6. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật
Bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng ẩn chứa trong nó màu thời gian. Nhưng có lẽ văn chương là loại hình nghệ thuật mà thời gian có những nét đặc biệt hơn cả. Bởi “thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai” [55,tr.83]. Thời gian nghệ thuật do được sáng tạo nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lí: nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế; nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai; nó có thể dừng lại…Trong tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã dành hàng trăm trang viết về các sự kiện ở làng Đông Xá trong vụ sưu thuế diễn ra trong bốn ngày năm đêm ngắn ngủi. Hay nhà văn Nam Cao trong tiểu thuyết Sống mòn lại miêu tả dòng thời gian chậm rãi, trì trệ đang bào mòn cuộc đời của những trí thức nghèo như Thứ, San… Còn đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều lại diễn tả thời gian: lúc nhớ nhung khắc khoải thì một phút đợi chờ có thể bằng dài bằng mấy năm
“Sầu đong càng lắc càng đầy – Ba thu dồn lại một ngày dài ghê”, lúc hạnh phúc bên nhau thì thời gian trôi sao chậm vậy “Ngày vui ngắn chẳng tầy gang – Trông ra ác đã ngậm gương non đoài”… Có thể nói, sự vận động của thời
gian trong văn học chính là sự phản ánh nhịp độ của cuộc sống con người. Thời gian nghệ thuật cũng chính là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật bởi nó là: “sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc hồi hộp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc chìm đắm vào quá khứ. Thiếu sự cảm thụ tưởng tượng của người đọc thì thời gian nghệ thuật không xuất hiện” [55,tr.84]. Thời gian nghệ thuật cung cấp một cơ sở để phân tích cấu trúc bên trong của hình tượng văn học.
Tuy nhiên, sự miêu tả, trần thuật trong văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian được biết qua thời gian trần thuật: “Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, của sự kể” và “nó có mở đầu và kết thúc do đó là thời gian hữu hạn; nó có tốc độ và nhịp độ riêng”, “nó có thể đem cái xảy ra sau kể trước, và ngược lại đem cái xảy ra trước kể sau” và “Thời gian trần thuật luôn mang thời hiện tại” [55,tr.88]. Thời gian trần thuật là một hiện tượng nghệ thuật, chỉ có trong sáng tác nghệ thuật, bởi nó nhằm tạo ra cảm giác thời gian và dòng thời gian trong tâm hồn người đọc.Còn thời gian được trần thuật là: “thời gian của sự kiện được nói tới” [55,tr.89]. Đây chưa phải là thời gian nghệ thuật nhưng đó chính là cơ sở của nó. Sự sắp xếp, bố trí của thời gian được trần thuật vào thời gian trần thuật mới có thể tạo ra được thời gian nghệ thuật thực sự trong tác phẩm văn học.
3.3.2. Thời gian nghệ thuật trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường
Trong tác phẩm ký với điểm nhìn trần thuật thường là của “người trong cuộc”, “người nhập cuộc” không chỉ trực tiếp tái hiện một cách xác thực người thực, việc thực mà còn bộc lộ những cảm xúc trữ tình chân thành tha thiết nhất. Điểm nhìn trong các trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không nằm ngoài quy luật trên và là yếu tố trực tiếp kiến tạo nên thời gian cũng như không gian trong các tác phẩm ký của ông. Điểm nhìn trần thuật đa dạng nên thời gian
cũng được mở rộng, xoay chiều theo các hướng khác nhau. Hiện lên trên trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có một số kiểu thời gian sau:
Thời gian thực – hay chính là thời gian được trần thuật, “thời gian của
sự kiện được nói tới” trong tác phẩm. Nó là chuỗi liên tục các sự kiện trong quan hệ liên tục trước sau, nó có thể được tính theo độ dài thời gian mà nó diễn ra. Chẳng hạn, trong Như con sông từ nguồn ra biển thời gian của truyện chỉ kéo dài có một buổi chiều, và được tác giả thông báo ngay từ đầu tác phẩm “Buổi chiều đến trạm sớm, tôi ra ngoài bờ sông A- Mong”, hay ở phần gần cuối của tác phẩm “Trời chiều hẳn, không còn nắng”. Nhưng thời gian tích truyện của các sự kiện lại là cả thời thanh niên đầy những biến động thăng trầm với những suy tư trăn trở trước khi đến với cách mạng của nhân vât Giao qua lời trần thuật của nhân vật tôi. Thời gian này được kể bổ sung chấm phá với những mốc thời gian khác nhau như: “Những năm đó”, “Mùa hè”, “Sáng hôm sau thức dậy”, “Hai ngày hôm sau”, “Những năm dài đã trôi qua”, “Những ngày sau đó”… Hay trong Rất nhiều ánh lửa, thời gian truyện chỉ có vẻn vẹn một buổi chiều tối và đêm, nhưng thời gian tích truyện đề cập tới lại là cuộc đời hoạt động cách mạng của người trai trẻ tên Dân cũng là cuộc đời của người thầy giáo tên Thi ở lớp học đêm nơi Cồn Hến. Còn trong Bản di chúc của cỏ lau thì đó lại là “Một ngày không bình yên” khi tác giả theo anh Bình quay lại vùng Khe Trái để tìm mộ anh Hoàng, chỉ một ngày thôi nhưng đó là sự hồi tưởng lại thời gian diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của những người con xứ Huế trong giai đoạn trước đồng khởi ở Huế… Và với cách sử dụng thời gian như vậy ta có thể dễ dàng dàng nhận thấy, thời gian tích truyện chỉ có giá trị thuyết minh, còn thời gian truyện mới thực sự tạo được cảm giác vận động cho các tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Ngoài ra trong ký của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn nhìn tháng năm trôi theo bước chân bốn mùa, qua sắc áo thiên nhiên. Ông “không mấy quan tâm đến cuốn lịch nhật dụng (…) chỉ say mê dõi theo cuộc biến ảo của
Xuân Hạ Thu Đông, qua bộ lịch vĩnh hằng của Tự Nhiên viết trên cây cỏ” [119,tr.786]. Hay nói cách khác, thời gian thực trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là thời gian thiên nhiên, gồm cuộc vận hành của vũ trụ, bốn mùa, xuân hạ thu đông, mùa mưa, mùa khô… thời gian ấy cũng được nhà văn dành hết tâm bút của mình để miêu tả vì nó có vị trí rất to lớn trong tâm hồn ông. Với ông, mùa xuân “có thể định nghĩa là mùa toàn bộ cây nở thành hoa”
[91,tr.10], trong tiết xuân, vạn vật trở nên trong sáng tinh khôi, nếu không có con mắt và tâm hồn tinh tế thì không thể cảm nhận được bước đi đó của thời gian. Xuân nhẹ nhàng lướt đến những cây mai vàng “Ở Huế, nhiều khi người ta không biết có xuân về nếu không có cây mai vàng”, rồi sau Tết Nguyên Tiêu, mai lại biến ảo tạo thành “một nét bút kỳ tuyệt của thiên nhiên trên giấy lụa, ấy là vẻ đẹp của hoa mai dưới màu trăng nguyệt bạch” [87,tr.787].
Hạ đến, trong cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường bắt đầu từ hoa phượng. Lửa phượng hé nở rồi phượng lộng lẫy, rực rỡ tự đốt cháy mình làm đẹp cho đất trời “hoa phượng nở thật dữ dội, giốngnhư những đám lửa bừng cháy trên những tán lá xanh” [91,tr.73]. Cùng với phượng là những cây bằng lăng cũng nở rộ những đóa hoa tím ngắt giống màu áo của những cô gái Huế; rồi đến hoa sen đầu hạ mới chỉ “mọc từng đóa lẻ loi trên mặt hồ, thấp thoáng từ xa trông như những cánh hạc” nhưng ít lâu sau đã nở rộ “đầy cả mặt hồ và những hào quanh thành nội, mọi người như chìm đắm trong hương sen thơm nồng” [91,tr.75]. Và với tác giả, “mùa hè còn là mùa của trái chín” [80,tr.82], trong khu vườn An Hiên của bà Lan Hữu “Hạ chí trở đi, vườn An Hiên vào mùa quả, khởi đầu là mùa thơm, giống thơm Nguyệt Biều, vỏ chín đỏ như lửa
(…) Dâu chín vào tháng Năm, tháng Sáu…” [87,tr.387]. Mùa hạ trong cảm
thức của Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là một mùa hè oi ả, nóng bức mà là một mùa hạ ngọt ngào với những hoa trái thơm ngon.
Mùa thu, trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường hiện lên với “trời trở gió heo may lành lạnh người ta tự nhiên thấy nhớ nhung một quê hương nào
không biết” [91,tr.11]. Mùa thu đi vào các khu vườn Huế càng làm hiện lên “vẻ đẹp của cây trái, càng gợi cho người đi dạo vườn cái cảm giác khinh khoái của một phòng trưng bày tranh tĩnh vật” [87,tr.388]. Mùa thu của Huế còn là mùa của sương mù. Sương giăng mắc không gian khiến con sông Hương trở nên mờ ảo “Có một chút nắng để nhìn thấy dòng sông trôi nhẹ trong làn sương lam mơ màng, nửa như khói, nửa như hơi rượu. Vào buổi chiều khói sông mờ mịt tưởng chừng như có thể làm cay mắt người”
[87,tr.790]. Thu xứ Huế, trên trang ký Hoàng Phủ Ngọc Tường mờ ảo, tĩnh lặng, yên ả bởi nó là mùa thu muôn thủa của đất trời mà cũng là thu trong lòng của người con yêu thiết tha xứ sở này.
Thời gian mùa đông hiện lên trên trang văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thật ấn tượng. Không ồn ã, ông cảm nhận được đông về từ những biến đổi rất nhỏ của cỏ cây đất trời “Cây cỏ tiêu sơ dần trong Thu tàn, với lụt lội và những cơn bão. Hàng mai trắng đã trút sạch lá, cành khô vẽ lên nền trời cảnh trầm mặc kỳ lạ của tranh lụa cổ. Mùa đông về dằng dặc trong tiếng động nghìn trùng của mưa trên lá” [87,tr.389]. Hay vào giữa tiết Đông chí, nhà văn lại cảm nhận được vẻ đẹp đến lạ kì của mùa đông “Từ trong đêm lạnh, khu vườn bước ra với một sắc đẹp tinh khôi, với mai vàng, hải đường, nguyệt quý, hoa trà mi ngậm sương và hoa đào cười gió Đông” [87,tr.390]. Cảm nhận, thể hiện được bước đi của thời gian qua bộ lịch vĩnh hằng của thiên nhiên bốn mùa luân chuyển, là một thành công của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Người nghệ sĩ phải mở rộng tâm hồn đón mọi biến động tinh vi của đất trời và có trái tim yêu tha thiết cuộc sống này.
Như vậy, với cách thể hiện thời gian thực – thời gian sự kiện, thời gian thiên nhiên bốn mùa xuân hạ thu đông đầy sống động Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo được cơ sở để thể hiện thời gian nghệ thuật trong các tác phẩm ký của mình.
Tuy nhiên, không chỉ bám sát hiện thực với khung thời gian hiện tại diễn ra các sự việc trước mắt, mà ký Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là nỗi ám ảnh về thời gian đã mất. Nhà văn luôn cho rằng “Quá khứ là những gì thân thuộc nhất của tâm hồn và quá khứ là khu vườn bí mật của tâm hồn; có thể nói quá khứ là tài sản quý báu còn lại sau cùng của đời người, mãi mãi không thay đổi ” [90,tr.53]. Chính vì vậy, trên trang ký của ông ta dễ dành bắt gặp một kiểu thời gian nữa đó là thời gian tâm tưởng với sự ngược dòng thời gian hướng về miền quá khứ. Ngay cách đặt nhan đề của các tác phẩm cũng phần nào cho ta thấy điều này: Đêm chong đèn nhớ lại, Bản di chúc của cỏ lau, Thời thơ ấu xanh biếc, Ai về châu xưa, Ngọn núi ảo ảnh, Ai đã đặt tên cho
dòng sông… Còn khi đi vào nội dung các tác phẩm ta dễ dàng nhận ra nhà
văn đã kiến tạo thời gian quá khứ theo hướng: quá khứ theo dòng hồi tưởng và quá khứ hiện hữu trên các di tích.
Thời gian quá khứ theo dòng hồi tưởng về tuổi thơ và chiến tranh là hai miền thời gian được nhà văn tái hiện nhiều nhất, sâu nhất. Tác giả thường từ điểm nhìn của hiện tại để nhớ về quá khứ “ngụp lặn” trong quá khứ với nỗi nhớ quay quắt. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nói rằng ông “trả nợ chữ nghĩa cho cuộc đời” bằng công việc làm báo và khẳng định “còn lại trong văn chương, với tôi, là một nỗi hoài niệm âu yếm dành dành cho cái thiên đường kia, thế giới tuổi dại mà tôi đã chắt chiu xây nên bằng những kinh nghiệm nhỏ nhoi nhặt được dọc theo những con đường mà tôi đi qua, và không bao giờ còn được đi thêm một lần nữa” [87,tr.809]. Vì thế, thế giới tuổi thơ cứ trở đi trở lại lắng sâu trong các trang văn của ông như một nỗi ám ảnh: “Tôi có một thiên đường đã mất, phía bên ngoài cửa sổ, bên kia những hàng cây và những mái nhà…Đấy là một không gian thơm mùi cỏ, hoa dại, đất sau cơn mưa và nhiều khi tôi ngửi thấy mùi của gió lạ. Trên những cánh đồng, những đồi cỏ may hoặc theo những dòng sông nhỏ, tuổi thơ tôi dông dài với những sinh vật bé bỏng tội nghiệp” [87,tr.809]. Trong tác phẩm Lý chuồn chuồn ông đã
miêu tả quá khứ trong ký ức với những trò chơi tuổi thơ như chọi dế, bắt dế, với những thói quen làm bạn với các sinh vật nhỏ bé như ve, đom đóm, bọ ngựa.., với sự miêu tả này nhà văn đã khắc họa được ấn tượng thời gian kéo dài trong tâm hồn so với thời gian ngắn ngủi thực tế. Thời gian trong tâm tưởng nhưng đã được miêu tả như cảm thụ không gian.
Dòng suy nghĩ trong tâm tưởng nhà văn cũng đưa người đọc ngược thời gian về với những năm tháng chiến tranh khói lửa với những kỷ niệm còn mất một thời. Viết về chiến tranh ông không tô hồng, phiến diện một chiều và không quên điều gì, nên dòng hồi tưởng của nhà văn chân thực, chi tiết đến từng con số. Tác giả thường từ điểm nhìn của hiện tại để nhớ về quá khứ. Chẳng hạn, trong Rất nhiều ánh lửa, tác giả đã bắt đầu từ hiện tại bằng việc mô tả người thầy giáo tên Thi và lớp học bình dân học vụ ban đêm ở đảo Cồn Hến. Hình ảnh người thầy giáo trẻ, giản dị, hết lòng vì nhân dân trong cái khoảng khắc say mê ngâm thơ đã gợi lên trong lòng nhân vật tôi những hồi ức về Dân – người học trò cũ – người học trò kì lạ đã bỏ lớp để “lên đồi dựng trại” trong những ngày khói ở Huế, rồi kí ức ấy lại đưa “tôi” trở về hiện tại để nhận ra Dân chính là Thi bây giờ, nhưng trưởng thành hơn, đã có “một lượng mới, chất mới”. Hay trong Đời rừng, nhà văn lại viết về sự đổi thay của khu rừng tùng cổ xưa trong thung lũng A Sao ở ba thời điểm: khi nó còn mang
“vẻ đẹp huyền thoại vẫn tồn tại trong thung lũng của Thần Chết hiện đại”; khi nó bị hủy diệt thành “vương quốc hư vô của cỏ hoang” bởi chất độc da cam của đế quốc Mỹ; và khi nó được hồi sinh sau chiến tranh. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không trần thuật câu chuyện theo đúng mạch tuần tự của nó mà luôn có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Bằng việc miêu tả rừng tùng với những đổi thay của nó trong những khoảng thời gian cùng đồng hiện như vậy, ông muốn nhấn mạnh một chân lý: thiên nhiên Việt Nam cũng có sức sống dẻo dai giống như con người nơi mảnh đất này vậy. Vì thế, “từ trong lau và cỏ tranh, những cánh rừng Việt Nam sẽ chiến thắng hoàn toàn cuộc chiến
tranh hóa học của đế quốc Mỹ dù phải cần đến mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa”.
Không chỉ sử dụng kiểu thời gian ngược dòng hướng về quá khứ, quá khứ và hiện tại đan xen nhau mà trên các trang ký của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn sử dụng kiểu thời gian đồng hiện giữa miền thời gian đối cực. Đó là thời gian quá khứ đồng hiện qua thời gian hiện tại như: nghe tiếng kèn saxo trong hiện tại mà nghe văng vẳng lại tiếng con gà đất tự cõi trời nào xa hun hút của tuổi thơ (Con gà đất của tôi); trong Miếng trầu đỏ, là nhân vật tôi đang đứng trước sân nhà người mẹ làng Trà, ăn miếng trầu đỏ mà thấy hiện về rõ mồn một từng hình ảnh của một thời máu lửa đang lay động trên cây lá: