9. Cấu trúc luận văn
1.1.3. Vai trò và ý nghĩa của việc sử dụng di sản văn hóa phi vật
1.1.3.1. Vai trò
Di sản văn hóa phi vật thể có vai trò to lớn đối với việc dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông.
Trước hết, di sản văn hóa phi vật thể là nguồn kiến thức phong phú, đa dạng, ẩn chứa trong nó là những giá trị lịch sử quan trọng, biểu hiện những đặc trưng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…di sản văn hóa phi vật thể gồm rất nhiều nhiều loại (tác phẩm văn học, ngữ văn truyền miệng, lễ hội truyền thống…). Vì vậy, đây là một nguồn kiến thức phong phú, đa dạng cần khai thác để cung cấp cho học sinh những sự kiện lịch sử cụ thể quan trọng
trong dạy học lịch sử, đồng thời giáo viên phải biết kết hợp các nguồn kiến thức này để bài giảng sinh động, học sinh lĩnh hội bài tốt, song phải phù hợp với nội dung lịch sử của bài và đối tượng học sinh.
Thứ hai, di sản văn hóa phi vật thể còn là phương tiện trực quan quan trọng để tạo biểu tượng cho học sinh, cụ thể hóa các sự kiện lịch sử, khắc phục tình trạng “ hiện đại hóa” lịch sử. Thông qua tranh ảnh về di sản văn hóa vật thể, qua vật thể, học tập tại nơi có di sản văn hóa phi vật thể (tham gia lễ hội truyền thống, tham quan làng nghề thủ công…) sẽ giúp các em hiểu sâu sắc bản chất của sự kiện, hình thành khái niệm lịch sử, nắm vững các quy luật phát triển của xã hội. Đồng thời còn phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng, tư duy và ngôn ngữ của học sinh. Qua đó tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức của các em trong học tập lịch sử.
Thứ ba, sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử là biện pháp thực hiện nguyên lí giáo dục của Đảng: “lí luận gắn liền với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”. Thông qua một số biện pháp như cho học sinh sưu tầm, nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương phục vụ cho bài nội khóa trên lớp, hoặc các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về “ di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương” trong học tập lịch sử, không chỉ giúp cho việc tiếp cận kiến thức sâu sắc mà còn làm cho học sinh biết vận dụng vào thực tiễn góp phần thực hiện nguyên lí giáo dục của Đảng “lí luận gắn liền thực tiễn”.
Thứ tư, sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử là một biện pháp đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn. Việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, trong đó học sinh phải là chủ thể, chủ động tích cực tham gia vào quá trình sử dụng di sản trong giờ
học và các hoạt động giáo dục. Vì vậy nó góp phần nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn.
1.1.3.2. Ý nghĩa
Việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử dân tộc ở trường THPT có ý nghĩa đối với học sinh trên cả ba mặt: bồi dưỡng nhận thức, rèn luyện kĩ năng, và thái độ để góp phần phát triển toàn diện học sinh.
- Về mặt bồi dưỡng nhận thức
Di sản văn hóa phi vật thể gồm nhiều loại, mỗi loại có ý nghĩa riêng trong việc hình thành tri thức cho học sinh.
Trước hết các di sản văn hóa phi vật thể: như các tác phẩm văn học, ngữ văn truyền miệng (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích…) thường xuất hiện vào thời kì diễn ra các sự kiện lịch sử, nên nó phản ánh những nội dung lịch sử quan trọng của một giai đoạn lịch sử nào đó. Vì vậy, đây được xem là nguồn tài liệu vô cùng quan trọng để cụ thể hóa, khôi phục lại bức tranh quá khứ về một sự kiện, nhân vật lịch sử đã qua, giúp các em hiểu sâu sắc và toàn diện về lịch sử dân tộc.
Ví dụ, khi dạy học bài 21: “Những biến đổi của nhà nước phong kiến trong các thể kỉ XV - XVIII”. Giáo viên sử dụng câu ca dao sau:
Giặc ra thuyền chúa lại vào Hầm hào lại phá, cửa nhà lại xây
[11; 225]
Qua câu ca dao trên góp phần cụ thể hóa sự kiện lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, giúp các em hiểu sâu sắc nổi khổ của nhân dân thời kì này.
Các lễ hội lịch sử thường gắn liền với các sự kiện, nhân vật lịch sử vì vậy, nó không chỉ được xem là nguồn tư liệu quan trọng mà còn là phương tiện quan trọng để học sinh khôi phục lại hình ảnh về sự kiện nhân vật. Vì vậy khi sử dụng các tài liệu về lễ hội vào dạy học lịch sử đặc biệt là tổ chức cho học sinh tham gia lễ hội truyền thống ở địa phương sẽ giúp học sinh hiểu sâu
sắc, toàn diện hơn lịch sử dân tộc, đồng thời các em sẽ có biểu tượng cụ thể về sự kiện, nhân vật lịch sử đã qua để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các em từ đó sẽ kích thích sự hứng thú trong học tập, giúp các em dễ nhớ và khắc sâu kiến thức đã học.
Từ chỗ có biểu tượng chân thực cụ thể về sự kiện hiện tượng lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể còn giúp học sinh hiểu được bản chất của các khái niệm, thuật ngữ phức tạp những kết luận mang tính khái quát ở bài học lịch sử dân tộc.
Tóm lại sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử có ý nghĩa trong việc hình thành tri thức cho học sinh: Cụ thể hóa, khôi phục lại hình ảnh quá khứ bổ sung và khắc sâu kiến thức, góp phần làm phong phú kiến thức lịch sử cho học sinh, giúp học sinh hiểu sâu sắc và toàn diện lịch sử dân tộc.
- Về mặt kỹ năng
Di sản văn hóa phi vật thể cũng là một phương tiện dạy học quan trọng. Khi học sinh tiếp cận với di sản đúng mục đích, với phương pháp dạy học phù hợp và sự hướng dẫn chi tiết mang tính định hướng, kích thích tư duy, giúp học sinh phát triển khả năng quan sát (qua các tranh ảnh về di sản văn hóa phi vật thể, qua vật thể) khả năng xử lí thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp và so sánh...
Trong quá trình học tập với di sản, HS được rèn luyện cách trình bày quan điểm, mong muốn, cảm xúc của bản thân dưới hình thức nói, viết một cách phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh và văn hóa giao tiếp. Đồng thời các em cũng biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác ngay cả khi bất đồng quan điểm. Kỹ năng này giúp HS có mối quan hệ tích cực với nguời khác, đồng thời biết cách xây dựng mối quan hệ với bạn bè mới.
Ví dụ, khi dạy học bài 24: “Tình hình văn hóa ở các thế kỉ XVI - XVIII” sau khi học bài 23, giáo viên giao nhiệm vụ cho từng nhóm sưu tầm tài liệu,
tranh ảnh về lễ hội đền Chiêu Trưng, lễ hội đền Phù, sưu tầm về ca dao, tục ngữ, truyện cười dân gian ở Hà Tĩnh thời kì này, sưu tầm tài liệu, tranh ảnh về nghệ thuật dân ca hát giặm Nghệ Tĩnh, sưu tầm về tranh ảnh chân dung, các mẫu chuyện dân gian nói về y đức của thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và trình bày lại những hiểu biết của bản thân hoặc của nhóm trước lớp, qua đó rèn luyện cho các em khả năng diễn đạt ý kiến của mình trước đám đông.
Sử dụng di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương còn góp phần phát triển năng lực của học sinh
Ví như, khi tổ chức cho học sinh tham dự lễ hội truyền thống ở địa phương hoặc đọc sách… các hoạt động ngoại khóa này mở ra một khả năng rộng lớn để hình thành thói quen, kỹ năng về trí tuệ và thực hành cho học sinh trong học tập lịch sử. Các em có thể tự lựa chọn một số công việc phù hợp với trình độ và sở thích của bản thân. Ví dụ, khi tham dự lễ hội truyền thống ở địa phương các em có thể tham dự vào các phần hội như đóng vai các nhân vật, sự kiện lịch sử, tham gia các trò chơi dân gian, hát chèo, ví … Như vậy tính chất tự nguyện trong việc tham gia sẽ phát huy năng lực nhận thức độc lập, làm nảy sinh và phát triển hứng thú của học sinh.
Làm việc với di sản, học sinh có được môi trường giao tiếp cởi mở với bạn bè không chỉ trong phạm vi lớp học mà cả với những đối tượng khác các em gặp gỡ. Trong quá trình tiếp cận với di sản, giáo viên lưu ý cách thức giao tiếp phù hợp cũng chính là góp phần phát triển ở các em một loại kỹ năng sống cần thiết.
Trong quá trình dạy học thông qua việc tiếp cận di sản, giáo viên không chỉ thuyết trình về các hiện tượng, sự vật mà cần tìm hiểu, hướng dẫn học sinh tự quan sát, thu thập thông tin, trao đổi trong nhóm để xử lý các thông tin. Qua đó các em sẽ có những kiến thức về di sản và có thể trình bày
lại những hiểu biết của cá nhân mình hoặc của nhóm mà mình đã thu lượm được.
Sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử còn rèn luyện cho các em kỹ năng vận dụng kiến thức đã học để giải thích những sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống, đồng thời phát triển một số kỹ năng sống ở học sinh.
- Về giáo dục
Việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử, không chỉ có tác dụng trong việc bồi dưỡng nhận thức mà còn tác động đến tư tưởng, tình cảm của người học.
Trước hết, việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử có ý nghĩa quan trọng góp phần giáo dục cho các em về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là truyền thống yêu nước, truyền thống biết ơn những người có công với quê hương, đất nước.
Ví dụ, khi tổ chức cho các em tham dự lễ hội Đền Chiêu Trưng Lê Khôi, các em không những hiểu biết về nhân vật lịch sử Lê Khôi, về công lao của ông trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà qua đó còn giáo dục cho các em về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đó là truyền thống yêu nước, truyền thống biết ơn tổ tiên, biết ơn những người có công với Tổ quốc. Bởi vậy khi tham dự lễ hội sẽ gây cho các em nhiều cảm xúc, ấn tượng sâu sắc về một sự kiện lịch sử đã qua. Từ đó các em biết tôn trọng, giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây chính là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta đã có từ xa xưa.
Thứ hai, sử dụng di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương có ý nghĩa trong việc giáo dục ý thức, nhân cách cho học sinh
Bên cạnh những hình ảnh đẹp của tuổi trẻ trong thời đại mới, dưới tác động của mặt trái kinh tế thị trường và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ tầng lớp thanh niên có lối sống lệch lạc, thiếu lí tưởng, giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, có lối sống
thực dụng đua đòi, lãng phí, cá biệt một số sa vào các tệ nạn xã hội. Như vậy hơn bao giờ hết chúng ta phải tăng cường giáo dục truyền thống tốt đẹp cho dân tộc qua việc phát huy ưu thế của di sản văn hóa trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ.Việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương trong dạy học lịch sử như: tổ chức các trò chơi dân gian, tham gia các lễ hội truyền thống, sưu tầm các ca dao, tục ngữ, hò vè dân gian, các bài thơ có nội dung yêu nước, tự hào dân tộc, ca ngợi lao động, sáng tạo, ở các địa phương phục vụ cho học tập lịch sử ở trường phổ thông để các em thấy được những nét đẹp ẩn chứa qua di sản, trở thành hành trang giúp các em sống lành mạnh, sống có ích với quê hương đất nước. Thông qua di sản văn hóa phi vật thể chúng ta thấy được một hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc giáo dục nhân cách, cốt cách con người Việt Nam với tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc ý chí độc lập tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, sự khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, cần cù, sáng tạo trong lao động nghệ thuật khiêm tốn, giản dị trong lối sống,…
Sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử còn góp phần giáo dục cho học sinh tính chân - thiện - mỹ, thưởng thức và sáng tạo cái đẹp, đứng về cái thiện đấu tranh loại bỏ cái ác, giáo dục cho học sinh những thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam được hình thành, đúc kết từ ngàn xưa.
Sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông còn có ý nghĩa quan trọng nữa đó là giáo dục cho các em về ý thức và trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa.
Ví dụ, khi dạy học bài 24: “Tình hình văn hóa ở các thể kỉ XVI - XVIII”. Khi trình bày về sự phổ biến của các làn điệu dân ca thế kỉ XVI - XVIII, giáo viên sử dụng tài liệu dân ca hát giặm Nghệ Tĩnh vào dạy học mục III. “Nghệ thuật và khoa học - kĩ thuật”. Học sinh không những hiểu được đời sống văn hóa của nhân dân ta, và sự phát triển phong phú của nghệ thuật nước ta giai đoạn này mà qua đó giáo dục học sinh trách nhiệm của mình trong việc
bảo tồn, giữ gìn và phát huy làn điệu dân ca hát giặm Nghệ Tĩnh - một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Như vậy, di sản văn hóa phi vật thể là một trong những nguồn kiến thức, phương tiện dạy học sinh động, ẩn chứa trong đó là những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nên nó có khả năng tác động mạnh mẽ đến tình cảm, đạo đức và việc hình thành nhân cách của học sinh.
Trên cơ sở bồi dưỡng nhận thức, rèn luyện các kỹ năng, định hướng thái độ, sử dụng di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc có tác dụng thiết thực đối với việc phát triển toàn diện học sinh.