Hiện tượng chuyển hóa trong Văn học - Trường hợp huyền thoại Hai nguyên tắc nhận thức và cũng là hai nguyên tắc cấu trúc của huyền thoại là tính tương tự (analogy) và tính đồng nhất (identity). Chu kỳ của tự nhiên đã được đồng hoá với chu kỳ của con người sống, chết, tái sinh. Còn sự không đồng nhất giữa thế giới con người sống với thế giới con người thích sống đã tách thành các cõi trong huyền thoại. Trong văn học, những nguyên tắc cấu trúc được xây dựng từ tính tương tự và tính đồng nhất đã trở thành các nguyên tắc cấu trúc của nó. Phép so sánh và phép ẩn dụ của văn học ra đời như vậy. Sự vận động đi lên trong những huyền thoại về mùa xuân, bình minh, sinh nở, cưới hỏi, phục sinh đã trở thành nguyên tắc cấu trúc của hài kịch. Cũng như thế, sự vận động đi xuống trong những huyền thoại về cái chết, sự biến hoá, sự hiến tế với cấu trúc của bi kịch. “Vì thế mối quan hệ giữa thần thoại với văn học được thiết lập bằng cách nghiên cứu các thể loại và qui ước của văn học”. Chính cấu trúc qui ước thể loại của tác phẩm văn học đưa chúng ta đến huyền thoại, và từ đây chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ và đúng hơn về bản thân nó, tức cái mà ông gọi là tác phẩm chứ không phải là đường nét, nếu là bức tranh. Có lẽ vì thế, ông cho rằng không phải cuộc sống làm nên hình dạng văn học như các nhà hiện thực chủ nghĩa quan niệm mà hình dạng ấy chỉ đến từ truyền thống văn học mà khởi nguồn của truyền thống đó là huyền thoại, nghĩa là nó đến từ huyền thoại. Trong một bước triển khai xa hơn, Northrop Frye đi đến một so sánh thú vị huyền thoại và văn học. Nếu văn học được quan niệm như là cái tổng thể thì nó sẽ cung cấp cái khung sườn hoặc ngữ cảnh cho từng tác phẩm văn học cũng giống như hệ huyền thoại phát triển đầy đủ đối với những huyền thoại của nó. Hơn nữa, vì chúng chiếm lĩnh cùng một không gian ngôn từ nên chúng ta có thể tìm thấy khung sườn và ngữ cảnh của tác phẩm văn chương trong hệ huyền thoại nếu chúng ta nhận thức đầy đủ truyền thống văn học của nó. Lúc bấy giờ tác phẩm văn chương sẽ có được chiều kích nghĩa vang dội rộng lớn; một ngữ cảnh như thế sẽ là lửa thử vàng đối với tác phẩm, nói theo cách nói của N. Frye là: “làm cho một tác phẩm văn học chính cống trở nên tuyệt vời còn thứ vàng giả thì thành ra lố bịch”. Những cách làm như vậy, N. Frye gọi là chuyển từ phê bình hiệu quả sang phê bình nguyên nhân, đặc biệt là cái nguyên nhân hình thức (formal cause), bởi vì chính nguyên nhân hình thức là cái gắn kết tác phẩm văn học lại với nhau. Bấy giờ “văn chương là một hệ huyền thoại được tái xây dựng với những nguyên tắc cấu trúc xuất phát từ những nguyên tắc cấu trúc của huyền thoại”. Theo Northrop Frye, “huyền thoại là một quyền lực thông tin trung tâm cung cấp ý nghĩa cổ mẫu cho nghi lễ và câu chuyện cổ mẫu cho lời sấm truyền. Vì thế huyền thoại là cổ mẫu, mặc dù có thể là thích hợp khi ta đề cập huyền thoại là ám chỉ đến câu chuyện, và cổ mẫu là nói về ý nghĩa”. Có lẽ chúng ta cần nhìn lại ý kiến này trong mối quan hệ văn học với huyền thoại. N. Frye cho rằng văn học là nằm giữa âm nhạc và hội hoạ. Chính ngôn từ của văn học hình thành các nhịp điệu tiếp cận một chuỗi âm thanh mang tính nhạc, đồng thời tạo nên những mẫu hình tiếp cận các hình ảnh theo nhiều cách. Nhịp điệu là câu chuyện, là sự vận động tuyến tính; mẫu hình là tinh thần, là nghĩa hoặc ý nghĩa của cấu trúc ngôn từ. Nhịp điệu được xây dựng trên chu kỳ tự nhiên; sự biểu hiện tương hợp, đồng bộ hoá của sinh thể với môi trường tự nhiên làm ra nghi lễ, ví dụ điệu nhảy của chim, phong tục dân gian của người. Như vậy chúng ta tìm thấy cội nguồn của tự sự trong nghi lễ. (Một cách nào đó, chúng ta thấy ngay ở đây N. Frye đã hợp nhất Frazer với Jung). Thực thể nghi lễ là các hành động diễn ra trong thời gian, nơi đó nghĩa và ý nghĩa tiềm tàng. Nguồn gốc của những ý nghĩa này hay những mẫu hình hình tượng (một cách gọi khác của cổ mẫu) này, theo N. Frye, là bí hiểm, bắt nguồn từ thoáng chốc hiển linh, từ ánh chớp của sự lĩnh hội (*) . Trong văn học, cổ mẫu hiện lên trong cấu trúc ngôn từ, thậm chí trong những con chữ được tác giả sử dụng một cách đặc biệt như trường hợp lặp phụ âm đầu chẳng hạn. Và như thế, hai thành tố chúng ta vẫn thường quan tâm của văn học đã có nguồn gốc trong huyền thoại (và nghi lễ). Về phương diện thể loại văn học, cấu trúc văn học và phương thức tự sự, chúng ta có cảm giác như là N. Frye đã thay thế cái vô thức tập thể của người sáng tác bằng cái vô thức của thể loại. Nói như Bakhtine là ký ức thể loại. Còn N. Frye lần ngược lên tới huyền thoại. Cái ký ức (thể loại) huyền thoại đó đã chi phối người sáng tác một cách vô thức. Huyền thoại đã thâm nhập vào văn học theo cách như vậy, ngay cả đối với những thành phần nhỏ hơn của văn học như thủ pháp so sánh, ẩn dụ… Dưới cái nhìn của N. Frye, đó không đơn thuần là hiện tượng chuyển hoá của huyền thoại trong văn học mà là hiện tượng huyền thoại hoá văn học. Điều này gợi ra một hình thức phê bình tổng thể mà trước hết là phê bình huyền thoại. Những đóng góp của N. Frye là không thể phủ nhận, và một viễn cảnh phê bình như thế theo sự đòi hỏi của N. Frye, trong bối cảnh nhất định của chúng ta hiện nay, là cần thiết. Trong thực tế, chúng ta không phủ nhận sự tác động của vô thức trong sáng tác nhưng có lẽ những tác động như thế là không xuyên suốt, không thường xuyên, và không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, không phải lúc nào cũng mang tính quyết định. Bằng chứng là có tác phẩm đã phải được tác giả sửa chữa nhiều lần trước khi công bố. Trong một chuyên luận về E. Hemingway (*) , chúng tôi đã bày tỏ quan điểm của chúng tôi về vấn đề này. Sự tương ứng giữa mẫu số chung là mô hình quan niệm về thế giới của tác giả với tử số hệ thống các yếu tố nghệ thuật bất định nhưng tương ứng cho phép những ánh chớp của vô thức tràn vào trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Nhưng những tác động mà chúng tôi quan niệm bấy giờ của vô thức không phải là phá vỡ cái tổng thể tác phẩm. (Tất nhiên lúc đó chúng tôi đứng trên một cơ sở khác để khảo sát tác phẩm của E. Hemingway). Trong trường hợp sự thâm nhập của huyền thoại vào văn học như một hiện tượng chuyển hoá phải được quan sát dưới cái nhìn tổng thể; nghĩa là một khi thâm nhập vào tác phẩm văn học, huyền thoại đã chi phối cái cấu trúc tổng thể của tác phẩm. Sự chuyển hoá như thế của huyền thoại sẽ tạo nên sự thay đổi cơ bản đối với tác phẩm. Nó kéo tác phẩm khỏi tình trạng phản ánh đơn điệu như là kiểu bày ra nghĩa; nó đưa tác phẩm thoát khỏi tình trạng khô cứng cùng với môi trường sống. Tóm lại, nó tạo được những độ giãy sóng mới và còn mãi của tác phẩm đối với người đọc. Một sự chuyển hoá như thế, theo tôi, không phải bao giờ cũng đến từ vô thức của người sáng tác, dẫu là vô thức tập thể. Cho đến đây, chúng ta sơ bộ hình dung hiện tượng chuyển hoá của huyền thoại trong văn học bằng con đường vô thức tập thể với những cổ mẫu nhân cách hoá, những cổ mẫu dịch biến của C. Jung hoặc bằng con đường thâm nhập một cách vô thức của nguyên tắc nhận thức, nguyên tắc cấu trúc đặc biệt những qui ước thể loại của huyền thoại đối với văn học. Theo chúng tôi, chúng ta cũng có thể nói đến sự thâm nhập của huyền thoại vào văn học hay là sự chuyển hoá của huyền thoại bằng con đường ý thức. (Có thể điều này không ngược với quan điểm của N. Frye). Sự tiếp nhận của nhà văn đối với huyền thoại là một thực tế không thể phủ nhận, đặc biệt với môi trường văn hoá dân gian. Tất cả trở thành thứ kiến thức và đến một lúc nào đó nó chuyển hoá thành chất liệu sáng tạo. Cái lúc nào đó chính là lúc chất liệu huyền thoại kia, chất liệu văn hoá dân gian kia tương hợp hay là nó làm phát sáng cái chất liệu thực của đời sống đã trở thành máu thịt của tác giả. Chính vì thế mà chất liệu huyền thoại thường là không hiện ra trọn vẹn, nó có thể được nhà văn “đọc lại”; cấu trúc của nó có thể thay đổi, những mô tip có thể bị đảo ngược, một số yếu tố có thể bị lược bỏ, thậm chí trong nhiều trường hợp tác giả chỉ giữ lại cái yếu tố “thần” như kiểu vận dụng hoa đào năm ngoái còn cười gió đông của Nguyễn Du. Đó là những thành tố, thậm chí những dấu vết, gợi lên cái yếu tố cổ sơ của huyền thoại, cái cảm thức siêu nhiên của huyền thoại như là cuộc tái sinh của chính thể loại trong một dạng hình khác. Bài thơ Con quạ của Edgar Allan Poe, Moby Dick hay là cá voi trắng của Herman Melville, Biến dạng của Kafka hay Mắt biếc và Người yêu dấu của Toni Morrison là như thế. Và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác là như thế. Sự chuyển hoá của huyền thoại là một hiện tượng có thực trong sáng tác văn học, và hiện tượng này đã làm nên những giá trị thật bất ngờ cho văn học. Lịch sử văn học đã chứng minh điều ấy. Hiện tượng này hẳn nhiên sẽ còn tiếp tục một khi nhà văn có cơ may gắn với/ tiếp cận với truyền thống văn hoá của cộng đồng và nhân loại. Vì thế, trong một cách nhìn nào đó, phê bình huyền thoại vẫn đáng được quan tâm. Tất nhiên bản chất liên ngành của nó cần được chú ý đúng mức, và bản thân nó phải không ngừng mở ra những hướng đi mới. Những nỗ lực của N. Frye đã nói như thế . hơn của văn học như thủ pháp so sánh, ẩn dụ… Dưới cái nhìn của N. Frye, đó không đơn thuần là hiện tượng chuyển hoá của huyền thoại trong văn học mà là hiện tượng huyền thoại hoá văn học. Điều. Sự chuyển hoá của huyền thoại là một hiện tượng có thực trong sáng tác văn học, và hiện tượng này đã làm nên những giá trị thật bất ngờ cho văn học. Lịch sử văn học đã chứng minh điều ấy. Hiện. Trong trường hợp sự thâm nhập của huyền thoại vào văn học như một hiện tượng chuyển hoá phải được quan sát dưới cái nhìn tổng thể; nghĩa là một khi thâm nhập vào tác phẩm văn học, huyền thoại