CHƯƠNG I. MỞ ĐẦU 1.1. Tính cấp thiết của đề tài. Qua nhiều năm liên tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp tỉnh Bình Dương đạt được nhiều thành tích đáng kể, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2013 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và tăng trưởng một cách ổn định. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội, Quốc phòng an ninh quý I năm 2013 giá trị sản xuất quý I năm 2013 của tỉnh Bình Dương ước đạt 29.906 tỷ đồng, tăng 9,1%. Doanh thu của các doanh nghiệp tăng trong đó, doanh thu doanh nghiệp Nhà nước tăng 8,4%, doanh thu xuất khẩu giảm 9,9%; doanh thu ngoài quốc doanh tăng 18,2%, doanh thu xuất khẩu tăng 13,8%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài doanh thu tăng 4,5%, doanh thu xuất khẩu tăng 12%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 19.325 tỷ đồng, tăng 18,3. Bên cạnh những lợi ích kinh tế xã hội, sự tăng trưởng vượt bậc về công nghiệp kéo theo ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp sản xuất giấy. Tính đến hết tháng 62005, Bình Dương có khoảng hơn 97 nhà máy sản xuất giấy và các sản phẩm giấy, tất cả các nhà máy này đều được xây dựng từ sau năm 1994. Đến nay, đa số các nhà máy đều có hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên do đặc thù nước thải của ngành sản xuất này có lưu lượng và tải lượng các chất gây ô nhiễm cao, công nghệ xử lý nước thải đa dạng nhưng do công tác phòng ngừa ô nhiễm chưa được thực hiện tốt, ý thức vận hành của các doanh nghiệp còn kém, vận hành không đúng quy trình, thiếu sự kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hệ thống… dẫn đến chi phí vận hành cao, xử lý không hiệu quả và không đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam theo quy định. Các nhà máy sản xuất giấy đều tiềm tàng nhiều khả năng gây ô nhiễm môi trường, là một trong các ngành làm suy giảm chất lượng môi trường nước mặt của tỉnh. Đặc biệt bùn thải từ các nhà máy giấy là những chất khó phân hủy, tồn lưu bền trong môi trường và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.