1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Tiếp nhận m sôlôkhôp ở việt nam

189 129 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 189
Dung lượng 4,48 MB

Nội dung

Sôlôkhôp đã "trưởng thành, trụ vững vàluận bàn về cuộc sống bằng chính giọng văn hào sảng, độc đáo của mình" [324, 65].Ông đem đến nền văn học thế kỉ XX một thế giới nghệ thuật rộng lớn

Trang 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

TẠ HOÀNG MINH

TIẾP NHẬN M SÔLÔKHÔP Ở VIỆT NAM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

HÀ NỘI - 2014

Trang 2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

TẠ HOÀNG MINH

TIẾP NHẬN M SÔLÔKHÔP Ở VIỆT NAM

Chuyên ngành: Văn học Nga

Mã số: 62 22 02 45

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC

PGS.TS HÀ THỊ HOÀ

HÀ NỘI - 2014

Trang 3

1 Lí do chọn đề tài

MỞ ĐẦU

1.1 "Trong lịch sử nhân loại nói chung, mỗi thế kỉ qua đi chỉ để lại ba, bốn hoặcnăm, sáu người được tôn vinh như thiên tài Thế kỉ này, với chúng ta, với nước Nga -càng để lại rất ít… Và Sôlôkhôp được xếp vào danh sách những người được chọn lọcnày" [13, 11] Đó là nhận định của giới phê bình dành cho Mikhain Sôlôkhôp (1905 -1984) - nhà văn hiện đại xuất sắc có vị trí quan trọng trong nền văn học Nga và văn họcthế giới thế kỉ XX Đến với văn chương vào thời kì bùng phát những tranh cãi gay gắtnhất về nền văn học cách mạng nhưng M Sôlôkhôp đã "trưởng thành, trụ vững vàluận bàn về cuộc sống bằng chính giọng văn hào sảng, độc đáo của mình" [324, 65].Ông đem đến nền văn học thế kỉ XX một thế giới nghệ thuật rộng lớn của những sốphận con người, những cuộc đấu tranh khốc liệt, những tâm hồn với nhiều khúc rẽquanh co, phức tạp đan xen các sắc thái tình cảm cao quí, những khát vọng: tự do,hạnh phúc, công bằng… Nối tiếp truyền thống L.Tônxtôi, với lối viết sáng tạo kết hợp

sử thi - bi kịch - trữ tình, các tác phẩm Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Số phận con người… của M Sôlôkhôp đã nhen nhóm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho con

người đấu tranh giành lấy cái mới, dạy con người có thái độ sống tích cực đối với thếgiới… Sự trong sáng và tính triết lí trong các trang sách của ông có sức lan toả mãnhliệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc

1.2 Ý nghĩa thế giới các sáng tác của M Sôlôkhôp được độc giả khắp năm châughi nhận Tuy nhiên, việc tiếp nhận các tác phẩm của ông lại là vấn đề không đơn giản

Sông Đông êm đềm - cuốn tiểu thuyết từng đem lại vinh quang cho M Sôlôkhôp - giải

Nobel Văn chương năm 1965 của Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng là tác phẩm gắn với

một trong những nghi án văn chương lớn nhất thế kỉ XX Số phận con người khi xuất

hiện từng được đánh giá là truyện ngắn đánh dấu một mốc lớn trong sự phát triển củavăn học Xô Viết và là hiện tượng văn học đặc biệt nhất trong nền văn học thế giới cũngtừng có thời gian dài rơi vào danh sách các tác phẩm thuộc "chủ nghĩa xét lại" Nhiềuthập kỉ đã qua, độc giả vẫn khó có thể quên được những cuộc chiến tranh luận khắcnghiệt mà các tác phẩm của M Sôlôkhôp đã phải đương đầu và giành chiến thắng vẻvang Đến nay, họ vẫn tiếp tục tìm đọc và tiếp nhận M Sôlôkhôp từ nhiều phương

Trang 4

diện Việc nghiên cứu tiếp nhận, ảnh hưởng của M Sôlôkhôp vẫn đang là vấn đề đượcchú ý quan tâm trong nghiên cứu văn học.

1.3 Ở Việt Nam, M Sôlôkhôp là tác giả văn học Nga - Xô Viết được biết đến

từ sớm, chiếm vị trí cao trong lòng người đọc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:

"Không ai có thể không yêu Sôlôkhôp Chỉ kẻ nào không yêu cuộc sống mới tự chophép mình không yêu Sôlôkhôp Sôlôkhôp là cô đọng của cuộc sống với tất cả nhữngmặt sáng tối vô cùng của nó, với nước mắt và những bài ca, với sự ra đời và cái chết.Các dân tộc Nga có thể tự hào là họ đã trao cho thế giới một Sôlôkhôp, đã mở ratrong sáng tác của ông nguồn nước trong vô tận mà mọi dân tộc trên thế giới đều

có thể uống" [204, 3] Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận sáng tác của M Sôlôkhôp ởnước ta cũng khá phức tạp, không thuần nhất, do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử -chính trị - xã hội và đặc điểm văn hoá dân tộc Cho đến nay, việc tìm hiểu lịch sử tiếpnhận M Sôlôkhôp ở Việt Nam mới chỉ là những phác thảo hoặc những giới thiệuchung chung ở một số bài viết Trên cơ sở ứng dụng một vấn đề lí luận đang đượcnhiều người quan tâm: mối quan hệ nhà văn - tác phẩm - người đọc vào việc nghiêncứu sự tiếp nhận M Sôlôkhôp ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn xác định và táihiện tầm đón nhận, thị hiếu thẩm mĩ của các thế hệ độc giả Việt Nam gần 70 nămqua Trong bối cảnh toàn cầu hoá nói chung và quá trình giao lưu văn hoá nói riêng,nghiên cứu những mối liên hệ, sự ảnh hưởng giữa các tác giả, các nền văn học đang làtiêu điểm chú ý của giới nghiên cứu văn hoá, văn học hiện nay

1.4 Đề tài có liên quan tới công việc trực tiếp giảng dạy văn học của người viếtluận án, chúng tôi hi vọng qua việc tìm hiểu đặc điểm, quá trình tiếp nhận M Sôlôkhôptrong dòng chảy lịch sử của nó sẽ thấy được vai trò, vị trí ảnh hưởng của nhà văn trongtiến trình đổi mới - hiện đại hoá văn học Việt Nam, góp một tiếng nói trong nghiêncứu, giảng dạy M Sôlôkhôp ở giai đoạn giao lưu, hội nhập toàn cầu của đất nước hiệnnay

2 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Tiếp nhận văn học là sự tiếp xúc và tri nhận của người đọc đối với một hiệntượng văn học, chủ yếu là tác phẩm Với văn học nước ngoài, sự tiếp nhận văn học còn

là sự giao lưu văn hoá, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, góp phầncủng

Trang 5

cố sự đoàn kết quốc tế và giữ gìn hoà bình cho nhân loại Với ý nghĩa đó, luận ánhướng tới một cây bút xuất sắc của văn học Nga thế kỉ XX: M Sôlôkhôp - người cótầm ảnh hưởng lớn đối với văn học thế giới, trong đó có Việt Nam Thực hiện đề tàinày, nhiệm vụ cụ thể của chúng tôi là:

2.1 Khái quát lịch sử tiếp nhận M Sôlôkhôp ở Việt Nam để xác định mối quan

hệ gắn bó tích cực trên cơ sở đối thoại giữa nhà văn - tác phẩm với người đọc, nhấnmạnh chức năng xã hội của văn học

2.2 Tìm hiểu quá trình tiếp nhận M Sôlôkhôp ở Việt Nam trong 2/3 thế kỉ quatrên các bình diện: dịch thuật - xuất bản, nghiên cứu phê bình - ảnh hưởng sáng tác vàgiảng dạy trong nhà trường

2.3 Vận dụng lý thuyết tiếp nhận văn học để tìm hiểu cách tiếp nhận của côngchúng Việt Nam đối với sáng tác của M Sôlôkhôp, lí giải nguyên nhân dẫn đến cáchtiếp nhận đó nhằm khẳng định vị trí, vai trò của M Sôlôkhôp đối với đời sống tinh thầncủa con người Việt Nam, ảnh hưởng đối với quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam

3 Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

3.1 Đối tượng nghiên cứu

3.1.1 Tình hình dịch thuật, xuất bản tác phẩm của M Sôlôkhôp ở Việt Nam từnăm 1946 đến năm 2012

3.1.2 Quá trình tiếp nhận M Sôlôkhôp trong nghiên cứu - phê bình và nhữngảnh hưởng của ông trong một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam

3.1.3 Việc dạy và học M Sôlôkhôp trong nhà trường từ năm 1960 đến năm

2012 ở bậc đại học và THPT

3.2 Phạm vi nghiên cứu

3.2.1 Những tác phẩm của M Sôlôkhôp đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam

từ năm 1946 đến năm 2012

3.2.2 Những công trình nghiên cứu, chuyên luận về M Sôlôkhôp đã được công

bố trên sách, báo, tạp chí, gồm những bài viết của người Việt Nam và các bài viết củangười nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt

3.2.3 Một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam ảnh hưởng từ tác phẩm của M.Sôlôkhôp

Trang 6

3.2.4 Những bài viết về M Sôlôkhôp trong các giáo trình, chuyên đề, sách giáokhoa, sách giáo viên, sách tham khảo ở Việt Nam.

3.2.5 Một số công trình lý luận có liên quan đến Mỹ học tiếp nhận của các tác

giả trong và ngoài nước

4 Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu

sử của độc giả để hoàn thiện các khâu của quá trình văn học" [36, 50] Mĩ học tiếp nhận của H R Jauss ra đời tạo một bước ngoặt lớn cho lịch sử nghiên cứu phê bình.

Với Mĩ học tiếp nhận: "hành trình của một tác phẩm văn học thực sự bắt đầu

khi có người đọc nó… [47, 376] Theo Jauss: tác phẩm đồng thời bao gồm haiphương diện: văn bản với tư cách là một cấu trúc cho sẵn và sự tiếp nhận của ngườiđọc đối với văn bản Như vậy, giá trị của tác phẩm không chỉ phụ thuộc vào phẩmchất nội tại của bản thân tác phẩm mà còn phụ thuộc vào trình độ, cách đọc, môitrường đọc của các thế hệ độc giả "Những tác phẩm có cuộc sống dài lâu không chỉđối diện với người đọc đương thời mà còn với người đọc của thế hệ tương lai" [214,197]

Phạm trù cơ bản của Mĩ học tiếp nhận là phạm trù công chúng tiếp nhận

(người đọc) Người đọc với tư cách là chủ thể tiếp nhận chiếm lĩnh thẩm mĩ bằng vănbản "Sự tồn tại lịch sử của tác phẩm văn học không thể có được nếu thiếu sự thamgia tích cực của người đọc" [47, 396] Trong đời sống văn học, người đọc có vai trò chủđộng tích cực Họ đọc văn không phải chỉ để tri âm kí thác mà "là người cùng tham giavào tiến trình sáng tạo để xây dựng ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật, là người đồngsáng tạo, là chủ thể thực hiện quá trình đọc như một hành động sáng tạo có tính chấtxây dựng" [214, 206] Sự hiện diện của người đọc chi phối cả quá trình: sáng tạo -biên tập - phổ

Trang 7

biến - thưởng ngoạn - phê bình "Họ làm nên một mắt xích không thể thiếu được

để hoàn thiện một chu trình khép kín: nhà văn - tác phẩm - người đọc" [166, 10]

Xét về mặt cơ cấu xã hội thì người đọc (công chúng tiếp nhận) là thành phầnkhông đồng nhất về nghề nghiệp, tuổi tác, trình độ văn hoá, địa vị xã hội… cho nêntầm đón nhận (tầm văn hoá) của họ cũng khác nhau Tuy nhiên, bên cạnh những yếu

tố khác nhau do đặc điểm riêng của từng loại người tiếp nhận, nhìn chung côngchúng sống cùng một xã hội cũng có một tầm văn hoá chung, vì họ chịu sự chiphối của những điều kiện kinh tế, chính trị của xã hội đó Ở mỗi nền văn học, mỗi giaiđoạn lịch sử, công chúng văn học luôn biến đổi và sự biến đổi đó phụ thuộc vào

một nhân tố quan trọng được Mĩ học tiếp nhận gọi là "tầm đón nhận" (chân trời chờ

đợi, tầm đón đợi) của công chúng

Tầm đón nhận là tầm văn hoá, tầm hiểu biết về văn học của người đọc Nó là

"một tập hợp các qui chuẩn thẩm mĩ có thể tái lập được của một công chúng vănhọc xác định, nó có thể và cần phải điều chỉnh được về mặt xã hội học tuỳ theo nhữngkhuynh hướng đặc thù của các tập đoàn, tầng lớp hoặc giai cấp khác nhau và có thểđối chiếu được với những quyền lợi và nhu cầu của tình trạng lịch sử, kinh tế chi phốichúng" [38, 23] "Quyết định số phận tác phẩm văn học mỗi thời kì là do tầm đón nhậncủa người đọc" [166, 12]

H R Jauss còn đưa ra một khái niệm mới xung quanh tầm đón nhận đó là khoảng cách thẩm mĩ "Khoảng cách thẩm mĩ là khoảng cách chênh lệch giữa tầm đón

nhận có trước của độc giả với tác phẩm nghệ thuật mới mà sự tiếp nhận nó có thểkéo theo một sự thay đổi tầm đón nhận, làm cho những kinh nghiệm mới được biểuhiện lần đầu thâm nhập vào ý thức người tiếp nhận" [38, 24] Khoảng cách thẩm mĩđược đo bằng phản ứng của công chúng và thái độ đánh giá của giới phê bình…Khoảng cách thẩm mĩ sẽ qui định giá trị nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật Nếukhoảng cách này càng giãn rộng ra, tạo được một cái nhìn mới, dẫn đến hệ quả là sựthay đổi tầm thì tác phẩm đó có giá trị nghệ thuật cao Ngược lại, "nếu khoảng cáchnày bị thu hẹp, ý thức tiếp nhận không bị buộc phải thay đổi theo tầm của kinhnghiệm chưa biết đến thì tác phẩm sẽ tiến gần đến lĩnh vực của nghệ thuật nấunướng, hay nghệ thuật giải trí" [313, 65]

Trang 8

Là sáng tạo của nhà văn, tác phẩm được hình thành trong quá trình sáng tác,nhưng năng lượng thẩm mĩ của nó không phải là một cái gì nhất thành bất biến.Mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực như một dòng sông chảy qua không gian, thờigian, nó mang theo những năng lượng mới do lịch sử thổi vào "Muốn đánh giá đầy đủsức sống của một tác phẩm cần phải tìm hiểu lịch sử sáng tác và cả lịch sử tiếp nhậnnó" [214,

206] Giáo sư Trần Đình Sử cũng cho rằng: "không thể hiểu được nghệ thuật nếu chỉnhìn đến tác phẩm và hành vi sáng tạo ra nó Nghĩa là phải hiểu nghệ thuật trong mốiliên hệ không tách rời với tiếp nhận, trong sự tiếp nhận" [243, 18] Quan hệ tác giả -tác phẩm và công chúng có hai chiều "tác động của tác phẩm đến công chúng, làmthay đổi tầm đón nhận của công chúng, làm cho công chúng có sự đánh giá lại tácphẩm, qui định lại số phận của tác phẩm"[36, 51] Điều đó lí giải tại sao có những tácphẩm lúc mới xuất hiện được công chúng chấp nhận ngay, nhưng sau bị lãng quên; lại

có những tác phẩm khi ra đời bị phản đối, gây tranh cãi, về sau mới được nhận hiểu,khám phá chân giá trị và ý nghĩa to lớn của nó Jauss cho rằng: "Việc tái lập tầm đónnhận… cho phép ta nhận rõ sự khác biệt giải thích học giữa sự hiểu trước đây và sựhiểu ngày nay về một tác phẩm… làm cho ý thức được lịch sử tiếp nhận nó" [313, 37]

Tóm lại, Mĩ học tiếp nhận "đặt ưu tiên ở mối quan hệ giữa văn học và người

đọc, mối quan hệ chẳng những có hàm ý thẩm mĩ mà còn có hàm ý lịch sử" [313, 56]

Mĩ học tiếp nhận "vừa nhấn mạnh chức năng xã hội của văn học, lại vừa chú trọng đến

việc xây dựng đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm" [36, 52] Theo nhà nghiên cứu TrầnĐình Sử thì: "Việc phát hiện ra tầm đón nhận đã cho phép nhận ra rất nhiều kiểu tiếpnhận và thái độ tiếp nhận khác nhau… phản tiếp nhận là một cách tiếp nhận dưới một

hệ hình mới" [243, 18] Theo ông: "Lí luận tiếp nhận giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề quantrọng trong đời sống lịch sử của tác phẩm văn học"[243, 18] Nhà nghiên cứu Nguyễn

Văn Dân cũng đề cao: "Quan điểm về tầm đón nhận trong lí thuyết Mĩ học tiếp nhận có

một ý nghĩa thực tiễn, nó giúp ta hiểu được vai trò và tầm văn hoá của công chúngtrong việc tiếp nhận văn học nghệ thuật" [38, 26] Tuy nhiên, "lí thuyết này không phải

là vạn năng Chính bản thân Jauss cũng đã tuyên bố rằng, Mĩ học tiếp nhận là "một

phương pháp với những cơ sở vẫn còn chưa hoàn toàn chắc chắc… nó không thể mộtmình đóng góp vào cái mới hiện tại của công việc nghiên cứu nghệ thuật" [38, 24]

Trang 9

Từ lí thuyết tiếp nhận, chúng tôi nhận thấy sự tiếp nhận M Sôlôkhôp ở ViệtNam được qui định bởi đặc điểm lịch sử và văn hoá dân tộc Quá trình tiếp nhận M.Sôlôkhôp và các tác phẩm của ông có là sự lựa chọn - có chủ đích và hoàn toàn tựnguyện của các chủ thể tiếp nhận Tuy nhiên, sự tiếp nhận đó như đã nói ở trênkhông thuần nhất, bị gián đoạn, đặc biệt có sự biến đổi sâu sắc về công chúng tiếpnhận, nhất là giai đoạn đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc.

Vận dụng lí thuyết tiếp nhận, căn cứ vào lịch sử tiếp nhận và những tác độnggiao thoa trong quá trình tiếp nhận, luận án cấu trúc theo chiều dài lịch sử của ba giaiđoạn tiếp nhận M Sôlôkhôp trên ba phương diện chủ yếu nhằm phân tích sự tươngtác giữa các bình diện tiếp nhận; những đặc điểm của sự tiếp nhận ở mỗi thời kì; thấyđược bước tiến của quá trình tiếp nhận M Sôlôkhôp ở Việt Nam hơn 70 năm qua

4.2 Phương pháp nghiên cứu

Từ đặc điểm của đối tượng nghiên cứu và mục đích nghiên cứu của luận án, đề

tài ứng dụng lí thuyết Mĩ học tiếp nhận và một số phương pháp sau đây:

Phương pháp lịch sử chức năng: giúp hỗ trợ việc xác định lại những điều kiện

lịch sử - xã hội - chính trị - kinh tế làm phát sinh, phát triển sự vật hiện tượng Cụ thểlà: văn học Nga và trường hợp M Sôlôkhôp được tiếp nhận ở Việt Nam trong hoàncảnh nào? Hoàn cảnh ấy có tác động gì tới việc tiếp thu tư tưởng nghệ thuật củaSôlôkhôp

Phương pháp xã hội học: giúp chúng tôi xác định lại tầm đón nhận, nhu cầu, thị

hiếu thẩm mĩ của các thế hệ độc giả khác nhau; xác lập được tiềm năng - sức sống cácsáng tác của một nhà văn nước ngoài trong lòng xã hội Việt Nam gần 70 năm qua

Phương pháp so sánh và đối chiếu: giúp chúng tôi tiến hành những so sánh

tương đồng giữa một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam với các sáng tác của M.Sôlôkhôp; chỉ ra những vênh lệch trong các bản dịch tác phẩm của ông ở Việt Nam

Việc thống kê, phân tch - tổng hợp: giúp chúng tôi nhìn sự vật hiện tượng trong

một hệ thống, không sa vào chi tiết vụn vặt mà vẫn làm nổi bật được những đặc điểmcủa nó

Các phương pháp này sẽ được vận dụng kết hợp linh hoạt theo yêu cầu nộidung cụ thể từng phần, từng chương

Trang 10

5 Đóng góp mới của luận án

5.1 Về lí luận: Tái hiện lịch sử tiếp nhận M Sôlôkhôp trong gần 70 năm ở Việt

Nam, luận án góp phần làm rõ qui luật tiếp nhận văn học luôn chịu sự chi phối của môitrường tiếp nhận Đề xuất cách tiếp cận mới khi đối chiếu diễn trình cập nhật hoá cáchđọc, cách hiểu M Sôlôkhôp trên nguyên tắc đối thoại để thấy vai trò quyết địnhcủa chủ thể tiếp nhận và khoảng cách thẩm mĩ dẫn đến sự thay đổi tầm đón nhậngiữa các thế hệ độc giả của Sôlôkhôp ở Việt Nam

5.2 Về thực tiễn: Từ việc so sánh, đối chiếu giữa nguyên tác và các bản dịch ở

Việt Nam, luận án đã chỉ ra những vênh lệch trong quá trình dịch tác phẩm củaSôlôkhôp Gợi mở một số vấn đề về dịch thuật nhan đề tác phẩm và phiên âm tênnhân vật trong tác phẩm

Làm rõ tình thế tiếp nhận - chất lượng tiếp nhận của một số tác giả (Chu Văn,Nguyễn Trung Thành, Bảo Ninh) để xác định những ảnh hưởng từ các sáng tác của M.Sôlôkhôp đối với một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 và sau

1975 đến nay

5.3 Về tư liệu: luận án là công trình sưu tầm, thống kê, hệ thống những bài giới

thiệu, nghiên cứu về M Sôlôkhôp, những tác phẩm được dịch ở Việt Nam, được họctrong nhà trường Việt Nam Trên cơ sở phân tích và đánh giá vấn đề tiếp nhận, táitạo và sáng tạo, luận án cung cấp những cứ liệu đáng tin cậy về ảnh hưởng của

M Sôlôkhôp ở nước ta

5.4 Về giảng dạy: luận án là công trình khảo sát chương trình - giáo trình giảng

dạy, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo… về M Sôlôkhôp ở bậc THPT và đại học; điềutra thực tế tiếp nhận của hơn nghìn độc giả nhà trường Từ những số liệu thu thậpđược, chúng tôi rút ra một số kết luận thực tiễn về việc giảng dạy và học tập M.Sôlôkhôp trong nhà trường Việt Nam, kiến nghị nhu cầu tiếp nhận của độc giả nhàtrường, góp phần nâng cao tầm văn hoá của người đọc trong quá trình giao lưu - hộinhập quốc tế hiện nay

Với những ý nghĩa trên, kết quả nghiên cứu của luận án hi vọng sẽ là một trongnhững nguồn tư liệu thiết thực, tin cậy cho những người quan tâm, tìm hiểu về vănhọc Nga nói chung và về sáng tác của M Sôlôkhôp nói riêng Trên cơ sở đó, chúngtôi

Trang 11

mong muốn góp phần làm rõ hơn vai trò, vị trí và ảnh hưởng to lớn của nhà văn Ngathiên tài trong quan hệ giao lưu văn hoá, văn học với người đọc Việt Nam, đồng thờiđặt ra những yêu cầu mới trong việc tiếp nhận các tác giả, tác phẩm văn họcnước ngoài, góp phần khảng định bản lĩnh, trình độ và qui luật tiếp nhận của văn họcViệt Nam.

6 Cấu trúc của luận án

Luận án gồm 150 trang chính văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình của tác giả, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án được trình bày trong 4

chương:

Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu.

Chương 2: Tiếp nhận M Sôlôkhôp qua dịch thuật - xuất bản ở Việt Nam

Chương 3: Tiếp nhận M Sôlôkhôp qua nghiên cứu phê bình và ảnh hưởng sáng

tác Chương 4: Tiếp nhận M Sôlôkhôp trong nhà trường Việt Nam.

Trang 12

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

Tiếp nhận văn học có vai trò to lớn trong quá trình hoàn thiện bức tranh lí luậnvăn chương hiện đại thế kỉ XX và là xu hướng nghiên cứu chiếm ưu thế trong thế kỉXXI Tiếp nhận để giao lưu, tiếp nhận là chiếc cầu nối giữa các dân tộc trên thế giới,tiếp nhận là phương tiện để những giá trị văn hoá lan toả toàn cầu Ở nước ta, việcnghiên cứu sự tiếp nhận, ảnh hưởng của một nền văn học hay tác giả văn học đã xuấthiện từ những năm 60 - 70 của thế kỷ XX Có thể kể tên rất nhiều công trình như:

Maiacôpxki ở Việt Nam (Hoàng Ngọc Hiến - 1974); Bước đầu tìm hiểu quá trình phổ biến văn học Xô Viết ở Việt Nam (Thuý Toàn - 1977); Đạo đức nhân vật trong văn học

Xô Viết và văn học Việt Nam hiện đại (Lưu Liên - 1987); Ảnh hưởng to lớn của văn học Xô Viết ở Việt Nam (Nguyễn Hải Hà – 1987); Giao lưu văn hoá Nga - Việt Nam dưới góc độ văn hoá (Phạm Vĩnh Cư - 1993); Văn học Nga - Xô Viết tại thành thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 (PhạmThị Phương - 1998); Về vấn đề nghiên cứu ảnh hưởng của văn học nghệ thuật Xô Viết tới văn học nghệ thuật ở ta (Hoàng Ngọc Hiến - 1996); Thơ Pushkin trong đời sống văn học Việt Nam từ góc độ dịch nghệ thuật và tiếp nhận văn học (Vũ Xuân Hương - 2000); Hemingway ở Việt Nam (Bùi Thị Kim Hạnh - 2001); Sự tiếp nhận kịch Xô Viết ở Việt Nam (Tất Thắng - 2001); Suy nghĩ từ việc tiếp nhận văn học Nga thời Xô Viết ở Việt Nam (Nguyễn Văn Kha - 2001); Sự tiếp nhận văn xuôi tự sự Trung Quốc trong văn học trung đại Việt Nam (Đinh Phan Cẩm Vân - 2002); Vấn đề tiếp nhận Dostoievski tại Việt Nam (Phạm Thị Phương - 2002); Đọc Chekhov - sự tiếp nhận đa diện (Trần Thị Phương Phương - 2004); Văn học Việt Nam tiếp nhận văn học Xô viết (Vũ Hồng Loan - 2005); Bước đầu tìm hiểu thơ ca Nga ở Việt Nam (Thúy Toàn - 2005); Tiếp nhận Gogol ở Việt Nam qua bản dịch "Những linh hồn chết" và Tiếp nhận văn học Nga - Xô viết ở Việt Nam qua trường hợp A Solzenitsyn (Đào Tuấn Ảnh - 2009, 2011); Tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỉ XIX ở Việt Nam (Trần Thị Quỳnh Nga - 2010); Cách mạng tháng Mười Nga và việc tiếp nhận Văn học Xô viết ở Việt Nam từ sau 1945 (Phong Lê - 2010); Tiếp nhận văn học Nga và Liên

Xô ở Việt Nam những năm 1945 - 1985 (Nguyễn Bá Thành - 2011) và Sự tiếp nhận

Trang 13

Edgar Allan Poe ở Việt Nam (Hoàng Kim Oanh - 2011); Quan hệ giữa văn học Viêt Nam và văn học Nga - Xô Viết thế kỷ XX (Đào Tuấn Ảnh - 2011) …

Có thể nói, nghiên cứu ảnh hưởng, sự tiếp nhận văn học Nga - Xô Viết ở ViệtNam đã được đề cập từ sớm Qua việc khảo sát tình hình du nhập, cách dịch, cách đọctác phẩm, chỉ ra những nét tương đồng hay giao thoa giữa các tác phẩm văn học XôViết, trong văn học Việt Nam… các nhà nghiên cứu đã từng bước khảng định vị trí, vaitrò của của cả một nền văn học lớn cũng như từng tác giả Nga - Xô Viết trong đời sốngtinh thần của con người Việt Nam, của văn học Việt Nam Những phương thức tiếp cậnvấn đề từ các công trình trên có ý nghĩa định hướng giúp chúng tôi triển khai để

tài Tiếp nhận M Sôlôkhôp ở Việt Nam.

1.2 Tài liệu tiếng Việt

Sáng tác của M Sôlôkhôp được dịch và giới thiệu ở Việt Nam từ năm 1946.Trong hoàn cảnh đất nước ta phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống

Mỹ suốt 30 năm (1945 - 1975) và bị chia cắt, nên tình hình tiếp nhận M Sôlôkhôpkhông thuần nhất, bị gián đoạn ở hai miền Nam - Bắc Sự tiếp nhận sáng tác của M.Sôlôkhôp đã được cải thiện sau ngày thống nhất đất nước (sau 1975) Tính từnăm

1946 đến năm 2012, ở Việt Nam 29 sáng tác của M Sôlôkhôp đã được dịch và có 132

bài viết, công trình giới thiệu, nghiên cứu về nhà văn vĩ đại này Tuy nhiên, cho đếnnay vẫn chưa có công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu tiếp nhận M Sôlôkhôp ở ViệtNam Sau đây chúng tôi sẽ điểm qua các bài viết, công trình nghiên cứu liên quan đếnvấn đề nghiên cứu: tiếp nhận và ảnh hưởng của M Sôlôkhôp ở Việt Nam

Độc giả nước ta biết đến M Sôlôkhôp trước khi có bản dịch sáng tác đầu tiêncủa nhà văn ở Việt Nam (1946) Theo một số nhà văn (Như Phong, Nguyễn Đình Thi,

Tố Hữu), tiểu thuyết Đất vỡ hoang của M Sôlôkhôp đã đến với một bộ phận độc giả

Việt Nam từ những năm 30 của thế kỉ XX Nhà văn Vũ Ngọc Phan không thể nào

quên: "Chúng tôi có quyển Đất vỡ hoang của Sôlôkhôp bằng tiếng Pháp chép tay dày

sụ, chữ viết chân phương, nhiều trang giấy nứa đã vàng khè lại rách, phải dán ngangdọc, có trang lại bị tàn thuốc làm cháy, vết mồ hôi tay cũng rất nhiều, chứng tỏ quyểnsách đã qua không biết bao nhiêu độc giả" [201, 592]

Trang 14

Năm 1946, tiểu thuyết Sông Đông êm đềm (từ đầu đến hết phần 2 quyển 1)

là tác phẩm đầu tiên của M Sôlôkhôp được Hồng Hà dịch từ bản tiếng Pháp ra

tiếng Việt và giới thiệu trên báo Cứu quốc Cùng năm đó, Học Phi dịch truyện ngắn Khoa học căm thù của M Sôlôkhôp từ bản tiếng Anh ra tiếng Việt Qua lời giới thiệu

của dịch giả Hồng Hà, M Sôlôkhôp mới được biết đến như là một "người Cô dăc

thế hệ mới do chiến tranh và cách mạng tạo nên" [223, 3], tiểu thuyết Sông Đông êm đềm là "tác phẩm đồ sộ, vĩ đại, được người ta so sánh với Chiến tranh và Hoà bình của

L.Tônxtôi" Vấn đề tiếp nhận M Sôlôkhôp chưa được đặt ra

Trong một khoảng thời gian khá dài (1947 - 1956) tác phẩm của M Sôlôkhôpvắng bóng ở Việt Nam do miền Bắc dồn toàn lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp

Từ năm 1957, tác phẩm của M Sôlôkhôp tiếp tục được dịch và giới thiệu ở nước ta.Các bài nghiên cứu về M Sôlôkhôp và các sáng tác của ông cũng tăng theo từng giaiđoạn lịch sử

Từ những năm 60 đến những năm 70 của thế kỉ XX, ngoài lời giới thiệu trongcác tác phẩm dịch còn có 39 bài viết về M Sôlôkhôp Nhà văn được nghiên cứu ở góc

độ chân dung - nghệ sĩ trong một số công trình của cả hai miền Nam - Bắc: Lời giới thiệu "Truyện sông Đông" (Xuân Thương - 1958); Lời giới thiệu "Sông Đông êm đềm" (Nguyễn Thụy Ứng - 1959); "Thử tìm hiểu Sôlôkhôp một nghệ sĩ của cuộc sống và của thời đại" (Hoàng Trinh - 1960); "M Sôlôkhôp giải Noben Văn chương 1965" (Tràng Thiên - 1965); "Cholokhov và văn chương hiện đại của Nga-Sôviết" (Đào Đăng Vỹ - 1965); "M Sôlôkhôp và giải thưởng Văn chương Noben 1965" (Bùi Ngọc Dung -

1965)…

Một số tác phẩm của Sôlôkhôp cũng được giới phê bình đề cập trong: Lời giới thiệu về Sông Đông êm đềm của Nguyễn Thụy Ứng (1959), Lời giới thiệu về Số phận con người (1959) của Mạnh Cầm, bài viết Đavưđôp - một nhân vật xuất sắc trong tác phẩm Đất vỡ hoang của Hoàng Trinh năm 1960, bài viết Nhân vật Đavưđốp trong Đất

vỡ hoang của Sôlôkhôp của Chu Nga năm 1962… Tuy nhiên, những ý kiến, nhận xét về tác phẩm, nhân vật và tác giả M Sôlôkhôp nói trên trong thời kì này chủ yếu mang tnh xã hội học.

Trang 15

Từ những năm 80 của thế kỉ XX, các sáng tác của M Sôlôkhôp được chú ýnhiều hơn trong nghiên cứu phê bình Ngoài những bài viết tiếp tục nghiên

cứu Sôlôkhôp dưới góc độ tác gia văn học như Nhà văn Xô Viết lỗi lạc M Sôlôkhôp của

Lê Thành Nghị (1984), đã có những công trình nghiên cứu chuyên sâu từ góc độ thi

pháp Tiêu biểu là Tìm hiểu một vài đặc điểm về thi pháp Sôlôkhôp trong bộ tiểu thuyết sử thi "Sông Đông êm đềm" của Huy Liên (1984); Mối quan hệ giữa cái bi kịch

và cái anh hùng trong tiểu thuyết "Họ chiến đấu vì Tổ quốc" của Nguyễn Huy Hoàng (1987); Một số đặc điểm của không gian - thời gian nghệ thuật trong "Sông Đông êm đềm" của Lê Ngọc Mai (1988), Thi pháp nhân vật trong "Sông Đông êm đềm" của M Sôlôkhôp (Nguyễn Thị Vượng - 2006)… Về xu hướng nghiên cứu sáng tác M Sôlôkhôp

theo thi pháp học, như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hà thì: "ba côngtrình ở Việt Nam về Sôlôkhôp giữa thế kỷ trước đều dựa trên quan điểm các nhànghiên cứu Xô Viết những năm 50…" trong cách nghiên cứu và đánh giá hìnhtượng Grigôri Mêlêkhôp, thì "vào những năm 80, giáo trình Văn học Xô Viết ở Đại học

Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội, đã phân tích Sông Đông êm đềm

bằng thi pháp học…" [80, 13]

Trong gần 70 năm qua, M Sôlôkhôp và các sáng tác của ông được giới thiệu,phân tích, nhận định khá đầy đủ, rõ nét ở Việt Nam Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu quátrình tiếp nhận M Sôlôkhôp chưa được chính thức đặt ra Hướng nghiên cứu tiếp

nhận M Sôlôkhôp mới chỉ được đề cập tới từ các góc độ tiếp nhận.

Quá trình dịch thuật và giới thiệu tác phẩm của M Sôlôkhôp ở Việt Nam tuy đã

có một bề dày đáng nể nhưng cho đến nay cũng chưa có công trình nào tiến hành hệthống một cách cụ thể Người đọc chỉ có thể tìm hiểu vấn đề này trong những bàitổng kết về quá trình dịch và xuất bản văn học Xô Viết ở Việt Nam Trong các bài

viết: Điểm qua tình hình dịch thuật và giới thiệu văn học Xô Viết ở nước ta trong mười lăm năm (1960); Bước đầu tìm hiểu quá trình phổ biến văn học Xô Viết ở Việt Nam (1977); Vài nét về văn học Xô Viết ở Việt Nam (1977); Điểm qua công việc dịch, giới thiệu văn học cổ điển Nga ở Việt Nam (1994); Nhà xuất bản Văn học giới thiệu văn học Nga Xô Viết ở Việt Nam (1994)… Thuý Toàn nhận định: "những năm 30, M Sôlôkhôp

đã dần dần đến với các tầng lớp người đọc Việt Nam" [276, 109] Tác giả Việt Hùng

nhấn

Trang 16

mạnh: "cuốn tiểu thuyết lớn của M Sôlôkhôp lần đầu tiên được dịch và in thànhnhiều tập với số lượng trên một vạn bản, đã được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt…"

[112, 23] Tiểu thuyết Đất vỡ hoang cũng được "dịch và xuất bản giữa lúc phong trào

hợp tác hoá nông nghiệp của ta đương trên đà phát triển là một đóng góp thiết

thực và đáng quí Độc giả Việt Nam, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác hợp tác hoá

đã đón cuốn sách như đón một người thày…" [112, 23] Số phận con người, truyện

ngắn nổi tiếng của Sôlôkhôp cũng được "độc giả Việt Nam đặc biệt chú ý" [112, 23].Đây là những tư liệu quí, giúp chúng ta thấy rõ hành trình dịch thuật và giới thiệu M.Sôlôkhôp với độc giả Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể

Việc đánh giá về chất lượng bản dịch các tác phẩm của M Sôlôkhôp ở Việt Nam cũng được đề cập khá sớm Ngay sau khi bản dịch Sông Đông êm đềm của Nguyễn Thụy Ứng phát hành, trong bài Đọc Sông Đông êm đềm (1959), tác giả Trúc

Đình đã đưa ra những nhận xét về bản dịch này Ông cho rằng: "độc giả hoan nghênh

việc xuất bản Sông Đông êm đềm…", và ca ngợi: "Nguyễn Thụy Ứng cố gắng dịch hết

không bỏ xót đoạn nào, và căn cứ theo nguyên văn từ năm 1957, Thuỵ Ứng lại đốichiếu với bản dịch tiếng Pháp, tiếng Trung văn… dịch giả lại tham khảo, nghiên cứungạn ngữ, tục ngữ, tiếng địa phương mà Sôlôkhôp đã sử dụng… tóm lại, bản dịch đảm

bảo là tốt…" Nhưng Trúc Đình lại băn khoăn: "Sông Đông êm đềm của Thuỵ Ứng có

rất nhiều tên dài, khó nhớ, chỉ nên nêu một lần cả họ lẫn tên, rồi sau cứ gọi tắt cho dễnắm…" [56, 3] Ông đề xuất: "dịch được càng nhiều càng tốt… nhưng phải tôn trọng

âm điệu tiếng Việt Nam thì độc giả mới tiếp thu được…" [56, 3] Mặc dù tác giả bàibiết coi đây là những đối thoại rất nhỏ với dịch giả Thuỵ Ứng, nhưng chúng tôi nhậnthấy, vấn đề dịch thuật tác phẩm của M Sôlôkhôp đã được đưa ra trao đổi từ rất sớm

- mà cụ thể là vấn đề Việt hóa ngôn từ

Trên cơ sở tài liệu đã thu thập được trong quá trình làm luận án, chúng tôi

bước đầu đưa ra những nhận xét: Về việc dịch nhan đề các truyện ngắn của M Sôlôkhôp ở Việt Nam; Về việc dịch nhan đề các tiểu thuyết của M Sôlôkhôp ở Việt Nam và khái quát Bức tranh dịch thuật M Sôlôkhôp ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn

1954 - 1975; Bức tranh dịch thuật M Sôlôkhôp ở Việt Nam giai đoạn sau 1975 đến nay trên các tạp chí khoa học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm

Hà Nội 2

Trang 17

Vấn đề kĩ thuật dịch cũng đã được nhắc tới trong trong Lời giới thiệu "Sông Đông êm đềm" của Nguyễn Thụy Ứng (1959); Tôi đã dịch M Sôlôkhôp với tất cả tấm lòng của Hồ Tôn Trinh (1984) và Dịch giả Nguyễn Thụy Ứng - Nhập vai những nhân vật của Solokhov của Nguyễn Thành Phong (2000) Nguyễn Thụy Ứng là người đầu tiên

khái quát việc dịch và phát hành tác phẩm của M Sôlôkhôp ở một số nước trên thế

giới Để dịch Sông Đông êm đềm, ngoài việc dựa trên "bản tiếng Nga của nhà xuất bản

Văn nghệ Quốc gia - Mạc Tư Khoa năm 1957", Nguyễn Thụy Ứng phải tham khảo

"bản dịch tiếng Pháp của Xukhomlin - Campô, bản tiếng Trung quốc của Kim Nhân"[309, 26] và rất nhiều bài nghiên cứu về lời văn của Sôlôkhôp qua các bản dịch (tiếngNga, Tiệp, Bungari, Hunggari…) Nguyễn Thuỵ Ứng "phải như một diễn viên, phải nhậpvai từng nhân vật… phải hình dung, nếu Sôlôkhôp nói tiếng Việt thì phải nói thế này…"[307, 15], Hồ Tôn Trinh phải "sống Đavưđôp, sống Nagunnôp… phải đăm chiêu, lắngmình xuống tận chiều sâu tâm tư và khoảnh khắc… để tìm ra cái gọi là tiền đài củanhững câu văn, từ ngữ được hiểu những cái nghĩa tràn đầy của nó, ở ngoài cấu trúckhông gian, tức là văn bản…" [287, 2] Những ý kiến trên cho thấy, để có bản dịch đápứng được yêu cầu: vừa giữ được hồn, cốt của nguyên tác, vừa thuần Việt để gần gũivới độc giả Việt thì các dịch giả phải hoá thân thành các nhân vật, hoá thân vàoSôlôkhôp… Điều này cho thấy, dịch giả là một chủ thể tiếp nhận đặc biệt Họ vừa làđộc giả (của nguyên tác) vừa là người sáng tạo (với bản dịch) Họ là người phổ biến tácphẩm đến với độc giả nước nhà qua bản dịch của mình Tuy nhiên, xem xét quá trìnhdịch thuật như một kênh tiếp nhận đặc biệt các sáng tác của M Sôlôkhôp ở Việt Namnhư đã nói ở trên vẫn chỉ mới được đề cập nghiên cứu có phần lẻ tẻ, tản mạn

Đáng chú ý, từ những năm 60, trong một số bài viết cũng đã động chạm đến

những mức độ tiếp nhận và ảnh hưởng của M Sôlôkhôp ở Việt Nam Chẳng hạn như trong Lời giới thiệu tiểu thuyết Đất vỡ hoang, tác giả đã viết: "Mấy năm nay, với những tác phẩm đã được đọc rộng rãi như Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Số phận con người… Sôlôkhôp dần dần đã chiếm được lòng bạn đọc Việt Nam nhiều nhất… từ lâu, chúng ta đã dành cho Sôlôkhôp và tác phẩm Đất vỡ hoang một mối cảm tình đặc biệt…" [262, 3] Nhà văn Tô Hoài trong bài Quan hệ anh em giữa văn học Việt Nam và văn học Liên xô ngày càng phát triển (1960) cũng nhấn mạnh: "M.

Sôlôkhôp là một

Trang 18

trong những nhà văn Xô viết có mối quan hệ gần gũi và sức ảnh hưởng lớn tới đời sống

tinh thần của dân tộc Việt Nam" [108, 3] Nhà văn Như Phong khi "Nhớ lại buổi đầu gặp gỡ" (1967) không thể quên những ngày đầu tiên được đọc Đất vỡ hoang:

"chúng tôi truyền tay nhau đọc đến nhàu nát, nó đã đi vào trong những câu chuyện

trao đổi hàng ngày của chúng tôi…" [207, 12] Việt Hùng cho rằng "Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc giúp sức làm tăng tình yêu đời và lòng say sưa chiến đấu của nhân

dân, nâng cao ý thức của hậu phương đối với tiền tuyến và của tiền tuyến với hậuphương, đã khích lệ tinh thần vì nhân dân, vì Tổ quốc của quân đội ta…" [112, 22]

Cho đến những năm 80 của thế kỉ XX, nhắc tới M Sôlôkhôp, Nguyễn Đình Thivẫn nhớ như in những ngày kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, mỗi lần chạy giặc,

anh em trong cơ quan gánh theo một gánh của quý của Liên Xô, "trong ấy có cuốn Đất

vỡ hoang tập 1… cẩn thận hơn anh Nguyễn Huy Tưởng đã cho chép lại cuốn tiểu thuyết của Sôlôkhôp Các bạn nhà văn, nghệ sĩ mọi nơi tới cơ quan đều được đọc cuốn Đất vỡ hoang chép tay ấy…" [258, 5] Nhà văn Tô Hoài kể lại: "M Sôlôkhôp đã

có mặt ở các nhà máy, hợp tác xã và nông trường, ở chiến hào của các chiến sĩ trong tất cả các cuộc kháng chiến M Sôlôkhôp thắm thiết với những người lính đầu bạc và con cháu họ bây giờ trên các chốt tiền tiêu biên giới" [109, 3] Tầm ảnh hưởng từ các

tác phẩm của Sôlôkhôp trong đời sống tinh thần của các thế hệ độc giả Việt Nam, đặcbiệt là đối với người lính - những thế hệ tiếp bước ông cha bảo vệ Tổ quốc vẫn tìmthấy ý nghĩa cuộc sống trong các sáng tác của nhà văn vĩ đại này

Không chỉ thế, tầm ảnh hưởng của M Sôlôkhôp còn lan tỏa thấm sâu trong

nhiều tầng lớp xã hội Phạm Tường Hạnh kể chuyện ảnh hưởng của cuốn Đất vỡ hoang với cán bộ và bà con nông dân ở Hải Dương trong thời kì hợp tác hoá nông nghiệp; chuyện về một thiếu uý thuỷ quân lục chiến của Nguỵ từng thú nhận: "Cuộc đời em…

nó cũng giống như cái anh chàng Grigôri trong Sông Đông êm đềm ấy, ngờ nghệch,

vụng dại mà cứ cho mình là anh hùng… ôi, cái anh chàng cứ luôn luôn lao đầu vàonhững cuộc chém giết mà không hiểu để làm gì, oán thù ai… bọn em may mắn hơnanh ta, giải phóng miền Nam đã kịp thời ngăn chặn những tội lỗi của chúng em Và

em khác hơn nhân vật Grigôri là kịp thời thức tỉnh nghe theo lời khuyên dạy khoanhồng của cách mạng, của các anh, các chị nâng em dậy để em được đi theo conđường đó

Trang 19

hôm nay… " [87, 6] Và "chúng em có một bộ Sông Đông êm đềm, ai cũng dành đọc,

nát nhừ ra, rất nhiều trang phải dán giấy bóng kiếng hai ba lớp tới nỗi tối tối không cóánh đèn thì không thể đọc nổi… em cho rằng, mấy người bạn bỏ ý nghĩ trốn trại cũng

một phần nhờ có những nhân vật của Sôlôkhôp trong Sông Đông êm đềm, nhất là

Grigôri…." Có thể thấy, tác phẩm của Sôlôkhôp có những ảnh hưởng tích cực với cả

những người bên kia chiến tuyến Họ tìm thấy hình bóng mình trong các tác phẩm của

nhà văn, họ nhận ra sai lầm từ những nhân vật của ông Đúng như kết luận của tác giảbài viết "M Sôlôkhôp đã để lại trong trái tim người đọc một chân trời rộng mở, soisáng mọi tâm hồn biết vì sự nghiệp chung mà tiến mãi không ngừng" [87, 6]

Không chỉ tiếp nhận các sáng tác của M Sôlôkhôp qua việc đọc, đông đảo quầnchúng Việt Nam còn biết tới ông qua những bộ phim được xây dựng từ tác phẩm của

nhà văn Có nhiều bài viết: Con người Xô viết, con người Nga trong phim Liên Xô (Nguyễn Tuân - 1959); Thêm đôi suy nghĩ về tháng phim Liên Xô (Nguyên Ngọc - 1959); Phim Sông Đông êm đềm - một tác phẩm điện ảnh giá trị của Liên Xô (Trịnh Mai Diêm - 1959); Xem phim Đất vỡ hoang (Mai Ngữ - 1962); Khi văn chương nghệ thuật trở thành tài sản chung của xã hội (Nhân xem lại phim Sông Đông êm đềm) (Dương Hà - 1994), Nhà văn và đạo diễn (Kỷ niệm 10 năm ngày mất M Sôlôkhôp) và

Số phận con người (Cao Thụy - 1994, 1996)… đã tái hiện thái độ tiếp nhận của độc giả

Việt Nam với sáng tác của M Sôlôkhôp qua điện ảnh Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng:

"phim Số phận con người được đông đảo khán giả chờ đợi nhiệt tình… [295, 89] Nhà văn Mai Ngữ cũng tái hiện: "người xem, kể cả người đã hoặc chưa đọc tiểu thuyết

của M Sôlôkhôp đều rất coi trọng giá trị bộ phim lớn này…" [175,104] Còn theo tácgiả Nguyên Ngọc thì có không ít khán giả chỉ thích thú với một số chi tiết "đánh nhaurất ác", "yêu nhau rất hăng" Họ không nhìn ra: "bài học lớn: sự tất thắng vẻ vang củacách mạng, sự tan vỡ vô cùng bi đát của những kẻ mù quáng…" [171, 73] Ông lí

giải, do "chưa được hiểu đầy đủ trong một số người xem, nhất là ở thành

Trang 20

-dù không trực tiếp - nhưng những điều ông nêu ra có liên quan đến vấn đề tầm đónnhận của chủ thể tiếp nhận đối với các tác phẩm của M Sôlôkhôp Và mặc dù tầmđón nhận của công chúng còn ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng có thể khẳng định:

M Sôlôkhôp là nhà văn được công chúng Việt Nam rất yêu thích Các tác phẩm củaông được nhiều đối tượng độc giả đón nhận, nó thực sự đi vào đời sống tinh thần củahọ

Ảnh hưởng từ tác phẩm của Sôlôkhôp với văn xuôi Việt Nam lần đầu được đề cập tới trong bài viết "Mấy cảm nghĩ về tuyển tập văn Việt Nam 1945 - 1960" của Nguyễn Hồng Phong đăng trên báo Văn học (1961) Tác giả có liên tưởng: "đọc Cái sân gạch tôi vẫn nghĩ đến Đất vỡ hoang, cảnh anh bộ đội trong Xung đột của Nguyễn Khải bị nhân dân đánh, tôi thấy tức như cảnh Đavưđôp bị đánh trong Đất vỡ hoang"

[206, 11] Tác giả giải thích "đó tuyệt nhiên không phải là bắt chước mà chỉ là sự giốngnhau về phong cách" [206, 11] Theo chúng tôi, đây là phát hiện rất đáng chú ý, nóphản ánh một thực tế: từ những năm 1960, người ta đã bắt đầu nhìn thấy có nhữngtương đồng giữa sáng tác của M Sôlôkhôp và một số sáng tác văn học Việt Nam

Cuối những năm 90 của thế kỉ XX trở lại đây, vấn đề ảnh hưởng, giao thoa haytương đồng giữa tác phẩm của M Sôlôkhôp với các tác phẩm văn xuôi Việt Nam trở lại

trong các bài viết: Dấu ấn phương Tây trong văn học Việt Nam hiện đại vài nhận xét tổng quan (Nguyễn Văn Dân - 1999); Văn học Việt Nam tiếp nhận văn học Xô viết (Vũ Hồng Loan - 2005); M Sôlôkhôp - một số phận vinh quang và cay đắng (Nguyễn Hải Hà

- 2005); Cách mạng tháng Mười Nga và việc tiếp nhận Văn học Xô viết ở Việt Nam từ sau 1945 (Phong Lê - 2010); Tiếp nhận văn học Nga và Liên Xô ở Việt Nam những năm

1945 - 1985 (Nguyễn Bá Thành - 2011); Quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Nga

- XôViết thế kỉ XX (Đào Tuấn Ảnh - 2011) và gần nhất là Giáo trình Văn học Nga (2012)

của Đỗ Hải Phong

Là một trong những người nghiên cứu về lí thuyết tiếp nhận sớm nhất ở ViệtNam, Nguyễn Văn Dân đã nhìn thấy: "mặc dù không phải sao chép… chúng ta có thể

nhận ra ngay nguyên mẫu của tác phẩm chịu ảnh hưởng Đó là trường hợp: Đất vỡ hoang đối với bộ tiểu thuyết Cái sân gạch và Vụ lúa chiêm của Đào Vũ" [39, 250] Như

vậy, từ chỗ "liên tưởng" đến chỗ "nhận ngay ra nguyên mẫu", các nhà nghiên cứu đãkhảng định một số tác phẩm văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng từ các sáng tác của M.Sôlôkhôp

Trang 21

Trong công trình nghiên cứu về việc tiếp nhận và ảnh hưởng của văn học Xô

Viết đối với văn học Việt Nam, Vũ Hồng Loan cũng chỉ ra nét tương đồng giữa Đất vỡ hoang với Cái sân gạch (Đào Vũ) và Bão biển (Chu Văn) Tác giả bài viết còn đưa ra một

số nhận xét về dấu ấn của Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc với một số tác phẩm văn học Việt Nam như Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu) Đó là những gợi mở có liên quan tới đề tài

luận án của chúng tôi

Nhận xét về vấn đề ảnh hưởng sáng tác của Sôlôkhôp ở Việt Nam, Phong Lêviết: "trong số các tác giả sớm đến Việt Nam, chiếm vị trí cao trong sự đọc của người

Việt Nam, và trở thành kiểu mẫu cho người viết Việt Nam trong chiến tranh trước hết phải nói đến Sôlôkhôv…" [142, 604] Ông khẳng định: "Số phận con người như một bi kịch lạc quan sâu sắc nhất, có ý nghĩa soi sáng cho các thế hệ viết về chiến tranh ở Việt Nam…" [142, 605].

Những ảnh hưởng lớn lao của M Sôlôkhôp ở Việt Nam còn được nhắc tới trong

hệ thống giáo trình của các trường đại học Cuốn Lịch sử văn học Xô viết, tập 2 của Huy Liên - Kim Đính - Hoàng Ngọc Hiến (1985), Văn học Xô viết của Nguyễn Hải Hà

- Đỗ Xuân Hà (1988), Lịch sử văn học Nga (1998), đều khẳng định những cuốn sách của Sôlôkhôp "thuộc vào loại tác phẩm nước ngoài được các nhà văn và bạn đọc Việt

Nam thuộc đủ loại tầng lớp đọc nhiều nhất Vì vậy giới nghiên cứu chúng ta còn phảinghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa nghệ thuật của Sôlôkhôp cùng với những ảnhhưởng của sáng tác Sôlôkhôp đối với con người Việt Nam và văn học Việt Nam hiện

đại" [146, 300] Năm 2012, trong Giáo trình Văn học Nga, Đỗ Hải Phong nhấn mạnh:

"Với đề tài văn học chiến tranh và đề tài hợp tác hoá nông nghiệp, từ những năm

1960, Sholokhov đã không còn xa lạ với Việt Nam Tác phẩm của ông hầu hết đã được

dịch ra tiếng Việt và có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam sau

1954 như Bùi Hiển, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc…"[211,

173] Chúng tôi coi đây là những nhận xét có ý nghĩa gợi mở có liên quan đến đề tàinghiên cứu

Ngoài các bài viết ở Việt Nam, chúng tôi còn tham khảo 24 bài nghiên cứu, phê

bình về M Sôlôkhôp của các tác giả nước ngoài đã được dịch ở nước ta Tác giả của

Trang 22

phần lớn các bài viết này là những nhà văn, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, có trình

độ chuyên sâu Vì vậy, việc chọn dịch bài viết của họ sẽ cung cấp cho độc giả Việt Namnhững thông tin cập nhật, nhiều chiều, mở rộng hướng tiếp cận M Sôlôkhôp

Giới thiệu M Sôlôkhôp ở góc độ tác gia văn học có các bài viết: Sôlôkhôp - nhà văn tiếp tục những truyền thống vĩ đại của văn học cổ điển Nga của Tamara Tôriphônôva (1959); Cholokov giải Noben của V Sonia Lescau (1965); Một người Cosaque xung phong giật giải Nobel của Marcel Brion (1965); Giải Nobel cho một người Cosaque của Joseph Kessel (1965); Ánh sáng không bao giờ lụi tắt của Vaxili Vôrônôp (1982); Nhà văn của người Côdăc của A Osterling (2002); M Sôlôkhôp của

Dorothy Brewster & John Angus Burrell (2003)…

Vấn đề đời tư nhà văn M Sôlôkhôp được đề cập trong nhiều tài liệu: Những mẩu chuyện về nhà văn Sôlôkhôp (1959); Phỏng vấn Sôlôkhôp của Vơxêvôlôt Maria (1980); Sự thật về Sôlôkhôp của Litvinov V M (1995); Những điều chưa biết về Sôlôkhôp của Valentin Ôxipốp (1996); Những kỉ niệm về Sôlôkhôp của Evghenhi Rưmko

(2000)… đã cho người đọc cái nhìn đầy đủ về M Sôlôkhôp trong đời thường

Vấn đề bản quyền tiểu thuyết Sông Đông êm đềm được dịch đăng trên báo Văn nghệ năm 2000: Ngọn lửa Sôlôkhôp, Kết thúc một sự vu cáo văn chương thế kỉ XX…

giúp người đọc Việt Nam hiểu tường tận thêm về một trong những nghi án "đạo văn"lớn nhất thế kỷ XX

Trong các tài liệu của người nước ngoài được dịch ở Việt Nam, chúng tôi chú ý

tới 4 bài có đề cập tới sự tiếp nhận M Sôlôkhôp, đó là: Văn học Xô Viết ở nước ngoài

(Nicôliukin A - 1960), Những vấn đề của sự tiếp nhận văn học Xô Viết đầu những năm

80 (Rev M - 1991), Văn học Xô Viết trong thế giới hiện đại: những vấn đề về sự tiếp thụ của bạn đọc nước ngoài (Fedoseeva - 1991) và Những cuộc gặp gỡ Thiên Tân

1981 (Rifin B - 1991) Nicôliukin A cho chúng ta thấy "bộ tiểu thuyết Đất vỡ hoang của Sôlôkhôp và truyện Số phận con người của ông được bạn đọc đánh giá cao ở Tiệp…" [190, 73] Rev M chia sẻ: "Bạn đọc Hunggari đã biết tới Sông Đông êm đềm

từ giữa những năm 1930… " [221, 100] Fedoseeva cho rằng: M Sôlôkhôp - một trongnhững tác giả có ảnh hưởng lớn nhất ở nước ngoài, đặc biệt là trong quá trình tiếpthụ nhân vật chính diện của văn học Xô Viết Những hình tượng do M Sôlôkhôp xâydựng

Trang 23

đã được đưa lên hàng đầu Còn Rifin B tái hiện sự tiếp nhận Sôlôkhôp ở Trung Quốc:

"Sôlôkhôp sau một thời gian bị coi là xét lại… đã được đánh giá rất cao Thậm chíngay cả các bài nghiên cứu về Sôlôkhôp của các tác giả Xô Viết và nước ngoài cũng đãđược in…" [222, 93] Những tài liệu trên tái hiện việc tiếp nhận M Sôlôkhôp ở nướcngoài, đặc biệt là ở các nước xã hội chủ nghĩa, giúp chúng ta có những đối sánh giữatầm đón nhận của độc giả Việt Nam với tầm đón nhận của độc giả thế giới

Việc tiếp nhận M Sôlôkhôp trong nhà trường Việt Nam được bắt đầu từ năm

1961, M Sôlôkhôp được đưa vào giảng dạy ở bậc đại học, nhưng phải đến năm 1985trở lại đây, M Sôlôkhôp mới thật sự trở thành hiện tư ợng trong các trường đạihọc ngành Văn Sự ra đời của các giáo trình Văn học Nga, văn học Xô Viết củacác trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội đã định hướng chosinh viên tiếp cận các sáng tác của M Sôlôkhôp trên nhiều bình diện khác nhau

M Sôlôkhôp là một trong những tác giả được sinh viên, học viên chọn để làmkhoá luận tốt nghiệp, luận văn và luận án Theo con số mà chúng tôi khảo sát được ở

một số trường đại học Sư phạm và Khoa học Xã hội - Nhân văn đã có 20 khoá luận tốt nghiệp (1985 - 2012), 08 luận văn thạc sĩ (2004 - 2012) và 01 luận án tiến sĩ

(2006) Đáng chú ý là luận án tiến sĩ Thi pháp nhân vật trong "Sông Đông êm đềm" của M Sôlôkhôp (Nguyễn Thị Vượng - 2006) Là công trình đầu tiên nghiên cứu về thi pháp nhân vật trong Sông Đông êm đềm, trong phần Lịch sử vấn đề tác giả luận án có

phần tổng kết khá chi tiết xu hướng tiếp nhận tiểu thuyết này ở nước ngoài và ở Việt

Nam Chúng tôi chú ý tới phần xu hướng tiếp nhận Sông Đông êm đềm ở Việt Nam.

Trong nhà trường phổ thông, sau chương trình cải cách giáo dục năm

1989, từ năm 1990, M Sôlôkhôp là một trong ba tác giả tiêu biểu nhất của vănhọc Xô Viết được đưa vào chương trình văn 12 Đây là dấu mốc quan trọng, mở đầucho sự tiếp nhận M Sôlôkhôp trong nhà trường Đặc biệt , cách đọc - hiểu truyện

ngắn Số phận con người trong chương trình Ngữ văn 12 nhận được rất nhiều

quan tâm của các nhà giáo, nhà nghiên cứu trên toàn quốc Ngoài phần biên soạn

về M Sôlôkhôp và Số phận con người trong Sách giáo khoa, Sách giáo viên Văn

12 của các nhà khoa học Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Hải Hà, Hà Thị Hoà trực tiếpthực hiện, còn có số lượng rất lớn sách tham khảo trong tủ sách nhà trường Đến

nay đã có ít nhất 50

Trang 24

tài liệu hướng dẫn cách đọc, cách học, hướng tiếp cận đoạn trích Số phận con người Trong đó, đáng chú ý nhất là các bài viết của các nhà giáo, nhà nghiên

cứu Nguyễn Hải Hà, Trần Đình Sử, Đỗ Hải Phong, Lê Nguyên Cẩn, Hà Thị Hoà, LêHuy Bắc, Trần Thị Quỳnh Nga…

Như vậy, M Sôlôkhôp là hiện tượng được tiếp nhận đặc biệt ở Việt Nam.Sáng tác của ông được nhiều đối tượng tiếp nhận khác nhau tìm đọc, dịch, xem phim;được giới thiệu, nghiên cứu khá toàn diện Trong nguồn tài liệu tiếng Việt viết về M.Sôlôkhôp mà chúng tôi thu thập được có những ý kiến, nhận định, đánh giá liên quan tới

đề tài luận án của chúng tôi Phần lớn các ý kiến dừng ở những phác thảo, nêu vấn đềhoặc gợi mở hướng tiếp nhận M Sôlôkhôp ở các phương diện khác nhau Đây là nhữnggợi ý cho chúng tôi khi triển khai các luận điểm của luận án

1.2 Tài liệu tiếng Nga

Liên quan đến đề tài luận án, chúng tôi còn tham khảo một số tài liệu tiếngNga nghiên cứu tiếp nhận ảnh hưởng của M Sôlôkhôp đối với một số nền văn họctrên thế giới thế kỉ XX

Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, tại Hungari: "đâu đâu trên đất nước này

cũng thấy có sự tồn tại của Sông Đông êm đềm, người ta đọc nó… họ bị ảnh hưởng của

nó như những truyện thần thoại dân gian Hungari Không nơi đâu là người ta khôngnghe thấy nhắc đến Sôlôkhôp, từ độc giả, đến giới phê bình…" [326, 205] Họ nhậnthấy "những sáng tác mang đậm nét trữ tình vừa hiện thực sắc sảo của Sôlôkhôp đãsoi sáng đường đi cho những thế hệ nhà văn Hungari…" và M Sôlôkhôp là người "cósức ảnh hưởng đến tiến trình phát triển nền văn học ở Hungari…" [326, 208] Ở Đức,

"từ năm 1947 đến 1955, tiểu thuyết Sông Đông êm đềm đã được tái bản đến 10 lần"

và "đã công bố hơn 60 công trình nghiên cứu, các bài báo, bài phê bình xung quanhcác tác phẩm của Sôlôkhôp" [324, 82] Ở Bungari, số lượng bản in các tác phẩm của

Sôlôkhôp tính từ năm 1947 đến 1955 là "205.200 bản, trong đó Sông Đông êm đềm

được xuất bản với số lưng là 102.000 bản" [324, 82] Ở cộng hoà Séc vào năm 1960

đã "tái bản lần thứ 10 Sông Đông êm đềm, lần thứ 13 Đất vỡ hoang và in đại trà Số phận con người" [324, 71].

Trang 25

Ở một số nước khác như Nam Tư: "M Sôlôkhôp là nhà văn nước ngoài có tácphẩm được dịch và xuất bản thường xuyên, là người nổi tiếng nhất và được đọc nhiềunhất …" [327, 185] Ở Ba Lan, M Sôlôkhôp cũng là nhà văn nước ngoài được yêuthích nhất trong những năm 1950 - 1975 Báo chí Ba Lan tổng kết: "từ năm 1931 đếnhết năm 1974 sáng tác của Sôlôkhôp đã được xuất bản 172 lần"… đặc biệt: "các tácphẩm của Sôlôkhôp có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của nền văn học dân tộc cácnước anh em" và "việc xuất hiện các bản dịch các tác phẩm của Sôlôkhôp trong điềukiện tồn tại chế độ tư sản, phát xít tại một số nước là sự kiện có ý nghĩa văn hoá vàchính trị vô cùng quan trọng…" [324, 75].

Tuy nhiên, việc tiếp nhận sáng tác của M Sôlôkhôp không phải lúc nào cũngthuận lợi, xuôi chiều Độc giả vẫn nhớ, ở Tây Âu, "dưới thời cầm quyền của Hitle, sách

của ông từng bị đốt ở Đức, bị cấm xuất bản ở Ý Còn ở Pháp, bản thảo Đất vỡ hoang bị xuyên tạc một cách thô bạo Ở Anh và Mĩ, Sông Đông êm đềm được xuất bản nhưng

với bản thảo bị cắt xén và xuyên tạc nội dung…"[324, 90]…

Trong bài viết: Thế giới của Sôlôkhôp và thế giới của chúng ta đăng trên số 4 tạp chí Вопросы литературы (1975), Гура В đã chỉ rõ: "Các tác phẩm của ông càng

được thử thách qua thời gian thì những cách tân của ông càng được khảng định chắcchắn Từ đây có thể kết luận về tác động và sự ảnh hưởng của Sôlôkhôp đối với nềnvăn hoá nghệ thuật đương đại" [324, 70] Có thể nói, nghiên cứu tiếp nhận M.Sôlôkhôp là một trong những đề tài được văn học thế giới quan tâm, tiếp cậntheo nhiều hướng khác nhau

Viết về ảnh hưởng của M Sôlôkhôp ở Việt Nam, chúng tôi đặc biệt chú ý tới 4

công trình của Tô Hoài, Thế Lữ và Phạm Gia Lâm đã được in ở Nga Trong bài Mãi mãi trong lòng chúng tôi (1975), Tô Hoài chỉ rõ "tháng 8 - 1945, tại Hà Nội… Sông Đông êm đềm là tác phẩm đầu tiên của nền văn học Xô Viết được xuất bản công khai

trong báo chí cách mạng Độc giả Việt Nam đã làm quen với nó và từ đó đến nay nósống mãi trong lòng chúng tôi…" [328, 25] Nhận định về mức độ ảnh hưởng của M

Sôlôkhôp đến bạn đọc Việt Nam, Tô Hoài viết: "Sông Đông êm đềm và Đất vỡ hoang

đã có sự ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành thế giới quan cách mạng của chúngtôi,

Trang 26

góp phần tôi luyện tính cách của chúng tôi… sáng tác của người hoạ sĩ - người cộng sản Sôlôkhôp là một tấm gương sáng cho các thế hệ nhà văn Việt Nam…" [328, 27].

Trong bài Sáng tác của ông theo bước chúng tôi vào những trận đấu (1975),

Thế Lữ nhắc tới M Sôlôkhôp như "người bạn chiến đấu thân thiết của nhân dân Việt

Nam" Kỷ niệm về quyển Đất vỡ hoang bằng tiếng Pháp đến với một bộ phận văn nghệ

sĩ Việt Nam những năm 1930 vẫn còn như mới: "chúng tôi cùng nhau đọc nó, nó gieocho chúng tôi sự lạc quan, sự tự hào, nó mở ra cho chúng tôi con đường đấu tranh…"[329, 28]

Ảnh hưởng từ sáng tác của M Sôlôkhôp đối với văn học Việt Nam được nhà

nghiên cứu Phạm Gia Lâm phân tích trong bài: Ảnh hưởng sáng tác của M Sôlôkhôp đối với các nhà văn Việt Nam (1987) ở tạp chí khoa học đại học Kharkov Ông cho

rằng: "Ảnh hưởng văn tài của Sôlôkhôp đối với các nhà văn Việt Nam biểu hiện sáng

rõ hơn cả qua quá trình phát triển sáng tác của Nguyễn Minh Châu" Ông giải thích:

"Vấn đề ở đây không phải là sự vay mượn trực tiếp Một số điểm tương đồng về tiếntrình cốt truyện hoàn toàn có thể được cắt nghĩa vởi những quy luật trong đời sốngcon người, bởi logic của các sự kiện và tính chất của cuộc chiến tranh được đề cập Đốivới các nhà văn Việt Nam, có sức hấp dẫn nhất là niềm tin vào lý tưởng và tinh thầnyêu nước được thể hiện đặc biệt là trong tác phẩm của Sôlôkhôp viết về cuộc Chiến

tranh Vệ quốc vĩ đại" [330, 18] Nếu “Dấu chân người lính gần gũi về mặt đề tài với tiểu thuyết Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc của Sôlôkhôp thì về mặt nhân vật, số phận các nhân vật trong Miền cháy cũng giống như chuyện đời nhân vật trong Số phận con người".

Hai chủ đề lớn nhất mà văn học Việt Nam tiếp nhận từ văn học Xô Viết được

nhà nghiên cứu Phạm Gia Lâm soi sáng qua luận án PTS: Chủ đề Tổ quốc và chủ nghĩa yêu nước trong văn học Xô viết và văn học Việt Nam (Trên tư liệu văn xuôi chiến tranh của M Sôlôkhôp và Nguyễn Minh Châu và Nguyên Ngọc) năm 1988 tại Đại học Tổng

hợp, Moskva Tác giả luận án nhận thấy rõ: "trong nghiên cứu phê bình văn học XôViết người ta đã quan tâm nghiên cứu ảnh hưởng sáng tác của M Sôlôkhôp đến tiếntrình phát triển của văn học thế giới cũng như đến vấn đề liên quan đến việc nhàvăn soi chiếu kinh nghiệm tinh thần mà nhân dân Xô Viết tích luỹ được trong thời kìChiến tranh Vệ quốc vĩ đại… Tuy nhiên, ở Việt Nam số phận những sáng tác của ôngchưa

Trang 27

thực sự được nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu…" [331, 1] Vì vậy, việc nghiên cứucác vấn đề liên quan đến việc chứng minh vai trò, sự ảnh hưởng của những sángtác của M Sôlôkhôp với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở Việt Nam là một mảngnghiên cứu mang tính cấp thiết còn bởi kinh nghiệm nghệ thuật của Sôlôkhôp sẽ giúpcác nhà văn Việt Nam “tạo nên những tác phẩm lớn, phản ánh đầy đủ cuộc đấu tranh

vĩ đại của nhân dân ta, đặc biệt là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước…” [331, 2]

Nhận xét về sự tiếp nhận sáng tác của M Sôlôkhôp ở nước ta, tác giả Phạm GiaLâm chỉ rõ: "mặc dù có một số khó khăn mà số phận của những tác phẩm củaSolokhop gặp phải nhưng việc xuất bản chúng nhiều lần với số lượng lớn đã khẳngđịnh độc giả Việt Nam rất quan tâm đến sáng tác của ông" Ông nhấn mạnh: "Đánh giátác phẩm của các bậc thầy văn xuôi Việt Nam hiện đại từ góc độ kinh nghiệm củaSôlôkhôp" và tạm xác định hai khuynh hướng phong cách đặc trưng cho các thể loạitiểu thuyết và truyện ngắn "Thuộc khuynh hướng sử thi - trữ tình có các tác phẩmcủa Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng (Trần Hiếu Minh), Thuộc khuynhhướng tâm lý - trữ tình có các tác phẩm cuả Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, TrầnTrọng Oánh…" [331, 3] Từ góc độ kinh nghiệm nghệ thuật của M Sôlôkhôp, tác giảluận án "đi sâu nghiên cứu để làm sáng tỏ một cách toàn diện các tác phẩm văn xuôi

chủ đề chiến tranh của văn học Việt Nam như: “Dấu chân người lính”, “Mảnh trăng cuối rừng”, “Miền cháy” của Nguyễn Minh Châu; “Rừng xà nu”,“Trên mảnh đất Quảng” của Nguyên Ngọc; “Đất trắng” của Nguyễn Trọng Oánh, những bài kí sự, tuỳ

bút của Nguyễn Tuân…" [331, 4] Lí giải bối cảnh sáng tác của các nhà văn Nga - XôViết và Việt Nam, những tác giả có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lớn mạnh nộilực bên trong của văn học Việt Nam qua việc phân tích những hiện tượng tương đồngtrong văn học, tác giả luận án cho rằng: "cách soi chiếu như thế cho phép đưa ra mộthình dung đầy đủ hơn về những tìm tòi của các nhà văn Việt Nam câu trả lời cho vấn

đề “con người trong chiến tranh” là như thế nào?" [331,5] Những nhận định, đánhgiá, cách kiến giải ảnh hưởng của M Sôlôkhôp với văn học Việt Nam của nhà nghiêncứu Phạm Gia Lâm là những tư liệu rất quí giá đối với người viết luận án

Trang 28

Tiểu kết

Tiếp nhận văn học là chiếc cầu nối giữa các dân tộc trên thế giới, là phươngtiện để những giá trị văn hoá lan toả vượt không gian và thời gian Ở nước ta, xuhướng nghiên cứu tiếp nhận, ảnh hưởng của một nền văn học hay tác giả văn học đãxuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX Việc nghiên cứu tiếp nhận, ảnh hưởngcủa văn học Xô Viết ở Việt Nam cũng đã có một độ dày đáng kể trên cơ sở là mối quan

hệ lịch sử đặc biệt giữa hai dân tộc Ngoài ý nghĩa tổng kết quá trình du nhập và ảnhhưởng của một nền văn học tiên tiến, tiếp nhận văn học Xô Viết còn là hoạt động thúcđẩy, củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa hai đất nước, hai nền văn học có nhiều điểmtương đồng

M Sôlôkhôp là một trong những tác giả Xô Viết đến sớm và để lại nhiều ấntượng tốt đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam Gần 70 năm qua, M Sôlôkhôp được tiếpnhận trên nhiều bình diện: dịch thuật xuất bản, nghiên cứu phê bình, giảng dạy… Sựtiếp nhận ấy đã để dấu ấn đậm nét trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam,

có ảnh hưởng đối với quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam thế kỉ XX

Qua tìm hiểu, khảo sát, tổng hợp những tài liệu có liên quan đến đề tài,bước đầu chúng tôi nhận thấy: M Sôlôkhôp có ảnh hưởng đặc biệt đến đời sống vănhọc Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 và sau 1975 Sang thế kỉ XXI, sáng tác của M.Sôlôkhôp vẫn không ngừng được quan tâm và tiếp tục khám phá các giá trị văn hoá,nghệ thuật Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cáchđầy đủ và hệ thống về diễn trình tiếp nhận M Sôlôkhôp ở Việt Nam ở cả ba phươngdiện: dịch thuật - xuất bản, nghiên cứu phê bình, ảnh hưởng sáng tác và giảng dạytrong nhà trường Vì vậy, có thể nói, đề tài luận án của chúng tôi không trùng với mộtcông trình nghiên cứu nào khác ở trong nước và nước ngoài Hi vọng, luận án sẽ gópmột tiếng nói khái quát lịch sử tiếp nhận M Sôlôkhôp, "phục dựng" tầm đón nhận củacác thế hệ độc giả Việt Nam với một nhà văn lớn, một cây bút xuất sắc của văn học thếgiới

Trang 29

CHƯƠNG 2 TIẾP NHẬN M SÔLÔKHÔP QUA DỊCH THUẬT VÀ XUẤT BẢN Ở VIỆT NAM

Trong quá trình phát triển của các nền văn học trên thế giới, bên cạnh văn họcdân tộc, “văn học dịch” là bộ phận không thể thiếu Thông qua các tác phẩm dịch, cácnền văn học có thể xâm nhập vào đời sống tinh thần dân tộc và có những ảnh hưởngnhất định đến nhau Dịch thuật và xuất bản, có thể nói đó là những nhịp cầu đầu tiêntrong giao lưu, giao thoa văn học và văn hóa

2.1 Cầu nối tiếp nhận: dịch thuật và xuất bản

Trong lý thuyết tiếp nhận văn học, dịch thuật là phần phụ trợ đắc lực của quátrình tiếp nhận Nhà lí luận Phêđôrôp người Nga cho rằng: "Dịch là phương tiện củamột ngôn ngữ này để diễn đạt một cách chính xác và đầy đủ bằng những phương tiệncủa một ngôn ngữ khác trong một thể thống nhất chặt chẽ giữa nội dung và hình

thức" [130, 230] Theo Từ điển thuật ngữ văn học, dịch thuật văn học là "một dạng

thức sáng tác văn học đảm nhiệm chức năng chuyển tác phẩm viết bằng một ngônngữ này sang một ngôn ngữ khác… nhằm thể hiện lại diện mạo hình tượng đời sống ởtác phẩm được dịch thuật…" [246, 92] Như vậy, dịch thuật không đơn giản là sựchuyển đổi hình thức ngôn ngữ tác phẩm, quan trọng hơn, nó còn là sự chuyển tải giátrị nghệ thuật ngôn từ và tư tưởng tác phẩm được tiếp nhận

Việc chọn lựa tác phẩm dịch, chất lượng các bản dịch và sức sống của nó phảnánh nhu cầu, trình độ, thị hiếu thẩm mĩ của độc giả ở mỗi quốc gia trong những giai

đoạn cụ thể Trong tiếp nhận văn học, mối quan hệ: tác giả nguyên tác dịch giả bản dịch - độc giả là tương tác và đối thoại Trong đó, dịch giả vừa là độc giả, vừa là

-người sáng tạo Để có bản dịch hoàn chỉnh, đảm bảo giữ được những giá trị nội dung,nghệ thuật của nguyên tác, phải làm thoả mãn tâm lí của độc giả nước mình, dịch giả

cần có đủ kiến thức về hệ ngôn ngữ và bối cảnh văn hoá Dịch thuật trước hết là giải

mã ngôn ngữ, vì vậy, dịch giả phải là người thông thạo ngôn ngữ của văn bản nguồn vàvăn bản đích Trong đó, việc trang bị vốn từ phong phú và sự hiểu biết sâu sắc ngônngữ mẹ đẻ là yếu tố quan trọng giúp dịch giả có bản dịch thành công, phù hợp với tầmđón nhận của độc giả nước mình Ngoài ra, những kiến thức về bối cảnh văn hoá, xãhội, tôn giáo, thẩm mĩ… của quê hương tác phẩm được sinh ra cũng là cơ sở để dịchgiả hiểu tường tận về nguyên tác và có những sáng tạo phù hợp trong bản dịch

Trang 30

Việc chọn văn bản để dịch và chọn cách dịch phụ thuộc vào tầm đón nhận củađộc giả và sự biến đổi của lịch sử thời đại Thông thường, độc giả của nguyên tác vàđộc giả của bản dịch thuộc các thời đại, văn hóa, xã hội khác nhau Vì vậy, dịch giả làngười phải tìm các phương pháp điều chỉnh, bổ sung để có bản dịch tốt nhất phục

vụ độc giả

Trong quá trình phát triển của các nền văn học trên thế giới, bên cạnh văn họcdân tộc, "văn học dịch" là bộ phận không thể thiếu Phan Ngọc nhận xét "một điều cóthể khẳng định rõ ràng không một nền văn học dân tộc nào có thể phát triển, thậmchí có thể hình thành mà không có sự giao lưu, sự tiếp thu ảnh hưởng, sự tác độngqua lại dưới dạng này hay dạng khác, ở qui mô này hay qui mô khác với các nền vănhọc, với các thành tựu văn học thế giới" [173, 185] Thông qua các tác phẩm dịch, cácnền văn học có thể xâm nhập vào đời sống tinh thần và có những ảnh hưởng nhấtđịnh đến nhau Đặc biệt là những dân tộc có nhiều nét tương đồng về văn hoá, lịch sửđấu tranh giành độc lập dân tộc

Ở Việt Nam, tác động của văn học dịch đối với văn học dân tộc là không thểphủ nhận Từ lâu, các tác phẩm xuất sắc của văn học Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ,Nhật Bản… và các nước Tây Âu như Pháp, Anh, Mĩ… đã được du nhập và có những ảnhhưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền văn học nước nhà Từ những năm 30 củathế kỉ XX, văn học Nga - Xô Viết bắt đầu xuất hiện ở nước ta

Theo hồi ức của nhà văn Như Phong, trong thời kì Mặt trận Dân chủ (1936

-1939), đã có một số tác phẩm nổi tiếng như: Người mẹ của M Gorki, Misa của B Pôlêvôi, Khoa học căm thù của M Sôlôkhôp, Tỉnh uỷ bí mật của Phêđôrôp được dịch

ra tiếng Việt Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, tác phẩm văn học Nga - Xô Viếtđược dịch sang tiếng Việt nhiều hơn và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu

của độc giả nước ta Năm 1967, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã đưa ra con số: "hơn 300

tác phẩm của các nhà văn Liên Xô và cổ điển Nga đã được dịch và xuất bản tại nướcViệt Nam dân chủ cộng hoà" [257, 92] Mười năm sau thống nhất đất nước, nhà thơChính Hữu đã đưa ra con số ấn tượng "đến giữa những năm 1985, Việt Nam đã dịch

và xuất bản 739 tác phẩm văn học cổ điển Nga và Liên Xô" [257, 93] Đến 1989, dịch

giả Thuý Toàn đã tổng kết: "Chỉ trong vòng 40 năm, từ khi Nhà xuất bản Văn học đi vàothực hiện kế hoạch xuất bản có quy củ… đã có hàng trăm tên sách của tác giả Nga, XôViết ra đời, nhiều tác phẩm được tái bản, mỗi lần tái bản đều được sửa chữa, bổ sung,thậm chí được dịch lại một bản mới" [277, 130] Những con số biết nói phần nàotái hiện

Trang 31

hành trình dịch thuật - xuất bản văn học Nga - Xô Viết ở Việt Nam Những năm cuốicủa thế kỉ XX, từ sau "nốt trầm" 1991 của chính quyền Liên Xô, ở nước ta, văn học Nga

vẫn có một bộ phận độc giả nhất định Ứng dụng lí thuyết Mĩ học tiếp nhận, chúng tôi

sẽ triển khai nghiên cứu sự tiếp nhận M Sôlôkhôp từ phương diện dịch thuật và xuấtbản để "phục dựng" tầm đón nhận của độc giả Việt Nam qua các thời kì lịch sử cụ thể

2.2 Tình hình dịch thuật và xuất bản tác phẩm của M Sôlôkhôp ở Việt Nam

Theo trí nhớ của các nhà văn Tô Hoài, Như Phong, Thế Lữ, những năm 30 của

thế kỉ XX, giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã được tiếp cận tác phẩm Đất vỡ hoang của M.

Sôlôkhôp qua bản dịch tiếng Pháp Sau cách mạng tháng Tám 1945, những biến đổicủa đời sống chính trị - xã hội và sự vận động của nhu cầu thị hiếu công chúng độc giả,việc dịch thuật và xuất bản các sáng tác của Sôlôkhôp trở thành sự lựa chọn tất yếu

Căn cứ vào số liệu thu thập được từ việc dịch thuật và xuất bản các tácphẩm của M Sôlôkhôp ở Việt Nam trong gần 70 năm qua, chúng tôi đưa bảng thống

kê để có cái nhìn toàn cảnh về hoạt động tiếp nhận đặc biệt này

Bảng 2.2: Thống kê các tác phẩm của M Sôlôkhôp đã dịch và xuất bản ở Việt Nam

(từ 1946 đến 2012)

thuyết

Truyện ngắn

Tham luận, Thơ

Trang 32

Có thể phác họa tình hình dịch thuật - xuất bản tác phẩm của M Sôlôkhôp trong bagiai đoạn qua biểu đồ:

35

30

truyệnngắn25

20 Tham

luận,thơ15

Số lần

10 xuất bản

đầu0

Trước năm 1954 Từ 1954-1975 Sau 1975

Biểu đồ tóm tắt tác phẩm của M Sôlôkhôp đã dịch và xuất bản từ 1946 - 2012

Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy, vấn đề chọn dịch tác phẩm ở mỗi giai đoạn cónhững đặc điểm riêng biệt Nó phản ánh sự thay đổi tầm đón nhận M Sôlôkhôpcủa các thế hệ độc giả Việt Nam Chúng tôi sẽ đi vào từng giai đoạn cụ thể để lí giảinhững hiện tượng tiếp nhận M Sôlôkhôp trong 2/3 thế kỷ qua

2.2.1 Giai đoạn trước 1954

40 năm đầu thế kỉ XX, nhất là sau cách mạng tháng Tám 1945, văn học ViệtNam có những thay đổi tích cực trước sự bùng nổ của văn học dịch

M Sôlôkhôp là một trong những nhà văn Xô Viết đầu tiên đến với bộ phận độc giả trí thức Việt Nam từ những năm 30 của thế kỉ XX Tuy nhiên, thời điểm tác phẩm

Trang 33

đầu tiên của M Sôlôkhôp được dịch ra tiếng Việt là dấu mốc mở đầu cho quá trình tiếp nhận tác phẩm của M Sôlôkhôp với đông đảo độc giả Việt Nam.

2.2.1.1 Tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" - tác phẩm đầu tiên được dịch ra tiếng

Việt từ bản tiếng Pháp

Nhà văn Tô Hoài hồi tưởng: "ngay từ tháng Tám 1945, ở Hà Nội trên

báo Cứu quốc… đã in tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, mỗi ngày một kỳ…" [109, 3] Chúng tôi tìm đọc báo Cứu quốc để xác minh thông tin trên Thật may mắn, số báo 231 ra ngày 4 tháng 5 năm 1946 ở

trang 3 xuất hiện dòng tít lớn "Trường thiên Tiểu thuyết của báoCứu quốc", tên tác phẩm dịch

"Trên Sông Đông êm đềm", người viết: Michel Cholokhov và người

dịch:

Hồng Hà

Như vậy, tác phẩm đầu tiên của M Sôlôkhôp được dịch từ bản tiếng Pháp sang

tiếng Việt là tiểu thuyết Sông Đông êm đềm Sự xuất hiện của tác phẩm này trên một

tờ báo nổi tiếng của Việt Nam thời bấy giờ đánh dấu sự có mặt của M Sôlôkhôp ởmột đất nước có bề dày đấu tranh Mỗi ngày một số, độc giả Việt Nam dần dần đượclàm quen với tác phẩm đã được cả thế giới ngưỡng mộ Đáng tiếc "món ăn tinh thần"

hàng ngày này chỉ được duy trì trong gần 4 tháng Trong số báo 362 ra ngày 1 10

-1946, cũng tại trang 3 quen thuộc, dịch giả Hồng Hà đã nói lời tạm biệt: "Báo Cứu

quốc muốn hiến độc giả một truyện dài, chúng tôi liền chọn bộ tiểu thuyết Trên Sông Đông êm đềm của M Cholokhov… đó là một bộ tiểu thuyết vĩ đại… và vô cùng đồ sộ.

Theo bản dịch Pháp văn của Payot xuất bản phải in tới 3 cuốn lớn, dày mỗi cuốn trêndưới

500 trang… với các chỗ nhỏ hẹp mà báo Cứu quốc dành cho truyện dài thì ít ra phảiđến mấy năm mới xong Bởi vậy tới kỳ này đã hết phần thứ 3, quyển 1 chúng tôi xindừng ở đây… xin hẹn bao giờ có đủ điều kiện sẽ dịch tiếp và xuất bản nó…"

Để xác nhận lời giới thiệu của Hồng Hà "đã dịch hết phần 3 quyển 1", chúng tôi

tìm đến nguyên bản tiếng Nga và phát hiện những dòng cuối cùng của bản dịch Trên Sông Đông êm đềm chính là phần kết thúc của chương 21 phần 2 quyển 1 “Тихий Дон” Như vậy, trong 130 số của báo Cứu quốc (213 - 361) kéo dài gần 4 tháng (từ 4 -

Trang 34

5 - 1946 đến 30 - 9 - 1946), tiểu thuyết Sông Đông êm đềm lần đầu tiên được giới

thiệu ở Việt Nam với bản dịch chưa hoàn chỉnh

Trang 35

2.2.1.2 "Khoa học căm thù" - truyện ngắn đầu tiên được dịch từ bản tiếng Anh

Trong trí nhớ của nhà văn Tô Hoài, ngoài Sông Đông êm đềm, "… năm 1945, ở

Hà Nội đã dịch và in truyện Căm thù của M Sôlôkhôp" [109, 3] Nhà nghiên cứu Thuý Toàn viết "Cũng khoảng ấy, nhà xuất bản Hiên Nam đã cho ra đời tác phẩm Căm thù của Sôlôkhôp do Học Phi dịch" [273, 70] Huy Liên bổ sung: "Khoa học căm thù là

nhan đề một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Sôlôkhôp thời kì đó…, thiên truyện này

đã được dịch và xuất bản dưới dạng một cuốn sách nhỏ" [144, 105]…

Sau này, chính nhà văn, nhà viết kịch Học Phi kể lại: sau chuyến đi công tácnước ngoài trở về, đồng chí Trường Chinh đã yêu cầu ông dịch cuốn sách của M.Sôlôkhôp bằng tiếng Anh Trước nhiệm vụ khẩn cấp, ông đã dịch nhanh để nhà xuất

bản Hiên Nam phát hành ngay trong năm 1946 dưới nhan đề Căm thù Được một lãnh đạo cấp cao của nhà nước trực tiếp đem từ nước ngoài về, Khoa học căm thù đã trở

thành một trong những tác phẩm văn học Xô Viết có ý nghĩa quan trọng đối với độc giảViệt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp, có ảnh hưởng lớn đến đời sống

tinh thần của các chiến sĩ Tiếc rằng, bản dịch lịch sử này đến nay không còn được lưu

giữ

Như vậy, trước 1954, cụ thể là trong năm 1946, đã có hai tác phẩm của M

Sôlôkhôp là Sông Đông êm đềm và Khoa học căm thù được dịch và giới thiệu ở Việt Nam Mặc dù chỉ mới được tiếp nhận gián tiếp qua bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng các dịch giả đã thể hiện sự chủ động chuyển tải nội dung, nghệ thuật và tinh thần tác phẩm gốc Độc giả Việt Nam được làm quen với một nhà văn lỗi lạc, hiểu rõ

hơn về đất nước và con người Xô Viết Rất tiếc, ngay trong khi báo Cứu quốc đang

giới thiệu Sông Đông êm đềm thì nhân dân miền Bắc lại phải tiến hành cuộc chiến

tranh chống thực dân Pháp Đó là nguyên nhân dẫn đến việc dịch thuật và xuất bảntác phẩm của M Sôlôkhôp tạm ngưng trong 10 năm (1947 - 1956) Con số 2 dịchphẩm của M Sôlôkhôp thời kì này là dấu ấn cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa nhà vănvới độc giả Việt Nam

2.2.2 Giai đoạn 1954 - 1975

Sau hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc Sự đối lập về thể chế chính trị, xã hội tạo nên sự tiếp nhận văn học không đồngnhất, đặc biệt là trong tiếp nhận tác phẩm văn học nước ngoài Việc dịch và xuấtbản

Trang 36

-các tác phẩm văn học Xô Viết nói chung và tác phẩm của M Sôlôkhôp nói riêng được quy định bởi thành phần độc giả, hệ tư tưởng của từng miền.

2.2.2.1 Sáng tác của M Sôlôkhôp được dịch nhiều nhất ở miền Bắc những năm

1957 - 1964

Hiệp định Hợp tác hữu nghị Văn hoá Việt - Xô được kí kết năm 1957 mở ra thời

kỳ mới cho giao lưu hai nước trên nhiều mặt: chính trị - kinh tế - văn hoá, xã hội Mọirào cản trước đây dần bị đẩy lùi, một khối lượng lớn sách báo, tài liệu tiếng Nga đãđến Việt Nam Trong hoàn cảnh đó, rất nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu của Liên Xôđược dịch và giới thiệu với độc giả miền Bắc, trong đó có các sáng tác của M.Sôlôkhôp

Năm 1957, bản dịch truyện ngắn "Số phận con người" đánh dấu sự trở lại của

M Sôlôkhôp sau thời gian gián đoạn (từ 1947 đến 1956) Chiến thắng Điện Biên Phủ và

hiệp nghị Giơnevơ được kí kết đã tạo điều kiện để các tác phẩm văn học Xô Viết được

dịch trở lại Đáng chú ý là bản dịch Số phận một con người của Nguyễn Thụy Ứng trên số

8, tạp chí Văn nghệ Quân đội Đây là một tuyệt tác với số trang cực ngắn nhưng bao

chứa sức khái quát sâu sắc về số phận nhân dân qua số phận một con người Vì vậy,ngay sau khi phát hành, truyện ngắn đã được độc giả miền Bắc đón nhận nồng nhiệt

Tập truyện dịch đầu tiên của M Sôlôkhôp - Truyện sông Đông được xuất bản

ngay sau đó - năm 1958, nhằm phục vụ nhucầu thưởng thức của nhiều độc giả Dù chỉ

trích dịch 6 truyện ngắn nhưng tập

truyện dịch của Xuân Thương là những giớithiệu đầu tiên về tâm hồn nhạy cảm và kĩnăng viết

văn sáng tạo của M Sôlôkhôp trong những ngày lập nghiệp Mỗi truyện ngắn là mộtbông hoa trên thảo nguyên mênh mông: nhỏ xinh nhưng tràn đầy sức sống

Tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" có bản dịch hoàn chỉnh đầu tiên từ tiếng Nga Năm 1959, tác phẩm Sông Đông êm đềm (tập 1- 4) do Nguyễn Thụy Ứng dịch đã đem

tới cho độc giả Việt Nam những trải nghiệm và sự hiểu biết tường tận về những khókhăn, xung đột trong cơn bão tố cách mạng và Nội chiến ở nước Nga Con người Việt

Trang 37

Nam như được tiếp thêm sức mạnh của lý tưởng cách mạng, hun đúc thêm tình cảmvà

Trang 38

chí khí đấu tranh cho một cuộc sống mới, tự do Sự "mẫn cảm" đến tinh tế của

Nguyễn Thụy Ứng trong Sông Đông êm đềm qua phiên bản Việt đã đem tới cho độc giả cảm giác gần gũi, thân thương.

Truyện ngắn "Số phận con người" được Mạnh Cầm dịch mới

năm 1959 Xuất hiện dưới nhan đề Số phận con người thay cho Số

phận một con người của Nguyễn Thuỵ Ứng.

Tiểu thuyết "Đất vỡ hoang" lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt Từ những năm

30 của thế kỉ XX, một số trí thức nước ta đã được tiếp cận với tập 1

của tiểu thuyết này qua bản dịch tiếng Pháp, nhưng phải đến

năm

1959, toàn văn tiểu thuyết Đất vỡ hoang mới được nhóm dịch giả:

Trúc Thiên, Văn Hiến, Hoàng Trinh, Đình Tùng… dịch từ bản tiếng

Pháp sang tiếng Việt Độc giả Việt Nam, nhất là những cán bộ trực

tiếp làm công tác hợp tác hoá nông nghiệp, đã đón nhận tác

phẩm

này như một cuốn sách giáo khoa Họ tìm thấy những bài học bổ ích cho công tác của

mình Đất vỡ hoang trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều các bộ quản lí ở các

Vào đầu những năm 1960, lĩnh vực dịch thuật - xuất bản văn học nước ngoàiđược đẩy mạnh cả về quy mô lẫn tốc độ Chỉ trong thời gian rất ngắn, độc giả ViệtNam đã được biết tới hầu hết các tác giả và tác phẩm tiêu biểu của văn học Nga - Xô

Viết Cùng với Anna Karênina, Chiến tranh và Hoà Bình của L Tônxtôi… những bản dịch Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm, Số phận con người của M Sôlôkhôp được độc

Trang 39

giả Việt Nam đón nhận nhiệt tình Trong vòng 4 năm (1959 - 1962), nhà xuất bản Văn

hóa đã xuất bản liên tiếp 7 lần các tác phẩm Sông Đông êm đềm (tập 5-8), Số phận con người (Tái bản lần 2), Đất vỡ hoang (tập 2, 3, 4).

Ngoài nhà xuất bản Văn hoá, các tác phẩm của M Sôlôkhôp còn có sức hút lớn

với nhiều nhà xuất bản khác Năm 1961, Số phận con người (Mạnh Cầm) được nhà

xuất bản Phổ Thông tái bản và đạt đỉnh cao về số lượng in ấn - 20.150 cuốn Ngay năm

sau, 1962, khi "cơn khát Đất vỡ hoang" được đẩy lên đỉnh điểm, nhà xuất bản này đã

chọn những trích đoạn hay nhất của tiểu thuyết để tập hợp thành ba tập sách

mỏng nhằm hỗ trợ số lượng lớn độc giả không được đọc toàn bộ 4 tập Đất vỡ hoang.

Hai tác phẩm Khoa học căm thù (1960) và Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc (1963)

do Nguyễn Thụy Ứng dịch từ nguyên tác tiếng Nga được nhà xuất bản Quân đội nhândân phát hành đã tạo được làn sóng dư luận rất tốt

Những truyện ngắn "Con trai người Hồng quân" (Giang Hồng Triều dịch năm 1962) và "Con đường" (Nguyễn Thụy Ứng dịch năm 1964) được nhà xuất bản Kim

Đồng chọn đưa vào tủ sách cho thiếu niên, nhi đồng Tình yêu quê hương đất nước,những ước mơ cao đẹp từ những tác phẩm của M Sôlôkhôp đã góp phần bồi dưỡngnhân cách, đạo đức của nhiều thế hệ người Việt Nam ngay từ thời niên thiếu

Các sáng tác của M Sôlôkhôp cũng được các tạp chí Văn nghệ Quân đội (từ những năm 1957, 1959), tạp chí Văn nghệ (1958, 1960, 1962) và báo Văn học (tiền

thân của báo Văn nghệ) đăng tải Trong hai năm 1960 - 1961, độc giả miền Bắc ViệtNam còn được biết đến quan điểm, tư tưởng của M Sôlôkhôp về nghệ thuật, về chủnghĩa Cộng sản qua tham luận của nhà văn tại lễ nhận giải thuởng Lênin (Nguyễn Thụy

Ứng dịch) đăng trên số 109, báo Văn học và tham luận của ông tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 22 trên báo Văn học số 171, 176 (Việt Lương, Hoài Lam dịch) Năm

1962, số 211, báo Văn học còn đăng truyện ngắn Ilưukha do Huyền Kiêu dịch từ tiếng

Trang 40

năng nghệ thuật của ông phù hợp với nhiều lứa tuổi và các tầng lớp khác nhau trong

xã hội Độc giả say mê, đắm đuối lạc vào thế giới nhân vật phong phú đa dạng, thế giớithiên nhiên lung linh sắc màu, những sự kiện lịch sử sôi động của nước Nga được táihiện chân thực và sinh động qua các tác phẩm của nhà văn Từ 1965 - 1975, miền Bắcnước ta bước vào một giai đoạn lịch sử mới, vừa chống Mỹ để bảo vệ thành quả Cáchmạng, vừa là hậu phương vững chắc tiếp viện cho miền Nam Do vậy, trong khoảngthời gian 10 năm này, việc tiếp nhận các tác phẩm của M Sôlôkhôp dường như chữnglại, toàn lực lượng xã hội dành cho nhiệm vụ hàng đầu là chống Mĩ cứu nước

2.2.2.2 Sáng tác của M Sôlôkhôp được dịch muộn mằn ở miền Nam những năm

1963 - 1967

So với văn học Trung Quốc và văn học Tây Âu, văn học Nga - Xô Viết đến với độcgiả miền Nam muộn mằn hơn, nhưng cũng có một vị trí nhất định Năm 1976,

trong cuốn Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954 - 1975, Trần Trọng

Đăng Đàn đã thống kê ở 4 thư viện và 8 tạp chí lớn ở Sài Gòn: văn học Pháp - 499cuốn, văn học Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông) - 399 cuốn, văn học

Mỹ - 273 cuốn, văn học Nga - Xô Viết - 120 cuốn, văn học Anh - 97 cuốn, văn họcNhật - 71 cuốn, văn học Đức - 57 cuốn… Như vậy, số lượng sách dịch văn học Nga - XôViết chiếm một tỉ lệ đáng kể trong văn học dịch ở miền Nam Các tác giả Nga - Xô Viếtđược giới thiệu ở miền Nam phong phú và đa dạng: từ các nhà văn cổ điển như A.Puskin, L Tônxtôi, P Đôtxtôiepxki, A Sêkhôp đến các nhà văn hiện đại như M.Gorki, B Paxternac và M Sôlôkhôp… Tuy nhiên, ở Sài Gòn lúc này chưa có chuyên giavăn học Nga, cũng rất ít người biết tiếng Nga, vì vậy, các tác phẩm Nga - Xô Viết phầnlớn được dịch lại từ bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp Văn học Nga - Xô Viết đến với đôthị miền Nam muộn mằn và chưa đủ để tạo thành bức tranh toàn diện, nhưng M

Sôlôkhôp lại là một trong những tác giả được chú ý ở miền Nam.

"Đất vỡ hoang" là tiểu thuyết duy nhất được dịch ở miền Nam Từ bản tiếng

Pháp "Terres Defrichee", Võ Lang đã dịch ra

tiếng Việt và lấy nhan đề là Vỡ đất hoang (1963 - 1964) Với lời giới thiệu, Đất vỡ hoang là "Sự kháng địa và sự toàn thắng của

Ngày đăng: 20/02/2019, 11:48

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
2. Vũ Quốc Anh (1996), "Văn học nước ngoài trong chương trình môn Văn trường trung học phổ thông", Tạp chí Văn học nước ngoài, (1) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học nước ngoài trong chương trình môn Văntrường trung học phổ thông
Tác giả: Vũ Quốc Anh
Năm: 1996
3. Lê Tuấn Anh (2005), "Nét bút đặc sắc của ngòi bút Sôlôkhôp trong các đoạn tả thiên nhiên thể hiện nội tâm các nhân vật chính trong tiểu thuyết Sông Đông êm đềm", Cuộc đời và trang viết, Nxb Văn học, tr. 137 - 146 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nét bút đặc sắc của ngòi bút Sôlôkhôp trong các đoạn tảthiên nhiên thể hiện nội tâm các nhân vật chính trong tiểu thuyết Sông Đôngêm đềm
Tác giả: Lê Tuấn Anh
Nhà XB: Nxb Văn học
Năm: 2005
4. Đào Tuấn Ảnh (2002), "Lịch sử Văn học Nga - từ một số vấn đề phương pháp luận và lí luận đến thực tế", Tạp chí Văn học, (4), tr. 33 - 41 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lịch sử Văn học Nga - từ một số vấn đề phương pháp luậnvà lí luận đến thực tế
Tác giả: Đào Tuấn Ảnh
Năm: 2002
5. Đào Tuấn Ảnh (2011), Quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Nga - Xô Viết thế kỉ XX - Đề tài cấp Bộ Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Nga - Xô Viếtthế kỉ XX
Tác giả: Đào Tuấn Ảnh
Năm: 2011
6. Đào Tuấn Ảnh (2012), "Tiếp nhận văn học Nga - Xô viết ở Việt nam qua trường hợp A. Solzenitsyn", Hội thảo Tiếp nhận văn học nghệ thuật ở Việt Nam thời kỳ hội nhập, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội, tr.123 - 131 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiếp nhận văn học Nga - Xô viết ở Việt nam qua trườnghợp A. Solzenitsyn
Tác giả: Đào Tuấn Ảnh
Năm: 2012
7. Nguyễn Sĩ Bá (1995), "Số phận con người", 20 bài giảng văn chọn tuyển 12, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.114 - 118 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Số phận con người
Tác giả: Nguyễn Sĩ Bá
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1995
8. Lê Huy Bắc (2008), "Bảng thống kê văn bản văn học nước ngoài được tuyển dạy trong nhà trường phổ thông Việt Nam", Từ điển văn học trong nhà trường, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.519 - 522 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bảng thống kê văn bản văn học nước ngoài được tuyểndạy trong nhà trường phổ thông Việt Nam
Tác giả: Lê Huy Bắc
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2008
9. Lê Huy Bắc (2008), "Số phận con người - M. Sôlôkhôp", Chuyên đề dạy - học Ngữ văn 12, Nxb Giáo dục, thành phố Đà Nẵng Sách, tạp chí
Tiêu đề: Số phận con người - M. Sôlôkhôp
Tác giả: Lê Huy Bắc
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2008
10. Lê Huy Bắc (2009), "Sôlôkhôp", "Số phận con người", "Sông Đông êm đềm", Từ điển Văn học nước ngoài, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr. 807 - 809; 819 - 821;821 - 832 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sôlôkhôp, Số phận con người, Sông Đông êm đềm
Tác giả: Lê Huy Bắc
Nhà XB: Nxb Giáo dục Việt Nam
Năm: 2009
11. Bakhtin M. (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết
Tác giả: Bakhtin M
Năm: 1992
12. Vũ Kim Bảng (2008), "Số phận con người", Đọc - hiểu và vận dụng Ngữ văn 12 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Số phận con người
Tác giả: Vũ Kim Bảng
Năm: 2008
13. Báo Văn nghệ (2000), "Ngọn lửa Sôlôkhôp", Đức Thuần lược dịch từ báo"Nước Nga Xô Viết số 59.2000, (28), tr. 11 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngọn lửa Sôlôkhôp", Đức Thuần lược dịch từ báo
Tác giả: Báo Văn nghệ
Năm: 2000
14. Báo Văn nghệ (2000), "Kết thúc vụ vu cáo văn chương thế kỉ XX", Đức Thuần dịch, (30), tr. 10 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kết thúc vụ vu cáo văn chương thế kỉ XX
Tác giả: Báo Văn nghệ
Năm: 2000
15. Báo Văn nghệ (2002), "Giới thiệu nhà văn đoạt giải Noben 1965 - M. Sôlôkhôp" (24), tr. 14 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giới thiệu nhà văn đoạt giải Noben 1965 - M. Sôlôkhôp
Tác giả: Báo Văn nghệ
Năm: 2002
16. Báo Văn học (1958), "Tác phẩm của Sôlôkhôp ở Balan", (12), tr. 7 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tác phẩm của Sôlôkhôp ở Balan
Tác giả: Báo Văn học
Năm: 1958
17. Báo Văn học (1960), "Sôlôkhôp phát biểu trong lễ nhận giải thưởng Lênin", Nguyễn Thụy Ứng dịch, (109), tr. 3 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sôlôkhôp phát biểu trong lễ nhận giải thưởng Lênin
Tác giả: Báo Văn học
Năm: 1960
18. Báo Văn học (1961), "Hỏi về nhà văn Sôlôkhôp", (127), tr. 11 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Hỏi về nhà văn Sôlôkhôp
Tác giả: Báo Văn học
Năm: 1961
19. Baren X. (1959), "Vai trò của văn học Xô viết trong công cuộc giáo dục người lính", Tạp chí Văn nghệ Quân đội, (4), tr. 56 - 62 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Vai trò của văn học Xô viết trong công cuộc giáo dục ngườilính
Tác giả: Baren X
Năm: 1959
20. Nguyễn Duy Bính (1985), "Lời giới thiệu", Đất vỡ hoang, Nxb M. Cầu vồng, tr.5 - 9 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lời giới thiệu
Tác giả: Nguyễn Duy Bính
Nhà XB: Nxb M. Cầu vồng
Năm: 1985
21. Bonđarép Iu. (1978), "Ba giai đoạn phát triển của các thể văn xuôi viết về chiến tranh", Vương Trí Nhàn chọn dịch, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, (5), tr. 125 - 127 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ba giai đoạn phát triển của các thể văn xuôi viết về chiến tranh
Tác giả: Bonđarép Iu
Năm: 1978

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w