Trước năm 1868, Nhật Bản trải qua khoảng 200 năm với chính sách “bế quan tỏa cảng” (鎖国 - Sakoku), còn được một số nhà nghiên cứu gọi là “chính sách tỏa quốc”. Đây là một hệ thống với các chính sách nghiêm ngặt được Mạc Phủ áp đặt cho lĩnh vực thương mại và ngoại giao. Với chính sách này, việc buôn bán hay quan hệ với bên ngoài bị hạn chế, trừ hoạt động của một số thương điếm của Hà Lan ở đảo Dejima (Nagasaki). Ngoài ra một số hoạt động thương mại khác với Trung Quốc, Triều Tiên cũng chỉ được tiến hành trong phạm vi hạn chế ở Nagasaki, Kagoshima, Hokkaido. Do người Nhật chỉ có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài, chủ yếu là các thương nhân tại những vùng đất có đặc quyền riêng nên những ảnh hưởng về văn hóa của bên ngoài đối với Nhật Bản cực kỳ ít ỏi, nếu không nói là hầu như không có.
Chính sách “bế quan tỏa cảng” kéo dài đến năm 1853, khi hải quân Hoa Kỳ cùng với 4 chiến hạm vào vịnh Edo (Tokyo) và ép Nhật Bản mở lại cửa trong quan hệ với phương Tây. Năm sau đó, với "Hiệp định hòa bình và hữu nghị" quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ chính thức được thiết lập. Trong vòng 5 năm tiếp theo, Nhật Bản đã kí các hiệp định tương tự với một số quốc gia phương Tây khác.
Năm 1868, Nhật Bản bắt đầu giai đoạn cải cách chính trị phục hưng, tập trung quyền lực cai trị cả nước Nhật về tay Thiên hoàng Minh Trị và giải thể hệ thống Mạc Phủ Tokugawa. Cuộc khôi phục hoàng quyền vào thời kỳ Minh Trị là một cuộc thay đổi chính trị rất lớn trong lịch sử Nhật Bản.
22
Fukuzawa Yukichi (福澤 諭吉/1835-1901) là một nhà tư tưởng Nhật, đã
đưa ra kế hoạch cải cách Nhật Bản bằng cách thay đổi hoàn toàn hệ thống chính trị, xóa bỏ những tư tưởng hủ lậu cũ kỹ, dồn sức canh tân kỹ thuật để theo kịp Tây phương, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhật đối với các nước láng giềng, hướng tới thúc đẩy Nhật Bản vào đường lối chính trị thực tiễn, thoát khỏi những tư tưởng có tính chất tình cảm hay lý tưởng không tưởng, kêu gọi người dân Nhật thoát khỏi vòng suy nghĩ Á châu, học hỏi theo Tây phương.
Việc nối lại quan hệ với phương Tây đã dẫn đến những đổi thay lớn lao đối với xã hội Nhật Bản. Sau Chiến tranh Mậu Thìn năm 1868, quyền lực của Thiên hoàng được khôi phục. Cuộc Minh Trị Duy Tân tiếp theo đó đã mở đầu cho nhiều đổi mới. Hệ thống quản trị cũ bị hủy bỏ và thay vào đó là nhiều thể chế theo kiểu phương Tây, trong đó có hệ thống luật pháp phương Tây và một chính quyền gần giống kiểu lập hiến nghị viện. Các thái ấp phong kiến bị bãi bỏ. Quyền lực tập trung trong tay Thiên hoàng. Các đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị huỷ bỏ. Công nghiệp hiện đại được khởi đầu với các nhà máy do nhà nước xây dựng và điều hành, sau này được chuyển sang sở hữu tư nhân. Quan hệ buôn bán với Triều Tiên và Trung Quốc được thiết lập. Nhà nước đã nỗ lực hết sức để sửa đổi những hiệp ước bất bình đẳng đã được ký kết với các nước phương Tây.
Với sự hủy bỏ hiệp định cuối cùng trong các "Hiệp định bất bình đẳng" với các đế quốc phương Tây năm 1898, vị thế mới của Nhật Bản trên thế giới đã được thay đổi cơ bản. Trong vài thập kỉ tiếp theo, bằng cách cải tổ và hiện đại hóa các hệ thống xã hội, giáo dục, kinh tế, quân sự, chính trị và công nghiệp, "cuộc cách mạng có kiểm soát" của triều đình Minh Trị đã biến Nhật Bản từ một nước phong kiến và bị cô lập thành một cường quốc trên thế giới.
23
Một dấu ấn hết sức quan trọng trong giai đoạn đầu thời Minh Trị là cuộc cải cách toàn diện và rộng lớn, góp phần biến đổi xã hội một cách toàn diện được gọi là Minh Trị Duy Tân (明治維新 - Meiji ishin). Cuộc cải cách này bao gồm các mặt chính trị, kinh tế - xã hội, quân sự, văn hóa giáo dục. Nhật Bản kiên quyết tiến hành công cuộc Minh Trị Duy Tân với khẩu hiệu “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt qua phương Tây” (Seiyō wo manabi, Seiyō ni oitsuki, Seiyō wo oninuku) để thực hiện công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp “phú quốc cường binh”
(富国強兵 - Fukoku kyōhei), xây dựng một đất nước giàu có về kinh tế, hùng
mạnh về quân sự.
Cải cách văn hóa, giáo dục là một trong những nội dung quan trọng trong những chính sách của Minh Trị Duy Tân. Ngay sau khi lật đổ Mạc Phủ Tokugawa, Thiên hoàng Minh Trị đã tiến hành những chương trình cải cách phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới của Nhật Bản, tạo nên những bức thang vững chắc cho những cải cách triệt để sau này. Trong những năm đầu tiên, Minh Trị đã quyết định xóa bỏ nền giáo dục cũ đã lỗi thời, thiếu tính quần chúng của Mạc Phủ, mở rộng đối tượng tiếp nhận tại các trường công lập vốn chỉ dành cho tầng lớp giàu có trong xã hội. Bên cạnh đó, việc thành
lập Bộ giáo dục (文部省 - Monbushō), thiết lập các khu vực giáo dục và phân các cấp giáo dục thành tiểu học, trung học, đại học là những quyết sách rất vĩ đại và táo bạo của vua Minh Trị trong điều kiện một nước Nhật Bản nghèo nàn, lạc hậu lúc bấy giờ.
Để mở mang dân trí cũng như phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển đất nước, chính quyền lúc bấy giờ cũng ban hành hàng loạt quy định liên quan tới việc nâng cao khả năng hành chức của tiếng Nhật, thống nhất sử dụng tiếng Nhật trong hệ thống giáo dục, xây dựng những chuẩn mực cần thiết cho ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Để thực hiện chủ trương trên,
24
việc biên soạn những bộ sách giáo khoa đầy đủ phục vụ việc giảng dạy tiếng Nhật ở các cấp học được triển khai nhanh chóng. Ngoài ra, cùng với việc cử nhiều thanh niên ưu tú sang phương Tây tiếp thu kiến thức khoa học mới, chủ trương dịch các công trình khoa học của các tác giả châu Âu sang tiếng Nhật cũng là một giải pháp tích cực giúp người dân Nhật Bản nhanh chóng tiếp thu được các tri thức hiện đại của thế giới.