PHẦN MỞ ĐẦU 1.Tính cấp thiết của đề tài Dự báo trong những năm tới ngoài các nguồn lực vật chất, Việt Nam còn cần ít nhất khoảng 25 triệu lao động có trình độ Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành. Để đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ CNH, HĐH đất nước, nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: "Phát triển mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng nhanh quy mô đào tạo Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho việc xuất khẩu lao động. Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, phát triển trung tâm dạy nghề quận, huyện. Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, dạy nghề ngoài công lập, tại doanh nghiệp, tại làng nghề". Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước công tác dạy nghề đã dần đi vào ổn định và có bước phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động. Nhưng chúng ta cũng thừa nhận rằng dạy nghề vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần phải giải quyết như: quy hoạch hệ thống đào tạo nghề còn thiếu, hầu như tự phát, cơ cấu nghành nghề mất cân đối, chưa đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, việc kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong quá trình đào tạo chưa được nhìn nhận đúng mức. Chất lượng đào tạo nghề hiện nay đang là một vấn đề đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Chương trình đào tạo của các trường nghề trong hệ thống giáo dục phần lớn còn nặng tính lý thuyết hàn lâm, chưa quan tâm đúng mức đến rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động sáng tạo và đặc biệt là thiếu tính cập nhật mới. Phương pháp giảng dạy chủ yếu vẫn là thuyết trình thiếu sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và các công cụ hiện đại khác, không thích ứng với khối lượng tri thức mới đang tăng nhanh, không khuyến khích sự chủ động sáng tạo của người học, chưa lấy người học làm trung tâm trong quá trình đào tạo. Tính chuyên nghiệp trong quản lý nhà trường còn bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các trường nhìn chung còn thiếu thốn và lạc hậu. Năm 2006 Việt Nam gia nhập WTO đã có tác động rất lớn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực ở các trình độ, trong đó có công tác đào tạo nghề. Nhu cầu về lao động giản đơn sẽ giảm nhưng nhu cầu về lao động kỹ thuật có chất lượng cao lại tăng. Như vậy, các trường đào tạo nghề đang đứng trước bài toán làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo trong khi lại phải đối đầu với sự cạnh tranh gay gắt hơn. Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là một đơn vị trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, là trường công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập theo quyết định số 1305/QĐ-BLĐTBXH ngày 02/10/2008 của Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội trên cơ sở Trường Trung cấp nghề Thủ công - Mỹ nghệ Việt Nam. Là một trường trọng điểm quốc gia về đào tạo nghề, nhiệm vụ của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực kinh tế hợp tác xã và mở rộng đào tạo phục vụ cho các lĩnh vực ngành nghề công nghiệp, dịch vụ khác. Trong những năm vừa qua kết quả đào tạo của nhà trường đã đạt được một số thành tích nhất định, công tác nâng cao chất lượng nhà trường luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên do việc phát triển nóng từ trường dạy nghề lên Trung cấp nghề rồi nâng cấp lên Cao đẳng nghề chỉ trong vòng 5 năm nên công tác đào tạo và nâng cao chất lượng còn bộc lộ những việc làm chưa đúng hướng và hạn chế như: công tác quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, công tác quản lý HSSV, công tác quy hoạch đầu tư thiết bị thực hành..... Vấn đề chất lượng đào tạo là sống còn đối với nhà trường. Thực tế công tác đào tạo nghề ở Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam và kết quả đào tạo cụ thể trong những năm qua như thế nào? Hiện nay nhà trường đã làm gì và cần phải áp dụng những giải pháp trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đào tạo? Chiến lược phát triển nhà trường như thế nào? Bản thân đang công tác tại trường Tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam”. 2. Tổng quan nghiên cứu Hiện nay đã có một số đề tài sau nghiên cứu về nâng cao chất lượng đội ngũ hoặc chất lượng đào tạo trong nhà trường: - Tác giả Đặng Văn Doanh với đề tài “Biện pháp phát triển đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thuộc Đại học Thái Nguyên” năm 2008. - Tác giả Vũ Thị Phương Oanh với đề tài "Nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng biện pháp tăng cường sự liên kết giữa trường đào tạo nghề với doanh nghiệp" năm 2008. - Tác giả Quách Thị Hảo với đề tài “Phân tích và một số giải pháp chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội” năm 2010. -Tác giả Đào Thị Phương Nga với đề tài "Tăng cường sự liên kết giữa trường dạy nghề với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhằm nâng cao chất tạo nghề" năm 2010. -Tác giả Trần Thị Ngát với đề tài "Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng nghề kế toán tại trường Cao đẳng nghề Duyên Hải Hải phòng" năm 2011. - Tác giả Lê Thị Huệ với đề tài "Nâng cao năng lực giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội" năm 2012. Các đề tài trên tập trung nghiên cứu chiến lược phát triển nguồn nhân lực hoặc đi sâu nghiên cứu một vấn đề về nâng cao chất lượng hoặc nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng một nghề được đào tạo trong nhà trường. Hiện nay chưa có đề tài nào nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng áp dụng tổng thể cho một trường Cao đẳng nghề. Để làm được điều này trong phạm vi của luận văn Tôi sẽ đi phân tích thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm vừa qua của nhà trường khi đó mới đề ra được các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu của nhà trường trong thời gian tới.