Yeo và Flower (1984) [267], đã tổng kết cơ chế chống chịu mặn của cây lúa theo từng nội dung như sau:
- Hiện tượng ngăn chặn muối - Cây không hấp thu một lượng muối dư thừa nhờ hiện tượng hấp thu có chọn lọc.
- Hiện tượng tái hấp thu - Cây hấp thu một lượng muối thừa nhưng được tái hấp thu trong mô libe. Na+ không chuyển vị đến chồi thân.
- Chuyển vị từ rễ đến chồi – Tính trạng chống chịu mặn được phối hợp với một mức độ cao về điện phân ở rễ lúa, và mức độ thấp về điện phân ở chồi, làm cho sự chuyển vị Na+ trở nên ít hơn từ rễ đến chồi.
- Hiện tượng ngăn cách từ lá đến lá - Lượng muối dư thừa được chuyển từ lá non sang lá già, muối được định vị tại lá già không có chức năng, không thể chuyển ngược lại.
- Chống chịu ở mô – Cây hấp thu muối và được ngăn cách trong các không bào (vacuoles) của lá, làm giảm ảnh hưởng độc hại của muối đối với hoạt động sinh trưởng của cây.
- Ảnh hưởng pha loãng – Cây hấp thu muối nhưng sẽ làm loãng nồng độ muối nhờ tăng cường tốc độ phát triển nhanh và gia tăng hàm lượng nước trong chồi.
Tất cả những cơ chế này đều nhằm hạ thấp nồng độ Na+ trong các mô chức năng, do đó làm giảm tỉ lệ Na+/K+ trong chồi (< 1).
Mỗi một giống lúa đều có một hoặc hai cơ chế nêu trên, không phải có tất cả (Yeo và Flowers, 1984) [267]. Phản ứng của cây trồng đối với tính chống chịu mặn vô cùng phức tạp, đó là hiện tượng tổng hợp từ những yếu tố riêng lẽ. Yeo và Flowers (1984) [267], kết luận rằng phản ứng tốt nhất làm gia tăng tính chống chịu mặn phải gắn liền với việc tối ưu hóa nhiều đặc điểm sinh lý, có tính chất độc lập tương đối với nhau.
Tỉ lệ Na+/K+ trong chồi được xem như là chỉ tiêu chọn lọc giống lúa chống chịu mặn (Gregorio et al., 1997) [89]. Chỉ số Na+/K+ thường được dùng
như một giá trị chỉ thị cho khả năng chống chịu mặn của cây trồng (Mishra et
al., 1998) [166].
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của Gregorio et al. (1997) [89], trong
thanh lọc nhanh các giống/dòng có khả năng chống chịu mặn cho rằng không nhất thiết phải phân tích tỉ lệ Na+/K+ vì mất thời gian và tốn kém, chỉ cần xác định cấp chống chịu mặn là đủ.
Qua nghiên cứu về các ion Na+, ion K+, tỉ lệ Na+/K+ cho chúng ta hiểu rõ hơn cơ chế sinh lý của các ion này ảnh hưởng đến khả năng chống chịu mặn của lúa như thế nào. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ của K+, Na+ trong tế bào thực vật ở mức độ tế bào.