thể biết được mối quan hệ hợp đồng và nội dung của hợp đồng đã được xác lập. Hình thức của hợp đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng, bởi đó là chứng cứ xác nhận các quan hệ thuỷong mại đã và đang tồn tại giữa các bên, từ đó xác định trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra. Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch phải được thể hiện bằng hình thức văn bản hoặc phải được công chứng, chứng thực, đăng ký hay xin phép thì các bên phải tuân thủ quy định về hình thức khi giao kết hợp đồng.
Việc đưa ra hình thức bắt buộc đối với một số loại giao dịch là nhằm mục đích lưu ý các bên cần thận trọng hơn khi giao kết kinh doanh và nhằm đảm bảo tính rõ ràng của việc tồn tại các giao dịch kinh doanh, quyền và nghĩa vụ cũng như đặc điểm của quan hệ pháp luật kinh doanh.
Pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Thương mại 2005 qui định:
“1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó” (Điều 24).
“1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (Điều 401).
Các qui định này không có nhiều sự khác biệt với Công ước Viên 1980, trừ việc dành quyền cho pháp luật yêu cầu về hình thức hợp đồng trong trường hợp cần thiết. Công ước Viên 1980 qui định lời nói hoặc một hành vi biểu thị sự đồng ý với chào hàng được xem là chấp nhận và có hiệu lực pháp lý đối với các bên (khoản 1, Điều 18). Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy: để tránh những sự hiểu lầm không cần thiết, thông thường mọi thỏa thuận cần được ghi lại thành văn bản, nhất là trong trường hợp mua bán hàng hóa quốc tế bởi trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên thường không có cùng ngôn ngữ, không cùng một hệ thống pháp luật và có trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau. Do vậy, nếu hợp đồng chỉ được biểu hiện dưới hình thức lời nói hay cử chỉ, thì sẽ dẫn đến khó khăn trong trường hợp cần phải chứng minh [8, tr 31].
Công ước Viên 1980 đã có đồng quan niệm với pháp luật Việt Nam về ý nghĩa pháp lý của sự im lặng. Theo Điều 18, khoản 1 của Công ước này sự im lặng hay không hành động không đương nhiên được xem là sự đồng ý (chấp nhận). Có thể Công ước đã dành sự đánh giá giá trị pháp lý của sự im lặng hay không hành động cho pháp luật quốc gia. Bộ luật Dân sự 2005 qui định:“Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả
lời chấp nhận giao kết” (Điều 404, khoản 2). Các qui định này của Bộ luật Dân sự 2005 đã chi tiết hơn Công ước Viên 1980 về ý nghĩa pháp lý của sự im lặng và điều kiện có giá trị pháp lý của sự im lặng. Tuy nhiên các điều kiện để sự im lặng được xem là chấp nhận theo pháp luật Việt Nam quá thiếu chi tiết để có thể áp dụng. PGS. TS. Ngô Huy Cương phân tích: Cần phải giải thích sự thoả thuận của hai bên về im lặng được thể hiện ở đâu: (1) Trong nội tại của đề nghị rồi được người được đề nghị thông báo đồng ý riêng về vấn đề đó; hay (2) trong đề nghị bổ sung rồi được người được đề nghị thông báo chấp nhận vấn đề đó trong đề nghị bổ sung; hay (3) trong một thoả thuận khác; hay (4) trong tập quán; hay (5) trong thói quen quan hệ giữa hai bên. PGS. TS. Ngô Huy Cương phân tích thêm Unidroit đã có sự nhắc nhở: người đề nghị không thể đơn phương tuyên bố trong đề nghị của mình rằng đề nghị được coi là chấp nếu không trả lời hoặc giữ im lặng, bởi người đề nghị là bên đề xướng hợp đồng và người được đề nghị có quyền tự do lựa chọn hoặc phớt lờ đề nghị [2, tr. 529].
Theo quan điểm của Bộ môn Luật kinh tế thuộc Trường Đại học kinh tế quốc dân, Công ước Viên 1980 và văn bản pháp luật quốc gia là các nguồn pháp luật có gắn bó với nhau trong việc điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Vì vậy trong “Giáo trình luật Thương mại quốc tế” của mình, họ đã dẫn cả các văn bản pháp luật của Việt Nam bên cạnh các qui định của Công ước Viên 1980 [6, tr. 91 -95]. Quan niệm này là phù hợp bởi một điều ước quốc tế dù có tính bao quát và chi tiết bao nhiêu chăng nữa cũng không đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh.