MỤC LỤC DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ LỜI MỞ ĐẦU 1 1.1. Công cụ phái sinh 11 1.1.1. Lịch sử hình thành công cụ phái sinh 11 1.1.2. Khái niệm 13 1.1.3. Phân loại 15 1.1.3.1. Công cụ kỳ hạn 16 1.1.3.2. Công cụ tương lai 18 1.1.3.3. Công cụ hoán đổi 21 1.1.3.4. Công cụ quyền chọn 23 1.1.4. Ưu điểm và nhược điểm của các công cụ phái sinh trong nền kinh tế 26 1.1.4.1. Ưu điểm 26 1.1.4.2. Nhược điểm 30 1.2. Thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối 32 1.2.1. Khái niệm 32 1.2.1.1. Thị trường công cụ phái sinh 32 1.2.1.2. Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 34 1.2.2. Phân loại thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 34 1.2.2.1. Theo tính chất tập trung 34 1.2.2.2. Theo các loại công cụ phái sinh 35 1.2.3. Các loại giao dịch trên thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 35 1.2.3.1. Giao dịch kỳ hạn ngoại hối 35 1.2.3.2. Giao dịch tương lai ngoại hối 36 1.2.3.3 Giao dịch hoán đổi ngoại hối 36 1.2.3.4. Giao dịch quyền chọn ngoại hối 37 1.2.4. Giá cả công cụ phái sinh ngoại hối 39 1.2.4.1. Định giá hợp đồng kỳ hạn ngoại hối 39 1.2.4.2. Định giá hợp đồng tương lai ngoại hối 40 1.2.4.3. Định giá hợp đồng hoán đổi ngoại hối 40 1.2.4.4. Định giá hợp đồng quyền chọn ngoại hối 40 1.2.5. Các chủ thể tham gia thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 42 1.2.5.1. Theo mục đích sử dụng công cụ phái sinh 42 1.2.5.2. Theo tính chất hoạt động của chủ thể 43 1.2.6. Cách thức giao dịch trên thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 43 1.3. Các điều kiện phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 44 1.3.1. Nhu cầu sử dụng công cụ phái sinh ngoại hối 44 1.3.2. Tài sản cơ sở 45 1.3.3. Những cơ sở pháp lý cho các giao dịch phái sinh ngoại hối 46 1.3.4. Điều kiện vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực 48 1.3.5. Các công cụ phái sinh ngoại hối 49 1.4. Sự cần thiết phải phát triển thị trường công cụ phái sinh trong điều kiện hội nhập kinh tế và tài chính quốc tế nói chung và ngoại hối nói riêng tại Việt Nam 50 1.4.1. Trào lưu hội nhập kinh tế và tài chính quốc tế ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 50 1.4.2. Sự cần thiết phải phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối trong điều kiện hội nhập 52 1.4.2.1. Là công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thỏa mãn nhu cầu về ngoại tệ và phòng vệ rủi ro tỷ giá 52 1.4.2.2. Là công cụ hữu hiệu giúp các ngân hàng thương mại cân đối trạng thái ngoại hối và hạn chế rủi ro khi lãi suất và tỷ giá biến động 53 1.4.2.3. Là công cụ giúp hoàn thiện chức năng của thị trường ngoại hối 54 Tổng kết chương 1 55 CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÁC CÔNG CỤ PHÁI SINH NGOẠI HỐI TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 56 2.1. Thực trạng phát triển thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giới 56 2.1.1. Thực trạng về thị trường công cụ phái sinh 56 2.1.1.1. Thị trường tập trung 57 2.1.1.2. Thị trường phi tập trung 58 2.1.2. Thực trạng về thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 60 2.1.2.1. Hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh giao dịch phái sinh ngoại hối 61 2.1.2.2. Quy mô thị trường và doanh số giao dịch 63 2.1.2.3. Chủ thể tham gia thị trường ngoại hối 66 2.1.3. Đánh giá về thị trường công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giới 72 2.1.3.1. Những kết quả đạt được 72 2.1.3.2. Những hạn chế 73 2.2. Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối của một số nước 74 2.2.1. Nhật Bản 74 2.2.1.1. Thị trường công cụ phái sinh tập trung 74 2.2.1.2. Thị trường công cụ phái sinh phi tập trung 76 2.2.2. Ấn Độ 76 2.2.2.1. Thị trường công cụ phái sinh tập trung 77 2.2.2.2. Thị trường công cụ phái sinh phi tập trung 79 2.2.3. Trung Quốc 81 2.2.3.1. Thị trường công cụ phái sinh tập trung 81 2.2.3.2. Thị trường công cụ phái sinh phi tập trung 82 2.2.4. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam 83 2.3. Thực trạng phát triển thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 85 2.3.1. Quá trình hình thành và phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 85 2.3.1.1. Thị trường công cụ phái sinh kỳ hạn 86 2.3.1.2. Thị trường công cụ phái sinh hoán đổi 91 2.3.1.3. Thị trường công cụ phái sinh quyền chọn 94 2.3.2. Thực trạng thị trường công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 97 2.3.2.1. Tỷ trọng và tốc độ tăng của thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 97 2.3.2.2. Các công cụ phái sinh ngoại hối đang được các NHTM cung cấp 100 2.3.2.3. Cơ cấu doanh số giao dịch phái sinh ngoại hối 101 2.3.3. Đánh giá về thị trường công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 106 2.3.3.1. Những kết quả đạt được 106 2.3.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân 107 Tổng kết chương 2 110 CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÁC CÔNG CỤ PHÁI SINH NGOẠI HỐI TẠI VIỆT NAM 111 3.1. Dự báo quy mô và xu hướng phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 111 3.1.1. Dự báo quy mô phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giới và Việt Nam 111 3.1.1.1. Dự báo quy mô thị trường công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giới 111 3.1.1.2. Dự báo quy mô thị trường công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 113 3.1.2. Các xu hướng chính trong phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giới 113 3.1.2.1 Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối phi tập trung vẫn sẽ là trung tâm của thị trường phái sinh ngoại hối toàn cầu 113 3.1.2.2. Xu hướng hợp nhất các thị trường công cụ phái sinh 114 3.1.2.3. Xu hướng tiêu chuẩn hóa sản phẩm trên thị trường công cụ phái sinh 116 3.2. Quan điểm phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 116 3.3. Phân tích các điều kiện phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 118 3.3.1. Nhu cầu sử dụng hợp đồng phái sinh 118 3.3.2. Tài sản cơ sở 121 3.3.3. Cơ sở pháp lý cho hoạt động phái sinh 122 3.3.4. Điều kiện vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực 124 3.3.5. Các công cụ phái sinh 125 3.3.6. Đánh giá các điều kiện phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 126 3.4. Các giải pháp nhằm phát triển thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 128 3.4.1. Đối với các Ngân hàng thương mại 129 3.4.1.1. Các Ngân hàng thương mại cần chú trọng việc quảng bá và giới thiệu các công cụ phái sinh đến các doanh nghiệp 129 3.4.1.3 Ngân hàng thương mại cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực 134 3.4.1.4 Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin 135 3.4.1.5 Các Ngân hàng thương mại cần tăng cường quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại hối 136 3.4.1.6 Đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng liên quan đến ngoại tệ 137 3.4.2. Đối với các doanh nghiệp 138 3.4.2.1. Các doanh nghiệp sử dụng cần chủ động và tích cực tìm hiểu về các công cụ phái sinh 138 3.4.2.2. Cần thay đổi quan niệm về “lỗ” trên thị trường công cụ phái sinh 138 3.5. Một số kiến nghị nhằm phát triển thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 139 3.5.1. Đối với Ngân hàng Nhà nước 138 3.5.1.1. Hoàn chỉnh các văn bản pháp lý điều chỉnh các giao dịch phái sinh 138 3.5.1.2. Ngân hàng Nhà nước nên đẩy nhanh việc nới rộng biên độ giao động và tiến đến áp dụng chế độ tỷ giá, lãi suất linh hoạt và tự do 143 3.5.1.3. Xây dựng hành lang quản lý rủi ro về trạng thái ngoại hối mở 145 3.5.1.4. Nghiên cứu áp dụng hợp đồng khung ISDA và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán về các nghiệp vụ phái sinh 145 3.5.2. Về phía Hiệp hội ngân hàng và doanh nghiệp 146 3.5.2.1. Làm cầu nối tổ chức các hội thảo và đào tạo chuyên đề 146 3.5.2.2 Hỗ trợ và phối hợp với các NHTM nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhà đầu tư về sử dụng công cụ phái sinh 147 3.5.2.3 Hỗ trợ cung cấp thông tin và số liệu thống kê cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các nhà nghiên cứu độc lập 147 Tổng kết chương 3 148 KẾT LUẬN 149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT CÁC TỪ VIẾT TẮT BẰNG TIẾNG VIỆT TT Từ viết tắt Tiếng Việt 1 CCPS Công cụ phái sinh 2 CKPS Chứng khoán phái sinh 3 DN Doanh nghiệp 4 NH Ngân hàng 5 NHNN Ngân hàng Nhà nước 6 NHTM Ngân hàng thương mại 7 NHTMCP Ngân hàng thương mại cổ phần 8 NK Nhập khẩu 9 QLNH Quản lý ngoại hối 10 SGD Sàn giao dịch 11 TCTD Tổ chức tín dụng 12 TMCP Thương mại cổ phần 13 UBCK Ủy ban Chứng khoán 14 XK Xuất khẩu 15 XNK Xuất nhập khẩu CÁC TỪ VIẾT TẮT BẰNG TIẾNG ANH TT Từ viết tắt Tiếng Anh Nghĩa tiếng Việt 1 ACB Asia Commercial Bank Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu 2 ADcategory I Authorised dealers cartegory I Thành viên kinh doanh ủy quyền cấp I 3 Argribank Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam 4 BIDV Bank for Investment and Development of Vietnam Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 5 BIS Bank for International Settelment Ngân hàng thanh toán quốc tế 6 CBOE The Chicago Board Option Exchange Sở giao dịch quyền chọn Chicago 7 CBOT The Chicago Board of Trade Sở giao dịch thương mại Chicago 8 CDS Credit default swap Hoán đổi rủi ro tín dụng 9 CFA The Chartered Financial Analyst Chuyên gia phân tích đầu tư tài chính 10 CME Chicago Merchantile Exchange Sở giao dịch hàng hóa Chicago 11 EMEs Emerging market economies Các nền kinh tế của thị trường mới nổi 12 EUR Euro Đồng Euro 13 Eximbank Vietnam Export Import Commercial Joint – Stock Bank Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam 14 FED Federal Reserve System Cục dự trữ Liên bang Mỹ 15 IMF International Moneytary Fund Qũy tiền tệ quốc tế 16 ISDA International Swaps and Derivatives Association Hiệp hội phái sinh và hoán đổi quốc tế 17 LIFFE London International Financial Futures Exchange Sở giao dịch tương lai tài chính quốc tế Luân Đôn 18 MB Military Bank Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội 19 MSB Maritime Bank Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam 20 NSE National Stock Exchange Sở giao dịch chứng khoán Quốc gia (Ấn Độ) 21 OSE Osaka Securities Exchange Sở giao dịch chứng khoán Osaka 22 OTC Overthecounter Thị trường phi tập trung 23 RBI Reserve Bank of India Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ 24 RMB Reminbi Nhân dân tệ 25 SEBI Securities and exchange Board of India Sở giao dịch và chứng khoán Ấn Độ 26 SWIFT Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication Hiệp hội mạng viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới 27 TFX Tokyo Financial Exchange Sở giao dịch tài chính Tokyo 28 TIFFX Tokyo International financial futures exchange Sở giao dịch tương lai tài chính quốc tế Tokyo 29 TSE Tokyo Stock Exchange Sở giao dịch chứng khoán Tokyo 30 USD United States dollar Đô la Mỹ 31 WFE World Federation of Exchanges Liên đoàn các sàn giao dịch thế giới 32 VIB Vietnam International Bank Ngân hàng Quốc tế 33 VCB Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam 34 Vietinbank Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam 35 VND Vietnamese Dong Đồng Việt Nam 36 VNX Vietnam Commodity Exchange Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam DANH MỤC CÁC BẢNG TT Số hiệu Tên bảng Trang 1 Bảng 1.1 Hợp đồng cà phê Robusta loại 1 của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam 19 2 Bảng 1.2 Lợi nhuận đối với bốn vị thế quyền chọn 25 3 Bảng 1.3 Tổng hợp các yếu tố tác động đến giá quyền chọn 42 4 Bảng 2.1 Doanh số giao dịch hàng ngày trên thị trường ngoại hối 63 5 Bảng 2.2 Giá trị giao dịch ngoại hối trên thị trường tập trung 64 6 Bảng 2.3 Tổng hợp số liệu về việc sử dụng các công cụ phái sinh trên thế giới 71 7 Bảng 2.4 Giá trị giao dịch phái sinh ngoại hối của Ấn Độ (20082013) 77 8 Bảng 2.5 Bảng tổng hợp biên độ giao động được phép của tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ 88 9 Bảng 2.6 Doanh số giao dịch trung bình ngày của thị trường ngoại hối toàn cầu 98 10 Bảng 2.7 Tỷ trọng giao dịch ngoại hối trên thị trường ngoại hối Việt Nam 98 11 Bảng 2.8 Doanh số giao dịch ngoại hối trung bình ngày của các nền kinh tế mới nổi 99 12 Bảng 2.9 Các công cụ phái sinh đang áp dụng tại các NHTM Việt Nam 100 13 Bảng2.10 Cơ cấu công cụ phái sinh trên thị trường ngoại hối Việt Nam 102 14 Bảng2.11 Giá trị hợp đồng giao dịch phái sinh tiền tệ tại các NHTM Việt Nam 105 15 Bảng 3.1 Mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về công cụ phái sinh 119 16 Bảng 3.2 Tình hình sử dụng công cụ phái sinh của các doanh nghiệp tại Việt Nam 119 17 Bảng 3.3 Tần suất và mục đích áp dụng công cụ phái sinh của các doanh nghiệp 120 18 Bảng 3.4 Khó khăn của các doanh nghiệp khi tiếp cận các công cụ phái sinh 127 DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ TT Số hiệu Tên biểu đồ Trang 1 Biểu đồ 2.1 Quy mô thị trường CCPS tập trung và phi tập trung 56 2 Biểu đồ 2.2 Tổng giá trị của thị trường CCPS tập trung (20082014) 57 3 Biểu đồ 2.3 Cơ cấu CCPS trên sàn tập trung theo khu vực 58 4 Biểu đồ 2.4 Cơ cấu CCPS giao dịch trên sàn tập trung năm 2014 58 5 Biểu đồ 2.5 Quy mô của thị trường CCPS phi tập trung 59 6 Biểu đồ 2.6 Cơ cấu CCPS giao dịch phi tập trung năm 2014 60 7 Biểu đồ 2.7 Cơ cấu giá trị danh nghĩa theo tài sản cơ sở 65 8 Biểu đồ 2.8 Cơ cấu các công cụ phái sinh ngoại hối 65 9 Biểu đồ 2.9 Cơ cấu thị trường CCPS theo nhóm chủ thể tham gia 67 10 Biểu đồ 2.10 Tỷ lệ doanh nghiệp đối mặt với từng loại rủi ro 68 11 Biểu đồ 2.11 Số lượng hợp đồng ngoại hối tại một số sàn giao dịch chủ yếu 76 12 Biểu đồ 3.1 Dự báo xu hướng của thị trường CCPS ngoại hối tập trung đến năm 2020 112 13 Biểu đồ 3.2 Dự báo xu hướng của thị trường CCPS ngoại hối phi tập trung đến năm 2020 112 LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Các công cụ phái sinh (derivatives) là một công cụ tài chính có dòng tiền trong tương lai phụ thuộc vào giá trị của một hay một số tài sản khác (Hull, 2012). Trên thế giới các công cụ phái sinh manh nha hình thành từ rất lâu, nhưng vào khoảng những những 1970, các công cụ này bắt đầu trở nên phổ biến và có những bước phát triển mạnh mẽ cho đến nay. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS năm 2013, giá trị giao dịch của thị trường phi tập trung đạt 710.182 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với quy mô thị trường tập trung với 64.627,8 tỷ USD. Thị trường công cụ phái sinh được đánh giá là thị trường hoạt động nhộn nhịp nhất trên thế giới với doanh số giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày. Chỉ tính riêng thị trường ngoại hối, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày năm 2013 đã đạt 6.671 tỷ USD, chiếm gần 19% doanh số toàn thị trường. Công cụ phái sinh ra đời trước hết nhằm mục đích quản trị rủi ro về giá Trong giai đoạn đầu khi mới xuất hiện, tài sản cơ sở của các hợp đồng phái sinh chủ yếu là hàng nông sản như gạo, ngô, bông,... và mục đích đầu tiên của các công cụ phái sinh là nhằm phòng ngừa rủi ro về biến động giá của các tài sản cơ sở này. Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới, ngày nay hàng hóa cơ sở của các giao dịch phái sinh đã trở nên phong phú và đa dạng hơn rất nhiều, từ nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất như dầu mỏ, thép, kim loại màu, bông,... đến các sản phẩm trên thị trường tài chính như ngoại tệ, chứng khoán, chỉ số chứng khoán, lãi suất... Do vậy, các công cụ phái sinh có thể được sử dụng nhằm mục đích kinh doanh chênh lệch giá, đầu tư và cả mục đích đầu cơ. Ngoài ra, các công cụ phái sinh được giao dịch trên thị trường là nguồn thông tin hiệu quả hình thành giá của tài sản cơ sở. Khi các công cụ phái sinh được giao dịch trên thị trường sẽ hình thành các mức giá của chính các công cụ này và trở thành nguồn thông tin hiệu quả trong việc xác định giá của tài sản cơ sở. Tính thanh khoản và giá trị giao dịch của thị trường phái sinh trên thế giới rất lớn nên khó để một thế lực kinh tế nào có thể thao túng giá nên các thông tin giá cả của thị trường rất đáng tin cậy, từ đó sẽ giúp nền kinh tế giúp cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, công cụ phái sinh giúp tăng cường hiệu quả của thị trường tài chính nói chung thông qua việc các bên tham gia thị trường có cơ hội tiếp cận thông tin một cách công bằng, ngăn chặn được tình trạng độc quyền hay lũng đoạn giá. Đấy cũng là lý do vì sao 92% trong số 500 công ty lớn nhất thế giới đã sử dụng các công cụ phái sinh để quản trị rủi ro về giá (Deutsche Borse AG, 2008) và nhiều nước trên thế giới đã ban hành nhiều chính sách và các quy định nhằm quản lý và phát triển các giao dịch này. Trong nền kinh tế thị trường, các yếu tố về giá cả, tỷ giá, lãi suất sẽ biến động nhiều hơn theo quy luật cung cầu và do vậy các rủi ro sẽ xẩy ra nhiều hơn. Khi mà các rủi ro về biến động giá có thể xẩy đến bất cứ lúc nào với các nhà đầu tư và ngày càng gia tăng trong quá trình hội nhập, thì phát triển thị trường các công cụ phái sinh được xem như là lá chắn quan trọng để hạn chế rủi ro của thị trường đối với những nhà đầu tư. Trong khi đó tại Việt Nam, khái niệm công cụ phái sinh chưa thực sự phổ biến và nhiều nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ về các công cụ này. Một số người cho rằng, các công cụ phái sinh chỉ toàn mang đến lợi ích như: bảo hiểm rủi ro về giá hàng hóa, công cụ để đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, tham gia thị trường này giống như đánh bạc, chủ yếu là nhờ vào vận may. Tại Việt Nam thị trường công cụ phái sinh hầu như chưa phát triển, mới chỉ manh nha hình thành ở một vài tài sản cơ sở như hàng nông sản (cà phê, cao su) và ngoại hối. Đối với hàng nông sản, các giao dịch phái sinh trên thế giới chủ yếu thực hiện qua các sàn giao dịch, nhưng hiện nay Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam mặc dù đã được thành lập từ năm 2010 vẫn chưa thực hiện được vai trò là trung gian cho các nhà sản xuất, xuất khẩu gặp gỡ nhau để thỏa mãn nhu cầu về phòng vệ rủi ro giá cả hàng hóa; cũng chưa trở thành kênh đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư. Các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vẫn phải thực hiện nghiệp vụ phái sinh thông qua các sàn giao dịch hàng hóa lớn của thế giới. Còn đối với những doanh nghiệp có nguồn thu chi bằng ngoại tệ lại gặp phải rủi ro về biến động tỷ giá hối đoái, do vậy, nếu thị trường công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam phát triển, các doanh nghiệp này sẽ được cung cấp đầy đủ các công cụ phòng ngừa rủi ro khi có nhu cầu. Theo Bodnar (2011), khi đối mặt với rủi ro ngoại hối, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (trên 70%). Ngược lại, tài sản cơ sở là ngoại hối được giao dịch nhiều trên thị trường phi tập trung nhưng doanh số vẫn còn khá khiêm tốn với các công cụ phổ biến là kỳ hạn và hoán đổi. Một vài công cụ phái sinh khác như quyền chọn ngoại tệ nội tệ được đưa vào áp dụng thí điểm trong thời gian ngắn và dừng lại cho đến nay. Các doanh nghiệp Việt Nam không có cơ hội để được sử dụng các công cụ quản trị rủi ro ngoại hối hữu hiệu mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang sử dụng. Sự kém phát triển của thị trường công cụ phái sinh là một thách thức không nhỏ đối với các NHTM và doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình mở cửa và hội nhập vào thị trường tài chính thế giới. Vì vậy, vấn đề phát triển thị trường các công cụ phái sinh Việt Nam hiện nay trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Như vậy, nếu không phát triển thị trường công cụ phái sinh, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ mất đi cơ hội được sử dụng các công cụ hữu hiệu trong việc phòng ngừa rủi ro về biến động giá cả hàng hóa, biến động tỷ giá và lãi suất như các doanh nghiệp trên thế giới đang áp dụng. Xuất phát từ những nguyên nhân trên, tác giả chọn đề tài “Thị trường các công cụ phái sinh trên thế giới và giải pháp phát triển tại Việt Nam” làm Luận án tiến sĩ. 2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là trên cơ sở hệ thống hóa các vấn đề lý luận liên quan đến các công cụ phái sinh ngoại hối, phân tích thực trạng phát triển của các thị trường công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giới để từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển thị trường này tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, tác giả đặt ra các nhiệm vụ cơ bản sau đây: Hệ thống lại cơ sở lý luận liên quan đến các công cụ phái sinh ngoại hối và thị trường công cụ phái sinh ngoại hối, các điều kiện để phát triển thị trường CCPS ngoại hối tại Việt Nam. Phân tích thực trạng phát triển của thị trường CCPS ngoại hối trên thế giới, đặc biệt có phân tích điển hình thị trường CCPS ngoại hối của một số nước cụ thể (bao gồm cả thị trường còn phát triển non trẻ đến thị trường đã có bề dày hoạt động); phân tích thực trạng phát triển thị trường CCPS ngoại hối của Việt Nam và đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế và đưa ra các nguyên nhân cho thực trạng này. Dự báo và xác định xu hướng phát triển của các thị trường CCPS nói chung và thị trường CCPS ngoại hối trên thế giới, quan điểm về phát triển thị trường CCPS ngoại hối tại Việt Nam; đồng thời trên cơ sở kết quả khảo sát các điều kiện phát triển thị trường CCPS ngoại hối tại Việt Nam tác giả sẽ đưa ra các giải pháp phát triển thị trường hơn nữa thị trường CCPS ngoại hối. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: Trong Luận án tiến sĩ, tác giả giới hạn đối tượng nghiên cứu là thị trường công cụ phái sinh đối với tài sản cơ sở là ngoại hối và trên cơ sở lý luận, khái quát hóa sự hình thành và phát triển thị trường CCPS trên thế giới để tập trung nghiên cứu sự hình thành và phát triển thị trường CCPS ngoại hối Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu: Do tài sản cơ sở trong các hợp đồng phái sinh đa dạng, phong phú nên nội dung nghiên cứu về thị trường các CCPS cũng rất rộng. Để nội dung đề tài có tính tập trung, tác giả giới hạn phạm vi nghiên cứu ở thị trường CCPS ngoại hối. Lý do, nhu cầu sử dụng CCPS ngoại hối có thể phát sinh trong các doanh nghiệp thuộc bất kỳ lĩnh vực nào (xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư, sản xuất, dịch vụ). Trong khi đó, thị trường CCPS ngoại hối tại Việt Nam đang hình thành nhưng chưa phát triển. Mặt khác, theo nghiên cứu của Bodnar (2011), trong lĩnh vực ngoại hối, các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng nhiều các công cụ phái sinh này để phòng vệ rủi ro hơn là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác. Về mặt thời gian, phần thực trạng thị trường CCPS thế giới và tại Việt Nam tác giả sử dụng liệu từ năm 2008 cho đến năm 2014. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu của một số nội dung cụ thể như phần phân tích về lịch sử hình thành và phát triển thị trường công cụ phái sinh trên thế giới và Việt Nam, dữ liệu được sử dụng từ khi các thị trường mới được thành lập. Một số số liệu thống kê được dùng trong bài có thể khác nhau nhưng không đáng kể và không làm ảnh hưởng đến việc phân tích sự phát triển của toàn thị trường. Sự chênh lệch giữa các số liệu này là do việc làm tròn số trong quá trình thống kê và phân tích của tác giả. 4. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, để hoàn thành đề tài luận án tiến sĩ này, tác giả đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, cụ thể như sau: Tác giả thu thập số liệu thứ cấp từ các nguồn đáng tin cậy như các đề tài nghiên cứu khoa học, kỷ yếu hội thảo, bài đăng tạp chí, các nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng thời tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến việc phát triển thị trường CCPS tại Việt Nam nhằm thu thập thông tin và số liệu về lịch sử hình thành và thực trạng phát triển của thị trường CCPS trên thế giới và Việt Nam. Thực hiện việc điều tra, khảo sát thực tế thông qua mẫu phiếu khảo sát đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai để thu thập thông tin, lấy ý kiến đánh giá về việc sử dụng các CCPS tại các doanh nghiệp này. Đối tượng trả lời phiếu khảo sát là các cán bộ quản lý (trưởngphó phòng ban, Giám đốc bộ phận, Giám đốc công ty) chịu trách nhiệm mảng hoạt động tài chính kinh doanh của doanh nghiệp hoặc cán bộ, nhân viên các phòng ban XNK, kinh doanh, tài chính. Tác giả đã tiến hành khảo sát 135 doanh nghiệp trong các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, xây dựng và đã thu về được 120 phiếu trả lời, trong đó có 105 phiếu trả lời hợp lệ. Dữ liệu trong 105 phiếu trả lời hợp lệ này đã được tác giả dùng để phân tích bằng công cụ phân tích định lượng. Phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, email các chuyên gia về công cụ phái sinh tại một số Ngân hàng thương mại Việt Nam như Vietcombank, Maritimebank, Techcombank, Vietinbank, BIDV, VIB về việc cung cấp các sản phẩm công cụ phái sinh ngoại hối, những thuận lợi khó khăn, những bất cập trong việc triển khai các giao dịch phái sinh ngoại hối tại các ngân hàng. Sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống như phương pháp thống kê, phương pháp phân tích – tổng hợp, phương pháp đối chiếu – so sánh để phân tích, đánh giá thực trạng thị trường CCPS trên thế giới trong mối liên hệ so sánh, đối chiếu các đối tượng được phân tích với nhau; phân tích các điều kiện phát triển một số thị trường CCPS trên thế giới và Việt Nam nhằm đề xuất các giải pháp có tính khả thi giúp phát triển thị trường CCPS tại Việt Nam. Trong phần dự báo quy mô thị trường công cụ phái sinh toàn cầu, tác giả đã sử dụng mô hình ARIMA và phần mềm SPSS để xử lý chuỗi số liệu về quy mô thị trường thông qua chỉ tiêu về giá trị danh nghĩa của các hợp đồng đang còn hiệu lực từ năm 1998 đến năm 2014. Số liệu thứ cấp tác giả tổng hợp từ các báo cáo (báo cáo quý, báo cáo năm, báo cáo 3 năm) của Ngân hàng thanh toán bù trừ BIS. 5. Tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực đề tài Các nghiên cứu ở nước ngoài Trên thế giới đã có các một số công trình nghiên cứu về CCPS và thị trường CCPS ở nhiều khía cạnh khác nhau: Nghiên cứu về lợi ích và cả những tác động tiêu cực của CCPS nói chung đối với thị trường tài chính cũng như toàn bộ nền kinh tế có các tác giả như Randall (2001), Eric Junghoon (2005), Chow, Li and Liu (2005) hay Anna (2009). Các công trình này tập trung nghiên cứu nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 19971998, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và một số cuộc khủng hoảng kinh tế tại một số nước khác và vai trò của CCPS trong các cuộc khủng hoảng này. Các nghiên cứu này không đề cập riêng đến CCPS ngoại hối. Một số các tác giả khác lại nghiên cứu các ứng dụng thực tiễn của công cụ phái sinh trong phòng vệ rủi ro thông qua phân tích các ảnh hưởng của công cụ phái sinh đối với rủi ro và giá trị của doanh nghiệp, như Sohnke, Gregory và Jennifer (2009), Peter M. Garber (1998), Mark (1995) hay Rene (2004). Trong một số nghiên cứu khác của Söhnke, Gregory và Frank (2006), Bodnar, Gregory, Richard và Charles W (1995), Bodnar, Gregory và Richard (1996), Bodnar, Gordon và Gunther Gebhardt (1998), Bodnar. và Giambona (2012), Downi David, McMillanvà Ed Nosal (1996) hay Yahagida Munehiko và Koji Inui (1995) phân tích về tình hình sử dụng các công cụ phái sinh cũng như thái độ về việc sử dụng các công cụ phái sinh của các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt nhấn mạnh các doanh nghiệp tại Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản. Tuy vậy, chưa có nghiên cứu nào đề cập cụ thể và trực tiếp về tình hình sử dụng các CCPS, đặc biệt là CCPS ngoại hối tại Việt Nam. Các nghiên cứu này cũng không đề cập đến điều kiện để phát triển thị trường CCPS. Liên quan đến các điều kiện phát triển thị trường CCPS, trong Báo cáo nghiên cứu “Derivatives market development” ở dạng sách trắng, do Tổ chức Giải pháp thị trường Aberta (Aberta Market solutions Ltd) của Vancouver, Cananda ấn hành vào năm 2003 có đã đề cập đến một số yếu tố chủ yếu trong xây dựng một thị trường phái sinh mới như các thành phần tham gia thị trường, nguồn luật điều chỉnh, vai trò của việc tạo ra các CCPS mới. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc mô tả sơ lược các yếu tố tạo nên thị trường, chứ chưa đề cập và phân tích sâu đến các điều kiện đó. Trong báo cáo nghiên cứu The world’s commodity exchanges: past present – future của UNCTAD (2006) có đề cập đến các điều kiện thành lập Sàn giao dịch, tuy nhiên, chưa nhấn mạnh đến các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của các Sàn giao dịch, đặc biệt là các Sàn giao dịch CCPS ngoại hối. Một số nghiên cứu khác đề cập đến các khía cạnh liên quan trực tiếp đến sự phát triển thị trường CCPS, đó là yếu tố về hệ thống pháp luật điều chỉnh CCPS, như Paul Latimer (2008) nghiên cứu về các quy định đối với các giao dịch phái sinh OTC tại Úc; Hui (2012) phân tích quá trình phát triển thị trường CCPS cũng như sơ lược về các quy định pháp lý với thị trường CCPS tại Trung Quốc. Đây là những các công trình nghiên cứu nổi trội về các vấn đề liên quan đến nội dung của luận án mà tác giả tiếp cận được, nhưng trong số này chưa có nghiên cứu nào đề cập toàn diện đến các điều kiện phát triển thị trường CCPS nói chung và thị trường CCPS ngoại hối nói riêng tại Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ mở cửa và hội nhập với thị trường tài chính thế giới. 5.2 Các nghiên cứu ở Việt Nam Tại Việt Nam cũng đã có một số các nghiên cứu về thị trường CCPS và CCPS ngoại hối, như Hồ Thúy Ái (2007) phân tích các ứng dụng công cụ ngoại hối phái sinh vào việc bảo hiểm rủi ro tỷ giá, Việt Bảo (2007) phân tích về tình hình phát triển nghiệp vụ tài chính phái sinh ở Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Hương (2007) đề cập đến giải pháp kế toán nhằm phát triển thị trường công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam, Nguyễn Thúy (2008) bàn về việc phát triển các công cụ phái sinh trên thị trường ngoại hối Việt Nam, hay Phạm Thu Thủy (2011) nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thị trường công cụ phái sinh ở các nền kinh tế mới nổi và đưa ra những định hướng cho thị trường Việt Nam, Đinh Thị Thanh Long (2014) đề cập đến thực trạng giao dịch phái sinh ngoại hối tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu kể trên chỉ tập trung vào một số khía cạnh cụ thể và các giải pháp mang tính chất gợi ý trong việc phát triển thị trường CCPS tại Việt Nam, mà chưa phân tích sâu và toàn diện về thực trạng phát triển thị trường CCPS của Việt Nam cũng như phân tích và đánh giá các điều kiện để phát triển thị trường này. Một số nghiên cứu khác chỉ mới dừng lại ở cấp độ là Luận văn thạc sỹ và khóa luận tốt nghiệp đại học, như Bùi Thị Xuân (2010) bàn về ứng dụng các công cụ ngoại hối phái sinh ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Lê Thị Khánh Phương (2009) phân tích các biện pháp phát triển công cụ phái sinh trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá tại các NHTM Việt Nam, Vũ Trần Thanh Long (2012) tìm hiểu về một số thị trường chứng khoán phái sinh trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam. Đề tài NCKH cấp cơ sở của Huỳnh Thị Hương Thảo (2014) cũng chỉ bàn về việc sử dụng công cụ tài chính phái sinh trong quản lý rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam chứ không đi sâu vào phân tích thị trường CCPS ngoại hối cũng như các điều kiện hình thành và phát triển thị trường này tại Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Phát triển hoạt động và mở rộng mặt hàng giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa trong thời kỳ hội nhập, Bộ Công Thương phối hợp với MUTRAP, 2012 lại tập trung vào phát triển thị trường CCPS hàng hóa thông qua việc mở rộng danh mục mặt hàng được giao dịch qua Sở giao dịch. Nghiên cứu của Phạm Nguyễn Hoàng (2011) đã đề cập đến điều kiện hình thành và phát triển thị trường tương lại tại Việt Nam, tuy nhiên, chỉ mới nêu các điều kiện để phát triển thị trường đối với hợp đồng tương lai, bao gồm (1) điều kiện về thể chế, luật pháp, (2) điều kiện về kinh tế tài chính, (3) điều kiện về kỹ thuật. Kết quả nghiên cứu của Phạm Nguyễn Hoàng (2011) và của Tổ chức Giải pháp thị trường Aberta, Canada (2003) là cơ sở và gợi ý quan trọng về các điều kiện phát triển thị trường CCPS nói chung; trên nền tảng đó, tác giả đã lựa chọn và phân tích kỹ các điều kiện quan trọng quyết định đến sự phát triển thị trường CCPS ngoại hối của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập vào thị trường tài chính toàn cầu. Như vậy, trong phạm vi nghiên cứu của tác giả, qua các công trình nghiên cứu kể trên chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ cả về lý thuyết lẫn thực tiễn áp dụng các CCPS ngoại hối trên thế giới và Việt Nam; các nghiên cứu trên chưa đánh giá toàn diện các điều kiện phát triển của thị trường các CCPS ngoại hối ở Việt Nam trong tương quan so sánh, đối chiếu với sự các điều kiện phát triển của thị trường CCPS ngoại hối của một số nước trên thế giới. 6. Bố cục của đề tài: Nhằm giải quyết các mục tiêu đề ra, đề tài được bố cục theo 3 chương (chưa bao gồm Lời mở đầu và kết luận, nội dung): Chương 1: Cơ sở lý luận về công cụ phái sinh và thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối Chương 2: Thực trạng phát triển thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giới và Việt Nam Chương 3: Giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam 7. Những điểm mới của luận án Nhằm giải quyết mục tiêu đề ra của Luận án, nghiên cứu của tác giả trong Luận án tiến sĩ này đã đạt được một số điểm mới như sau: Hệ thống lại cơ sở lý luận về CCPS và CCPS đối với tài sản cơ sở là ngoại hối, đưa ra được các định nghĩa cụ thể gắn liền với các dạng thức của CCPS ngoại hối đồng thời phân tích và đưa ra được các điều kiện để phát triển thị trường CCPS ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam mở cửa và gia nhập thị trường tài chính toàn cầu nói chung và ngoại hối nói riêng. Phân tích và đánh giá được tình hình phát triển chung của thị trường CCPS trên thế giới và thị trường CCPS ngoại hối nói riêng (có phân tích 3 trường hợp điển hình là Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc), qua đó rút ra được những bài học kinh nghiệm về phát triển thị trường CCPS cho Việt Nam. Tác giả không chỉ phân tích về thực trạng phát triển CCPS ngoại hối của Việt Nam mà còn đánh giá được các điều kiện để phát triển thị trường này dựa trên các phân tích so sánh và nghiên cứu thực tiễn qua kết quả khảo sát các DN và phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực phái sinh tại các NHTM của Việt Nam. Dựa trên đánh giá các điều kiện phát triển thị trường CCPS ngoại hối tại Việt Nam, tác giả đã đề xuất các giải pháp cụ thể, chặt chẽ và có tính khả thi theo các điều kiện đó để nhằm phát triển thị trường CCPS ngoại hối, đặc biệt là các giải pháp này gắn với bối cảnh Việt Nam đang gia nhập vào thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng. CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CÔNG CỤ PHÁI SINH VÀ THỊ TRƯỜNG CÔNG CỤ PHÁI SINH NGOẠI HỐI 1.1 Công cụ phái sinh 1.1.1 Lịch sử hình thành công cụ phái sinh Mặc dù được xem là sản phẩm của nền kinh tế tài chính hiện đại, nhưng công cụ phái sinh manh nha hình thành từ rất lâu đời. Các hợp đồng tương lai hàng hóa được cho là xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào khoảng những năm 1700. Những người nông dân có thể mang gạo đến các thành phố lớn như Osaka, nơi mà gạo được lưu trữ và bán tại những cuộc đấu giá. Những nhà buôn được cấp phép sẽ đấu giá và người thắng cuộc sẽ bán gạo và nhận được một biên nhận để sau đó có thể đổi sang tiền mặt. Dần dần, những phiếu biên nhận này trở thành vật được giao dịch chính. Nhà buôn mua bán các giấy biên nhận này trên một thị trường riêng và gạo trở thành tài sản cơ sở. Đến khoảng năm 1730, sàn giao dịch gạo Dojima tại Nhật được hình thành, cho phép tiến hành mua bán gạo theo hai hình thức: giao ngay và kỳ hạn. Với hình thức giao ngay, các bên sẽ tiến hành giao nhận hàng hóa và biên nhận hàng sẽ được đổi thành tiền trong vòng 4 ngày. Với hình thức giao sau, các giao dịch sẽ được lưu vào sổ sách tại phòng thanh toán bù trừ. Kỳ hạn của các hợp đồng gạo này tối đa là 4 tháng. Các điều khoản của hợp đồng này cũng đã được tiêu chuẩn hóa, như số lượng, chất lượng và kỳ hạn hợp đồng tối đa là 4 tháng. Các hợp đồng này được thanh toán theo một trong hai cách: thanh toán bù trừ bằng tiền mặt khi đáo hạn hoặc ký một hợp đồng đối ứng. Tuy nhiên, sau hơn 200 năm hoạt động, thị trường đóng cửa vào năm 1937. Vào thập niên 40 thế kỷ XIX, Chicago đã trở thành một trung tâm thương mại lớn của Hoa Kỳ, do vậy, những người nông dân trồng lúa mì từ khắp nơi đều quy tụ về Chicago để bán sản phẩm của họ. Nếu giá cả tăng lên, nông dân luôn sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất, nhưng ngược lại nếu giá cả giảm sút sẽ xảy ra hiện tượng bán tống bán tháo hàng loạt dẫn đến những trường hợp không đủ nhà kho chứa lúa mì của nông dân. Ngoài ra, sự tồn tại những phương pháp nghèo nàn trong việc cân và phân loại hàng hóa đã đẩy người nông dân vào tình thế phải chịu sự định đoạt của các thương nhân. Cũng tương tự, những thương nhân luôn đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn do biến động trong giá cả gây nên. Một cơ chế để có thể giảm thiểu hay hạn chế những rủi ro trên là nhu cầu bức thiết. Bằng những thoả thuận trước về giá cả, người mua cũng như người bán có thể phòng ngừa được những rủi ro do biến động giá cả trong tương lai gây nên. Nhờ đó, nông dân xác định được một mức giá chắc chắn cho lượng hàng họ sẽ sản xuất ra mà không phải lo ngại về tình trạng nguồn cung quá lớn sẽ dẫn đến giảm giá, gây thiệt hại cho đời sống của họ. Những thương nhân đóng vai trò trung gian giữa nông dân và người tiêu dùng cuối cùng sẽ không còn phải lo ngại về những biến động bất lợi của giá cả khi họ có thể phải thu mua với giá cao và bán ra với mức giá thấp không được dự tính trước. Năm 1848, Sở giao dịch thương mại Chicago (CBOT) được thành lập nhằm mục đích trước hết là quy tụ các nông dân và thương nhân trong buôn bán ngũ cốc. Sở đã tiêu chuẩn hóa khối lượng và chất lượng sản phẩm giúp các bên dễ dàng trong việc định giá và thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hóa. Chỉ sau đó một vài năm, loại hợp đồng future đầu tiên, hợp đồng giao sau (toarrive contract) được ra đời. Hợp đồng toarrive này cho phép bên bán được giao hàng sau tại một thời điểm nhất định đã được thỏa thuận trước trong hợp đồng. Ngay lập tức, loại hợp đồng này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu cơ, giao dịch với loại hợp đồng này hấp dẫn hơn là chỉ mua bán hàng hóa đơn thuần, bởi lẽ người ta có thể mua đi bán lại các hợp đồng này trước đến hạn. Vào năm 1973, Sở giao dịch quyền chọn Chicago (The Chicago Board Options Exchange CBOE) bắt đầu giao dịch các hợp đồng quyền chọn mua (call options) đối với 16 loại cổ phiếu. Thực tế thì trước đó các loại hợp đồng quyền chọn đã được giao dịch, nhưng chỉ đến năm này Sở giao dịch quyền chọn Chicago (CBOE) mới áp dụng thành công các mẫu hợp đồng đã được Sở tiêu chuẩn hóa. Còn hợp đồng quyền chọn bán (put options) bắt đầu được giao dịch trên sàn từ năm 1977. Giờ đây Sở giao dịch quyền chọn Chicago cung cấp các hợp đồng quyền chọn với hơn 1.000 loại cổ phiếu và nhiều chỉ số cổ phiếu khác nhau. Quyền chọn tiền tệ lần đầu tiên được đưa vào giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán Philadenphia vào tháng 12 năm 1982. Đó là các quyền chọn Bảng Anh. Các quyền chọn tiền tệ cũng được kinh doanh trên Sở giao dịch quyền chọn Chicago (Chicago Board Options Exchange) và Sở giao dịch tài chính tương lai Quốc tế ở Luân Đôn (London International Financial Futures Exchange – LIFFE). Cũng giống như hợp đồng tương lai, các hợp đồng quyền chọn giờ đây cũng trở nên phổ biến và được giao dịch ở nhiều sàn giao dịch trên khắp thế giới. Từ các tài sản cơ sở đầu tiên chỉ là nông sản, đến nay, có thể nói bất kỳ một loại hàng hóa, dịch vụ nào cũng có thể trở thành tài sản cơ sở của các giao dịch phái sinh. Tài sản cơ sở của các hợp đồng quyền chọn có thể là ngoại hối, các hợp đồng tương lai, các loại chứng khoán hay chỉ số chứng khoán (Hull, 2009). Ngày nay, các công cụ đã vượt xa khỏi giới hạn của hợp đồng nông sản ban đầu, nó trở thành công cụ tài chính để phòng vệ rủi ro biến động giá cả hàng hóa, lãi suất, chứng khoán và tỷ giá. 1.1.2 Khái niệm Trên thế giới, phái sinh là một khái niệm quen thuộc đối với nhiều nhà đầu tư, đầu cơ, các tổ chức tài chính và phi tài chính. “Phái sinh” được dịch từ nguyên gốc tiếng Anh là “derivative”, có nghĩa là “bắt nguồn từ” hay “phát sinh từ”. Phái sinh được định nghĩa là một công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào (bắt nguồn từ) giá trị của các biến cơ sở hay tài sản cơ sở (underlying assets) (Hull 2012), là một công cụ tài chính có khoản thu nhập trong tương lai được phát sinh từ giá trị của các tài sản cơ sở (Rene 2004, tr.3) hay là các công cụ tài chính mà khoản thu nhập của chúng sẽ bắt nguồn từ khoản thu nhập của các công cụ tài chính khác (Don 2009). Trong trường hợp này “phái sinh” được coi là các công cụ. Có tác giả cho rằng phái sinh là một loại chứng khoán phát sinh giá trị của nó từ giá trị hoặc khoản lãi của các tài sản hay chứng khoán khác (CFA 2009, tr.159) và là các tài sản mà giá trị của chúng được xác định bởi giá trị của một số tài sản khác, gọi là tài sản cơ sở (KPMG 2009, tr.3). Còn theo Philippe Jorion (2003, tr.105): Công cụ phái sinh được xác định chung là một loại hợp đồng mà giá trị của nó được phát sinh từ giá cả của một vài tài sản cơ sở, tỷ giá tham chiếu hoặc giá trị của các chỉ số, như cổ phiếu, trái phiếu hay hàng hóa. Tại Việt Nam, trong Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (khoản 23. Điều 4) thuật ngữ sản phẩm phái sinh được giải thích là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về giá trị của một tài sản tài chính gốc như tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ hoặc tài sản tài chính khác. Về mặt ngôn ngữ, từ “phái sinh” (derivative hoặc derivatives) trong các tài liệu trên được dùng như một danh từ và hầu hết các định nghĩa đều thừa nhận phái sinh là một loại công cụ tài chính; số còn lại coi đó là một dạng tài sản hay một loại chứng khoán hoặc hợp đồng. Tuy khác nhau trong cách diễn đạt và chưa hoàn toàn thống nhất trong mô tả và gọi tên khái niệm này, song tất cả định nghĩa đều có một điểm chung là giá trị của phái sinh đều được bắt nguồn từ giá trị của các công cụ khác hoặc từ giá trị của các tài sản khác. Vậy nên hiểu “phái sinh” như thế nào cho đúng? Theo tác giả, nên hiểu “phái sinh” là một dạng công cụ vì ngay từ khi ra đời, bản thân “phái sinh” đã trở thành phương tiện giúp cho các đối tượng sở hữu nó đạt được một mục đích nhất định là phòng ngừa rủi ro về biến động giá cả. Không nên chỉ xem phái sinh là một dạng tài sản vì nếu như vậy thì phái sinh phải luôn đem lại giá trị dương về tiền như tất cả các loại tài sản khác, trong khi rõ ràng phái sinh có thể đưa lại giá trị âm. Phái sinh cũng không hoàn toàn giống như chứng khoán, vì bản chất của hai loại này là khác nhau. Chứng khoán như cổ phiếu hay trái phiếu ra đời nhằm mục đích huy động hay tăng vốn, trong khi phái sinh ra đời từ yêu cầu bảo hiểm rủi ro về giá. Là một công cụ tài chính, có nghĩa là giá trị của công cụ phái sinh không nằm ở hình thái vật chất của nó, mà ở các quyền pháp lý gắn với đối tượng được đề cập trong công cụ. Như giá trị của cổ phiếu không nằm ở hình thái vật chất là tờ giấy chứng nhận cổ phiếu mà phụ thuộc vào quyền lợi hay thu nhập hợp pháp trong tương lai từ cổ phiếu đó. Tương tự như vậy, giá trị công cụ phái sinh được “phát sinh” từ các quyền pháp lý trong tương lai liên quan đến tài sản cơ sở. Trong giai đoạn đầu phát triển của công cụ phái sinh, các tài sản cơ sở thường là hàng hóa hữu hình, như hàng nông sản, nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất... Giá trị của các công cụ phái sinh lúc này cũng dễ xác định vì nó có liên quan đến các quyền lợi pháp lý đối với các tài sản cơ sở dạng vật chất, ví dụ như quyền mua, bán, trao đổi các hàng hóa cơ sở. Tuy nhiên, ngày nay tài sản cơ sở của các công cụ phái sinh phát triển rất đa dạng, không những là các hàng hóa có thể mua bán và giao nhận bằng vật chất, mà còn là các hàng hóa vô hình, thậm chí cả những hàng hóa không bao giờ có thể mua bán được trên thị trường giao ngay như rủi ro tín dụng, chỉ số chứng khoán, chỉ số thời tiết, lượng khí các bon phát thải... Trong trường hợp này, giá trị của công cụ phái sinh sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi giá trị của các biến số cơ sở. Tại sao lại như vậy? Công cụ phái sinh hàm chứa trong nó quyền đối với những lợi ích mà những người sở hữu công cụ phái sinh nhận được trong tương lai. Một khi công cụ hàm chứa các lợi ích trong tương lai thì sẽ làm phát sinh các nhu cầu đối với lợi ích đó, như nhu cầu trao đổi, chuyển nhượng và mua bán công cụ phái sinh. Như vậy, thị trường công cụ phái sinh hình thành khi xuất hiện nhiều nhu cầu về trao đổi, chuyển nhượng, mua bán các công cụ phái sinh. Lúc này, các công cụ phái sinh sẽ được thể hiện dưới dạng các hợp đồng, trong đó quy định cam kết thực hiện nghĩa vụ của một hoặc các bên tham gia hợp đồng. Giá cả của tài sản cơ sở trong các hợp đồng phái sinh đều được xác định và thỏa thuận trước tại thời điểm ký kết hợp đồng; tuy nhiên việc thực hiện các cam kết thường được diễn ra sau một khoảng thời gian nhất định nên giá cả thị trường của các tài sản cơ sở hoặc giá trị các biến số cơ sở khi đó sẽ thay đổi. Sự thay đổi này sẽ làm thay đổi dòng tiền trong tương lai của các công cụ phái sinh, hay nói cách khác thu nhập trong tương lai của các công cụ phái sinh cũng sẽ thay đổi theo. Nói tóm lại, công cụ phái sinh là một công cụ tài chính mà thu nhập trong tương lai của nó phụ thuộc vào sự thay đổi của các biến số cơ sở, như giá của hàng hóa, tỷ giá, lãi suất, chỉ số chứng khoán hay các loại chỉ số khác. Phân loại Ngày nay, công cụ phái sinh phát triển rất đa dạng và vẫn không ngừng xuất hiện những loại công cụ phái sinh mới. Chúng ta có nhiều cách để phân loại công cụ phái sinh, nhưng phổ biến hơn cả là hai cách phân loại dựa vào 2 tiêu chí sau: Thứ nhất, dựa theo sự quy chuẩn của các công cụ phái sinh, chúng ta có thể chia chúng thành 2 nhóm lớn là phái sinh tiêu chuẩn và phái sinh phi tiêu chuẩn. Nhóm công cụ phái sinh tiêu chuẩn bao gồm: các hợp đồng tương lai (futures contracts) và hợp đồng quyền chọn tiêu chuẩn (plain vanilla options) được giao dịch trên thị trường có tổ chức hay các sàn giao dịch; nhóm còn lại bao gồm hợp đồng kỳ hạn (forward contracts), hợp đồng hoán đổi (swap contracts), quyền chọn ngoại lai (exotic options) và các công cụ phái sinh ngoại lai khác... được giao dịch trên thị trường phi tập trung (overthecounter). Thứ hai, dựa vào mối quan hệ giữa thu nhập của các công cụ phái sinh với giá trị của các biến cơ sở, chúng ta có hai loại chính: (1) công cụ phái sinh có thu nhập quan hệ tuyến tính với sự biến động của giá trị các biến cơ sở, bao gồm các cam kết kỳ hạn như công cụ kỳ hạn, công cụ tương lai, công cụ hoán đổi; (2) công cụ phái sinh có thu nhập quan hệ phi tuyến tính là công cụ quyền chọn. Đối với các công cụ nhóm 1, khi giá của tài sản cơ sở thay đổi thì lập tức khoản thu nhập của công cụ phái sinh cũng sẽ thay đổi tương ứng. Những hợp đồng dạng này nhìn chung tương đối dễ hiểu và dễ dàng trong việc định giá. Đối với nhóm 2, giá của tài sản cơ sở và khoản thu nhập của công cụ phái sinh có thể không biến động cùng tỷ lệ với nhau. Trên thực tế, các công cụ phái sinh ngoại lai (các công cụ lai tạo giữa các phái sinh cơ bản) thì gần như thay đổi thường xuyên, nhưng các công cụ cơ bản thì hầu như không thay đổi nhiều. Và cho dù các công cụ phái sinh được phân nhóm như thế nào thì tựu trung lại chúng cũng có những loại cơ bản sau đây: công cụ kỳ hạn (forwards), công cụ hoán đổi (swaps), công cụ tương lai (futures), công cụ quyền chọn (options). 1.1.3.1 Công cụ kỳ hạn Ra đời từ rất sớm, công cụ kỳ hạn là hình thức đơn giản nhất trong các công cụ phái sinh. Công cụ kỳ hạn là công cụ tài chính được áp dụng để mua bán một số lượng nhất định tài sản cơ sở ở một thời điểm xác định trong tương lai theo một mức giá đã được thỏa thuận trước. Nghĩa là, với công cụ kỳ hạn, hai bên mua bán có thể thỏa thuận trước các điều khoản liên quan hàng hóa cũng như các điều kiện giao nhận hàng hóa và thanh toán sẽ diễn ra trong tương lai. Công cụ kỳ hạn được thể hiện trên thị trường dưới hình thức là hợp đồng kỳ hạn. Khác với hợp đồng giao ngay, hợp đồng kỳ hạn có ngày thanh toán (hay còn gọi là ngày đáo hạn hoặc ngày giá trị hợp đồng) thông thường là sau hai ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian từ khi ký hợp đồng đến ngày thanh toán gọi là kỳ hạn của hợp đồng. Giá xác định áp dụng trong ngày thanh toán hợp đồng gọi là giá kỳ hạn. Công cụ kỳ hạn được sử dụng để mua bán một loại tài sản vào một thời điểm cụ thể trong tương lai, nhưng tại thời điểm hiện tại các bên sẽ xác định trước mức giá áp dụng cũng như cách thức thanh toán và kết thúc hợp đồng. Một số đặc điểm của công cụ kỳ hạn: Công cụ kỳ hạn là công cụ tài chính tự do thỏa thuận. Các bên tham gia được tự do thỏa thuận các điều khoản, như loại tài sản cơ sở, số lượng, chất lượng hay tiêu chuẩn hàng hóa, giá kỳ hạn, thời gian đáo hạn, cách thức giao hàng, cách thức thanh toán và kết thúc hợp đồng. Công cụ kỳ hạn không yêu cầu bất kỳ một khoản thanh toán nào từ hai phía ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng kỳ hạn. Việc giao hàng và thanh toán giá trị của hợp đồng sẽ được tiến hành khi hợp đồng đáo hạn. Do các điều khoản của hợp đồng không được chuẩn hóa, hợp đồng kỳ hạn được giao dịch trên thị trường phi tập trung hay thị trường OTC. Khi tham gia vào hợp đồng kỳ hạn, hai bên mua bán không phải tiến hành đặt cọc để bảo bảo khả năng thực hiện hợp đồng của mình nên rủi ro đối tác, rủi ro tín dụng trong hợp đồng hoán đổi là rất lớn. Các chủ thể của thị trường chủ yếu sử dụng công cụ kỳ hạn với mục đích phòng vệ rủi ro về biến động giá cả của hàng hóa cơ sở hơn là mục đích đầu cơ và kinh doanh chênh lệch giá. Do các điều khoản của hợp đồng kỳ hạn không được chuẩn hóa nên tính thanh khoản của các hợp đồng này không cao, dẫn đến việc các nhà đầu cơ sẽ khó khăn trong việc giao dịch hợp đồng này trên thị trường thứ cấp. Có 2 cách thức phổ biến để kết thúc hợp đồng kỳ hạn khi đáo hạn: (1) kết thúc bằng việc một bên sẽ giao hàng thật sự và bên kia sẽ thanh toán giá trị hợp đồng theo giá kỳ hạn; (2) kết thúc hợp đồng bằng việc thanh toán bằng tiền mặt (bù trừ chênh lệch giữa giá giao ngay vào giá kỳ hạn). Đa số các hợp đồng kỳ hạn đều được kết thúc theo cách thứ nhất. Ngoài ra, các bên tham gia hợp đồng còn có thể chọn cách muabán lại hợp đồng trước khi đáo hạn; tuy vậy, do hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận riêng của hai bên mua bán trước đó nên rất khó để nó được mua bán lại. Đối với hợp đồng có thỏa thuận là giao hàng vật chất vào một ngày đã được xác định trước, một bên sẽ có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán và bên kia có nghĩa vụ giao hàng và nhận tiền cho một số lượng cụ thể tài sản cơ sở với mức giá mức giá đã xác định, bất chấp giá thị trường lúc đó là bao nhiêu đi nữa. Trong trường hợp nếu giao hàng thật là khó khăn hoặc có sự thỏa thuận trước của hai bên mua bán, hợp đồng kỳ hạn có thể không thực hiện việc giao hàng thực tế vào thời điểm đáo hạn mà chỉ tiến hành thanh toán bù trừ giữa giá giao ngay với giá kỳ hạn của tài sản cơ sở. Ví dụ, nếu tài sản cơ sở là chỉ số của một thị trường chứng khoán (giả sử là HNX30), việc thực hiện thanh toán bù trừ bằng tiền mặt chắc chắn sẽ được hai bên lựa chọn vì dễ dàng thực hiện hơn nhiều so với giao hàng thật. Vào ngày đáo hạn, bên mua nhận một khoản thanh toán nếu giá giao ngay cao hơn giá kỳ hạn; bên bán sẽ nhận một khoản thanh toán nếu giá giao ngay thấp hơn giá kỳ hạn của tài sản cơ sở. Như đã trình bày ở trên, các hợp đồng kỳ hạn sẽ phải chờ đến ngày đáo hạn của hợp đồng để t
MỤC LỤC DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ LỜI MỞ ĐẦU .1 1.1 Công cụ phái sinh 11 1.1.1 Lịch sử hình thành công cụ phái sinh 11 1.1.2 Khái niệm 13 1.1.3 Phân loại 15 1.1.3.1 Công cụ kỳ hạn .16 1.1.3.2 Công cụ tương lai 18 1.1.3.3 Công cụ hoán đổi 21 1.1.3.4 Công cụ quyền chọn 23 1.1.4 Ưu điểm nhược điểm công cụ phái sinh kinh tế 1.1.4.1 Ưu điểm 26 1.1.4.2 Nhược điểm .30 1.2 Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 32 1.2.1 Khái niệm 32 1.2.1.1 Thị trường công cụ phái sinh 32 1.2.1.2 Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 34 1.2.2 Phân loại thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 34 1.2.2.1 Theo tính chất tập trung 34 1.2.2.2 Theo loại công cụ phái sinh 35 1.2.3 Các loại giao dịch thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 35 1.2.3.1 Giao dịch kỳ hạn ngoại hối 35 1.2.3.2 Giao dịch tương lai ngoại hối 36 1.2.3.3 Giao dịch hoán đổi ngoại hối 36 1.2.3.4 Giao dịch quyền chọn ngoại hối 37 1.2.4 Giá công cụ phái sinh ngoại hối 39 1.2.4.1 Định giá hợp đồng kỳ hạn ngoại hối 39 1.2.4.2 Định giá hợp đồng tương lai ngoại hối 40 1.2.4.3 Định giá hợp đồng hoán đổi ngoại hối 40 1.2.4.4 Định giá hợp đồng quyền chọn ngoại hối 40 1.2.5 Các chủ thể tham gia thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 42 26 1.2.5.1 Theo mục đích sử dụng công cụ phái sinh 42 1.2.5.2 Theo tính chất hoạt động chủ thể 43 1.2.6 Cách thức giao dịch thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 43 1.3 Các điều kiện phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 44 1.3.1 Nhu cầu sử dụng công cụ phái sinh ngoại hối 44 1.3.2 Tài sản sở 45 1.3.3 Những sở pháp lý cho giao dịch phái sinh ngoại hối 46 1.3.4 Điều kiện vật chất, kỹ thuật nguồn nhân lực .48 1.3.5 Các công cụ phái sinh ngoại hối 49 1.4 Sự cần thiết phải phát triển thị trường công cụ phái sinh điều kiện hội nhập kinh tế tài quốc tế nói chung ngoại hối nói riêng Việt Nam .50 1.4.1 Trào lưu hội nhập kinh tế tài quốc tế ảnh hưởng đến phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam .50 1.4.2 Sự cần thiết phải phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối điều kiện hội nhập 52 1.4.2.1 Là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập thỏa mãn nhu cầu ngoại tệ phòng vệ rủi ro tỷ giá 52 1.4.2.2 Là công cụ hữu hiệu giúp ngân hàng thương mại cân đối trạng thái ngoại hối hạn chế rủi ro lãi suất tỷ giá biến động 53 1.4.2.3 Là công cụ giúp hoàn thiện chức thị trường ngoại hối 54 Tổng kết chương .55 CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÁC CÔNG CỤ PHÁI SINH NGOẠI HỐI TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 56 2.1 Thực trạng phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối giới 56 2.1.1 Thực trạng thị trường công cụ phái sinh .56 2.1.1.1 Thị trường tập trung 57 2.1.1.2 Thị trường phi tập trung 58 2.1.2 Thực trạng thị trường công cụ phái sinh ngoại hối .60 2.1.2.1 Hệ thống văn pháp lý điều chỉnh giao dịch phái sinh ngoại hối 61 2.1.2.2 Quy mô thị trường doanh số giao dịch 63 2.1.2.3 Chủ thể tham gia thị trường ngoại hối 66 2.1.3 Đánh giá thị trường công cụ phái sinh ngoại hối giới 72 2.1.3.1 Những kết đạt 72 2.1.3.2 Những hạn chế 73 2.2 Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối số nước 74 2.2.1 Nhật Bản 74 2.2.1.1 Thị trường công cụ phái sinh tập trung 74 2.2.1.2 Thị trường công cụ phái sinh phi tập trung 76 2.2.2 Ấn Độ 76 2.2.2.1 Thị trường công cụ phái sinh tập trung 77 2.2.2.2 Thị trường công cụ phái sinh phi tập trung 79 2.2.3 Trung Quốc 81 2.2.3.1 Thị trường công cụ phái sinh tập trung 81 2.2.3.2 Thị trường công cụ phái sinh phi tập trung 82 2.2.4 Bài học kinh nghiệm Việt Nam 83 2.3 Thực trạng phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam .85 2.3.1 Quá trình hình thành phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 85 2.3.1.1 Thị trường công cụ phái sinh kỳ hạn 86 2.3.1.2 Thị trường công cụ phái sinh hoán đổi .91 2.3.1.3 Thị trường công cụ phái sinh quyền chọn 94 2.3.2 Thực trạng thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam 97 2.3.2.1 Tỷ trọng tốc độ tăng thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 97 2.3.2.2 Các công cụ phái sinh ngoại hối NHTM cung cấp 100 2.3.2.3 Cơ cấu doanh số giao dịch phái sinh ngoại hối 101 2.3.3 Đánh giá thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam 106 2.3.3.1 Những kết đạt 106 2.3.3.2 Những hạn chế nguyên nhân 107 Tổng kết chương 110 CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÁC CÔNG CỤ PHÁI SINH NGOẠI HỐI TẠI VIỆT NAM 111 3.1 Dự báo quy mô xu hướng phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối 111 3.1.1 Dự báo quy mô phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối giới Việt Nam 111 3.1.1.1 Dự báo quy mô thị trường công cụ phái sinh ngoại hối giới 111 3.1.1.2 Dự báo quy mô thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam 113 3.1.2 Các xu hướng phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối giới 113 3.1.2.1 Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối phi tập trung trung tâm thị trường phái sinh ngoại hối toàn cầu 113 3.1.2.2 Xu hướng hợp thị trường công cụ phái sinh .114 3.1.2.3 Xu hướng tiêu chuẩn hóa sản phẩm thị trường công cụ phái sinh 116 3.2 Quan điểm phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam 116 3.3 Phân tích điều kiện phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam 118 3.3.1 Nhu cầu sử dụng hợp đồng phái sinh 118 3.3.2 Tài sản sở .121 3.3.3 Cơ sở pháp lý cho hoạt động phái sinh 122 3.3.4 Điều kiện vật chất, kỹ thuật nguồn nhân lực 124 3.3.5 Các công cụ phái sinh 125 3.3.6 Đánh giá điều kiện phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam 126 3.4 Các giải pháp nhằm phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam 128 3.4.1 Đối với Ngân hàng thương mại 129 3.4.1.1 Các Ngân hàng thương mại cần trọng việc quảng bá giới thiệu công cụ phái sinh đến doanh nghiệp 129 3.4.1.3 Ngân hàng thương mại cần trọng phát triển nguồn nhân lực 134 3.4.1.4 Hoàn thiện sở hạ tầng công nghệ thông tin 135 3.4.1.5 Các Ngân hàng thương mại cần tăng cường quản trị rủi ro kinh doanh ngoại hối 136 3.4.1.6 Đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng liên quan đến ngoại tệ .137 3.4.2 Đối với doanh nghiệp 138 3.4.2.1 Các doanh nghiệp sử dụng cần chủ động tích cực tìm hiểu công cụ phái sinh 138 3.4.2.2 Cần thay đổi quan niệm “lỗ” thị trường công cụ phái sinh 138 3.5 Một số kiến nghị nhằm phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam 139 3.5.1 Đối với Ngân hàng Nhà nước 138 3.5.1.1 Hoàn chỉnh văn pháp lý điều chỉnh giao dịch phái sinh 138 3.5.1.2 Ngân hàng Nhà nước nên đẩy nhanh việc nới rộng biên độ giao động tiến đến áp dụng chế độ tỷ giá, lãi suất linh hoạt tự 143 3.5.1.3 Xây dựng hành lang quản lý rủi ro trạng thái ngoại hối mở 145 3.5.1.4 Nghiên cứu áp dụng hợp đồng khung ISDA hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán nghiệp vụ phái sinh 145 3.5.2 Về phía Hiệp hội ngân hàng doanh nghiệp 146 3.5.2.1 Làm cầu nối tổ chức hội thảo đào tạo chuyên đề 146 3.5.2.2 Hỗ trợ phối hợp với NHTM nâng cao nhận thức doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng công cụ phái sinh 147 3.5.2.3 Hỗ trợ cung cấp thông tin số liệu thống kê cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhà nghiên cứu độc lập .147 Tổng kết chương 148 KẾT LUẬN .149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT I CÁC TỪ VIẾT TẮT BẰNG TIẾNG VIỆT TT Từ viết tắt Tiếng Việt CCPS Công cụ phái sinh CKPS Chứng khoán phái sinh DN Doanh nghiệp NH Ngân hàng NHNN Ngân hàng Nhà nước NHTM Ngân hàng thương mại NHTMCP NK QLNH 10 SGD 11 TCTD Tổ chức tín dụng 12 TMCP Thương mại cổ phần 13 UBCK Ủy ban Chứng khoán 14 XK 15 XNK Ngân hàng thương mại cổ phần Nhập Quản lý ngoại hối Sàn giao dịch Xuất Xuất nhập II CÁC TỪ VIẾT TẮT BẰNG TIẾNG ANH TT Từ viết tắt ACB Tiếng Anh Nghĩa tiếng Việt Asia Commercial Bank Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu ADcategory I Authorised dealers cartegory I Thành viên kinh doanh ủy quyền cấp I Argribank Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam BIDV Bank for Investment and Development of Vietnam Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam BIS Bank for International Settelment Ngân hàng toán quốc tế CBOE The Chicago Board Option Exchange Sở giao dịch quyền chọn Chicago CBOT The Chicago Board of Trade Sở giao dịch thương mại Chicago CDS Credit default swap Hoán đổi rủi ro tín dụng CFA The Chartered Financial Analyst Chuyên gia phân tích đầu tư tài 10 CME Chicago Merchantile Exchange Sở giao dịch hàng hóa Chicago 11 EMEs Emerging market economies Các kinh tế thị trường 12 EUR Euro Đồng Euro Vietnam Export Import Commercial Joint – Stock Bank Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập Việt Nam 13 Eximbank 14 FED Federal Reserve System Cục dự trữ Liên bang Mỹ 15 IMF International Moneytary Fund Qũy tiền tệ quốc tế 16 ISDA International Swaps and Derivatives Association Hiệp hội phái sinh hoán đổi quốc tế 17 LIFFE London International Sở giao dịch tương lai tài Financial Futures Exchange quốc tế Luân Đôn 18 MB Military Bank Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội 19 MSB Maritime Bank Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam 20 NSE National Stock Exchange Sở giao dịch chứng khoán Quốc gia (Ấn Độ) 21 OSE Osaka Securities Exchange Sở giao dịch chứng khoán Osaka 22 OTC Over-the-counter Thị trường phi tập trung 23 RBI Reserve Bank of India Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ 24 RMB Reminbi Nhân dân tệ 25 SEBI Securities and exchange Board of India Sở giao dịch chứng khoán Ấn Độ 26 SWIFT Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication Hiệp hội mạng viễn thông tài liên ngân hàng toàn giới 27 TFX Tokyo Financial Exchange Sở giao dịch tài Tokyo 28 TIFFX Tokyo International financial futures exchange Sở giao dịch tương lai tài quốc tế Tokyo 29 TSE Tokyo Stock Exchange Sở giao dịch chứng khoán Tokyo 30 USD United States dollar Đô la Mỹ 31 WFE World Federation of Exchanges Liên đoàn sàn giao dịch giới 32 VIB Vietnam International Bank Ngân hàng Quốc tế VCB Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam 33 34 Vietinbank 35 VND Vietnamese Dong Đồng Việt Nam 36 VNX Vietnam Commodity Exchange Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam III DANH MỤC CÁC BẢNG TT Số hiệu Bảng 1.1 Bảng 1.2 Bảng 1.3 Bảng 2.1 Bảng 2.2 Bảng 2.3 Bảng 2.4 Bảng 2.5 Bảng 2.6 10 Bảng 2.7 11 Bảng 2.8 12 Bảng 2.9 13 Bảng2.10 14 Bảng2.11 15 Bảng 3.1 16 Bảng 3.2 17 Bảng 3.3 18 Bảng 3.4 Tên bảng Trang Hợp đồng cà phê Robusta loại Sở giao dịch hàng hóa 19 Việt Nam Lợi nhuận bốn vị quyền chọn 25 Tổng hợp yếu tố tác động đến giá quyền chọn 42 Doanh số giao dịch hàng ngày thị trường ngoại hối 63 Giá trị giao dịch ngoại hối thị trường tập trung 64 Tổng hợp số liệu việc sử dụng công cụ phái sinh 71 giới Giá trị giao dịch phái sinh ngoại hối Ấn Độ (20082013) Bảng tổng hợp biên độ giao động phép tỷ giá đồng Việt Nam đô la Mỹ Doanh số giao dịch trung bình ngày thị trường ngoại hối toàn cầu Tỷ trọng giao dịch ngoại hối thị trường ngoại hối Việt Nam Doanh số giao dịch ngoại hối trung bình ngày kinh tế Các công cụ phái sinh áp dụng NHTM Việt Nam Cơ cấu công cụ phái sinh thị trường ngoại hối Việt Nam Giá trị hợp đồng giao dịch phái sinh tiền tệ NHTM Việt Nam Mức độ hiểu biết doanh nghiệp công cụ phái sinh Tình hình sử dụng công cụ phái sinh doanh nghiệp Việt Nam Tần suất mục đích áp dụng công cụ phái sinh doanh nghiệp Khó khăn doanh nghiệp tiếp cận công cụ phái sinh 77 88 98 98 99 100 102 105 119 119 120 127 DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ TT Số hiệu Biểu đồ 2.1 Biểu đồ 2.2 Tên biểu đồ Quy mô thị trường CCPS tập trung phi tập trung Tổng giá trị thị trường CCPS tập trung (2008-2014) Trang 56 57 Biểu đồ 2.3 58 10 Biểu đồ 2.4 Biểu đồ 2.5 11 Biểu đồ 2.11 12 Biểu đồ 3.1 13 Biểu đồ 3.2 Cơ cấu CCPS sàn tập trung theo khu vực Cơ cấu CCPS giao dịch sàn tập trung năm 2014 Quy mô thị trường CCPS phi tập trung Cơ cấu CCPS giao dịch phi tập trung năm 2014 Cơ cấu giá trị danh nghĩa theo tài sản sở Cơ cấu công cụ phái sinh ngoại hối Cơ cấu thị trường CCPS theo nhóm chủ thể tham gia Tỷ lệ doanh nghiệp đối mặt với loại rủi ro Số lượng hợp đồng ngoại hối số sàn giao dịch chủ yếu Dự báo xu hướng thị trường CCPS ngoại hối tập trung đến năm 2020 Dự báo xu hướng thị trường CCPS ngoại hối phi tập trung đến năm 2020 Biểu đồ 2.6 Biểu đồ 2.7 Biểu đồ 2.8 Biểu đồ 2.9 Biểu đồ 2.10 58 59 60 65 65 67 68 76 112 112 170 □ Các doanh nghiệp khác □ Các quỹ đầu tư □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): 11 Khách hàng sử dụng công cụ phái sinh do: □ Được ngân hàng tư vấn □ Bản thân khách hàng nhận thức lợi ích việc sử dụng công cụ □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): 12 Doanh nghiệp anh/chị có nhu cầu sử dụng công cụ phái sinh hay không? □ Có □ Không 13 Những khó khăn/cản trở mà doanh nghiệp anh/chị gặp phải áp dụng công cụ phái sinh phái sinh: a Khó khăn từ phía chủ quan doanh nghiệp: □ Chưa biết công cụ phái sinh □ Chưa nhận thức đầy đủ chất (lợi ích mặt trái) công cụ phái sinh □ Thiếu thông tin sản phẩm phái sinh từ ngân hàng/doanh nghiệp cung cấp □ Không có nhu cầu sản phẩm □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): b Khó khăn khách quan: □ Không đa dạng sản phẩm phái sinh □ Thủ tục tiến hành giao dịch phức tạp □ Ngân hàng/doanh nghiệp cung cấp chưa quan tâm đến hoạt động quảng bá sản phẩm phái sinh cho khách hàng □ Ngân hàng/doanh nghiệp cung cấp sách/kế hoạch cụ thể phát triển giao dịch phái sinh □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG Anh/chị đánh giá thị trường công cụ phái sinh nói chung Việt Nam mức độ nào? □ Hoàn toàn chưa hình thành □ Đã hình thành phát triển mức thấp □ Phát triển mức trung bình II 171 □ Phát triển mức cao Anh/chị vui lòng lý giải rõ câu trả lời trên: Anh/chị đánh giá mức độ quan trọng yếu tố ảnh hưởng đến phát triển thị trường công cụ phái sinh Việt Nam? Các yếu tố Năng lực tài ngân hàng/doanh nghiệp cung cấp công cụ phái sinh Nhu cầu sử dụng khách hàng Sự phát triển thị trường tài sản (hàng hóa) sở Sự phong phú công cụ phái sinh Điều kiện sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm chuyên dụng Cơ sở pháp lý điều chỉnh giao dịch phái sinh Việt Nam Hoạt động quảng bá, thông tin cho khách hàng công cụ phái sinh Khác: Rất quan trọng Bình thường Không quan trọng 1 2 3 4 5 1 2 3 4 5 5 Anh/chị tin tưởng vào khả phát triển giao dịch phái sinh Việt Nam □ Rất tin tưởng □ Tin tưởng □ Không tin tưởng □ Vẫn hoài nghi □ Hoàn toàn không tin tưởng Anh/chị vui lòng lý giải rõ câu trả lời trên: Để phát triển thị trường phái sinh Việt Nam, anh/chị có đề xuất/kiến nghị gì? PHỤ LỤC 4: BẢNG CÂU HỎI PHỎNG VẤN SÂU CHUYÊN GIA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG KHOA SAU ĐẠI HỌC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TIẾN SỸ CHUYÊN NGÀNH KTTG&QHKTQT 172 ĐỀ TÀI: THỊ TRƯỜNG CÁC CÔNG CỤ PHÁI SINH THẾ GIỚI VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM BẢNG CÂU HỎI PHỎNG VẤN SÂU CHUYÊN GIA Tôi là: Nguyễn Thị Quỳnh Nga, nghiên cứu sinh khóa 15 trường Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế giới Quan hệ Kinh tế quốc tế với đề tài: Thị trường công cụ phái sinh giới giải pháp phát triển Việt Nam Trong khuôn khổ nội dung đề tài, muốn tìm hiểu tình hình sử dụng công cụ phái sinh ngoại hối, thuận lợi khó khăn phát triển thị trường công cụ phái sinh nói chung thị trường CCPS ngoại hối nói riêng Việt Nam Tôi mong anh/chị dành khoảng 30 phút quý báu để trả lời bảng câu hỏi Các câu trả lời anh/chị giúp hoàn thành phần nội dung quan trọng luận án tiến sỹ Tôi xin trân trọng cảm ơn! Tất thông tin phiếu câu hỏi sử dụng vào mục đích nghiên cứu khuôn khổ nội dung luận án tiến sỹ nói Tôi cam kết không sử dụng thông tin vào mục đích khác THÔNG TIN CHUNG: 15 Tên ngân hàng: 16 Địa chỉ: 17 Số điện thoại/Fax 18 Họ tên người trả lời: 19 Chức vụ 20 Số điện thoại 21 Địa email III TÌNH HÌNH CUNG CẤP CÁC CÔNG CỤ PHÁI SINH NGOẠI HỐI 14 Hiện nay, Ngân hàng anh/chị phép cung cấp công cụ phái sinh nào? □ Kỳ hạn □ Quyền chọn □ Hoán đổi □ Khác: 15 Giao dịch phái sinh Ngân hàng anh/chị thực vào năm nào? 16 Giao dịch kỳ hạn chủ yếu thực với: □ Ngoại tệ □ Lãi suất □ Khác (vui lòng ghi rõ): 17 Giao dịch quyền chọn chủ yếu thực với: □ Ngoại tệ □ Lãi suất □ Khác (vui lòng ghi rõ): 18 Giao dịch hoán đổi chủ yếu thực với: □ Ngoại tệ □ Lãi suất □ Khác (vui lòng ghi rõ): 19 Sắp xếp doanh thu giao dịch phái sinh hàng năm ngân hàng anh/chị theo thứ tự từ cao xuống thấp (Ghi số vào ô cao ghi số vào ô thấp nhất) : □ Kỳ hạn □ Quyền chọn □ Hoán đổi □ Khác: 173 20 Ngân hàng anh/chị thực giao dịch phái sinh nhằm mục đích nào? □ Cân đối trạng thái ngoại hối □ Phòng ngừa rủi ro tỷ giá lãi suất □ Kinh doanh thu lợi nhuận (mua thấp, bán cao) □ Đầu □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): 21 Ước lượng doanh thu giao dịch phái sinh chiếm khoảng % tổng doanh thu hoạt động kinh doanh ngoại hối ngân hàng anh/chị? □ Dưới 10% □ Từ 10 – 20% □ Từ 20 – 30 % □ Trên 30 % 22 Những khó khăn/cản trở mà Ngân hàng anh/chị gặp phải thực giao dịch phái sinh: a Khó khăn từ phía chủ quan ngân hàng: □ Hạn chế sở vật chất, kỹ thuật □ Thiếu nhân lực có chuyên môn sâu □ Không đa dạng sản phẩm phái sinh □ Thủ tục tiến hành giao dịch phức tạp □ Ngân hàng chưa quan tâm đến hoạt động quảng bá sản phẩm phái sinh cho khách hàng □ Ngân hàng sách/kế hoạch cụ thể phát triển giao dịch phái sinh □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): b Khó khăn khách quan: □ Khách hàng chưa nhận thức đầy đủ chất (lợi ích mặt trái)của công cụ phái sinh □ Khách hàng thiếu thông tin sản phẩm phái sinh từ ngân hàng □ Khách hàng nhu cầu sản phẩm □ Cơ chế tỷ giá chưa khuyến khích khách hàng tham gia sản phẩm phái sinh □ Hệ thống văn pháp lý điều chỉnh giao dịch phái sinh chưa đầy đủ □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): 23 Ngân hàng anh/chị có sách/biện pháp cụ thể để phát triển giao dịch phái sinh? 174 IV TÌNH HÌNH SỬ DỤNG CÁC CÔNG CỤ PHÁI SINH Ngân hàng anh/chị thực giao dịch phái sinh với đối tượng khách hàng nào? □ Ngân hàng thương mại khác □ Doanh nghiệp □ Quỹ đầu tư □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): Mức độ hiểu biết khách hàng giao dịch phái sinh: □ Hiểu rõ □Hiểu rõ □Bình thường □Không hiểu □Hoàn toàn không hiểu Đối tượng khách hàng hiểu biết rõ giao dịch phái sinh: □Ngân hàng thương mại khác □ Doanh nghiệp □ Quỹ đầu tư □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): Đối tượng khách hàng hiểu biết giao dịch phái sinh: □Ngân hàng thương mại khác □ Doanh nghiệp □ Quỹ đầu tư □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): Đối tượng khách hàng tham gia nhiều giao dịch phái sinh: □Ngân hàng thương mại khác □ Doanh nghiệp nhà nước □ Doanh nghiệp tư nhân nước □ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước □ Quỹ đầu tư □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): Các khách hàng thực giao dịch phái sinh với Ngân hàng anh/chị nhằm mục đích gì? □ Phòng ngừa rủi ro □ Đầu □ Kinh doanh chênh lệch giá □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): 175 Khách hàng sử dụng công cụ phái sinh do: □ Được ngân hàng tư vấn □ Bản thân khách hàng nhận thức lợi ích việc sử dụng công cụ □ Khác (xin vui lòng ghi rõ): V ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG Anh/chị đánh giá thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam mức độ nào? □ Hoàn toàn chưa hình thành □ Đã hình thành phát triển mức thấp □ Phát triển mức trung bình □ Phát triển mức cao Anh/chị vui lòng lý giải rõ câu trả lời trên: Anh/chị đánh giá mức độ quan trọng yếu tố ảnh hưởng đến phát triển thị trường công cụ phái sinh ngoại hối Việt Nam cách khoanh tròn phương án chọn Trong đó: 1: Không quan trọng, 2: Ít quan trọng, 3:bình thường, 4: quan trọng, 5: quan trọng Không quan trọng Bình thường Rất quan trọng Các yếu tố Năng lực tài ngân hàng Nhu cầu sử dụng khách hàng Sự phát triển thị trường tài sản (hàng hóa) sở Sự phong phú công cụ phái sinh Điều kiện sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm chuyên dụng Cơ sở pháp lý điều chỉnh giao dịch phái sinh Việt Nam Hoạt động quảng bá, thông tin cho khách hàng công cụ phái sinh Khác (xin vui lòng ghi rõ): Anh/chị tin tưởng vào khả phát triển giao dịch phái sinh Việt Nam □ Rất tin tưởng □ Tin tưởng □ Không tin tưởng □ Vẫn hoài nghi □ Hoàn toàn không tin tưởng 176 Anh/chị vui lòng lý giải rõ câu trả lời trên: Để phát triển thị trường phái sinh Việt Nam, anh/chị có đề xuất/kiến nghị gì? Xin trân trọng cảm ơn 177 PHỤ LỤC 5: Biểu đồ, bảng số liệu thị trường công cụ phái sinh giới Biểu đồ : Tỷ trọng giá trị giao dịch tương lai theo loại tài sản sở Đơn vị tính: tỷ USD Nguồn: Báo cáo BIS Biểu đồ 2: Giá trị giao dịch phái sinh tương lai theo khu vực địa lý Đơn vị tính: tỷ USD Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo BIS Biểu đồ 3: Số lượng hợp đồng tương lai giao dịch qua năm Đơn vị tính: triệu hợp đồng Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo BIS Biểu đồ 4: Cơ cấu giá trị thị trường phi tập trung theo tài sản sở Đơn vị: tỷ USD Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo BIS Biểu đồ 5: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh ngoại hối tài sản sở khác Đơn vị tính: tỷ lệ % Nguồn: Bodnar, 2011 Bảng 1: Tổng số hợp đồng quyền chọn giao dịch thị trường tập trung Đơn vị: triệu hợp đồng Tài sản sở Lãi suất Ngoại tệ Chỉ số CK Hàng hóa Tổng 2006 2007 2008 2009 2010 Số lượng hợp đồng hiệu lực 2011 2012 2013 2014 38,3 1,4 47,3 3,5 35,3 2,8 51,9 2,8 62,1 2,8 45,9 2,6 53,4 3,6 50,1 3,7 65,6 14,5 119,8 78,9 17,6 147,3 91,9 19,5 149,5 82,9 18,8 156,4 74,0 22,2 161,1 70,6 20,4 139,5 69,5 18,6 145,1 142,0 38,2 227,7 50,4 7,9 68,7 36,6 163,6 Số lượng hợp đồng giao dịch kỳ Lãi suất Ngoại tệ Chỉ số CK 566,6 24,4 3.177, 663,3 46,5 3.815, 617,8 59,8 4.174, 527,6 42,3 4.246, 652,9 56,5 5.103, 665,5 293,7 555,7 274,7 564,9 411,4 565,9 248,7 3.290, Hàng hóa Tổng 106,1 3.874, 132,0 4.657, 154,4 5.006, 132,9 4.949, 154,7 5.967, 5.816,8 172,9 6.948, 3.715,7 182,1 4.728, 2.936,4 244,5 4.157, 233 4.338, 2 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo BIS WFE Bảng 2: Giá trị giao dịch hợp đồng quyền chọn theo tài sản sở thị trường tập trung Đơn vị: tỷ USD Tài sản 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 Giá trị danh nghĩa hợp đồng hiệu lực sở 31.874,0 Lãi suất 38.116,5 44.281,6 33.978,8 46.428,7 40.930,0 31.579,6 25.909,7 32.796,7 143,5 Ngoạ i tệ 78,7 132,8 129,3 147,3 144,2 87,2 105,3 142,8 5.671,5 Chỉ số CK 5.528,4 6.625,0 4.272,6 4.803,5 4.560,3 3.398,9 3.940,6 5.755,0 37.689,0 Tổn g 43.723,6 51.039,4 38.380,7 51.379,5 45.634,5 35.065,7 29.955,6 38.694,5 Giá trị hợp đồng giao dịch kỳ Lãi 446.021, 547.629, 526.633, 434.601, 468.872, 466.281, 308.603, 354.366, suất 1 0 3 334.809, 3.069,7 Ngo ại tệ 1.119,9 2.140,6 2.781,8 1.980,3 3.048,5 2.525,1 2.382,7 3.392,5 148.123, Chỉ số CK 99.331,0 152.395, 136.381, 134.741, 166.556, 97.053,6 112.804, 97.703,6 Cơ cấu thị trường HĐ giao dịch kỳ 314.803, Bắc 361.397, 414.901, 323.330 216.390, Mỹ ,2 261.544, 262.514, 194.065, 227.065, 116.075, Châ 127.016 203.789 276.005, 258.557, 251.485, 258.265 157.061 200.040 u Âu ,7 55.061, ,8 77.882, 60.095, 52.751,4 82.757 ,4 102.912, ,8 48.132,3 ,5 37.596, 49.983,2 ,3 C.Á- TBD 5.141,0 Khá c 2.996, 5.591,5 6.365,4 5.936,2 10.875, 11.670, 9.430,2 5.860,0 486.003, Tổn g 546.472, 702.165, 665.796, 533.634, 606.661, 635.363, 408.689, 470.563, Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo BIS Bảng 3: Kết dự báo quy mô thị trường CCPS ngoại hối tập trung Model Statistics Model Number of Predictors Model Fit statistics Ljung-Box Q(18) Stationary Rsquared Ytaptrung-Model_1 Statistics 123 DF Number of Outliers Sig Forecast Model 2014 Ytaptrung-Model_1 2015 2016 2017 2018 2019 Forecast 394 409 427 447 467 488 UCL 484 513 535 556 577 598 LCL 304 306 320 338 357 378 Model 2020 Ytaptrung-Model_1 Forecast 509 UCL 619 LCL 398 Bảng 4: Kết dự báo quy mô thị trường CCPS ngoại hối phi tập trung Model Statistics Model Number of Predictors Model Fit statistics Stationary Rsquared Yotc-Model_1 Ljung-Box Q(18) Statistics 127 DF Number of Outliers Sig Forecast Model Yotc-Model_1 2014 2015 2017 2018 2019 Forecast 73608 77028 80648 84379 88171 91997 UCL 85410 90803 95110 99113 103019 106892 LCL 61806 63253 66185 69645 73323 77101 Model 2020 Forecast Yotc-Model_1 2016 95841 UCL 110754 LCL 80929