MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Kể từ năm 2006, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho những chặng đường phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì WTO không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức về mọi mặt từ chính trị, quốc phòng, văn hóa, đến kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang xúc tiến triển khai đưa nước ta hội nhập với Hiệp định TTP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) càng đặt ra những thử thách cao hơn cho Việt Nam trong tương lai. Thêm vào đó, là sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của các phương tiện truyền thông nhờ khả năng kết nối toàn cầu của Internet, đã xóa nhòa dần khoảng cách giữa các khu vực, các quốc gia trên địa cầu, các công ty liên doanh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài… ngày càng một xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam. Sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân nội địa… ngày càng phát triển mạnh, giúp tạo ra các chỉ số phát triển GDP cho Việt Nam ngày một ấn tượng hơn, tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội việc làm cho người lao động Việt, xóa bỏ dần nạn thất nghiệp. Tuy nhiên, trước thực trạng cả thế giới đang chuyển động, mọi ngành nghề trong xã hội đều có xu hướng thay đổi, hiện đại và chuyên nghiệp hơn, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện… đòi hỏi người lao động phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, tìm hiểu sâu về nhóm ngành nghề có dự định theo đuổi trong tương lai, chuẩn bị kĩ lưỡng về trình độ chuyên môn, sức khỏe… mới có thể đáp ứng được. Do đó, hơn bao giờ hết, các hoạt động truyền thông hướng nghiệp cho người lao động ở nước ta hiện nay đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là đối với nhóm học sinh trung học phổ thông (từ lớp 10 – lớp 12) – những người chuẩn bị bước vào cánh cửa cuộc đời. Các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông không chỉ là trách nhiệm và nhiệm vụ của trường học mà còn là công tác chung của tất cả các ban ngành liên quan, trong đó không thể không kể tới báo chí. Báo chí là công cụ sắc bén để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, là nơi để các tầng lớp nhân dân phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, đề xuất những kiến nghị, giải pháp liên quan tới cuộc sống của họ. Mỗi một bài báo viết ra có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm cũng như những hành vi ứng xử của công dân. Vì thế, trách nhiệm xã hội của báo chí trong các hoạt động truyền thông hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông là hết sức nặng nề và rất quan trọng, có tác động không nhỏ tới tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 của thế kỉ XX, Quan hệ công chúng (PR) ngày càng thể hiện rõ sứ mệnh là kênh, công cụ truyền thông hiệu quả, xác định và truyền thông đúng thông điệp của các chiến lược gia định sẵn theo kế hoạch. Mặt khác, trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và các đối tượng công chúng mục tiêu được hướng đến. Do đó, ngày nay PR tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc giúp khối các doanh nghiệp gia tăng hiệu suất kinh doanh mà còn giúp các cơ quan Đảng và Nhà nước truyền thông và giáo dục nhận thức của công dân hiệu quả. Đặc biệt, hiệu quả truyền thông thông điệp của các chiến dịch sẽ hiệu quả hơn khi có sự kết hợp giữa PR và báo chí. Nắm vững được nhiệm vụ và vai trò của mình trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như sức mạnh của PR trong các chiến dịch truyền thông, các cơ quan báo chí Việt Nam đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động truyền thông hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông và đã đạt được những hiệu quả nhất định (cả online và offline). Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, các kế hoạch truyền thông của các cơ quan báo chí Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, các hoạt động truyền thông trong chiến dịch chưa được thực hiện chuyên nghiệp, và đầu tư đúng mức, dẫn tới tình trạng kết quả thu được vẫn còn hạn chế, chưa được như mong đợi. Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông trong thời gian tới, tác giả chọn đề tài “Tổ chức hoạt động truyền thông hướng nghiệp cho học sinh THPT của các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay” làm luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Quan hệ công chúng nhằm nghiên cứu việc ứng dụng PR trong các hoạt động truyền thông hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông của các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay. Đồng thời, thông qua đó, tác giả đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông tại các cơ quan báo chí Việt Nam trong thời gian tới.