Trong kinh doanh hàng may mặc, môi trường chính trị pháp lý có ảnh hưởng mạnh đến các quyết định của doanh nghiệp. Ở nước ta, nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Do vậy, vai trò của nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là rất lớn. Trong những năm qua, dệt may được xác định ngành công nghiệp mũi nhọn nên được Đảng và nhà nước quan tâm. Do đó, đã có rất nhiều chế độ, chính sách, văn bản pháp luật quy định hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp may mặc. Luật đầu tư nước ngoài ra đời tạo điều kiện cho ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài như: cho phép chuyển nhượng 20 trong số 29 mã dệt may vào thị trường EU từ cấp hạn ngạch sang cấp phép tự động, giảm 50% phí đấu thầu hạn ngạch để tăng khả năng cạnh tranh, ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành trong lĩnh vực gia công hay sản xuất hàng xuất khẩu, miễn thuế một năm toàn bộ lệ phí hải quan và lệ phí hạn ngạch xuất khẩu…
Ngoài ra, chính phủ còn quy hoạch vùng trồng bông, ban hành chính sách hỗ trợ ngành trồng bông như hỗ trợ vốn dự trữ hạt giống, vốn đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ…Mặt khác nhà nưới còn giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị cho các doanh nghiệp trong ngành cũng như tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường,
xử lý nghiêm minh các trường hợp làm giả hàng nhái nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như uy tín của doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc.