1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại một số trường đại học ở hà nội

133 1,6K 8

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 133
Dung lượng 1,36 MB

Nội dung

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN --- VŨ HOÀNG PHƯƠNG LOAN KHẢO SÁT LỖI NGỮ PHÁP TRONG SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT CỦA SINH VIÊN TRUNG QUỐC TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠ

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

VŨ HOÀNG PHƯƠNG LOAN

KHẢO SÁT LỖI NGỮ PHÁP TRONG SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT CỦA SINH VIÊN TRUNG QUỐC TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

Hà Nội - 2015

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

VŨ HOÀNG PHƯƠNG LOAN

KHẢO SÁT LỖI NGỮ PHÁP TRONG SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT CỦA SINH VIÊN TRUNG QUỐC TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI

Luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học

Mã số: 60220240

Giáo viên hướng dẫn: PGS TS Trịnh Cẩm Lan

Hà Nội - 2015

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực, minh bạch và chưa được ai công bố trong bất cứ công trình nào khác

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2015

Tác giả luận văn

VŨ HOÀNG PHƯƠNG LOAN

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Tôi xin được gửi lời cảm ơn tới các thầy, cô Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhiệt tình giảng dạy và giúp đỡ tôi trong thời gian học tập và nghiên cứu tại khoa

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành, lòng biết ơn sâu sắc nhất đến

PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, người đã truyền nhiệt huyết nghiên cứu, tận tình

hướng dẫn, chỉ dạy , giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình thực hiện đề tài này

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2015

Tác giả luận văn

VŨ HOÀNG PHƯƠNG LOAN

Trang 5

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2

3 Tư liệu và phương pháp nghiên cứu 3

4 Dự kiến bố cục luận văn 4

Chương 1: TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT 5

1.1 Tổng quan các nghiên cứu có liên quan đến lỗi trong việc học tiếng Việt của người nước ngoài nói chung và việc học tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc nói riêng 5

1.2 Cơ sở lí thuyết 8

1.2.1 Giao thoa ngôn ngữ 8

1.2.2 Khái niệm lỗi và phân loại lỗi 13

1.2.3 Lỗi ngữ pháp 17

1.3 Khái quát đặc điểm ngữ pháp của tiếng Trung và tiếng Việt 18

1.3.1 Khái quát đặc điểm ngữ pháp tiếng Trung 18

1.3.2 Khái quát đặc điểm ngữ pháp tiếng Việt 24

Tiểu kết chương 1 31

Chương 2: LỖI HƯ TỪ TIẾNG VIỆTCỦA SINH VIÊN TRUNG QUỐC 32 2.1 Lỗi các hư từ thuộc nhóm làm thành tố phụ đoản ngữ 33

2.1.1 Lỗi các hư từ chuyên làm thành tố phụ cho đoản ngữ có danh từ làm trung tâm 33

2.1.2 Lỗi các hư từ chuyên làm thành tố phụ cho đoản ngữ có động từ làm trung tâm 43

2.2 Lỗi các hư từ thuộc nhóm không làm thành tố phụ đoản ngữ 62

2.2.1 Lỗi các hư từ nối kết các yếu tố có quan hệ chính - phụ: của, cho, ở, với 62

Trang 6

2.2.2 Lỗi các hư từ đặc biệt: là, thì 70

2.3 Lỗi các hư từ nằm ngoài đoản ngữ: các hư từ phụ trợ 73

2.3.1 Lỗi các hư từ luôn phụ trợ cho một yếu tố trong đoản ngữ hoặc câu (trợ từ): ngay, cả , đến 73

2.3.2 Lỗi các hư từ luôn phụ trợ cho cả cấu trúc để dạng thức hoá hoặc nêu tình thái (phụ từ): à, ư, nhỉ, nhé, ạ, đây, đấy, sao, nào, cơ, kia, ấy, mà, vậy, 73

Tiểu kết chương 2 77

Chương 3: LỖI TRẬT TỰ THÀNH PHẦN CÂU VÀ TRẬT TỰ TỪ TRONG CÁC NGỮ ĐOẠN TIẾNG VIỆTCỦA SINH VIÊN TRUNG QUỐC 79

3.1 Lỗi trật tự thành phần câu 79

3.1.1 Lỗi trật tự chủ ngữ và vị ngữ 79

3.1.2 Lỗi trật tự trạng ngữ câu 80

3.1.3 Lỗi trật tự định ngữ câu 82

3.2 Lỗi trật tự từ trong ngữ đoạn 84

3.2.1 Lỗi trật tự từ trong ngữ đoạn danh từ 84

3.2.2 Lỗi trật tự trong ngữ đoạn vị từ 88

Tiểu kết chương 3 98

KẾT LUẬN 100

TÀI LIỆU THAM KHẢO 102

PHỤ LỤC 105

Trang 7

và hợp lý, mang lại sự phát triển toàn diện cho đất nước từ kinh tế, văn hóa, đến mọi mặt của đời sống xã hội

Sự phát triển của giao tiếp quốc tế làm nảy sinh nhu cầu học ngoại ngữ Đây là chiếc cầu nối quan trọng và hữu hiệu trong xã hội hiện đại Nó làm cho khoảng cách giữa các quốc gia, các dân tộc trở nên gần nhau hơn Và nhờ có ngoại ngữ mà con người cũng hiểu nhau hơn, biết cảm thông với nhau hơn

Từ đó chung tay thực hiện một mục đích lớn lao, đó là mục đích vì một thế giới hòa bình

Việt Nam và Trung quốc là hai nước láng giềng có quan hệ lâu dài Hiện nay, mối quan hệ này phát triển hơn lúc nào hết, thúc đẩy người dân hai nước tìm hiểu và học tập lẫn nhau Trong xu thế đó, những năm gần đây, sinh viên Trung Quốc sang Việt Nam học Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, cũng như sinh viên Việt Nam sang Trung Quốc học tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc ngày càng nhiều Tiếng Việt và tiếng Trung có cùng loại hình ngôn ngữ,

hệ thống ngữ pháp có nhiều điểm tương đồng, gần 60% từ vựng tiếng Việt lại được mượn từ tiếng Hán qua nhiều thời đoạn lịch sử khác nhau, điều đó tạo nhiều thuận lợi cho sinh viên Việt Nam học tiếng Trung và sinh viên Trung Quốc học tiếng Việt Tuy nhiên, dù gần gũi thế nào thì tiếng Việt và tiếng Trung vẫn là hai ngôn ngữ và giao thoa ngôn ngữ tất yếu sẽ nảy sinh trong quá trình học tập ngôn ngữ của nhau của sinh viên hai nước Điều này đặt ra cho những người làm công tác giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa của hai nước

Trang 8

Xuất phát từ yêu cầu đó, chúng tôi lựa chọn đề tài “Khảo sát lỗi ngữ

pháp trong sử dụng tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc tại một số trường đại học ở Hà Nội” với hy vọng có thể có một đóng góp nhỏ vào việc giúp sinh viên

Trung Quốc học tiếng Việt hiệu quả hơn và sử dụng tiếng Việt tốt hơn

2 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1 Mục đích nghiên cứu

Luận văn đặt mục đích thu thập, khảo sát, phân tích lỗi ngữ pháp của sinh viên Trung Quốc trong sử dụng tiếng Việt Trên cơ sở những hiểu biết căn bản về tiếng Việt và tiếng Trung, luận văn sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân và

đề nghị một số giải pháp khắc phục lỗi nhằm giúp sinh viên sử dụng tiếng Việt tốt hơn, đạt hiệu quả giao tiếp cao hơn

2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Để thực hiện mục đích trên đây, luận văn dự kiến sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

- Nghiên cứu, tìm hiểu cơ sở lý thuyết về giao thoa ngôn ngữ, về lỗi trong học ngoại ngữ

Trang 9

3

- Tìm hiểu đặc điểm ngữ pháp của tiếng Trung và tiếng Việt

- Thống kê tất cả các loại lỗi ngữ pháp mà sinh viên Trung Quốc mắc phải trong sử dụng tiếng Việt

- Phân tích và miêu tả lỗi ngữ pháp của sinh viên Trung Quốc học tiếng Việt ở hai phạm vi: lỗi sử dụng hư từ và lỗi trật tự thành phần câu và ngữ đoạn

- Dựa vào đặc điểm của tiếng Trung và tiếng Việt, tìm cách lý giải các nguyên nhân mắc lỗi từ cả góc độ khách quan cũng như chủ quan và đề nghị một số giải pháp khắc phục

3 Tư liệu và phương pháp nghiên cứu

3.1 Tư liệu nghiên cứu

Luận văn đã nghiên cứu trên nguồn tư liệu sau đây:

- Nguồn tư liệu chủ yếu là 350 bài viết, mỗi bài khoảng 300 từ của sinh viên Trung Quốc trình độ trung cấp và cao cấp Tư liệu thu được qua 300 bài viết trên đây là 373 lỗi liên quan đến những quy tắc ngữ pháp trong tiếng Việt

- Tư liệu thu được thông qua trò chuyện với các sinh viên về những khó khăn khi học tiếng Việt, về nguyên nhân mắc lỗi theo cảm nhận chủ quan của các em

3.2 Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thống kê, phân loại dùng trong việc thống kê và phân loại lỗi

- Phương pháp phân tích ngữ pháp dùng trong phân tích lỗi ngữ pháp của sinh viên (ở phạm vi sử dụng các hư từ và trật tự thành phần câu, thành phần ngữ đoạn)

Trang 10

4

- Thủ pháp so sánh được áp dụng trong trong nhiều trường hợp để so sánh đặc điểm ngữ pháp tiếng Trung và tiếng Việt nhằm tìm ra nguyên nhân và cơ chế mắc lỗi của sinh viên

4 Dự kiến bố cục luận văn

Luận văn dự kiến chia thành ba chương

Chương 1: Tổng quan và cơ sở lý thuyết

Chương 2: Lỗi hư từ tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc

Chương 3: Lỗi trật tự thành phần câu và trật tự từ trong các ngữ đoạn tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc

KẾT LUẬN

Trang 11

5

Chương 1 TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1.1 Tổng quan các nghiên cứu có liên quan đến lỗi trong việc học tiếng Việt của người nước ngoài nói chung và việc học tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc nói riêng

Cho đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến lỗi trong việc sử dụng tiếng Việt của người nước ngoài Có những công trình chỉ mang tính tham khảo như bài báo, tiểu luận, tham luận Nhưng cũng có những công trình là những nghiên cứu khoa học chuyên sâu có tính ứng dụng rất cao Gần đây nhất phải kể đến Luận án tiến sĩ ngữ văn của Nguyễn Thiện Nam Đề

tài tác giả nghiên cứu là “Khảo sát lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước

ngoài và những vấn đề liên quan.” Trong luận án này, lần đầu tiên, lỗi ngữ

pháp được tác giả khảo sát một cách hệ thống dưới ánh sáng của lý luận phân tích lỗi hiện đại Và cũng lần đầu tiên, thủ pháp xử lý lỗi ngữ pháp trong một giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài được đề cập đến Luận án cũng mang đến một cách hiểu đúng hơn về bản chất ngữ nghĩa – ngữ pháp của một số hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt mà từ xưa đến nay các sách ngữ pháp, các từ điển và các sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài còn bỏ sót hoặc bỏ qua Luận án đã giới thiệu một cách hệ thống những cơ sở lý luận của vấn đề lỗi và phân tích lỗi của người học ngôn ngữ thứ hai theo cách nhìn của ngôn ngữ học ứng dụng (theo lời tác giả) Trước luận án này, tác giả Nguyễn

Thiện Nam còn có một số bài viết liên quan đến lỗi đã được công bố như :

“Một vài nhận xét và lý giải về lỗi dùng từ Hán – Việt của người Nhật Bản”

được đăng trong Kỷ yếu hội nghị “Tiếng Việt như một ngoại ngữ”, “Hiện

tượng tỉnh lược chủ ngữ trong tiếng Nhật đối với lỗi giao thoa trong tiếng Việt của người Nhật Bản” được đăng trên tạp chí Ngữ học trẻ 97; “Một vài

Trang 12

6

nhận xét về lỗi giao thoa của người Campuchia khi học tiếng Việt” được đăng

trong Kỷ yếu hội nghị quốc tế lần thứ năm về các ngôn ngữ Châu Á, 2000;

“Một vài nhận xét về lỗi sử dụng các từ “cả”, “tất cả”, “mọi” trong tiếng Việt của người nước ngoài”, trên Ngữ học trẻ 2000,

Ngoài các nghiên cứu của Nguyễn Thiện Nam, còn phải kể đến một số bài viết và công trình nghiên cứu của các tác giả như : Nguyễn Linh Chi với

“Một số nhận xét về lỗi dùng từ đặt câu của người nước ngoài học tiếng Việt” (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 8 – 2007), “Lỗi trật tự từ của người bản ngữ tiếng Anh học tiếng Việt” (Tạp chí ngôn ngữ số 7 – 2008), “Lỗi ngôn ngữ của người nước ngoài học tiếng Việt (trên tư liệu từ vựng, ngữ pháp của người Anh, Mĩ )” (Luận án tiến sĩ ngữ ngôn ngữ học) Nguyễn Văn Phúc với

“Nghiên cứu các dạng lỗi phát âm tiếng Việt của sinh viên nói tiếng Anh”

(Luận án tiến sĩ khoa học ngữ văn) Đỗ Thị Thu với “Xem xét cách diễn đạt

câu tiếng Việt của người nước ngoài khi học tiếng Việt” (Luận văn thạc sĩ

khoa học ngữ văn), Đinh Lê Huyền Trâm “Khảo sát lỗi từ vựng và ngữ pháp

của sinh viên Lào và Campuchia học tiếng Việt tại trường Hữu Nghị 80”

(Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ), Các bài viết và công trình nghiên cứu được liệt

kê trên đây dù ở dạng đúc kết kinh nghiệm hay là những nghiên cứu chuyên sâu thì cũng đều giải quyết được một số yêu cầu cụ thể trong việc phát hiện,

xử lý và đưa ra được những giải pháp khắc phục lỗi, đóng góp hữu hiệu trong công tác dạy và học tiếng Việt cho người nước ngoài nói chung

Liên quan đến lỗi trong sử dụng tiếng Việt của người Trung Quốc, có

ba đề tài đã được công bố, một là “Lỗi của người Trung Quốc học tiếng Việt

nhìn từ góc độ xuyên văn hóa (xét về khía cạnh từ vựng)”của Lê Xảo Bình,

hai là “Khảo sát lỗi sử dụng từ ngữ của học viên Trung Quốc học tiếng Việt” của Lê Thị Nguyệt Minh, ba là “Khảo sát lỗi ngữ âm của người Trung Quốc

học tiếng Việt và cách khắc phục” của Đào Thị Thanh Huyền Trong các

Trang 13

7

nghiên cứu trên, Lê Xảo Bình và Lê Thị Nguyệt Minh đều mô tả và phân tích lỗi trong phạm vi từ vựng nhưng đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau Lê Xảo Bình thì nghiên cứu từ góc độ xuyên văn hóa, chủ yếu mô tả về lỗi dùng sai một số danh từ, động từ, tính từ, hư từ và lỗi dùng một số thành ngữ tục ngữ Những mô tả về lỗi của Lê Xảo Bình thể hiện rõ nét mối quan hệ giao thoa văn hóa dẫn đến giao thoa ngôn ngữ Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ dừng lại

ở phạm vi này mà chưa có những tìm tòi sâu hơn về lỗi từ vựng trên bình diện cấu trúc, ngữ pháp và ngữ nghĩa Dựa trên lý thuyết so sánh đối chiếu liên ngôn ngữ, Lê Thị Nguyệt Minh lại đưa ra một cách nhìn hệ thống về thực trạng các loại lỗi từ vựng của sinh viên Trung Quốc đồng thời mô tả và phân tích lỗi từ vựng một cách khoa học về mặt cấu trúc ngữ pháp và ngữ nghĩa, từ

đó tìm ra những nét tương đồng và khác biệt trong tiếng Việt và tiếng Trung Riêng Đào Thị Thanh Huyền lại đi sâu nghiên cứu về một mảng rất khó trong ngôn ngữ, lỗi về ngữ âm Lỗi ngữ âm là loại lỗi rất phức tạp và bao gồm nhiều cấp độ nhưng với nghiên cứu của mình, tác giả Đào Thị Thanh Huyền

đã thống kê và miêu tả các loại lỗi ngữ âm từ cấp độ âm tiết cho đến cấp độ từ

và câu mà sinh viên Trung Quốc thường hay mắc phải Bên cạnh những kết quả nghiên cứu được trình bày một cách khoa học, tác giả cũng nêu ra được những thuận lợi và khó khăn khi học tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc, từ

đó đưa ra được những giải pháp giúp cho sinh viên Trung Quốc khắc phục được khó khăn trong việc học phát âm tiếng Việt

Trước thực tế nghiên cứu về lỗi trong sử dụng tiếng Việt, và nhu cầu học tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc ngày càng tăng, chúng tôi nhận thấy lỗi ngữ pháp cũng là một trong những loại lỗi phổ biến mà sinh viên Trung Quốc thường mắc phải nhưng chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về vấn đề này Trước những đòi hỏi từ thực tế giảng dạy và học tập, chúng tôi tiến hành khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng Việt của sinh viên Trung

Trang 14

8

Quốc tại một số trường đại học ở Hà Nội với mục đích tìm ra những loại lỗi ngữ pháp phổ biến của đối tượng sinh viên này, tìm hiểu những cơ chế mắc lỗi thông qua phân tích những khác biệt giữa hai thứ tiếng có thể dẫn đến giao thoa ngôn ngữ, từ đó, chúng tôi mong muốn hướng tới việc nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc đào tạo tiếng Việt cho sinh viên Trung Quốc nói riêng và tiếng Việt cho người nước ngoài nói chung

1.2 Cơ sở lí thuyết

1.2.1 Giao thoa ngôn ngữ

a Giao thoa ngôn ngữ là gì

Theo định nghĩa của Vật lí học thì giao thoa có nghĩa là hiện tượng hai hay nhiều sóng có cùng tần số làm tăng cường hoặc làm yếu lẫn nhau khi gặp nhau tại cùng một thời điểm [27, tr622] Áp dụng khái niệm này vào lĩnh vực ngôn ngữ, chúng tôi cho rằng, hiện tượng giao thoa trong ngôn ngữ chính là hiện tượng mà khi một người học và sử dụng ngôn ngữ thứ hai nhưng do áp lực của thói quen bản ngữ nên đã tiếp nhận và hình thành thói quen ngôn ngữ mới trên nền của thói quen bản ngữ Hay nói cách khác thói quen bản ngữ đã chi phối việc tiếp nhận và hình thành thói quen ngôn ngữ mới Điều này tất yếu dẫn đến hai xu hướng đó là thói quen bản ngữ có thể vừa tạo điều kiện thuận lợi hoặc cùng lúc có thể gây trở ngại cho người học và sử dụng ngôn ngữ thứ hai trong việc tiếp nhận ngôn ngữ đích

b Những khác biệt văn hóa và ngôn ngữ làm nảy sinh giao thoa

Ngôn ngữ lâu nay không còn được nghiên cứu thuần tuý như một hệ thống tín hiệu mà đã được xem xét dưới nhiều bình diện khác nhau của hoạt động giao tiếp Theo cách tiếp cận này, các nhà nghiên cứu ngày càng nhận ra tầm quan trọng của văn hoá trong ngôn ngữ và giao tiếp liên ngôn ngữ Văn hoá là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm được hình thành qua hoạt động

Trang 15

9

sáng tạo của con người Văn hoá đồng thời cũng là một hiện tượng lịch sử, là thứ đặt nền móng cho lịch sử xã hội Mỗi một đời người đều kế thừa một nền văn hoá sẵn có, đồng thời không ngừng hoàn thiện và đổi mới nền văn hoá vốn có ấy, cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp phát triển văn hoá xã hội của nhân loại Văn hoá có tính độc đáo và tính dân tộc rõ rệt, là tiêu chí nhận diện

sự khác biệt giữa các dân tộc Trong khi đó, ngôn ngữ giống như một tấm gương, nó phản ánh văn hoá của một dân tộc, thể hiện nội dung văn hoá của dân tộc đó Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp nhưng nó không tồn tại độc lập mà

ở trong cùng một chỉnh thể với văn hoá Ngôn ngữ và văn hoá phụ thuộc vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng để truyền tải văn hoá, còn văn hoá lại có tác dụng chế ước ngôn ngữ Khi học một ngôn ngữ, trước tiên cần phải tìm hiểu về văn hoá của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó, chỉ có như vậy mới có thể thực sự thấu hiểu và nắm bắt được ngôn ngữ đó Con người dùng ngôn ngữ để sáng tạo ra văn hoá, ngược trở lại, văn hoá làm phong phú thêm các phương thức biểu đạt ngôn ngữ Cả ngôn ngữ và văn hóa đều là cái riêng có của xã hội loài người Giống như văn hóa, ngôn ngữ không phải là nét di truyền mang tính sinh vật mà là do con người sau khi sinh ra học tập mà thành Trong cuốn “ Văn hóa nhân loại học và ngôn ngữ học”,

Goodenough đã chỉ ra rằng: “ ngôn ngữ của một xã hội là một khía cạnh văn

hóa của xã hội đó Quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa là quan hệ bộ phận và chỉnh thể.” Ngay từ những năm hai mươi của thế kỉ XX, nhà ngôn ngữ học

người Mĩ Edward Sapir (1884-1939) trong cuốn “Ngôn ngữ” , đã cũng chỉ ra:

“ có những thứ tồn tại phía sau ngôn ngữ, hơn nữa ngôn ngữ không thể tồn

tại tách rời văn hóa”

Xét từ mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, có thể thấy giao thoa nảy sinh từ các phương diện dưới đây:

Trang 16

10

- Những khác biệt về văn hóa dẫn đến giao thoa ngữ âm: ảnh hưởng của văn hóa đến ngữ âm rất rõ rệt Có thể dẫn ra ví dụ sau: ở khu vực ba tỉnh phía đông bắc Trung quốc, rất nhiều người cao tuổi có thể nói được tiếng Nhật với những từ ngữ đơn giản hàng ngày nhưng với những người nghe biết tiếng Nhật, họ đều có thể nhận ra đó không phải là người Nhật Điều này liên quan trực tiếp đến việc thực dân và xâm lược của Nhật Bản đối với ba tỉnh phía đông Trung Quốc trong những năm ba mươi và bốn mươi của thế kỉ trước Để

có thể thống trị, chế độ thực dân đã tiến hành truyền bá ngôn ngữ của mình lên một vùng lãnh thổ rộng lớn và như thế những người sống dưới chế độ thực dân đó dần dần nói được tiếng bản ngữ của kẻ thực dân xong vẫn giữ nét riêng biệt trong giọng nói của mình Hay như Hồng Kông – Trung Quốc và

Ấn Độ sau một thời gian dài dưới sự cai trị của thực dân Anh đều đã dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thống, nhưng do đặc chưng phát âm của mỗi quốc gia, dân tộc nên trong quá trình truyền bá đã tạo ra những nét khác biệt

về ngữ âm trong tiếng Anh, vì vậy có thể phân biệt được tiếng Anh - Ấn với tiếng Anh – Hồng Kông

- Những khác biệt về văn hoá dẫn đến giao thoa ngữ nghĩa: trong một ngôn ngữ đơn nhất, rất khó để nhìn thấy một cách rõ ràng hàm nghĩa của văn hoá ẩn sau ngôn ngữ Nhưng qua so sánh một số ngôn ngữ với nhau, quan hệ nội tại giữa văn hoá và ngôn ngữ dần dần được sáng tỏ Trong tiếng Trung và tiếng Việt, những từ ngữ tương quan với từ “狗”(chó) thường mang nghĩa xấu, chẳng hạn như “狗仗人势”(chó cậy thế chủ), “狗急跳墙” (chó cùng giứt giậu) nhưng trong tiếng Anh, những từ ngữ hoặc tục ngữ có gắn với từ “dog” (chó) lại mang sắc thái cảm thông, khen ngợi , ví dụ: clever dog (người thông minh); love me, love my dog (yêu tôi, hãy yêu cả chó của tôi) ; lucky dog (vận may), .Hay chẳng hạn như “rồng” trong văn hoá Trung Quốc tượng

Trang 17

11

trưng cho quyền lực và may mắn, đa số người Trung Hoa cho rằng mình là

“truyền nhân của rồng” thì ngược lại, trong văn hoá của người Anh “dragon” – rồng chỉ là một con quái vật gớm ghiếc biết phun lửa mà thôi Ví dụ, khi nói“He is a dragon”thì không có nghĩa là “Anh là là một con rồng” không những không có ý khen ngợi mà còn có ý chê bai, nghĩa của câu này là “Anh

ta là một kẻ tàn tật” Gần đây, người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ bên trong giữa ngôn ngữ và văn hoá và nhờ vào ngôn ngữ họ tìm mọi cách để hoá giải những xung đột và ngăn cách giữa các nền văn hoá

- Những khác biệt về văn hoá dẫn đến giao thoa ngữ dụng: Nhìn từ quan điểm của ngữ dụng học, ngôn ngữ và văn hoá có một mối quan hệ vô cùng chặt chẽ và bền vững Chẳng hạn trong tiếng Việt và tiếng Trung, quan hệ thân tộc được phân biệt rất rõ ràng bằng các vai cô, dì, chú,thím, bác trai, bác gái, cậu, mợ, Trong khi ở tiếng Anh, cũng với những quan hệ thân tộc như

“chú, bác, cậu, dượng, ” chỉ gọi chung bằng một từ “ uncle” Hay như ở tiếng Việt, trong giao tiếp rất chú trọng đến tôn ti thứ bậc, thường dùng những

từ xưng hô thân tộc để phân biệt già trẻ, lớn bé Hơn nữa, người Việt khi mới quen còn thường hỏi tuổi tác để phân biệt trên dưới trong việc xưng hô Ngược lại, đó lại là một cấm kị trong văn hoá của người Anh, với người TQ cũng tương tự, đặc biệt là đối với phụ nữ, hỏi tuổi là rất mất lịch sự Trong tiếng Anh và tiếng Trung, khi giao tiếp họ cũng thường chỉ dùng hai ngôi là

“I” và “you” hay “你” và “我 ” Với các nước phương Tây, trong ngôn ngữ của họ không có quan niệm về thứ bậc hay tôn ti như ở tiếng Việt của chúng

ta cho nên trong giao tiếp họ không có những từ xưng hô thân tộc

Những khác biệt và tương đồng giữa các ngôn ngữ về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp thường được gọi là giao thoa ngôn ngữ, các cộng đồng ngôn ngữ - văn hoá cũng có những phong cách giao tiếp ngôn ngữ không giống

Trang 18

12

nhau Sự khác biệt trong phong cách giao tiếp này thường không dễ được nhận diện ngay và trong giao tiếp thường gây ra những ngộ nhận đôi khi còn trầm trọng hơn những ngộ nhận do sự khác biệt ngôn ngữ gây ra Do vậy những giao thoa văn hoá cũng cần được xem xét nghiên cứu đầy đủ như các giao thoa ngôn ngữ Giao thoa văn hoá trong giao tiếp liên ngôn ngữ thể hiện

qua hai hiện tượng là vay mượn và chuyển di

Hiện tượng vay mượn thể hiện qua việc người học lấy những phong tục

tập quán, kinh nghiệm dân gian, thói quen bản ngữ sẵn có để vận dụng vào kho từ vựng khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai Sự vay mượn này sẽ từng ngày từng ngày đi vào đời sống của cộng đồng và dần trở thành ngôn ngữ toàn dân Vay mượn có những mức độ khác nhau, có thể là toàn phần hoặc một phần Vay mượn toàn phần còn được gọi là hiện tượng trộn mã hay chuyển mã, là hiện tượng người nói mượn nguyên văn cả cách phát âm lẫn nghĩa của từ hoặc câu của ngữ nguồn để sử dụng trong ngữ đích Vay mượn một phần là hiện tượng người nói chỉ mượn cách phát âm chứ không mượn nghĩa hoặc ngược lại chỉ mượn nghĩa còn phát âm lại bằng ngữ nguồn Đây chính là biểu hiện của giao thoa văn hoá giữa hai ngôn ngữ [02, tr31]

Chuyển di theo quan điểm của Odlin (1989) “là sự ảnh hưởng xuất phát

từ sự giống nhau và khác nhau giữa ngôn ngữ đích và bất kì ngôn ngữ nào khác đã được thụ đắc (có thể chưa hoàn hảo) trước đó” Chuyển di được chia làm hai loại là chuyển di tích cực và chuyển di tiêu cực Chuyển di tích cực là những chuyển di tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học ngôn ngữ đích Còn chuyển di tiêu cực thì ngược lại sẽ gây khó khăn trong việc học ngôn ngữ đích [02, tr32]

Gần đây, việc giảng dạy ngôn ngữ theo đường hướng giao tiếp đã trở thành một phương pháp quan trọng giúp cho người học có thể thụ đắc một

Trang 19

13

cách hiệu quả khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai trong môi trường của một thế giới đa văn hoá như hiện nay, đồng thời phương pháp này giúp cho người học phát triển được khả năng giao tiếp liên văn hoá

1.2.2 Khái niệm lỗi và phân loại lỗi

1.2.2.1 Khái niệm lỗi

“Từ điển ngôn ngữ học ứng dụng và dạy tiếng” định nghĩa lỗi như sau:

“Lỗi của người học (trong khi nói hoặc viết một ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ) là hiện tượng sử dụng một đơn vị ngôn ngữ (chẳng hạn một từ, một đơn

vị ngữ pháp, một hoạt động nói năng, ) bằng cách mà người bản ngữ hoặc người giỏi thứ tiếng đó cho là sai hoặc cho là chưa đầy đủ” [17, tr7]

Trong ngôn ngữ, tuỳ vào từng quan điểm khác nhau mà cách nhìn nhận

về lỗi cũng khác nhau Dựa vào kết quả nghiên cứu của những học giả đi trước có thể tóm lược vài quan điểm về lỗi như sau

- Theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận: lỗi là một hiện tượng đương nhiên trong quá trình người học thụ đắc một ngoại ngữ Lỗi không phải

là hiện tượng tiêu cực trong quá trình học ngoại ngữ, cũng không phải là phiên bản méo mó của ngôn ngữ đích mà lỗi thể hiện sự tham gia tích cực của người học, thể hiện những chiến lược quan trọng mà người học áp dụng để khám phá và thụ đắc ngôn ngữ đích và lỗi là chứng cứ rõ ràng nhất về hệ thống ngôn ngữ đang phát triển của người học – ngôn ngữ trung gian Ngôn ngữ trung gian này luôn biến đổi trong quá trình người học thụ đắc ngôn ngữ đích và tiến gần đến ngôn ngữ đích nhưng không thể hoàn toàn trở thành ngôn ngữ đích [18]

- Theo quan điểm của ngôn ngữ học chức năng: các nhà ngôn ngữ học

đi theo khuynh hướng này luôn đề cao chức năng giao tiếp của ngôn ngữ Bởi vậy họ cho rằng việc mắc lỗi là đương nhiên và nhiều khi được bỏ qua trong

Trang 20

14

quá trình giao tiếp, miễn là người nói diễn đạt được điều họ muốn nói và người nghe tiếp nhận và hiểu được thông điệp mà người nói muốn truyền đi Phát ngôn có thể lệch chuẩn hoặc bị lỗi theo lí thuyết nhưng vẫn có thể được chấp nhận nếu chúng vẫn diễn đạt được đúng ý của người nói và ý đó được người nghe hiểu được [01,tr42,43]

- Ngược lại với quan điểm của ngôn ngữ học chức năng, ngôn ngữ học cấu trúc cho rằng, lỗi là không thể chấp nhận và phải được ngăn chặn bằng mọi giá Vì theo quan điểm này, lỗi được xem như các thói quen xấu khác, là những biểu hiện không tốt cho việc học tiếng một cách hiệu quả và lỗi chính là những nhân tố ngăn cản việc hình thành thói quen sử dụng ngôn ngữ đích [01,tr40,41] Tuy các quan điểm về lỗi khác nhau nhưng tất cả đều có chung một mục đích là thông qua phân tích lỗi để tìm hiểu quá trình học ngôn ngữ thứ hai (hay ngoại ngữ) diễn ra như thế nào Để có thể phân tích lỗi thì việc đầu tiên người nghiên cứu phải làm là xác định được đâu là lỗi, sau đó phân loại lỗi đó thuộc loại gì, tiếp đến tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân gây ra lỗi Từ

đó giải thích cơ chế thể hiện ngôn ngữ của người học và tiến đến một mục đích cao hơn là thấy được những khó khăn của người học để có biện pháp giúp cho người học xử lí lỗi và có thể tự vượt qua các khó khăn trong quá trình học tiếng Theo Pit Corder, có mấy nguyên nhân sau có thể tạo ra lỗi trong quá trình học một ngoại ngữ [18]:

- Vượt tuyến: là chiến lược ngược người học nới rộng những quy tắc ngôn ngữ ra ngoài phạm vi của nó Hay nói cách khác là sử dụng tri thức đã biết ở ngôn ngữ đích để khám phá ngôn ngữ đích

- Chuyển di: là chiến lược người học mượn những tri thức có sẵn trong tiếng mẹ đẻ để khám phá ngôn ngữ đích

Trang 21

và ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, làm cho người học mắc lỗi

1.2.2.2 Phân loại lỗi

Do các quan điểm về lỗi rất đa dạng, nên cách phân loại lỗi cũng vô cùng phong phú

Dựa trên cơ sở tâm lí học ngôn ngữ, Abbot (1980) chia lỗi thành các loại sau: lỗi ngữ năng và lỗi hành năng Trong đó, lỗi ngữ năng gồm các lỗi: chuyển di, tự ngữ đích và lỗi do điều kiện dạy học tạo ra Lỗi hành năng (lỗi ngữ dụng) gồm: các lỗi trong khi xử lí và lỗi trong chiến lược giao tiếp [Dẫn theo 02,tr63]

Cũng dựa trên góc độ tâm lí học ngôn ngữ, Richards và các đồng tác giả (1971) trong nhóm của mình đã chia lỗi ra làm ba loại chính: lỗi giao thoa, lỗi tự ngữ đích và lỗi phát triển [Dẫn theo 02, tr63]

Quan tâm nhiều đến phạm vi ảnh hưởng của lỗi đối với nghĩa của câu (hay phát ngôn), Hendrickson (1980) chỉ chia lỗi thành hai loại: lỗi cục bộ và lỗi tổng thể Theo ông, lỗi cục bộ không làm ảnh hưởng đến việc hiểu nghĩa của câu, còn lỗi tổng thể làm cho câu trở nên tối nghĩa hoặc vô nghĩa [Dẫn theo 02,tr63]

Dựa vào đặc điểm có thể quan sát được bên ngoài của chúng, Dulay, Burt và Krashen (1982) đã chia lỗi làm bốn loại: lỗi lược bỏ, lỗi thêm vào, lỗi cấu tạo sai và lỗi dùng sai vị trí [Dẫn theo 02,tr63]

Trang 22

Trong nghiên cứu của mình, Phạm Đăng Bình chọn lí thuyết phân tích lỗi mà Corder đề xướng làm cơ sở cho luận án tiến sĩ của mình Nhưng ông không chỉ nêu lên quan điểm cần xem xét lỗi một cách tổng thể từ góc độ dụng học giao thoa văn hóa mà ông còn chỉ ra rằng không phải chỉ có người học mắc lỗi mà còn có cả người dạy (nếu họ không phải là người bản ngữ) Khi phân loại lỗi cần tìm ra được những cái chung của lỗi và đặc điểm riêng của chúng Xuất phát từ những cơ sở đó, ông chia lỗi ra làm hai loại lớn là: lỗi phổ biến và lỗi đặc trưng Lỗi phổ biến là lỗi mà người học ngôn ngữ thứ hai nào cũng mắc phải và thậm chí mắc lỗi giống nhau một cách ngẫu nhiên, bao gồm lỗi ngữ năng và lỗi hành năng Lỗi đặc trưng là lỗi mang những nét riêng của từng nhóm hoặc cộng đồng người học vì họ có chung tiếng mẹ đẻ và có chung một nền văn hóa hoặc có nhiều điểm giống nhau về văn hóa cục bộ, bao gồm lỗi giao thoa ngôn ngữ và lỗi giao thoa văn hóa [02,tr66-74]

Tác giả Nguyễn Thiện Nam lại đưa ra hai hướng phân loại lỗi khác nhau, một là phân loại dựa vào nguồn gốc, hai là phân loại dựa vào các đơn vị ngữ pháp Dựa vào nguồn gốc, ông chia lỗi ra làm hai loại chính là lỗi giao thoa và lỗi tự ngữ đích Trong đó, lỗi giao thoa là loại lỗi sinh ra do ảnh hưởng từ tiếng mẹ đẻ của người học lên ngữ đích, lỗi tự ngữ đích là lỗi sinh ra

do những nguyên nhân trong nội bộ cấu trúc của ngữ đích Dựa vào các đơn

vị ngữ pháp có thể chia lỗi ra thành rất nhiều loại như: lỗi về đại từ nhân xưng,

Trang 23

1.2.3 Lỗi ngữ pháp

” Ngữ pháp của một ngôn ngữ là một bộ của những cấu trúc, những

cách thức và quy tắc mà theo đó, các từ ngữ kết hợp được với nhau để tạo nên câu, khiến cho người ta có thể giao tiếp được với nhau ” [17, tr24]

Như vậy có thể hiểu lỗi ngữ pháp là hiện tượng sử dụng không đúng một hay một số đơn vị ngữ pháp, làm cho cấu trúc ngữ pháp bị nhiễu loạn, dẫn đến những cái sai trong việc tổ chức câu [17, tr24] Lỗi ngữ pháp thường xuất hiện dưới các hình thức sau :

 Thiếu yếu tố bắt buộc

 Thừa yếu tố không cần thiết

 Chọn sai yếu tố cần dùng

 Dùng sai trật tự của các yếu tố

Ở những ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, lỗi ngữ pháp thường xuất hiện ở các phạm trù như thời, thể, giới từ, trật tự từ, giống, số, cách, Người Việt học tiếng Anh thì việc dùng sai hoặc nhầm lẫn giữa các thì, hay số ít số nhiều là chuyện hết sức bình thường vì trong ngữ pháp của tiếng Việt không có phạm trù “thì” cũng như phạm trù số Với các ngôn ngữ đơn lập không biến hình như tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Thái,

Trang 24

18

thì phương thức ngữ pháp chủ yếu là trật tự từ và hư từ cho nên lỗi thường xảy ra là lỗi trật tự từ và lỗi hư từ

Lỗi ngữ pháp là một trong những loại lỗi phổ biến, người học dù ở cấp

độ nào đều có thể tạo ra những sản phẩm ngôn ngữ lệch chuẩn dẫn đến việc không biểu đạt đúng nội dung muốn truyền đạt Như vậy, đặt ra cho những người làm công tác dạy tiếng một nhiệm vụ rất quan trọng đó là giúp học sinh của mình nhận ra lỗi, chữa lỗi và nắm được các quy tắc ngữ pháp để từ đó hạn chế được tối đa tình trạng mắc lỗi

1.3 Khái quát đặc điểm ngữ pháp của tiếng Trung và tiếng Việt

1.3.1 Khái quát đặc điểm ngữ pháp tiếng Trung

Tiếng Trung thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến hình nên ngữ pháp tiếng Trung có đặc điểm chung của ngữ pháp các ngôn ngữ đơn lập song bên cạnh đó tiếng Trung cũng có đặc điểm ngữ pháp riêng của mình Có thể khái quát đặc điểm ngữ pháp tiếng Trung như sau:

Tiếng Trung không có sự biến đổi hình thái của từ: trong tiếng Trung, phần lớn các từ dù đảm nhiệm vị trí nào trong câu thì hình thức của nó vẫn không thay đổi Tuy nhiên có một số ít trường hợp từ có sự thay đổi về mặt cấu tạo để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp khác nhau Chẳng hạn như một số ít động từ, hình dung từ có thể lặp lại (lặp theo hình thức ABAB, hoặc AABB )

Ví dụ: 商量(thương lượng) - 商量商量 (thương lượng thương lượng,干净 (sạch sẽ) - 干干净净( sạch sẽ), hay một số động từ hoặc hình dung từ (tính từ) khi có thêm hậu tố “子”, “儿”, “头” thì trở thành danh từ, chẳng hạn: 扣 (cài) - 扣子 (cái khuy, cái cúc) , 画 (vẽ) - 画儿 (bức tranh) , 甜 (ngọt) - 甜

Trang 25

19

头 (món hời, món bở), hoặc phụ tố “们” dùng để biểu thị số nhiều Ví dụ:

朋友 (bạn) -朋友 们 (các bạn),

Trật tự từ và hư từ là những phương thức ngữ pháp quan trọng: do phương thức biến đổi hình thái của từ không phát triển nên trong tiếng Trung, trật tự từ và cách vận dụng hư từ là hai phương thức ngữ pháp quan trọng nhất Trật tự từ trong câu chiếm một vị trí vô cùng quan trọng Từ, cụm từ, thành phần câu đều phải được sắp xếp theo một thứ tự chặt chẽ Chẳng hạn, thành phần bổ sung ý nghĩa cho danh từ và động từ trong tiếng Trung là định ngữ và trạng ngữ luôn phải đặt trước thành phần trung tâm ngữ mà nó tu sức Bổ ngữ

là thành phần bổ sung, nói rõ cho vị ngữ động từ thì luôn phải được đặt sau động từ mà nó bổ sung ý nghĩa Trật tự từ trong câu thay đổi thì ý nghĩa của câu cũng thay đổi hoặc không có nghĩa

Quan hệ giữa từ loại và thành phần câu trong tiếng Trung không phải là quan hệ đối ứng: trong những ngôn ngữ Ấn Âu, giữa từ loại và thành phần câu có một mối quan hệ rất đơn giản – quan hệ đối ứng Tức là nếu từ loại là danh từ, đại từ thì chức năng ngữ pháp của nó là làm chủ ngữ hoặc tân ngữ, nếu từ loại là động từ, tính từ thì nó sẽ đứng ở vị trí vị ngữ Tuỳ vào vị trí trong câu và thành phần kết hợp mà bản thân từ có thể thay đổi về mặt hình thức để đảm nhiệm chức năng ngữ pháp khác nhau, thậm chí có thể thay đổi

từ tính (chuyển từ loại này sang loại kia) Nhưng trong tiếng Trung thì mối quan hệ giữa từ loại và thành phần câu là một mối quan hệ vô cùng phức tạp

Ví dụ, tính từ vừa có thể làm vị ngữ, vừa có thể làm trạng ngữ, danh từ vừa có thể làm chủ ngữ vừa có thể làm định ngữ, động từ và tính từ cũng có thể đứng

ở vị trí của định ngữ, Hơn nữa, trong tiếng Trung, hiện tượng từ kiêm loại khá phổ biến nên khiến cho mối quan hệ này càng trở nên phức tạp, rối ren

Trang 26

20

1.3.1.1 Đặc điểm thành phần câu tiếng Trung

Câu do từ hoặc cụm từ tạo nên dựa trên những quan hệ ngữ pháp nhất định Trong câu, tuỳ vào vị trí khác nhau, từ hoặc cụm từ đảm nhiệm các chức năng nhiệm vụ khác nhau và có tác dụng khác nhau gọi là thành phần câu Thành phần câu trong tiếng Trung được chia làm sáu loại: chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ

- Chủ ngữ: là thành phần chính của câu, do phần lớn danh từ, đại từ hoặc

cụm từ có tính chất danh từ đảm nhiệm Cũng có khi chủ ngữ do một số từ loại khác như động từ, hình dung từ, số từ, hoặc cụm từ có những tính chất khác nhau đảm nhiệm Trước chủ ngữ thường xuất hiện thành phần định ngữ

- 善良是她的本性 (Lương thiện là bản tính của cô ấy)

- Vị ngữ: cùng với chủ ngữ làm thành phần chính của câu, là bộ phận có tác

dụng nói rõ về người hoặc sự vật được nêu ở chủ ngữ Trong câu, vị ngữ thường đứng sau chủ ngữ Vị ngữ phần lớn do động từ hoặc hình dung từ (tính từ) đảm nhận Vị ngữ là động từ thì sau nó thường mang theo tân ngữ,

bổ ngữ hoặc trợ từ động thái Trước vị ngữ có thể có thành phần bổ nghĩa là trạng ngữ

Ví dụ:

Trang 27

21

- 我 的 任 务 已 经 完 成 了 。 (Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành)

- 今天星期日。 (Hôm nay chủ nhật)

- 那个故事很可笑 。(Câu chuyện đó rất buồn cười)

- 他北京人。 (Anh ấy người Bắc Kinh)

- Tân ngữ (tương đương với bổ ngữ chỉ đối tượng và nơi chốn của tiếng Việt):

là thành phần biểu thị đối tượng của động tác, kết quả của phát sinh, nơi chốn

mà động tác đạt đến hay công cụ mà động tác sử dụng Về vị trí, tân ngữ

thường đứng sau động từ vị ngữ Trong một số trường hợp, tân ngữ có thể

được đặt lên đầu câu Tân ngữ do danh từ, đại từ hoặc từ loại khác hay cụm từ

đảm nhiệm Trước tân ngữ có thể có thêm định ngữ làm thành phần bổ nghĩa

cho nó

Ví dụ:

- 我学汉语。 (Tôi học tiếng Hán)

- 明天我去看他。 (Ngày mai tôi đi thăm anh ấy)

- 我不怕危险。 (Tôi không sợ nguy hiểm)

- 我知道她回国了。 (Tôi biết cô ấy về nước rồi)

- Định ngữ: là thành phần phụ, thêm vào trước trung tâm ngữ biểu thị tình

trạng, chất liệu, số lượng, nơi chốn, thời gian, phạm vi, Định ngữ luôn được

đặt trước trung tâm ngữ đứng ở vị trí chủ ngữ hoặc tân ngữ Định ngữ có thể

do các loại thực từ hoặc cụm từ đảm nhiệm Sau định ngữ thường có trợ từ kết

Trang 28

22

cấu “的” Định ngữ được nói đến ở đây là định ngữ của ngữ đoạn Trong tiếng Trung, các thành phần tương đương với định ngữ câu ở tiếng Việt thì đều được xếp vào phạm vi trạng ngữ câu

Ví dụ:

- 我们学校在市中心 。(Trường chúng tôi ở trung tâm thành phố)

- 他们参观的地方是历史博物馆。 (Nơi họ tham quan là bảo tàng

lịch sử)

- 两国的友谊特别深。 (Tình hữu nghị của hai nước vô cùng sâu

đậm)

- 他买了三本小说。 (Anh ấy mua ba cuốn tiểu thuyết)

- Trạng ngữ: trạng ngữ của tiếng Trung được phân biệt trạng ngữ của câu với

trạng ngữ của vị từ Trong đó trạng ngữ câu là thành phần phụ biểu thị thời gian, nơi chốn, của câu, thường đứng trước hoặc sau chủ ngữ Còn trạng ngữ của vị từ biểu thị trình độ, phạm vi, thái độ, khẳng định, phủ định, nguyên nhân, giả thuyết, thường đứng trước trung tâm của ngữ đoạn vị từ Trạng ngữ có thể do các từ loại hoặc cụm từ đảm nhiệm Sau trạng ngữ của vị

Trang 29

23

- 她十分谦虚地介绍了自己。 (Cô ấy khiêm tốn giới thiệu về bản

thân)

- 他不同意我的意见 。(Anh ta không đồng ý với ý kiến của tôi)

- 突然, 她眼泪一直流下来。 (Đột nhiên, nước mắt cô ấy cứ thế chảy

xuống)

- Bổ ngữ: là thành phần phụ bổ sung nhằm nói rõ hơn về thời gian, số lượng,

khả năng, trình độ, kết quả, xu hướng, của động từ vị ngữ trước nó Bổ ngữ nhất thiết phải đặt sau trung tâm ngữ Bổ ngữ có thể do hình dung từ (tính từ), động từ và cụm từ bổ sung hoặc cụm từ số lượng đảm nhiệm Giữa bổ ngữ và

vị từ thường có trợ từ kết cấu “得”

Ví dụ:

- 他画完了那张风景画儿。 (Ông ấy đã vẽ xong bức tranh phong

cảnh đó)

- 汉语他说得很流利。 (Tiếng Trung cậu ấy nói rất trôi chảy)

- 衣服我没洗干净。 (Quần áo tôi vẫn chưa giặt sạch)

- 我找到你的戒指了。 (Tôi tìm thấy nhẫn của cậu rồi)

1.3.1.2 Đặc điểm hư từ tiếng Trung

Trong tiếng Trung, hư từ là những từ không thể một mình đảm nhiệm thành phần câu (không có chức năng ngữ pháp), chủ yếu dùng để biểu đạt các

Trang 30

24

ý nghĩa ngữ pháp hoặc ngữ khí Hư từ được chia làm bốn loại: giới từ, liên từ, trợ từ và từ tượng thanh Hư từ của tiếng Trung có những đặc điểm sau:

- Hư từ không thể dùng độc lập cũng không thể lặp lại

- Hư từ không có chức năng bổ nghĩa, chỉ có tác dụng liên kết, biểu thị mối quan hệ ngữ pháp của các loại ý nghĩa

- Hư từ có tác dụng làm tăng cường các ý nghĩa, quan hệ ngữ pháp hoặc ngữ khí

- Hư từ của tiếng Trung bao gồm cả từ tượng thanh

- Các hư từ ngoại trừ từ tượng thanh thì đều không có dạng thức láy

1.3.2 Khái quát đặc điểm ngữ pháp tiếng Việt

Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập điển hình Vì vậy ngữ pháp của tiếng Việt mang đầy đủ các đặc trưng ngữ pháp của loại hình ngôn ngữ đơn lập Đó là các đặc điểm sau:

Từ của tiếng Viê ̣t không biến đổi hình thái Đặc điểm này sẽ chi phối các đặc điểm ngữ pháp khác Khi xuất hiện trong câu, dù ở bất kì vị trí nào hay thể hiện bất cứ chức năng ngữ pháp nào thì từ luôn giữ nguyên hình thức vốn có của nó

Trật tự từ là phương thức ngữ pháp quan trọng Kết hợp từ với từ thành các kết cấu l ớn hơn theo mô ̣t trâ ̣t tự nhất đi ̣nh là cách chủ yếu để biểu thi ̣ các quan hê ̣ cú pháp và th ể hiện ý nghĩa ngữ pháp Khi các từ cùng loa ̣i kết hợp với nhau theo quan hê ̣ chính phu ̣ thì từ đứng trước giữ vai trò chính , từ đứng sau giữ vai trò phu ̣ Trâ ̣t tự chủ ngữ đứng trước, vị ngữ đứng sau là trật tự phổ biến của kế t cấu câu tiếng Viê ̣t Khi trật tự từ thay đổi thì ý nghĩa của câu cũng thay đổi

Ví dụ: (1) Trời lạnh lắm! sao con không mặc áo ấm ?

Trang 31

25

(2) Trời không lạnh lắm, sao con mặc áo ấm?

(3) Trời lạnh! lắm áo ấm sao con không mặc ?

Phương thức hư từ là m ột trong những phương thức ngữ pháp chủ yếu của tiếng Việt Hư từ cùng với trâ ̣t tự từ cho phép tiếng Viê ̣t ta ̣o ra nhiều câu cùng có nội dung thông báo cơ bản như nhau nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm Việc thêm, bớt hay thay thế một hư từ có thể làm thay đổi hẳn ý nghĩa của câu

Ví dụ: “Mình tôi đi.”

“Mình và tôi đi.”

“Mình hay tôi đi.”

Ngoài trật tự từ và hư từ , tiếng Viê ̣t còn sử du ̣ng phương thức ngữ điê ̣u

và trọng âm trong viê ̣c biểu hiê ̣n quan hê ̣ cú pháp của các yếu tố trong câu , nhờ đó nhằm đưa ra nô ̣i dung muốn thông báo Hiệu lực của hai phương thức này tuy không mạnh bằng hiệu lực của phương pháp hư từ và trật tự từ nhưng nó vẫn giữ một vai trò ngữ pháp nhất định Trên văn bản , ngữ điê ̣u thường được biểu hiê ̣n bằng dấu câu Chúng ta có thể thấy sự khác nhau trong hai nô ̣i dung thông báo sau:

Ví dụ: Nhà tôi, đã không còn! (Tôi đã mất vợ)

Nhà, tôi đã không còn ( Tôi đã mất nhà)

1.3.2.1 Đặc điểm thành phần câu tiếng Việt

Cho đến nay, do ảnh hưởng của ngữ pháp Châu Âu nên các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt vẫn tồn tại khá nhiều bất cập Đặc biệt là trong nghiên cứu về thành phần câu tiếng Việt, do các nhà nghiên cứu đi theo những quan điểm khác nhau nên vẫn chưa có được câu trả lời chung cho câu

Trang 32

bổ ngữ bắt buộc của vị ngữ Còn những từ ngữ phụ thuộc vào toàn bộ nòng cốt câu được gọi là thành phần phụ của câu bao gồm: định ngữ câu, trạng ngữ, khởi ngữ và tình thái ngữ Các thành phần câu có đặc điểm như sau:

- Chủ ngữ: là bộ phận của nòng cốt câu, biểu thị chủ thể ngữ pháp của vị ngữ

Chủ ngữ chủ yếu do danh từ và đại từ đảm nhiệm nhưng cũng có trường hợp động từ, tính từ hay cụm từ tham gia vai trò này Chủ ngữ thường đứng ở đầu câu và đứng trước vị ngữ Là thành tố bắt buộc không thể bị lược bỏ mà không ảnh hưởng đến tính trọn vẹn của câu Nhờ đặc điểm này, ta có thể phân biệt chủ ngữ với các thành phần nằm ngoài nòng cốt câu như trạng ngữ, khởi ngữ trong trường hợp các thành tố ấy đứng ở đầu câu Chủ ngữ là thành phần

có thể cùng với vị ngữ tạo ra một kết cấu có khả năng nguyên nhân hoá Nhờ đặc điểm này, ta có thể phân biệt chủ ngữ với bổ ngữ - một thành tố khác của nòng cốt câu trong trường hợp bổ ngữ là thể từ

Ví dụ:

- Người Việt Nam rất hiếu khách

- Tỉ mỉ là đức tích cần có của người thợ mộc

- Thất bại là mẹ thành công

Trang 33

27

- Lao động là vinh quang

- Vị ngữ: là bộ phận của nòng cốt câu, có thể dùng phó từ chỉ thời - thể để

nhận diện vị ngữ Vị ngữ có thể do động từ, tính từ, cụm giới từ, cụm chủ - vị đảm nhận Vị ngữ thường đứng sau chủ ngữ Vị ngữ có tác dụng quyết định đối với cấu trúc ngữ pháp của câu Nó quyết định số lượng chủ ngữ, số lượng biến thể của câu, ý nghĩa và khả năng thay đổi vị trí của chủ ngữ Trong trường hợp câu được mở rộng bằng các thành phần thứ yếu hay được kết hợp với câu khác thì có thể lược bỏ chủ ngữ chứ không thể lược bỏ vị ngữ

Ví dụ:

- Cô ấy rất duyên dáng

- Tôi tên là Nhung

- Cam này bốn mươi nghìn

- Bố tôi là người giỏi nhất

- Chúng tôi tặng quà cho trẻ em nghèo

- Nó vào Sài Gòn rồi

- Tôi được cô giáo khen

- Cô ấy nhờ tôi trông nhà

Trang 34

28

- Khởi ngữ: Là thành phần phụ của câu, biểu thị chủ đề của sự tình được nêu

ra trong câu Khởi ngữ có thể do danh từ, động từ, tính từ hoặc cụm từ đảm nhận Khởi ngữ luôn ở đứng ở vị trí trước nòng cốt câu Khởi ngữ không thể tham gia bất kì sự cải biến vị trí nào với nòng cốt câu Đây là tiêu chí để phân biệt khởi ngữ với các thành phần phụ khác của câu khi ở cùng một vị trí

Ví dụ:

- Cuộc thi này, chúng tôi sẽ cố gắng đạt thành tích cao nhất

- Đứa con vô ơn ấy, cô nghĩ về nó làm gì cho mệt

- Điều đó thì tôi còn phải suy tính thêm

- Tình thái ngữ: Là thành phần phụ của câu có vai trò bổ sung ý nghĩa tình

thái cho câu Tình thái ngữ luôn đứng sau nòng cốt câu Tình thái ngữ có thể

do các tiểu từ tình thái (thế, mà, à, đấy, ư, ấy, đã, cơ, ) hoặc các tổ hợp có tính “đặc ngữ” (thì thôi, thì phải, thì khổ, thì chết, thì chớ, thì có, là cùng, là

may, lại còn,còn gì, nữa là, mới được, mới phải, ) đảm nhận Tình thái ngữ

được phân biệt với các thành phần làm thành vế câu ghép như vị ngữ, tiểu từ nhấn mạnh và từ cảm thán ở ý nghĩa, khả năng hoán đổi vị trí, quan hệ với nòng cốt câu và khả năng lược bỏ

Ví dụ:

- Cậu làm gì thế?

- Mời bác vào nhà cháu uống chén nước ạ!

- Bác ấy mà biết tôi rủ cậu đi chơi thì chết!

- Định ngữ câu: là thành phần phụ của câu biểu thị ý nghĩa hạn định tình thái

hoặc cách thức cho sự tình của câu Định ngữ câu đứng trước nòng cốt câu hoặc xen giữa chủ ngữ và vị ngữ Định ngữ câu có thể cùng được gặp trong một câu có các thành phần phụ khác như khởi ngữ, tình thái ngữ và trạng ngữ

Trang 35

29

nhưng nó được phân biệt với các thành phần đó ở khả năng cải biến vị trí và mối quan hệ với nòng cốt câu Định ngữ câu được phân biệt với định ngữ của

vị từ Định ngữ của vị từ là những yếu tố chỉ có quan hệ với vị ngữ chứ không

có quan hệ trực tiếp với nòng cốt câu

Ví dụ:

- Thỉnh thoảng cô ấy lại cất lên những lời hát du dương

- Lẽ nào cậu và anh ấy đã chia tay?

- Dường như tất cả mọi vẫn đề đều được giải quyết ổn thỏa

- Trạng ngữ: là thành phần phụ của câu, có tác dụng bổ sung ý nghĩa về thời

gian, không gian, mục đích, nguyên nhân, phương tiện, cho sự tình được biểu đạt trong câu Trạng ngữ có thể đứng trước, đứng sau hoặc chen vào giữa nòng cốt câu Trạng ngữ được phân biệt với các thành phần khác của câu bằng khả năng cải biến vị trí, ý nghĩa biểu hiện và khả năng tham gia phân đoạn thực tại

Ví dụ:

- Qua câu chuyện này, tôi nhận ra tình cảm gia đình là thứ quý giá

nhất

- Trong trái tim tôi, Hà Nội luôn có một vị trí rất đặc biệt

- Loại vi rút này được tìm ra bởi một nhà khoa học người Mĩ

1.3.2.2 Đặc điểm hư từ tiếng Việt

Trong tiếng Việt, dựa vào các tiêu chí như ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp, chức năng cấu tạo câu (phát ngôn) người ta phân chia từ ra làm hai loại

là thực từ và hư từ Theo đó, thực từ là những từ có ý nghĩa từ vựng, có ý nghĩa ngữ pháp và có chức năng làm thành phần cấu tạo câu Ngược lại, hư từ

Trang 36

30

không có ý nghĩa từ vựng, chỉ có ý nghĩa ngữ pháp và không thể độc lập làm thành phần câu [23, tr14] Hư từ biểu hiện các quan hệ ngữ pháp và ngữ nghĩa khác nhau giữa các thực từ Số lượng hư từ không lớn nhưng chúng có vai trò rất quan trọng và có tần số xuất hiện cao trong sử dụng Các hư từ thường dùng là giới từ, trợ từ, liên từ, phó từ, Hoàng Trọng Phiến trong cuốn “Từ điển giải thích hư từ tiếng Việt” đã chỉ ra hư từ có những đặc điểm sau:

- Hư từ mang nghĩa quan hệ Đó là khái niệm về sự liên hệ và quan hệ giữa các sự vật mà các từ biểu thị Nghĩa của hư từ gắn với cách thức tư duy, hành vi tư duy Do đó, lựa chọn hư từ nào để cấu tạo câu nói mang thông tin xuất phát từ nhu cầu diễn đạt của tư duy

- Hư từ tham gia kiến tạo lập luận

- Hư từ không làm trung tâm của cụm từ, của ngữ đoạn và không độc lập làm thành phần câu cũng như không độc lập tạo ra câu Hư từ và các kết cấu hư từ đứng ngoài nòng cốt câu nhưng có liên đới đến toàn câu nhằm diễn đạt ý nghĩa ngữ dụng nào đó tuỳ theo chiến lược của người sử dụng chúng Tuy nhiên, những giới từ kết hợp với danh từ tạo ra giới ngữ Giới ngữ đến lượt mình có chức năng làm thành phần câu, chủ yếu làm định tố trong danh ngữ, làm bổ tố trong động ngữ và làm trạng ngữ ở đầu phát ngôn

- Hư từ tự nó không có khả năng biểu hiện sắc thái nghĩa Nó có sắc thái nghĩa tình thái khi tham gia vào một kết cấu cú pháp nào đó, trong một ngôn cảnh nào đó Trong trường hợp như thế, hư từ và các kết cấu hư từ, các quán ngữ tham gia vào chức năng biểu hiện quan hệ cú pháp và nghĩa

bổ sung

Trang 37

31

- Hư từ không có khả năng láy để tạo dạng thức ngữ pháp Trong một số trường hợp, người nói có thể lặp lại một hay vài lần một số phó từ nhằm nhấn mạnh

Tiểu kết chương 1

Trong chương này, chúng tôi đã giới thiệu sơ bộ những nghiên cứu có liên quan đến lỗi trong sử dụng tiếng Việt của người nước ngoài nói chung và việc học tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc nói riêng Đồng thời chúng tôi

đã trình bày một số quan điểm về giao thoa ngôn ngữ, chỉ ra những khác biệt văn hóa và ngôn ngữ dẫn đến giao thoa, đưa ra một số quan điểm về lỗi, nguyên nhân gây lỗi và một số quan điểm về phân loại lỗi Qua đó chúng tôi nhận thấy lỗi ngữ pháp trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi là một trong những loại lỗi phổ biến mà người học dù ở cấp độ nào cũng mắc phải Đặt ra cho những người làm công tác giảng dạy một nhiệm vụ quan trọng đó là phải giúp cho người học hạn chế và khắc phục được tình trạng mắc lỗi, nhằm nâng cao tối đa hiệu quả trong việc sử dụng ngôn ngữ thứ hai Bằng những tài liệu

có liên quan, chúng tôi cũng đã khái quát đặc điểm cơ bản của tiếng Trung và tiếng Việt, đặc biệt là những đặc điểm của hư từ và thành phần câu trong hai ngôn ngữ, vì đây là những phạm vi chính trong nội dung nghiên cứu của chúng tôi Qua đó có thể thấy, đặc điểm của tiếng Việt và tiếng Trung có rất nhiều điểm tương đồng, đây là điều kiện thuận lợi cho sinh viên Trung Quốc khi học tiếng Việt cũng như sinh viên Việt Nam khi học tiếng Trung, song bên cạnh đó cũng còn nhiều khác biệt dẫn đến giao thoa khiến cho người học

dễ mắc lỗi trong sử dụng ngôn ngữ đích

Trang 38

32

Chương 2 LỖI HƯ TỪ TIẾNG VIỆT CỦA SINH VIÊN TRUNG QUỐC Dẫn Nhập

Ở chương này chúng tôi tiến hành miêu tả lỗi sử dụng hư từ tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc Tư liệu cho thấy, lỗi thường xuất hiện dưới các hình thức như dùng thừa, dùng thiếu và dùng sai các hư từ Như đã đề cập ở chương 1, hư từ tiếng Việt là một mảng hết sức phức tạp và còn rất nhiều tranh cãi trong việc xác định và phân loại Vì sự phức tạp đó, ở chương này,

Trang 39

33

chúng tôi quyết định dựa vào kết quả phân loại hư từ của Nguyễn Anh Quế như một khung phân loại nội bộ các hư từ tiếng Việt, trên cơ sở đó, chúng tôi

sẽ trình bày kết quả khảo sát lỗi trên tư liệu của mình

2.1 Lỗi các hư từ thuộc nhóm làm thành tố phụ đoản ngữ

2.1.1 Lỗi các hư từ chuyên làm thành tố phụ cho đoản ngữ có danh từ làm trung tâm

2.1.1.1 Lỗi các hư từ biểu đạt số nhiều của danh từ trung tâm “những,

các”

Kết quả khảo sát cho thấy có 20/373 (chiếm 5,3%) trường hợp xuất hiện lỗi

trong cách dùng hai từ “những, các”, lỗi ở nhóm này thường xuất hiện những

(1) Ngày nghỉ thì là cơ hội tốt đối với sinh viên thích đi khám phá, tìm hiểu

(2) Người tham gia biểu diễn văn nghệ đều là cô gái rất xinh đẹp

(3) Các dòng sông chảy quanh Hà Nội đều là dòng sông lớn

(4) Trong Danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, em mới chỉ tham quan Vịnh Hạ Long

Trang 40

34

(5) Sinh viên Trung Quốc tại trường đại học ở Trung Quốc cuộc sống rất thoải mái và vui vẻ

Ở các ví dụ trên, người học mắc lỗi dùng thiếu “những” vì các em chưa

nắm vững cấu trúc của đoản ngữ danh từ trong tiếng Việt, cũng như cách dùng

từ này trong kết hợp với danh từ đứng sau Sau danh từ số nhiều nếu có định

ngữ thì phải dùng “những” để đối chiếu người/ sự vật mà danh từ đó biểu thị

với những người/ sự vật khác Ở ví dụ (1), cách dùng đúng sẽ phải là “

những sinh viên thích đi khám phá, tìm hiểu” để phân biệt với những sinh viên

khác, có thể là “ những sinh viên thích về quê” hay “những sinh viên thích

ngủ nướng” Ở các ví dụ còn lại, tình hình cũng tương tự, cách dùng đúng

cũng cần có “những” vào trước các danh từ trung tâm “cô gái”, “dòng sông”,

những dòng sông khác, những danh lam thắng cảnh khác Có thể có một lí do

khác khiến các em mắc lỗi này, đó là có thể các em đã tư duy bằng tiếng Trung trước khi viết ra bằng tiếng Việt, và như vậy sẽ bị ảnh hưởng từ tiếng

mẹ đẻ Chẳng hạn như ở ví dụ (2) tiếng Trung sẽ viết là:“参加文艺表演的人

都是 很漂亮的姑娘” (Những người tham gia biểu diễn văn nghệ đều là

những cô gái rất xinh đẹp) Khi học tiếng Việt, các em có thể đã nhận thức

rằng “những” trong tiếng Việt tương đương với “些”trong tiếng Trung,như các trường hợp “这些书”, “那些学生” thường được dịch là “những quyển

sách này”, “những học sinh ấy” Mà trong câu :“参加文艺表演的人都是 很

漂亮的姑娘” không xuất hiện “些” (từ biểu thị số nhiều bộ phận) nên các em

không ý thức được là phải thêm “những” vào trước các danh từ trung tâm

Lỗi này chỉ thường gặp ở những học sinh có trình độ còn thấp vì ở trình độ

Ngày đăng: 04/04/2016, 21:35

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Lê Xảo Bình (2004) “Khảo sát lỗi sử dụng từ ngữ của học viên Trung Quốc học tiếng Việt”, Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV HN Sách, tạp chí
Tiêu đề: “Khảo sát lỗi sử dụng từ ngữ của học viên Trung Quốc học tiếng Việt”
2. Phạm Đăng Bình (2003), Khảo sát các lỗi giao thoa ngôn ngữ - văn hóa trong diễn ngôn của người Việt học tiếng Anh, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Viện ngôn ngữ học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Khảo sát các lỗi giao thoa ngôn ngữ - văn hóa trong diễn ngôn của người Việt học tiếng Anh
Tác giả: Phạm Đăng Bình
Năm: 2003
3. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ), Nxb ĐH và THCN, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ)
Tác giả: Nguyễn Tài Cẩn
Nhà XB: Nxb ĐH và THCN
Năm: 1975
4. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, Nxb KHXH, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại
Tác giả: Nguyễn Tài Cẩn
Nhà XB: Nxb KHXH
Năm: 1975
5. Nguyễn Linh Chi (2007), “Một số nhận xét về lỗi dùng từ đặt câu của người nước ngoài học tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 8 Sách, tạp chí
Tiêu đề: “Một số nhận xét về lỗi dùng từ đặt câu của người nước ngoài học tiếng Việt”
Tác giả: Nguyễn Linh Chi
Năm: 2007
6. Nguyễn Linh Chi (2008), “Lỗi trật tự từ của người bản ngữ tiếng Anh học tiếng Việt” , Tạp chí ngôn ngữ số 7 Sách, tạp chí
Tiêu đề: “Lỗi trật tự từ của người bản ngữ tiếng Anh học tiếng Việt”
Tác giả: Nguyễn Linh Chi
Năm: 2008
7. Nguyễn Linh Chi (2009),“Lỗi ngôn ngữ của người nước ngoài học tiếng Việt (trên tư liệu từ vựng, ngữ pháp của người Anh, Mĩ )”, Luận án tiến sĩ ngữ ngôn ngữ học, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: “Lỗi ngôn ngữ của người nước ngoài học tiếng Việt (trên tư liệu từ vựng, ngữ pháp của người Anh, Mĩ )”
Tác giả: Nguyễn Linh Chi
Năm: 2009
8. Mai Ngọc Chừ (1995), Tiếng Việt cho người nước ngoài, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiếng Việt cho người nước ngoài
Tác giả: Mai Ngọc Chừ
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1995
9. Đinh Văn Đức (1986), Ngữ pháp tiếng Việt – Từ loại, Nxb ĐH và THCN, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngữ pháp tiếng Việt – Từ loại
Tác giả: Đinh Văn Đức
Nhà XB: Nxb ĐH và THCN
Năm: 1986
10. Nguyễn Thiện Giáp (1998), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục,Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ vựng học tiếng Việt
Tác giả: Nguyễn Thiện Giáp
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1998
11. Cao Xuân Hạo (1998), Tiếng Việt mấy vấn đề về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, Tp Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiếng Việt mấy vấn đề về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa
Tác giả: Cao Xuân Hạo
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1998
12. Nguyễn Văn Hiệp (2009), Cú pháp tiếng Việt ,Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cú pháp tiếng Việt
Tác giả: Nguyễn Văn Hiệp
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2009
13. Đào Thị Thanh Huyền (2008), “Khảo sát lỗi ngữ âm của người Trung Quốc học tiếng Việt và cách khắc phục”, Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: “Khảo sát lỗi ngữ âm của người Trung Quốc học tiếng Việt và cách khắc phục”
Tác giả: Đào Thị Thanh Huyền
Năm: 2008
14. Nguyễn Việt Hương (1996), Thực hành tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thực hành tiếng Việt dùng cho người nước ngoài
Tác giả: Nguyễn Việt Hương
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1996
15. Lê Thị Nguyệt Minh (2012), “Khảo sát lỗi sử dụng từ ngữ của học viên Trung Quốc học tiếng Việt”, Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: “Khảo sát lỗi sử dụng từ ngữ của học viên Trung Quốc học tiếng Việt”
Tác giả: Lê Thị Nguyệt Minh
Năm: 2012
16. Nguyễn Thiện Nam (1991), Về ba từ “rất”, “quá”, “lắm” trong tiếng Việt hiện đại, Tạp chí Khoa học, ĐHTH, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Về ba từ “rất”, “quá”, “lắm” trong tiếng Việt hiện đại
Tác giả: Nguyễn Thiện Nam
Năm: 1991
17. Nguyễn Thiện Nam (2001), Khảo sát lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài và những vấn đề liên quan, Luận án tiến sĩ ngữ văn, ĐHKHXH&NV – ĐHQG, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Khảo sát lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài và những vấn đề liên quan
Tác giả: Nguyễn Thiện Nam
Năm: 2001
18. Nguyễn Thiện Nam (2004), Lỗi loại từ trong tiếng Việt của người nước ngoài, http://e-flt.nus.edu.sg Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lỗi loại từ trong tiếng Việt của người nước ngoài
Tác giả: Nguyễn Thiện Nam
Năm: 2004
19. Nguyễn Thiện Nam (2010), Số phận của ngữ pháp trong tiến trình dạy tiếng – Một vài liên tưởng vào sách dạy tiếng Việt, Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 26 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Số phận của ngữ pháp trong tiến trình dạy tiếng – Một vài liên tưởng vào sách dạy tiếng Việt
Tác giả: Nguyễn Thiện Nam
Năm: 2010
20. Nguyễn Thiện Nam (2010), Về vấn đề dạy ngữ pháp trong giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài, Tạp chí Ngôn ngữ, Viện khoa học Xã hội Việt Nam, Viện ngôn ngữ học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Về vấn đề dạy ngữ pháp trong giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài
Tác giả: Nguyễn Thiện Nam
Năm: 2010

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w