Lý do lựa chọn đề tài Thuế là một trong những công cụ kinh tế quan trọng của Nhà nước để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, điều tiết các quan hệ kinh tế theo định hướng chính sách và góp phần giải quyết vấn đề xã hội của đất nước. Nhận thức thanh tra thuế là một chức năng cơ bản và quan trọng trong công tác quản lý thuế, Cục Thuế tỉnh Lai Châu luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác thanh tra thuế trên địa bàn nhằm tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, nâng cao tính tự giác cho người nộp thuế. Đặc biệt, Quốc hội khóa 11 đã thông qua Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ 01/01/2007 với sự đổi mới căn bản, tác động toàn diện đối với cơ quan thuế và người nộp thuế đó là việc tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của người nộp thuế; cơ quan thuế chuyển sang thực hiện chức năng tuyên truyền, hỗ trợ và thanh tra, kiểm tra thuế. Trong những năm đầu thực hiện Luật Quản lý thuế, nguồn lực dành cho công tác thanh tra thuế đối với DN NQD trên toàn tỉnh còn chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng so với yêu cầu quản lý thuế theo cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế. Cụ thể là: Số cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế năm 2018 chiếm 19,9% tổng số cán bộ công chức toàn ngành, chưa đạt mức bình quân chung khoảng 25-30% theo yêu cầu quản lý thuế; Chưa áp dụng toàn diện, đầy đủ, thống nhất trong toàn hệ thống phương pháp thanh tra thuế theo phương pháp rủi ro, việc thu thập, khai thác thông tin người nộp thuế phục vụ cho phân tích đánh giá rủi ro còn chưa tập trung, thống nhất; Phương pháp, kỹ năng thanh tra còn chậm chuyển biến, chưa theo kịp diễn biến và sự phát triển nhanh chóng của các do DN, đặc biệt các tập đoàn trên địa bàn tỉnh, các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong 5 năm qua Cục Thuế Lai Châu đã tiến hành thanh tra toàn diện được khoảng 42 lượt đối với các DN NQD. Như vậy trung bình hàng năm thanh tra được khoảng 18 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện và xử lý các vi phạm về thuế 61 lượt DN chiếm 88% số lượt DN được thanh tra. Giai đoạn 2016 - 2018, Cục Thuế tỉnh Lai Châu đã thực hiện 326 cuộc thanh tra thuế đối với các DN NQD trên địa bàn quản lý. Qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính với số tiền truy thu, phạt hành chính là 22.600 triệu đồng, gây thất thu lớn cho NSNN. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp hoàn thiện thanh tra thuế đối với DN NQD là một đòi hỏi tất yếu nhằm góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý thuế nói chung và công tác thu thuế nói riêng của Cục Thuế tỉnh Lai Châu. Là một đề tài hết sức thiết thực nhưng trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có đề tài nghiên cứu nào về thanh tra thuế đối với DN NQD. Bởi vậy, học viên đã lựa chọn đề tài: “Thanh tra thuế của Cục Thuế tỉnh Lai Châu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh” để làm luận văn thạc sĩ của mình. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã tham khảo được một số luận văn, công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài như: - Đề tài sáng kiến cấp ngành thuế (2017) “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế thông qua việc phân tích báo cáo tài chính” của nhóm tác giả Phạm Ngọc Nghĩa, Trần Thị Lan Anh, Vũ Văn Quỳnh, Đỗ Tuấn Anh, Lương Thị Loan. Đề tài đã tổng hợp các hành vi vi phạm điển hình, của các DN, xây dựng một số kỹ năng phát hiện các hành vi vi phạm và đề ra các giải pháp thực hiện. - Đặng Hồng Kỳ (2013) với đề tài “Giải pháp hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại Cục Thuế tỉnh Thái Bình”, Luận văn thạc sĩ kinh tế tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dựa trên khung lý thuyết về công tác thanh tra kiểm tra thuế, luận văn đã làm rõ thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra thuế trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ năm 2010 đến năm 2012. Từ đó, tác giả đã phân tích, đánh giá, rút ra những hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế đó. Cuối cùng, luận văn đã đưa ra quan điểm và định hướng đổi mới công tác thanh tra kiểm tra thuế trong giai đoạn tiếp theo của Cục Thuế tỉnh Thái Bình. - Đặng Văn Hiếu (2017) “Thanh tra thuế TNDN tại tỉnh Điện Biên”, Luận văn thạc sĩ của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đề tài đã xác định được khung nghiên cứu về thanh tra thuế TNDN của Cục Thuế; làm rõ được thực trạng thanh tra TNDN của Cục Thuế tỉnh Điện Biên, đánh giá được những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác này giai đoạn 2014- 2016; đề xuất được một số giải pháp hoàn thiện thanh tra thuế TNDN của Cục Thuế tỉnh Điện Biên đến 2020. Theo tìm hiểu của tác giả thì cho đến nay chưa có đề tài nào đi sâu về thanh tra thuế của Cục Thuế tỉnh Lai Châu đối với DNNQD; đây chính là khoảng trống nghiên cứu để tác giả lựa chọn làm đề tài luận văn của mình. 3. Mục tiêu nghiên cứu - Xác định được khung nghiên cứu về thanh tra thuế của Cục Thuế đối với DN NQD. - Phân tích được thực trạng thanh tra thuế của Cục Thuế tỉnh Lai Châu đối với DN NQD, đánh giá được những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác này giai đoạn 2016- 2018. - Đề xuất được một số giải pháp hoàn thiện thanh tra thuế của Cục Thuế tỉnh Lai Châu đối với DNNQD đến 2025. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu: Thanh tra thuế của Cục Thuế tỉnh Lai Châu đối với DN NQD. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi về không gian: Địa bàn tỉnh Lai Châu. - Phạm vi về thời gian: sử dụng dữ liệu thứ cấp giai đoạn 2016 - 2018, số liệu sơ cấp được thu thập vào tháng 9/2018. Giải pháp đề xuất đến năm 2025. - Phạm vi về nội dung: tập trung vào thanh tra theo kế hoạch.