Khái niệm không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 104)

6. Cấu trúc luận văn

3.4.1.Khái niệm không gian nghệ thuật

Song hành cùng thời gian nghệ thuật là không gian nghệ thuật. Cũng như thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Để hiểu được khái niệm không gian nghệ thuật một cách cơ bản và khái quát nhất, người viết xin được viện dẫn cách hiểu của các nhà nghiên cứu trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học:Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [20.tr.162]. Còn tác giả Trần Đình Sử trong Dẫn luận thi pháp học cũng lí giải: “không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật” [55.tr.115]. Ông còn khẳng định một cách hết sức chắc chắn:“không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó”,“không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống” [55,tr.115].

Như vậy, không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, “mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật”. Sự miêu tả, trần thuật bên trong tác phẩm văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, ta xác định được vị trí của chủ thể trong không - thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định. Điểm nhìn không gian được thể hiện qua các từ chỉ phương vị (phương hướng, vị trí), để tạo thành “viễn cảnh nghệ thuật”.

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Không gian nghệ thuật không chỉ cho thấy cấu trúc của tác phẩm văn học, ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy, không thể tách hình tượng ra khỏi không gian mà nó tồn tại.

Tóm lại, không gian nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính cách nhân vật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm - một phạm trù quan trọng của thi pháp học và là phương tiện chiếm lĩnh đời sống, là mô hình nghệ thuật về cuộc sống. Không gian nghệ thuật góp phần thể hiện quan điểm nghệ thuật của mỗi nhà văn.

Không gian nghệ thuật luôn có sự biến đổi theo dòng chảy văn học. Ở mỗi thời kì, giai đoạn văn học, không gian nghệ thuật mang những đặc trưng riêng làm nên dấu ấn thời đại trong không gian nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trong văn học dân gian mang đậm màu sắc tôn giáo huyền bí với mô hình không gian ba giới, ba tầng, ba cõi. Đến văn học Trung đại, không gian nghệ thuật mang tính rộng lớn bất biến của kiểu không gian vũ trụ, sau đó không gian được trở về gần hơn với cuộc sống của con người, đó là kiểu không gian trần tục hóa, không gian thế tục hóa. Chỉ đến văn học hiện đại, không gian nghệ thuật mới thực sự gần gũi với cuộc sống của cá nhân con người, đi sâu phản ánh hiện thực cuộc sống đầy nhọc nhằn vất vả, không gian nghệ thuật được cá thể hóa.

3.4.2. Không gian nghệ thuật trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường

Do đặc trưng nổi bật của ký là bám sát hiện thực cuộc sống, phản ánh chân xác cuộc sống nên nhiều người lầm tưởng rằng không gian của tác phẩm chủ yếu là không gian giới hạn của hiện tại cuộc sống với những gì mắt thấy tai nghe. Nhưng trong thực tế, các tác phẩm ký vẫn tràn đầy cảm xúc, lấp lánh chất

thơ hướng người đọc đến những tình cảm thẩm mĩ… khiến đường biên chật hẹp đó đã bị phá vỡ, tạo thành những khoảng không gian muôn màu. Sự đa dạng không gian trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể khái quát thành ba kiểu chính là: không gian cụ thể, không gian toàn cảnh, không gian siêu thực.

Là một người “ham chơi” nên bước chân của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi rất nhiều nơi trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ đỉnh Chi Ma nơi địa đầu đất nước cho đến những cánh rừng đước nơi đất Mũi Cà Mau. Vì vậy, những không gian cụ thể của các vùng miền đã được nhà văn đi vào đặc tả bằng những nét bút tài hoa, và cả cái tâm của người nghệ sĩ cùng tình yêu tha thiết với đất nước, quê hương mình. Nên khi tìm hiểu các trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường ta thấy hiện lên trước hết là những khoảng không gian cụ thể

được miêu tả một cách chi tiết với những đặc điểm riêng như không gian

lăng tẩm Huế, không gian nhà vườn Huế, không gian Châu Hóa tràn ngập sắc hoa dại – một địa danh trong thủy trình của Sông Hương…Với điểm nhìn ở cự ly gần của người trong cuộc trực tiếp quan sát, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẽ lại những kiến trúc lăng tẩm của cố đô Huế bằng những nét bút sống động. Lăng của các vua Nguyễn là minh chứng: lăng Gia Long, kết hợp với thế núi hùng vĩ và chất liệu đá hoa cương mênh mông, là biểu hiện của phẩm chất người hùng; lăng Minh Mạng, kiến trúc theo nguyên lý đối xứng nghiêm ngặt, chính là lý trí và quyền lực; lăng Tự Đức xóa bỏ sự đối xứng để cho từng bộ phận của cảnh quan xuất hiện bất ngờ trước mắt người xem… (Tính cách Huế). Nhà văn đã thể hiện không gian lăng tẩm Huế bằng cái nhìn của một người trong nghề am hiểu sâu sắc về kiến trúc và triết học. Đồng thời, dường như ông đã thổi hồn vào không gian uy nghiêm ấy để người đọc thấy được đó không chỉ là dấu vết của văn hóa, của lịch sử mà còn là kỷ niệm của mỗi đời người.

Với không gian sông nước, Hoàng Phủ Ngọc Tường “vẫn nuôi một nỗi say mê riêng, muốn được tắm mình trong những dòng sông của đất nước,

sông Hồng, sông Cửu Long, sông Bạch Đằng hay sông Mã, từ sông Kỳ Cùng ở cực Bắc tới sông Rạch Tàu ở Cà Mau” [87,tr.471], nhưng có lẽ gắn bó sâu nặng nhất với nhà văn vẫn là dòng Hương Giang. Đối với ông, sông Hương không giống bất kì dòng sông nào, nó luôn được làm mới trên trang văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nó luôn gợi mở một không gian trong xanh, lấp lánh nhẹ nhàng, thơ mộng quyến rũ, rất Huế. Khi miêu tả về dòng sông, nhà văn như hóa thân vào đó cùng vui, cùng buồn, cùng làm duyên làm dáng với nó:

“ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản,nó chuyển hướng sang Tây Bắc, vòng qua thêm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một vòng cung thật tròn về hướng Đông Bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn để sắc nước trở lên xanh thẳm, và từ đó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột khởi như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi” [87,tr.317]. Với sự miêu tả cụ thể, chi tiết như vậy, có thể nói: sông Hương – chính là không gian của nỗi nhớ, của tình yêu, của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đến với không gian vườn Huế với khu vườn An Hiên, nhà văn như đưa người đọc vào thế giới của các loài hoa “Từ cổng vào, lần nào tôi cũng phải dừng lại ngắm những cây hải đường trong mùa hoa của nó, hai cây đối nhau trước tấm bình phong cổ, rộ lên hàng trăm đóa ở đầu cành phơi phới như một lời chào hạnh phúc...” [87,tr.377]. Cũng chính giữa không gian nơi đây khiến tác giả cảm nhận được “cái bi, cái hài, cái ảo, cái thực, cái đẹp giữa những tháng năm đất nước đời người”, và “mỗi con người quanh tôi, trĩu nặng

một nỗi lòng thương cây nhớ cội, và nét điềm tĩnh của mảnh đất mà họ đã cày cuốc và gieo hạt” [87,tr.398]. Hay ở chỗ khác nhà văn với điểm nhìn của người trong cuộc là một người họa sĩ, đã dùng những bút pháp của hội họa để vẽ nên những khoảng không gian đầy màu sắc, hình ảnh: “Một buổi sáng, tôi tình cờ dậy sớm, ngồi nhìn sao mai qua cửa sổ phòng viết sau nhà. Trên mái đen thẫm của dãy nhà bên kia chợt lộ ra một vệt sáng chạy dài theo đường nóc, vệt sáng mỏng như một đường viền đăng đen có màu tím, rất tím, đúng màu tím than. Vệt sáng rộng gần, tươi lên thành màu hồng. Trong khoảnh khắc, nó chuyển sang màu ngọc bạch, như màu da trái đào non, trên đó hiện bóng vài con chim én bay liệng. Tôi vừa cúi xuống ghi chép vài dòng về cảnh tượng trước mắt, ngẩng lên đã thấy mảng trời màu trắng ngọc kia biến thành những vệt sáng rộng lớn hình rẽ quạt hồng, sẫm dần thành màu đỏ thắm trên một nền da trời xanh lơ. Và cũng chỉ trong chốc lát, những nan quạt tan biến, nền trời hửng lên một màu trắng rộng thênh thang, trắng hẳn như là sữa pha, để dịu dần xuống trong màu xanh dịu đàng của nền trời phía sau. Trên màu trắng ổn định ấy của buổi sớm mai nhô cao lên phía bên kia mái nhà, tôi chợt nhìn thấy mấy chùm đỏ của hoa phượng đầu mùa.” [87,tr.794]. Một khoảng không gian đẹp lung linh sắc màu, đã được nhìn từ cái nhìn của một con người có tâm hồn nhạy cảm tinh tế, yêu tha thiết quê hương đất nước mình, ta có thể bắt gặp rất nhiều những khoảng không gian như thế trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Không chỉ vẽ lên những trang ký của mình những khoảng không gian rực rỡ sắc màu mà nhà văn còn cảm nhận không gian bằng những hương vị tinh tế của nó. Chẳng hạn, không gian khu vườn An Hiên được nhà văn gợi lên từ “mùi hương dịu ngọt của hoa ngọc lan, hoa chanh, bưởi và thoang thoảng trăm thứ hương hoa khác”, hay “cam, bưởi, thanh trà đã già mùa hoa, tỏa lan khắp vườn một mùi hương rộng rãi, sung thiệm, sâu vào tận phổi và hình như còn bay xa qua những khu vườn khác” [87,tr.382]; hay không gian làng Thành Trung – một ngôi làng nhỏ ven bờ sông Hương, chuyên trồng các loại rau thơm

Rau Thành Trung thơm ngát, xưa vẫn phải cung tiến cho vua chúa,chen chúc nơi chợ búa vẫn không để ai nhầm lẫn; người Huế vẫn thường gọi kính nể là “Rau phường Thành”” lại được gợi lên từ sự cảm nhận mùi hương đất nơi đây của tác giả: “Tôi về Thành Trung vào đầu xuân. Làng Châu Hóa đang rộ mùa hoa trái, khí đất hùng hậu, hương đất nồng nàn tưởng như nhìn thấy được. Trong đêm khuya, chưa bao giờ tôi được nghe mùi hương đất thơm đến vậy, xao xuyến như da thịt, sâu thẳm như thời gian” [87,tr.334].

Như vậy, bằng tài năng cùng với sự nhạy bén của người nghệ sĩ cùng tình yêu tha thiết của một người con đối với xứ Huế, với quê hương đất nước mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thành công trong việc miêu tả các khoảng không gian chi tiết, cụ thể ở điểm nhìn cận cảnh. Nhà văn đã tạo được chất trữ tình, lãng mạn, sự đằm thắm, chất triết lí cho trang ký của mình cũng là nhờ việc tạo dựng lên những khoảnh không gian này. Bởi những khoảng không gian đó cũng chính là tiếng vọng của lịch sử, văn hóa, thiên nhiên và tâm hồn con người.

Nếu không gian chi tiết, cụ thể góp phần tạo nên chiều sâu cho các trang ký Hoàng Phủ Ngọc Tường thì không gian toàn cảnh lại tạo nên bề rộng của những hiểu biết nơi ấy. Hoàng Phủ Ngọc Tường với cái nhìn xuyên thời gian và các góc nhìn khác nhau: khi là một người con của Huế, khi khác lại là người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu, hay là người bạn của thiên nhiên … ông đã tạo dựng lên được những khoảng không gian toàn cảnh để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Chẳng hạn như không gian văn hóa Huế. Là người “trầm cả khuôn mặt cuộc đời vào Huế”, nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm sống dậy trên trang ký của mình một không gian thấm đẫm chất Huế với những cảnh sắc đặc trưng rõ nét, ngay cả khi nhà văn không trực tiếp nói về Huế mà hồn cố đô vẫn ẩn hiện trong từng câu chữ. Không gian Huế theo từng nhịp sống đời thường, từng bước chân phiêu lãng của người nghệ sĩ hiện ra trước mắt bạn đọc đó là những tiểu không gian: không gian ẩm

thực Huế, không gian vườn Huế, không gian mỹ học Huế, không gian thiên nhiên Huế…

Không gian ẩm thực Huế đưa chúng ta về với không gian ấm cúng của những gia đình Huế, với những thực đơn phong phú mà thơm ngon bổ dưỡng mà: “du khách có thể đến ở trọ trong một khu vườn yên tĩnh, ăn những bữa cơm gia đình đàng hoàng, trong vào một tháng không phải dùng lại một món ăn nào đến lần thứ hai và đều nấu theo lối Huế” [88,tr.40]; cùng những quan niệm của người dân Huế về ăn ngon; về nghệ thuật chế biến các món ăn Huế… Không gian vườn Huế lại để lại trong lòng bạn đọc cái dư vị là sự thoải mái, tĩnh lặng trong tâm hồn “Vườn Huế, dù giầu hay nghèo thường vẫn có cổng gạch, mái khá rộng, phía ngoài trồng vài cây có quả, ấy là chỗ dừng chân qua cơn mưa, là chút bóng mát dành cho người đi đường, là chút lộc hoa trái dành cho trẻ em trong xóm, cổng nhìn ra nên luôn luôn ngụ tấm lòng người nhu mì thơm thảo. Người Huế lập vườn trước hết như là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, ước mong sẽ là chút di sản tinh thần để cho con cháu” [87,tr.374]. Không gian vườn Huế đã được nhìn với cái nhìn xuyên thời gian từ thủa xa xưa cho tới tận bây giờ và có lẽ còn mãi đến mai sau với những giá trị tinh thần và giá trị thực của nó đối với thiên nhiên và những người dân Huế. Không gian thiên nhiên Huế, cũng được nhà văn đặc biệt tái hiện bằng tất cả niềm say mê hòa nhập đồng điệu, giao cảm của mình. Không gian đó là sự tổng hợp của cái nhìn về trời mây, sông núi, những nẻo đường, những hàng cây, bông hoa dại nơi xứ sở mộng mơ này và nổi bật hơn cả là dòng Hương Giang. Trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? Không chỉ đi vào đặc tả những không gian cụ thể của sông Hương mà nhà văn với cái nhìn khái quát đã miêu tả sông Hương trong không gian toàn cảnh. Tác giả đã giới thiệu với người đọc thủy trình của sông Hương – một chặng đường đi dài – một khoảng không gian rộng lớn, dưới nhiều điểm góc nhìn. Nhà văn đã thực hiện một cuộc hành trình theo suốt chiều dài của con sông từ nơi khởi nguồn giữa

lòng Trường Sơn với rừng già, ghềnh thác, vực xoáy để rồi chuyển dòng liên tục mà hoà mình với cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại và bắt đầu hành trình tìm kiếm thành phố tương lai của nó. Và bởi cũng đã từng biết đến sông Xen của Pari, sông Đanuyp của Buđapet, sông Nêva của Nga mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể nhận ra nét riêng của Sông Hương trong nhịp điệu, trong sắc thái văn hoá và trong quan hệ của nó với thành phố của mình. Trong những chuyến đi dọc sông Hương, chuyến đi về làng Thành Trung có một vai trò quan trọng đặc biệt bởi nó cho nhà văn không chỉ những thông tin, dấu vết về một khu thành cổ, một vùng đất chiến lược thuở xa xưa mà còn là một cơ hội

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 104)