LỜI MỞ ĐẦU 1, Lý do và ý nghĩa của đề tài: Bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa cùng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã mang đến cho mỗi đất nước những cơ hội tham gia và thị trường toàn cầu. Trên thế giới hiện nay,hoạt động thương mại quốc tế diễn ra sôi động với mức tăng trưởng ngày càng cao. Các nước phát triển đã khai thác các hoạt động này để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Còn các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) lại tận dụng các điều kiện đó thông qua việc phát triển nền kinh tế hướng về xuất khẩu . Nhưng để vận chuyển hàng hóa (nguyên, vật liệu và thành phẩm) từ địa điểm này sang địa điểm khác đặc biệt là giữa các quốc gia một cách nhanh chóng với chi phí thấp và độ an toàn cao thì việc ứng dụng logistics là rất quan trọng. Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang diễn ra rất sôi động và có đóng góp quan trọng cho việc phát triển kinh tế. Cùng với sự mở rộng của hoạt động thương mại quốc tế, dịch vụ logistics cũng đã được hình thành và bước đầu phát triển tại Việt Nam. Sự phân công lao động ngày càng mạnh mẽ đã hình thành nên những công ty chuyên cung cấp dịch vụ logistics. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và mở cửa 11 ngành dịch vụ trong đó có lĩnh vực vận tải sẽ mang đến cho ngành dịch vụ logistics của nước nhà không những cơ hội mà cả thách thức để phát triển. Hệ thống các doanh nghiệp logistics Việt Nam tuy đông về số lượng nhưng vẫn còn nhiều bất cập mà nổi trội hơn cả chính là hiệu quả hoạt động. Nếu như không có sự thay đổi trong hoạt động logistics của mình, các doanh nghiệp Logistics Việt Nam sẽ thất thế ngay trên thị trường của mình. Chính vì vậy, để đối phó với môi trường cạnh tranh vô cùng gay gắt sau khi Việt Nam gia nhập WTO, việc phải có được các giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp logistics nói riêng và toàn bộ ngành logistics nói chung là một yêu cầu cấp bách về phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Theo đó, em đã quyết định chọn đề tài “Giải pháp phát triển các doanh nghiệp logistics của Việt Nam trong hội nhập quốc tế” với mong muốn đóng góp những hiểu biết của mình về lĩnh vực logistics. 2, Mục đích nghiên cứu của đề tài: -Nghiên cứu bản chất của dịch vụ logistics, các dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp logistics và vai trò của chúng đối với nền kinh tế nói chung, đối với các doanh nghiệp nói riêng. -Đánh giá môi trường kinh doanh logistics ở Việt Nam hiện nay và thực trạng kinh doanh logistics ở các công ty Việt Nam. - Đề xuất giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại giúp cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam cạnh tranh và phát triển trong môi trười hội nhập quốc tế. 3, Kết cấu của đề án: Ngoài lời mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, đề án được trình bày thành 3 chương: Chương I: Những lý luận cơ bản về Doanh nghiệp logistics Chương II: Thực trạng phát triển các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Chương III: Giải pháp phát triển các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong hội nhập quốc tế