7. Cấu tr c luận văn
1.2.1.1. Cuộc đời nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng (bút danh Thiên Hư, Phụng Hoàng) sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912 (tức ngày 11 tháng 9 năm Nhâm Tý) tại Hà Nội. Ông quê gốc ở Bần Yên Nhân (làng Hảo), huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Gia đình ông rất nghèo, nói như nhà văn Ngô Tất Tố, đó là một thứ “nghèo gia truyền”, sống trong một căn nhà thuê tồi tàn ở phố Hàng Bạc.
Ông thân sinh nhà văn là Vũ Văn Lân, làm thợ điện ở xưởng sửa chữa ô tô Ch.Boillot, Hà Nội. Bà thân sinh là Phạm Thị Khách, người làng Vẽ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), sống bằng nghề khâu vá thuê.
Vũ Trọng Phụng mồ côi cha khi mới 7 tháng tuổi. Người cha mất để lại gia cảnh đơn côi, một mẹ già, người vợ hiền thảo và đứa con trai thơ dại. Tài sản gia đình hầu như không có gì đáng kể, người mẹ trẻ ở góa tần tảo nuôi con bằng tình yêu thương tha thiết.
Năm 1921, Vũ Trọng Phụng lên 9 tuổi và bắt đầu đi học. Thời gian học trong trường, hoàn cảnh mồ côi, nghèo khó và sự cách biệt với đám bạn học
con nhà giàu đã gieo vào đầu óc non trẻ của Vũ Trọng Phụng mặc cảm yếu đuối, đơn độc. Mặc cảm đó ngày một lớn dần trong lòng cậu học trò thơ ngây, kết lại thành sự phẫn nộ, thù ghét cái bất công, cách biệt vô lý ở đời.
Năm 1926, 15 tuổi đỗ bằng Tiểu học, ông chọn thi vào trường Sư phạm với hy vọng có học bổng để đỡ phần nào cho hoàn cảnh bần cùng của gia đình, đỡ gánh nặng cho sự vất vả của người mẹ. Nhưng kết quả không như ý muốn, ông buộc phải đi làm để kiếm sống. Khoảng tháng mười năm 1926, Vũ Trọng Phụng xin được vào làm thư ký cho nhà hàng Godard. Được hai tháng, vì mê văn chương hơn là làm tròn bổn phận của một viên thư ký, Vũ Trọng Phụng mất việc. Sau đó ông xin được chân đánh máy chữ ở nhà in Viễn Đông. Sau hai năm ông lại bị mất việc. Cũng trong thời gian này ông có tác phẩm đăng báo đầu tiên và ông quyết định chuyển hẳn sang chuyên tâm viết văn, làm báo. Trong khoảng thời gian 1930 – 1939, Vũ Trọng Phụng cộng tác với nhiều tờ báo, viết đủ các thể loại: truyện ngắn, truyện dài, phóng sự, tiểu thuyết, bình luận chính trị, trào phúng, dịch sách ...
Đầu năm 1938, Vũ Trọng Phụng lập gia đình với cô Vũ Mỵ Lương, con một gia đình buôn bán nghèo ở xã Nhân Mục, thôn Giáp Nhất (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cuối năm sinh con gái đặt tên là Vũ Mỵ Hằng. Cũng trong thời gian này, ông mắc bệnh lao phổi. Do phải làm việc quá sức, nhà nghèo lại không đủ tiền mua thuốc, sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, căn bệnh lao ngày một thêm trầm trọng đã khiến ông kiệt sức. Vũ Trọng Phụng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 13 tháng 10 năm 1939 trong căn nhà số 73 phố Cầu Mới, Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội khi mới 27 tuổi đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình và bạn bè. Thế nhưng “cái chết của nhà văn không có nghĩa là mất hẳn. Đấng sĩ phu kia đã có quyền an nghỉ trên những vòng hoa trắng của tháp đài văn học sử”. (Ngọc Giao).