Thủ pháp miêu tả, kể chuyện

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 66)

6. Cấu trúc luận văn

2.3.1. Thủ pháp miêu tả, kể chuyện

Một tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Trong các tác phẩm ký của mình Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã xây dựng được hệ thống các hình tượng nhân vật, đó các thể hình tượng thiên nhiên hay hình tượng con người… dù ở loại hình nào thì nhà văn cũng thường đi vào sử dụng thủ pháp miêu tả để miêu tả các chi tiết – những nét cụ thể mà nhà văn sử dụng để miêu tả ngoại hình, nội tâm, hành động của nhân vật, cũng như những cảnh vật, sự kiện có liên quan đến nhân vật đó.

Đối với hình tượng thiên nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường thường đi vào miêu tả chi tiết “ngoại hình” của các nhân vật. Sự miêu tả ấy, có khi là miêu tả trực tiếp, cũng có lúc lại thông qua các biện pháp nghệ thuật như so sánh, liên tưởng… Chẳng hạn, trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? hình tượng sông Hương được miêu tả ở nhiều điểm nhìn khác nhau: trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm “nó là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua các ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đấy vực bí ẩn và cũng có lúc trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” [87,tr.316]; khi ở ngoại vi thành phố Huế sông Hương lại được miêu tả với những đường nét, màu sắc tươi trẻ, mềm mại của một người con gái “sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm (…) để sắc nước trở nên xanh thẳm (…) dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi”[87,tr.318]; khi về đến thành phố Huế - người tình mong đợi của mình thì “dòng sông vui tươi hẳn lên (…) uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến, đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”[87,tr.318]…Với cách miêu tả trực tiếp tỉ mỉ đặc điểm của sông Hương, nhà văn đã làm sống dậy trước mắt người đọc hình tượng sông Hương – người gái đẹp trong thủy trình về với người tình mong đợi của mình là thành phố Huế.

Nếu ở hình tượng thiên nhiên nhà văn thường đi vào miêu tả trực tiếp “ngoại hình” thì đối với hình tượng con người Hoàng Phủ Ngọc Tường lại thường đi vào lựa chọn, miêu tả những nét đẹp thuộc về tính cách, tài năng thể hiện qua suy nghĩ, thái độ, hành động của nhân vật. Chẳng hạn, khi viết về những danh nhân đất Việt một thời, ông vừa tiếp tục phát huy những vẻ đẹp đã được sử sách ca ngợi, vừa có sự khám phá những vẻ đẹp độc đáo của họ mà chưa từng được nói tới. Nguyễn Trãi, được miêu tả, nhận xét là con

người mang “tính cách lưỡng nguyên”, “luôn luôn chọn đúng hướng ” cho con đường đi của mình (Nguyễn Trãi trước ngã ba thời đại), với Đào Duy Từ, tuy xuất thân từ “một kẻ giữ trâu cho nhà giàu” nhưng ông đã khẳng định được “tư thế của kẻ sĩ đối diện với vương quyền” khiến cho chúa Nguyễn phải nể phục, coi trọng (Thầy Đào Duy Từ). Còn với những người anh hùng trong cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự do và thống nhất đất nước, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng phát hiện được những vẻ đẹp độc đáo, đầy cá tính trong tính cách của họ để miêu tả. Trong Bản di chúc của cỏ lau, nhân vật Hoàng, người trí thức đã phụng sự Tổ quốc đến giọt máu cuối cùng, và anh chỉ có một mong ước giản dị là được “làm người lính bảo vệ Tổ quốc” chứ “không muốn tham gia “đảng phái” nào hết”. Với Lê Minh Trường, ẩn dưới cái “vẻ bên ngoài đơn độc, hơi cộc cằn và rất lầm lì đàn ông” là một vẻ đẹp “đầy trí tuệ” của người cách mạng thật sự có trái tim đầy nhiệt huyết chiến đấu và anh đã dành tặng riêng “những người cùng khổ” (Về chiếc panh – xô và khẩu súng của

Trường)… Như vậy, với cách miêu tả nhân vật không khoa trương, không ồn

ào, chỉ khơi gợi những nét tính cách, tài năng mang vẻ đẹp riêng, không trùng lặp với ai, những nhân vật của Hoàng Phủ Ngọc Tường hiện lên rất đỗi bình dị như bao con người Việt Nam khác nhưng ở họ vẫn toát lên những nét khí khái riêng, mang hơi thở của thời đại.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)