Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế cùng với các nước tiên tiến trên thế giới. Với sự đổi mới đó, nền kinh tế nước ta đã mang lại cho các doanh nghiệp trong nước rất nhiều cơ hội và cũng không ít các thử thách. Với nhiều hình thức sở hữu, nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Các doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải tìm kiếm phương hướng sản xuất kinh doanh cho phù hợp để sản phẩm của mình có thể cạnh tranh trên thị trường và phục vụ được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội. Vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, sử dụng nhiều công cụ quản lý khác nhau, xây dựng quy trình hạch toán kế toán một cách hợp lý mà nhất là kế toán nguyên vật liệu. Trong các doanh nghiệp sản xuất, kế toán nguyên vật liệu đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi vì nguyên vật liệu là một yếu tố đầu vào không thể thiếu được của quá trình sản xuất, nó quyết định chất lượng của sản phẩm đầu ra. Chi phí về nguyên vật liệu chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng giá thành sản xuất. Bất kỳ sự biến động nào về vật liệu sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Ở các doanh nghiệp sản xuất vật liệu có rất nhiều chủng loại khác nhau, do đó yêu cầu quản lý chúng cũng có sự khác nhau. Hơn nữa, kế toán nguyên vật liệu còn cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho các phần hành kế toán khác của doanh nghiệp, giúp cho người quản lý doanh nghiệp lập được các dự toán về vật liệu đảm bảo cho việc cung cấp đủ, đúng chất lượng vật liệu và kịp thời cho sản xuất. Từ đó giúp cho quá trình sản xuất diễn ra nhịp nhàng, đúng kế hoạch và xác định nhu cầu vật liệu tồn kho hợp lý, tránh tình trạng ứ đọng vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động.