Tinh thần thưởng thức thiên nhiên trong lành, tươi đẹp

Một phần của tài liệu Kiểu nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật trong thơ nguyễn bỉnh khiêm (Trang 49 - 55)

8. Bố cục của khóa luận

2.2.1. Tinh thần thưởng thức thiên nhiên trong lành, tươi đẹp

Từ một nhà nho hành đạo trở thành một nhà nho ẩn dật, niềm vui lớn nhất của Nguyễn Bỉnh Khiêm là được gắn bó với thiên nhiên, với cuộc sống thuần hậu nơi thôn dã. Điều này cũng không khó lí giải bởi theo nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc nhận xét: “Theo quan niệm Nho giáo, cái mẫu mực thuộc về quá khứ, còn cái trong sạch chủ yếu lại ở trong thiên nhiên. Các nhà nho theo quan niệm xuất xử của Nho giáo - gặp thời thịnh thì ra làm việc phò vua giúp nước, gặp thời loạn thì lui về ở ẩn, lấy thiên nhiên để di dưỡng tính tình. Họ tìm thấy trong thiên nhiên những phẩm chất đạo đức cao quý của con người theo quan niệm Nho giáo: cây tùng là hình ảnh người đại trượng phu; cây trúc là hình ảnh người trí sĩ quân tử; cúc, mai là biểu hiện của sự trắng trong, tinh khiết; ngư, tiều, canh, mục là những nghề nghiệp trong sạch; tuyết, nguyệt, phong, hoa là cái thú thanh cao,…”. Bởi vậy, cũng giống như các nhà nho ẩn dật khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chủ trương sống một cuộc sống giữa thiên nhiên để di dưỡng tính tình, bảo toàn phẩm giá trong sạch, để tỏ rõ thái độ khinh thường danh lợi, coi nhẹ cuộc ganh đua vì miếng mồi tiền tài, địa vị của cuộc sống xô bồ, nhốn nháo mà người đời đang chen chân tới.

Về ở ẩn, cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với Trung Tân quán và Bạch Vân am. Ông cảm thấy cuộc sống chốn quan trường sẽ không thể mang lại cho ông niềm vui, sự nhàn hạ bằng cuộc sống nơi quán Trung Tân và am Bạch Vân được:

Niên phương thất thập dĩ hưu quan Trùng trướng u thê mịch cố san Tân quán nhật cao miên khởi vị Thanh vân thanh tự Bạch Vân nhàn

(Tuổi vừa mới bảy mươi đã về hưu

Tìm về núi cũ trướng rủ màn che nơi vắng vẻ

Ở quán (Trung) Tân khi mặt trời đã lên cao vẫn còn ngủ chưa dậy

Chạy theo con đường thanh vân sao nhàn hạ bằng về ở am Bạch Vân)

(Tự thuật)

Ở nơi đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự cho mình cái quyền sống với thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá, suối đá chim muông. Ông tìm thấy vẻ đẹp của thiên nhiên chốn quê nhà. Và cũng như các nhà nho ẩn dật khác, vẻ đẹp thiên nhiên cũng đem lại cho ông cảm hứng thi ca. Ông làm thơ vịnh thiên nhiên, thơ về chính nơi mình đang sống:

Am quán trường nhàn xuân bất lão Giang san nhập họa bút sinh hương Thanh lưu tá hưởng cầm thanh luận Cổ mộc lưu âm khách mộng lương Thặng kỉ tư văn thiên vị tang Chí kim hạnh đắc bộc thu hương

Non sông đưa vào tranh vẽ, ngòi bút sinh hương

Mượn tiếng vang của dòng sông làm cho tiếng đàn thêm nhuần

Giữ lại bóng cổ thụ để làm cho giấc ngủ trưa được mát mẻ Rất mừng tư văn trời chưa làm mất

Đến nay còn may được đem phơi trước ánh nắng mùa thu)

(Ngụ hứng, nhất)

Với tình yêu thiên nhiên tha thiết, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự coi thiên nhiên là bằng hữu, là nguồn vui trong đời. Ông đã hòa mình vào thiên nhiên vũ trụ, cảm nhận đầy đủ hương vị của tạo vật. Rời chốn quan trường bon chen, nhốn nháo, xô bồ, ông trở về với cuộc sống giản dị nơi thôn quê, cảm nhận vẻ đẹp của quê hương với những âm thanh giản dị nhất, khoan khoái trong luồng gió mát lành để tận hưởng cuộc sống thanh nhàn:

Giang quán đăng lâm nhật hướng tà Thừa nhàn bả tửu thính ngư ca Bán thiên lương đệ thanh phong hảo Lưỡng ngạn tình thiêm lục thụ đa Hứng kịch dã tình thiên ái cúc Tùy nùng lão nhãn dị sinh hoa

(Lên ngắm cảnh ở cái quán bên sông lúc mặt trời xế bóng Nhân lúc nhàn, cầm chén rượu, nghe tiếng hát làng chài Hơi lạnh từ lưng trời đưa lại luồng gió mát mẻ

Trời tạnh ở hai bờ sông thêm cho cây xanh nảy nở rườm rà Lúc hứng trào lên, mối tình quê chỉ ưa riêng cúc

Khi say khướt, mắt già lão dễ đổ đom đóm)

Những dòng thơ không chỉ miêu tả cảnh thôn quê bình yên mà còn ẩn chứa những xúc cảm của thi nhân, của một tâm hồn trong sáng thanh cao, “chỉ ưa riêng cúc”. Dường như “mắt già lão dễ đổ đom đóm” khi say khướt chỉ là cái cớ mà đó chính là nỗi xúc động, niềm vui không thể kiềm chế được của một tâm hồn yêu quê hương tha thiết nay được trở về sống giữa quê hương thanh bình, với tất cả những gì giản dị, thân quen nhất. Ông còn hòa mình vào hơi thở của đồng nội mát mẻ, tìm thấy niềm vui từ chính thiên nhiên đem lại, từ lạc thú uống rượu ngâm thơ:

Tọa thượng tiếu đàm xuân cánh hảo Môn trung ngâm vịnh bút sình hương Sổ bôi minh nguyệt lưu hoa ảnh

Bán chẩm thanh phong nhạ trúc lương Sơn thủy diệc tòng nhân trí nhạo Giá ban ý vị thục năng tường

(Cười nói trên chỗ ngồi, xuân càng thêm đẹp Ngâm vịnh ở trong cửa, bút nảy sinh thơm Trăng sáng rọi bóng hoa vào vài chén rượu Gió trong đưa hơi tre mát tới nửa gối nằm Cảnh sơn thủy cũng theo vào niềm vui nhân trí Ý vị đến mức ấy có ai hay rõ được?)

(Tự thuật, tam)

Quả thực không phải ai cũng có thể tìm thấy niềm vui ở chốn thiên nhiên bình dị ấy. Phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết thì Nguyễn Bỉnh Khiêm mới cảm nhận được vẻ đẹp của cảnh vật sông nước, gió trăng, mới thấy cảnh xuân đẹp làm tâm hồn thư thái đến thế. Đối với ông cuộc sống không có gì vui và đáng quý bằng những giây phút được cùng bạn bè tri kỉ ngâm nga làm thơ dưới ánh trăng, thưởng thức rượu ngon say nồng, thả hồn

theo tiếng đàn đêm thanh với con thuyển trên sông nước. Đó chính là thú ngao du của người ẩn dật mà không phải ai cũng có được:

Lẻ tẻ bên giang bảy tám nhà

Thủ nhàn mừng thấy bạn ngâm nga Thơ nên, ngồi đợi vừng đan quế Rược chuốc, han thầm ngõ Hạnh hoa Lục ý tiếng thanh, đêm tựa ngọc Lan châu chèo vỗ, nước bằng là

(Thơ Nôm, bài 120)

Trong khi người đời đang đổ xô theo lợi danh phù phiếm thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tìm cách lánh đời, quyết lìa bỏ chí lập công danh, sự nghiệp thuở còn trai tráng để chuyên tâm đọc sách, ngắm cảnh, không bị ràng buộc bởi công danh, bởi sự đời:

Lánh trần đến náu thú sơn lâm Lá thông đàn, tiếng trúc cầm Sách cũ ngày tìm người hữu đạo Ao thanh đêm diễn nguyệt vô tâm Say hết tấc lòng hồng hộc

Hỏi làm chi sự cổ kim Thế lụy dầu ai hay bịn rịn Sen kia nào có nệ chi lầm.

(Thơ Nôm, bài 126)

Cũng như sen đã không bén mùi bùn, vẫn vươn lên thanh khiết và thơm ngát thì giữa cảnh đời đen bạc lúc bấy giờ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã chọn cách lánh đục về trong, về với chốn lâm tuyền để di dưỡng tâm hồn trong sạch. Và với ông bây giờ, công danh, lợi lộc không còn ý nghĩa, chỉ như một

Công danh bất hệ nhất hư chu Liểu hướng điền viên mịch thắng du Tài cúc đình tiền vô tục khách Cán y khê ngoại hữu thanh lưu

(Công danh như một con thuyền rỗng chẳng buộc vào đâu Hãy hướng về vườn ruộng mà tìm thú ngao du thắng cảnh Trồng cúc trước sân, không có khách tục đến

Giặt áo ở ngoài khe, sẵn có dòng nước trong)

(Ngụ hứng, tam)

Không màng danh lợi, không vướng mắc sự đời nên cuộc sống của Trạng Trình lúc nào cũng an nhàn, để thưởng thức vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên. Chẳng phải mất công đi tìm cảnh núi cao sông rộng, những cảnh hùng vĩ kì ảo, “ông nhàn” vui với cảnh thiên nhiên có sẵn, có khi là đơn sơ, tầm thường nhưng bao giờ cũng tìm thấy trong đó cái đẹp, cái hữu tình:

- Hương đầy tiệc khách, khi hoa rụng Hứng dẫy vườn xuân, chim thuở kêu

- Đêm, đợi trăng cài bóng trúc Ngày, chờ gió thổi tin hoa

- Hàng giang một dải tuyết pha vàng Trước cửa mười hai ngọn núi chồng

Đến đây, thiên nhiên không còn tồn tại như một niềm an ủi, một sự giải tỏa nữa mà đã trở thành bầu bạn:

Trăng thanh gió mát là tương thức Nước biếc non xanh ấy cố tri

Ông cho rằng mình có duyên với non nước, với thiên nhiên nên mới được ưu ái ban cho thú thanh nhàn để mà tận hưởng vẻ đẹp chốn Bồng lai tiên cảnh chính nơi thôn dã:

Thanh nhàn dưỡng được tính tự nhiên Non nước cùng ta đã có duyên

Dắng dỏi bên tai cầm suối Dập dìu trước mặt tán sen Xuân về, hoa nở mùi hương nức

Khách đến, chim mừng dáng mặt quen Chốn ấy thanh nhàn được thú

Lọ là Bồng đảo mới tiên

(Thơ Nôm, bài 118)

Tất cả những cảnh nước biếc non xanh, trăng trong gió mát, dưới bóng dâm cổ thụ hay trời thu khí mát, bên bờ tre quê hay bên luống hoa đẹp… đều mang lại cho nhà thơ một tâm tình thoải mái. Lòng yêu đời ấy bắt nguồn từ một tâm hồn trong sạch, một khí tiết thanh cao và một cuộc sống tinh thần phong phú. Nguyễn Bỉnh Khiêm quả thật đã sống “thích chí” giữa trăng nước, cỏ hoa, chim muông, làng xóm. Ông không còn sống giữa thiên nhiên nữa mà sống trong thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên, như một bộ phận của thiên nhiên.

Một phần của tài liệu Kiểu nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật trong thơ nguyễn bỉnh khiêm (Trang 49 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(65 trang)