1. Mục tiêu, quan điểm và cơ sở đề xuất giải pháp
1.1. Mục tiêu đề xuất giải pháp
- Giải pháp được đề xuất giúp cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam duy trì hoạt động hiện tại của mình trong cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài khi thực hiện cam kết WTO và từ đó phát triển cùng với sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.
- Giải pháp tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động kinh doanh trong nước đặt nền móng vững vàng vươn ra thị trường quốc tế hòa vào xu hướng phát triển của thế giới.
- Giúp cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam thực hiện tốt vai trò của mình đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng
1.2. Quan điểm đề xuất giải pháp
Thứ nhất, sự phát triển của các doanh nghiệp logistics phải gắn với sự phát triển chung của ngành logistics Việt Nam. Các doanh nghiệp có được tiềm lực vững vàng trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thì ngành logistics Việt Nam mới phát triển được và phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên giải pháp phải hướng đến sự phát triển chung mà tránh vì lợi ích cục bộ của một bộ phận doanh nghiệp nào đó gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành. Từ đó mới có thể làm động lực phát triển cho các ngành liên quan.
Thứ hai, nội lực của doanh nghiệp chính là động lực chính cho cạnh tranh và phát triển. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải xác định rõ quan điểm phát triển bằng chính nội lực của doanh nghiệp. Nhà nước và hiệp hội ngành chỉ đóng vai trò hỗ trợ, định hướng và giúp đỡ những khó khăn, vướng mắc mang tính vĩ mô và có tính chất quốc tế vượt ngoài khả năng của doanh nghiệp.
Thứ ba, cần có sự hỗ trợ của nhà nước khi tiến hành thực hiện giải pháp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Vì cơ sở vật chất cho logistics như hệ thống giao thông, kho, cảng, viễn thông, internet… là kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch và chiến lược phát triển của Chính phủ; chính sách và pháp
luật của Nhà nước tác động trực tiếp, sâu sắc đến lợi ích và hoạt động của các doanh nghiệp, nên các giải pháp từ phía các doanh nghiệp khi được thực hiện cần được sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp hữu quan.
Thứ tư, sự phát triển của các doanh nghiệp logistics cần được khuyến khích vì chỉ có các doanh nghiệp logistics mới có khả năng hỗ trợ các hoạt động liên quan ở nước ngoài và mang hàng Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới. Hơn nữa khi các doanh nghiệp logistics có trình độ phát triển càng cao thì dịch vụ cung ứng cho các chủ hàng ngày càng mang giá trị gia tăng, họ có thể tập trung chuyên sâu vào quá trình sản xuất, giao lại tất cả các khâu còn lại cho nhà cung ứng dịch vụ logistics.
1.3. Căn cứ đề xuất giải pháp.
- Căn cứ vào thực trạng yếu kém của môi trường kinh doanh gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh logistics của doanh nghiệp.
- Căn cứ vào những vấn đề tồn tại của doanh nghiệp logistics Việt Nam được phân tích ở chương 2 cũng như những cơ hội và thách thức do hội nhập quốc tế mang đến cho các doanh nghiệp này.
- Căn cứ vào thực trạng và xu hướng phát triển của nhu cầu dịch vụ logistics ở Việt Nam và trên thế giới.