Nghệ thuật biểu hiện nội tâm

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 68)

6. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Nghệ thuật biểu hiện nội tâm

Đọc các tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường ta có thể dễ dàng nhận thấy, điểm nhìn trần thuật đa số ở ngôi thứ nhất, ông luôn là người kể chuyện trực tiếp. Vì vậy, nhà văn có thể tự do bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình “tôi đã cảm nhận”, “tôi thường nghe nói đến”, “tôi tin rằng”, “tôi chợt thích thú một cách bất ngờ”, “tôi vẫn cứ thấy như là”, “tôi nhận ra”, “dường như”, “có lẽ”, “tuồng như”… nhưng biện pháp mà nhà văn hay dùng nhất là sử dụng những đoạn độc thoại nội tâm đối thoại trong nội tâm của mình để biểu hiện nội tâm. Những đoạn văn này được thực hiện

bằng chính ngôn ngữ của nhân vật “tôi”, chúng vang lên một cách thầm lặng trong tâm tư của nhân vật.

Về độc thoại nội tâm: Chúng ta đều biết ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc

Tường thiên về nội cảm nhiều hơn hướng ngoại nên ông viết ký không chỉ để phản ánh hiện thực mà còn để giãi bày cảm xúc, tâm trạng của mình về hiện thực đó. Chính vì vậy, trên những trang ký ta bắt gặp rất nhiều đoạn độc thoại nội tâm cũng chính là lời giãi bày những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của tác giả. Chẳng hạn khi mở đầu bài ký Châu thổ ngàn năm nhà văn đã có đoạn giãi bày “Trong tâm hồn mỗi con người có những miền đất đai thật kì lạ. Ta chưa hề sống ở đó một ngày, nhưng từ bao giờ, nó đã da diết trong ta bằng tiếng gọi của Quê hương yêu dấu, và hình như nó vẫn làm sinh sôi những hoa trái của tâm hồn bằng những phù sa xa xôi của nó ” [87,tr.39].

Hay trong Rất nhiều ánh lửa, ông cũng tự nhủ với lòng mình “Cuối buổi chiều, Huế thường trở về trong một nỗi yên tĩnh lạ lùng, đến tôi cảm thấy hình như có một cái gì đang lắng xuống thêm một chút nữa trong thành phố vốn hàng ngày đã rất yên tĩnh này” [87,tr.87].

Trong Bản di chúc của cỏ lau ông đã có những suy nghĩ rất sâu sắc xuất phát từ những trăn trở về lẽ còn mất của cuộc đời: “Hoa là trí nhớ của đất, và đất này thì tưới nhiều máu, nên cây nở hoa màu đỏ. Có nhiều điều quan trọng của mảnh đất này mà con người đã quên đi nên cỏ cây nhắc lại”. Khi khác, đứng trước mũi Cà Mau nhà văn lại tự nói với lòng mình “Vâng, cũng vẫn là những dòng sông và những cửa biển, những cánh rừng và những đêm sao, nhưng Cà Mau không giống một miền đất nào trên khắp đất nước. Tôi từng nghe nói, đã đọc về Cà Mau, và cuối cùng đặt chân trên cái mũi nhọn chót vót mà ngày bé còn đi học, mỗi khi vẽ bản đồ Tổ quốc, tôi vẫn thường lo lắng tự hỏi không biết đứng ở nơi đó, liệu mình có bị rơi xuống biển hay không (…) thế mà khi xa rồi về ngồi nhớ lại tôi vẫn chưa hết bồi hồi xúc động về một cõi đất trời quá đỗi lạ lùng ở Mũi đất cực Nam của Tổ quốc” [87,tr.110].

Đôi khi những độc thoại nội tâm đó lại là những dòng tự vấn chính mình của nhà văn: “rồi một ngày kia, tôi sẽ già đi như tổ tiên tôi, buổi sáng ngồi thật yên nghe con chim hót trong bụi hoa, lòng rỗng không vì đã quên hết chuyện đời” [87,tr.663], “Tôi ngồi nhớ lại tất cả trong nỗi trầm tư dài (…) tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương (…) giờ đã bị xóa sạch dấu tích trong sự câm nín của lau lách (…) tôi thấy buốt lòng như lên một cơn đau dạ dày trong ý nghĩ” (Bản di chúc của cỏ lau)… Những dòng tâm trạng, những suy tư trăn trở, chiêm nghiệm, những cảm nhận buồn, vui về con người, cuộc đời…cũng chính là những dòng độc thoại nội tâm mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gửi gắm qua những trang ký. Qua đó, hình tượng cái tôi tác giả được hiện lên rõ nét: một cái tôi công dân đầy trách nhiệm với cuộc đời, một cái tôi nghệ sĩ đầy tài hoa.

Bên cạch việc sử dụng những lời độc thoại nội tâm, ta còn bắt gặp trên nhiều trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường những lời đối thoại nội tâm. Đối thoại nội tâm có nghĩa là nhân vật đối thoại với một người nào đó trong trí tưởng tượng, có khi đối thoại với chính mình… Chẳng hạn, khi cầm viên gạch cổ trên tay, ông hoàn toàn bất ngờ về sức nặng của nó “Mày bao nhiêu tuổi, hỡi viên gạch cổ?”(Ai đã đặt tên cho dòng sông?); hay đó là sự ngạc nhiên của ông trước loài hoa dại chỉ nở một lần rồi chết “Hỡi những bông hoa nhỏ! Hãy cho ta biết ngươi ước vọng gì trong cuộc sống vô tư của ngươi ?

(Sử thi buồn); Vào hè, hoa phượng “nở thật dữ dội (…) hết mình, giống như

máu chảy trong huyết quản” khiến ông bâng khâng “Hoa phượng có định mệnh gì mà người ta đa mang đến vậy?” (Khói và mây)… Đây đều là lời đối thoại với cỏ cây, với thiên nhiên nhưng thực chất kiểu câu hỏi tu từ này lại chính là lời độc thoại nội tâm của tác giả. Sử dụng những câu hỏi tu từ trong đối thoại nội tâm, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả một cách tinh tế, chính xác những tâm trạng, những cảm giác, những trăn trở, những cảm giác phức tạp khó có thể nói ra một cách thông thường.

Như vậy, trong ký của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường thường sử dụng rất nhiều độc thoại và đối thoại nội tâm để giúp người đọc hiểu hiểu hơn về những tâm tư, tình cảm, những góc khuất trong tâm hồn của những nhân vật của mình, đặc biệt là hình tượng cái tôi tác giả. Một cái tôi công dân yêu nước thiết tha, một người nghệ sĩ tài hoa đầy trăn trở trước trước thiên nhiên và con người. Chính nghệ thuật biểu hiện nội tâm này đã góp phần tạo nên nét riêng cho nghệ thuật ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật ký hoàng phủ ngọc tường (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)