9. Cấu trúc luận văn
2.3.3. Biện pháp sử dụng phải đảm bảo tính vừa sức
Một trong những yêu cầu quan trọng khi lựa chọn biện pháp sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử dân tộc ở trường phổ thông là phải đảm bảo tính vừa sức với từng đối tượng học sinh.
Tính vừa sức trong dạy học nói chung là sự phù hợp giữa việc giảng dạy với đặc điểm nhận thức, đặc điểm lứa tuổi của học sinh. Đồng thời nó còn chứa đựng nhân tố kích thích sự nỗ lực lĩnh hội, tích cực tư duy và hoạt động của chủ thể nhận thức. Khi sử dụng di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử tính vừa sức thể hiện ở việc lựa chọn nội dung di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương tiêu biểu nhất phù hợp với nội dung bài học, kích thích sự hứng thú trong học tập lịch sử, nhờ đó giúp các em hiểu nhanh, nhớ lâu kiến thức lịch sử. Đồng thời giáo viên không nên đưa những nội dung di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương không phù hợp với nội dung bài học, không điển hình, gây nên tình trạng nhàm chán, khiến giờ học thêm nặng nề, hiệu quả đạt được không cao.
Khi sử dụng di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử, tính vừa sức với đối tượng học sinh còn đòi hỏi giáo viên phải lựa chọn hình thức, biện pháp phù hợp nhất, phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập lịch sử. Tránh sự quá tải trong lĩnh hội của học sinh.
Tóm lại, muốn sử dụng di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc đạt hiệu quả cao thì phải đảm bảo yêu cầu đó là lựa chọn biện pháp sử dụng phải đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh.
2.3..4. Lựa chọn biện pháp sử dụng phải kết hợp linh hoạt, sáng tạo với các phương pháp dạy học khác.
Mỗi phương pháp dạy học có ưu thế riêng của nó trong việc truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh. Tuy nhiên trong một bài học không thể chỉ sử dụng một phương pháp đơn nhất mà phải kết hợp linh hoạt, sáng tạo các phương pháp khác nhau để bài học đạt được hiệu quả cao nhất. Khi sử dụng di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương trong dạy học lịch sử, có nhiều phương pháp dạy học khác nhau, tùy thuộc vào nội dung di sản văn hóa phi vật thể và nội dung bài học để lựa chọn các phương pháp dạy học tối ưu nhất để đạt được mục đích cuối cùng là giúp các em lĩnh hội sâu sắc kiến thức lịch sử. Sử dụng di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc giáo viên cần kết hợp nhuần nhuyễn lời nói sinh động, giàu cảm xúc, với sử dụng phương tiện trực quan(tranh ảnh di sản văn hóa vật thể, vật thể) để cụ thể hóa, đặt ra tình huống có vấn đề kích thích hứng thú học tập của học sinh.
Ví dụ: Khi dạy học bài 24: Tình hình văn hóa ở các thế kỉ XVI - XVIII. Mục III. Nghệ thuật và khoa học - kĩ thuật. Để giúp học sinh nhận thức sâu sắc tấm lòng y đức của thầy thuốc Lê Hữu Trác, giáo viên sử dụng truyện kể dân gian ở Hà Tĩnh “Tấm lòng người thầy thuốc” để minh họa cho bài học, giáo viên kết hợp nhuần nhuyễn lời nói giàu cảm xúc, kết hợp sử dụng chân dung của Lê Hữu Trác, cho học sinh trao đổi, thảo luận để rút ra nhận xét về y đức của ông. Như vậy, việc kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học trên không chỉ giúp học sinh hiểu được thành tựu y học đương thời mà còn giúp học sinh có những biểu tượng sinh động về danh y nổi tiếng, tiêu biểu của giai đoạn này.
Như vậy, để nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử khi sử dụng di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc thì đòi hỏi người giáo viên lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp, tối ưu nhất, kết hợp linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học khác nhau là điều cần thiết khi tiến hành bài học lịch sử.