1. Tính cấp thiết của đề tài Hội nghị Bộ trưởng Du lịch G20 ngày 16 tháng 5 năm 2012 tại Mexico, cho biết: ngành du lịch chiếm 9% thu nhập GDP thế giới và du lịch là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất. Dự báo du lịch thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng một cách bền vững trong những năm tới, đạt 1,8 tỷ lượt năm 2030. Theo thống kê năm 2015 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), cho biết lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 1,18 tỷ lượt khách đã đem lại nguồn thu trên 1,6 ngàn tỉ USD và tạo việc làm cho trên 450 triệu người. Ngành du lịch vươn lên đứng vị trí thứ 4 sau ngành nhiên liệu, hóa dầu và sản xuất ôtô. Đó là lý do nhiều nước trên thế giới đã chọn du lịch là ngành ưu tiên phát triển hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội (KTXH), trong đó có Việt Nam. Sau 30 năm Đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), cùng với các ngành kinh tế khác của Việt Nam ngành du lịch đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… ký 12 hiệp định hợp tác du lịch với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Pháp, Ubekistan… Hơn nữa, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia Hiệp hội Lữ hành Châu Á – Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội các đại lý du lịch Nhật Bản (JATA)… du lịch trở thành vấn đề mang ý nghĩa hợp tác quốc tế trọng điểm.