1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

liên kết nội dung trong kinh nguyện công giáo (dựa trên cứ liệu tiếng việt)

221 533 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 221
Dung lượng 4,14 MB

Nội dung

Với mong muốn vận dụng những lí thuyết của ngữ pháp văn bản vào việc giải quyết một vấn đề trong ngôn ngữ, chúng tôi quyết định chọn “liên kết nội dung trong văn bản” làm cơ sở lí luận,

Trang 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Mộng Tuyền

LIÊN KẾT NỘI DUNG TRONG KINH NGUYỆN CÔNG GIÁO

(DỰA TRÊN CỨ LIỆU TIẾNG VIỆT)

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013

Trang 2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

TS TRẦN HOÀNG

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013

Trang 3

LỜI CẢM ƠN

tình hướng dẫn, hỗ trợ tài liệu, chỉ dạy, quan tâm chúng tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn

Xin gửi lời tri ân chân thành đến những thầy cô đã dìu dắt chúng tôi trong khóa học, giúp chúng tôi hoàn thành các học phần và có đủ kiến thức nền tảng để thực hiện luận văn

Xin trân trọng cảm ơn Phòng Sau đại học và Khoa Ngữ Văn – Trường ĐH Sư phạm

Trang 4

LỜI CAM ĐOAN

Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi

Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác

Tác giả

Nguyễn Thị Mộng Tuyền

Trang 5

MỤC LỤC

LỜI CẢM ƠN 1

LỜI CAM ĐOAN 2

MỤC LỤC 3

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT, CÁC KÍ HIỆU 5

DẪN NHẬP 6

1 Lí do chọn đề tài 6

2 Lịch sử nghiên cứu 7

3 Đối tượng và mục đích nghiên cứu 10

4 Nguồn ngữ liệu và phạm vi nghiên cứu 11

5 Phương pháp nghiên cứu 12

6 Kết cấu luận văn 13

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ HỮU QUAN 15

1.1 Văn bản – liên kết trong văn bản 15

1.1.1 Khái niệm văn bản 15

1.1.2 Văn bản với diễn ngôn 16

1.1.3 Đặc trưng của văn bản 17

1.1.4 Liên kết trong văn bản 18

1.2 Liên kết chủ đề trong văn bản 19

1.3 Liên kết logic trong văn bản 20

1.4 Lí thuyết về lập luận 21

1.4.1 Bản chất của lập luận 21

1.4.2 Luận cứ, kết luận và quan hệ lập luận 21

1.4.3 Quan hệ lập luận trong sự so sánh với các kiểu quan hệ khác 24

1.4.4 Kết tử lập luận 25

1.5 Một vài vấn đề liên quan đến kinh nguyện Công giáo 26

1.5.1 Vấn đề truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam 26

1.5.2 Về ý nghĩa của kinh nguyện trong đời sống đạo Công giáo 27

CHƯƠNG 2: LIÊN KẾT CHỦ ĐỀ TRONG KINH NGUYỆN CÔNG GIÁO 29

2.1 Sự thể hiện của liên kết chủ đề trong kinh nguyện Công giáo 29

2.1.1 Các phương thức liên kết duy trì chủ đề 30

2.1.2 Các phương thức liên kết phát triển chủ đề 58

2.2 Độ liên kết chủ đề - độ phức tạp của văn bản trong kinh nguyện Công giáo 75

Trang 6

2.2.2 Độ phức tạp của văn bản 79

2.3 Tiểu kết 80

CHƯƠNG 3: LIÊN KẾT LOGIC TRONG KINH NGUYỆN CÔNG GIÁO 82

3.1 Sự thể hiện của liên kết logic và giá trị lập luận của chúng trong kinh nguyện Công giáo 82

3.1.1 Phương thức tuyến tính 82

3.1.2 Phương thức nối 89

3.2 Mô hình lập luận trong kinh nguyện Công giáo 100

3.2.1 Khái quát về bản chất của lập luận trong kinh nguyện Công giáo 100

3.2.2 Các mô hình lập luận trong kinh nguyện Công giáo 104

3.2 Tiểu kết 111

KẾT LUẬN 113

TÀI LIỆU THAM KHẢO 116

PHỤ LỤC 123

Trang 7

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT, CÁC KÍ HIỆU

của tài liệu và số trang (nếu có)

Ví dụ: [92, 19]

liệu, số trang và tên kinh nguyện

Ví dụ: (1, 474 – TV 33 Chúa cứu độ người lành II)

Trang 8

DẪN NHẬP

1 Lí do chọn đề tài

được liên kết với nhau theo những qui tắc nhất định Thế nên, nếu ở ngôn ngữ học truyền thống, phạm vi nghiên cứu chỉ đến “câu” thì ngôn ngữ học từ những năm 70 của thế kỉ XX

đã vượt khỏi giới hạn của “câu” Việc mở rộng giới hạn này đã dẫn tới sự ra đời của một lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học mới: ngữ pháp văn bản

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của ngữ pháp văn bản chính là “tính liên kết” của văn bản, nghĩa là xem xét mối dây liên hệ giữa câu với câu trong một văn bản, xem xét mối tương quan giữa các đọan văn, các phần trong cùng một văn bản, để rồi từ đó trả lời cho những câu hỏi: Cái gì đã tạo nên một văn bản hoàn chỉnh? Cái gì đã khiến cho những yếu tố tưởng chừng như tách biệt đủ điều kiện để trở thành những “chi thể” của một “cơ thể”, bất khả phân chia?

Nếu xem một văn bản là một chỉnh thể thì tính liên kết chính là mối dây buộc ràng các bộ phận của chỉnh thể ấy Sự ràng buộc đó không chỉ hiện diện ở bên ngoài mà nó còn ngầm ẩn ở bên trong, tức là không chỉ được biểu hiện ở hình thức mà còn thể hiện ở nội dung văn bản Liên kết nội dung mới thực sự là quan trọng Nó như “phần hồn” tinh túy của chỉnh thể, mà nếu đánh mất nó thì đối tượng mà ta nói tới sẽ không còn là văn bản hoàn chỉnh nữa, và các chi thể của nó cũng trở thành những thứ rời rạc Cho nên, nắm được những mối dây liên kết về nội dung của văn bản sẽ tạo tiền đề cho chúng ta nắm bắt văn bản một cách chính xác, hiểu văn bản một cách tinh tế hơn Sự thú vị của “liên kết nội dung trong văn bản” đã tạo một niềm hứng thú khoa học đối với người nghiên cứu Với mong muốn vận dụng những lí thuyết của ngữ pháp văn bản vào việc giải quyết một vấn đề trong ngôn ngữ, chúng tôi quyết định chọn “liên kết nội dung trong văn bản” làm cơ sở lí luận, nhằm thể nghiệm phân tích tính liên kết của những văn bản cụ thể Đồng thời, dựa trên lí thuyết này và mở rộng hơn ở góc độ ngữ dụng, chúng tôi sẽ xác lập những khuôn liên kết văn bản thường gặp trong loại văn bản kinh nguyện của Công giáo Đó là một điểm mới mà người viết muốn đóng góp

Tại sao lại chọn văn bản kinh nguyện của đạo Công giáo làm ngữ liệu? Trên thực tế,

chính của một quốc gia, không được tiếp nhận nồng hậu và nhận được nhiều lời bình luận

Trang 9

như các tác phẩm văn chương nghệ thuật… nhưng nó có một giá trị quan trọng đối với những tín hữu của tôn giáo ấy Văn bản kinh nguyện của các tôn giáo nói chung và đặc biệt

là kinh Công giáo nói riêng, đã có một quá trình hình thành, phát triển và lưu hành lâu đời

Nó được viết ra, được hoàn thiện dần theo thời gian và trở thành một món ăn tinh thần của đông đảo người theo đạo Nó được in thành sách, được dịch thành nhiều thứ tiếng và được xem như những lời răn dạy khắc cốt ghi tâm đối với các tín hữu Với sức sống như vậy, văn bản kinh nguyện cũng có những đặc trưng của mình, giúp phân biệt nó với những loại văn bản khác Bên cạnh đặc trưng về từ vựng, ngữ pháp, hoặc về mặt kí hiệu học… đã được nhiều tác giả khảo sát trước đây, văn bản kinh Công giáo còn có những nét riêng trong liên kết chưa được đào sâu Cho nên, nghiên cứu về liên kết văn bản trong lời kinh Công giáo, chúng tôi không nằm ngoài mục tiêu tiếp cận mảng văn bản có nhiều giá trị nhưng ít được

đề cập đến này, nhằm góp phần làm hoàn chỉnh hơn cho bức tranh nghiên cứu ngôn ngữ Về mặt thực tiễn, qua luận văn này, chúng tôi hi vọng có thể phát hiện ra những nét tiêu biểu về liên kết nội dung của một thể loại văn bản đặc thù: kinh nguyện Công giáo

Chúng tôi tin tưởng vào tính khả thi cũng như những đóng góp tích cực của đề tài này, xét về mặt khoa học lẫn thực tiễn Chính vì những lí do đã trình bày ở trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Liên kết nội dung trong kinh nguyện Công giáo” để nghiên cứu

2 Lịch sử nghiên cứu

Như đã nói, ngữ pháp văn bản là một lĩnh vực còn khá non trẻ Nó manh nha từ những năm 40, 50 của thế kỉ trước

Theo Diệp Quang Ban [9], vào khoảng những năm 50 của thế kỉ XX, “cấu trúc luận

ngôn ngữ học hầu như hoàn thành sứ mệnh của mình là xem xét cái phần ngôn ngữ “vì nó”

và “trong bản thân nó”[…]” [9, 13] Ngôn ngữ học cấu trúc xem câu là đơn vị lớn nhất của

hệ thống ngôn ngữ Lĩnh vực này đã đi sâu, khai thác và miêu tả gần như là cặn kẽ tất cả những yếu tố bên trong của câu Đến những năm 50, khi đã “hoàn thành sứ mệnh” nghiên cứu trong giới hạn của “câu”, những nhà nghiên cứu xuất sắc nhất của khuynh hướng ngôn ngữ học cấu trúc (một đại diện là Z Harris 1952) đã nghĩ đến việc mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình Họ quan tâm đến văn bản

Năm 1965, H Harmann đã khẳng định: “Các kí hiệu ngôn ngữ chỉ bộc lộ mình,

chừng nào nó gắn bó trong một văn bản” (Dẫn theo [69]) Còn H Weinrich cũng nhận định

rằng: “Bình thường chúng ta nói không phải bằng các từ rời rạc mà bằng các câu và các

văn bản, và lời nói của chúng ta xây dựng trên tình huống” (Dẫn theo [9, 13]) Điều đó cho

Trang 10

thấy, theo đà phát triển của lĩnh vực nghiên cứu văn bản (được manh nha từ những năm 40,

của mình vượt ra ngoài giới hạn của câu

M.A.K Halliday đã phát biểu rằng đơn vị cơ bản mà chúng ta sử dụng không phải là câu, mà là văn bản Năm 1970, W Dressler một lần nữa nhấn mạnh luận điểm của mình

theo quan điểm của Halliday một cách quả quyết: “Đơn vị ngôn ngữ cao nhất, ít lệ thuộc

nhất, không phải câu mà là văn bản” (Dẫn theo [69]) Như vậy, sau thời hoàng kim của ngữ

đến rộng rãi hơn Thực tế cho thấy, ngữ pháp văn bản ra đời không phải là một hiện tượng mang tính chất tức thời, đột biến, mà nó là kết quả tất yếu của quá trình sử dụng và nghiên cứu ngôn ngữ Có thể nói, ngữ pháp văn bản chính là sự kế thừa, hoàn thiện của ngữ pháp học

Ở Việt Nam, người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu văn bản là Trần Ngọc

Việt [92] với việc trình bày các phương thức liên kết văn bản tiếng Việt một cách có hệ

thống Bên cạnh đó, chuyên luận này cũng đề xuất phương pháp tính toán độ liên kết văn bản, độ phức tạp của văn bản Đồng thời, tác giả cũng đã làm rõ những đặc trưng của liên kết hình thức, liên kết nội dung trong văn bản Cũng trong năm này, Trần Ngọc Thêm và hai

tác giả khác là Nguyễn Trọng Báu và Nguyễn Quang Ninh cho ra mắt quyển sách Ngữ pháp

văn bản và việc dạy làm văn (Dẫn theo [69]) Nếu công trình Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt thuần về lí thuyết, thì cuốn sách Ngữ pháp văn bản và việc dạy làm văn đã làm rõ

tính thực tiễn của lĩnh vực này, thông qua việc giảng dạy cách thức soạn thảo văn bản

Nguyễn Quang Ninh cũng có sự quan tâm đối với đơn vị “văn bản” Trong quyển

Ngữ pháp văn bản (năm 1989), ông cho rằng, chúng ta cần “dành một vị trí riêng cho chuỗi hoàn chỉnh các câu có chung ý nghĩa và là một chỉnh thể cú pháp – ngữ nghĩa nhất định”

(Dẫn theo [69]) Lĩnh vực ngữ pháp văn bản còn nhận được sự quan tâm của tác giả có uy tín như Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban và một số nhà nghiên cứu khác Đặc biệt, Diệp Quang Ban đã đóng góp rất nhiều chuyên luận, nhiều bài báo xoay quanh những vấn đề của ngữ pháp văn bản

Kế thừa, tiếp thu những ý tưởng của Trần Ngọc Thêm và tìm hiểu rộng hơn qua các tài liệu mới sau này, Diệp Quang Ban đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về ngữ pháp

văn bản Năm 1998, ông đóng góp chuyên luận Văn bản và liên kết văn bản trong tiếng Việt

Trang 11

[4] Vào các năm 2003 và 2009, ông xuất bản hai quyển chuyên luận: Giao tiếp – văn bản –

mạch lạc – liên kết – đọan văn [7] và Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo văn bản [9] Đặc biệt,

đưa ra ở những công trình trước đó, Diệp Quang Ban còn khai thác sâu hơn các vấn đề như: phân tích hội thoại, phân biệt “mạch lạc” và “liên kết”, gợi ý về phân tích diễn ngôn…

Năm 1996, Nguyễn Thị Việt Thanh đã công bố chuyên luận Hệ thống liên kết lời nói

tiếng Việt [81] Mục đích của tác giả là xác định rõ ranh giới của lời nói và khái niệm lời

nói trong quan hệ với văn bản; xác định phương thức, phương tiện được sử dụng để liên kết trong lời nói và liên lời nói; đồng thời tìm hiểu mối quan hệ hệ thống – cấu trúc giữa các phương thức, phương tiện liên kết lời nói với nhau và với hệ thống liên kết văn bản

Giai đoạn từ sau năm 2000, việc nghiên cứu ngữ pháp văn bản đã nhận được sự quan tâm rất nồng nhiệt từ các nhà nghiên cứu Bằng chứng là đã có rất nhiều bài báo khoa học,

nhiều chuyên luận, chuyên khảo thuộc lĩnh vực này Chẳng hạn như: Xung quanh kiểu phát

ngôn tỉnh lược trong tiếng Việt [15] (Phan Mậu Cảnh); Quan hệ ngữ pháp trong văn bản

cách xác định và phân loại” [20] (Võ Văn Chương); Cấu trúc đề thuyết với thực tiễn phân tích diễn ngôn [70] (Tôn Nữ Mỹ Nhật);…

Thời gian gần đây, có một số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đi theo hướng nghiên cứu ngữ pháp văn bản Năm 2002, có luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Văn Tình với đề tài

Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt Năm 2010, Bùi Văn Năm hoàn

thành luận án tiến sĩ với đề tài So sánh phương thức nối trong văn bản tiếng Việt và tiếng

Anh [69] Trong luận án của mình, tác giả nghiên cứu đối chiếu phương thức nối trong văn bản tiếng Anh và tiếng Việt, nhằm rút ra một số điểm tương đồng và dị biệt, có giá trị trong việc dạy và học ngôn ngữ Năm 2011, Phan Thị Ai cũng thể hiện sự quan tâm đối với ngữ

pháp văn bản thông qua luận án tiến sĩ Những vấn đề về mạch lạc văn bản trong bài làm

văn của học sinh phổ thông [1] Tác giả trình bày những số liệu thống kê phong phú Những

đề xuất của Phan Thị Ai trong cách chỉnh sửa các lỗi sai diễn đạt của học sinh dựa trên lí thuyết mạch lạc văn bản cũng góp phần khẳng định giá trị thực tiễn của ngữ pháp văn bản trong vấn đề dạy môn làm văn ở trường phổ thông

Điểm qua sơ nét về những công trình nghiên cứu ngữ pháp văn bản, đặc biệt là những công trình nghiên cứu gần đây, chúng tôi nhận thấy chuyên ngành này có đóng góp tích cực không chỉ cho việc nghiên cứu ngôn ngữ nói riêng mà còn cho rất nhiều lĩnh vực

Trang 12

khác có liên quan đến ngôn ngữ như: phân tích văn học, nghiên cứu văn học, dạy làm văn Đây là một vùng đất còn rất nhiều tiềm năng và hứa hẹn thu hoạch nhiều thành tựu mới

Nhìn lại quá trình nghiên cứu các văn bản của đạo Công giáo, như kinh nguyện, kinh

pháp,… và đặc biệt là ngữ âm Hầu hết những văn bản này được xem như căn cứ để các tác giả “vẽ” ra một “phác đồ” chung cho quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của chữ

Quốc ngữ Trong chuyên luận Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ XX

Giáo lý cương yếu” [96, 45] của Alexandre de Rhodes, cuốn “Giáo lý cương yếu bằng tiếng Latinh và tiếng Annam” [96, 40], quyển Phép giảng tám ngày [96, 45] của Alexandre

thời kì đầu vẫn còn được lưu giữ khá đầy đủ ở thư viện của tòa thánh Vatican, “[…] có đến

2.400 các bản thảo viết tay và 50.000 các bản đã in” [96, 42] Có thể nói, đây chính là một

nguồn ngữ liệu phong phú để nghiên cứu lịch sử tiếng Việt

mảnh ghép Đó là vấn đề liên kết, cũng như giá trị lập luận, giá trị ngữ dụng của kinh nguyện Công giáo Do vậy, luận văn của chúng tôi, tiếp bước những thế hệ đi trước, mong mỏi sẽ góp một công sức nhỏ vào việc hoàn chỉnh bức tranh chung

3 Đối tượng và mục đích nghiên cứu

Đối tượng chính được đề cập đến một cách xuyên suốt và nhất quán trong luận văn của chúng tôi là: liên kết nội dung trong văn bản và sự thể hiện của nó trong lời kinh Công giáo Với đề tài này, mục đích của chúng tôi là nghiên cứu hệ thống liên kết nội dung trong văn bản tiếng Việt Cụ thể là khảo sát chúng trong kinh nguyện Công giáo Hầu hết những bài kinh này đều có sự liên kết chủ đề rất chặt chẽ Tuy nhiên, chúng liên kết chủ đề chủ yếu bằng cách thức nào, độ bền chặt trong liên kết chủ đề của chúng là bao nhiêu, sự phức tạp trong chủ đề ở mức nào, thì vẫn là một ẩn số

Song song đó, chúng tôi cũng hướng đến việc nghiên cứu về phương diện ngữ dụng của lời kinh Công giáo, nhất là giá trị lập luận của những từ nối (nối chặt, nối lỏng), của phép liên kết theo tuyến tính Đây là những nhân tố góp phần tạo nên liên kết logic trong nội dung một văn bản nói chung Đồng thời, chúng cũng là yếu tố cần thiết để xác định phương

Trang 13

thức lập luận của văn bản Chúng tôi thực hiện những điều này với mục đích là tìm ra những

sơ đồ lập luận của kinh nguyện Công giáo Từ đó rút ra những “khuôn” lập luận thường gặp trong thể loại văn bản này

Với việc thực hiện một luận văn thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học, chúng tôi hi vọng có thể từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu ngôn ngữ của bản thân, góp phần tích lũy thêm kinh nghiệm cho công việc nghiên cứu về sau

4 Nguồn ngữ liệu và phạm vi nghiên cứu

Như đã nói, đối tượng chính trong luận văn của chúng tôi là: liên kết nội dung trong văn bản và sự thể hiện của nó trong kinh nguyện Công giáo Với đối tượng được xác định như vậy, nguồn ngữ liệu của luận văn được giới hạn trong những văn bản kinh của đạo

hai quyển Những giờ kinh phụng vụ (256 văn bản) và Thiên Chúa thánh giáo – Nhựt khóa

lần thứ hai vào năm 1991, bởi Ủy ban phụng tự trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam

có từ thời Cựu ước Còn những văn bản kinh nguyện trong gia đình (theo Tân ước) được

trích từ sách Thiên Chúa thánh giáo - Nhựt khóa – đây là một loại văn bản tôn giáo không

thể thiếu được trong bất kì gia đình tín hữu nào Trên thực tế, số lượng kinh nguyện cũng như các kiểu loại văn bản tôn giáo khác có rất nhiều chứ không chỉ gói gọn trong con số

lời kinh nguyện được xem là tiêu biểu thuộc hai chặng đường của giáo lí Công giáo: Cựu ước và Tân ước Tính chất “tiêu biểu” này được chọn lựa theo tiêu chí thiên về xã hội học,

chỉ chọn những văn bản quen thuộc, được đa số người theo đạo biết đến và được chọn lọc in

ấn trong những quyển sách “gối đầu giường” của người Công giáo

Với đối tượng nghiên cứu được xác định như trên, chúng tôi khoanh vùng nội dung

Thứ nhất, chúng tôi vận dụng những quan điểm lí thuyết về liên kết nội dung văn bản

đã được công bố rộng rãi làm cơ sở để nghiên cứu và chỉ đi sâu tìm hiểu liên kết nội dung

Thứ hai, luận văn nghiên cứu hiện tượng liên kết nội dung trong những văn bản cụ thể, mà ở đây là kinh nguyện Công giáo Trong đó, chúng tôi sẽ làm rõ những mối liên kết chủ đề và liên kết logic của văn bản Trong quá trình nghiên cứu các phương diện liên kết này, chúng tôi chú trọng đến việc thống kê, phân loại các phương thức biểu hiện tính liên

Trang 14

kết trong từng văn bản, từ đó, xem xét đâu là phương thức liên kết được sử dụng nhiều nhất Những phương thức có tần số sử dụng cao sẽ quyết định những đặc điểm về tính liên kết của văn bản kinh Công giáo (điều này chỉ có thể được chỉ ra một cách cụ thể thông qua những con số thống kê)

Ở phần liên kết chủ đề, chúng tôi sẽ áp dụng các công thức toán học mà GS Trần Ngọc

Thêm đã đề xuất trong công trình nghiên cứu Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, nhằm tính

độ liên kết của đề, độ phức tạp chủ đề của các văn bản được xét Sau đó, chúng tôi tiến hành tính trung bình cộng, để có được thông số định lượng, làm nền tảng lí luận cho việc rút ra nhận xét về tính liên kết của văn bản kinh nguyện

Thứ ba, ở phần liên kết logic, chúng tôi nhận thấy ngoài tác dụng liên kết văn bản, các phương thức liên kết logic còn đóng một vai trò trọng yếu trong việc thể hiện lập luận của văn bản Thế nên bên cạnh việc miêu tả sự hiện diện của các phương thức liên kết logic cũng như phân tích làm rõ giá trị liên kết của chúng, chúng tôi còn dựa vào đó để phân tích lập luận trong một số văn bản kinh nguyện được khảo sát Cũng do đặc trưng của đề tài là nghiên cứu về phương diện liên kết nên chúng tôi tập trung vào khai thác giá trị định hướng lập luận của các kết tử logic trong kinh nguyện (hay còn gọi là kết tử lập luận) và sẽ ít đề cập đến các tác tử lập luận (Các khái niệm “kết tử”, “tác tử” sẽ được làm rõ ở các phần tiếp theo)

5 Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp nghiên cứu chính trong luận văn là: phương pháp thống kê, phương pháp miêu tả, phương pháp phân tích, và phương pháp sơ đồ hóa

Phương pháp thống kê ngôn ngữ học: Phương pháp thống kê ngôn ngữ học được sử

dụng để khảo sát về số lượng và phân loại các phép liên kết được sử dụng trong văn bản Sau khi thống kê, chúng tôi tiến hành tính toán tỉ lệ phần trăm số lượng các mối liên kết, so sánh và phân tích các số liệu này, từ đó rút ra các kết luận

Phương pháp phân tích diễn ngôn: Đối với nghiên cứu liên kết văn bản, phương

lưỡng các ngữ liệu trước khi tính toán Để đảm bảo cho quá trình phân tích ngữ liệu được thực hiện một cách chính xác, chúng tôi căn cứ vào việc miêu tả đặc trưng của những phương thức liên kết đã được các tác giả đi trước đề xuất trong công trình nghiên cứu của

họ Sau khi miêu tả kĩ lưỡng những đặc trưng đó, chúng tôi sẽ có cơ sở để nhận diện các mối liên kết khi chúng được hiện thực hóa trong một văn bản cụ thể

Trang 15

Để chứng minh cho những luận điểm đã đúc kết được trong quá trình khảo sát ngữ liệu, chúng tôi trích một số dẫn chứng tiêu biểu, rút ra từ các văn bản kinh Công giáo được khảo sát Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích các dẫn chứng này, nhằm làm rõ sự hiện diện của các phương thức liên kết, cũng như vai trò của chúng trong việc nối kết nội dung văn bản

P hương pháp sơ đồ hóa: Ở chương Hai của luận văn, để miêu tả các mối liên kết

chủ đề trong văn bản, chúng tôi thực hiện thao tác vẽ đồ hình liên kết văn bản Tất cả những

đồ hình liên kết được vẽ dưới dạng những “ma trận”, với các cột tương ứng với số lượng phát ngôn khác nhau trong cùng một văn bản, còn các hàng thì tương ứng với số lượng những đối tượng cụ thể được nối kết Trong luận văn, ở phần cuối của chương Hai, do giới hạn của luận văn, chúng tôi chỉ miêu tả một đồ hình tiêu biểu Toàn bộ các đồ hình liên kết còn lại sẽ được tập hợp ở phần phụ lục Dựa vào những đồ hình này, người nghiên cứu sẽ dễ dàng biểu diễn những “đường dây” liên kết giữa các “nút” từ, ngữ trong văn bản Đồng thời, đây là điều kiện cần để chúng tôi có thể tính toán độ liên kết chủ đề của văn bản

Ở chương Ba, chúng tôi cũng sử dụng phương pháp sơ đồ hóa để vẽ sơ đồ lập luận của văn bản, dựa trên các luận cứ, kết tử và kết luận của từng bài kinh Sau khi thống kê, miêu tả, phân tích, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành thao tác quy nạp, nhằm rút ra kết luận qua những kết quả có được từ những thao tác trước

6 Kết cấu luận văn

chương Cụ thể như sau:

Chương 1: Cơ sở lí thuyết và những vấn đề hữu quan

Trong chương này, chúng tôi trình bày những lí thuyết cơ bản về khái niệm văn bản, phân biệt khái niệm liên kết và khái niệm mạch lạc Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trình bày khái niệm lập luận, kết tử lập luận… Đây là những tiền đề lí thuyết để chúng tôi giải quyết vấn đề ở chương 2, chương 3

Chương 2: Liên kết chủ đề trong kinh nguyện Công giáo

Ở chương này, chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu sự biểu hiện của các phương thức duy trì chủ đề và phát triển chủ đề trong kinh nguyện Bên cạnh đó, chúng tôi tính độ liên kết và

độ phức tạp của một số văn bản kinh nguyện cụ thể

Chương 3: Liên kết logic trong kinh nguyện Công giáo

hương 3, chúng tôi tìm hiểu các phương thức liên kết logic trong kinh

Trang 16

nguyện, từ đó rút ra các sơ đồ lập luận dựa trên giá trị lập luận của các phương thức này

Trang 17

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ HỮU QUAN 1.1 Văn bản – liên kết trong văn bản

1.1.1 Khái niệm văn bản

được xét như một lớp phân chia được thành các khúc đoạn” (Dẫn theo [9, 195]) Đến năm

thúc và có liên kết, có tính chất độc lập và đúng về ngữ pháp” (Dẫn theo [9, 195])

Một văn bản là một đơn vị của ngôn ngữ trong sử dụng Nó không phải là một đơn

vị ngữ pháp loại như một mệnh đề hay một câu, chỉ có điều là lớn hơn, mà nó là một cái khác với một câu về mặt chủng loại […] nên xem xét văn bản như là một đơn vị nghĩa: một đơn vị không phải là của hình thức mà là của ý nghĩa” – đây là cách định nghĩa thuật ngữ

văn bản của Halliday (1976 – 1994) (Dẫn theo [9, 196])

Vào năm 1980, L.M Loseva đã khẳng định: “Văn bản có thể định nghĩa là điều

thông báo viết có đặc trưng là tính hoàn chỉnh về ý và cấu trúc và thái độ nhất định của các tác giả đối với điều được thông báo[…] Về phương diện cú pháp, văn bản là một hợp thể nhiều câu (ít khi là một câu) liên kết với nhau bởi ý và bằng các phương tiện từ vựng – ngữ pháp” (Dẫn theo [9, 197])

Ở nước ta, vào năm 1985, Trần Ngọc Thêm cũng đã góp tiếng nói của mình vào vấn

đề định nghĩa văn bản: “Nói một cách chung nhất thì văn bản là một hệ thống mà trong đó

các câu mới chỉ là các phần tử Ngoài các câu phần tử, trong hệ thống văn bản còn có cấu trúc Cấu trúc của văn bản chỉ ra vị trí của mỗi câu và những mối quan, liên hệ của nó với những câu xung quanh nói riêng và với toàn văn bản nói chung Sự liên kết là mạng lưới của những quan hệ và liên hệ ấy” [92, 19]

Trong luận văn này, để thuận tiện cho quá trình khảo sát, chúng tôi chọn cách định nghĩa văn bản mà tác giả Diệp Quang Ban [7, 21] đã dẫn từ cuốn Bách khoa thư ngôn ngữ

và ngôn ngữ học do Asher Pergamon Press chủ biên (tập 10, phần chú giải thuật ngữ) Theo

đó, văn bản là:

1 Một quãng viết hay phát ngôn, lớn hoặc nhỏ, mà do cấu trúc, đề tài – chủ đề v.v… của nó, hình thành nên một đơn vị, loại như truyện kể, một bài thơ, một đơn thuốc, một biển chỉ đường v.v…

Trang 18

2 Văn học Trước hết được coi như một tài liệu viết, thường đồng nghĩa với sách, […]

3 Trong phân tích diễn ngôn, đôi khi được đánh đồng với ngôn ngữ viết, còn diễn ngôn thì được dành cho ngôn ngữ nói, hoặc diễn ngôn được dùng bao gồm cả văn bản

bao quát rất cao Nó giúp ta nhận diện văn bản ở nhiều trường hợp khác nhau (trong kiến thức phổ thông, trong văn học, trong phân tích diễn ngôn) Vì vậy, chúng tôi vận dụng nó trong quá trình nghiên cứu của luận văn này

1.1.2 Văn bản với diễn ngôn

Ở phần định nghĩa về văn bản mà chúng tôi vừa nói đến ở trên, ta thấy, xuất hiện thuật ngữ “diễn ngôn” Vậy, giữa diễn ngôn và văn bản có gì tương đồng và dị biệt? Quả thật, hai đối tượng này cần được phân biệt cho rõ ràng hơn Thực tế cho thấy, sự phân biệt văn bản với diễn ngôn có liên quan mật thiết đến việc phân biệt ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

ngôn:

Một là phân chia các sản phẩm ngôn ngữ ra làm hai loại đối lập nhau Loại tồn tại dưới dạng viết được gọi là văn bản Loại tồn tại dưới dạng nói được gọi là diễn ngôn Như thế, hai khái niệm này được tách bạch một cách rất rạch ròi, giữa chúng không có sự chồng chéo, giao thoa lẫn nhau

Hướng thứ hai lại cho rằng, mỗi một sản phẩm ngôn ngữ sẽ có những đặc điểm thuộc

về diễn ngôn, những đặc điểm khác thuộc về văn bản Như vậy, theo hướng này thì khái niệm văn bản và diễn ngôn có những mảng giao nhau Hướng phân biệt này có thể được chia ra thành hai khía cạnh khá tinh tế Khía cạnh thứ nhất, trong mỗi sản phẩm ngôn ngữ

đều có liên kết văn bản (thể hiện ở những phương tiện hình thức) Liên kết văn bản phân biệt với mạch lạc diễn ngôn (xét ở các hành động ngôn ngữ cơ sở) Khía cạnh thứ hai lại

phân biệt văn bản và diễn ngôn như cái cách mà các nhà cú pháp học nhận diện câu với phát ngôn (ý của Stubbs) Theo đó, văn bản được nhìn nhận tách biệt với ngữ cảnh, tách khỏi

chức năng giao tiếp Ngược lại, diễn ngôn gắn liền với chức năng giao tiếp, “[…] liên quan

đến phân tích ngôn ngữ trong sử dụng […]” (Van Dijk) (Dẫn theo [4, 41])

Hướng thứ ba là sự kết hợp của hai hướng trên Theo đó, tất cả mọi sản phẩm ngôn ngữ đều được xem là diễn ngôn Tuy nhiên, những cái tồn tại ở dạng viết sẽ được gọi là văn

Trang 19

bản Khi phân tích hình thức ngôn ngữ của các sản phẩm ngôn ngữ, người ta gọi là phân

tích văn bản Còn khi phân tích sản phẩm ngôn ngữ trong những ngữ cảnh cụ thể thì gọi là phân tích diễn ngôn

Trong luận văn này, chúng tôi đi theo hướng phân biệt thứ ba Nghĩa là trong quá trình phân tích những đặc trưng về liên kết ngôn ngữ, chúng tôi gọi đối tượng được khảo sát

cảnh sử dụng cụ thể của nó, chúng tôi sử dụng khái niệm phân tích diễn ngôn

1.1.3 Đặc trưng của văn bản

Mỗi một hiện tượng trong đời sống nói chung và trong khoa học nói riêng đều có những đặc trưng của bản thân nó Điều này giúp chúng ta nhận diện chúng một cách chính

phải đảm bảo những đặc trưng sau:

Thứ nhất, văn bản phải có yếu tố chức năng Là một văn bản, nó phải được tạo ra với

mục đích, với chủ định của chủ thể Chủ thể ở đây là người tạo ra văn bản, là người sử dụng lời nói, thực hiện một hành động tác động vào người nghe Bắt nguồn từ chức năng cơ bản của ngôn ngữ: chức năng giao tiếp, mà văn bản – sản phẩm của hoạt động giao tiếp – sở hữu đặc trưng này

Thứ hai, văn bản phải có yếu tố nội dung Nó phải bao gồm một hoặc nhiều chủ đề,

đề tài xác định Những đề tài, chủ đề này sẽ giúp phân biệt văn bản thật sự với những chuỗi câu lạc đề liên tục; những chuỗi câu rời rạc, thiếu mạch lạc, chỉ đứng cạnh nhau và tạo ra sự bất thường về nghĩa Đôi khi, các chuỗi câu bất thường về nghĩa vẫn có mối quan hệ về mặt hình thức, vẫn được nối kết với nhau bằng nhiều phương thức liên kết phong phú Tuy

Thứ ba, văn bản cần phải có yếu tố cấu trúc – hình thức Điểm giúp chúng ta phân

biệt văn bản và phi văn bản về mặt tổ chức hình thức chính là tính mạch lạc của nó Để có

sự mạch lạc, người ta có thể sử dụng những phương thức liên kết Nhưng phương thức liên kết không phải là điều kiện cần để tạo mạch lạc cho văn bản Như đã nói ở trên, có khi một chuỗi câu được liên kết về mặt hình thức rất chặt chẽ nhưng lại không thể được gọi là văn bản Mặt khác, có những văn bản mạch lạc mà không cần dùng đến các phương thức liên kết Điều này sẽ được phân biệt sâu hơn ở phần tiếp theo, khi chúng tôi trình bày kĩ về sự phân biệt giữa liên kết và mạch lạc

Thứ tư, văn bản phải có yếu tố chỉ lượng Văn bản được hiện thực hóa bằng sự nối

Trang 20

tiếp theo tuyến tính của nhiều câu, nhiều phát ngôn (Chính đặc trưng này đã bắt buộc văn bản phải có sự mạch lạc và liên kết) Tuy nhiên, ở một vài trường hợp hãn hữu, có những văn bản chỉ bao gồm một câu duy nhất

Đặc trưng cuối cùng của văn bản là chúng phải có yếu tố định biên Nghĩa là văn bản

phải có biên giới phía bên trái và biên giới phía bên phải

Trên đây, chúng tôi đã liệt kê năm đặc trưng cơ bản của một văn bản Đây được xem

là căn cứ để chúng tôi xác định những đối tượng mà mình sẽ phải “động chạm” đến và phân tích chúng trong quá trình khảo sát, nghiên cứu

1.1.4 Liên kết trong văn bản

Ở phần 1.1.3., chúng ta đã điểm qua các đặc trưng của văn bản Trong đó, ta thấy có

sự xuất hiện của hai thuật ngữ: liên kết và mạch lạc Hai khái niệm này cần có một sự phân

biệt rạch ròi trước khi đi vào khảo sát

Theo Diệp Quang Ban, liên kết trong ngôn ngữ, xét tổng thể, là “[…] một bộ các hệ

thống ngữ pháp – từ vựng phát triển một cách chuyên biệt thành một nguồn lực có thể vượt qua các biên giới của câu, giúp cho các câu trở thành một chỉnh thể” [347, 7]

câu (hai mệnh đề) theo cách giải thích nghĩa cho nhau Nói rõ hơn, liên kết là kiểu quan hệ nghĩa giữa hai yếu tố ngôn ngữ nằm trong hai câu mà muốn hiểu nghĩa cụ thể của yếu tố này thì phải tham khảo nghĩa của yếu tố kia, và trên cơ sở đó hai câu (mệnh đề) chứa chúng liên kết được với nhau” [7, 347]

Còn mạch lạc được định nghĩa là “Sự nối kết có tính chất hợp lí về mặt nghĩa và về

mặt chức năng, được trình bày trong quá trình triển khai một văn bản (như một truyện kể, một cuộc thoại, một bài nói hay bài viết…), nhằm tạo ra những sự kiện nối kết với nhau hơn

là sự liên kết câu với câu” [7, 297]

Như vậy, liên kết không tương đồng với mạch lạc Chúng là hai hiện tượng hoàn toàn

sự liên kết chặt chẽ về mặt hình thức Mà cũng có rất nhiều đoạn viết (hoặc nói) có liên kết hết sức khăng khít nhưng lại không hề có tính mạch lạc, mà không mạch lạc thì không thể tạo thành văn bản Tóm lại, các phương tiện liên kết có thể được sử dụng để thể hiện sự mạch lạc trong văn bản, nhưng đó không phải là điều kiện cần

liên kết hình thức và liên kết nội dung Theo Trần Ngọc Thêm, “Giữa hai mặt liên kết nội

Trang 21

dung và liên kết hình thức có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ: liên kết nội dung được thể hiện bằng một hệ thống các phương thức liên kết hình thức, và liên kết hình thức chủ yếu dùng để diễn đạt sự liên kết nội dung” [92, 20]

Như đã nói, mặc dù liên kết nội dung có quan hệ với liên kết hình thức nhưng luận văn này không nghiên cứu phần liên kết hình thức của văn bản, mà chỉ chú trọng đến liên

kết nội dung Liên kết nội dung trong văn bản lại được phân chia thành: liên kết chủ đề và

liên kết logic Dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày những vấn đề lí thM[uyết về liên kết chủ đề

và liên kết logic

1.2 Liên kết chủ đề trong văn bản

định: “Hai phát ngôn có thể coi là liên kết chủ đề khi chúng nói đến những đối tượng chung

hoặc những đối tượng có quan hệ mật thiết với nhau Đơn vị cơ sở tham gia liên kết chủ đề

là các đối tượng của hiện thực, trong đó chủ yếu là các sự vật, khái niệm, v.v được thể hiện bằng các tên gọi (danh từ, đại từ)” [92, 240]

Liên kết chủ đề trong một văn bản được thể hiện thông qua các phương thức liên kết

như sau: phép lặp từ vựng, phép thế đồng nghĩa, phép thế đại từ, phép tỉnh lược, phép đối

và phép liên tưởng Sự phân loại các phương thức liên kết chủ đề được thể hiện trong sơ đồ

sau:

Trang 22

Sơ đồ 1.1 Sơ đồ phân loại các phương thức liên kết chủ đề

1.3 Liên kết logic trong văn bản

Bên cạnh liên kết chủ đề, việc thể hiện liên kết nội dung trong văn bản, còn một bình

diện khác, sâu hơn: liên kết logic Theo Trần Ngọc Thêm, “nếu như liên kết chủ đề chủ yếu

là sự tổ chức những phần nêu của các phát ngôn thì liên kết logic chủ yếu là sự tổ chức của các phần báo” [92, 266] Như vậy, nếu như trong liên kết chủ đề, chúng ta tập trung sự chú

ý vào những sự vật, khái niệm (thể hiện trong các danh từ, danh ngữ, đại từ) thì đối với liên kết logic, chúng ta hướng sự quan tâm của mình vào những hành động, sự việc được diễn ra trong phát ngôn

Nếu thỏa mãn những quan hệ ngữ nghĩa nhất định thì hai phát ngôn sẽ có mối liên

kết logic với nhau “Khi hai đơn vị cùng cấp độ kết hợp lại với nhau, nếu các đặc trưng bản

t hể và tiền giả định của chúng không đối lập nhau và có điểm chung thì ta có thể nói rằng hai đơn vị đó phù hợp với nhau về ngữ nghĩa” [92, 268] Như vậy, liên kết logic giữa các

Liên kết logic trong văn bản được thể hiện ở hai phương thức: tuyến tính và nối

Liên kết chủ đề

Duy trì chủ đề

Lặp từ

Tỉnh lược yếu

Tỉnh lược mạnh

Phát triển chủ đề

Trang 23

1.4 Lí thuyết về lập luận

Khi khảo sát liên kết logic trong văn bản, chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ miêu tả các phương tiện liên kết ở khía cạnh kết nối phát ngôn và chỉ dừng lại ở đó thì chưa thể làm rõ hết giá trị của chúng Nói đến các phương tiện liên kết logic, chúng ta cần phải nhắc đến một tác dụng khác của nó: tác dụng định hướng lập luận Vậy thế nào là lập luận? Các thành

tố của một lập luận là gì? Và những đặc điểm của các kết tử lập luận được thể hiện như thế nào?

1.4.1 Bản chất của lập luận

Đỗ Hữu Châu định nghĩa: “Lập luận là đưa ra những lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe

đến một kết luận hay chấp nhận một kết luận nào đấy mà người nói muốn đạt tới” [17, 155]

Còn theo Nguyễn Đức Dân: “Lập luận là một hoạt động ngôn từ Bằng công cụ ngôn ngữ,

người nói đưa ra những lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó: rút

ra một (một số) kết luận hay chấp nhận một số kết luận nào đó” [31, 165]

Điều mà chúng tôi quan tâm khi nói đến hiện tượng lập luận trong các văn bản kinh

nguyện Công giáo là tính chất: “… dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó”,

“… dẫn dắt người nghe đến một kết luận nào đấy…” Chúng tôi nhận thấy, kinh nguyện

cũng chính là những lí lẽ đưa người nghe đến kết luận về một chân lí Hay nói cách khác, nó dẫn dắt người đọc đến mục đích xác tín niềm tin trong tôn giáo; lời hứa của Đấng Tối Cao với dân Chúa; sự khẩn nài, sám hối, cầu xin của người tín hữu đối với Thiên Chúa thiêng liêng…

1.4.2 Luận cứ, kết luận và quan hệ lập luận

Trong luận văn này, chúng tôi cũng nhắc đến khái niệm luận cứ, kết luận và quan hệ

lập luận Theo Diệp Quang Ban, “luận cứ là những căn cứ để từ đó rút ra kết luận” [7,

bằng các luận cứ Trong các bài thuộc kiểu văn nghị luận (như trong khoa học xã hội và nhân văn), cái tương đương với kết luận còn được gọi là luận đề và được hiểu là mệnh đề hay lí thuyết cụ thể mà người ta lấy làm đúng và người ta đưa ra để bảo vệ nó bằng các luận cứ” [7, 322]

ngôn có thể vừa là luận cứ trong quan hệ lập luận này, nhưng cũng có thể là kết luận trong quan hệ lập luận khác Một phát ngôn được xem là luận cứ khi và chỉ khi người nói sử dụng

Trang 24

nó một cách có chủ định để dẫn đến một kết luận nào đó và người nghe cũng chấp nhận nó

có giá trị luận cứ Từ đó, ta có thể suy ra rằng: “Luận cứ là những sự kiện, những dư luận,

những lời nói của người khác mà người ta muốn đưa vào diễn ngôn nhằm ủng hộ, bênh vực cho một luận đề nào đó” Nghĩa là, một phát ngôn là luận cứ sẽ hàm chứa trong nó những thái độ và phản ứng của người tạo lập diễn ngôn Và ở phát ngôn đó, người nói sử dụng các

g iá trị có hai mặt đối lập

Mối quan hệ giữa luận cứ và kết luận được gọi là quan hệ lập luận Trong một diễn

ngôn, không phải lúc nào cũng chỉ tồn tại một luận cứ duy nhất để dẫn đến một kết luận duy nhất Đấy là tình huống mang tính chất “lí tưởng” Chẳng hạn, ta có thể xem xét ví dụ sau:

(1) Cô A có một giọng hát cao vút (2) Cô A sẽ là một ứng cử viên “nặng kí” cho ngôi vị quán quân của cuộc thi âm nhạc năm nay (i)

Như vậy, chỉ từ luận cứ (1), người nói đã có thể rút ra kết luận (2) Vậy quan hệ giữa (1) và (2) chính là quan hệ lập luận

Một trường hợp khác, ta có:

(1) Cô A có một giọng hát cao vút (2) Từ nhỏ, cô A đã được đào tạo bài bản ở trường văn hóa nghệ thuật (3) Cô A sẽ là một ứng cử viên “nặng kí” cho ngôi vị quán quân của cuộc thi âm nhạc năm nay (i’)

Phát ngôn (1), (2) được xem là các luận cứ Còn phát ngôn (3) là kết luận Quan hệ giữa (1), (2) và (3) đã được xác định là quan hệ lập luận Còn (1) và (2) có hiệu lực ngang

lập luận giản đơn

Bên cạnh lập luận giản đơn còn có lập luận phức tạp Ngược với lập luận giản đơn,

lập luận phức tạp là “lập luận trong đó có hai luận cứ không ngang nhau về tính khái quát”

đề” Đại tiền đề là luận cứ chỉ cái chung Còn tiểu tiền đề là luận cứ chỉ cái riêng Kiểu lập

luận phức tạp này được thể hiện rõ nét nhất trong các tam đoạn luận

Ở trường hợp lập luận chỉ có duy nhất một luận cứ sẽ lập tức đưa đến kết luận, ta chỉ

cần nói đến quan hệ lập luận giữa luận cứ và kết luận Tuy nhiên, trên thực tế, một lập luận

đơn giản cũng có thể có hai hoặc hơn hai luận cứ Mối quan hệ giữa các luận cứ trong một

lập luận đơn thường có hai hướng: quan hệ đồng hướng và quan hệ nghịch hướng Luận cứ

đồng hướng là “những luận cứ cùng chấp nhận một kết luận” Luận cứ nghịch hướng là

trường hợp trong một lập luận có hai luận cứ và một kết luận, trong đó có luận cứ hướng

Trang 25

đến chấp nhận kết luận, còn luận cứ kia thì hướng đến phía không chấp nhận kết luận Hai luận cứ như vậy là nghịch đối với nhau trong quan hệ với kết luận” [7, 328] Mối quan hệ

đồng hướng, nghịch hướng này phần nào được hình thành nên bởi một nhân tố mà chúng tôi

sẽ đi sâu tìm hiểu: các phương thức liên kết logic Đặc biệt là phương thức nối Giữa hai

1, luận cứ còn lại không có khả năng này Sức nặng về lập luận của một luận cứ nào đó chịu sự chi phối một cách trực tiếp của các quan hệ từ Ngoài vai trò chỉ ra “lực lập luận” của diễn ngôn, các quan hệ từ còn cho chúng ta phân biệt được đâu là luận cứ, đâu là kết luận

Khác với lập luận đơn, trong tam đoạn luận sẽ có ba mệnh đề (hiển hiện dưới dạng

câu): đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận Như đã nói, đại tiền đề và tiểu tiền đề chính là những luận cứ Trật tự chuẩn theo quy ước của ba mệnh đề này sẽ là:

1 Đại tiền đề Ví dụ: Tất cả mọi người đều phải chết

2 Tiểu tiền đề Ví dụ: Chúa Giê-su đã xuống thế làm người

Trật tự này có thể thay đổi, nhưng phải đảm bảo trật tự nào cũng phải theo lối suy lí diễn dịch Trong một tam đoạn luận, nếu một mệnh đề nào đó hiển nhiên đúng, như một chân lí và ai cũng có thể ngầm hiểu sự tồn tại của nó, thì mệnh đề đó không nhất thiết phải xuất hiện

Trên thực tế, muốn nhận diện một tam đoạn luận (hay kể cả một lập luận đơn) không phải là một điều đơn giản, dễ dàng Bởi vì cách sắp xếp các mệnh đề, các phát ngôn có thể

bị xáo trộn, hoặc các tiền đề, luận cứ, kết luận có thể bị hàm ẩn Ta không thể hiểu một cách máy móc rằng kết luận luôn là phần cuối của một văn bản, nó chỉ được rút ra sau khi đã nêu luận cứ Vì kết luận là một đối tượng luôn được bảo vệ, được ủng hộ bởi các luận cứ trong

vụ của luận cứ là quy chiếu về kết luận ấy, làm sáng tỏ nó Trong kinh nguyện Công giáo, trường hợp như thế này không phải là hiếm thấy Khảo sát sơ bộ các kinh Cựu ước, chúng tôi nhận thấy đa phần là kết luận được đặt ở đầu bài kinh Thậm chí, có thể thấy, kết luận chính là tiêu đề của kinh nguyện Trong khi đó, ở các kinh Tân ước về sau này, thì kết luận lại được để lại phía sau

Vậy, lập luận không phải bao giờ cũng theo dạng chuẩn Để xác định lập luận của một diễn ngôn (văn bản) không theo dạng chuẩn quy ước, thì trước hết người nghiên cứu

Trang 26

phải cố gắng “tiên đoán” các luận cứ, các tiền đề, kết luận xuất hiện trong diễn ngôn (văn bản) ấy Nếu chúng ta muốn đạt được tính chính xác cao thì sự “tiên đoán” này phải dựa trên mối quan hệ lập luận giữa các mệnh đề đó Mà muốn nhận diện quan hệ lập luận, ta phải dựa vào tính mạch lạc, liên kết trong diễn ngôn (văn bản) – đặc biệt là phải chú ý đến mối liên kết giữa các mệnh đề cách xa nhau Khi đã xác định được các mệnh đề có quan hệ lập luận, người phân tích phải đưa các mệnh đề ấy về đúng với dạng “chuẩn” của lập luận đơn hoặc của tam đoạn luận Từ đó, vai trò của các mệnh đề mới được làm rõ Cần lưu ý rằng, đôi khi, một diễn ngôn (văn bản) có thể hàm chứa rất nhiều ý nhưng chỉ có một vài ý chính là tham gia vào lập luận mà thôi

tiếp (không phải là hàm ẩn) Cách diễn đạt gián tiếp có thể được hiểu là cách “nói vòng” khá phổ biến trong những phong cách văn bản mà tính hình ảnh, bóng bẩy được “phát huy tác dụng”, chẳng hạn như trong các tác phẩm văn chương, hoặc thỉnh thoảng xuất hiện trong các văn bản nghị luận, chính luận,… Trong luận văn này, chúng tôi nhận thấy điều đó cũng xuất hiện những văn bản kinh nguyện

1.4.3 Quan hệ lập luận trong sự so sánh với các kiểu quan hệ khác

Mối quan hệ trong lập luận là quan hệ giữa các luận cứ với nhau, hoặc là quan hệ

quy nạp… hoặc những quy luật: đồng nhất, không mâu thuẫn… Còn quan hệ nhân – quả là

“quan hệ giữa hai loại sự việc thỏa mãn bốn điều kiện: tính ưu tiên về thời gian (temporal

priority), tính còn hiệu lực (operativity), tính cần (necessity), tính đủ (sufficiency)

- Lập luận đời thường và lập luận logic:

Tam đoạn luận trong đời thường với tam đoạn luận logic có những điểm khác biệt sau đây

Thứ nhất, đối với suy luận logic thì kết luận trong tam đoạn luận chính là kết quả tất yếu có được từ đại tiền đề, tiểu tiền đề, cộng với tác động của thao tác suy diễn Kết luận trong logic chỉ có thể có hai giá trị: đúng hoặc là sai Các luận cứ có giá trị đúng thì tất yếu

sẽ dẫn đến kết luận đúng và ngược lại Vì vậy, tam đoạn luận logic chỉ có thể xuôi theo một chiều, không thể có những kết luận trái ngược với chân lí Thế nhưng, trong đời thường, một tam đoạn luận có thể có những phản lập luận tương ứng với nó Bởi vì, luận cứ của lập luận trong đời thường chính là những “lẽ thường” Có những lẽ thường mang ý nghĩa trái

Trang 27

ngược với nhau, hơn nữa cách đánh giá của người nói đối với luận cứ cũng khác nhau Cho nên, sự xuất hiện phản lập luận là điều hiển nhiên

đến một kết luận Nhưng lập luận logic thì không thể như vậy

Thứ ba, lập luận đời thường có thể chấp nhận những kết luận phi logic

Thứ tư, trong lập luận đời thường, người ta có thể sử dụng nhiều phát ngôn thuộc những hành vi ở lời khác nhau (như hỏi, cảm thán, hứa hẹn…) trong vai trò là các bộ phận của một lập luận, chứ không chỉ là những phát ngôn trần thuật, miêu tả… như trong lập luận logic

1.4.4 Kết tử lập luận

Về cơ bản, các yếu tố tác động đến lập luận được chia thành hai loại: tác tử lập luận

kết tử lập luận Ở đây, chúng tôi chỉ lưu tâm đến các kết tử lập luận vì phạm vi của đề tài

chỉ khoanh vùng tìm hiểu các phép liên kết, trong đó có liên kết logic, mà tác tử lập luận thì

rằng không phải tất cả yếu tố liên kết thuộc các phương thức liên kết logic đều có giá trị

đánh dấu lập luận hoặc định hướng lập luận Vậy kết tử lập luận là gì?

tử lập luận là những yếu tố (như các liên từ đẳng lập, liên từ phụ thuộc, các trạng từ và các trạng ngữ…) phối hợp hai hoặc một số phát ngôn thành một lập luận duy nhất Nhờ kết tử

mà c ác phát ngôn trở thành luận cứ hay kết luận của một lập luận” [17, 184]

Cũng theo Đỗ Hữu Châu [17], ta có thể chia các kết tử thành hai loại: kết tử hai vị trí

kết tử ba vị trí Kết tử hai vị trí là loại kết tử nối kết luận cứ với kết luận Với kết tử hai vị

trí, chỉ cần hai phát ngôn là có thể tạo thành một lập luận Phát ngôn thứ ba không cần thiết phải có Bên cạnh đó, tương ứng với lập luận phức (tam đoạn luận) là kết tử ba vị trí Loại kết tử này yêu cầu phải có ba phát ngôn mới tạo thành một lập luận Nói về quan hệ lập luận, đặc biệt là khi “đả động” đến các kết tử, các nhà ngôn ngữ cũng chú ý phân biệt giữa những kết từ đánh dấu (hoặc dẫn nhập, dẫn đầu) luận cứ và những quan hệ từ đánh dấu kết

luận Theo Diệp Quang Ban [7], các quan hệ từ có khả năng dẫn đầu luận cứ là: vì, do, tại,

bởi, nhờ… Quan hệ từ có khả năng đứng đầu kết luận là: nên Quan hệ từ đánh dấu hai lập

luận trái ngược nhau là: nhưng Từ nhưng cũng có khả năng đánh dấu luận cứ có lực lập luận Nếu luận cứ mang sức nặng lập luận là một luận cứ hàm ẩn thì từ nhưng có thể được

đặt trước kết luận

Trang 28

Đối với Đỗ Hữu Châu, cách phân loại các kết tử theo từng tiểu loại có phong phú hơn so với Diệp Quang Ban Theo đó, kết từ dẫn nhập luận cứ (đưa một nội dung nào đó

làm luận cứ cho một lập luận) bao gồm: vì, lại, vả lại, hơn nữa, chẳng những… mà còn…,

đã… thế mà…; kết tử dẫn nhập kết luận (nối kết luận vào luận cứ) bao gồm: nên, cho nên, vậy mà, thì, dù sao cũng… Sự có mặt các kết tử chính là dấu hiệu cho thấy phát ngôn mà

chúng ta bắt gặp chính là một lập luận

Tuy nhiên, không phải nhất thiết cả luận cứ và kết luận đều phải có kết tử thì hai phát ngôn mới có quan hệ lập luận, chẳng hạn như ở phát ngôn sau đây:

Anh ấy không ăn Vì anh ấy không thấy đói

A nh ấy không thấy đói Nên anh ấy không ăn

Dựa theo quan hệ giữa các luận cứ với nhau, kết tử còn được chia thành: kết tử

nghịch hướng và kết tử cùng hướng Các kết tử này liên kết các luận cứ nghịch hướng hoặc

các luận cứ cùng hướng

1.5 Một vài vấn đề liên quan đến kinh nguyện Công giáo

1.5.1 Vấn đề truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam

Nhìn chung, việc truyền bá đạo Thiên Chúa (nói chung) và đạo Công giáo (nói riêng) vào Việt Nam không nằm ngoài mục đích là lan truyền một giáo lí tôn giáo, mở rộng phạm

Trang 29

vi ảnh hưởng của nó và thu hút thêm nhiều giáo dân Hơn nữa, thuyết lí chung của tôn giáo này là lan truyền “Tin Mừng cứu độ” cho nên lẽ đương nhiên, việc truyền đạo cho nhân loại

ở khắp mọi nơi trên thế giới là một việc làm hoàn toàn đúng đắn với tôn chỉ của nó

Như thế, mục đích ban đầu của việc truyền giáo không liên quan gì đến ngôn ngữ

hệ thống giáo lí, thánh kinh, kinh nguyện, thánh ca… rất đồ sộ mà chưa chắc người dân bản

xứ có thể đọc, hiểu cho trọn vẹn Chính điều này đã trở thành một động lực để thúc đẩy các nhà truyền giáo phát triển và hoàn thiện dần hệ thống chữ Quốc ngữ Việt Nam để thứ chữ viết này có thể trở thành một công cụ đắc lực cho việc truyền giáo Không thể phủ nhận rằng, chính sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ trong cộng đồng người Việt đã góp phần hình thành một diện mạo mới cho nền văn hóa, văn học của nước ta

1.5.2 Về ý nghĩa của kinh nguyện trong đời sống đạo Công giáo

động nhằm phụng sự Chúa, như: đi lễ, xưng tội, đọc và suy ngẫm lời Chúa trong các sách

được diễn ra một cách thường xuyên, có ý thức Bên cạnh những lời cầu xin mang tính chất riêng biệt của từng cá nhân thì Hội thánh còn dạy cách cầu nguyện cho người tín hữu thông qua một hệ thống kinh nguyện

của người Ki-tô hữu nhất thiết phải có đầy đủ các bài kinh tương ứng với từng mục nhỏ như

vậy (Có khá nhiều nghi thức cầu nguyện của đạo Công giáo: cầu đầu năm, cầu cho người

bệnh, cầu thường niên, cầu nguyện sáng tối… )

2, ở trang 96, người ta đã định nghĩa

ngắn gọn về cầu nguyện:“Cầu nguyện là dâng lòng trí lên cùng Chúa mà thờ lạy, cảm tạ,

xin Người tha thứ mọi tội lỗi và ban cho ta các ơn lành hồn xác” Khi cầu nguyện, người ta

có hai cách Một là đọc kinh ngoài miệng Hai là suy tưởng ở trong lòng

nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với thánh ý của Ngài Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên

Trang 30

Chúa, Đấng đến gặp gỡ con người Cầu nguyện theo Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn họ”

Theo định nghĩa trên, ta thấy, đối với người Công giáo, cầu nguyện nghĩa là “nâng

tâm hồn lên cùng Thiên Chúa” “Nâng” lên, bởi vì đạo Công giáo quan niệm con người

luôn được đặt trong một vị thế thấp hơn so với Thiên Chúa, con người được Thiên Chúa

ở thế giới tâm linh, chứ không phải là ở thế giới thực hữu Hơn nữa, đạo Công giáo cũng

quan niệm tâm hồn con người chính là “đền thờ” tuyệt vời nhất cho Chúa ngự vào Cầu

nguyện mang lại sự cao khiết cho đền thờ ấy, như một bậc thang, ngày càng giúp cho người tín hữu phát triển chính bản thân mình hơn, đến gần Chúa và đến gần với “nước Thiên Chúa” hơn (Thiên Đàng)

Do giới hạn về số trang của một luận văn thạc sĩ, cũng như để dễ dàng trong việc khảo sát, thống kê, trong luận văn này, chúng tôi không thể nào đi sâu sát tất cả những văn bản kinh nguyện mà chỉ chọn những kinh nguyện được xem là tiêu biểu, quen thuộc, được nhiều người Công giáo biết đến, hiểu và sử dụng một cách thường xuyên trong đời sống đạo của mình Nguồn ngữ liệu này thuộc về hai mảng: Thánh vịnh (kinh nguyện Cựu ước) và kinh nguyện hàng ngày (trong gia đình – kinh nguyện thời Tân ước) Đây là những văn bản

đã được dịch sang tiếng Việt, được in ấn và lưu hành trong cộng đồng người Công giáo

giáo của gia đình mình

Trang 31

CHƯƠNG 2: LIÊN KẾT CHỦ ĐỀ TRONG KINH NGUYỆN CÔNG

GIÁO 2.1 Sự thể hiện của liên kết chủ đề trong kinh nguyện Công giáo

Như đã nói, trong luận văn này, chúng tôi sử dụng hệ thống phân loại liên kết mà Trần Ngọc Thêm đề xuất năm 1985 để tiến hành khảo sát Theo đó, về liên kết chủ đề, Trần

Ngọc Thêm đã phân chia thành: các phương thức liên kết duy trì chủ đề và các phương thức

liên kết phát triển chủ đề Có năm phương thức liên kết duy trì chủ đề là: lặp từ vựng, thế đồng nghĩa, thế đại từ, tỉnh lược yếu, tỉnh lược mạnh Và có hai phương thức liên kết phát

triển chủ đề: phép liên tưởng và phép đối

Ở phần này, chúng tôi khảo sát tất cả 419 kinh nguyện Công giáo thuộc cả hai mảng Cựu ước và Tân ước Tổng cộng có 4408 phát ngôn Dưới đây là bảng thống kê, phân loại các phương thức liên kết duy trì chủ đề được sử dụng trong các văn bản kinh nguyện được khảo sát

Bảng 2.1 Bảng thống kê, phân loại các phương thức liên kết chủ đề

Phương thức Số lượng (mối liên kết) Tỉ lệ (%)

Trang 32

Biểu đồ: Thể hiện tỉ lệ các phương thức liên kết chủ đề

t rong kinh nguyện công giáo

Dựa trên biểu đồ tròn này, ta thấy, phương thức lặp từ vựng xuất hiện nhiều nhất với

tỉ lệ là 58% Phương thức được “xếp hạng” thứ hai, với 16.46 % là phương thứ liên tưởng

nguyện sử dụng nhiều nhất là phương thức lặp Trong khi đó, để phát triển chủ đề thì nó sử dụng phương thức liên tưởng là chủ yếu

2.1.1 Các phương thức liên kết duy trì chủ đề

Để duy trì một chủ đề từ đầu cho đến cuối văn bản, người ta sử dụng năm phương

thức sau: phép lặp từ vựng, phép thế đồng nghĩa, phép thế đại từ, phép tỉnh lược (tỉnh lược

yếu và tỉnh lược mạnh) Tất cả các phương thức trên hầu hết đều được vận dụng trong

những văn bản kinh nguyện

2.1.1.1 Phương thức lặp từ vựng

Phép liên kết đầu tiên mà chúng tôi miêu tả ở đây là phương thức lặp từ vựng Theo

Trần Ngọc Thêm: “Phép lặp từ vựng là một dạng thức của phương thức lặp mà ở đó chủ tố

và lặp tố là những yếu tố từ vựng (từ thực, cụm từ)” [92, 88] Lặp từ vựng là một hiện tượng

thường xuyên diễn ra trong các văn bản Bởi vì, một văn bản muốn có liên kết chủ đề thì các phát ngôn trong văn bản đó phải cùng quy hướng về cùng một đối tượng Một khi đã hướng

về cùng một đối tượng thì những đối tượng ấy phải được lặp lại thường xuyên Đấy là một

Trang 33

lẽ đương nhiên Tuy nhiên, với tỉ lệ 58%, ta thấy kinh nguyện đã vận dụng phép lặp từ vựng gần như là dày đặc

Yếu tố được lặp trong kinh nguyện có thể là một từ (từ đơn hoặc từ ghép) hoặc một ngữ, chẳng hạn như trong những ví dụ sau đây:

Lạy Thiên Chúa,

Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,

Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy

Vâng, con biết tội mình đã phạm,

Lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

Dám làm điều dữ trái mắt Ngài

thánh vịnh (kinh nguyện Cựu ước), đôi khi phương thức lặp từ vựng được vận dụng lên đến mức “cực đoan” Trong cấu trúc của một thánh vịnh, chúng tôi thường thấy có một câu điệp

sau đây:

Điệp ca (ĐC): Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần

Xin đàn ca kính Chúa

Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,

Ngài đã nghe lời miệng con xin,

Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,

Hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ

ĐC: Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện

Lạy Chúa Tể càn khôn,

Cung điện Ngài xiết bao khả ái […]

Phúc thay người ở trong thánh điện

Họ luôn luôn được hát mừng Ngài

Trang 34

ĐC: Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa

Tới khi Người xót thương chút phận

[…] Mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa

Là Thiên Chúa chúng ta,

Tới khi người xót thương chút phận […]

kinh, câu điệp ca sẽ được lặp lại Nó có thể được lặp hoàn toàn về từ ngữ lẫn ngữ pháp hoặc được lặp hoàn toàn về mặt cấu trúc ngữ pháp và khoảng 80% về mặt từ ngữ Ở giữa phát ngôn điệp ca này có thể được chêm, xen thêm những thành phần phụ chú, chú giải… (như ở

ví dụ thứ ba ở trên) Điệp ca không chỉ giúp cho chủ đề của bài kinh được duy trì mà còn làm nổi bật, nhấn mạnh chủ đề ấy Nó giống như một chiếc “bút dạ quang” làm sáng chủ đề

sâu hơn khi những “ý chính” đã được “tô đậm” lên như thế

Sự “cực đoan” này còn được tăng cấp hơn, trong một số bài kinh, ta sẽ thấy có những phát ngôn liên tục được lặp lại Suốt bài, nó có thể được nhắc đến trên dưới 10 lần, ví dụ như trong Thánh vịnh 135 – Ca mừng Vượt Qua:

Tạ ơn Chúa đi nào,

Vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương

Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ,

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương

Hãy tạ ơn Thần các thần,

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương

Hãy tạ ơn Chúa các chúa,

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương

Chỉ có Người làm nên những kì công vĩ đại,

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương

[…]

(1, 516) Trong bài Kinh xin mọi ơn sau đây, chúng ta cũng có thể nhận thấy sự lặp lại đó:

Xin Chúa ban ơn kính mến, cho tôi đặng hiệp làm một cùng Chúa

Trang 35

Xin Chúa ban ơn vui vẻ, cho lòng tôi đầy dẫy sự vui vẻ thánh

Xin Chúa ban ơn bình an, cho tôi đặng an nhàn trong lòng tôi luôn

Xin Chúa ban ơn chịu khó, cho tôi đặng lòng vững vàng mà chịu sự khuấy rối linh hồn tôi […]

(2, 422 – Kinh xin mọi ơn) Trong kinh nguyện, phương thức lặp có thể được vận dụng trong cùng một phát ngôn, hoặc trở thành phương thức liên kết giữa hai phát ngôn riêng biệt Chúng ta cùng xem lại đoạn dẫn chứng sau đây:

Con kêu hoài thành ra kiệt sức

Bởi trông chờ Chúa là Thiên Chúa con thờ

Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con,

Vì nước đã dâng lên tới cổ

Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy,

Chẳng biết đứng vào đâu cho vững,

Thân chìm ngập trong dòng nước thẳm,

Sóng dạt dào đã cuốn trôi đi

Do bản chất của phép lặp nằm ở việc lặp lại một yếu tố nào đó, chỉ cần có sự lặp lại yếu tố ấy là đã có một sự liên kết giữa các phát ngôn Vậy nên, phương thức lặp có thể có những liên kết mang tính chất bắc cầu Trong kinh nguyện, hiện tượng bắc cầu này cũng xuất hiện thường xuyên:

Các con ơi, hãy đến mà nghe,

Ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa

Ai là người thiết tha được sống,

Ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan

Phải giữ mồm giữ miệng

Đừng nói lời gian ác điêu ngoa;

Hãy làm lành lánh dữ,

Tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hòa

Chúa đối đầu với quân gian ác,

Xóa nhòa tên tuổi chúng trên đời […]

(1, 474 – TV 33 Chúa cứu độ người lành II)

Trang 36

Công dụng của lặp từ vựng là làm cho văn bản có tính chính xác, rõ ràng, chặt chẽ Kinh nguyện vốn là một loại văn bản đòi hỏi những đặc tính trên Văn bản kinh nguyện yêu cầu người tiếp nhận văn bản không chỉ hiểu mà còn phải thuộc nằm lòng Thế nên, việc đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ, rõ ràng là một yêu cầu vô cùng cần thiết

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi cũng nhận thấy sự lặp lại của các đại từ, chẳng hạn như trong những ví dụ sau:

Với kẻ gian ác, Thiên Chúa phán bảo rằng:

“Thánh chỉ của ta, sao ngươi thường nhắc nhở,

Mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi?

Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy,

Lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng,

Gặp tên trộm đạo, ngươi hùa theo nó,

Với bọn gian dâm, cũng lại thông đồng.”

(1, 608 – TV 49 Thế nào là lòng đạo đức thật III)

Kìa nước sông nước suối

Người biến ra máu hồng,

Khiến cho dân Ai Cập

Không thể nào uống nổi

Người sai mòng đến cắn,

Ếch nhái làm tan hoang, […]

Lạy Chúa, tình thương Ngài cao ngất trời xanh,

Lòng thành tín vượt ngàn mây biếc,

Công lí của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn,

Quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!

Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,

Chúa muôn trùng cao cả!

Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt,

Cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang

Trang 37

Người giải thoát bần dân kêu khổ

Và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,

Chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo

Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ

Giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,

Từng giọt máu họ, Người đều coi là quý

Đại từ được lặp đi lặp lại một cách thường xuyên trong kinh nguyện Công giáo (đặc biệt là ở mảng thánh vịnh) là đại từ “Ngài” Ít hơn một chút là đại từ “Người” Cả hai đại từ này đều được dùng để chỉ một đối tượng chung Đó là Chúa, là Thiên Chúa Theo số liệu thống kê trên 100 văn bản được chọn ngẫu nhiên (theo cách thức, dựa trên danh sách các

chúng tôi nhận thấy số lượng lặp các đại từ này là 243 lần/ 100 văn bản Cả hai đại từ này, cùng với các danh từ Chúa, Thiên Chúa, Đức Chúa… đều được viết hoa để thể hiện sự tôn nghiêm và trang trọng khi nhắc đến Đấng Tối Cao Có thể nói, khi đi vào trong các kinh

nguyện, đại từ Ngài và Người như đã được hóa thân thành một “đại từ riêng” (!) chỉ dành để

trỏ vào một sở chỉ duy nhất xuyên suốt tất cả các văn bản, thỉnh thoảng cũng có một sự “phá lệ” nhưng không đáng kể Ở đây, cũng nói thêm rằng, trong quan niệm của đạo Công giáo, Chúa là một nhất thể gồm ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần Với sự “tam vị nhất thể” như thế, một đại từ Ngài có thể được dùng để chỉ cả ba vị ấy

Phương thức thế đại từ sẽ được chúng tôi trình bày kĩ hơn ở phần dành riêng cho nó Còn ở đây, chúng tôi chỉ lưu ý những đại từ được lặp lại một cách toàn phần Ở những trường hợp như đang bàn, trong một “chuỗi” đại từ được lặp lại, đại từ thứ nhất chắc chắn phải được dùng để thay thế cho một đối tượng đứng trước Đó là thế đại từ Còn những đại

từ tiếp theo sẽ lặp lại đại từ thứ nhất Đây là lặp từ vựng Ta có thể hình dung theo hình ảnh sau:

Sơ đồ 2.1 Sơ đồ biểu diễn phương thức lặp đại từ

Chúng tôi xem A là chủ tố, B là kết tố thế đại từ, b là yếu tố lặp lại của B Vậy, liên

i Ngà

i

Trang 38

kết giữa A và B là phép thế, còn liên kết giữa B và b là phép lặp từ vựng Giữa A và b đã có

B, do đó, A và b không liên kết với nhau một cách trực tiếp Ở mục này, chúng tôi chỉ đi vào thống kê những mối liên kết kiểu B với b

cách thường xuyên trong kinh nguyện, thể hiện sự bám sát chủ đề có định hướng Đó là các

động từ: lạy, xin, ca tụng Dưới đây là bảng thống kê tần suất lặp lại các động từ này trong

100 văn bản được chọn ngẫu nhiên

Bảng 2.2 Bảng thống kê tần suất lặp lại của các động từ “lạy, xin, ca tụng”

Bảng 2.3 Bảng thống kê, phân loại những phương thức lặp trong kinh nguyện

Các tiểu loại Số lượng Tỉ lệ

Trang 39

phô diễn sự sáng tạo về mặt ngôn ngữ mà là thể hiện sự thành khẩn, thành tín, van vỉ, nài xin,… Đôi lúc nó còn thể hiện cảm xúc trào dâng, dồn dập Trong quan niệm của đạo Ki-tô, đứng trước Thiên Chúa, con người nhỏ bé và đầy tội lỗi, con người do Chúa sinh ra và cũng

đã từng nhận nhiều ơn phước Chúa ban, con người yếu đuối mong manh nên lúc nào cũng cầu xin van lơn… Đứng trước Thiên Chúa, con người như trẻ con đối với người cha, người

mẹ Vì vậy, giọng điệu trong kinh nguyện rất thiết tha, thậm chí là chẳng ngại ngần “mè nheo”, nài nỉ Cho nên, bên cạnh giá trị kết nối, phép lặp từ vựng cũng trở thành một yếu tố quan yếu góp phần không nhỏ trong việc thể hiện những sắc thái cảm xúc này

Phương thức lặp bộ phận, tuy chiếm tỉ lệ không cao (chỉ 2.7%) nhưng cùng với phương thức lặp hoàn toàn, nó giữ một vai trò tối quan trọng trong việc duy trì chủ đề của văn bản kinh nguyện Ở phương thức lặp bộ phận, chủ tố thường là một ngữ khá dài, hoặc là một ngữ do nhiều yếu tố kết hợp lại Một trong những yếu tố đó có thể được bỏ bớt hoặc được thay thế bằng một đại từ hồi quy, nhưng không làm cho nghĩa của phát ngôn bị méo

vẫn không ảnh hưởng gì đến việc tiếp nhận văn bản Chẳng hạn, những cụm từ sau đây sẽ được lặp bộ phận ở kết ngôn:

- Thiên Chúa  Chúa

- dân Chúa  dân

Dân Ít-ra-en được ăn bánh bởi trời

Và uống nước thần thiêng chảy từ núi đá

Nhưng dân lại càng phạm tội mất lòng Chúa,

Phản nghịch cùng Đấng Tối Cao tại miền hoang địa;

Họ chủ tâm thách thức cả Chúa Trời,

Đòi được ăn cho vừa sở thích

Dân Chúa nhớ lại rằng:

Thiên Chúa hằng che chở

Trang 40

Và cứu chuộc dân Người

Thế mà dân cứ phạm thêm bao tội lỗi,

Chẳng buồn tin việc lạ Chúa làm […)

Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét

Khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời

Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con,

Xin thương xót nghe lời con cầu khẩn

(1, 656 – TV 4 Lời tạ ơn) Bên cạnh đó, hãn hữu trong một số kinh nguyện, chúng ta có thể bắt gặp cách lặp hoàn toàn nhưng đảo vị trí các thành tố trong đối tượng được lặp (chúng tôi xếp vào nhóm lặp bộ phận) Ví dụ như trong một số kinh nguyện sau:

Vâng, con biết tội mình đã phạm,

Lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

[…] Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai

Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa,

Đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,

Nào dâng lời ca tụng tôn vinh!

[…] Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,

Và đàn ca mừng Chúa,

Đàn ca mừng Thánh Danh

(1, 482 – TV 65 Ca khúc tạ ơn)

2.1.1.2 Phương thức thế đồng nghĩa

Bên cạnh phương thức lặp, trong kinh nguyện Công giáo còn có phương thức thế đồng

nghĩa “Phép thế đồng nghĩa là một phương thức liên kết thể hiện ở việc sử dụng trong chủ

ngôn và kết ngôn những ngữ đoạn (từ hoặc cụm từ) khác nhau có cùng một nghĩa (chỉ cùng một đối tượng)” [92, 114] Trong kinh nguyện, thế đồng nghĩa ít được sử dụng, chỉ chiếm 3.9 %

trong tổng số các phương thức liên kết chủ đề

Phương thức thế đồng nghĩa này được vận dụng nhằm tránh sự lặp lại quá nhiều một

Ngày đăng: 02/12/2015, 08:24

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Phan Thị Ai (2011), Những vấn đề về mạch lạc văn bản trong bài làm văn của học sinh phổ thông, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những vấn đề về mạch lạc văn bản trong bài làm văn của học sinh phổ thông
Tác giả: Phan Thị Ai
Năm: 2011
2. Diệp Quang Ban (1986), “Đọc sách “Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt” của Trần Ngọc Thêm”, Ngôn ngữ, số 3, tr. 56 – 59 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đọc sách “Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt” của Trần Ngọc Thêm”, "Ngôn ngữ
Tác giả: Diệp Quang Ban
Năm: 1986
3. Diệp Quang Ban (1998), “Về mạch lạc trong văn bản”, Ngôn ngữ, số 1, tr. 47 – 55 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Về mạch lạc trong văn bản”, "Ngôn ngữ
Tác giả: Diệp Quang Ban
Năm: 1998
4. Diệp Quang Ban (1998), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt – Văn bản – Mạch lạc – Liên kết – Đoạn văn , Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn bản và liên kết trong tiếng Việt – Văn bản – Mạch lạc – Liên kết – Đoạn văn
Tác giả: Diệp Quang Ban
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1998
5. Diệp Quang Ban (1999), “Hai giai đoạn của ngôn ngữ học văn bản và tên gọi “phân tích diễn ngôn””, Ngôn n gữ, số 2, tr. 20 – 24 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Hai giai đoạn của ngôn ngữ học văn bản và tên gọi “phân tích diễn ngôn””, "Ngôn ngữ
Tác giả: Diệp Quang Ban
Năm: 1999
6. Diệp Quang Ban (2010), Ngữ pháp tiếng Việt – tập Một , Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngữ pháp tiếng Việt – tập Một
Tác giả: Diệp Quang Ban
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2010
7. Diệp Quang Ban (2002), Giao tiếp - văn bản - mạch lạc - liên kết - đoạn văn , KHXH, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giao tiếp - văn bản - mạch lạc - liên kết - đoạn văn
Tác giả: Diệp Quang Ban
Năm: 2002
8. Diệp Quang Ban (1996), Giáo trình giản yếu về ngữ pháp văn bản , Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giáo trình giản yếu về ngữ pháp văn bản
Tác giả: Diệp Quang Ban
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1996
9. Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo của văn bản , Nxb Giáo dục, Vĩnh Phú Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo của văn bản
Tác giả: Diệp Quang Ban
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2009
10. Nguyễn Trọng Báu – Nguyễn Quang Ninh – Trần Ngọc Thêm (1985), Ngữ pháp văn bản và việc dạy làm văn , Nxb Giáo dục, TP Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngữ pháp văn bản và việc dạy làm văn
Tác giả: Nguyễn Trọng Báu – Nguyễn Quang Ninh – Trần Ngọc Thêm
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1985
11. Gillian Browm – George Yule (2002), Phân tích diễn ngôn , Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phân tích diễn ngôn
Tác giả: Gillian Browm – George Yule
Nhà XB: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm: 2002
12. Dương Hữu Biên (1977), “Vài ghi nhận về lô gích hàm ý”, Ngôn ngữ, số 1, tr.17 – 21 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Vài ghi nhận về lô gích hàm ý”, "Ngôn ngữ
Tác giả: Dương Hữu Biên
Năm: 1977
14. Phan Mậu Cảnh (1999), “Về kiểu phát ngôn tách biệt trong văn bản tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 3, tr. 42 – 47 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Về kiểu phát ngôn tách biệt trong văn bản tiếng Việt”, "Ngôn ngữ
Tác giả: Phan Mậu Cảnh
Năm: 1999
15. Phan Mậu Cảnh (2000), “Xung quanh kiểu phát ngôn tỉnh lược trong tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 8, tr. 16 – 23 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Xung quanh kiểu phát ngôn tỉnh lược trong tiếng Việt”, "Ngôn ngữ
Tác giả: Phan Mậu Cảnh
Năm: 2000
16. Đỗ Hữu Châu (1973), “Trường từ vựng và các hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa”, Ngôn ngữ, số 4, tr. 46 – 55 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Trường từ vựng và các hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa”, "Ngôn ngữ
Tác giả: Đỗ Hữu Châu
Năm: 1973
17. Đỗ Hữu Châu (2003), Đại cương Ngôn ngữ học – tập 2 – Ngữ dụng học , Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đại cương Ngôn ngữ học – tập 2 – Ngữ dụng học
Tác giả: Đỗ Hữu Châu
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2003
18. Đỗ Quang Chính (1972), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659
Tác giả: Đỗ Quang Chính
Năm: 1972
19. Nguyễn Hữu Chỉnh (2002), “Quan hệ ngữ pháp trong văn bản”, Ngôn ngữ, số 6, tr. 49 – 49 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quan hệ ngữ pháp trong văn bản”, "Ngôn ngữ
Tác giả: Nguyễn Hữu Chỉnh
Năm: 2002
20. Võ Văn Chương (2004), “Liên kết hồi quy trong ngôn ngữ học văn bản “vài kiến nghị về cách xác định và phân loại””, Ngôn ngữ, số 7, tr. 20 – 29 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Liên kết hồi quy trong ngôn ngữ học văn bản “vài kiến nghị về cách xác định và phân loại””, "Ngôn ngữ
Tác giả: Võ Văn Chương
Năm: 2004
21. Nguyễn Đức Dân (1976), “Logic và sắc thái liên từ tiếng Việt (về các liên từ “và”, “hay”, “hoặc”, “nếu… thì…”)”, Ngôn ngữ, số 4, tr. 15 – 25 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Logic và sắc thái liên từ tiếng Việt (về các liên từ “và”, “hay”, “hoặc”, “nếu… thì…”)”, "Ngôn ngữ
Tác giả: Nguyễn Đức Dân
Năm: 1976

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w