TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN 1. Quản lý nhà nước đối với đất đô thị thành phố trực thuộc trung ương là sự tác động liên tục, có định hướng của các cơ quan cấp thành phố trực thuộc trung ương lên đối tượng sử dụng đất nhằm phân bổ tài nguyên đất đô thị theo đúng quy hoạch, kế hoạch và đạt hiệu quả kinh tế cao, xây dựng phát triển đô thị theo hướng toàn diện, hiện đại, văn minh, tăng cường sức cạnh tranh của đô thị trong hội nhập kinh tế quốc tế. 2. Thời gian qua, quản lý nhà nước đối với đất đô thị của thành phố Đà Nẵng có một số bất cập như: (1) công tác quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả thấp; (2) quỹ đất hình thành từ các dự án tái định cư rất lớn nhưng quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến việc để nợ hàng ngàn lô đất tái định cư kéo dài; (3) một số các chính sách đưa ra nhằm quản lý, khai thác đất đô thị như định giá đất, thu hồi, đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với các đối tượng bị mất đất cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng chưa gắn kết với cơ chế thị trường, gây bức xúc trong nhân dân. 3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước đối với đất đô thị của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới: thứ nhất, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo khoa học, minh bạch, với sự đồng thuận cao của nhân dân; thứ hai, hoàn thiện cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tạo lập quỹ đất sạch; thứ ba, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, tránh tình trạng tùy tiện, gây lãng phí nguồn lực đất đô thị; thứ tư, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong điều tra, khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính đất đô thị; thứ năm, hoàn thiện cơ chế thị trường trong quản lý tài chính đối với đất đô thị, góp phần khuyến khích sử dụng đất đô thị tiết kiệm, có hiệu quả; thứ sáu, chú trọng đầu tư và phát triển các dịch vụ công về đất đô thị.