1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Kiểu nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật trong thơ nguyễn bỉnh khiêm

65 2,4K 22

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 65
Dung lượng 502,04 KB

Nội dung

Tiểu luận đi từ việc tìm hiểu thời đại lịch sử xã hội mà ông đang sống để có những đánh giá khách quan nhất về con người Nguyễn Bỉnh Khiêm - một triết nhân, một nhà tư tưởng với các luận

Trang 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

KHOA NGỮ VĂN -

BẠCH THỊ THƠM

KIỂU NHÀ NHO HÀNH ĐẠO

VÀ NHÀ NHO ẨN DẬT TRONG THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Trang 2

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

KHOA NGỮ VĂN -

BẠCH THỊ THƠM

KIỂU NHÀ NHO HÀNH ĐẠO

VÀ NHÀ NHO ẨN DẬT TRONG THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Người hướng dẫn khoa học

Th.S NGUYỄN THỊ TÍNH

Trang 3

LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình nghiên cứu đề tài: Kiểu nhà nho hành đạo và nhà nho

ẩn dật trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của các

Thầy Cô trong Tổ bộ môn Văn học Việt Nam Trường ĐHSP Hà Nội 2 Tác giả khóa luận xin gửi tới các Thầy Cô lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất, đặc biệt là cô giáo, Ths.Nguyễn Thị Tính, người đã tận tình giúp đỡ tôi hoàn thành khóa luận này

Hà Nội, tháng 05 năm 2013

Tác giả khóa luận

Bạch Thị Thơm

Trang 4

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan những nội dung mà tôi trình bày trong khóa luận này

là kết quả của quá trình nghiên cứu của bản thân tôi dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong Tổ bộ môn Văn học Việt Nam, và sự hướng dẫn trực tiếp nhiệt tình của cô giáo Nguyễn Thị Tính Những nội dung này chưa được công

bố trong bất kì công trình nghiên cứu nào khác

Hà Nội, tháng 05 năm 2013

Tác giả khóa luận

Bạch Thị Thơm

Trang 5

MỤC LỤC

Mở đầu 1

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Lịch sử vấn đề 3

3 Mục đích nghiên cứu 5

4 Nhiệm vụ nghiên cứu 5

5 Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu 5

6 Phương pháp nghiên cứu 6

7 Đóng góp của khóa luận 6

8 Bố cục của khóa luận 6

Nội dung 7

Chương 1: Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà nho hành đạo 7

1.1 Khát vọng “phò nghiêng đỡ lệch” để xây dựng xã hội Nghiêu Thuấn 7

1.2 Khát vọng dẹp loạn hết nạn binh đao 13

1.3 Khát vọng dùng nhân nghĩa để xây dựng đất nước 23

1.4 Tinh thần đợi thời chờ cơ 28

Chương 2: Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà nho ẩn dật 40

2.1 Quan niệm về chữ “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm 41

2.2 Sự vui hưởng lẽ sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm 44

2.2.1 Tinh thần thưởng thức thiên nhiên trong lành, tươi đẹp 44

2.2.2 Tinh thần an bần lạc đạo 50

2.2.3 Niềm vui với thú ruộng vườn 55

Kết luận 57 Tài liệu tham khảo

Trang 6

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), còn có tên gọi khác là Văn Đạt, và tên tự là Văn Phủ, quê ở làng Trung Am, nay thuộc xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng Ông đỗ Trạng Nguyên (1535) và làm quan dưới triều nhà Mạc

Gần trọn cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm là gắn bó với thế kỉ XVI, một thế kỉ với nhiều biến động chính trị xã hội Tài năng và nhân cách của ông có ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ trong xã hội nước ta lúc bấy giờ Ông là một chính khách có uy tín, một bậc hiền triết, một nhà tiên tri, là người thầy

mà các vua chúa đương thời đều kính nể và tôn là bậc phu tử Song, nổi bật hơn cả, người ta vẫn biết đến ông với tư cách là một nhà thơ, người có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn học dân tộc Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự kết hợp từ chiều sâu chất trí tuệ và thơ ca Những kiến thức sâu sắc về triết lí phương Đông từ ngọn nguồn của Kinh sách kết hợp với triết lí

từ chính cuộc đời nhiều trải nghiệm của một thi nhân, một nhà nho… đã đem đến cho Nguyễn Bỉnh Khiêm tầm vóc của một nhà thơ lớn của thời đại

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho Cũng giống như các nhà nho cùng thời, ông cũng xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, cũng đội chiếc khăn của nhà

nho và cùng giương cao lá cờ “tam cương ngũ thường, trung hiếu, tiết

nghĩa…” Tuy nhiên, đằng sau những câu chữ mà các nhà nho thường dùng

lại chứa đựng biết bao ý nghĩ, hành động khác nhau, thậm chí đối lập nhau Chính vì lẽ đó, muốn tìm hiểu, đánh giá một nhà nho cần phải đi sâu vào cuộc đời, vào tâm tư và những cống hiến của người trí thức mang danh nhà nho ấy

Nho giáo du nhập vào Việt Nam cùng gót giày của quân xâm lược và

đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của nhân dân ta Suốt hơn một nghìn năm

Trang 7

Bắc thuộc, Nho giáo bị coi là phương tiện nô dịch của bọn cướp nước và bán nước nên không thể phát triển rộng rãi được Cho nên, theo học Nho giáo chỉ

là những tầng lớp trên muốn thông qua học tập thi cử để ra làm quan

Sau khi cùng với nhân dân giành lại độc lập từ tay quân xâm lược, giai cấp phong kiến Đại Việt đứng trước nhu cầu cần phải củng cố lại trật tự đất nước và xây dựng chế độ xã hội Nho giáo từ lâu đã là hệ tư tưởng thống trị của xã hội phong kiến Trung Hoa và lúc này lại có đầy đủ khả năng để trở thành công cụ tinh thần mà giai cấp phong kiến Đại Việt đang cần tới Cho nên, Nho giáo dần được truyền bá rộng rãi và trở thành môn học chính thống

để đào tạo trí thức Nho giáo thâm nhập vào đời sống chính trị và văn hóa, góp phần đề cao địa vị của vua quan, củng cố trật tự phong kiến Song, bên cạnh mặt tích cực, Nho giáo cũng bộc lộ những yếu tố tiêu cực trong đời sống

xã hội, nhất là khi đất nước trải qua những thử thách hiểm nghèo Tuy vậy, trong hàng ngũ trí thức Nho giáo cũng có những con người lỗi lạc Sự gắn bó mật thiết với đất nước, nhân dân cùng những suy nghĩ độc lập và sáng tạo đã giúp họ vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường của Nho giáo để góp phần vào

sự nghiệp chung của dân tộc Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là một nhà nho như thế

Do ảnh hưởng của hoàn cảnh đất nước, gia đình cùng những tính cách riêng của cá nhân nên ở Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự tồn tại phức hợp hai kiểu loại hình nhà nho: nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật Tưởng như có sự mẫu thuẫn, nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh lịch sử xã hội, xem xét con người Nguyễn Bỉnh Khiêm ở góc độ phẩm chất, tính cách và lý tưởng sống thì sự phức hợp này hoàn toàn lôgic

Chọn đề tài này, chúng tôi muốn tìm hiểu một cách kỹ lưỡng hơn về các kiểu loại hình nhà nho trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm Qua đó thấy được

Trang 8

của đất nước, sự an lành, no ấm của nhân dân; một nhà nho ẩn dật Nguyễn

Bỉnh Khiêm gắn bó, giao hòa với thiên nhiên vũ trụ để di dưỡng tâm hồn và chờ đợi thời cuộc

2 Lịch sử vấn đề

Là một nhà thơ lớn của văn học dân tộc thế kỉ XVI với một sự nghiệp văn học tương đối đồ sộ nên đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về thơ ca Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho thấy những nét thành công về nội dung và nghệ

thuật Đề tài Kiểu nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật trong thơ Nguyễn

Bỉnh Khiêm cũng đã được tìm hiểu trên nhiều phương diện Qua tìm hiểu,

chúng tôi thấy một số tiểu luận có liên quan như:

Trong tiểu luận Sức sống của thơ ca và tư tưởng của Nguyễn Bỉnh

Khiêm, hai tác giả Trần Thị Băng Thanh và Vũ Thanh đã đem đến cho người

đọc một cái nhìn khá sâu sắc về thơ ca và con người Nguyễn Bỉnh Khiêm Tiểu luận đi từ việc tìm hiểu thời đại lịch sử xã hội mà ông đang sống để có những đánh giá khách quan nhất về con người Nguyễn Bỉnh Khiêm - một triết nhân, một nhà tư tưởng với các luận điểm quan trọng: Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà Lý học, nhìn nhận Trạng Trình như một nhà tiên tri với những cách nói bí

ẩn mang tính chất sấm ngữ Sấm Trạng Trình, cùng những câu thơ triết lí về

sự sinh thành của vũ trụ…; Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà nho mang tấm lòng ưu quốc ái dân son sắt và Nguyễn Bỉnh Khiêm - cư sĩ am Bạch Vân Tiểu luận còn nghiên cứu sự nghiệp thơ văn của ông: Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm “nói về chí”; chí ở hành đạo, thơ ưu thời mẫn thế; chí ở đạo đức, thơ đạo lí đậm chất giáo huấn; chí ở nhàn dật, thơ đậm sắc thái trữ tình; đồng thời chỉ ra nét độc đáo trong nghệ thuật thơ ca của ông Với cách khai thác như thế, tiểu luận đã đem đến một cái nhìn tương đối đầy đủ về con người, tư tưởng và thơ ca của

Nguyễn Bỉnh Khiêm, phần nào liên quan đến vấn đề hành đạo và ẩn dật

Trang 9

Với tiểu luận Nguyễn Bỉnh Khiêm và tấm lòng lo trước thiên hạ đến già

chưa thôi, tác giả Đinh Gia Khánh cũng đi từ việc tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử

thời đại của nước ta thế kỉ XVI, một thế kỉ đầy biến động chính trị và gắn liền với cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm Từ đó thấy được khát khao “phò nghiêng

đỡ lệch” của ông khi ra làm dưới triều nhà Mạc và tấm lòng lo nước thương đời vẫn vằng vặc sáng ngay cả khi đã về ở ẩn Tiểu luận còn cho thấy thái độ phê phán gay gắt của tác giả với những tệ lậu của chế độ phong kiến, thói đời điên đảo, cùng những triết lí của ông về lẽ tiêu sinh, thừa trừ và tâm sự bi quan, bất lực trước thời thế Đó cũng chính là nguyên nhân khiến ông cáo quan về ở ẩn, gắn bó với thiên nhiên

Cùng đề tài này, tác giả Bùi Duy Tân có tiểu luận Nguyễn Bỉnh Khiêm

và tấm lòng tiên ưu đến già chưa thôi Nhưng tác giả không đi từ hoàn cảnh

lịch sử mà tập trung thể hiện tấm lòng lo nước thương dân của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi về trí sĩ: Chứng kiến cảnh lưu ly, chết chóc, đói khổ của nhân dân, ông phê phán chiến tranh phong kiến phi nghĩa, phê phán bọn quý tộc quan liêu thối nát, bọn nhà giàu lòng dạ hiểm ác và bày tỏ niềm xót thương, cảm thông với nỗi đau khổ của nhân dân, khát khao một cuộc sống hòa bình, an lạc Với những vần thơ giáo dục đạo đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm mong muốn khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp của con người, góp phần xây dựng lại trật

tự xã hội Tiểu luận cũng chỉ ra sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên nơi thôn

dã của tác giả khi về trí sĩ

Tác giả Phạm Luận có tiểu luận Thơ nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm Ông tập trung giải thích về triết lí nhàn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm như

một chuẩn tắc đạo đức, sống nhàn là lối sống của bậc trí giả, bậc hiền nhân

G.S Minh Chi cũng Bàn về chữ nhàn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng dưới góc nhìn của Phật Giáo Còn trong tiểu luận Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Trang 10

chữ nhàn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang tính chất triết lí, ngoài ra, ông

còn quan tâm đến đời sống nhân dân, nhất là nơi thôn dã

Hầu hết các tiểu luận đều nghiên cứu về thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở khía cạnh con người với tấm lòng tiên ưu hậu lạc, một cuộc đời thanh cao, quan tâm đến tính chất triết lí, giáo huấn trong thơ ca của ông và ít nhiều mang cảm hứng thế sự Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được tìm hiểu với tư cách của một nhà thơ lớn Trong phạm vi của bài khóa luận tốt nghiệp, chúng tôi xin kế thừa, tổng hợp các kết quả nghiên cứu trên đồng thời làm rõ, cụ thể hơn về hai kiểu loại hình nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thơ ông

3 Mục đích nghiên cứu

Mục đích của chúng tôi khi nghiên cứu đề tài này là: chỉ ra sự phức hợp hai kiểu nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm Qua đó thấy được con người, nhân cách Trạng Trình sẵn sàng nhập thế để hành đạo nhưng cũng sẵn sàng “ẩn dật” lánh đục về trong để giữ phẩm chất trong sạch, thanh cao Điều đó làm chúng ta thêm quý trọng một nhân cách lịch sử

4 Nhiệm vụ nghiên cứu

Tìm hiểu nhà nho hành đạo Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thơ ca của ông Tìm hiểu nhà nho ẩn dật Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thơ ca của ông

5 Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

5.1 Đối tượng nghiên cứu

Thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm

5.2 Phạm vi nghiên cứu

Kiểu loại hình nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trang 11

6 Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp hệ thống

Phương pháp lịch sử

Phương pháp so sánh

Phương pháp phân tích, bình giảng văn học

7 Đóng góp của khóa luận

8 Bố cục của khóa luận

Khóa luận tốt nghiệp được bố cục như sau:

Mở đầu

Nội dung

Chương 1: Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà nho hành đạo Chương 2: Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà nho ẩn dật Kết luận

Tài liệu tham khảo

Trang 12

NỘI DUNG CHƯƠNG 1 NGUYỄN BỈNH KHIÊM - NHÀ NHO HÀNH ĐẠO

1.1 Khát vọng “phò nghiêng đỡ lệch” để xây dựng xã hội Nghiêu

Thuấn

Sống trong xã hội phong kiến, khi mà chí nam nhi, trách nhiệm cứu khốn phò nguy, gánh vác quan hà vẫn luôn được các bậc quân tử coi trọng và xem như mục đích cuộc đời, là lí tưởng sống thì vấn đề lớn lao đặt ra với họ

là phải thực hiện được mục đích, lí tưởng đó Và con đường duy nhất giúp họ thực hiện hoài bão cuộc đời mình lúc bấy giờ chính là: học, đi thi, đỗ đạt và ra

làm quan, tức là con đường hành đạo Hành đạo, làm quan với kẻ sĩ xưa xét

về lí thuyết, không đơn thuần là công việc hành chính sự vụ mà là điều kiện cần thiết để thực hiện lí tưởng xã hội cao đẹp Theo quan điểm Nho giáo,

hành đạo là ra giúp đời, làm tròn bổn phận, trách nhiệm cao cả của đấng nam

nhi, của kẻ sĩ, đem hết tài năng, tâm sức ra để phò vua giúp nước Là một con người luôn mang trong mình khát vọng giúp dân giúp nước như Nguyễn Bỉnh Khiêm thì không thể không đi theo con đường chung đó

Có giai thoại về Nguyễn Bỉnh Khiêm kể rằng: ông được sinh ra trong

sự ước muốn lớn lao của người mẹ chỉ có một tham vọng là con trai mình sẽ trở thành đấng thiên tử anh minh, đủ tài trí đem lại cuộc trị bình cho đất nước Giai thoại đương nhiên không phải là lịch sử nhưng nó cũng giúp ta ước đoán rằng: Nguyễn Bỉnh Khiêm được dạy dỗ theo khuynh hướng và niềm kì vọng

sẽ trở thành rường cột của quốc gia Và nếu như vậy thì không thể nói ông không quan tâm đến chính sự, thời cuộc

Hơn nữa, ngay chính bản thân Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tự xác định vai trò, nhiệm vụ của mình từ rất sớm Đó là nhiệm vụ kinh bang tế thế, phò

Trang 13

vua giúp đời Điều này thể hiện rất rõ trong thơ văn của ông Ở độ tuổi 30,

ông đã tâm sự với bạn về điều ấy trong bài Kí hữu nhân (Gửi bạn):

Hà phần phụ cập cộng tòng sư Khí nghiệp tương tương viễn đại kì

(Mang tráp sách cùng theo thầy học đạo ở Hà Phần Tài năng và sự nghiệp hẹn nhau sẽ có bước đi xa xôi rộng lớn)

Như vậy có thể thấy, con đường hành đạo, thi thố tài năng lập công

danh để phò vua giúp đời đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm xác định rất rõ Tuy nhiên, con đường công danh hoạn lộ của Nguyễn Bỉnh Khiêm không dài và cũng không được thuận lợi như Nguyễn Trãi Điều đó có thể lí giải bởi hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh vào năm Hồng Đức thứ hai mươi hai Thời thơ ấu của ông nằm trong giai đoạn thịnh trị nhất của Nhà nước phong kiến theo thể chế Nho giáo ở Việt Nam Nhưng thời thịnh trị ấy chẳng được bao lâu Sau mấy trăm năm xây dựng và phát triển, nhà nước phong kiến từ cái đỉnh vinh quang của nó hồi thế kỉ XV đã trượt dần xuống cái dốc của sự suy thoái Đặc biệt đến năm 1503, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm 13 tuổi, vua Lê Hiển Tông qua đời, đồng nghĩa với thời kì hoàng kim của nhà Lê vụt tắt Bắt đầu từ đây, đất nước rơi vào rối ren, loạn lạc Trong vòng 24 năm (1503 - 1527), nhà

Lê đã thay đổi đến sáu ông vua Bản thân những ông vua ấy lại là kẻ bất tài vô hạnh, được coi là nỗi kinh hoàng của lịch sử Việt Nam với những ông “vua lợn”, “vua quỷ” Cùng với đó là sự áp bức của bọn cường hào địa chủ, tô thuế nặng nề, sưu dịch tàn tạ khiến đời sống nhân dân khốn đốn và căm phẫn

Trước tình hình lịch sử như vậy, điều tất yếu đã xảy ra Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, quyền bính chuyển sang nhà Mạc Vương triều Mạc được thành lập Năm 1535, sau tám năm nhà Mạc cầm quyền, tình hình

Trang 14

Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng Mạc Đăng Doanh là một người tỏ ra có ý chí và đảm lược Có lẽ, Nguyễn Bỉnh Khiêm và một số trí thức dân tộc lúc ấy hi vọng rằng: với nhân vật này thì triều đại mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren, loạn lạc mà các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực và các tập đoàn phong kiến đã gây ra Và có lẽ cũng chính bởi niềm hi vọng, tin tưởng này nên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tuy học giỏi nhưng mãi đến năm 1535, khi đã 45 tuổi, mới đi thi, đậu Trạng nguyên và sau đó ra làm quan với nhà Mạc Sự đắn đo và khai mở con đường công danh hoạn lộ muộn

màng này đã cho thấy: với Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc xuất hay xử, hành hay

tàng là cả một vấn đề hệ trọng, cần phải tính toán, suy xét và định lượng kĩ

càng Hơn nữa, việc ông ra làm quan cho triều Mạc lúc bấy giờ cho thấy ông không phải là kẻ ngu trung, một mực khư khư ôm niềm trung trinh với cựu triều, với những ông vua được xem là “lợn”, là “quỷ” Ở điểm này, ta thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm giống Nguyễn Trãi về tâm hồn, nhân cách Nguyễn Trãi

là “viên ngọc mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen” giữa những biểu hiện xấu

xa của triều đình Lê Sơ sau ngày khởi nghĩa thì Nguyễn Bỉnh Khiêm là “vàng mười” trong cảnh đời đen bạc của xã hội phong kiến Việt Nam thế kỉ XVI Sự đắn đo, cân nhắc trong việc ra ứng thí làm quan của ông làm hiện rõ một động

cơ trong sáng không gợn lợi ích cá nhân: ông kì vọng ở triều đình nhà Mạc, ông muốn ra giúp đời, giúp nước Bởi vậy, ông đã hăng hái giúp nhà Mạc với niềm hi vọng góp phần đem lại một nền chính sự mới, đem lại cảnh thái bình Điều này đã được ông nói đến trong thơ ca của mình:

Dân giai thức mục quan tân chính Thùy vị quân vương trí thái bình

(Dân chúng đều dụi mắt ngước xem nền chính sự mới

Ai đây sẽ là kẻ vì nhà vua đem lại cảnh thái bình)

(Trung Tân quán ngụ hứng)

Trang 15

Ôm ấp niềm hi vọng ấy bởi khi đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm tin rằng mình

có thể phò nghiêng đỡ lệch, cống hiến hết mình, góp phần đem lại nền thống nhất cho đất nước:

Vạn lý Đông minh quy bả ác,

Ức niên Nam cực điện long bình Ngã kim dục triển phù nguy lực Vãn khước quan hà cựu đế thành

(Biển Đông vạn dặm nắm vào trong tay

Ức năm cõi Nam đặt vững cảnh thái bình thịnh trị

Ta nay muốn thi thố sức phò nguy Cứu vãn lại quan hà thành cũ của nhà vua)

(Cự ngao đới sơn)

Đây có thể xem là lời “tuyên ngôn” về chí hướng của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ông đã xác định rõ chỗ đứng cho mình Những lời tuyên bố hùng hồn ấy thể hiện một thái độ chính trị dứt khoát và tấm lòng chân thành đối với nhà Mạc Ông đặt niềm kì vọng lớn lao vào nhà Mạc sẽ đem lại cảnh thái bình thịnh trị cho đất nước Ông tôn phù nhà Mạc và nói đến vua với một niềm tin

tưởng cung kính trong bài thơ Hạ ngự giá thướng kinh:

Thiên quyến hoàng vương phục cựu đô

Vũ kỳ nhân đổ cộng hoan hô

Xu hồi bách tính khuynh quan cái Thị vệ thiên quân tiếp trục lô

Di dân cửu dĩ li điêu tụy Nguyện bố khoan nhân úy hễ tô

(Trời yêu mến nhà vua cho lập lại thành cũ

Cờ vũ mao của nhà vua người người thấy cùng reo vui

Trang 16

Quân lính hàng nghìn trông giữ đoàn thuyền lớn nối tiếp nhau Những người dân còn xót lại, đã lâu phải điêu đứng

Mong nhà vua ban bố lòng khoan nhân để an ủi tấm lòng mong cứu sống.)

Tuy nhiên, chỗ đứng chưa phải là tất cả, chỗ đứng chỉ có ý nghĩa là môi trường cho kẻ sĩ hành đạo Và đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, điều quan trọng khi ông quyết định ra làm quan giúp nhà Mạc không phải để được mũ cao áo rộng, sống trong nhung lụa mà ước mong lớn nhất của cuộc đời ông là:

Y cựu kiền khôn nhất thái hòa

(Xoay lại kiền khôn buổi thái hòa)

(Ất sửu tân xuân hý tác)

Khát khao ấy được Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến rất nhiều trong thơ ca của mình Dường như ông đã nhận thức rất rõ mối quan hệ biện chứng giữa hai thế lực đối trọng vua – dân trong việc dựng nên một đất nước thái hòa, vững mạnh Dân được thái bình thì vua cũng được thái bình, vua anh minh như Nghiêu Thuấn thì dân cũng thuần thành như thời Nghiêu Thuấn Có lẽ, đây chính là phần đóng góp riêng của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tư tưởng trị nước:

Đã ngoài mọi việc chăng còn ước Ước một tôi hiền, chúa thánh minh

(Thơ Nôm, bài 26)

Trang 17

Dẫu có ai han thì sẽ nhủ Thái bình thiên tử thái bình dân

(Thơ Nôm, bài 86)

Mừng thấy thời vần đời mở trị Thái bình thiên tử thái bình dân

(Thơ Nôm, bài 133)

Và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng luôn coi trách nhiệm của mình là đưa đất nước đến ngày đó:

Muốn cho nhà chúa bằng Nghiêu Thuấn Phải đạo làm tôi kẻo hổ ngươi

(Thơ Nôm, bài 137) Nhà thơ hẹn rằng “gặp lại buổi thăng bình thì dù già yếu, bệnh tật, ông vẫn có thể làm một bài thơ để tỏ niềm hân hoan của mình”, vì như thế là “tấm lòng nâng cao đức độ cho vua và để lại ơn huệ cho dân của ông đã được đền đáp” Nhưng rất tiếc, hoài bão của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không thực hiện được Bởi hiện thực xã hội dưới thời nhà Mạc cũng có lúc đã phũ phàng với bao niềm hi vọng của ông

Thời điểm này, giặc Minh cũng muốn mượn danh nghĩa “đánh kẻ thoán đoạt” như đã đánh nhà Hồ xưa, để cướp nước ta Nhưng có lẽ vì chưa quên thất bại thảm hại trước nghĩa quân Lam Sơn hồi đầu thế kỉ XV nên vẫn còn sợ nhân dân ta và chưa dám liều mạng xâm lược, đành tạm hòa hoãn với việc Mạc Đăng Dung dâng nộp năm động ở Yên Quảng và chịu nhận chức An Nam đô thống sứ Việc Mạc Đăng Dung đã cắt đất thần phục và hơn nữa đối với nhà Minh thì về danh nghĩa không dám xưng là quốc vương cũng đủ cho thấy giai cấp phong kiến đã đốn mạt như thế nào rồi Vậy là hi vọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về nhà Mạc cũng đã tiêu tan

Trang 18

Hơn nữa, năm 1540, Mạc Đăng Doanh qua đời, Mạc Phúc Hải là con lên làm vua Cũng như Lê Uy Mục và Lê Tương Dực thì Mạc Phúc Hải, tiếp sau là Mạc Phúc Nguyên cũng nổi tiếng là xa hoa, dâm đãng Những người

“ăn cơm vạc lớn” đã không mấy ai chung niềm “vui trước lo sau” cùng Nguyễn Bỉnh Khiêm nữa Quan lại thì lộng quyền, nhân dân lại rơi vào khổ cực Và ước mơ của ông vẫn mãi chỉ là ước mơ:

Hà thời tái đổ Đường Ngu trị

Y cựu kiền khôn nhất thái hòa

(Bao giờ thấy lại cảnh thịnh trị Trời đất như xưa một vẻ thái hòa)

(Ngụ hứng, bài 2)

Xưa kia, trong hoàn cảnh xã hội phong kiến còn ổn định, Nguyễn Trãi cũng từng mơ ước một xã hội như thế, một xã hội mà người dân được an cư lạc nghiệp trong cảnh cơm no áo ấm Thế nhưng nhà yêu nước vĩ đại ấy cũng không được toại nguyện mà còn phải chết một cách oan uổng Huống hồ khi

xã hội phong kiến đang trong tình trạng hỗn loạn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm lại

mơ ước một xã hội bình trị thì rõ ràng là một ảo tưởng Nhưng đó là ảo tưởng xuất phát từ lòng nhân ái rất đáng trân trọng của một người yêu nước, thương dân

1.2 Khát vọng dẹp loạn hết nạn binh đao

Gần trọn cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó với thế kỉ XVI, một thế kỉ đầy biến động của lịch sử, chiến tranh phong kiến cát cứ giữa các tập đoàn phong kiến nhà Lê, nhà Mạc và Trịnh – Nguyễn xảy ra liên miên không

có dấu hiệu kết thúc Ở chốn triều đình thì quan lại lộng quyền, tham lam đục khoét của dân Là một con người mang trong mình tấm lòng yêu nước, thương dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có thái độ gay gắt trong việc phản đối chiến tranh phong kiến Ông đau đớn khi chứng kiến đời sống cơ cực của

Trang 19

nhân dân bởi thế sự xoay vần; những cảnh lưu ly, chết chóc, đói khổ cứ bày ra trước mắt Nhân dân đã không được an cư lạc nghiệp, lại còn lâm vào vòng nước, lửa, giặc, cướp, mắc phải những tai họa tày trời Đó chính là tội của kẻ cầm quyền Bởi vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn tiếng phê phán chiến tranh phong kiến:

Yếm khan nghịch tặc cửu xương cuồng

Hỗ chiến giao tranh bán sát thương Liệt hỏa viêm viêm phần ngọc thạch

Cô ưng ngạc ngạc bố loan hoàng

Du tồ binh vị tiêm quân xú Kinh loạn dân đa tán tứ phương

(Ngán nhìn bọn giặc điên cuồng đã lâu Chiến tranh với nhau giết hại đến một nửa Lửa dữ cháy bừng bừng đốt cả ngọc đá, Một con ưng hung dữ khủng bố chim loan, chim hoàng Chưa ra quân để tiêu diệt bọn giặc dữ,

Dân gặp nạn nhiều kẻ ly tán bốn phương)

(Cảm hứng) Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu

Uyên ngư tùy tước vị thùy khu

(Khắp nơi chỗ nào cũng máu chảy thành sông Không biết chúng vì ai mà đuổi cá đến vực sâu, đuổi chim vào bụi dậm như thế)

(Ngụ ý)

Tác giả đã vạch trần sự vô lý của cảnh tàn sát do bọn phong kiến gây

ra, tố cáo trước công luận dã tâm của những kẻ thích đeo đuổi chiến tranh làm

Trang 20

cho nhân dân khổ sở, điêu đứng Ông tỏ tình thương xót, cảm thông với nỗi đau khổ của nhân dân:

Cư ốc chiết vi tân Canh ngưu đồ nhi thực Nhương đoạt phi kỷ hóa Hiếp dụ phi kỷ sắc Kiến hãm trọng đồ thán,

Sở quá sinh kinh cức Tiều tụy tư vi thậm

(Nhà ở đem làm củi Trâu cày mổ làm thịt ăn Cướp đoạt tài sản không phải là của mình Hiếp dỗ người không phải là vợ mình

Mắt thấy nơi nơi đều lầm than

Đi quá khắp chốn đều là sinh gai góc Tiều tụy đến như thế là quá lắm)

(Thương loạn)

Trước tình hình đất nước như vậy, là một trí thức có tâm huyết, Nguyễn Bỉnh Khiêm nghĩ đến trách nhiệm của mình Ông muốn hành động và sự thật ông đã hành động vì nước vì dân Nhân một lần dâng sớ xin chém mười tám lộng thần nhưng không được vua nghe theo, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thác bệnh về trí sĩ tại quê nhà năm 53 tuổi Song, hiện thực đất nước lúc bấy giờ khiến ông không thể khoanh tay đứng nhìn Khi hơn sáu chục tuổi, tức là mười năm sau đó, ông đã theo vua Mạc đi tòng quân dẹp loạn với niềm ước mong tha thiết cho cuộc sống nhân dân thái bình, chính quyền được quy về một vương triều (tức là thống nhất giang sơn về một mối) Điều này được Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rất nhiều trong thơ của mình:

Trang 21

Niên du thập lục cưỡng tòng chung Lưỡng độ kinh qua trú thử phong

(Tuổi quá sáu chục, gắng gượng theo quân Hai dịp qua đây đóng lại ở núi này)

(Quá hữu giang, tam)

Đây là bài thơ được Nguyễn Bỉnh Khiêm viết khi theo vua Mạc tòng quân đánh anh em họ Vũ ở Tây Bắc Ông theo vua đi tòng quân không giống như những chinh phu tráng sĩ xưa những mong đeo được ấn phong hầu trở về quê cũ mà ông chỉ ra đi với mục đích duy nhất của cuộc đời là “phò nghiêng

đỡ lệch”, với khát vọng dẹp hết nạn binh đao Bởi vậy mà dù tuổi đã già, ông vẫn nguyện cống hiến hết sức lực của mình:

Xã tắc điên nguy xuất lực phù Lão lai mị đạn hiệu tri khu

Vô cô dân cửu ly đồ độc Bất sát thùy năng úy hễ tô

Vị quốc tồn cô minh đại nghĩa Chỉ kì diệt tặc phục thần châu

(Cảm hứng thi, ngũ)

Nghĩa là:

Xã tắc nguy ngập nghiêng đổ ra sức phù trì Tuổi già chẳng ngại, gắng gỏi ruổi rong Nhân dân vô tội gặp phải cảnh cay cực, độc ác từ lâu Hỏi ai là kẻ nhân từ không ham giết người, thỏa được lòng dân chờ cứu sống

Vì nước bảo toàn đứa trẻ mồ côi, nêu rõ nghĩa lớn Định thời hạn giết giặc khôi phụ kinh đô

Trang 22

Trên đường đi tòng quân, đến đâu, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ngâm vịnh, thu góp phong cảnh đất trời vào túi thơ Biết bao nơi đã ghi dấu bước chân của Trạng Trình đã hơn sáu mươi tuổi mà vẫn “gắng gỏi ruổi rong” Nào

là sông Thao, sông Hữu, nào là thành Nhu Ma, Châu Văn Bàn, Quy Hóa, Liệt Khê… cho đến cả miền tây, qua ghềnh Thời Ngạn, Châu Lục Yên… Đó không chỉ là những địa danh của đất nước được ghi dấu lại mà còn cho thấy một con người hết mình vì dân vì nước Qua những bài thơ ấy, ta thấy được những khó khăn, gian nan, nguy hiểm mà tác giả phải trải qua Đó là hành trình chuyển quân liên tiếp trong thời tiết khắc nghiệt, cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông tuyết phủ mà vẫn phải lênh đênh sông nước:

Tây tái yêu phân vị tảo thanh Trùng thừa vương mệnh nghệ hành doanh Phong truyền tiều giốc mai hoa lãnh Nguyệt phiến lâu truyền tuyết dạ bình

(Đông nhật nghệ doanh tư nhất nhị tri kỉ)

(Khí yếu nghiệt ở ải phía tây chưa quét sạch Lại lần nữa vâng mệnh vua đến nơi hành doanh Gió truyền đi tiếng tù và ở chòi canh, hoa mai lạnh lẽo Trăng đưa trôi lênh đênh chiếc thuyền lầu, tuyết đêm bằng lặng)

(Ngày mùa đông đến doanh trại nhớ một vài người bạn tri kỉ)

Tuổi già sức yếu nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn kiên trì theo quân hết lòng vì việc nghĩa:

Trì khu mị đạn hiệu vi cung Sinh bình chí nghĩa quan hoài thiết

(Ruổi rong chẳng ngại ngùng, rán hết sức thân hèn Bình sinh chí hướng về việc nghĩa tha thiết trong lòng)

(Phụng can tòng phát, hành thuật hoài)

Trang 23

Ý chí quyết tâm vì nghĩa lớn đã được nung nấu trong lòng Đó chính là động lực giúp ông vượt qua bao hiểm nguy, núi cao hiểm trở, sông nước đóng băng, thời tiết khắc nghiệt để hộ giá nhà vua với một niềm hi vọng lạc quan:

Giang tâm oanh khúc thạch ky nga Thế nhược tòng thiên chú đại hà Thủy nhiễu vân căn hoàn toái ngọc Lãng phiên tuyết chử bạch sinh hoa

Tế xuyên hữu khách thi Ân tiếp Lượng đẩu hà nhân tố Hán sà

Kỷ thủ vương sư hoàn khải nhật Thuận lưu ổn phiếm phát cao ca (Tây hộ quá Thời Ngạn than túc thứ Văn Đạt Bá vận)

Nghĩa là:

Lòng sông vòng vèo đá ngầm lởm chởm Hình thể như từ trời trút xuống lòng sông lớn Nước diễu quanh đá, giá lạnh như đập nát ngọc sa Sóng chờm lên cồn tuyết màu trắng tựa nở hoa Vượt qua sông, khách có kẻ ra tay cầm lái nhà Ân Đong tinh đẩu, ai là người cưỡi bè ngược dòng Ngân Hán Nhớ lấy ngày quân nhà vua khải hoàn

Sẽ lênh đênh thuận dòng yên ổn mà cao giọng hát ca Trên con đường gian nan ấy, sự cố gắng nỗ lực vượt gian khổ hiểm nguy của vua và quan quân cũng được đền đáp bằng những thắng lợi Mỗi lần như vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm không quên ca ngợi sức mạnh của quân lính nhà vua đã dẹp yên bờ cõi, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân:

Trang 24

Vương sư hoàng nhược tòng thiên há Nghịch tặc hoàn tri chỉ nhật bình Đạo tức hoàng trì vô giáp lộng Xuân hồi lục dã hữu nhân canh Thần kim thánh vỡ hoằng phu trước Tái tuyệt yêu phân tứ hải thanh

(Quân nhà vua chớp nhoáng hiện ra như từ trời xuống

Vẫn biết rằng bọn giặc sẽ nhất định dẹp yên

Trộm cướp bị dập tắt, không còn giáp binh múa may bên bờ ao Xuân tươi lại trở về, vẫn có nông phu cấy cày trên đồng xanh Huống chi uy vũ thánh thần được mở ra rộng rãi

Ngoài quan ải dứt sạch khí yêu nghiệt, bốn biển thanh bình)

(Qua Văn Bàn Châu)

Cảnh thái bình này còn xuất hiện khi quân nhà vua đến Liệt Khê:

Tì hưu vạn đội bạng nham khê Nhật diệu tinh kỳ thụ ảnh đê Ngọc bạch tật quy vương hội thượng Mao nghê cộng úy nhạc tuần tây Xuân thu thống nhất xa thư hỗn

Đồ thán dân giai nhẫm tịch tê (Muôn đội hùng dũng dựa vào khe núi đóng quân

Ánh mặt trời chiếu sáng tinh kỳ, bóng cây như thấp xuống Trên chỗ triều hội của nhà vua hết thảy ngọc lụa được đưa về Cuộc tuần thú miền tây, tất cả già trẻ đều được yên ủi

Thống nhất bờ cõi, xa thư cùng một lối Dân lầm than khổ cực đều được nằm trên nệm chiếu yên ổn)

(Liệt Khê trú doanh)

Trang 25

Những vần thơ ấy không chỉ là niềm tự hào, ngợi ca quân đội nhà vua như ánh hào quang, như vũ bão, đi đến đâu quét sạch bạo tàn đến đó, nhân dân yên ổn, an cư lập nghiệp mà ẩn chứa trong đó ta còn thấy niềm khát khao của một tấm lòng yêu nước, luôn mong muốn đất nước yên bình, nhân dân thoát khỏi vòng oan khổ lưu ly Và như đã nói ở trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định theo nhà vua đi chinh chiến không phải ước mong đeo được ấn phong hầu, được thăng quan tiến chức mà khát khao lớn nhất của cuộc đời ông là mong đất nước được thanh bình, yên ổn Bởi vậy, ông đã dốc hết sức của tuổi già để lên đường vì sự an nguy của xã tắc Và trong mỗi chuyến đi

ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn ôm ấp hi vọng sẽ dẹp yên được bờ cõi:

Khởi vị nhất thi năng khước địch Ưng tri vạn giáp tố bàn hung Thử hành tố triển an biên sách Chỉ nhật xâm cương thủ bỉ hung

(Há bảo một bài thơ có thể đẩy lùi quân địch

Nên biết hàng vạn giáp binh vẫn núp trong lồng ngực Chuyến đi này bày sẵn kế sách vỗ yên bờ cõi

Hẹn ngày bắt bọn hung tàn kia trả đất lấn lại)

(Phụng can tòng phát hành thuật hoài)

Khát vọng này cũng được nói đến trong bài Phụng can tòng quá Thao

giang (Vâng mệnh đi theo quân qua sông Thao):

Thử hành hào triền an biên sách Hưu đạo đa niên ửng họa tràng

(Chuyến đi này hãy bày kế sách vỗ yên bờ cõi Đừng nói rằng nhiều năm ôm chiếc lọng hoa) Khát khao ấy càng chứng tỏ tấm lòng yêu nước thương dân tha thiết

Trang 26

dân được yên ổn làm ăn Trong mỗi chuyến đi, dẫu rằng phải vượt bao gian khổ nhưng tấm lòng ái ưu trung nghĩa của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn luôn vằng vặc sáng Ông quyết đem nốt cuộc đời còn lại của mình trả nợ nước, tỏ lòng

trung thành Điều này được nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến trong bài Đông nhật

nghệ doanh, tư nhất nhị tri kỉ (Ngày mùa đông đến doanh trại nhớ một vài

bạn tri kỉ):

Mỗi hiệu trung thành đồ báo quốc

Đệ tàm lão chuyết vị năng binh

(Thường gắng gỏi lòng trung thành mưu toan trả ơn nước Chỉ thẹn già yếu vụng về chưa thạo việc binh)

Và ông còn tâm sự với bạn về lòng trung thành và tấm lòng ái ưu của mình:

Lão lai tương dữ cưỡng tòng nhung Diệt tặc do hoài bảo quốc trung Mạo tuyết na từ thiên lí viễn

Ưu thời ưng ký nhất tâm đồng

(Tuổi đã già cùng nhau cố gắng tòng quân Diệt giặc còn ôm lòng trung báo đền ơn nước Xông pha tuyết giá đâu nề hà nghìn dặm xa

Lo lắng thời thế, nên ghi nhớ cùng một lòng)

(Giản đồng sai Nghĩa Trai bá, Hoành Trung hầu)

Cũng bởi tấm lòng ưu thời mẫn thế, trung quân ái quốc chưa bao giờ nguôi trong lòng Trạng Trình nên ông luôn mong muốn, ước ao sẽ có người tài giỏi ra giúp nước giúp vua, đem lại cuộc sống thái bình cho nhân dân:

Biên phương cửu uất lai tô vọng Thủy vị quân vương nhất phủ tuy

Trang 27

(Lòng mong đợi người đến cứu sống của dân ở ven cõi uất kết đã từ lâu

Ai đó vì quân vương mà ra sức vỗ yên!)

(Tòng tây chinh, nhị)

Lòng mong đợi ấy mỗi lúc một sôi sục hơn:

Cửu trùng chính cấp cầu nhân tướng Chửng cứu ưng tô thứ nhất phương

(Cửu trùng đang gấp tìm một vị tướng nhân đức

Ra tay cứu vớt làm, sống lại một phương này)

(Quá Hữu giang, tứ)

Song, lòng mong đợi của ông vẫn không được đáp đền Bởi trong xã hội lúc bấy giờ, những tấm lòng “tiên ưu hậu lạc” như ông dường như đã vắng bóng Quan lại không những lộng quyền mà còn lục đục tranh giành lẫn nhau, cướp bóc, đục khoét của dân Sự tranh chấp giữa các tập đoàn phong kiến khác với nhà Mạc cứ kéo dài liên miên, mãi không dứt, đời sống chính trị luôn luôn biến động Sự tranh chấp giữa nhà Mạc với nhà Lê và các tập đoàn phong kiến khác cứ thoắt thắng lại thoắt bại, thoắt bại lại thoắt thắng Cái hưng cái vong thay thế nhau trong một chớp mắt, cái mất và cái được thay thế nhau trong một trở tay Tuổi già gắng gỏi theo quân những mong sớm đem lại cảnh thái bình cho dân thì ông lại cứ mãi mãi phải chứng kiến cảnh chết chóc vô nghĩa Và ông cũng nhận ra sự bất lực của mình khi theo vua trong các cuộc viễn chinh:

Trang 28

Từ niềm lạc quan tin tưởng vào những chiến thắng của nhà vua trước kia, từ sự gắng gỏi lòng trung báo trả ơn nước không ngại hiểm nguy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã một lần nữa nhìn thẳng vào sự thật, vào mặt trái của chiến tranh phong kiến Thơ của ông trở thành lời phê phán quyết liệt đối với chiến tranh phong kiến và cũng là lời thú nhận sự bất lực trước một vấn đề nan giải:

Tiếu tha thù tặc hỗ tương tranh Thiên hạ phân phân hận vị bình

(Cười bọn thù tặc cứ tranh giành lẫn nhau Thiên hạ đang rối bời hận chưa dẹp yên)

(Cảm hứng)

Thấy được bản chất phi nghĩa của chiến tranh phong kiến, phản đối, phê phán chiến tranh ấy, thông cảm với nỗi đau thương tang tóc của dân do nội chiến kéo dài gây ra, mong mỏi, khát khao góp sức mình để dẹp loạn, đem lại thái bình cho đất nước, an lạc cho dân lành; đó là thái độ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với chiến tranh phong kiến ác liệt và kéo dài ở thế kỉ XVI Chân tình của nhà thơ đối với dân thật đáng trân trọng nhưng nguyện vọng hòa bình, an lạc của ông và cũng là của dân thì không sớm được toại nguyện,

“chiến tranh cứ đi tìm nhau”, cảnh “đầy mắt mộc giáo”, “xương núi máu sông” vẫn cứ kéo dài trong cái vòng luẩn quẩn, bế tắc của chế độ phong kiến lúc bấy giờ

1.3 Khát vọng dùng nhân nghĩa để xây dựng đất nước

Trước tình cảnh rối ren, loạn lạc của đất nước, Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy bi quan và mất niềm tin vào chế độ phong kiến, nhưng tấm lòng ưu thời mẫn thế của ông thì chưa bao giờ thay đổi Trong niềm ưu ái của mình, ông đã dành những tình cảm trong sáng, cao đẹp hướng về dân chúng Làm thế nào cho đất nước thái bình thịnh trị, dân chúng được ấm no hạnh phúc?

Đó chính là niềm trăn trở, day dứt và là mục đích cuộc đời của Nguyễn Bỉnh

Trang 29

Khiêm Ông quan niệm rằng phương pháp cai trị đất nước của bậc đế vương

sẽ quyết định đến vận mệnh của đất nước, của triều đại và của chúng sinh Cũng như Nguyễn Trãi xưa kia luôn đề cao nhân nghĩa trong việc trị nước:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

(Bình Ngô đại cáo) Thì ở thời điểm hiện tại, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng luôn ôm ấp khát vọng dùng nhân nghĩa để xây dựng đất nước Ông cho rằng muốn cho đất nước ổn định, vững mạnh thì điều quan trọng nhất ở bậc đế vương là phải nêu cao nhân nghĩa trong việc trị nước:

Tối thị đế vương nhân nghĩa cử

Sự công ưng khả tiểu Đinh Lê

(Quan trọng nhất là bậc đế vương phải nêu cao nhân nghĩa Được thế thì công lao sự nghiệp có thể lớn hơn triều Đinh, Lê)

(Liệt Khê trú doanh)

Trong khi các tập đoàn phong kiến tranh giành lẫn nhau mãi không thôi, đẩy nhân dân vào cảnh điêu đứng, lầm than tang tóc, Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định nếu quân nhà vua có thể:

Dĩ nhân phạt bất nhân

… Cửu thử điêu sái dân

(Lấy lòng nhân mà đánh kẻ bất nhân

… Cứu cho dân điêu đứng bệnh hoạn này)

(Thương loạn)

thì ắt là “tất thắng” và “bước lên cõi nhân thọ”

Trang 30

Kế thừa tư tưởng thân dân đời Trần của Trần Quốc Tuấn, quan điểm ái dân và trọng dân của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho rằng: “Sức dân như nước…phải dùng nhân để kết nối vững bền”, phải biết “việc ăn của dân là điều hệ trọng nhất của vương chính”, kẻ trị dân “đời nay cũng như đời xưa, chớ có xem nhẹ việc dân” Ông hiểu rằng “bền nước yên dân là việc đầu mối”, nước trước hết là dân, muốn lo việc nước thì phải dựa vào dân, phải được lòng dân:

Cổ lai quốc dĩ dân vi bản Đắc quốc ưng tri tại đắc dân

(Từ xưa đến nay nước lấy dân làm gốc Được nước nên biết là ở chỗ được lòng dân)

(Nhiều năm bị gầy đói, trông nhờ vào sự nuôi dưỡng ân cần, Đến ngày nào từ rên xiết trở thành ca hát

Nếu trời sớm vì nhân dân mà toan tính, Thì hãy trừ bỏ sự tàn khốc ghê sợ mà dấy lên khí thái hòa)

(Cảm hứng)

Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn mong muốn người dân không còn cảnh “cá

lớn nuốt cá bé” nữa (Đến quán xem cá, thấy cá lớn nuốt cá bé, xúc cảm làm

thơ), không còn phải chịu nạn “chuột xù” tàn phá đến nỗi “ngoài đồng có mạ

khô, kho đụn không thóc thừa” (Ghét chuột) Ông “chỉ mong cái tâm sáng này

Trang 31

rọi chiếu khắp nơi, khiến cho khắp thôn cùng xóm vắng không nơi nào không

sáng sủa yên hòa” (Dâng nến) và “dân lầm than khổ cực sẽ được nằm trên nệm chiếu yên ổn” (Trú quân ở Liệt Khê), người buôn bán được chợ búa

thông thương thuận tiện:

Việc buôn bán tại chỗ luân chuyển lúc nào cũng thuận lợi Hàng hóa mua bán thông thương suôn sẻ

Cách thức được lập nên từ Hoàng Đế, mọi người đều thỏa chí, Nhà vua không đánh thuế, thiên hạ được hưởng chung

(Thơ về chợ) Hình mẫu thôn làng lý tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm là dân giàu, vật thịnh, phong tục thuần hậu, có văn hóa, học thức:

Đông đúc rộn ràng, cuộc sống phồn thịnh Những nơi có người ở là có thôn làng Hào hoa hội hợp, xóm giềng kề bên nhau Nhân hậu như xưa, mỹ tục giữ gìn mãi Làm và nghỉ đều thong thả trong ngày tháng đời Nghiêu

Ca và hát cùng vui trong đất trời nhà Thuấn Quan tể tướng thái bình được vinh hiển là ở đó

Mũ lọng đi nhanh như sao, rực sáng cổng làng

(Xóm làng)

Có lẽ, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ đầu tiên đề xuất việc phải có chính sách đối với người tàn tật Trong tờ sớ dâng lên vua Mạc lúc sắp mất và khi còn tại triều, ông khuyên nhà vua “phải hết lòng tu thân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng…” Còn “người tàn tật mù lòa thì phải dạy cho họ nghề hát, nghề bói để tự nuôi sống bản thân mình” Đó là một lời khuyên vừa thể hiện quan điểm nhân ái, vừa văn minh mà cũng rất thiết thực

Trang 32

trị đất nước phải “nêu chính nghĩa diệt hung tàn”, cứu dân vô tội khỏi vòng cơ cực, thỏa mãn khát vọng của dân; mong muốn “bậc vương giả mở rộng nhân chính, trải khắp ánh sáng trong trẻo đến bốn phương” và khuyên người làm vua “nếu có ngọn đuốc soi sáng” thì nên “soi thấu đến dân đen ở xóm quạnh nhà tranh”, “đến những cổng làng hẻo lánh không nơi nào không biết mình được sống”

Tất cả những ước mơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chính là ước mơ của những trí thức phong kiến có thiện chí đương thời, ước mơ về một xã hội

có “vua sáng tôi hiền”, nhân dân sống yên ổn dưới sự thống trị của giai cấp phong kiến, một xã hội lí tưởng mà bậc đế vương dùng nhân nghĩa để trị nước Và tất cả những cố gắng của ông đều vì muốn đạt được ước mơ đó

Có thể thấy, thời thế đã thay đổi, tính chất của các cuộc chiến tranh ở thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khác trước, nó không còn mang tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh giành độc lập chủ quyền xưa kia nữa mà là sự tranh chấp giữa các tập đoàn phong kiến, bộc lộ rõ tính chất phi nghĩa Do đó, tâm sự của Nguyễn Bỉnh Khiêm nặng ưu ái nhưng mang màu sắc của thời đại lịch sử cụ thể Tất cả những khát khao cống hiến của ông đều vì nước vì dân nhưng đều không thành hiện thực Có tấm lòng yêu nước, thương đời nhưng bất lực trước thời thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường tỏ ra bi quan Nỗi bi quan

ấy càng sâu sắc khi ý thức hệ phong kiến đã khiến ông đồng nhất vận mệnh của Tổ quốc với vận mệnh của chế độ phong kiến, sống trong một thời kì rối ren loạn lạc, chiến tranh liên miên, máu sông xương núi, trật tự xã hội bất ổn, ông lo sợ vì “thói đời” điên đảo, đau buồn vì người đời chỉ biết đổ theo danh lợi Bao hoài bão lí tưởng của bậc quân tử kẻ sĩ không thể thực hiện được, niềm kì vọng của ông vào triều đình nhà Mạc cũng tiêu tan, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thú nhận sự bất lực trong “phò nghiêng đỡ lệch” và ông tạm lui về

ở ẩn để chờ cơ hội

Ngày đăng: 30/11/2015, 21:11

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w