LỜI MỞ ĐẦU 1. Lí do nghiên cứu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CDCCKT) mà quan trọng nhất là CDCC ngành kinh tế là một trong những nội dung cốt lõi của chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Nó liên quan đến mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nên đã thu hút được các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế nghiên cứu tìm hiểu nhằm góp phần thực hiện CDCC một cách hợp lí, đạt hiệu quả cao là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phát triển nhanh ổn định, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. vì vậy, CDCC ngành kinh tế không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà nó còn là vấn đề của từng vùng, từng địa phương. Từ sau đổi mới, đặc biệt là trong thời gian gần đây, với những chính sách đúng đắn kịp thời của Đảng và Nhà nước, nhờ đó CCKT của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực đáng kể theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa (CNH-HĐH) tạo điều kiện khai thác các lợi thế, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn. Hà Nội- thủ đô ngàn năm văn hiến có truyền thống lâu đời- là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng khá cao, Hà Nội được kì vọng rằng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế vực dậy sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ…việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008 đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế của thành phố,khi mở rộng kéo theo hàng loạt các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra đều không đạt được như kế hoạch mà nhiệm kì kế hoạch 2006-2010 sắp kết thúc. Đây cũng là thời điểm để chính quyền và nhân dân thành phố nhìn lại những kết quả và những hạn chế, thiếu sót còn vướng mắc trong thời kì kế hoạch vừa qua và có những định hướng mới cho thời gian tới. Do vậy vấn đề cấp thiết đặt ra là phải có một quy hoạch mới và một chiến lược mới cho sự phát triển của Hà Nội mở rộng với tầm nhìn dài hạn và bước đi hợp lí để hội nhập và phát triển, mà trọng tâm của nó là đề ra một định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế thích hợp nhằm khai thác tốt nhất những tiềm năng lợi thế của Thủ đô, hội nhập cùng phát triển với đất nước, và quốc tế. Sau khi mở rộng Hà Nội mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tham mưu cho UBND và HĐNH thành phố xây dựng một bản quy hoạch và chiến lược phát triển KT-XH Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhưng đang trong quá trình chỉnh sửa và tham khảo ý kiến của các ban ngành chức năng như các địa phương, các vụ, các viện nghiên cứu và các bên liên quan, cùng với sự biến động về kinh tế cũng như chính trị trong nước cũng như thế giới đã đặt ra cho Hà Nội những khó khăn cần phải có sự điều chỉnh theo từng giai đoạn cho phù hợp với yêu cầu của thực tế. Đây là vấn đề cấp thiết đang được các cơ quan Trung ương cũng như địa phương quan tâm. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này, trong quá trình thực tập tại Phòng Tổng hợp-Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, em đã có cơ hội tìm hiểu và đi sâu vào nghiên cứu, hoàn thiện chuyên đề tốt nghiệp của mình với đề tài: “Giải pháp thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của thành phố Hà Nội thời kì 2011-2015 theo hướng CNH-HĐH”. Với mong muốn có thể vận dụng được những kiến thức chuyên ngành Kế hoạch đã được học ở trường và qua thời gian tìm hiểu thực tế qua đợt thực tập tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, em có thể đưa ra những ý kiến những nhận xét của bản thân mình nhằm góp một phần nhỏ để nâng cao kết quả của việc thực hiện kế hoạch 5 năm mới của thành phố. 2. Phạm vi nghiên cứu Với phạm vi nghiên cứu là sự biến động của cơ cấu ngành kinh tế của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2006-2010, có kèm theo một số tài liệu và số liệu tham khảo của các năm trước, đặt trong mối liên hệ với cơ cấu ngành kinh tế của cả nước và các địa phương trong vùng để đề xuất những giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Thủ đô giai đoạn 2011-2015. 3. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của chuyên đề là làm rõ cơ sở lí luận và thực tiễn của vấn đề chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và sự cần thiết phải chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế thành phố Hà Nội theo hướng CNH-HĐH, đây là cơ sở để đưa ra những giải pháp để chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của thành phố Hà Nội trong thời kì 2011-2015. 4. Đối tượng nghiên cứu Thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2006-2010, từ đó rút ra nhận xét đánh giá và đưa ra những giải pháp để thực hiện trong thời kì kế hoạch mới 2011-2015. 5. Phương pháp nghiên cứu a. Thu thập số liệu - Thông qua các phòng ban chức năng của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và phòng Kế hoạch Tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. - Qua các tài liệu tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng như: sách, báo, internet… - Tham khảo ý kiến của cán bộ phòng Kế hoạch Tổng hợp của Sở. b. Phân tích tài liệu Sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp so sánh đối chiếu, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trong thời kì kế hoạch đã qua, so sánh đối chiếu và sử lí số liệu. 6. Bố cục chuyên đề Chuyên đề gồm có các nội dung chính như sau: Chương I: Một số vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tê, cơ cấu ngành kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Chương II: Thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở thành phố Hà Nội thời kì 2006-2010. Chương III:Giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong thời kì 2011-2015. Em xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và hướng dẫn tận tình từ phía nhà trường, các thầy cô trong khoa Kế hoạch và phát triển cũng như từ phía cơ quan thực tập- Phòng Kế hoạch Tổng hợp-Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đặc biệt là cô giáo TS.Vũ Thị Tuyết Mai và cán bộ hướng dẫn TS.Hồ Vân Nga-Trưởng phòng Kế hoạch Tổng Hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã giúp em hoàn thành bài viết này. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng trong quá trình viết bài không thể tránh khỏi những sai sót, vì vậy em rất mong được sự góp ý của cô giáo TS Vũ Thị Tuyết Mai cùng các thầy cô trong khoa Kế hoạch và phát triển cũng như TS.Hồ Vân Nga để bài viết của em được hoàn thiện hơn.