1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Tư duy thơ trong tiểu thuyết của đoàn minh phượng

7 1K 8

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 199,83 KB

Nội dung

TƢ DUY THƠ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA ĐOÀN MINH PHƢỢNG Nguyễn Đức Toàn 1 Tóm tắt: Góp phần làm nên diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, bên cạnh những tác giả trẻ trong nước còn phải kể đến các tác giả sống và viết ở hải ngoại. Đoàn Minh Phượng tham gia vào cuộc chạy tiếp sức của tiểu thuyết đương đại với hai tiểu thuyết ngắn Và khi tro bụi (Nxb Trẻ, 2006) và Mưa ở kiếp sau (Nxb Văn học, 2007). Bằng nỗ lực cách tân nghệ thuật thể loại, ở tác phẩm của chị, người đọc nhận ra sự dung hợp thành công tư duy thơ trong tiểu thuyết. 1. MỞ ĐẦU Với tiểu thuyết truyền thống, chất thơ đem lại không khí thi vị, trữ tình cho câu chuyện nhưng sự tạo lập cấu trúc tác phẩm theo nhãn quan thơ thì chỉ đến tiểu thuyết đương đại mới trở nên phổ biến. Thật vậy, nói như M. Bakhtin thì: “Thể loại chứ không phải phương pháp hoặc trường phái sáng tác là những nhân vật chính của tấn kịch lịch sử văn học… Mỗi thời đại lịch sử có hệ thống thể loại của mình, trong đó những thể loại chính thể hiện tập trung nhất, nổi bật nhất tâm thức, tầm nhìn, những mối quan tâm, những quan niệm và chuẩn mực giá trị của con người trong thời đại đó… Lịch sử văn học trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại” [1, tr.8]. Và hiển nhiên, một nguyên tắc sáng tác mới ra đời bao giờ cũng do hệ hình tư duy, quan niệm của người nghệ sĩ và cơ sở tâm lí của thời đại quy định. Xuất phát từ nhu cầu của đời sống và văn học nên mỗi thể loại phải có nội lực cũng như ngoại lực tác động để tồn tại và phát triển. Đời sống tâm lí hậu hiện đại đầy rẫy những xô bồ, quẩn quanh. Thế giới không còn nguyên phiến, nhất thể và con người không còn một niềm tin bất diệt làm trụ cột tinh thần. Chính sự tan rã khỏi khối thống nhất ấy khiến họ trở thành những “tiểu vũ trụ” tự trị. Kiểu tâm lí hoài nghi, cảm quan cô đơn, u uẩn, vụn vỡ hoặc con người với nhu cầu tìm về cội nguồn, bản thể hay là xu hướng lội ngược dòng quá khứ xuất hiện nhiều trong văn học. Và tâm lí ấy, không gì ưu việt hơn là được diễn đạt bằng phương thức trữ tình. Bên cạnh đó, các nhà văn đương đại không bị áp đặt về chủ nghĩa đề tài hay một phương pháp sáng tác duy nhất nên họ có tự do cách tân thi pháp tiểu thuyết. “Đại tự sự” bị phá vỡ nhường chỗ cho những “tiểu tự sự”, tiểu thuyết vì thế quan tâm đến con người cá thể và tâm tư cá nhân. Sự dụng hợp thể loại giữa thơ và tiểu thuyết còn do ý thức sáng tạo của các tác giả. Trong sự vận động chung của nền văn học, tiểu thuyết - một loại hình tự sự cỡ lớn đã và đang nỗ lực chuyển mình để đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại, đời sống văn học và độc giả. 1 ThS, Trường CĐSP Hải Dương Không khí dân chủ của môi trường sáng tạo đã giúp nhà văn ý thức sâu sắc về tư cách nghệ sĩ của mình. Chưa bao giờ những quan niệm mới về văn học - nhà văn - hiện thực - con người cũng như những đổi mới tư duy nghệ thuật lại trở nên cởi mở, dân chủ như thời kì văn học sau đổi mới, đặc biệt thập niên đầu tiên của thể kỉ XXI. Lí do có sự dung hợp thể loại còn do chính bản thân sự vận động của thể loại tiểu thuyết. Thuộc phương thức tự sự, tiểu thuyết có những hạn định về bộc lộ thế giới nội tâm của con người. Nói cách khác, việc khai mở những mạch cảm xúc trong tâm hồn không được tự do và trực tiếp như thơ. Nhà văn muốn phơi trải hồn mình trên trang viết thì phải thông qua phương tiện là hình ảnh, biểu tượng, nhân vật, sự kiện, tình tiết… Do vậy, việc mở rộng biên giới tư duy thể loại sang địa hạt thơ là một xu hướng tự nhiên hợp quy luật. Hơn nữa, bản thân tiểu thuyết là một thể loại trẻ, năng động nên nó có nhiều khả năng dung hợp với nhiều thể loại khác để mở rộng khả năng phản ánh. Tiểu thuyết lấy kinh nghiệm cá nhân làm phép ứng xử cho nên nó rất gần với tính cá thể trong cảm quan về thế giới của nhà thơ. Sự gần gũi ấy đã trở thành động lực cho sự chọn lựa kết hợp tư duy thơ với tư duy tiểu thuyết. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Sự dung hợp tƣ duy thơ trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phƣợng 2.1.1. Ý thức về nhịp điệu - một yếu tính của tƣ duy thơ Blôc từng quan niệm “Nhà thơ - đó là người đại diện cho nhịp điệu”. Với phương thức tự sự, do nhu cầu trần thuật là chính và bắt đầu từ hứng thú quan sát nên các yếu tố như sự kiện, thời gian cốt truyện, kết cấu… được các tác giả chú ý hơn cả. Nhịp điệu về cơ bản được tạo thành từ sự tổ chức các yếu tố ấy theo một cách thức nhất định. Nhưng nhịp điệu trữ tình lại khác, nó bắt nguồn từ sự tương hợp cảm xúc giữa con người với thế giới khách quan nhằm nêu bật điệu cảm của nhân vật trữ tình. Vậy nên, nhịp điệu chính là ở phương diện hình thức cấu tạo của tác phẩm thể hiện qua cách phối âm, nhịp, điệu, luật trong thơ cũng như việc kết hợp cú pháp và nhịp điệu trầm bổng được tạo ra từ câu chữ, lời thơ. Nhịp điệu, do đó, được tạo ra nhờ sự phối thuộc giữa nhạc tính của ngôn ngữ và nhạc cảm, nhịp cảm từ phía chủ thể tiếp nhận. Từ đó, có thể khẳng định nhịp điệu thơ trong văn xuôi thể hiện góc nhìn mới và đang trở thành xu hướng của văn xuôi hiện đại, một sự “cố tình của bút pháp”, bởi nhịp điệu được nhắc đến ở đây là sự dung hợp nhịp điệu trong thơ. Trước hết, tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng tổ chức nhịp điệu văn bản dựa trên “nguyên tắc lặp lại”. Đột phá vào hình thức cú pháp, tiểu thuyết hiện đại mang những đặc trưng của thể loại: tính văn xuôi, tính tổng hợp và tính đa thanh. Tiểu thuyết đương đại mở rộng yếu tố nhịp điệu của mình bằng cách vay mượn nhịp điệu của thơ. Đó là nhịp điệu của cảm xúc, của tâm hồn tác giả trước hiện thực cuộc sống. Đọc Và khi tro bụi, người đọc thấy dày đặc những chữ “tôi”, “tro bụi”, “chết”. Khảo sát tác phẩm có tới 100 lần từ “chết” được lặp lại. Không phải ngẫu nhiên Đoàn Minh Phượng quan niệm cái chết là một sự trở về, một sự đoàn tụ. Với chị, ám ảnh cái chết không phải là khát khao vượt qua được giới hạn của đời người mà là tìm đến cái chết khi không còn tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Chết là một sự chấm dứt tình trạng cô đơn tuyệt đối. Người ta nghĩ đến cái chết khi ý thức được sự vô định, mất phương hướng. Khi con người muốn chối bỏ mọi giao lưu tình cảm, dập tắt mọi cảm xúc, ước muốn và không còn nhu cầu gắn bó với cõi người, lúc ấy, cái chết đã được chủ động lựa chọn. Hơn nữa, chọn cái chết còn là sự bắt đầu cho một hành trình đi tìm bản thể. Từ “tro bụi” lặp lại 9 lần trong tác phẩm. Mượn biểu tượng trong Kinh Thánh: tro bụi là cái chết, là cõi hư vô nhưng tro bụi cũng là khởi nguyên sự sống. Trở về với tro bụi là trở về với tuần hoàn, khởi thủy của cuộc sống. Nhân vật An Mi trên hành trình đi tìm cái chết chốn chạy quá khứ đã bắt gặp những nhân vật có cùng cảnh ngộ như Macus. Soi chiếu trong số phận người khác, cô bừng tỉnh và quyết tâm trả lại tuổi thơ cho cậu bé Macus. Đồng thời An Mi cũng tìm thấy quá khứ của mình: một bé gái bị chiến tranh cướp mất cả gia đình lẫn quê hương. Như vậy, tro bụi trở thành một cách thức hóa giải buồn đau của người phụ nữ tha hương. Thống kê toàn tác phẩm có tới trên 1300 từ “tôi” được lặp lại. Kể chuyện từ điểm nhìn bên trong, câu chuyện bộc lộ nhiều mảnh tâm trạng và khơi sâu vào thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật. Sự trở đi trở lại của đại từ “tôi” có tác dụng trước hết là nhấn mạnh dấu ấn hiện diện của chủ thể - Một chủ thể đang suy tư miên man trong dòng chảy của ý thức và vô thức. Ngoài ra, điệp từ còn đem lại một hiệu quả khác nữa đó là sức nén thông tin trong cú pháp. Kristjana Gunrars khẳng định: “Chân lí luôn nằm bên ngoài chúng ta, và thay vì lèn chặt đời mình bằng những ngôn từ, chúng ta có thể rút ngắn lại, nói ít đi, nhưng hãy làm sao gia tăng trọng lượng cho mỗi từ, hãy làm cho mỗi từ chứa đầy sự bí ẩn và niềm kính sợ, ngôn ngữ xứng đáng được như vậy”. Thay vì viết hàng ngàn trang tiểu thuyết, diễn giải dày đặc những sự kiện cuộc đời, các nhà văn đã rút ngắn dung lượng ấy đi bằng phép nén thông tin trong một từ, một câu. Trong tiểu thuyết Và khi tro bụi, một số câu ngắn cũng có hiện tượng tổng hợp phức, do sự kiến tạo điệp từ “tôi” mang lại. Và điệp từ “tôi” ấy tạo cảm giác, ấn tượng cho người đọc về nhịp điệu của toàn tác phẩm. Chính vì ý thức chủ thể, và đặt nó lên vị trí trung tâm, độ nén về thông tin khiến cho sự kiện của câu chuyện không được lưu chuyển nhịp nhàng, không được trôi chảy tuần tự trong tính văn xuôi của nó. Cho nên, nhịp điệu câu chuyện nhìn chung là chậm chạp, ứ đọng. Cũng bởi một lẽ, câu chuyện được chắp nối từ dòng ý thức của nhân vật và dường như “cái tôi” là trung tâm, là điểm mốc để cho các quang phổ, từ trường của sự kiện cứ xoay quanh trục cái tôi ấy. Điều ấy nói lên tâm trạng cô đơn, u uẩn, bế tắc của nhân vật “tôi” trong những ngày chán chường “không có quá khứ, tình yêu, không cả cái tên, chân dung và linh hồn”. Mưa ở kiếp sau vẫn thống nhất với lối viết của tiểu thuyết huyền ảo triết luận nhưng về bút pháp thì sự dung hợp tư duy thơ trong tiểu thuyết lại có chiều sâu mới. Tiểu thuyết đã sử dụng những điệp từ như: mưa, nước mắt, khóc. Trong đó, “mưa” lặp 60 lần, “nước mắt” trở lại 21 lần trong tác phẩm. Mưa chính là nước mắt của những trái tim phụ nữ mồ côi tình yêu. Mưa chính là cảm giác bơ vơ của những đứa trẻ không tìm được mái nhà yên bình. Mưa gắn với những hệ lụy truyền đời của con người. Mưa còn là sự giải tỏa những đau đớn, bí bách trong cuộc đời mỗi con người. Mưa trở thành điệu nhạc cầu hồn, thành khát vọng tẩy rửa cho cá thể “tôi” những hận thù dai dẳng, những mưu toan cuộc sống. Và mưa đem lại một không khí riêng cho tác phẩm, là đường viền cho những câu chuyện, tình tiết và cả giấc mơ của nhân vật. Bằng hình tượng mưa, tác giả muốn hướng đến sự vị tha, sự sống cao đẹp và giàu tình nghĩa để mỗi người không tự đánh mất chính mình và lưu lạc với chính mình trên con đường đời. Điệp từ “mưa” và “nước mắt” cũng góp phần tạo hiệu quả nhịp điệu cho tác phẩm. Chúng ta biết rằng tác phẩm Mưa ở kiếp sau được kiến tạo theo thủ pháp giấc mơ - một biểu hiện nghệ thuật đặc trưng của dòng ý thức. Hành trình đi tìm cha của Mai cũng là hành trình của những suy tưởng và những giấc mơ đứt nối. Thế giới thực làm cách quãng, đứt nhịp của những giấc mơ và đó cũng chính là sự tạo nhịp điệu cho cả câu chuyện - dòng chảy bất tận, miên man của những giấc mơ đứt nối. Do vậy, nhịp điệu chung của tác phẩm là chậm chạp. Ở đây là nhịp điệu của cảm xúc muốn vượt thoát khỏi hận thù, được là mình để khỏi “lưu lạc với chính mình”. Đoàn Minh Phượng còn làm mới câu văn của mình bằng thủ pháp lặp ở cấp độ thành phần câu. Ở Và ở tro bụi, tần số câu có thành phần lặp lại rất nhiều lần. Và sự lặp lại chủ yếu là thành phần chủ ngữ tạo nên một kiểu câu luôn có chủ từ đứng trước. Điệp khúc trên là chuỗi cảm giác về mình của nhân vật tôi: sự trôi nổi, mơ hồ, không trọng lượng và khó nắm bắt được. Mưa ở kiếp sau lặp lại thành phần câu nhiều hơn, đậm đặc hơn tạo thành một làn sóng cú pháp mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cú pháp của tiểu thuyết Và khi tro bụi rất đặc biệt. Đoàn Minh Phượng sở trường dùng kiểu câu trần thuật trong suốt dọc dài câu chuyện. Mô hình cấu trúc phổ biến là: Chủ ngữ (tôi) + động từ … Thường thì câu bắt đầu từ “tôi muốn …”, “tôi sẽ…”, “tôi nghĩ…”, “tôi cần…”, “tôi không biết…”,”tôi nhớ…”. Đây là kiểu câu trần thuật có chủ từ để thuật lại hành động của nhân vật một cách tỉ mỉ, kĩ càng. Quả thực, đó là một cái tôi đang được mô tả lại, tác giả không hề quan tâm tới sự kiện được kể. Đến tiểu thuyết Mưa ở kiếp sau, Đoàn Minh Phượng vẫn tiếp tục khai thác kiểu câu trần thuật trực tiếp ấy, bởi câu chuyện được kể theo nhân vật xưng “tôi” có tên là Mai. Nếu Nguyễn Bình Phương chủ trương tẩy trắng sự hiện tồn của nhân vật bằng trò chơi chữ nghĩa, để cho nhân vật trắng tên bằng dấu “…” thì Đoàn Minh Phượng lại luôn luôn đặt nhân vật đầu mỗi câu văn. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là sự diễn tả về trạng thái tồn tại vô nghĩa, nhạt nhẽo của con người, trong khi Đoàn Minh Phượng lại chú tâm vào sự hiện diện như một trạng thái hiện sinh của con người, từ việc ăn uống, khóc và sự cảm hiểu nỗi buồn. Nhịp điệu của hình tượng do nhân vật cặp đôi đồng dạng đem lại. Đó là cặp nhân vật có sự tương đồng về mảnh đời hoặc tính cách với nhau. Nếu trong tiểu thuyết hiện thực trước đó, nhà văn chú trọng nghệ thuật điển hình hóa nhân vật, thì tiểu thuyết đương đại lại soi chiếu những hình tượng nhân vật trong nhau, hoặc tạo ra những bản sao của chính nó với chút ít biến dạng để biểu đạt một ý nghĩa nhân sinh. 2.2.2. Dạng thức nhân vật song đôi, đồng dạng và hiệu ứng thơ Trong Và khi tro bụi có cặp nhân vật đồng dạng: An Mi và bé Macus, cả hai đều bị tước mất cội nguồn. An Mi bị chiến tranh chặt đứt kí ức, Macus bị dục vọng (người cha), sự hèn nhát (người anh) làm cho mất trí nhớ. Bên cạnh đó là những cặp nhân vật đồng dạng nữa, đó là: An Mi, cha nuôi của cô, Michael. Họ có chung đặc điểm đó là sống bằng cái tôi người khác, không được là bản nguyên của chính mình. Hay nói khác, đó là những con người đánh mất bản thể của mình. Dường như từ những nhân vật đồng dạng trên, Đoàn Minh Phượng muốn dự báo một nguy cơ đánh mất bản thể của con người, phản ánh cái tôi vong bản. Dòng cảm hứng chung này có sự gặp gỡ trong các tiểu thuyết Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Chinatown, T. mất tích (Thuận), Người sông Mê (Châu Diên)…. “Đây là loại nhân vật không phải được xây dựng theo nguyên tắc điển hình hóa mà giống như nguyên tắc của trò chơi. Mỗi nhân vật tạo ra những bản sao của chính nó với chút ít biến dạng” [2; tr.42]. Tác giả đã xây dựng mô hình nhân vật mới trong tính đối thoại mạnh mẽ với kĩ thuật xây dựng nhân vật của tiểu thuyết truyền thống. Sự lặp lại của những nhân vật như trên đã đem lại nhịp điệu cho tiểu thuyết Và khi tro bụi. Nhân vật An Mi có những tương đồng với nhân vật Macus, nhân vật cha nuôi An Mi, Michael, và An Mi cũng chung đặc điểm là đánh mất bản thể. Sự tương đồng ấy khẳng định nhịp điệu tiểu thuyết Và khi tro bụi không phải là nhịp điệu của sự trùng phùng, gặp gỡ đầy ngẫu nhiên trong cuộc sống mà là nhịp điệu của sự cảm nhận của tác giả trong sự tương tác với bản thân đời sống, và đó cũng chính là nhịp đời trong sự nhìn nhận của người đọc hôm nay. Đến Mưa ở kiếp sau, nhân vật cặp đôi đồng dạng là Mai và Chi. Cả hai đều sinh ra từ một người cha, người mẹ và bị người cha bỏ rơi. Nhân vật đồng dạng cặp đôi không chỉ tạo nên nhịp điệu cho văn bản mà còn diễn tả nỗi cô đơn, ám ảnh đánh mất quá khứ, đánh mất cội nguồn. Đó cũng là điều trăn trở của tác giả, niềm đau đáu hướng về quê hương. Bởi lẽ, theo quan niệm của Milan Kundera thì: “… tiểu thuyết là một trong những vị trí cuối cùng ở đó con người còn có thể giữ được những mối quan hệ của mình với cuộc sống trong tính tổng thể của nó” [3, tr.73]. 2.2.3. Không - thời gian nghệ thuật và tính thơ Tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng ngoài nhịp điệu của hình tượng còn có nhịp điệu của không gian, thời gian. Trong Và khi tro bụi, không gian của những chuyến tàu, nhà ga được lặp đi lặp lại trong truyện, bởi nhân vật hành trình tìm kiếm lại mình bằng những chuyến tàu trong ba tháng. Không gian ấy lặp lại gợi sự vô định, không an bằng và không tĩnh tại. Nhân vật tìm lại mình trên những chuyến tàu vô định ấy nên nỗi thất vọng, bất an càng lớn hơn bao giờ hết. Còn trong Mưa ở kiếp sau, không gian thực được lặp lại nhiều là không gian của xứ Huế, tượng trưng cho cội nguồn, nỗi đau, miền hoài niệm của mẹ Mai mà không một lần dám trở về thăm quê. Không gian của khách sạn Muôn Hoa, nơi diễn ra sự gặp gỡ oan nghiệt giữa Mai và người cha đẻ của mình dưới tư cách là người tiếp khách được mua (Mai) và vị khách sộp (cha Mai). Mỗi sự lặp lại ấy là một đoạn nhạc mang những tiết tấu khác nhau. Sự lặp lại ở đây không thuần túy công thức máy móc, trái lại chúng đan lồng, xoắn quyện trong một nhịp điệu được tự giác cao từ người sáng tạo. Đôi khi sự lặp lại như một trò ảo thuật, nhiều bí ẩn và khó nắm bắt. Điều đó làm người đọc phải suy nghĩ và đọc bằng lí trí nhiều hơn. Đó là lí do vì sao văn học hiện nay có sự phân hóa người đọc mạnh mẽ đến vậy. Sức liên tưởng mạnh, bất ngờ, phi lô gic là một yếu tính của tư duy thơ mà tư duy tự sự bị hạn chế. Văn xuôi đã mở rộng địa hạt sang thơ để bộc bạch nỗi niềm sâu lắng một cách trực tiếp và giàu tính thẩm mỹ. Đoàn Minh Phượng đã khai thác hiệu quả của bút pháp huyền ảo và kĩ thuật dòng ý thức như một phương tiện nghệ thuật độc đáo để truyền đạt đến người đọc những thông điệp nghệ thuật đa nghĩa, giàu triết lí nhân sinh. Hiện thực trong tác phẩm vừa có lí, vừa phi lí cũng như sự đa dạng của đời sống là không thể biết hết, không thể biết trước. Nhà tiểu thuyết khai thác xu hướng huyền thoại hóa bằng cách đào sâu vào thế giới tâm linh. Chính vì vậy, sự tuần tự theo logic đời sống mất đi, nhường chỗ cho một hiện thực khác. Liên tưởng được chắp thêm đôi cánh hư ảo. Và khi tro bụi chứa đầy những dự cảm mong manh mà nhà văn muốn gửi gắm, cho nên, bút pháp huyền ảo không những gợi ra những liên tưởng bất ngờ mà còn truyền tải sự mơ hồ, đa nghĩa. Hình ảnh lấp lánh sắc màu huyền ảo mà chính An Mi gọi đó là ý niệm chứ không phải hình ảnh thực. Nhân vật đang chìm trong những mộng mị và ảo giác. Dụng ý của nhà văn tập trung vào diễn tả những trạng thái tâm hồn nhân vật, dẫn dụ người đọc đến với những cảm giác mong manh nhất. Nhà văn không tổng kết những gì nhân vật đã trải qua, cũng không tỏ ra biết mọi thứ, bởi vì: “Nhà tiểu thuyết không coi trọng lắm các tư tưởng của mình. Anh ta là một kẻ khám phá, mò mẫm, cố làm phơi lộ ra một khía cạnh không được biết đến của sinh tồn. Anh không bị mê hoặc bởi giọng nói của mình mà bởi một hình thức mà anh đuổi theo, và chỉ những hình thức đáp ứng những đòi hỏi anh mơ tưởng mới làm nên tác phẩm của anh” [3, tr.157]. 2.2. Những đóng góp và hạn chế của lối viết Đoàn Minh Phƣợng Có thể nói, việc đào sâu vào chiều sâu tâm hồn con người là một ưu thế của văn chương so với các loại hình nghệ thuật khác. Chính dòng ý thức đã làm cho việc triển khai cốt truyện của nhiều tiểu thuyết giống như việc triển khai tứ thơ. Sự dung hợp tư duy thơ trong tiểu thuyết đang và sẽ trở thành xu hướng phát triển tự nhiên trong bối cảnh sinh thái văn hóa đương đại. Trường hợp Đoàn Minh Phượng, với hai tiểu thuyết ngắn của mình, đã cho độc giả củng cố thêm niềm tin vào sức sống và sự đổi mới nghệ thuật thể loại. Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của tư duy thơ trong tiểu thuyết hiện nay đã mang lại hiệu quả thẩm mỹ rất lớn. Trước hết, tư duy thơ là hình thức nghệ thuật hữu hiệu để nhà văn thể hiện cảm quan về đời sống và thể loại. Trước hết, tư duy thơ trong tiểu thuyết thể hiện tính nước đôi, nhập nhằng, lưỡng lự, một hiện thực phân rã, phi trung tâm. Đó còn là quan niệm về con người lưỡng diện mang đậm tinh thần các - na - van; con người không bao giờ thuần nhất, không bao giờ trùng khít với chính nó, nói như M. Bakhtin: “chẳng có khuôn hình nào có thể rót nó vào đầy ắp mà lại không chảy tràn ra ngoài. Bao giờ cũng có phần nhân tính dư thùa chưa được thể hiện”. Đặc biệt với sự dung hợp tư duy thơ, tiểu thuyết thể hiện được khát vọng truy tìm bản ngã con người, truy tìm căn tủy của tiểu thuyết, góp phần trả lời câu hỏi Tôi là ai? Tiểu thuyết là gì? Với mong muốn đổi mới nghệ thuật tự sự, nhân vật trong các tiểu thuyết mang tư duy thơ không được tái hiện như những số phận tròn trịa, trọn vẹn mà chỉ tồn tại dưới dạng mảnh, những mẩu, những kí họa, những ấn tượng hay hình ảnh trôi theo dòng ý thức. Họ không muốn là đại diện tiêu biểu cho xã hội, thời đại hay một khuôn mẫu có sẵn. Con người trở nên bé nhỏ và dị biệt đến nỗi nó chỉ là đại diện của chính nó. Một hiệu quả thẩm mỹ nữa mà tiểu thuyết mang tư duy thơ đem đến là tính đối thoại, tranh biện trong tiểu thuyết. Nó đòi hỏi độc giả phải có thái độ tiếp nhận thực sự tích cực, chủ động, để tìm ra mạch ngầm văn bản, phát hiện sợi dây liên kết giữa thơ và tiểu thuyết, mối liên hệ giữa tự sự và trữ tình. Và phải chăng người đọc cũng đã và đang nâng cao tầm đón đợi từ chính việc đọc những tác phẩm này, góp phần thay đổi chuẩn của cộng đồng diễn giải. Tuy nhiên, sự đổi mới nghệ thuật văn xuôi đương đại nói chung và tác phẩm của Đoàn Minh Phượng nói riêng dẫn đến tình trạng tiểu thuyết hiện nay “khó đọc” do các tác giả đã làm mờ tính “chuyện”, bởi mật độ dày đặc (liệt kê, sóng đôi, đối ngẫu, câu định nghĩa, lặp thành phần ) của cấu trúc và những thể nghiệm biến nhịp điệu thành nội dung tiểu thuyết, hoặc do sự đổi thay quan niệm về nhân vật và thể loại khi xem tiểu thuyết như là một cuộc chơi ngôn từ… Nhưng tất cả đã mở ra con đường mới luôn vẫy gọi và gợi ra tính dân chủ cao độ trong tiếp nhận và thưởng thức. 3. KẾT LUẬN Sự dung hợp tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại thể hiện những nỗ lực cách tân của các nhà văn, đồng thời phản ánh nhu cầu tự thân của người cầm bút trong bối cảnh hội nhập tất yếu của văn chương. Việc xuất hiện khá phổ biến của tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại hoàn toàn không phải là sự ngẫu nhiên mà nó chịu sự chi phối của bối cảnh văn hóa - xã hội thời kì này. Đó là do sự thay đổi của môi trường xã hội, tâm thế xã hội, hệ thống giá trị trong xã hội; do xu hướng đa phương hóa trong đời sống diễn ra mạnh mẽ gắn liền với sự trỗi dậy của ý thức cá nhân; do sự thay đổi tình hình lí luận về tiểu thuyết, do nhu cầu nhà văn muốn cách tân tiểu thuyết Tất cả đã thôi thúc nhà văn không ngừng nỗ lực tìm tòi đổi mới hình thức một thể loại luôn sống ở thời hiện tại chưa hoàn thành. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. M. Bakhtin (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ VHTT và Thể thao - Trường Viết văn Nguyễn Du, H., 1992. 2. Nguyễn Thị Bình, Tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5 (435), tr.41-49, tháng 5/2008. 3. Trần Đình Sử (Chủ biên), Tự sự học, Nxb Đại học Sư phạm, H., 2008. 4. Milan Kundera (Nguyên Ngọc dịch), Tiểu luận, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2001. 5. Đoàn Minh Phượng, Và khi tro bụi, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2006. 6. Đoàn Minh Phượng, Mưa ở kiếp sau, Nxb Văn học, H., 2007. POETRY IN DOAN MINH PHUONG’S NOVELS Nguyen Duc Toan Abtract Contributing to the overall look of contemporary Vietnamese novels, besides young writers living in the country, there are a number of authors living and writing abroad. Doan Minh Phuong participated in the move of the contemporary novels with two short novels Va khi tro bui (And when this dust - Youth Publishing House, 2006) and Mua o kiep sau (Rain in the next incarnation - Literature Publishing House, 2007). With her efforts in genre innovation, readers can recognize the successful combination of poetry in novels. . kết hợp tư duy thơ với tư duy tiểu thuyết. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Sự dung hợp tƣ duy thơ trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phƣợng 2.1.1. Ý thức về nhịp điệu - một yếu tính của tƣ duy thơ Blôc. TƢ DUY THƠ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA ĐOÀN MINH PHƢỢNG Nguyễn Đức Toàn 1 Tóm tắt: Góp phần làm nên diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, bên cạnh những tác giả trẻ trong nước. mối quan hệ của mình với cuộc sống trong tính tổng thể của nó” [3, tr.73]. 2.2.3. Không - thời gian nghệ thuật và tính thơ Tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng ngoài nhịp điệu của hình tư ng còn có

Ngày đăng: 04/09/2015, 19:36

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w