7. Cấu tr c luận văn
1.2.2.2. Giai đoạn 1945 – 1985
Năm 1949, trong Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã ghi nhận những đóng góp của Vũ Trọng Phụng một cách đầy trân trọng “Vũ Trọng Phụng không phải cách mạng nhưng cách mạng cảm ơn Vũ Trọng Phụng đã vạch rõ cái thực xấu xa, thối nát của xã hội lúc ấy”.
Năm 1950, trong khi giảng về thể phóng sự cho các khoá đào tạo đội ngũ văn nghệ kháng chiến, Nguyễn Đình Lạp đề cao Vũ Trọng Phụng“là nhà phóng sự phong phú nhất, sâu sắc nhất” và đánh giá Cơm thầy cơm cô cùng với một số phóng sự khác “đã làm cho độc giả say mê”.
Cũng với cảm hứng ngợi ca, Nguyên Hồng cho rằng: “Với hai thiên phóng sự đặc biệt Cơm thầy cơm cô và Lục xì và hai tiểu thuyết Số Đỏ và Giông tố, Vũ Trọng Phụng đã làm chuyển động cả dư luận văn học bấy giờ, giơ cao thêm ngọn cờ hiện thực, góp thêm một phần đấu tranh quyết liệt cho một nền văn học tiến bộ”. Phan Khôi khi đánh giá Cơm thầy cơm cô cùng các phóng sự khác cũng cho rằng họ Vũ là nhà văn “thông cảm và tố khổ cho hạng người Việt Nam bị coi là cặn bã”.
Giới nghiên cứu Sài Gòn trước năm 1975 cũng đã có những đánh giá rất đáng ghi nhận về phóng sự của Vũ Trọng Phụng. Trong Văn học sử thời kháng Pháp (1858 – 1945), tác giả Lê Văn Siêu nhận xét Vũ Trọng Phụng khác Tam Lang, Trọng Lang ở “cái duyên kể chuyện hiếm có”, ở “ngòi bút thật đáo để chanh chua”, nghĩa là ở “cách điệu văn riêng của Vũ Trọng Phụng”. Nét độc đáo của Vũ Trọng Phụng, theo Lê Văn Siêu còn vì “văn của ông còn chất dâm, một chất muối đậm, hơi có phần tục tĩu để đùa dai, đùa nhả, nó khiến độc giả có hứng thú theo dõi câu chuyện cho đến hết, như cái hứng thú đọc thơ Hồ Xuân Hương hay truyện tiếu lâm”.
Trong Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập III, các tác giả cuốn sách này tỏ ra khách quan hơn khi đánh giá Vũ Trọng Phụng có sở trường về phóng sự, các nhân vật trong Cơm thầy cơm cô là hạng người “vì đồng tiền mà trở thành lưu manh”, và cũng phê phán việc họ Vũ “chú trọng tả cảnh dâm đãng của con người”, không tán thành với những “biện bác” của chính nhà văn.
Năm 1973, biên khảo về phóng sự được mở rộng hơn trong cuốn Lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945. Cơm thầy cơm cô cùng với một số phóng sự khác được đánh giá “đã đưa Vũ Trọng Phụng lên hàng ông vua phóng sự đất Bắc”.
Giai đoạn này, đánh giá về phóng sự Vũ Trọng Phụng vẫn tiếp tục luồng ý kiến thời “tiền chiến” với lối phê bình trực cảm, ấn tượng và ngợi ca một chiều, nhưng giai đoạn này đã có một bước tiến hơn giai đoạn trước: tiếp thu có phê phán trên quan điểm mĩ học duy vật, xuất hiện một số ý kiến với tinh thần khách quan hơn, không thiên lệch một chiều.