Hình tượng thiên nhiên

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 54)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Hình tượng thiên nhiên

Từ xưa đến nay, cũng như con người, thiên nhiên được coi là một phần tất yếu của cuộc sống, là đối tượng thẩm mĩ của nhiều ngành nghệ thuật.Với Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không ngoại lệ “Thiên nhiên là nơi Hoàng Phủ Ngọc Tường khao khát tìm về để có thể sống sâu, sống thực cuộc đời mình…thiên nhiên được cảm nhận bằng sự hòa điệu tuyệt vời của tâm hồn con người trong ý thức sâu sắc của chính họ về tầm quan trọng của nó với sự tồn tại của con người cả về khía cạnh vật chất lẫn tinh thần” [24]. Dường như, các nhà văn, nhà thơ đều mang trong mình tình cảm lớn, sâu nặng với người bạn thiên nhiên nhưng riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường “hình như thiên

nhiên đã hóa thân thành máu thịt cuộc đời, trở thành ám ảnh khôn nguôi” [10]. Vì thế, thiên nhiên trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường được thể hiện như một hình tượng nghệ thuật mà ở nơi đó nhà văn đã gửi gắm tư tưởng, tình cảm cũng như những cảm hứng nghệ thuật của mình. Nhà văn trong suốt cuộc đời mình, đã dành những năm tháng có ý nghĩa nhất để đi khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên ở mọi miền của Tổ Quốc, nhưng có lẽ, với ông xứ Huế mới thực sự là “đô thị mà ngự trị là thiên nhiên”. Thiên nhiên Huế là cảm hứng bất tận cho các thi sĩ, nhà văn nói chung và Hoàng Phủ Ngọc Tường nói riêng. Thiên nhiên Huế trong ký của ông hiện lên phong phú, đa dạng với cảnh sông nước, rừng núi, nhà vườn, đền đài, lăng tẩm… đến cả thế giới cỏ dại mọc ở khắp nơi trong thành phố cũng được nhà văn miêu tả sống động. Nhưng nổi bật lên để trở thành hình tượng nghệ thuật độc đáo trên trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta có thể thấy đó là hình tượng sông Hương và cảnh vật xứ Huế.

2.2.2.1. Hình tượng sông Hương

Trước Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ viết rất hay, rất xúc động về con sông của cuộc đời mình. Đó là dòng sông Đuống ở xứ Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, là dòng sông Đà vừa hùng vĩ vừa thơ mộng trong trang ký của Nguyễn Tuân… Nhưng đến Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả lại cho ta thấy đề tài sông nước vẫn còn hết sức mới mẻ, nhà văn viết nhiều về đề tài sông nước, trên các trang ký của ông ta thấy hiện hữu nhiều dòng chảy trữ tình của các con sông miền Trung như sông Thu Bồn, sông Bến Hải… nhưng có lẽ chỉ có sông Hương mới đem đến cho nhà văn tất cả những cung bậc cảm xúc, những suy ngẫm, triết lí về cuộc đời, những chiêm nghiệm về chính mình đồng thời cũng thể hiện bức chân dung của người trí thức nặng lòng với quê hương xứ sở. Trong các bút kýnhư Ai đã đặt

tên cho dòng sông?, Sử thi buồn, Hoa trái quanh tôi… với cái nhìn liên

tượng nghệ thuật đẹp - hình tượng sông Hương. Với ông, sông Hương hiện lên như một nhân vật trữ tình với những nét tính cách phức tạp, biến đổi kì diệu trong không gian, thời gian và được hiện ra qua sự kết hợp nhiều góc nhìn khác nhau của Hoàng Phủ Ngọc Tường như: Địa lí, Lịch sử, Văn hóa, Nghệ thuật...

Là người con của xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gắn bó cả đời với mảnh đất kinh kì mộng và thơ này nên ông không còn xa lạ với dòng sông Hương xinh đẹp, song mỗi lần đến với nó, viết về nó nhà văn vẫn tràn đầy cảm xúc mới mẻ. Khám phá dòng sông từ góc nhìn địa lí, ông đã tìm thấy vẻ đẹp của sông Hương ngay trong mối liên kết kì diệu các cấu trúc địa lí của Huế: “Núi và biển ngay hai cửa ra vào thành phố, giữa là một tầm sông băng qua những đền đài, lăng tẩm cổ xưa của một kinh thành và những làng vườn đầy hoa trái”(Sử thi buồn), để rồi đi đến sự khẳng định “chỉ sông Hương là thuộc về thành phố duy nhất” (Ai đã đặt tên cho dòng sông?) đó là thành phố Huế và “có thể khẳng định sông Hương là nhân tố quyết định trong việc hình thành và phát triển đô thị Huế từ xưa đến nay” [1,tr.121]. Bằng những kiến thức về cơ tầng địa chất, dòng chảy kết hợp với độ tinh nhạy trong sự quan sát, suy ngẫm, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẽ lại con sông Hương trên bản đồ địa lí - tâm hồn mình: “Trước khi về đến châu thổ êm đềm nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” [87, tr.316.]. Bằng sức tưởng tượng phong phú kết hợp với tư duy nghiên cứu, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cung cấp cho người đọc nhiều tri thức lịch sử, địa lí phong phú về sự hình thành sông Hương từ nguồn ra biển. “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình” [87, tr.316], “ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục... Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản,

nó chuyển hướng sang Tây Bắc, vòng qua thềm đất Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình vòng cung thật tròn về phía Đông Bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế” [87,tr.317]. Sự xuất hiện một loạt các địa danh văn hoá vốn gắn liền với xứ Huế thực không vô tình, như muốn nói với bạn đọc: sông Hương chính là hiện thân, là bộ mặt, là linh hồn của xứ Huế. Không chỉ vậy, với tác giả sông Hương còn là lịch sử của đất cố đô. Từ thuở xa xưa nó là dòng sông biên thuỳ của nước Đại Việt, trong sách Dư địa chí

của Nguyễn Trãi nó là dòng sông thiêng với tên “Linh Giang” cổ kính. Đến thế kỷ XVIII nó ưỡn ngực đưa những đoàn quân Tây Sơn hùng dũng tiến ra Bắc đuổi quân Thanh xâm lược. Từ thế kỷ XIX dòng sông lại in bóng những lăng tẩm đồ sộ chôn vùi giấc ngủ nghìn năm của vua chúa nhà Nguyễn. Xuân Mậu Thân 1968, dòng sông lại mở lòng đón nhận những dòng máu anh hùng của những người con xứ Huế, yêu xứ Huế đã ngã xuống bảo vệ mảnh đất anh hùng. Phác thảo lại lịch sử cũng là một cách để nhà văn làm sống dậy dòng sông Hương trong lịch sử, nó như được chảy ra từ lịch sử, mang ý thức của lịch sử. Con sông Hương đã trở thành huyền thoại, thành dấu ấn của lịch sử.

Dưới góc nhìn văn hóa, dòng sông Hương còn mang trong mình nó nét văn hoá đậm đà xứ Huế. Đó có thể là một sắc tím Huế đã trở thành biểu tượng riêng của xứ này mà sắc tím ấy có từ rất xưa, vốn là "màu áo điều lục với loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện". Đấy là sắc áo cưới của xứ Huế ngày xưa, trong những ngày nắng được đem ra phơi và luôn in bóng trên mặt sông Hương trữ tình. Đó có thể là một đêm hội hoa đăng những rằm tháng bảy với hàng trăm nghìn ngọn đèn bồng bềnh trên mặt sông; là âm thanh của "người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya" [87,tr32]… Đó là giọng hò dân gian cũng là tâm hồn người xứ Huế lan xa và âm vang khắp mặt sông. Giả sử nếu không có mặt nước Hương giang thì dứt khoát không thể có những điệu hò, nhịp hò ấy và với tác giả thì “Quả đúng như vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế, đã được sinh thành

trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya” [87,tr320].

Như vậy, đọc những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc cảm thấy nhận thức của mình được thỏa mãn trong sự tra cứu tỉ mỉ và nghiêm túc những thông tin khoa học địa lí, lịch sử, văn hóa của tác giả. Nhưng nếu tư duy nghiên cứu chủ yếu cung cấp những dữ kiện, những tri thức về dòng sông thì tư duy nghệ thuật giúp những tri thức đó trở nên mềm mại hơn.

Trong dòng cảm hứng về sông nước, Nguyễn Tuân trong tùy bút

Người lái đò sông Đà nhìn con sông của mình với hình dáng của một sinh

thể sống động, có tính cách vừa hung bạo vừa trữ tình nhưng chủ yếu qua đó làm toát lên sức mạnh, vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Đâu đó, hình bóng thiên nhiên và con người vẫn được tách bạch ra theo dụng ý riêng của nhà văn. Đến những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường ta lại thấy nhà văn nhìn con sông trong con mắt của người nghệ sĩ đa cảm, từ đầu đến cuối dòng sông mang trọn vẹn dáng hình của một người con gái: lúc là “cô gái Digan phóng khoáng và man dại” lúc lại là “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” dịu dàng và trí tuệ, khi lại trở thành “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” [87, tr.316-318].… Hình tượng dòng sông được diễn đạt bằng những hình ảnh so sánh, những liên tưởng tài tình độc đáo. Dòng sông ấy phải chăng cũng chính là dáng hình của những con người xứ Huế. Thật vậy, trong cuộc hành trình miệt mài của mình, sông Hương đã “vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó” và có lúc “sực nhớ điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt…vấn vương” [87,tr.317]… Những băn khoăn, trăn trở, nỗi niềm với quê hương đều được dòng sông thổ lộ, trải lòng. Nhìn và cảm dòng sông như một con người, điều đó cho thấy bản lĩnh của nhà văn và phong cách cá nhân cũng đã được biểu hiện thông qua những liên tưởng đó. Sự kết hợp giữa tri thức khoa học với những hư cấu tài

tình thông qua thủ pháp nhân cách hoá, để rồi dòng sông Hương không còn là một sự vật vô tri vô giác nữa mà nó trở thành một nhân vật có tâm hồn có sức sống mãnh liệt như con người trong những bước thăng trầm của cuộc đời. Trần Đình Sử khi nghiên cứu bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? đã ví “hành trình của sông Hương từ nguồn ra biển là hành trình của tâm hồn xứ Huế” với những cung bậc mãnh liệt và lắng sâu, trữ tình và bình thản trí tuệ.

Mặt khác, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại khẳng định, sông Hương cũng là cội nguồn của thi ca nghệ thuật. Ông dẫn chứng ra đã có biết bao văn nhân, thi sĩ đã từng rung động với dòng sông Hương như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tản Đà, Tố Hữu. Nhà văn đã tin rằng “có một dòng sông thi ca về sông Hương và tôi hy vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ” [8,tr.324]. Bởi Cao Bá Quát đã từng nhìn sông Hương mà thốt lên rằng: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”, Tản Đà thấy “dòng sông trắng, lá cây xanh”, Hàn Mặc Tử thì lại so sánh tôn vinh sông Hương như sông ngân hà: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay”, còn nhà thơ Thu Bồn nhìn dòng nước lững lờ của sông Hương mà bâng khuâng:

Con sông dùng dằng con sông không chảy Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Và với Nguyễn Trọng Tạo, dòng Hương Giang lại lãng đãng một bầu khí quyển huyền thoại thi ca giúp nhà thơ thăng hoa những vần mê đắm:

Con sông đám cưới Huyền Trân Bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn Hèn chi thơm thảo nỗi buồn

Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ Con sông nửa thực nửa mơ

Viết về sông Hương Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không chỉ có bài ký

Ai đã đặt tên cho dòng sông? mà hình tượng đó còn trở đi trở lại trong một

loạt các tác phẩm khác như: Sử thi buồn, Như con sông từ nguồn ra biển,

Rất nhiều ánh lửa, Mùa xuân thay áo trên cây… Dường như sông Hương

trong con mắt tác giả luôn mang những bí ẩn mà có lẽ đi suốt cuộc đời con người cũng chẳng bao giờ khám phá hết được. Nó sẽ luôn mới mẻ, thử thách sự kiếm tìm, trải nghiệm của con người, “luôn là nỗi hoài vọng về một cái Đẹp nào đó chưa đạt tới”. Và ông đã từng da diết tâm sự: “Tôi đã mang cả tâm huyết vẽ nên một dòng sông y như nó vốn có. Đó là một thứ tài sản tôi muốn gửi lại cho thế hệ mai sau” [48]. Câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gợi lên trong miền tình cảm của bạn đọc nhiều băn khoăn về một dòng sông ngỡ là quá quen, hoá ra lại có nhiều bí ẩn cần được khám phá thêm. Có như vậy, chúng ta mới hiểu sâu sắc hơn về quê hương đất nước, tự hào hơn về giang sơn cẩm tú Việt Nam.

2.2.2.1. Hình tượng cảnh vật xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, gắn bó sâu nặng với mảnh đất ấy, điều ấy giải thích tại sao thiên nhiên và con người nơi đây lại xuất hiện nhiều đến vậy trong các trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hiện diện và trở thành hình tượng nghệ thuật trên những trang văn của ông người đọc không chỉ thấy thiên nhiên Huế với dòng sông Hương mà còn những cảnh vật khác của xứ Huế như: rừng núi xứ Huế: núi Ngự Bình, núi Bạch Mã, núi Kim Phụng… và cả những khu vườn cùng thế giới cỏ cây đường phố xứ Huế… Những cảnh vật xứ Huế hiện lên như những sinh thể sống động nhờ sự miêu tả, hư cấu, cảm nhận bằng tất cả các giác quan và tấm lòng nặng tình, thấu suốt vạn vật của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Nếu sông Hương là – “dòng sông đời người” nhẹ nhàng kín đáo như một kiều nữ thì hình tượng núi Bạch Mã lại mang dáng vẻ uy nghi của một chàng trai dũng mãnh. Là ngọn núi cao ngất ở phía Nam Huế, gấp ba lần độ

cao của đèo Hải Vân, Bạch Mã thực sự làm choáng ngợp những ai lần đầu đặt chân đến nơi đây. Dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn, Bạch Mã còn là “ngọn núi ảo ảnh”, bởi quanh năm vạn vật ở đây dường như đều chìm đắm trong sương mù và “người Việt đã tìm thấy ở ngọn núi vẻ uy nghi của trời đất, sự minh triết của trí tuệ và nét thâm trầm, cao khiết của tâm hồn. Trong tâm thức của cộng đồng, những giá trị tâm linh dường như bao giờ cũng được hun đúc trên những ngọn núi cao” [24]. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông đã tìm thấy ở ngọn núi này “không gian huyền nhiệm kiểu phương Đông với thiên nhiên đầy hoa rừng mùa Xuân, nắng rực rỡ mùa Hè, và sương khói mộng ảo mùa Thu; nơi đó cây và đá sạch như vô nhiễm, mây trời và tiếng suối reo khẽ đánh động trong tâm linh giấc mộng tiền thân” [87,tr.724]. Trải qua bao biến cố thăng trầm, sóng gió của lịch sử ngọn núi từ lâu đã trở thành “di sản trong cuộc sống vốn dĩ hư huyền” [87,tr.730] của người dân xứ Huế.

Rời Bạch Mã – ngọn núi ảo ảnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại dẫn người đọc đến người tình của sông Hương là núi Ngự Bình. Cặp biểu tượng sông Hương – núi Ngự luôn đi liền kề với nhau trong truyền thống mỹ học phương Đông. Trong ký của ông, núi Ngự hiện lên không chỉ là nhân vật trữ tình với tấm vai vạng vỡ che chở cho Huế kiều diễm mà nó còn là “một thực thể quấn quýt, gắn bó rất sâu trong đời sống, tình cảm riêng của nhiều thế hệ người Huế”. Trong tâm linh những người đã từng gắn bó với Huế, núi Ngự với dáng vẻ như “một chiếc án thư nghĩ ngợi dưới ánh sáng nhật nguyệt” đã được trời

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)