ĐẶT VẤN ĐỀ Khi nói đến đái tháo đường người ta liên tưởng ngay đến biến chứng tim mạch, trong đó hơn 50% bệnh nhân bị biến chứng này ngay từ lần đầu phát hiện bệnh và tỷ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch cũng chiếm hơn 75% bệnh nhân. Điều này nói lên rằng, biến chứng tim mạch đã hình thành ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường. Trong nhiều biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường, biến chứng tim mạch có nguyên nhân gây tử vong cao nhất, chủ yếu liên quan đến bệnh mạch vành. Chính vì thế, bệnh đái tháo đường hiện nay được xem như là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh mạch vành. So với nhóm không có đái tháo đường thì biến chứng và tử vong do bệnh mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 cao gấp 4 đến 6 lần. Mặt khác, biến chứng tim mạch trên bệnh nhân đái tháo đường rất đa dạng và phức tạp, tổn thương nhiều hệ thống mạch máu lớn, mạch máu nhỏ, gây rối loạn chuyển hóa từng tế bào của phần lớn các cơ quan mà thường không có triệu chứng. Trước đây, để phát hiện tổn thương động mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường người ta dùng siêu âm tim hoặc điện tâm đồ để phát hiện thiếu máu cơ tim, nhưng thường những phát hiện này đều ở giai đoạn muộn. Còn muốn phát hiện tổn thương ở giai đoạn sớm hơn cần phải chụp động mạch vành, nhưng trên người đái tháo đường thực hiện phương pháp này lại không đơn giản [21], [38], [49], [95]. Dù nền y học thế giới đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc chẩn đoán và điều trị các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường, nhưng trên thực tế, tỷ lệ tử vong do các biến chứng này còn rất cao. Chính vì thế, việc phát hiện sớm các biến chứng tim mạch ở giai đoạn tiền lâm sàng hết sức quan trọng trong công tác dự phòng, điều trị cũng như tiên lượng bệnh [21], [80]. Cùng với sự phát triển không ngừng của nền y học thế giới, cho đến nay, đã có nhiều phương tiện khảo sát bệnh động mạch vành và được xếp vào hai nhóm chính là kỹ thuật không xâm lấn và xâm lấn. Các kỹ thuật không xâm lấn bao gồm nghiệm pháp gắng sức, chụp cắt lớp với chùm tia điện tử, chụp cắt lớp xoắn ốc, chụp cắt lớp đa mặt cắt và chụp cộng hưởng từ. Còn kỹ thuật xâm lấn gồm có siêu âm nội mạch và chụp động mạch vành bằng phương pháp can thiệp. Hiện nay, chụp động mạch vành bằng catheter nong mạch vành vẫn được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh động mạch vành. Nhưng kỹ thuật này vẫn còn hạn chế là chi phí cao và nhiều biến chứng, chính vì thế nó không thể trở thành một phương tiện tầm soát bệnh động mạch vành trên diện rộng [46], [64], [67], [96]. Trong các kỹ thuật không xâm lấn thì chụp cắt lớp vi tính đang ngày càng khẳng định tính ưu việt của nó, đặc biệt là thế hệ máy mới. Với sự ra đời gần đây của hệ thống chụp cắt lớp vi tính đa lát (Multislice Computed Tomography - MSCT hoặc Multidetector Computed Tomography - MDCT), trong đó hệ thống chụp 64 lát có những thế mạnh vượt trội so với các máy trước [41], [60], [65]. Hiện nay, tại Việt Nam để phát hiện tổn thương động mạch vành trên bệnh nhân đái tháo đường người ta thường dùng phương pháp xâm lấn là chụp động mạch vành bằng catherter, ngược lại, để sử dụng phương pháp không xâm lấn thì rất ít. Cho nên, chính vì lý do này mà chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu tổn thương động mạch vành bằng MSCT 64 lát cắt trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 có chỉ định chụp động mạch vành”. Đề tài này nhằm các mục tiêu sau: 1. Khảo sát tổn thương động mạch vành bằng MSCT 64 lát cắt trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 có chỉ định chụp động mạch vành. 2. Đánh giá mối liên quan giữa tổn thương động mạch vành với tình trạng kiểm soát đái tháo đường và một số các yếu tố nguy cơ phối hợp như tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể, huyết áp, thời gian phát hiện tăng huyết áp, thời gian phát hiện đái tháo đường, glucose máu, HbA1c, lipid máu và hs-CRP.