Các nhân tố bên ngoài là những nhân tố mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được nó. Doanh nghiệp chỉ có thể điều chỉnh những hoạt động kinh doanh cùa mình để lợi dụng những thời cơ, thuận lợi mà các yếu tố này mang lại và hạn chế bớt những rủi ro mà doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu do tác động của những yếu tố thuộc môi trường kinh doanh bên ngoài. Nó thuộc môi trường vĩ mô và môi trường vi mô.
Môi trường vĩ mô:
Việc xác định, tìm hiểu thông tin về các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô giúp doanh nghiệp trả lời câu hỏi: hiện nay doanh nghiệp đang phải đối phó với những vấn đề gì? Trong môi trường vĩ mô có 5 yếu tố quan trọng có tác động tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là:
- Các yếu tố kinh tế:
Đây là yếu tố rất quan trọng bao trùm và ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó bao gồm các nhân tố sau: tỷ lệ tăng trưởng quốc gia, các chính sách tài khoá của nhà nước, các chính sách về thuế, lãi suất ngân hàng, tỷ lệ lạm phát, chu kỳ kinh tế, cán cân thanh toán, chính sách tiền tệ, tỷ lệ thất nghiệp, tổng thu nhập quốc dân.
Nếu nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, ổn định sẽ làm cho thu nhập bình quân của dân cư tăng lên dẫn đến nhu cầu mua của toàn xã hội sẽ tăng lên tạo ra tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh. Ngoài ra, khi tốc độ tăng
trưởng kinh tế cao thì hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cao, các doanh nghiệp vừa giải quyết được đời sống cho người lao động, vừa tái đầu tư phát triển làm cho khả năng tích tụ tập trung vốn cao dẫn đến nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tăng lên.
- Các yếu tố về chính trị và pháp luật:
Các yếu tố này có ý nghĩa đặc biệt đối với các doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường thế giới. Nó bao gồm: những yếu tố chính trị, pháp luật do Chính phủ đề ra: các chính sách, qui chế, định chế, luật lệ, chế độ tiền lương, thủ tục hành chính, hệ thống các văn bản pháp luật như luật doanh nghiệp, luật bảo hiểm xã hội và mức độ ổn định về tình hình chính trị của quốc gia , tính bền vững của Chính phủ.
Yếu tố về chính trị tuy là gián tiếp nhưng nó chi phối tổng thể và toàn diện đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Còn về luật pháp, nếu như hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định cộng với việc thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp thì nó sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý để đảm bảo quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các yếu tố về văn hóa, xã hội: những yếu tố này là nhân tố chính trong việc hình thành thị trường sản phẩm, dịch vụ. Đây là những yếu tố có tính biến đổi chậm nên dễ bị các doanh nghiệp lãng quên khi xác định các vấn đề chiến lược, trong một số trường hợp có thể đưa doanh nghiệp đi đến những thất bại nặng nề. Nhưng một khi nó đã tác động thì nó lại ảnh hưởng đối với môi trường kinh doanh một cách sâu sắc.
Các yếu tố này bao gồm: tỷ lệ gia tăng dân số, cơ cấu dân cư về độ tuổi, giới tính , những chuẩn mực đạo đức, các phong tục tập quán, các giá trị văn hoá của quốc gia, địa phương mà doanh nghiệp đó đặt tại đó.
- Các yếu tố về tự nhiên:
Các yếu tố tự nhiên có thể tạo ra những thuận lợi hay khó khăn ban đầu trong việc phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với một số ngành thì các yếu tố tự nhiên là tài sản vô giá đối với sự phát triển của ngành chẳng hạn như ngành du lịch. Các yếu tố này bao gồm khí hậu, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nguồn năng lượng, môi trường tự nhiên của quốc gia, địa phương.
- Các yếu tố khác
Chúng bao gồm sự phát triển của khoa học công nghệ, về vấn đề dân số, tài nguyên, môi trường nói chung, sự hội nhập của các quốc gia đối với khu vực và thế giới. Sự ảnh hưởng của các yếu tố này cũng rất đáng kể đến kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, đứng trên góc độ vĩ mô cần thiết phải quan tâm đến tác động của chúng để có thể chủ động trong việc tận dụng những thuận lợi, thời cơ và hạn chế những rủi ro, thách thức đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Môi trường vi mô
Môi trường vi mô có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nó quyết định tính chất cũng như mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Việc chúng ta xác định ảnh hưởng của môi trường vi mô đến hoạt động của doanh nghiệp cũng
là đồng thời tìm ra cơ hội cũng như thách thức của môi trường này tới doanh nghiệp. Các yếu tố tác động mà ta có thể xác định bao gồm:
- Quyền lực của khách hàng
Khách hàng là những người mua hàng hóa hay dịch vụ của doanh nghiệp, khách hàng thực hiện việc trao đổi, họ trả tiền cho doanh nghiệp để lấy hàng hóa hay dịch vụ. Do vậy, khách hàng chính là thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp. Qua thị trường khách hàng mà doanh nghiệp có thể đạt được những mục tiêu của mình là doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên mối quan hệ tốt đẹp này chỉ có thể tồn tại và phát triển khi và chỉ khi đảm bảo lợi ích kinh tế và sự thỏa mãn của cả hai bên doanh nghiệp và khách hàng.
Khách hàng có thể có nhiều loại: một cá nhân hay một tổ chức, khách hàng tiềm năng hiện thực hay khách hàng truyền thống. Tùy thuộc vào khách hàng khác nhau mà doanh nghiệp có các hành vi ứng xử cũng như có các phương thức mua bán thích hợp. Phân tích một cách tổng quát ta thấy trên thị trường có hai dòng khách hàng và doanh nghiệp tìm nhau. Đối với doanh nghiệp thì phải tìm và xác định khách hàng cho mình một cách đầy đủ và toàn diện từ yêu cầu đòi hỏi về quy mô, cơ cấu, nhu cầu khách hàng, các nhân tố tác động đến sự thay đổi nhu cầu, đặc biệt là thói quen, sở thích của đối tượng khách hàng. Đối với khách hàng họ cũng có những ưu thế, chế ước nhất định đối với từng doanh nghiệp, nhất là trong xu hướng toàn cầu hiện nay thì người mua sẽ có ưu thế mạnh hơn rất nhiều.
- Thế lực của các nhà cung cấp dịch vụ
Nhà cung cấp có thể là các tổ chức hay cá nhân cung cấp các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các nhà cung cấp
có thể tác động đến tương lai, lợi nhuận của doanh nghiệp vì họ liên quan đến chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà cung cấp có thể ép các doanh nghiệp bằng cách tăng giá bán, hạ thấp chất lượng các sản phẩm mà họ cung cấp và họ không cung cấp thường xuyên.
Những điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp tăng cường sức ép của họ như: chỉ có một số lượng rất hạn chế các nhà cung cấp, không có các sản phẩm thay thế, các doanh nghiệp có vai trò rất yếu đối với các nhà cung cấp, mức độ quan trọng của sản phẩm dịch vụ đối với doanh nghiệp, các nhà cung cấp có khả năng đa dạng hóa sản phẩm hoặc trong tương lai các nhà cung cấp có khả năng liên kết mạnh hơn hay doanh nghiệp phải chịu tổn thất lớn khi phải chuyển đối các nhà cung cấp.
- Thế lực từ sự xâm nhập của các doanh nghiệp mới
Các doanh nghiệp mới xâm nhập vào thị trường sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Sự cạnh tranh diễn ra hầu hết trên các lĩnh vực từ phân chia thị trường đến các nguồn cung cấp và các hoạt động khuyến mại. Các doanh nghiệp mới thành lập sau nên họ đón nhận những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại. Để hạn chế bớt sức ép này các doanh nghiệp phải tạo ra những ngăn cản đối với sự xâm nhập mới, những cản trở này có thể là: tạo ra quy mô tối ưu, có sự khác biệt sản phẩm, lượng vốn đầu tư lớn và cần có những chi phí cần thiết để thay đổi hay những lợi ích hỗ trợ độc lập với quy mô bao gồm những ưu thế của một doanh nghiệp có được ngay cả khi doanh nghiệp có quy mô tối ưu như uy tín, sự nhận biết về sản phẩm, vị trí địa lý, hỗ trợ Chính phủ.
Sản phẩm thay thế là các sản phẩm có cùng công dụng, có thể thay thế cho sản phẩm đang tồn tại trên thị trường. Sức ép từ các sản phẩm thay thế làm hạn chế bớt tiềm năng lợi nhuận của ngành do mức giá cao bị khống chế. Nếu không chú ý đến các sản phẩm thay thế tiềm ẩn, các doanh nghiệp có thể bị tụt hậu so với các doanh nghiệp khác. Phần lớn các sản phẩm thay thế do kết quả của sự bùng nổ nhờ công nghệ kinh doanh tốt hơn. Để chống trọi với các sản phẩm thay thế các doanh nghiệp thường chọn các phương án như: đa dạng hóa sản phẩm hay tọa ra những cản trở đối với khách hàng khi thay đổi các nhà cung cấp.
- Thế lực từ cường độ cạnh tranh giữa các đối thủ cạnh tranh
Cường độ cạnh tranh giữa các đối thủ cạnh tranh ngày càng tăng lên nó biểu hiện ở những cuộc chiến về giá, các chiến dịch khuyến mại, các sản phẩm mới liên tục được tung ra. Mức độ cạnh tranh thường bắt nguồn từ các yếu tố như: có nhiều doanh nghiệp, đối thủ ngang sức ngang tài, tốc độ phát triển của các ngành thấp, chi phí cố định cao, khả năng đa dạng hóa, khác biệt sản phẩm thấp, chỉ có thể tăng khối lượng sản xuất ở mức độ lớn, các đối thủ cạnh tranh rất đa dạng từ chiến lược, điểm xuất phát, truyền thống hay rời bỏ thị trường là một điều khó khăn cho doanh nghiệp.
1.4. Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp đó tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mình so với các đối thủ cạnh tranh, khả năng tạo ra năng suất, chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị phần lớn, thu được lợi nhuận cao, tạo ra được thu nhập, xây dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường và phát triển bền vững.
Để lựa chọn các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chúng ta cần có các tiêu chí định lượng và định tính để đo lường và đánh giá năng lực cạnh tranh. Có rất nhiều chỉ tiêu có thể sử dụng để đánh giá, trong đó các chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất và có thể phản ánh tương đối đầy đủ và sát thực về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đó là:
Thị phần của doanh nghiệp
Thị phần là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thị phần của doanh nghiệp dược tính dựa trên tỷ trọng giữa số sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiêp được cung ứng trên thị trường trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Hoặc là tỷ trọng được tính giữa doanh thu của doanh nghiệp về một loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào đó so với tổng doanh thu của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó trên toàn thị trường. Nếu nói thị phần là tỷ lệ so sánh giữa doanh thu của một doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh thì nó đánh giá và cho biết vị thế, chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường. Doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao sẽ chiếm được thị phần tương ứng với năng lực cạnh tranh đó và có nhiều khả năng thị phần sẽ được tăng lên.
Thị phần là một loại tài sản vô hình của doanh nghiệp, nếu muốn giành và giữ vững được thị phần của mình trên thị trường, doanh nghiệp phải phấn đấu và nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu và sản xuất đủ số lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, làm tốt công tác Marketing, đặc biệt phải duy trì đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ như đã cam kết.
Năng lực tài chính: năng lực tài chính của một doanh nghiệp là nguồn lực tài chính của bản thân doanh nghiệp, là khả năng tạo tiền, tổ chức lưu chuyển hợp lý, đảm bảo khả năng thanh toán thể hiện ở quy mô vốn, chất lượng tài sản và khả năng sinh lợi… đủ để đảm bảo và duy trì hoạt động kinh doanh được tiến hành bình thường.
Để đánh giá năng lực tài chính của một doanh nghiệp cần xem xét kết cấu vốn cố định và vốn lưu động của doanh nghiệp. Nếu kết cấu vốn hợp lý sẽ có tác dụng đòn bẩy góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Có những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhưng vẫn không vững mạnh, đó là do kết cấu tài sản và nguồn vốn không phù hợp với quy mô và đặc điểm sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đó chưa biết cách khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính của mình. Ngược lại, có những doanh nghiệp có quy mô vốn không lớn nhưng vẫn được coi là mạnh vì doanh nghiệp đó đã duy trì được tình trạng tài chính tốt, biết cách huy động được những nguồn tài chính thích hợp để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường mục tiêu. Một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, do vậy sẽ giữ vững và nâng cao được sức cạnh tranh và củng cố vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Hệ thống sản phẩm, dịch vụ
Hệ thống sản phẩm dịch vụ là một tập hợp tất cả những loại sản phẩm và mặt hàng mà một người bán cụ thể đưa ra để bán cho những người mua. Hệ thống sản phẩm của một doanh nghiệp thường bao gồm:
- Chiều rộng hệ thống sản phẩm thể hiện doanh nghiệp có bao nhiêu loại sản phẩm khác nhau.
- Chiều dài hệ thống sản phẩm dịch vụ là tổng số mặt hàng trong hệ thống sản phẩm.
- Chiều sâu hệ thống sản phẩm thể hiện có bao nhiêu phương án của mỗi sản phẩm dịch vụ trong loại.
- Mật độ sản phẩm dịch vụ thể hiện mối quan hệ mật thiết đến mức độ nào giữa các loại sản phẩm khác nhau xét theo cách sử dụng cuối cùng.
Mức giá của sản phẩm, dịch vụ
Giá cả sản phẩm là nhân tố rất quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Giá cả phải chăng phù hợp với chất lượng sản phẩm dịch vụ sẽ dễ dàng được người mua chấp nhận.
Cạnh tranh về giá trong kinh doanh vừa gay gắt vừa tồn tại hai mặt trái ngược nhau: nếu doanh nghiệp hạ giá thấp có nghĩa là doanh nghiệp có thể thu hút khách bởi giá rẻ, vừa có thể đẩy khách vì chất lượng dịch vụ đã bị giảm tương ứng và khi các doanh nghiệp cùng ngành thi nhau giảm giá thì lợi nhuận của họ bị giảm rất nhiều và doanh nghiệp khó có thể đứng vững trước nguy cơ phá sản nếu không có những biện pháp kinh doanh phù hợp. Vì vậy, cạnh tranh về giá đồng nghĩa với cạnh tranh về chất lượng sản phẩm dịch vụ. Giá cả sản phẩm dịch vụ là một chỉ tiêu để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khoa học công nghệ, kỹ thuật
Khoa học công nghệ, kỹ thuật và máy móc thiết bị và một bộ phận chủ