Mặc dù việc giảng dạy tác phẩm của Ma Văn Kháng trong nhà trường còn hạn chế, nhưng việc nghiên cứu đánh giá về giá trị, văn xuôi của Ma Văn Kháng sẽ tạo thuận lợi trực tiếp hoặc gián ti
Trang 1HỌ VÀ TÊN: ĐỖ THANH HƯƠNG
ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG VĂN XUÔI CỦA MA VĂN KHÁNG
ĐẦU THẾ KỶ XXI Chuyên ngành: Thạc sĩ Văn học
Mã số: 60 22 32
LUẬN VĂN THẠC SĨ L Í LUẬN VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện
HÀ NỘI, 2011
Trang 2LỜI CẢM ƠN
Trong thời gian khảo cứu, sưu tầm tài liệu để chấp bút cho công trình nghiên cứu của mình, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cá nhân và tập thể
Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành sâu sắc nhất tới Thầy hướng dẫn luận văn: PGS.TS NGUYỄN NGỌC THIỆN, người đã hướng dẫn chỉ bảo tận tình và giúp đỡ tôi từ lúc chọn đề tài cũng như trong suốt quá trình nghiên cứu hoàn thành Luận văn
Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới các thầy, cô giáo khoa Văn học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Đồng thời, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Ban giám hiệu trường Trung học phổ thông Minh Phú cùng bạn bè, đồng nghiệp gần xa và những người thân trong gia đình đã động viên, tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và hoàn thành Luận văn này
Tác giả luận văn
Đỗ Thanh Hương
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của tôi Những số liệu trong phạm vi nghiên cứu là do tôi trực tiếp thống kê, không sao chép từ bất cứ nguồn tài liệu nào Những trích dẫn tài liệu đã được sử dụng trong Luận văn là đúng sự thật và được trích dẫn nguồn gốc từ các tài liệu, tạp chí, công trình nghiên cứu đã được xuất bản, công bố Các giải pháp nghiên cứu nêu trong Luận văn được rút ra từ những cơ sở lý luận và nghiên cứu thực tiễn, trong quá trình học tập và giảng dạy
Tác giả Luận văn
ĐỖ THANH HƯƠNG
Trang 41.1 Một đời văn cần mẫn, sáng tạo, một cây bút văn xuôi lực lưỡng 14
1.2 Những suy nghĩ của Ma Văn Kháng về văn chương 20
2.3 Sự ùa vào ngôn ngữ của đời sống thường nhật 58
2.4 Thể tài mới truyện ngắn – tiểu luận 60
3.1 Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng
3.1.1 Yếu tố kì ảo trong văn học
67
67
3.1.2 Yếu tố kì ảo trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 68
Trang 53.1.3 Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng ( Gặp gỡ ở La
3.2 Độc thoại nội tâm và dòng ý thức 82
3.3 Khuynh hướng triết lý – Tiểu thuyết luận đề 83
3.3.1 Quan niệm triết lý về con người trong tiểu thuyết Ma Văn
Trang 6PHẦN MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
1.1 Trong văn học Việt Nam hiện đại xuất hiện nhiều cây bút mới với những phong cách viết khác nhau, mỗi nhà văn lựa chọn lối viết khác nhau tạo nên một phong cách riêng cho bản thân
Ma Văn Kháng là nhà văn có tên tuổi và vững vàng trong nền văn xuôi đương đại Việt Nam Ông được đánh giá là “ một cây bút văn xuôi lực lưỡng, sung sức, một đời văn sáng tạo” của nền văn học Việt Nam đương đại
Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông đã đóng góp cho nền văn xuôi đương đại Việt Nam thời kỳ đổi mới 17 tập truyện ngắn và hơn 13 cuốn tiểu thuyết
Bước sang thế kỷ XXI Ma Văn Kháng luôn khao khát kiếm tìm cái mới, không tự bằng lòng với chính mình, ông đã đổi mới về đề tài, cách tân táo bạo về tư duy nghệ thuật và đã tạo cho mình một phong cách mới, độc đáo trong đời văn của mình Ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý
Giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn 1967-1968 báo
Văn nghệ (Xa Phủ); Tặng thưởng văn xuôi Hội nhà văn Việt Nam năm 1975 (Trăng soi sân nhỏ); Giải thưởng “Cây bút vàng” (giải cao nhất) cho truyện
ngắn San Cha Chải trong cuộc thi Truyện ngắn và Ký năm 1996-1998 do Bộ
Công an Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức; Tập truyện ngắn
Trăng soi sân nhỏ nhận phần thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội nhà văn
Việt Nam năm 1995 và nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á tại thủ đô Băng Cốc – Thái Lan năm 1998; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ
Trang 7thuật năm 2001; Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội năm 2009 với tiểu thuyết
Một mình một ngựa…
1.2 Ở nước ta, thời kỳ sau đổi mới cùng với sự chuyển mình của đời sống thì văn học cũng có những bước chuyển mình đáng kể nhất là thơ và văn xuôi Mỗi nhà văn khi cầm bút đều xuất phát từ nhu cầu giải phóng tư tưởng, bộc lộ cái tôi cá nhân Bởi vậy, ta thấy ở mỗi trang viết những trải nghiệm, những suy ngẫm và cái tôi rất riêng của nhà văn.Vì thế văn xuôi của Ma Văn Kháng khá hấp dẫn người đọc Ông là nhà văn có phong cách rõ nét, ổn định, không lẫn với mọi cây bút khác
Đọc truyện của ông, người ta tìm thấy sự pha trộn mới mẻ, độc đáo của văn phong hiện đại với những yếu tố thuộc về truyền thống rất gần gũi quen thuộc
Đọc văn của Ma Văn Kháng người đọc gặp lại cái chất trào phúng hài hước của những câu chuyện tiếu lâm xưa cũ, gặp cái kỳ ảo trong câu chuyện truyền kỳ trung đại đan cài với những nỗi đau đớn, chua chát về cuộc đời thế
sự
Bên cạnh đó Ma Văn Kháng còn đem lại cảm giác ngọt ngào về niềm yêu đời, yêu cuộc sống khiến người đọc băn khoăn, trăn trở, xót xa đến bức xúc về lẽ đời qua những trang viết ngồn ngộn chất sống và chất chứa đầy ắp nỗi niềm thương cảm ngậm ngùi của nhà văn đối với con người
“ Dòng riêng” Ma Văn Kháng đặt trong “nguồn chung” của văn
chương Việt Nam hiện đại góp phần tạo nên một phong cách riêng của Ma Văn Kháng
Cho đến nay các công trình nghiên cứu về Ma Văn Kháng đã lên tới hàng trăm gồm các đầu sách, bài nghiên cứu, chuyên luận, khóa luận … cũng đủ để nhận thấy tầm ảnh hưởng và vai trò của những tác phẩm văn chương mà Ma Văn Kháng đã đem lại cho cuộc sống
Trang 8Có khá nhiều công trình nghiên cứu về Ma Văn Kháng nhưng chủ yếu về những tác phẩm được công bố xuất bản trước năm 2000 Còn với những bài viết đề cập đến những sáng tác sau năm 2000 thì mới chỉ dừng lại
ở một vài khía cạnh nhỏ chưa có công trình nghiên cứu công phu nào về những sáng tác trong những năm gần đây của ông
Việc khai thác nghệ thuật tự sự trong văn xuôi của Ma Văn Kháng đầu thế kỷ XXI còn bỏ ngỏ nên chúng tôi thấy cần phải có một công trình nghiên cứu quy mô mới có thể đánh giá hết những cách tân nghệ thuật mới
mẻ của nhà văn
Từ lý do trên chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài nghiên cứu khoa học:
Đặc sắc nghệ thuật tự sự trong văn xuôi của Ma Văn Kháng đầu thế kỷ XXI
Nghiên cứu vấn đề này sẽ góp phần bổ sung vào việc đánh giá một cách hoàn chỉnh, khái quát những thành tựu nổi bật của văn xuôi Ma Văn Kháng,
từ đó góp phần xác định vị trí của Ma Văn Kháng trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam
1.3.Về mặt nghề nghiệp, đối với một giáo viên giảng dạy văn học thì những hiểu biết về văn học đương đại qua một tác giả tiêu biểu là rất cần thiết Mặc
dù việc giảng dạy tác phẩm của Ma Văn Kháng trong nhà trường còn hạn chế, nhưng việc nghiên cứu đánh giá về giá trị, văn xuôi của Ma Văn Kháng
sẽ tạo thuận lợi trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc giảng dạy, giúp người viết rèn luyện khả năng cảm thụ văn chương cũng như tư duy về văn học, về tác gia văn học Việt Nam hiện đại
2 Lịch sử vấn đề
Với ngót 50 năm trong nghề cầm bút viết văn, Ma Văn Kháng là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới Ta có thể kể đến một số bài viết về tác giả Ma Văn Kháng như: Bài viết “Mổ xẻ trốn nợ của Ma Văn Kháng” (In trên tạp chí Văn hóa toàn cảnh,
Trang 9ngày 21/8/2008) của tác giả Hồ Điệp Bài viết dừng lại việc đánh giá nhận xét về những thành công của Ma Văn Kháng trong việc kiến tạo ngôn ngữ nghệ thuật
Bài viết của tác giả Phạm Duy Nghĩa,“Phong cách văn xuôi miền núi
của Ma Văn Kháng” (8/2009) Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam Theo
tác giả “Ma Văn Kháng là nhà văn có phong cách rõ nét, ổn định, không lẫn với mọi cây bút khác”.Nét nổi bật nhất của ông khi viết về miền núi là cảm hứng trước vẻ phồn thực, cường tráng, bản tính hồn nhiên cùng sự phân cực sâu sắc của con người và cuộc đời trần thế Ở bài viết này người viết mới chỉ đi sâu tìm hiểu vẻ đẹp con người được thể hiện trong những tác
phẩm của Ma Văn Kháng trong tập Trốn nợ mà chưa có điều kiện tìm hiểu
trên nhiều khía cạnh khác của tập truyện
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 696 ra ngày 3/2009, tác giả Nguyễn Thanh Tú có bài viết: “Vốn sống, tài năng và tâm huyết” (từ trường hợp nhà văn Ma Văn Kháng với tập Trốn nợ - NXB phụ nữ 2008) Bài viết là sự
đánh giá bản lĩnh nghệ sỹ của một nhà văn lão thành với tài quan sát, chiêm nghiệm, cách kể, tả, dựng cảnh Bên cạnh đó tác giả bài viết cũng tìm ra một
số điểm yếu của nhà văn trong quá trình thuyết lý lộ liễu gây cảm giác nặng
nề với người đọc
Bài viết của Đoàn Minh Tâm “Sự độc đáo của thể tài truyện ngắn -
tiểu luận Ma Văn Kháng” in trên Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam Số
166 (11/2008)tr 82 – 83.Tác giả cho rằng mỗi truyện ngắn trong tập Trốn nợ
khi kết thúc đều đang ở thì “hiện tại tiếp diễn” Số phận nhân vật, diễn biến câu chuyện còn lửng lơ chứ chưa kết thúc một cách rõ ràng Ma Văn Kháng
để nhân vật của mình nhẩn nha trong quãng thời gian thật ngắn như trong
Trốn nợ là mấy ngày giáp tết của cặp vợ chồng nghèo….Đó thường là
khoảng thời gian gắn với những thời điểm, những sự kiện quan trọng của đời
Trang 10người Bài viết mới chỉ dừng lại ở thủ pháp đối lập hai tầng và tính chất luận
đề của thể loại truyện ngắn - tiểu luận
Tác giả Nguyễn Ngọc Thiện “Tiểu thuyết về đề tài dân tộc miền núi
của Ma Văn Kháng” (Phong cách và đời văn, NXB Khoa học xã hội, H,
2005 tr 229 – 239) Bài viết cho ta thấy mảng đề tài này đã bổ sung cho nhận thức hướng tới cái chân thật và đúng đắn về cái nhìn đối với đời sống và con người miền núi ở nước ta ngay từ trước cách mạng tháng tám 1945 Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ còn nhiều hoang dã của Tây Bắc hoặc Tây Nam Bộ, những con người của các dân tộc sống cực khổ, tăm tối, nhưng tính cách thật thà hồn nhiên, bộc trực qua dáng điệu ngôn ngữ Dưới ngòi bút ấm áp tình cảm của ông, đã vạnh lên những đường cày đầu tiên xới lật một trong những nguồn mạch phong phú của đời sống hiện thực, chứa đựng những nét đặc sắc của văn học dân tộc
Bài viết của Mai Thị Nhung “Giọng điệu nghệ thuật, trong tiểu thuyết
thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng” (Nghiên cứu văn học số 10-2008) đã
khẳng định tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng đã thu được những thành công đáng kể
Với 4 sắc thái giọng điệu: giọng trữ tình thiết tha sâu lắng, giọng triết lý suy tư, giọng hài hước mỉa mai và giọng suồng sã, Ma Văn Kháng đã có điều kiện đi sâu vào bản chất của cuộc sống từ đó góp phần khẳng định giá trị nhân văn sâu sắc trong toàn bộ tiểu thuyết của Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới
Bài viết của Nguyễn Minh, “ Nhà văn hiện thực có phải chuyện đã
cũ” (Văn nghệ trẻ 687/688 (3-10/1/2010) tr 24-27) Nói về cuốn tiểu thuyết
Gặp gỡ ở Lapan Tẩn cho rằng xuyên suốt câu chuyện ấy là khả năng miêu tả
tài tình của tác giả về những nét tinh tế của núi rừng Tây Bắc Tác phẩm còn thú vị ở điểm văn phong không hề có chút lên gân nào khi bàn về những vấn
Trang 11đề mang tính tư tưởng, chính trị như các tác phẩm cùng chủ đề khác gặp phải Những vấn đề ấy được hiện lên từ chính những dằn vặt, băn khoăn rất thật của nhân vật, những người phải trực tiếp trải nghiệm và suy tư trong hiện thực, từ những câu chuyện đời thường rất thật Chính vì thế tuy bàn chuyện đã cũ nhưng ta vẫn thấy những suy nghĩ ấy rất “thời sự” với thời nay
Hoàng Thị Huế - Nguyễn Thị Khánh Thu trong bài: “ Hình tượng
người kể chuyện trong tiểu thuyết mới của Ma Văn Kháng” (Diễn đàn Văn
nghệ Việt Nam số 11/2010 tr 25-27) thì cho rằng các tiểu thuyết của Ma
Văn Kháng mang khuynh hướng tự truyện giúp người đọc không chỉ giải mã con người tác giả và thời đại qua những chi tiết gắn với tiểu sử, cuộc đời thật
mà qua những trải nghiệm sống và tự thú chân thành Hình tượng người kể
chuyện trong Một mình một ngựa có nhiều điểm đặc sắc Tác phẩm được
thực hiện bởi kiểu tự thuật “ đánh tráo” chủ thể trần thuật, một đặc tính mới
của tiểu thuyết hậu hiện đại Một mình một ngựa có giọng kể quán xuyến tác
phẩm là của người kể chuyện khách quan như xuất phát từ nhân vật Toàn Tác phẩm còn khắc họa cuộc sống, bức tranh cảnh vật, con người mảnh đất
miền núi xa xôi một thời kỳ đã qua Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng
đã thực sự đem lại những đóng góp cho việc đa dạng hóa thể tài văn xuôi Việt Nam đương đại
Qua các bài viết đó ta có thể khẳng định Ma Văn Kháng là một tài năng đa dạng, ông thành công ở nhiều thể loại khác nhau (truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký-tự truyện….).Vậy mà hiện vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống xứng đáng với những cống hiến của ông cho văn xuôi hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XXI Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu: Nghệ thuật tự sự trong văn xuôi Ma Văn Kháng đầu thế kỷ XXI
Trang 12Đây là một trong số ít công trình đầu tiên nghiên cứu sâu về nội dung, nghệ thuật và những đóng góp của Ma Văn Kháng cho nền văn xuôi đầu thế
kỷ XXI
3 Mục đích nghiên cứu
Với đề tài đã chọn, luận văn của chúng tôi định hướng đến mục đích sau: 3.1: Ghi nhận những đóng góp lớn cả về số lượng và chất lượng tác phẩm của Ma Văn Kháng
3.2: Làm rõ những đặc sắc về phong cách và bút pháp tự sự của Ma Văn Kháng đầu thế kỷ XXI
3.3: Từ kết quả nghiên cứu đã đạt được, luận văn góp phần khẳng định tài năng, vị trí của Ma Văn Kháng trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam
4 Nhiệm vụ nghiên cứu
Qua khảo sát 28 truyện ngắn và hai tiểu thuyết được Ma Văn Kháng cho xuất bản từ đầu thế kỷ XXI đến nay, luận văn làm rõ tư tưởng nghệ thuật và đặc điểm nghệ thuật tự sự độc đáo trong văn xuôi của Ma Văn Kháng
5 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1 Đối tượng nghiên cứu
- Các truyện ngắn được in từ năm 2000 đến nay trong các tập truyện:
Trốn nợ(18 truyện) - NXB Phụ nữ (2008)
Cỏ dại – NXB Phụ nữ (2002)
Cuộc đấu của gà chọi – NXB Công an nhân dân (2005)
Một vầng nắng nhỏ ( 2 truyện) - NXB Quân đội nhân dân (2007)
Người đàn bà chơi vĩ cầm (6 truyện) Nhà xuất bản sân khấu Hà Nội năm
2007, Tiểu thuyết: + Gặp gỡ ở Lapan Tẩn – NXB công an nhân dân (2003) + Một mình một ngựa – NXB phụ nữ (2009)
+ Bóng đêm – NXB công an nhân dân (2011)
Trang 135.2 Phạm vi nghiên cứu
Vận dụng lý thuyết tự sự học, thi pháp học để làm rõ cái nhìn nghệ thuật về hiện thực và con người, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kết cấu và cốt truyện, ngôn ngữ, giọng điệu trong văn xuôi Ma Văn Kháng
8 Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo luận văn gồm 3 chương chính
Chương I Ma Văn Kháng – Đời văn và những suy nghĩ về văn chương
Chương II Đặc sắc nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng
Chương III Đặc sắc nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng
Trang 14CHƯƠNG I:
MA VĂN KHÁNG – ĐỜI VĂN VÀ NHỮNG SUY NGHĨ
VỀ VĂN CHƯƠNG 1.1 Một đời văn cần mẫn, sáng tạo, một cây bút văn xuôi lực lưỡng:
Sinh ra vào những năm 30 của thế kỉ trước, bản thân Ma Văn Kháng
đã sống gần như trọn vẹn với những biến thiên lớn lao của một Việt Nam thế
kỉ XX nhiều biến động Ông đã sống và cống hiến, không chỉ với tư cách và trách nhiệm của một con người – công dân, mà còn như một nghệ sĩ – nhà văn, người thư kí trung thành của thời đại Đi qua thập niên đầu tiên của thế
kỉ XXI, ngoảnh đầu nhìn lại một đời người, một đời văn, để ghi nhận, để
cảm kích và trân trọng trước Ma Văn Kháng – “Một đời văn cần mẫn, sáng
tạo, một cây bút văn xuôi lực lưỡng”
Một đời văn cần mẫn:
Viết văn cũng là một sự lao động, một sự lao động nghệ thuật chân chính Nó chỉ dung nạp những người lao động thật sự nghiêm túc và say mê với nghề Trước cả tài năng nghệ thuật lẫn tầm vóc tư tưởng lớn lao, chính
sự cần mẫn, say mê ấy, mới chính là bí quyết để Ma Văn Kháng cũng như tất cả những nhà văn chân chính khác có thể “bám trụ”, khẳng định tên tuổi
và thành danh với đời
Ở Ma Văn Kháng, sự cần mẫn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật được thể hiện ngay trong việc chủ động, say mê tích lũy vốn sống Không phải ngẫu nhiên khi những trang viết về đồng bào miền biên ải của
Ma Văn Kháng có một chất men riêng say lòng người Không phải ngẫu
nhiên khi đọc Gió rừng, Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải…, nhiều
người lầm tưởng đó là sáng tác của một cây bút miền núi đích thực Sự
Trang 15nhầm lẫn ấy không chỉ đến từ bút danh đậm sắc dân tộc, mà quan trọng hơn, bắt nguồn từ bề rộng và chiều sâu của những vốn sống, sự hiểu biết về vùng đất và con người nơi đây mà nhà văn đã phô diễn trong tác phẩm của mình
Đó là kết quả của hàng chục năm trời “hăm hở, lặng lẽ kiếm tìm, lặng lẽ ghi
chép”, như lời nhà văn, trong bài viết “ Viết tiểu thuyết là cả một cuộc đi săn hổ dữ”, đã trực tiếp thổ lộ:
“ Ngày tháng trôi qua, và bắt tay vào công việc chuẩn bị thật âm thầm, nhẫn nại: sưu tầm tài liệu May mắn, lúc này, lịch sử địa lý nhân văn
ở đây vẫn còn giữ nguyên nét vẽ thời sự của nó Nó là một bào tàng còn lưu giữ đầy đủ hiện vật, sự kiện, con người Tình hình đó kích thích tôi hăm hở, lặng lẽ tìm kiếm, lặng lẽ ghi chép Cả mấy chục năm, sổ tay đầy kín các sự việc làm cơ sở cho chất liệu văn học sau này” [47- tr 217]
Viết văn không phải là việc “tùy hứng” hay một cuộc dạo chơi Sự cần mẫn và nghiêm túc của Ma Văn Kháng, do đó, còn ở sự trăn trở không ngừng về bản thân nghề viết Không chỉ nhận thức về cuộc sống, mỗi tác phẩm văn học còn là kết quả sự nhận thức theo cách riêng của nhà văn về chính con người và công việc của mình Ma Văn Kháng, trong suốt cuộc đời cầm bút, đã hình thành cho mình một hệ thống quan điểm riêng về nghề viết,
về sáng tạo nghệ thuật, mà cụ thể là những suy nghĩ về những thể loại văn chương ông chuyên chú, sở trường: Truyện ngắn, tiểu thuyết và hồi ký
Những quan niệm riêng này của nhà văn, chúng tôi sẽ làm rõ trong mục 1.2
Những suy nghĩ của Ma Văn Kháng về văn chương
Cũng cần phải thấy rằng, sự cần mẫn, trong trường hợp Ma Văn Kháng nói riêng và mọi nhà văn chân chính nói chung, tất yếu gắn liền với
nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ Nó khác cái cần mẫn của người công nhân trong xưởng máy, người nông dân trên ruộng cày Bởi lẽ, bản thân công việc của những người cầm bút ấy đã là một công việc sáng tạo Nói
Trang 16cách khác, cần mẫn trong lao động văn chương, chính là cần mẫn trên con đường sáng tạo
Một đời văn sáng tạo:
Khi coi sáng tạo là bản chất của văn chương nghệ thuật, thì đồng thời cũng cần phân biệt khái niệm sáng tạo như một “bản chất”, “thuộc tính tất yếu” với cái “sáng tạo” như một “phẩm chất”, “tính chất riêng có”, của từng nhà văn, từng tác phẩm nghệ thuật ngôn từ Nhận định Ma Văn Kháng là một cây bút sáng tạo, chính là muốn nhấn mạnh đến cái phẩm chất riêng độc đáo ấy
Sự sáng tạo của Ma Văn Kháng, có lẽ trước hết ở việc xử lý và chọn lựa đề tài Dẫu trong sự lựa chọn ấy ít nhiều có ảnh hưởng của yếu tố ngoại cảnh, thì việc lựa chọn phạm vi đề tài mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm vẫn là ý thức tự giác của người nghệ sĩ Hoàn cảnh đã đưa đẩy chàng trai gốc
Hà thành sớm “bén duyên” với mảnh đất Lào Cai, để từ đây, hình ảnh “miền biên viễn” trong đời văn Ma Văn Kháng sẽ mãi trở thành duyên nợ Và cũng
từ đó, văn xuôi viết về đề tài miền núi trở thành thứ đặc sản riêng của nhà văn đã hơn 20 năm trai trẻ gắn bó với vùng đất này
Có thể coi Ma Văn Kháng, trong nửa đầu của đời văn, là một cây viết
“chuyên canh” với mảng đề tài miền cao Cùng với nhóm những tác giả cùng sáng tác về miền núi, những sáng tác của ông đã góp một mảng màu riêng, độc đáo cho bức tranh chung đa sắc đa màu của cả nền văn học nước nhà Bản thân sự đóng góp ấy, đã là một mảng màu mới đầy sáng tạo
Tuy nhiên, trong các nét nghĩa hợp lại thành nội hàm ý nghĩa của hai chữ “sáng tạo”, không thể không kể đến ý thức về sự đổi mới Với trường hợp Ma Văn Kháng, một trong những biểu hiện thuyết phục nhất của sự sáng tạo, có lẽ chính là cuộc bứt phá đặc biệt, gắn với dấu mốc thời gian khi nhà văn giã biệt Lào Cai, trở về với cuộc sống thành thị Đó không chỉ đơn
Trang 17giản là sự thay đổi về địa bàn sinh sống, mà còn gắn với cuộc biến chuyển
âm thầm nhưng không kém phần gai góc, khốc liệt của một đất nước chuyển giao từ thời chiến sang thời bình
Ma Văn Kháng nằm trong số những người đã kịp dọn mình, hối hả bước lên chuyến tàu mang tên “đổi mới” ấy Ông từ giã mảnh đất “chuyên canh” trong suốt hai mươi năm có lẻ, hăm hở bắt đầu cuộc hành trình khám phá cái hiện thực rộng mở bề bộn, mới mẻ đang bày ra trước mắt Những sáng tác sau này của Ma Văn Kháng đều hướng tới phát hiện, khám phá, phản ánh chính cuộc sống mới, với đầy đủ những góc cạnh phức tạp của cuộc sống thành thị thời hậu chiến Cảm hứng sử thi nhường chỗ cho niềm xúc động bình dị trước những con người và cảnh ngộ đời thường Một cách hoàn toàn tự giác, Ma Văn Kháng đã tự nguyện hòa mình vào dòng chảy chung của những nhà văn Việt Nam thời kì đổi mới, khi văn học đứng trước yêu cầu tất yếu phải tự làm mới mình để bắt kịp với những yêu cầu của cuộc sống và thời đại
Công cuộc lột xác nói trên không phải không nhiều khó khăn và đau đớn Nó đòi hỏi rất nhiều can đảm, nghị lực của người nghệ sĩ Và bản lĩnh
ấy, trước hết phải bắt nguồn từ ý thức về nỗ lực sáng tạo không bao giờ
ngừng nghỉ Sự thành công của Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không
có giấy giá thú, Cỏ dại, Trốn nợ… đã một lần nữa khẳng định cho sự tìm
tòi sáng tạo của cây bút cần mẫn, say mê, quyết liệt tự làm mới mình
Không chỉ thể hiện thông ở nội dung đề tài, sự sáng tạo còn là một yếu tố hàng đầu đối với trong việc lựa chọn hình thức biểu hiện Sự sáng tạo
ấy biểu hiện ra ở mọi phương diện của hình thức nghệ thuật Có thể dẫn ra những ví dụ về cách tổ chức ngôn từ, xây dựng hình tượng nhân vật hay lựa chọn giọng điệu
Trang 18Trở lại với giai đoạn đầu, những sáng tác về đề tài miền núi của nhà văn Ma Văn Kháng Có thể thấy một trong những điểm làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của mảng sáng tác này chính là việc nhà văn đã kể những câu chuyện miền núi bằng chính ngôn ngữ của người bản địa Tuy nhiên, đáng lưu ý ở chỗ, dù có ý thức sử dụng hệ thống từ ngữ và lối phô diễn mang đặc trưng cách cảm, cách nghĩ của người dân tộc nhưng Ma Văn Kháng không
hề lạm dụng Tiếp thu một cách có chọn lọc và vận dụng linh hoạt trong
từng hoàn cảnh cụ thể, “sự vận dụng ngôn ngữ và cách viết sao cho có được
màu sắc bản địa mà vẫn không xa cách với lối diễn đạt hiện tại”, chính là sự
sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ của tác giả Đồng bạc trắng hoa xòe
Với việc xây dựng hình tượng nhân vật, sự sáng tạo của nhà văn biểu hiện ra ở việc dựa trên những nguyên mẫu có thật trong đời sống để dựng lên thành một hình tượng sống động, đầy đặn Điều này xuất phát từ quan
điểm riêng của nhà văn “Với tiểu thuyết, nhân vật phải hoạt động trong một
văn cảnh rộng dài thì việc dựa trên một nguyên mẫu để xây dựng nó là một nguyên tắc sống còn của tôi [47, tr 221], (Đồng bạc trắng hoa xòe, Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời… đều là những trường hợp như thế) Việc cần đến những nguyên mẫu
ấy, không có nghĩa rằng nhà văn là người “kém cỏi về trí tưởng tượng” Trái
lại, sáng tạo chính là ở chỗ sử dụng nguyên mẫu có thật, từ một hiện thực đã thấy, đã biết, đã cảm nhận được, bồi đắp thêm bằng trí tưởng tượng và hư cấu Hiện thực không chỉ đơn thuần được phản ánh, mà còn được cấu tạo, sắp xếp, bồi đắp, sáng tạo lại trong tác phẩm của nhà văn
Về mặt giọng điệu, tiểu thuyết thời kì đổi mới của Ma Văn Kháng cũng ghi dấu nhiều thành tựu sáng tạo Cái nhìn đa chiều về cuộc sống tất yếu dẫn đến sự xuất hiện và đan xen đa dạng giữa giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng, giọng điệu triết lý suy tư, giọng điệu hài hước mỉa mai và giọng
Trang 19điệu suồng sã Chính điều này đã cho phép nhà văn đi sâu vào bản chất của cuộc sống, từ đó góp phần khẳng định giá trị nhân văn sâu sắc trong toàn bộ tiểu thuyết của nhà văn thời kì đổi mới
Với sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần mẫn, ý thức sáng tạo không mệt mỏi như thế, Ma Văn Kháng đã khẳng định mình trên văn đàn
như một “cây bút văn xuôi lực lưỡng”, một tên tuổi lớn trong nền văn học
Việt Nam thời kì hiện đại
Một cây bút văn xuôi lực lưỡng:
Lịch sử văn học Việt Nam và thế giới không phải không ghi nhận trường hợp những nhà văn, nhà thơ “một bài” Tên tuổi của họ vẫn được lưu giữ và tỏa sáng dẫu cả văn nghiệp lưu lại chỉ vỏn vẹn một hoặc một vài tác phẩm Tuy vậy, đại đa số, ở những cây bút tầm vóc thật sự, tài năng thường
đi liền với một bút lực dồi dào, sức viết bền bỉ Đánh giá về Ma Văn Kháng, giới nghiên cứu, phê bình đều thống nhất thừa nhận ông như một cây bút
văn xuôi có “bút lực sung mãn, cường tráng”
Nhận định ấy, trước hết có thể được minh chứng qua số lượng tác phẩm khá đồ sộ.Với văn nghiệp gần tám nghìn trang in, hàng trăm truyện ngắn, hàng chục tiểu thuyết, 3 truyện viết theo lối hồi ký – tự truyện, Ma Văn Kháng xứng đáng là một trong những cây bút có sức viết dồi dào nhất trên văn đàn Việt Chỉ dừng lại trong địa hạt văn xuôi, nhưng sáng tác của
Ma Văn Kháng cũng khá phong phú: truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện – hồi ký Ma Văn Kháng đã tự khẳng định mình như một tài năng đa dạng
Cây bút văn xuôi ấy còn được biết đến với một sức viết rất bền bỉ Nhìn vào mốc thời gian ra đời những tác phẩm của ông, ta thấy gần như không có khoảng ngắt quãng nào đáng kể Viết cần mẫn, say mê, Ma Văn Kháng đã để lại một văn nghiệp không chỉ lớn về quy mô, đa dạng về thể loại mà còn đều đặn và liền mạch Quan trọng hơn, chất lượng sáng tác của
Trang 20nhà văn có thể đánh giá khá đều tay Hầu hết đều là những tác phẩm giá trị Giai đoạn nào cũng có những sáng tác nổi bật, xuất sắc thật sự, mang dấu ấn
cá nhân đậm nét, gắn liền với tên tuổi Ma Văn Kháng
Với những thành tựu to lớn ấy, Ma Văn Kháng xứng đáng được vinh danh như một đời văn cần mẫn, sáng tạo, một cây bút văn xuôi lực lưỡng của nền văn học hiện đại Việt Nam
1.2 Những suy nghĩ của Ma Văn Kháng về văn chương:
Văn chương, bằng những phương tiện nghệ thuật đặc thù, trình bày một cách nhận thức riêng về thế giới Có thể coi thực tại cuộc sống chính là đối tượng phản ánh, khám phá, lý giải, chiếm lĩnh của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ Nhưng văn chương còn đặc biệt ở chỗ nó có khả năng nhận thức về chính nó, người nghệ sĩ viết văn như một cách đối thoại với cuộc đời, và cũng là đối thoại với chính mình Khám phá vẻ đẹp, giá trị trong thế giới thẩm mỹ mà nhà văn đã tạo dựng thông qua tác phẩm, không thể không để tâm nghiên cứu quan niệm, tư tưởng thẩm mĩ, những chiêm nghiệm, suy ngẫm của người cầm bút về cuộc đời và nghệ thuật
Nhìn lại đời văn Ma Văn Kháng, cây bút cần mẫn và hết sức nghiêm túc trong công việc lao động nghệ thuật, có thể thấy nhà văn đã hình thành cho mình một hệ thống quan điểm riêng về công việc cầm bút Những suy nghĩ ấy có khi được phát biểu một cách trực tiếp qua những cuộc phỏng vấn, tâm sự, trải lòng của người viết, cũng có khi hiện hữu sinh động qua từng trang văn
Ma Văn Kháng thử nghiệm và định hình phong cách ở ba thể loại đặc trưng: truyện ngắn, tiểu thuyết và tự truyện- hồi ký Khảo sát ở từng thể loại,
ta sẽ thu được cái nhìn tổng quan, toàn diện về hệ thống quan điểm, suy nghĩ của Ma Văn Kháng dành cho văn chương
Trang 211.2.1 Ý kiến về truyện ngắn:
Phố cụt được biết đến như tác phẩm đầu tay, đánh dấu sự khởi
nghiệp của một văn nghiệp rộng dài Với Ma Văn Kháng, một truyện ngắn
đích thực, “nên là” và “cần là” “một lát cắt gọn ghẽ” Nhà văn quan niệm
“Theo tôi hiểu, một tác phẩm trên dưới mười ngàn chữ không nên ngổn
ngang quá [35 - tr 56, 57) Nghĩa là, dung lượng câu chữ trong tác phẩm
được đặt trong mối tương quan phù hợp với dung lượng đời sống mà nó
phản ánh qua những trang viết của mình
Thực tế, nếu như tiểu thuyết là trọn vẹn một thân cây cổ thụ ngàn
năm, thì truyện ngắn chỉ nên là một lát cắt Qua lắt cắt ấy, người ta có thể
hiểu về cả một đời cây, đời người Đếm số vòng trên tiết diện lát cắt thân
cây suy ra số tuổi cây, ngẫm nghĩ những biến cố dồn nén trong một tình
huống, lát cắt cuộc sống để hiểu cả một đời người Truyện ngắn Ma Văn
Kháng một lần nữa minh họa một cách sinh động và thuyết phục cho quan
niệm ấy về truyện ngắn
Thoạt kì thủy là nước đâu có kể chuyện gì ghê gớm Chỉ là những
một buổi sáng như bao buổi sáng của một khu dân cư mới hình thành mỏi
mòn xếp hàng chờ nước Những chuyện dở khóc dở cười xoay quanh cuộc
vật lộn của bọn người thấp cổ bé họng với quyền uy của Ông nước máy
Trong khoảng nhỏ hẹp của cái sân chờ quanh vòi nước máy, trong khoảng ngắn ngủi từ tinh mơ đến trời sáng của một ngày, ngần ấy con
người chen chúc, chờ đợi, đối thoại, tranh luận, cãi vã, xô xát, nhường nhịn,
giúp đỡ, chia sẻ, cãi nhau, can nhau, đánh nhau, thậm chí là cả bắt đầu yêu
nhau Đủ mọi sắc thái Cuộc sống muôn hình vạn trạng dồn lại trong một
khoảnh khắc đời sống đậm đặc, nơi con người bộc lộ đầy đủ và trọn vẹn
nhất phẩm chất cũng như bản chất của mình Nhà văn chỉ cần chớp lấy cảnh
Trang 22tượng đặc biệt ấy, chỉ cần lọc lại cái lát cắt ấy, đã đủ để dựng lên cả một bức tranh chân thực và sinh động
Lũ tiểu mãn ngập bờ là một dẫn chứng khác cho cách quan niệm của
Ma Văn Kháng “chưa bao giờ tôi dồn cả một đời người trong một truyện
ngắn, mà chỉ lấy ra một đoạn, một thời gian nào đó, hoặc ghi lại một cảnh đời với vài ba nhân vật” [35 -tr57) Tác phẩm chỉ diễn ra trong khoảng thời
gian từ “ngả trưa sang chiều” ngày hôm trước, khi nhân vật tên Biên, người
của huyện ủy đi công tác xuống xã, đứng mắc kẹt bên “dải nước mênh
mông, đỏ ngầu, sùng sục như thác đổ” cho đến sáng hôm sau, khi nhận tin
về cái chết tự sát của My, cô gái đêm qua chèo thuyền đưa anh vượt dòng nước lũ Chỉ chưa đầy một ngày ngắn ngủi, anh đã vỡ lẽ ra cái điều mà nhiều
khi cả đời người mới kịp thấm thía: “Cuộc sống tưởng là dung dị mà có biết
bao ngóc ngách ẩn khuất những hung bao bất ngờ khủng quá và con người sao mà yếu đuối khốn khổ thế” Một cơn lũ có thật gắn với một cơn thác lũ
oan nghiệt đời người Một dòng nước mênh mông có thật gắn với “một dòng
sông suy tưởng không đáy” mở ra miên man trong tâm tưởng Từ một
khoảnh khắc ngắn ngủi, từ một lát cắt nhỏ bé, câu chuyện đã mở ra bao điều suy tưởng lớn lao
Truyện ngắn chỉ là một lát cắt cuộc sống Và đã là truyện ngắn thì không nên dông dài Quan niệm của Ma Văn Kháng là vậy Nhưng vấn đề ở chỗ, trong dòng chảy bất tận không cùng của cuộc sống, biết “cắt” lấy khúc nào! Dồn nén những gì trong một câu chuyện không dài, để dù viết ngắn, nhưng không tạo cho người đọc cảm giác viết thiếu, viết chưa tới Đó cũng
là vấn đề chung đặt ra cho mọi cây bút muốn thành danh ở thể loại truyện ngắn
Giải quyết vấn đề này, có người dùng khái niệm hoàn cảnh điển hình Phải tạo ra một hoàn cảnh điển hình, để khi đặt nhân vật vào hoàn cảnh đó,
Trang 23nhân vật có thể bộc lộ trọn vẹn đầy đủ và trọn vẹn mọi phẩm chất Phải chọn lựa một hoàn cảnh điển hình, nơi thực tại đời sống phô diễn đầy đủ và trọn vẹn những biểu hiện chân thực và sống động, để ý tưởng, chủ đề, cái góc cạnh cuộc sống mà nhà văn muốn phản ánh, trở nên gần gũi, thuyết phục nhất với bạn đọc
Lựa chọn hoàn cảnh điển hình như vậy, thực chất chính là vấn đề xây dựng tình huống Nắm được tình huống là nắm được ý đồ và tư tưởng tác giả Bởi lẽ, tình huống chính là điểm mấu chốt của diễn biến truyện ngắn, là điểm hội tụ, châu tuần, chi phối và quyết định mọi yếu tố nghệ thuật trong truyện ngắn: không thời gian, nhân vật, ngôn ngữ… Ta có thể thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của tình huống truyện ngắn ngay trong hai ví dụ vừa phân tích ở trên Việc dồn nén một loạt diễn biến, sự kiện, tình tiết trong một khoảng thời gian hạn hẹp, đẩy câu chuyện lên đến cao trào với những chi tiết đắc địa chính là những biểu hiện cụ thể của việc xây dựng tình huống trong Thoạt kì thủy là nước và Lũ tiểu mãn tràn bờ, hai trong số những tác phẩm tiêu biểu của truyện ngắn Ma Văn Kháng giai đoạn về sau
Tình huống đắc địa có khả năng hàm chứa một dung lượng tư tưởng rất cao, do đó giúp truyện ngắn vượt qua sự hạn chế về dung lượng câu chữ
để vẫn có phát huy thế mạnh đặc biệt trong việc khả năng truyển tải những chủ đề mang tầm vóc tư tưởng lớn lao
Bàn về vai trò của xây dựng tình huống là câu chuyện quen thuộc với người viết truyện ngắn Nhưng đặt ra vấn đề đi tìm một cái tứ cho những truyện ngắn của mình, lại là câu chuyện riêng của Ma Văn Kháng:
“Bắt đầu viết truyện, tôi gắng tìm ra một cái tứ Nó là gì ư, nó là chủ
đề đấy, nhưng gắn với hình ảnh, với chất liệu” [35 – tr55] Nói cách khác,
cái tứ mà nhà văn nhắc tới, chính là hóa thân của tư tưởng chủ đề trong một hinh hài cụ thể
Trang 24Có thể lấy truyện ngắn Dòng suối nhỏ làm ví dụ Chủ đề tác phẩm hướng tới là ca ngợi công lao của những người chiến sĩ cách mạng với bản làng Chủ đề ấy viết không khéo sẽ rất dễ rơi vào tình trạng sống sượng, cứng nhắc như khẩu hiệu hô hào Ma Văn Kháng chọn cho mình một cách riêng: Gắn chủ đề với một hình ảnh cụ thể: dòng suối Ở một nơi như vùng
Mèo Cao Sơn, “nơi nước rất hiếm Có khi Tết đến, gạn lắm, mỗi nhà cũng
chỉ được chia có nửa thùng nước”, thì hình ảnh so sánh “người chiến sĩ kia như một con suối nhỏ, mang lại tươi mát cho đời sống bản làng” có một sức
biểu cảm đặc biệt
Tương tự như vậy, liên hệ giữa người và cỏ, gợi lên sự dẻo dai, bền bỉ, sức sống âm ỉ mà mạnh mẽ, mãnh liệt không gì tiêu diệt nổi, cũng là khởi đầu của cái tứ trong một truyện ngắn khác của Ma Văn Kháng Có thể nói,
thế mạnh của những “cái tứ” chính là việc làm cho chủ đề tác phẩm trở nên
gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm, đi vào lòng người Mặt khác, cũng giống như tình huống, việc xác định được cái tứ cụ thể cho tác phẩm, sẽ giúp cho nhà văn
viết truyện “gọn gàng, thoải mái hơn”
Và cũng chính những cái tứ ấy, làm nên một chất thơ riêng rất đặc trưng của truyện ngắn Ma Văn Kháng, mà bản thân nhà văn đã gọi bằng cái
tên “Chất thơ chân chính” Ma Văn Kháng quan niệm “Truyện ngắn phải có
cái gì hơi bay bay một tí, không nên mơ màng quá, mà trần trụi quá cũng không ổn” Đó là lý do tại sao Ma Văn Kháng cho rằng “viết như ông Pautopxki là hơi lạm phát chất thơ” Theo ông, mối quan hệ giữa cái thơ với
cái thực nên ở thế cân bằng, hài hòa: “Tôi thích những truyện có một cốt
truyện thực, lại phải có một cái bóng đằng sau, giúp cho người đọc liên tưởng sang nhiều chuyện khác” [35 – tr54,55]
Bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn, Ma Văn Kháng cũng chú ý nhấn mạnh tới nhiều mặt của phương diện nghệ thuật, từ việc xây dựng nhân vật
Trang 25(nhân vật của truyện ngắn không thể phức tạp, theo kiểu truyện dài, nhưng vẫn có thể có nhiều khía cạnh, khiến cho người đọc cảm thấy cả nhân vật của nó và tác giả của nó không giản đơn) cho đến tầm quan trọng của việc cân nhắc, sử dụng câu chữ, lựa chọn từng kiểu câu cho phù hợp Tuy nhiên, đau đáu trong trái tim người nghệ sĩ ấy, vẫn là một nỗi niềm rưng rưng: Dù
thế nào chăng nữa, “cái nguồn đời vẫn là quyết định tất cả” Bởi xét cho
cùng, mọi lý thuyết cũng đều là màu xám, chỉ có cây đời sẽ mãi mãi xanh tươi
1.2.2 Ý kiến về Tiểu thuyết:
a) Tiểu thuyết trong mối tương quan với truyện ngắn:
Với tác phẩm đầu tay Phố cụt, Ma Văn Kháng đã “chạm ngõ” văn chương bằng truyện ngắn Tại sao không phải là tiểu thuyết hay tự truyện, hồi ký? Bản thân suy nghĩ, cách nhìn của nhà văn về đặc trưng của từng thể loại chính là chìa khóa cất giấu câu trả lời
Nếu coi truyện ngắn như một lát cắt của cuộc sống thì tiểu thuyết lại
là cả cuộc sống toàn vẹn với mọi chiều kích Nếu truyện ngắn chỉ là một mắt xích, một quãng đoạn, thì tiểu thuyết chính là trọn vẹn quá trình Hay như
chính Ma Văn Kháng đã dẫn lời G.Mackét: “Viết tiểu thuyết là xây các viên
gạch, viết truyện ngắn là chuẩn bị hồ và vữa Truyện ngắn là mũi tên cắm vào bia Tiểu thuyết là cuộc đi săn thỏ Truyện ngắn là quãng nghỉ xả hơi, là bước thực tập” [34 – tr14] Điều đó đã giải thích tại sao một nhà văn trẻ sau
khi đã thành công ở thể loại tự sự cỡ nhỏ là truyện ngắn, không bao giờ chịu
dừng lại ở đó lâu “Tiểu thuyết mới là cái đích họ nhắm tới Nó là giấc mộng
huy hoàng ở một đời văn Nó là món nợ đời canh cánh chưa trả được còn chưa sống yên ổn được”.[ 47 – tr225]
Bàn về tiểu thuyết, Ma Văn Kháng luôn có ý thức đặt nó trong mối tương quan, đối chiếu với truyện ngắn, để làm nổi bật những khác biệt căn
Trang 26bản của thể loại tự sự cỡ lớn này Là một nhà văn cần mẫn, say mê với nghề, với sức sáng tạo bền bỉ không mệt mỏi, nhưng Ma Văn Kháng cũng
phải thừa nhận, “viết văn nói chung, viết tiểu thuyết nói riêng, chưa bao giờ
là dễ cả Như tôi, một đời người có thể viết cả trăm cái truyện ngắn, nhưng tiểu thuyết chỉ được vài cái thôi” [47- tr 223] Như thế, đủ để hiểu rằng, nơi
gửi gắm tài năng, tâm huyết cả một đời văn, không gì khác chính là tiểu thuyết!
b) Yêu cầu đối với tiểu thuyết:
Đặc biệt coi trọng vị trí của tiểu thuyết trong sự nghiệp sáng tác của một người cầm bút, Ma Văn Kháng, bằng vốn kinh nghiệm tích lũy của bản thân mình, đồng thời chỉ ra những yêu cầu gắt gao với một người muốn
thành công ở thể loại nắm giữ “giấc mộng huy hoàng của mọi đời văn” này Muốn viết được tiểu thuyết, theo ông, “cần một vốn sống tổng hợp lớn, nếu
không nói là khổng lồ Một tư tưởng đặc sắc Một sức viết bền Một kho chữ nghĩa phong phú, dồi dào” [47 – tr224]
Với tiêu chí đầu tiên, bản thân Ma Văn Kháng chính là một tấm gương lớn về việc không ngừng quan sát, học hỏi, tích lũy vốn sống Câu chuyện sưu tầm, ghi chép tài liệu kín đầy những sổ tay, với ý định làm tư liệu cho công việc viết lách, của anh nhà báo, thư kí tuổi đôi mươi ngày nào chính là sự chuẩn bị cho vốn sống tổng hợp khổng lồ ấy Vốn sống ấy phát huy sức mạnh đặc biệt, không chỉ trong tiểu thuyết,mà cả ở truyện ngắn lẫn hồi kí – tự truyện viết ở giai đoạn sau này
Không có vốn sống và sự trải nghiệm, Ma Văn Kháng không thể có được những trang viết đầy sống động và chân thực về cuộc sống, con người vùng cao, miền đất nơi chàng trai Hà thành chân ướt chân ráo thưở ban đầu đặt chân đến hoàn toàn xa lạ! Cũng như vậy, chính vốn sống phong phú, đã làm nên sự hấp dẫn của những trang văn Ma Văn Kháng trong những trang
Trang 27viết về cuộc sống thị thành những năm đổi mới Viết về nhân vật có thú chơi chim ( Bát ngát tròi xanh) , nhà văn làm ta thán phục sự hiểu biết cặn kẽ loài chim gáy, từ cái giọng thổ mổ tứ đến tập quán sống ưa tự do không tù hãm Viết về giới văn nghệ sĩ ( Nữ họa sĩ vẽ chân dung, Bức tranh người đàn bà chơi vĩ cầm), người đọc lại được dịp ngạc nhiên khi nhà văn quá rành rẽ những mánh lới, thủ đoạn, góc khuất trong việc buôn tranh lẫn những am tường về kiến thức hội họa
Với mảng đề tài nào, khi đã đặt bút viết, nhà văn cũng ý thức sâu sắc
về việc tích lũy vốn tư liệu, tự mình trải nghiệm để mang những vốn sống tươi ròng vào trang viết Chính vốn sống ấy sẽ trở thành thứ chất liệu vô giá
cho các tác phẩm ra đời “Vì chất liệu, không có nó thì một thiên tài cũng vô
nghĩa!” ( Oóctêga Ygasset )
Vấn đề tích lũy vốn sống là bước chuẩn bị quan trọng đối với mỗi cây bút, tuy nhiên, với Ma Văn Kháng, trong tư cách một tiểu thuyết gia, những vốn sống ấy còn có thêm một ý nghĩa đặc biệt Điều này xuất phát từ quan niệm riêng của nhà văn trong việc sáng tác tiểu thuyết Ông tự nhận mình là
người “viết theo khuynh hướng hiện thực” Và dù “không phải là người kém
về trí tưởng tưởng”, nhưng tác giả luôn đặt cho mình tâm niệm “Tôi chỉ tưởng tượng, hư cấu trên một hiện thực đã thấy, đã biết, đã cảm nhận được”.[47 -tr 221]
Quan niệm này đã dẫn đến một nguyên tắc riêng trong việc xây dựng
nhân vật tiểu thuyết Ma Văn Kháng Hầu hết các hình tượng nhân vật trong
các cuốn tiểu thuyết của ông đều có nguyên mẫu từ đời thực Lý giải điều
này, Ma Văn Kháng tâm sự “với tiểu thuyết, nhân vật phải hoạt động trong
một văn cảnh rộng dài thì việc dựa trên một nguyên mẫu để xây dựng nó là một nguyên tắc sống còn của tôi”[47 – tr221]
Trang 28Thật vậy, nếu truyện ngắn chỉ khắc họa nhân vật trong một khoảnh khắc hay một đoạn đời, thì tiểu thuyết, với đặc trưng riêng thể loại, lại đòi hỏi việc xây dựng một nhân vật đầy đặn, trong một bối cảnh nhiều chiều kích của không gian lẫn thời gian Nhân vật tiểu thuyết phải được dựng lên với một lịch sử đời sống riêng và những diễn biến phức tạp trong bối cảnh rộng lớn của đời sống
Có thể lấy ví dụ từ Đồng bạc trắng hoa xòe, tác phẩm tiêu biểu của
Ma Văn Kháng với tư cách một cây bút viết về miền núi Như chính lời nhà văn sau này kể lại, các nhân vật trong truyện đều được xây dựng từ những hình mẫu ở đời Nhân vật đồng chí Bí thư Tỉnh bộ Việt Minh Lê Chính được xây dựng từ nguyên mẫu đồng chí Lê Khanh, sau này là phó ban Kinh tế Trung ương Đảng Từ hình mẫu một chàng trai H’Mông đã làm việc, gắn bó với Ma Văn Kháng hơn 10 năm là hình mẫu để tác giả xây dựng nhân vật chính tên Pao Cũng ở cuốn tiểu thuyết ấy, các ông thổ ty Hoàng Văn Thao, Nông Vĩnh Yêng, La Văn Đờ… đều có thể liên hệ với một nguyên mẫu có thật ngoài đời sống
Những cuốn tiểu thuyết thời kì sau này của Ma Văn Kháng vẫn xây dựng nhân vật theo nguyên tắc tương tự Thế giới nhân vật trong Mùa lá rụng trong vườn có sụ tương đồng với hình ảnh quen thuộc của chính các thành viên trong gia đình Ma Văn Kháng Câu chuyên được kể trong tiểu thuyết, với những biến cố, những tình tiết, sự kiện, cũng được “bứng” ra từ
chính đời thực của nhà văn Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng
nước lũ cũng không phải trường hợp ngoại lệ Thậm chí, nhà văn còn tự tin
“Tôi có thể nói rõ chi tiết này tôi lấy từ ai, dáng vẻ này, câu nói này tôi
mượn từ người nào” [ 47 – tr222] Rõ ràng, nguyên mẫu đời sống đã thực sự
trở thành một nguyên tắc sống còn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng
Trang 29Tuy nhiên, vấn đề mối quan hệ giữa nguyên mẫu đời sống và hình tượng trong tác phẩm, không đơn giản dừng lại ở việc chọn lựa và xử lý chất liệu, dùng thực tế cuộc sống làm nguyên mẫu xây dựng nhân vật hay cốt truyện Nó thực chất còn liên quan đến một nguyên tắc chi phối ở tầm cao hơn trong quan niệm về tiểu thuyết của Ma Văn Kháng Nhà văn cho rằng
“Với riêng tôi, mỗi cuốn tiểu thuyết đều ứng với một đoạn đời, một phần
cuộc sống của mình Không phải là tự thuật, nhưng tôi luôn thấy, không nhiều thì ít, mình luôn phải có mặt trong những cuốn truyện loại tự sự dài hơi như vậy” [47 – tr224]
Quan niệm tiểu thuyết ứng với một “đoạn đời”, một phần đời mình,
tất yếu sẽ dẫn đến việc các câu chuyện trong tiểu thuyết chính là hình bóng câu chuyên mà tác giả đã trực tiếp sống, trải nghiệm, tham dự hoặc quan sát, những nhân vật trong tiểu thuyêt là những người tác giả đã gặp, đã biết, đã hiểu, đã gắn bó Lối viết ấy có thế mạnh đặc biệt ở sự chân thực và sức nặng
từ chính những suy ngẫm, trải nghiệm của bản thân nhà văn “Vì rốt cuộc”, như lời chính tác giả đã trải lòng “viết tiểu thuyết là viết về cái mình đã có
trong gan ruột mà thôi” [47 – tr227]
Nói như vậy, còn có nghĩa rằng cần phải đặt ra một tiêu chí cho cách sống của người nghệ sĩ Vì nếu sống hời hợt, lấy đâu ra những điều gan ruột
để trải vào trang viết? Cụ Nguyễn Du xưa viết Truyện Kiều mà như máu
chảy đầu ngọn bút, chính là bởi tấm lòng nhân đạo sâu sắc đã xót xa trước
“những điều trông thấy mà đau đớn lòng” Nếu chỉ bằng lòng với cái hiện
thực bề mặt của đời sống, nhà văn liệu có thể viết những tác phẩm thật sự sâu sắc, lay động và chinh phục trái tim độc giả được chăng? Tiểu thuyết, cũng như mọi loại hình văn học nghệ thuật chân chính khác, phải đi vào
khám phá, chiếm lĩnh, lý giải cuộc đời ở “tầng sâu nhất của nó” Với quan niệm như vậy, Ma Văn Kháng đòi hỏi “tiểu thuyết hay” phải là cuốn tiểu
Trang 30thuyết đưa người đọc đến một “cuộc sống toàn vẹn”, phải là “sự tiếp cận tối
đa với sự thật, với hiện thực cuộc đời” [34 – tr 26,27]
Đặt ra tiêu chí “năng lực tiếp cận sự thật, hiện thực cuộc đời”, Ma
Văn Kháng đã chạm đến những khía cạnh bản chất của tiểu thuyết nói riêng,
và văn học nói chung Nó không chỉ là vấn đề chất liệu hiện thực, phạm vi
đề tài hay nội dung, chủ đề mà còn liên quan đến chức năng, giá trị văn học,
sứ mệnh của văn chương và người nghệ sĩ Sống đã rồi hãy viết Người nghệ
sĩ một khi không “đứng ở giữa dòng chảy lớn của cuộc đời”, “bắt vào đúng
nhịp của cuộc sống”, “sống nghiêm túc, hết lòng thật sự với cuộc sống ở tất
cả các chiều kích của nó, nuôi dưỡng hướng thẩm mỹ lớn” [47 – tr227] thì
không thể đảm đương vai trò là người thư ký của thời đại, ghi chép, phản ánh, lý giải và cao hơn là định hướng, kiến tạo cho những bước đi lên của xã hội ấy Đó là tâm sự gan ruột một đời văn Ma Văn Kháng
Khi xác định yêu cầu đối với người viết tiểu thuyết, ngoài vấn đề vốn sống, Ma Văn Kháng còn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề tầm vóc tư tưởng
và bút lực nhà văn Nếu như tầm vóc tư tưởng thuộc về phạm trù nội dung, thì thực chất tiêu chí về bút lực nhà văn, nói rộng ra, còn hàm ý chỉ về tổng hợp các khía cạnh của hình thức nghệ thuật tác phẩm Bởi lẽ, không thể duy trì sức viết bền néu ngòi bút nghệ thuật còn non Từ xây dựng cốt truyện, tổ chức thế giới nhân vật đến vận dụng chữ nghĩa, từ vựng phong phú đều là những vấn đề cốt tử của kỹ thuật viết Thuần thục, nhuần nhuyễn những kỹ thuật ấy, mới có thể viết dai sức, viết bền, viết trúng, viết hay Không có
chúng, tư tưởng nhà văn cũng vẫn chỉ là “thứ tư tưởng nằm thẳng đơ trên
trang giấy”, vĩnh viễn không được hóa thân sống động vào trong những hình
sắc đa dạng của nghệ thuật ngôn từ
Những quan niệm trên thể hiện rõ qua hơn chục cuốn tiểu thuyết đề tên Ma Văn Kháng Nhìn lại cả sản nghiệp văn chương đồ sộ ấy, thấy rằng,
Trang 31dẫu số truyện ngắn lên đến con số hàng trăm, thì những cuốn tiểu thuyết kia
cũng vẫn mới đích thực là “giấc mộng huy hoàng” của một đời văn sĩ Thừa nhận “viết tiểu thuyết là cả một cuộc đi săn hổ dữ” nhưng phải chăng chính
khát vọng chinh phục thử thách ấy đã trở thành niềm say mê bản năng không thể cưỡng lại hay chối từ Ma Văn Kháng cầm bút hơn năm mươi năm, viết hàng trăm truyển ngắn, hàng chục tiểu thuyết, thử sức với cả hồi kí, tự
truyện, nhưng cuối cùng, với nhà văn ấy “Tiểu thuyết vẫn là một giá trị
không thể thay thế” của một đời văn
1.2.3 Ý kiến về Hồi ký:
So với số lượng truyện ngắn và tiểu thuyết đã ra mắt công chúng, hồi
ký – tự truyện chỉ chiếm một vị trí nhỏ trong sự nghiệp văn chương Ma Văn Kháng Tuy nhiên, đứng từ góc độ người đọc hay người nghiên cứu, đây lại
là một bộ phận văn chương rất thú vị Người đọc muốn hiểu thêm về cuộc đời tác giả mình yêu mến, tiểu sử, cuộc đời, những chiêm nghiệm, trăn trở
và khắc khoải sâu kín Giới nghiên cứu phê bình thêm một nguồn tư liệu quý để giải mã một đời văn Nhưng dù là với mục đích nào, cả công chúng lẫn giới phê binh học thuật, đều gặp nhau ở một điểm: Đọc hồi ký, tự truyện
Ma Văn Kháng để thêm hiểu về một đời văn cần mẫn, sáng tạo, một cây bút văn xuôi lực lưỡng của nền văn học Việt Nam
Ma Văn Kháng không phải là tạng nghệ sĩ ưa giấu mình trên trang viết Bản thân nhà văn, trong nhiều lần tâm sự, đã nhắc đến ý thức thường trực đem cái tôi của mình lồng vào trong những trang văn Ông quan niệm
“mỗi cuốn tiểu thuyết đều ứng với một đoạn đời, một phần cuộc sống của
mình” Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết của ông hầu hết cũng là những con
người ông đã tiếp xúc, gặp gỡ, gắn bó, quan sát, nói cách khác, là những nguyên mẫu có thật trong đời sống Với quan niệm như vậy, có thể thấy rằng, tiểu thuyết Ma Văn Kháng có khá nhiều yếu tố tự truyện Thậm chí,
Trang 32đứng từ phương diện đặc trưng thể loại, có thể tìm thấy một vài đặc điểm của hồi kí, tự truyện trong các sáng tác văn xuôi của ông
Để làm rõ điều này, trước hết, ta trở lại với khái niệm về thể loại Hồi
ký: “Hồi ký là một thể loại thuộc loại hình kí, kể lại những biến cố đã xảy ra
trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hay chứng kiến”
Trên thực tế, ranh giới giữa hồi kí giữa tự truyện không dễ để phân định Có thể hiểu một cách đơn giản, rằng nếu tự truyện xoáy vào cá nhân người viết, thì hồi kí là bức tranh về một thời đại, bên cạnh câu chuyện đời mình, tác giả đi sâu vào tìm hiểu những mảnh đời khác Tức là, tự truyện là thể loại hướng vào thế giới bên trọng cá nhân người viết, được soi rọi bằng một cái nhìn nội quan
Với những cách quan niệm ấy, có thể thấy, mặc dù chỉ chính thức xuất bản 3 cuốn hồi kí- tự truyện, nhưng trên thực tế, dấu vết của thể loại này đã hòa lẫn vào trong phần lớn những sáng tác văn chương trong sự nghiệp cầm bút Ma Văn Kháng Có lẽ bởi với tác giả, viết, trước hết là một cách trải lòng ra giấy Ông quan niệm viết tiểu thuyết cũng chính là viết về những điều mình gan ruột, mình cảm, mình nghĩ, mình trăn trở và suy tư
Nhưng tiểu thuyết, dù sao, trên danh nghĩa vẫn là nói chuyện người, phải là hồi ký, tự truyện, nhà văn mới có cớ, có đất để thật kể chuyện mình Đọc hồi ký Ma Văn Kháng, để thấy một cách chân thực nhất những suy nghĩ, gan ruột của nhà văn về con người và cuộc đời Bức chân dung người nghệ sĩ hiện lên sống động qua những nét phác họa của chính chủ thể nội cảm Những suy nghĩ và cách nhìn nhận, lý giải về con người, về cuộc sống-
cả cuộc sống trong thời quá khứ đã hoàn thành, với cái cuộc sống bề bộn đang diễn ra trước mắt- với đủ góc cạnh, chiều kích, tương quan hiện lên mồn một, như người ta đọc to dòng chữ đen trên trang giấy trắng Rõ ràng,
Trang 33hồi ký, tự truyện, vẫn có ưu thế hơn cả, trong việc phô bày trực tiếp cái tôi của người nghệ sĩ
Ở thời điểm đã chín về cả sự nghiệp và tuổi đời, hồi ký, tự truyện viết
ra, âu cũng như một thôi thúc tự nhiên muốn tự nhìn lại mình, nhìn lại đời, như chính những dòng bộc bạch giản dị của nhà văn cuối trang sách, ông
viết cuốn sách này “chỉ để ghi chép những câu chuyện đã qua của đời mình
đó là việc nên làm và không có tham vọng gì, chỉ là một cuộc trò chuyện với chính mình, một cuộc độc thoại hoặc mở rộng ra đôi chút là để tâm tình cùng người thân và bạn bè thân thiết mà thôi” [74,21]
Dẫu với tâm ý ban đầu như vậy, nhưng những cuốn hồi ký, tự truyện
của ông, đã vượt ra ngoài cái ranh giới viết cho chính mình, cho “người thân
và bạn bè thân thiết” nhiều lắm Độc giả đón nhận những trang viết ấy, lắng
nghe những tâm sự, sẻ chia, ai cũng ngỡ như ta với tác giả, đang trong một cuộc đối thoại tâm tình…
Trang 34
CHƯƠNG II ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN
CỦA MA VĂN KHÁNG
2.1 Sự biến đổi trong phạm vi đề tài, chủ đề tác phẩm:
Nhìn lại văn nghiệp Ma Văn Kháng, có thể thấy sáng tác của ông chia thành hai mảng khá rõ rệt: Giai đoạn đầu gắn với những sáng tác về miền đất
và con người nơi biên ải, giai đoạn sau lại là sự trải nghiệm, tìm tòi, khám phá với mảng đề tài cuộc sống nơi thị thành, khi bản thân tác giả chuyển về sinh sống và làm việc ở miền xuôi Hiện thực phức tạp, bề bộn của cuộc sống đô thị ấy đã dồn dập bước vào trang văn Ma Văn Kháng cùng những hơi thở mới mẻ, đem đến nhiều biến đổi rõ rệt trong đề tài, chủ đề sáng tác
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, sự biến đổi trong phạm vi đề tài và chủ
đề nói trên, không chỉ đơn giản là hệ quả của sự chuyển đổi địa bàn sinh sống của nhà văn Xét ở bề sâu, nó là kết quả của một sự thay đổi căn bản trong tư duy nghệ thuật người cầm bút Đặt văn xuôi Ma Văn Kháng trong bối cảnh chung của nền văn học thời kì này, càng thấy rõ hơn vị trí quan trọng của một trong những cây bút tiên phong đi đầu, nỗ lực đổi mới nền văn học Việt Nam
Nếu như đề tài là phạm vi hiện thực mà nhà văn chọn lựa và miêu tả, thể hiện, tạo thành chất liệu của thế giới hình tượng trong tác phẩm thì chủ
đề lại là vấn đề mà tác giả quan tâm đặt ra thông qua thế giới hình tượng đó Cùng khai thác, đào xới một mảng đề tài, một phạm vi hiện thực đời sống, mỗi nhà văn lại gửi vào trang viết những băn khoăn, suy tư, trăn trở mang đậm màu sắc chủ quan Chính những nét khác biệt ấy mới làm nên giá trị, chỗ đứng riêng của người nghệ sĩ Nói như vậy để thấy rằng, nếu đơn giản
Trang 35nhìn nhận sự khác biệt trong hai giai đoạn sáng tác của Ma Văn Kháng trên tiêu chí phạm vi hiện thực phản ánh (miền núi và thành thị), mà không thấy được sự khác biệt, bước phát triển trong tư duy nghệ thuật cùng hệ thống quan niệm về cuộc sống và con người, thì không thể có cái nhìn thỏa đáng
và đánh giá chính xác về tài năng, tầm vóc của nhà văn
Nhìn lại truyện ngắn Ma Văn Kháng từ năm 2000 trở lại đây, có thể thấy chủ đề bao trùm các sáng tác của nhà văn giai đoạn này chính là cuộc sống thế sự đời tư của con người đời thường Nổi lên trên đó là những bi kịch thân phận kiếp người, hình tượng nhân vật người phụ nữ nhan sắc, phồn thực, đa đoan và hình tượng nhân vật người trí thức
2.1.1 Chủ đề con người bình thường và số phận bi kịch của con người:
Nhạc sĩ Văn Cao viết Mùa xuân đầu tiên sau khi chiến tranh đã kết
thúc, với những ca từ cho đến hôm nay vẫn có sức lay động lòng người
“…Mùa bình thường, mùa vui nay đã về…” Mùa xuân độc lập đầu tiên ấy
là mùa vui, có phải trước hết chính ở cái ý nghĩa giản dị của nó - một mùa xuân “bình thường” Chiến tranh không có chỗ cho những thứ “bình thường” như vậy
Trong một hoàn cảnh bất thường như thời chiến, con người buộc phải gồng mình lên để sống một cách phi thường Văn học cách mạng là bản hùng ca về những con người phi thường, là khúc tráng ca về những anh hùng đại diện cho ý chí, sức mạnh của cả một công đồng và dân tộc Con người,
dù là người anh hùng cách mạng, hay con người quần chúng, cũng là những
cá thể đại diện cho tập thể; được khắc họa với tính cách, phẩm chất, sức mạnh không của riêng họ mà là mẫu số chung cho muôn vàn những con người giống như họ Cuộc đời của những con người ấy gắn liền sứ mệnh và vận mệnh cộng đồng Họ là những con người gần như không có đời tư
Trang 36Những chi tiết đời tư, nếu được nhắc tới, cũng chỉ có tác dụng phụ giúp minh họa rõ thêm phẩm chất, tính cách điển hình mà kiểu loại nhân vật đó đại diện
Văn học thời đổi mới, mà cụ thể ở đây là truyện ngắn Ma Văn Kháng,
đã đi ngược lại quỹ đạo ấy, khi đưa con người đời tư, từ vị trí ngoại diên, đường hoàng trở thành nhân vật trung tâm của bức tranh văn học Câu chuyện được kể trong truyện ngắn Ma Văn Kháng những năm sau này, là những câu chuyện bình thường của những con người đời thường Sáng tác của ông đã chuyển từ cảm hứng sử thi sang thế sự đời tư
Văn học thế sự không phải là sân khấu cho những người anh hùng Hiện diện trong bức tranh văn học chính là cuộc sống hỗn tạp, bình dị với đủ mọi kiếp người nhỏ bé trong xã hội Người ta bắt gặp trong truyện ngắn Ma Văn Kháng đủ loại người, thành phần, địa vị, hoàn cảnh, xuất thân Đó có thể là giới trí thức, nghệ sĩ như ông giáo, bác sĩ, nhà báo, nhà văn, họa sĩ; là lớp dân nghèo thành thị xoay xở đủ mọi nghề kiếm sống: Đạp xích lô, phe
vé, thợ cắt tóc, cửu vạn, bốc vác, bán hàng nước; là những người phụ nữ ở với đủ mọi hoàn cảnh, cảnh ngộ riêng, là hưu trí, là công an, thậm chí không thiếu cả những kẻ lưu manh, côn đồ, đĩ điếm…
Có thể nói, truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kì này đã từng bước tiệm tiến và bắt kịp với nhịp sống đương đại Thế giới nhân vật trong sáng tác của ông bỗng trở nên đông đúc, bề bộn và phức tạp như chính cuộc sống thường ngày, một cuộc sống nhạt “chất thơ”, mà đậm chất “văn xuôi”
Đọc Thoạt kì thủy là nước, người ta bị ám ảnh bởi “cảm giác hoang
mang buồn nản” khi nhìn cảnh “Từ chỗ đặt cái vòi nước công cộng, thùng xếp hàng nối đuôi nhau, dài dặc vòng vèo như vô tận” Người ta huy động
“đủ hết các loại hình” thùng chậu, miễn là “vật thể có sức chứa”, từ “Thùng
sắt Thùng gỗ Thùng tôn Thùng nhựa Thùng cao su Chậu nhôm Chậu
Trang 37đồng Thậm chí cả những chiếc xô và những cái bô nhỏ” [44, tr32] Một loạt
câu văn ngắn đứt đoạn Thành phần câu giản lược chỉ còn lại duy nhất một danh từ định danh gọi tên sự vật, để đếm, để kể, để liệt kê Chiếu ứng với vô vàn loại thùng chậu ấy, cũng là vô vàn mặt người, kiếp người đang mòn mỏi xếp hàng chờ nước, đàn ông đàn bà, người già trẻ con
Con người được khắc họa trong những khoảnh khắc đời thường Không cần thiết phải đưa họ lên trận tuyến, phải đặt họ trong những thử thách sinh tử ngặt nghèo, nhà văn để nhân vật của mình tự bộc lộ bản thân ngay giữa những sự kiện thường nhật, đơn giản nhất Khi kiên quyết, lúc
khéo léo, “người phụ nữ áo trắng” đứng ra dàn xếp ổn thỏa những cãi vã,
tranh chấp nhỏ nhặt giữa những người đang sốt ruột, bực bội đứng xếp hàng
Chị không ngần ngại giúp đỡ “ người đàn ông kính cận è cổ, choãng chân
gồng vai đẩy hai thùng nước” [44, tr34] Chị nhiệt thành chia sẻ với người
khác thùng nước quý giá của mình Vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ ấy đã làm rung động tâm hồn ông giáo Moan
Theo một cách nào đó, sân chờ nước khu chung cư đông đúc ấy được miêu tả như một góc nhỏ cuộc sống, bề bộn nhưng sống động, phập phồng chất nhựa hiện thực Trong cái góc nhỏ đó, người ta sống bên cạnh nhau, trò chuyện, cãi vã, tranh chấp nhau, cảm thông, chia sẻ và yêu thương nhau
Nếu như Thoạt kì thủy là nước mở ra không thời gian của buổi sáng tinh mơ nơi chung cư đông đúc, thì Chuyến xe buýt cuối ngày lại lựa chọn khoảnh khắc ngắn ngủi cuối cùng sau một ngày mệt nhọc Vẫn là khoảng không gian công cộng, nhưng khác với tác giả sử thi đứng từ trên cao nhìn ngắm, mô tả đám đông như một tập thể quần chúng, cây bút thế sự Ma Văn Kháng lặng lẽ lựa chọn một góc nhìn từ một ánh mắt, một nỗi lòng rất đỗi cá nhân Giữa đông đúc bao kẻ xuống người lên ở chuyến xe cuối ngày mệt
Trang 38mỏi ấy, rưng rưng một mối rung động, một tấm chân tình của anh bác sĩ nghèo tên Đoan
Người phụ nữ với tờ bạc 500 000 và Đoan - những con người nhỏ bé lặng lẽ giữa đời thường Chỉ lặng lẽ chạm mặt nhau trên chuyến xe buýt cuối ngày, ở họ không có những kì tích lớn lao, không có những tính cách phi thường, không có hành động nổi bật gây chú ý Những người tưởng chừng chỉ xứng đáng làm nhân vật phụ mờ nhạt trên sân khấu cuộc đời ấy, vẫn tìm được một chỗ đứng đầy trân trọng trong truyện ngắn Ma Văn Kháng Văn của ông là câu chuyện về những con người đời thường như họ Nhà văn trân
trọng kể về họ, về cả tấm rung động chân tình khi “cả hai đều rưng rưng
cảm động khi nhìn thấy nhau” [44, tr165]
Và sau này, dẫu đã biết sự thật cay đắng nguồn gốc tờ bạc 500 000
của chị, dù nghe người ta kháo nhau rằng chị “từ hoa hậu xuống thành
cave”, thì sự biến mất của người phụ nữ trên chuyến xe cuối ngày ấy vẫn
làm Đoan giật mình “mở choàng mắt trong thoảng thốt bàng hoàng” [44,
tr169], khi chuyến xe lặng lẽ lướt qua bến xe quen Chị biến mất, nhưng
“cái bóng nhỏ mỏng mảnh đơn độc xuống xe và chìm vào màn đêm” [44,
tr165] thì sẽ còn ám ảnh khắc sâu trong trí nhớ của Đoan, và những ai đã từng đọc trang văn ấy Bởi chị có thể chỉ là số phận nhỏ bé bị lãng quên giữa đời thường, nhưng sẽ sống trong nỗi nhớ của một người đàn ông yêu thương chị, và một nhà văn trân trọng chị
Viết về người đàn bà tên Bỉnh (Trốn nợ), người phụ nữ đầy dục vọng, quyết liệt, bằng mọi giá làm giàu đến mức liều lĩnh đánh bạc, rồi thua
bạc phải trốn nợ, “một cái bóng ma chập chờn, là bản nháp sơ sài, là mới hồ
sơ tạp nham giữa cuộc đời này thôi, nào ai biết” Cuộc đời này có biết bao
nhiêu người như Bỉnh “ lẫn vào cả ngàn người tứ xứ quần cư ở ngõ phố này
Thì cũng như đám chúng sinh nhan nhản, vật vờ, vô hình, vô ảnh, không bản
Trang 39sắc, diện mạo cá thể, cùng chìm nghỉm vào bối cảnh cõi đời tù mù này, ai
mà biết được, nếu kẻ đó không gây chuyện động trời” [44, tr 69] Chính
“đám chúng sinh nhan nhản” ấy, những giáo Moan, Bỉnh, Thiệu, bác sĩ
Đoan, người phụ nữ áo trắng, người thiếu phụ xinh đẹp với tờ bạc 500.000… sẽ trở thành nhân vật chính trong thế giới nhân vật, thế giới nghệ thuật của truyện ngắn Ma Văn Kháng- nhà văn của những câu chuyện và cuộc sống đời thường
* Ma Văn Kháng – Nhà văn của những con người đời thường: Viết về cuộc sống đời thường, Ma Văn Kháng cũng đồng thời là nhà văn của những con người đời thường Nhận định này có liên quan chặt chẽ đến quan niệm nghệ thuật về con người mà tác giả, thông qua những hình tượng nghệ thuật chân thực mà sống động, đã trình bày trong tác phẩm của mình
Con người đời thường, trong truyện ngắn Ma Văn Kháng, trước hết là một con người đa diện, đa chiều Đó là một hình mẫu hoàn toàn xa lạ với khuôn thước của văn học thời chiến, văn học cách mạng Hoàn cảnh chiến tranh đòi hỏi văn học nghệ thuật phải nhanh chóng chuyển mình, thích ứng với chức năng mới – một thứ vũ khí cổ vũ chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù Con người được xây dựng trong văn học thời đó phải là những người phân biệt rạch ròi thù – bạn, yêu – ghét, địch – ta Tốt – Xấu trở thành hai thái cực
không thể dung hòa Chính vì vậy, kiểu nhân vật lẫn lộn “ người xấu – kẻ
tốt”, “rồng phượng- rắn rết”, “thiên thần – ác quý” rất hiếm, thậm chí hoàn
toàn vắng bóng trong văn học Bước vào thời kì đổi mới, khi cả một thế hệ
nhà văn thừa nhận sự cần thiết phải Đọc lời ai điều cho một giai đoạn văn
học minh họa, quan niệm về con người đời tư, con người đa chiều đã dẫn
đến sự xuất hiện của một thế giới nhân vật phong phú, đầy đặn và cực kì sống động
Trang 40Ma Văn Kháng, cũng như những nhà văn thế hệ sau này, miêu tả con người không như một thực thể đơn nhất, bất biến, hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu Mỗi cá nhân đều là phức hợp muôn vàn đặc điểm, trong số đó có không ít thói tật rất “con người”: Lòng tham, dục vọng, sự đố kỵ, ghen ghét, lòng ích kỉ, thậm chí cả sự bội bạc, phản trắc, xấu xa
Liệu nên coi bà Mùi tổ trưởng trong Trốn nợ là người tốt hay kẻ xấu?
Bà ưa ngồi lê đôi mách, hay đưa chuyện, thích nhòm ngó, chọc ngoáy vào
chuyện gia đình người khác, đến mức khiến Bỉnh muốn “gang mồm” bà ra
Nhưng cũng không thể phủ nhận bà thực tâm lo lắng cho gia đình Thiệu và
Bỉnh, bà chẳng ngần ngại giúp đỡ khi họ rơi vào đường cùng, “hăm nhăm
tết, Thiệu đã phải sang nhà bà Mùi ngửa tay vay mười ngàn bạc để mua gạo cho hai bố con nấu ăn” [44, tr78]
Nhìn cảnh Thoa ( Khách trọ) “mặt đỏ căng, tay lăm lăm chiếc gậy gỗ
lim dài hơn một thước, to tròn bằng ngón tay cái, môi bậm đến nhợt máu, mắt quăng quắc như mắt thú” [44, tr108], trong cơn cuồng nộ với đứa con
trai hư hỏng, thật khó tin rằng cũng chính người đàn bà ấy, đã khiến Quang
sững sờ bởi vẻ đẹp “thuần khiết, cao quý” khi ngồi đan len trong “căn buồng
trưa mùa đông hanh hao, ửng ửng long lanh như rắc kim nhũ vàng”:
“Gương mặt nhìn nhìn nghiêng cắt một lát van vát tinh tế, thanh thản trong
cái áo len vàng màu hoa cúc, với đôi bàn tay xinh xắn đang nhịp nhàng đưa đẩy hai mũi kim đan”[44, tr106] Sự đa diện, phức chiều ấy đã làm nên một
nhân vật đầy góc cạnh Đối lập gay gắt giữa cơn cuồng nộ điên dại với vẻ đẹp dịu dàng, thuần hậu đầy nữ tính của Thoa, để càng chua xót và thấu hiểu
cho nỗi đau của người đàn bà “úp mặt vào tường ri rỉ khóc ở chân cầu
thang” Chị khóc vì nhớ lại câu chị đã thỏ thẻ hỏi Quang hôm nào “ Những khi cáu giận, em xấu xí lắm, phải không anh?” [44, tr110]