MỞ ĐẦU1. Tính cấp thiết của đề tàiQúa trình toàn cầu hóa đang thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập của các nước vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Có thể nói, hiện nay hầu như không quốc gia nào đứng ngoài quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không muốn tự cô lập mình và rơi vào nguy cơ tụt hậu. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một hoạt động chiếm vị trí ngày càng quan trọng đối với cả nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư. Việc khai thác sử dụng FDI có hiệu quả, đang là mục tiêu hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, nhất là với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam, là trung tâm chính trị, văn hóaxã hội và kinh tế của cả nước. Trong những năm qua lãnh đạo thành phố Hà Nội đã và tiếp tục ban hành nhiều chính sách phát triển thủ đô, trong đó có chính sách thu hút và sử dụng FDI một cách có hiệu quả để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Tính đến hết tháng 92014 có 294 dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, tăng gần 11% so với năm 2013 và số vốn đạt gần 900 triệu USD tăng 8,6% so với năm 2013, đóng góp cho ngân sách đạt trên 12 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng và ước chiếm 12% tổng thu ngân sách toàn thành phố, nhóm DN nước ngoài đang dẫn đầu, chiếm tỷ trọng áp đảo trong xuất khẩu với gần 4 tỷ USD và chiếm trên 48% lượng hàng hóa xuất khẩu của thành phố. Khối DN này cũng là khối duy nhất xuất siêu từ giữa năm 2013 và trong 9 tháng qua xuất siêu đạt 104 triệu USD.Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một kênh thu hút vốn quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. FDI cũng được đánh giá là kênh quan trọng để thu hút công nghệ nguồn từ các nước có nguồn công nghiệp tiên tiến vào Việt Nam nói chung và đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần không nhỏ vào việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất – kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua FDI đã góp phần thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ cao vào Thủ đô Hà Nội, từng bước nâng cao năng lực sản xuất của một số ngành trong nước. Thông qua FDI, trình độ công nghệ sản xuất của Thủ đô đã được nâng cao một cách rõ rệt so với trước đây. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến với trình độ hiện đại của thế giới như: bưu chính – viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường…Đồng thời, nhiều doanh nghiệp của Thủ đô đã đổi mới hoặc nâng cấp các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao của nền kinh tế.Tuy hoạt động chuyển giao công nghệ trong các dự án FDI đã có đóng góp tích cực đối với đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp tại Thủ đô Hà Nội song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế. Hoạt động thu hút FDI vào phát triển công nghệ cao ở Hà Nội hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như : Định hướng thu hút công nghệ cao, công nghệ khuyến khích đầu tư chưa đạt mục tiêu đặt ra; mặc dù công nghệ đưa vào qua kênh này hầu hết có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam một chút, nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực; công tác thẩm định công nghệ chưa được quan tâm đúng mức…Để có thể nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn vốn đầu tư trực tiếp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với hoạt động phát triển công nghệ cao của Hà Nội thì cần có những nghiên cứu để đánh giá đúng thực trạng và đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Với mong muốn góp phần vào việc giải quyết vấn đề có ý nghĩa quan trọng thiết thực và mang tính cấp bách này, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển công nghệ cao ở Hà Nội hiện nay”. Để làm luận văn tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế chính trị của mình.