6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Hình tượng con người
2.2.1.1. Hình tượng cái tôi tác giả
Ở bất kì thể loại văn học nào, tự sự, trữ tình, hay kịch chủ thể sáng tạo bao giờ cũng xuất hiện, dù có thể là đậm nhạt khác nhau. Với trí tưởng tượng phong phú, khả năng lựa chọn đề tài, chủ đề, sự vận dụng kéo léo các thủ pháp nghệ thuật và ngôn từ… người nghệ sĩ đã sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật để thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Do vậy, “Tác phẩm là sự kết tinh quá trình tư duy nghệ thuật của tác giả, biến những biểu tượng, ý nghĩ, cảm xúc bên trong của nhà văn thành một sự thực văn hóa, xã hội khách quan cho mọi người soi ngắm suy nghĩ” [32,tr.241]. Dấu ấn của chủ thể sáng tạo để lại trong tác phẩm văn học thể hiện rất rõ nét ở hình tượng tác giả.
Theo các nhà nghiên cứu thì “Hình tượng tác giả là phạm trù thể hiện cách tự ý thức của tác giả về vai trò xã hội và vai trò văn học của mình trong
tác phẩm, một vai trò được người đọc chờ đợi(…). Cơ sở tâm lý của hình tượng tác giả là hình tượng cái tôi trong nhân cách của mỗi người thể hiện trong giao tiếp. Cơ sở nghệ thuật hình tượng tác giả trong văn học chính là chất gián tiếp của văn bản nghệ thuật: văn bản của tác phẩm bao giờ cũng là lời nói của người trần thuật, người kể chuyện, hoặc nhân vật trữ tình. Nhà văn xây dựng một văn bản đồng thời với việc xây dựng ra hình tượng người phát ngôn văn bản ấy với một giọng điệu nhất định” [20,tr.125].
Hình tượng tác giả cũng là một hình tượng được sáng tạo ra trong các tác phẩm như hình tượng, nhân vật nhưng theo nguyên tắc khác: “Nếu hình tượng, nhân vật xây dựng theo nguyên tắc hư cấu, được miêu tả theo một quan niệm nghệ thuật về con người và theo tính cách nhân vật, thì hình tượng tác giả được thể hiện theo nguyên tắc tự biểu hiện sự cảm nhận và thái độ thẩm mĩ đối với thế giới nhân vật” [55]. Mỗi thể loại văn học, hình tượng tác giả lại có sự biểu hiện khác nhau, “nếu đọc truyện thường là người ta quên đi sự có mặt ở tác giả, thì khi đọc ký người ta luôn thấy vai trò của tác giả” [20]. Ở thể ký, tác giả là người trực tiếp tham gia vào thế giới hình tượng nghệ thuật của tác phẩm, phát huy khả năng quan sát, tưởng tượng kết nối các chi tiết, sự kiện, trực tiếp bày tỏ tư tưởng tình cảm của mình để người đọc cảm nhận cuộc sống theo định hướng nào đó. Chính vì lẽ đó người kể chuyện trong ký thường lộ diện trực tiếp trong hình thức người kể chuyện xưng “tôi” như cách mà Vũ Bằng, Nguyễn Tuân và nhiều nhà viết ký khác vẫn dùng: “Nhưng hỡi ai ở đất lạ đã có lần đặt chân lên đất Bắc Việt, có thể cho tôi biết tại sao Bắc Việt nghèo như thế mà người xa phần tử vẫn thương, vẫn nhớ, vẫn yêu, vẫn quý”(Thương nhớ mười hai- Vũ Bằng), “Ở đây tôi ghi lại một số xúc cảm của tôi về xòe” (Xòe – Nguyễn Tuân), hay “Đêm nay là một đêm chuẩn bị, ngày mai chúng tôi sẽ lên đường” (Đường chúng ta đi – Nguyễn Trung Thành)…
Đến với ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta bắt gặp hầu như trong các trang ký một nhân vật xưng “tôi”. Nhân vật “tôi” ấy là sự hóa thân của hình tượng tác giả hay chính là cái tôi nhập vai của nhà văn. Bằng cái tôi đó, nhà văn đã trình bày những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, con người: những gì nhà văn đã thấy, đã trải qua, đã cảm nhận bằng cả trái tim của mình.
Hiện lên trên những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường trước hết đó
là cái tôi công dân giàu lòng yêu nước, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh
chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; cũng là một cái tôi đầy trăn trở với những vấn đề thời sự nóng hổi đáng báo động – cái tôi đầy ý thức trách nhiệm với quê hương xứ sở, với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - một thái độ “nhập cuộc” tích cực.
Rời bục giảng, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc, nhà văn đã lấy máu “làm mực”, “trải đời”, “làm giấy” để viết nên những trang sử bằng văn, đồng thời cũng thể hiện những cảm xúc chân thành của cái tôi trực tiếp tham gia vào công cuộc kháng chiến ấy. Tội ác của đế quốc Mỹ đến nay vẫn để lại nỗi đau cho đất nước và con người Việt Nam. Tội ác đó được ghi lại trong nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường bằng giọng văn đầy đanh thép xen lẫn sự xót xa của một cái tôi công dân giàu lòng yêu nước như: Hành lang của người và gió, Đánh giặc trên hàng rào điện tử, Vành đai trong lửa, Miếng trầu đỏ, Bản di chúc của cỏ
lau, Đất Mũi… Nhà văn xót xa, căm phẫn khi đặt chân đến đâu cảnh “Cuộc
tàn sát diễn ra khắp nơi, ác liệt khẩn trương, như thể bọn chúng tranh thủ thời giờ để giết người” [87,tr.476], “Ở Cồn Tiên, trên diện tích hai trăm héc ta được giải phóng, đã thu hồi 62.425 quả mìn và với một trăm ba chục héc ta của Dốc Miếu, con số là 75.000 quả” [87, tr.232]. Nhà văn hơn ai hết chính là người thư kí trung thành của thời đại, chính vì vậy Hoàng Phủ Ngọc Tường không ngại kể ra những mất mát đau thương đôi khi là cả những con số trần
trụi để tố cáo kẻ thù. Đọc ký chiến tranh của ông, ta mãi ám ảnh với những hình ảnh “Hoàng nằm sõng soài trên sạp, máu từ bụng chảy ra đọng một đám đen cạnh hông, cánh tay bên trái đã cụt mất phần trước khuỷu, với ống tay bị xé mướp, thi thể của Hoàng nghe đã nặng mùi” [87,tr601], hay hình ảnh “Chúng nó đánh đập, tra tấn chị hết sức đau đớn, cuối cùng nó mổ bụng moi gan chị, chị nhìn thấy hòn mật của mình ngay trước mắt, vẫn cắn răng không hé nửa tiếng, lặng lẽ hi sinh” [87,tr.503]… những hình ảnh đầy đau thương, mất mát nhưng vô cùng anh dũng của những con người Việt Nam trong chiến tranh. Từ những hình ảnh này nhà văn bật ra những suy tư “Có một thời kì lạ như vậy, Tổ quốc đã tạo ra nhân cách lớn lao cho những người con của mình, ngang tầm với những vị thánh” [87,tr.604]. Những suy tư của nhà văn cho ta thấy một các tôi công dân yêu tha thiết quê hương xứ sở và luôn tự hào về những con người trên mảnh đất ấy.
Ra khỏi cuộc chiến tranh, cái tôi ấy mải miết đi và viết, viết thật nhiều nhưng lúc nào cũng cảm thấy mắc nợ cuộc sống “Một nhà văn trong thời đại tôi, tôi tạm định nghĩa, là một tay Chúa Chổm mang nợ đất nước của mình cho đến chết”[87,tr.428]. Bởi không còn đổ máu của chiến tranh nhưng đời thường lại có những nỗi đau khác. Đó là những vấn đề tiêu cực, nhức nhối, bức xúc trong cuộc sống hành ngày. Với cái tôi công dân “nhập thế” tích cực, đầy trách nhiệm với đời Hoàng Phủ Ngọc Tường lại lên đường dùng ngọn bút làm vũ khí để phơi bày muôn chuyện “chướng tai gai mắt” của thời thế. Giọng văn của ông ở những trang viết này đầy trăn trở, suy tư, thậm chí có cả sự đau đớn. Ông băn khoăn, lo lắng cho văn hóa dân tộc thời mở cửa (Văn
hóa thời mở cửa), cho bài toán giáo dục thế hệ trẻ của đất nước (Đại học chi
đạo), đau đáu với những vấn nạn tham nhũng (Thạc thử, Đâm mấy thằng
gian bút chẳng tà, Sợ địa ngục…), nạn phá hoại môi trường (Để bảo vệ trái
đất), hay thói vong ơn của người đời (Đêm chong đèn nhớ lại, Bản di tích
Không tô vẽ không né tránh, đó cũng là thái độ dũng cảm của người cầm bút. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định rõ cái tôi công dân của mình, trong kháng chiến, nhà văn nguyện pha máu làm mực, lấy bút làm vũ khí thì trong thời bình ngòi bút ấy vẫn giữ nguyên tính chiến đấu, bởi nó được bắt nguồn từ một cái tâm của người nghệ sĩ đối với cuộc đời. Cái tôi công dân nhập thế ở Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như có sự đồng cảm sâu sắc với những nhân cách lớn mà phần đông trong số họ đề là những con người bản lĩnh lớn lao, có dáng dấp của đấng trượng phu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Cao Vân… những con người này đều mang trong mình những nỗi niềm băn khoăn trăn trở, hết lòng vì dân vì nước. Đối diện một cái tôi như vậy vào thời điểm hiện tại, người đọc không chỉ thêm kính trọng mà còn thấy vô cùng cần thiết cho chúng ta học tập hôm nay.
Lắng đọng lại trên những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta không chỉ bắt gặp một cái tôi công dân đầy trách nhiệm với quê hương, đất nước mà còn có một cái tôi khác - cái tôi thẩm mĩ của một nghệ sĩ tài hoa. Đó là cái tôi đầy tinh tế nhạy cảm trong việc cảm nhận, miêu tả thiên nhiên, cuộc sống cũng như tâm hồn con người và cũng là cái tôi luôn hướng đến chiều sâu lịch sử, văn hóa.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người nghệ sĩ, với tâm hồn nhạy cảm ông luôn hướng lòng mình ra thiên nhiên cảm nhận mọi vẻ đẹp của thiên nhiêu và dành hết những năm tháng có ý nghĩa của cuộc đời mình để đi tìm và khám phá những sắc màu của thiên nhiên ở mọi miền khác nhau của Tổ quốc. Nhà văn đã đi dọc chiều dài đất nước, để lòng mình say mê với vẻ đẹp của cỏ hoa, của núi sông, của đất trời và con người ở những nơi ấy. Vì thế người đọc chúng ta được chiêm ngưỡng những hình ảnh nên thơ của sông Hương trong
Ai đã đặt tên cho dòng sông: “Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về
hướng chính Bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre
trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng Đông Tây để gặp lại thành phố một lần ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thật bất ngờ biết bao ” [87,tr320]. Hay vẻ đẹp của núi Bạch Mã mang trong mình những dấu ấn của thời gian và sức mạnh hoang dã của tự nhiên trong Ngọn núi ảo ảnh: “Bạch Mã là một ngọn núi cao ngất ở phía Nam Huế, cao gấp ba lần độ cao của đèo Hải Vân, đến nỗi ngay cả vào tiết trời đẹp cuối xuân, núi hứng sương mù từ biển vào, tỏa thành những cơn mưa mịt mù, giống như bóng núi đổ lênh láng xuống mặt đất suốt quãng quốc lộ ngang dưới chân nó” [87,tr.721]. Vẻ đẹp ảo diệu như trong huyền thoại của Côn Sơn trong Côn Sơn “Trời chốc nắng, chốc mưa, cơn mưa thưa và qua mau, không đủ ướt áo, sau cơn mưa rừng thông lại sáng bừng lên, lá thông óng mượt như ướt đẫm chất dầu, để rồi huyền ảo trở lại trong một thứ ánh sáng dịu dàng như ánh trăng” [87,tr.782]. Cũng có khi là vẻ đẹp hoang dã, giản dị của những cây cỏ ven đường, những bông hoa nhỏ bé ẩn mình trong tán lá ở vườn nhà bà An Hiên trong Hoa trái quanh tôi “Những bông súng nhiều màu, vàng trắng hồng, búp lại vào buổi chiều, lá từng phiến tròn trải sát mặt nước. Phong cách của hoa súng cũng lạ giống như lá, nó dính sát mặt nước,nở ra khép lại vài lần là hết, người ta không nhìn thấy nó tàn và rã cánh dần như hoa sen, nó lún xuống, trốn vào trong nước và biến mất” [87,tr.392]… Vẻ đẹp của thiên nhiên quả thực đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận đầy tinh tế bằng trái tim, bằng ngòi bút của một người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng đẹp nhất vẫn là hình ảnh của con người với sức vươn lên mạnh mẽ, sống hết mình vì lí tưởng, không sợ hiểm nguy gian khó. Người đọc khó có thể quên được những hình ảnh của mẹ E, mẹ Duyến hay chị Cầm, anh Hoàng… trong chiến tranh, cũng khó có thể quên được những con người rất đỗi bình thường trong thời bình,
người đang cố gắng giữ gìn những gì là văn hóa cho những thế hệ sau như bà Lan Hựu… Vẻ đẹp của đất nước và con người ấy đã được nhìn qua con mắt xanh của Hoàng Phủ Ngọc Tường – đôi mắt của một con người yêu cuộc sống, yêu Tổ quốc và dân tộc bằng tình yêu máu thịt.
Cái tôi tài hoa của người nghệ sĩ còn được thể hiện trong cách chọn từ, đặt câu và xây dựng hình ảnh tài tình. Viết về sông Hương song nhà văn lại không bắt đầu từ việc quan sát thực tế mà lại bắt đầu từ việc đọc những trang Kiều của Nguyễn Du để văn chương quyện vào với cảm nhận về dòng sông, để dẫn người đọc vào một câu chuyện tình kì thú có một không hai – chuyện tình của người con gái đẹp mang tên sông Hương với thành phố Huế (Ai đã
đặt tên cho dòng sông?). Trí tưởng tượng phong phú kết hợp với vốn từ vựng
đa dạng, dồi dào, tinh tế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm sống dậy trên trang ký của mình dòng sông Hương dưới nhiều góc độ, điểm nhìn. Từ góc nhìn địa lí, khi ở thượng nguồn sông Hương mang vẻ đẹp hùng vĩ “như bản trường ca của rừng già rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua các ghềnh thác”, ra khỏi đại ngàn lại trở nên dịu dàng “uốn mình theo những đường cong thật mềm” để trở thành “người mẹ phù sa” của một vùng văn hóa xứ sở…Từ góc nhìn lịch sử sông Hương lại là chứng nhân của một thời kì lịch sử “dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”, từ góc nhìn văn hóa, trong cảm nhận tinh tế của nhà văn sông Hương còn là dòng sông của âm nhạc, dòng sông của thi ca…[87,tr.316]. Như vậy, có thể nói, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bằng tấm lòng và tài năng thiên phú để viết nên những trang ký tài hoa, đậm chất trữ tình.
Đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường ta còn bắt gặp một cái tôi có vốn văn hóa dày dặn, vốn hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lí, triết học, thơ ca, hội họa, âm nhạc… của một người nghệ sĩ tài hoa. Khi đọc những trang ký viết về Huế của ông người đọc đã như được đọc những trang tài liệu khảo cứu về văn hóa Huế của một nhà nghiên cứu văn hóa nào đó – những
trang viết đã đưa ra những cứ liệu vô cùng xác thực về lịch sử triều Nguyễn, về những lăng tẩm đền đài của các vua chúa, về lịch sử của vùng đất Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng… hay những nét văn hóa rất riêng của Huế như: hệ thiên nhiên Huế, hệ vườn Huế, hệ ngũ sắc Huế, hệ ngũ âm Huế… Thậm chí là những chuyện rất đơn giản nhưng nó đã làm nên vẻ riêng cho xứ Huế như: cách làm cơm hến, các gia vị cho món ăn Huế… đều được ông miêu tả cặn kẽ, sâu sắc trong Chuyện nhà Nguyễn, Trung tâm Châu Hóa, Đôi điều về
văn hóa Huế, Mấy đặc trưng của “văn hóa ăn” vùng Huế… Sinh ra lớn lên
ở xứ Huế nơi trung tâm của Hán học một thời, nên Hoàng Phủ Ngọc Tường có vốn hiểu biết sâu sắc về Hán học và ông đồng thời cũng là một trí thức mới nên có những hiểu biết về triết học. Nhà văn đã vận dụng những hiểu biết này để bàn về những vấn đề trong Kinh Dịch của người xưa thông qua một tác