Giọng điệu nghệ thuật trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 89)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Giọng điệu nghệ thuật trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường

Là một thể loại thuộc phương thức tự sự, “tính chất “Văn học” của một bài ký còn thể hiện ở giọng điệu trần thuật. Một áng “văn” bao giờ cũng có “giọng” và giọng của văn khác với giọng của báo” [22,tr.24]. Và trên cái nền chung của “giọng điệu trần thuật”, mỗi tác giả sẽ có giọng điệu riêng của mình. Có người trần thuật lạnh lùng, tỉnh táo; có người lại thể hiện giọng hóm hỉnh, hài hước; người lại xót xa cay đắng… Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có được giọng điệu riêng xuyên suốt hành trình sáng tác của mình để người đọc dễ dàng nhận ra và phân biệt với các nhà văn khác.

Giọng điệu thường không đơn điệu mà mang nhiều sắc thái khác nhau trên cơ sở giọng điệu chủ đạo. Đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta có thể bắt gặp rất nhiều sắc thái khác nhau ở nhiều bài viết: khi trang nghiêm, thành kính, khi ngợi ca trầm tư, khi sắc sảo với triết lí, khi lại mang tính nghị luận…

Tuy nhiên, chúng ta có thể quy về các giọng điệu cơ bản sau:

3.2.2.1. Giọng trữ tình

Giọng điệu trần thuật chủ đạo trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường là giọng trữ tình. Chất trữ tình thấm đẫm trong từng dòng văn, hiện diện ở giọng kể chuyện chậm chãi … khi ông kể về tuổi thơ, khi ông ca ngợi cảnh xứ Huế và thiên nhiên ở mọi miền đất nước hay viết về các nhân vật anh hùng, danh nhân, nghệ sĩ. Giọng điệu trữ tình được xây dựng trên cơ sở của cái “tôi” viết ký. Nó là những suy nghĩ, cảm xúc của nhà văn được cụ thể hóa thành những lời tâm sự, giãi bày.

Nhiều trang ký của ông là một nỗi “hoài niệm âu yếm” dành cho thế giới tuổi thơ. Đó là hình ảnh của tuổi ấu thơ với những nỗi niềm chân thật của con người luôn luyến tiếc nhớ về một thiên đường với chú dế mèn trong bao diêm, cánh chuồn chuồn, những bông hoa dại, những cánh đồng hoang miền sơn cước, những ánh đom đóm, tiếng ve… Đọc những trang văn này ta cảm nhận rất rõ giọng trữ tình trìu mến thân thương của nhà văn gửi vào những trang viết. Một cái gì đó cứ da diết, mênh mang, vời vợi nhưng cũng thực sâu lắng đọng trên từng dòng chữ: “Tôi có một thiên đường đã mất, phía bên ngoài cửa sổ, bên kia những hàng cây và những mái nhà…Đấy là một không gian thơm mùi cỏ, hoa dại, đất sau cơn mưa và nhiều khi tôi ngửi thấy mùi của những ngọn gió lạ. Trên những cánh đồng, những đồi cỏ may hoặc dọc theo những dòng sông nhỏ, tuổi thơ của tôi đã dông dài với những sinh vật bé bỏng tội nghiệp mà sau này tôi nghe lại một tiếng gọi trìu mến trong thơ Bùi Giáng: Trần gian ơi, cánh bướm – cánh chuồn chuồn ” [87,tr.809]. Những cụm từ: “tôi không sao quên đươc”, “tôi quên thế nào được”, “tôi nhớ”, “tôi nhớ hoài”…(Thời thơ ấu xanh biếc, Rừng tuổi dại, Con gà đất của tôi ) như lời tâm sự bộc bạch nỗi lòng thẳm sâu của nhà văn về thời thơ ấu đã qua.

Những trang văn theo bước chân xê dịch của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng mang giọng điệu trữ tình với sắc thái tự hào, ngợi ca. Đứng trước một

bức tranh thiên nhiên ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc – Lạng Sơn trong bài ký Ai

về châu xưa, ta bắt gặp giọng điệu dịu êm, ngập tràn cảm xúc tự hào của tác

giả: “Tháng Tư, sắc đào hồng của Lạng Sơn đã bàn giao xong mùa màng cho hoa chẩu. Lần đầu tiên tôi được biết vẻ đẹp của thượng du vào mùa hoa chẩu. Hoa trắng muốt vẻ tinh khôi, như mới được rửa sạch sau cơn mưa, nở sum suê kín cả cành lá, kiểu hoa phượng, giống như một niềm vui trong sáng, đã được thổ lộ đến hết mình. Hoa rụng xuống lúc còn tươi, đổ xuống thành một bóng cây trắng xóa trên mặt đất, cứ thế suốt những dặm dài.” [87,tr.261]. Từ Lạng Sơn đến mảnh đất Côn Sơn gắn liền với tên tuổi của danh nhân Nguyễn Trãi, ta lại bắt gặp giọng điệu trữ tình bồng bềnh: “tôi lên Côn Sơn chỉ để nhìn cho đã thèm một màu trời xanh, xanh như đại dương thăm thẳm ở trên cao và xanh như một thoáng hiện của vô hạn thấp thoáng đâu đó trên trán tôi”

[87,tr.775]. Đặc biệt khi viết về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành tất cả tâm hồn thơ, mộng của mình để trang văn trở nên ngọt ngào da diết: “Mùa Thu, tôi ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong của chiếc cổng vòm quay mặt ra sông, ăn đến trái hồng vừa ngọt vừa thanh đến độ tưởng như mỗi miếng vừa ngậm vào nửa chừng đã tan thành dư vang của một tiếng chim. Tôi đọc sách trong trạng thái vừa thích thú vừa lơ đãng, miên man trong vẻ đẹp của dòng sông đang đổi sắc không ngừng dưới ánh nắng và trong mùi hương trốn tìm của hoa trái trong vườn. Chính trong những giờ phút bồng bềnh giữa cõi thực và cõi thơ ấy, tôi đã cảm nhận ra cái âm hưởng sâu thẳm của Huế” [87,tr.318]; hay “Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước” [87,tr.323]…

Giọng trữ tình khiến cho các đối tượng được diễn tả trên các trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường như kỷ niệm tuổi thơ, chân dung các nhân vật, hay dòng sông, hoa trái, di tích, văn hóa, con người… trở nên ngọt ngào, thi

vị và có hồn hơn. Tất cả đều xuất phát từ tài năng và trái tim nặng trĩu những yêu thương dành cho đất nước và con người Việt Nam của tác giả. Và giọng điệu đó đã xuyên suốt hành trình sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường góp phần thể hiện một phong cách viết kí trữ tình đầy sáng tạo trong dòng ký Việt Nam đương đại.

3.2.2.2. Giọng triết lý

Nếu giọng trữ tình là giọng trần thuật chủ đạo trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì giọng triết lý lại làm nên chiều sâu, nét đặc sắc riêng cho ký của ông. Ký cũng như các thể loại văn học tự sự khác có tính tư tưởng cao. Mạch huyết của những tư tưởng đó chính là chiều sâu suy ngẫm, vốn sống và cái tâm của người cầm bút. Không có các yếu tố này, nhà viết ký khó có thể neo đậu được tác phẩm của mình trong lòng bạn đọc. Hoàng Phủ Ngọc Tường được đánh giá là “một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay” (Nguyên Ngọc) cũng là bởi nhà văn đã thể hiện được độ sâu tư tưởng trên các trang viết của mình. Giọng triết lí có mặt hầu hết trong các trang ký của ông đã góp phần tạo nên cái chiều sâu ấy.

Viết về bất cứ sự vật, sự việc, thiên nhiên hay con người, ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn thấm đẫm một giọng điệu thâm trầm, triết lí. Từ cỏ cây, sông nước, rừng núi…tưởng như vô tri vô giác mà trở nên có sức sống lạ kì qua đôi mắt và trái tim nhà văn. Cứ sau mỗi câu chuyện về thiên nhiên , con người, ông lại cảm nhận được từ đó bài học lớn về cuộc đời: “Thiên nhiên trong sự hòa điệu với tâm hồn con người không chỉ là bài ca cuộc sống mà hơn tất cả nó là sự chiêm nghiệm các giá trị cuộc đời” [24].

Có khi giọng điệu triết lí được thể hiện qua những lời trò chuyện với một bông hoa nhỏ: “Hỡi những bông hoa nhỏ! Hãy cho ta biết ngươi ước vọng gì trong cuộc sống vô tư của ngươi?

- Chỉ cần một ngày nắng đẹp để nở hoa, thế thôi. Tôi có một trái tim hồng ngọc để chỉ sống và chết một lần với trái tim của tôi...” [87,tr.671].

Hay khi ngắm nhìn những bông hoa dại trong lòng nhà văn cũng ngân lên những xúc cảm và triết lí về vẻ đẹp của chúng: “Hoa phù dung biểu lộ với tôi tấm lòng ham thích cuộc sống của nó, mặt khác, hình như nó đã phải sống hụt một đời hoa”, “Nhờ hoa ngũ sắc mà tuổi thơ đầy ràng buộc trong sự giáo dục nghiêm khắc của cha tôi, vẫn có đôi phần hoang dại”, còn “hoa phong lan khiêm tốn và kiên cố như một chân lí, cứ đúng lúc lại xuất hiện” (Hoa bên trời). Từ khám phá đầy tính triết lí về hoa cỏ thiên nhiên, nhà văn lại như nhìn thấy được sợi dây liên kết giữa thiên nhiên với cuộc đời con người. Trong bài

Như con sông từ nguồn ra biển tác giả viết về một người bạn của mình

tên là Giao. Lúc đầu đứng trước cuộc kháng chiến đầy gian khó của dân tộc, Giao tỏ ra là người nhút nhát, rụt rè trước thời cuộc, nhưng sau khi mắt thấy tai nghe nhìn thấy khí thế đấu tranh của dân tộc tư tưởng, thái độ của Giao có sự chuyển biến tích cực. Hoàng Phủ Ngọc Tường tin tưởng rằng “Cũng có những dòng nước rủi ro bị lạc đường... Nhưng khi những dòng nước đã nhập được vào sông, thì nhất định nó sẽ ra đến biển” [87,tr.38]. Nhà văn mượn chuyện dòng nước, mượn con sông nhưng cũng chính là nói về con người, quy luật của thiên nhiên cũng là quy luật của con người – phải chăng đó là điều mà ông muốn chuyển tải đến người đọc. Hay trong Bản di chúc của cỏ lau, ông cũng đã viết “có những con đường không còn ai đi nữa, và những người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa... Cỏ lau mọc lên thật nhanh, nhưng không nhanh bằng trí nhớ bội bạc của con người” - đấy là bản di chúc của cỏ lau, là tiếng nói của cây cỏ hay nỗi đau của một người từng đi qua chiến tranh như tác giả. Giọng điệu của những tác phẩm này không chỉ là sự trăn trở mà còn là lời triết lí về quy luật của cuộc đời.

Như vậy, ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường phần nhiều đề cập đến các vấn đề như thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cái đẹp, thời gian… Vì vậy thấm đẫm trên từng trang viết là những chiêm nghiệm, triết lí của nhà văn về cuộc đời, sự sống, cái chết, cái hữu hạn, cái vô hạn, những quy luật của nhiên

nhiên, của cuộc đời. Không phóng đại, không ồn ào, nhẹ nhàng, trầm tĩnh, đơn giản, dễ hiểu nhưng giọng điệu triết lí đã góp phần làm nên nét riêng của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

3.2.2.3. Giọng chính luận

Bên cạnh hai giọng điệu chủ đạo bao trùm lên các tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là giọng trữ tình và giọng triết lí, người đọc còn dễ dàng nhận ra một giọng điệu khác cũng được ông sử dụng nhiều, góp phần tạo nên những nét riêng về mặt nghệ thuật đó là giọng chính luận.

Là nhà văn luôn bám sát từng hơi thở cuộc sống, phản ánh chân thực những vấn đề nổi cộm diễn ra trong cuộc sống nên Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn sẵn sàng luồn lách ngòi bút của mình vào mọi ngõ ngách dể khám phá tìm hiểu chính vì vậy mà ông còn thường dùng giọng chính luận trong các bài ký của mình, đặc biệt là ở các tác phẩm viết về đề tài thế sự. Chúng ta bắt gặp trước hết là giọng bình luận sắc sảo thuyết phục được người đọc người nghe trước các vấn đề xã hội như: khi bàn về lăng Khải Định với những nét kiến trúc từng cho là lai căng tác giả đã nhấn mạnh “Thế vậy! Những người tiên phong trong các cuộc đổi mới bao giờ cũng nai lưng ra trả giá trước, đời sẽ cám ơn sau” [86,tr.104]. Hay trước những vấn đề nhức nhối nảy sinh trong cuộc sống, ông thường dùng giọng nghi vấn để xoáy sâu vào các vấn đề đó, để người đọc nhận ra nhiều điều mà bấy lâu nay vô tình người ta không quan tâm. Chẳng hạn khi viết về Huế ông không chỉ ngợi ca, tự hào mà còn thường đạt ra các câu hỏi đầy trăn trở như: Tại sao vắng bóng tên các Vương triều Nguyễn trên đường phố Huế? (Vương triều Nguyễn trên đường phố Huế); Tại sao không trả đúng tên khai sinh cho Viện Đại học Huế? (Chuyện nhỏ

cuối năm); Tại sao lại đốn những cây xanh ở hai bên đường Vỹ Dạ? (Sao anh

không về chơi thôn Vỹ)... Giọng điệu nghi vấn xoáy đi xoáy lại những nỗi

đau của chính tác giả trước những biến động của thời cuộc trên mảnh đất xứ Huế ông yêu thương và gắn bó. Giọng nghi vấn kết hợp với những từ ngữ và

câu nghi vấn như: “sao lại”, “không hiểu sao”, “Ai trả lời cho tôi, ai kêu trời giùm tôi một tiếng?”, “Thử tưởng tượng sông Hương cũng mang một diện mạo hoang dại như thế ngang qua trước mặt cung điện Huế, thì liệu Huế có tồn tại trong tâm hồn mọi người nữa không?” [88,tr.79]… làm cho những vấn đề trở nên nhức nhối, đi sâu hơn và tâm khảm người đọc. Cũng có khi, giọng điệu đó còn đi liền với những băn khoăn, trăn trở về số phận con người, về cuộc đời dâu bể. Trong Bản di chúc của cỏ lau nhà văn khi gặp những cây bông ngũ sắc mọc khắp nơi, nở toàn một màu đỏ đã từng băn khoăn “Tại sao nơi rừng cũ Khe Trái này, nó chỉ nở một màu đỏ. Đỏ như là máu.” Và rồi tự lí giải “màu đỏ này là trí nhớ mới tạo ra của đất, để ghi lại những gì nay đã không còn và ngày sau cũng không ai biết nữa” [87,tr.645]. Đó cũng là băn khoăn, trăn trở của nhà văn trước câu hỏi cuộc đời: bao người đã anh dũng hi sinh để chúng ta có cuộc sống hôm nay, máu của họ đã thấm đẫm mảnh đất này, vậy chúng ta đã làm gì để không quên họ? Hoàng Phủ Ngọc Tường với giọng điệu chính luận đã lên tiếng gửi gắm những suy nghĩ của mình qua những trang ký.

Mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng giọng điệu chính luận trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường không gây tâm lí tiêu cực ở người đọc vì đó không phải là những câu hỏi không lời đáp mà ông luôn có những kiến giải và gợi mở những giải pháp cho các vấn đề đã nêu. Bằng những lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, và dẫn chứng cụ thể sinh động, ông đã không ngần ngại phê bình nghiêm khắc và dũng cảm bộc lộ quan điểm chính kiến của mình. Trong những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường ta hay bắt gặp những cụm từ như: “Tôi xin đề nghị”, “Tôi nghĩ rằng”, “Tôi mạnh dạn đề nghị”, “tôi mạn phép góp ý”… ví dụ đề cập đến môi trường Huế dưới góc nhìn văn hóa ông đã rất thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiêm môi trường ở Huế và đề nghị: “Tôi xin đề nghị mấy việc làm khẩn cấp để cứu vãn Huế về mặt môi trường” [88,tr.84]. Cách dùng từ như vậy cho thấy sự thẳng thắn trong việc bày tỏ quan điểm , thái

độ, chính kiến của nhà văn trước các vấn đề xã hội. Đồng thời cũng cho người đọc thấy, giọng điệu chính luận là một trong những giọng điệu làm nên đặc điểm nghệ thuật ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Như vậy, với lối tư duy văn học và ngôn ngữ trần thuật mang đậm dấu ấn cảm nhận và cảm nghĩ chủ quan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo cho những trang ký của mình một giọng điệu riêng, in đậm phong cách nhà văn đó là: giọng điệu trữ tình, giọng điệu triết lí và giọng chính luận. Những giọng điệu này là một trong những yếu tố góp phần làm nên điểm nghệ thuật của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

3.3. Thời gian nghệ thuật trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tƣờng

3.3.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật

Bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng ẩn chứa trong nó màu thời gian. Nhưng có lẽ văn chương là loại hình nghệ thuật mà thời gian có những nét đặc biệt hơn cả. Bởi “thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai” [55,tr.83]. Thời gian nghệ thuật do được sáng tạo nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lí: nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)