1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Tài liệu tham khảo: Một số chuyên đề Triết học phương Đông cổ đại - Some topics of ancient oriental philosophy

91 0 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Nội dung

Trang 1

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP HỒ CHÍ MINH

TÀI LIỆU THAM KHẢO

MỘT SỐ CHUYÊN ĐỀ TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG CỔ ĐẠI

Some topics of ancient oriental philosophy (Used for master student and PhD student)

Chủ biên

PGS.TS Trần Mai Ước

Thành viên tham gia

TS Đặng Thị Phương Anh TS Mai Thị Hạnh ThS Nguyễn Thị Thanh Bình

ThS Vũ Tiến Đức ThS Nguyễn Thị Thu Hiền

TS Phan Thị Thu Thúy ThS Đoàn Thị Hồng Minh (TK)

ThS Đoàn Võ Việt ThS Lương Vân Hà ThS Lê Thị Ngọc Nữ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2022

Trang 2

MỤC LỤC

LỜI MỞ ĐẦU 3

Chương 1: KHÁI LUẬN VỀ TRIẾT HỌC, LỊCH SỬ TRIẾT HỌC 5

1.1 Khái lược và đối tượng nghiên cứu của triết học 5

1.2 Khái lược và đối tượng nghiên cứu của lịch sử triết học 8

1.3 Những đặc điểm chung có tính qui luật của sự hình thành, phát triển lịch sử triết học và phân kỳ lịch sử triết học 9

Chương 2: MỘT SỐ TRƯỜNG PHÁI TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG CỔ ĐẠI TIÊU BIỂU 15

2.1 Khái quát điều kiện ra đời của triết học cổ đại Ấn Độ 15

2.3 Khái quát điều kiện ra đời của triết học cổ đại Trung Quốc 28

2.4 Triết học cổ đại Trung Quốc 29

3.1.1 Một số đặc điểm của triết học cổ đại Ấn Độ 53

3.1.2 Một số đặc điểm của triết học cổ đại Trung Quốc 54

3.1.3 Một số nhận xét rút ra 55

3.2 Giá trị triết học Phương Đông cổ đại trong giai đoạn hiện nay 56

3.2.1 Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao 56

3.2.2 Giáo dục đạo đức, bản lĩnh chính trị cho thanh niên 66

3.2.2 Vận dụng vào việc quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay 73

3.2.4 Vận dụng vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Namquản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay 83

KẾT LUẬN 86

TÀI LIỆU THAM KHẢO 88

Trang 3

LỜI MỞ ĐẦU

Alfred North Whitehead (1861-1947) nhà toán học và triết học người Anh đã từng nhận xét rằng: Truyền thống triết học châu Âu chỉ là một loạt các chú thích cho triết học Plato1, trong một chừng mực nào đó, chúng tôi cũng muốn mượn ý tưởng này để đi đến nhận định rằng: Triết học cổ đại Ấn Độ và triết học cổ đại Trung Quốc là một trong những chiếc nôi văn minh của nhân loại, chứa đựng tinh thần nhân bản, nhân văn sâu sắc Tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử triết học nói chung trong đó có triết học cổ đại Ấn Độ và triết học cổ đại Trung Quốc nói riêng cho chúng ta khả năng hiểu biết và khái quát sự phát triển lịch sử tư tưởng triết học của nhân loại, nắm bắt được quá trình hình thành và

phát triển của những phương pháp nhận thức khoa học

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế Đạt được những thành tựu đó, một trong những yếu tố góp phần quan trọng chính là nhờ đổi mới tư duy, nhất là đổi mới tư duy lý luận, hiện nay chúng ta đang tiếp tục công tác tổng kết thực tiễn, đặc biệt thực tiễn của 35 năm đổi mới nhằm bổ sung, phát triển lý luận phục vụ công cuộc phát triển đất nước Việc đi vào tìm hiểu triết học cổ đại Ấn Độ và triết học cổ đại Trung Quốc không những cho chúng ta biện pháp cần thiết để nghiên cứu, đánh giá một học thuyết triết học trong lịch sử, mà còn góp phần quan trọng trong quá trình rèn luyện, phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, qua đó góp phần đắc lực trong sự phát triển khoa học

nói riêng cũng như trong sự phát triển xã hội nói chung

1 The safest general characterization of the European philosophical tradition is that it consists of a series of footnotes to Plato - Alfred North Whitehead, Process and Reality, p 39, Nxb Free Press, 1979

Trang 4

Tài liệu tham khảo cung cấp thông tin hữu ích và cần thiết cho sinh viên, học viên cao học, giảng viên và quý vị quan tâm trong việc tiếp cận nội dung, những đặc điểm, những nhận định, các giá trị của tư tưởng triết học cổ đại Ấn Độ và triết học cổ đại Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay Với những lý do trên, chúng tôi chọn “Một số chuyên đề Triết học Phương Đông cổ đại (Dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh)” làm chủ đề cho tài liệu tham khảo của nhóm Mặc dù chúng tôi đã hết sức cố gắng trong quá trình biên soạn, song tài liệu tham khảo không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, phê bình của bạn đọc và quý vị quan tâm để tài liệu

tham khảo được hoàn thiện hơn

Trang 5

Chương 1

KHÁI LUẬN VỀ TRIẾT HỌC, LỊCH SỬ TRIẾT HỌC

1.1 Khái lược và đối tượng nghiên cứu của triết học

Triết học với tính cách là một hình thái ý thức xã hội ra đời từ khoảng thế kỷ VIII – VI TCN, cả ở phương Đông và phương Tây Theo người Ấn Độ, triết học đọc là “darshana”, có nghĩa là sự chiêm ngưỡng, là con đường suy ngẫm để dẫn dắt con người đến với lẽ phải Thuật ngữ “triết” theo tiếng Hán nghĩa là “trí”, sự hiểu biết về mặt đạo lý, sự nhận thức thế giới một cách sáng suốt, sâu rộng Trong tiếng Hi Lạp cổ, thuật ngữ “phylosophy” có nghĩa là yêu mến sự thông thái Các nhà triết học luôn luôn tò mò về thế giới, con người, sự tồn tại, các giá trị, hiểu biết và bản chất sự vật, hiện tượng Khi mới xuất hiện, triết học được hiểu theo nghĩa khá rộng Những tri thức triết học bao gồm rất nhiều tri thức thuộc các lĩnh vực khoa học khác Vì vậy, các nhà triết học thời kỳ này thường được gọi chung là các nhà thông thái Về sau, do khoa học ngày càng phát triển nên cách hiểu cũng như đối tượng nghiên cứu của triết học cũng ngày càng được thu hẹp dần, chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản của tồn tại và nhận thức đối với tồn tại đó

Nhìn chung, dù ở phương Đông hay phương Tây, triết học ngay từ đầu đã là một hoạt động tinh thần biểu hiện khả năng nhận thức, đánh giá của con người, nó tồn tại với tư cách là một hình thái ý thức xã hội Theo quan điểm

mácxít, với tính cách là một hình thái ý thức xã hội, triết học là hệ thống lý luận

chung nhất của con người về thế giới, vai trò, vị trí của con người trong thế giới đó Khác với các bộ môn khoa học khác, mục đích của triết học là giải

quyết các vấn đề cơ bản của bản thể luận (lý luận về bản thể hay tồn tại) và nhận thức luận (lý luận về nhận thức) Ngoài ra, triết học cũng quan tâm đến các vấn đề khác như đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, v.v Trong lịch sử, những người nghiên cứu, đồng thời có những đóng góp cho sự phát triển triết học thường được gọi là triết gia hay nhà triết học

Trang 6

Cũng giống như các nhà khoa học khác, triết học cũng có đối tượng nghiên cứu của nó Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đối tượng của triết học thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử Ngay từ khi mới ra đời, triết học được xem là hình thái cao nhất của tri thức, bao hàm trong nó tri thức về tất cả các lĩnh vực không có đối tượng riêng Đây là nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh

quan niệm cho rằng, triết học là khoa học của mọi khoa học, đặc biệt là ở triết

học tự nhiên của Hy Lạp cổ đại Thời kỳ này, triết học đã đạt được nhiều thành

tựu rực rỡ mà ảnh hưởng của nó còn in đậm đối với sự phát triển của tư tưởng triết học ở Tây Âu Thời kỳ Trung cổ, ở Tây Âu, khi quyền lực của Giáo hội bao trùm mọi lĩnh vực đời sống xã hội thì triết học trở thành “tôi tớ” của thần học Do bị tôn giáo khống chế nên nền triết học tự nhiên truyền thống đã bị thay bằng nền triết học kinh viện Triết học lúc này phát triển một cách chậm chạp trong môi trường chật hẹp của suốt thời kỳ Trung cổ ở các nước phương Tây Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học vào thế kỷ XV, XVI đã tạo cơ sở tri thức vững chắc cho sự phục hưng triết học Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là yêu cầu của sản xuất công nghiệp, các bộ môn khoa học chuyên ngành, nhất là các khoa học thực nghiệm đã ra đời với tính cách là những khoa học độc lập Sự phát triển của xã hội được thúc đẩy bởi sự hình thành và củng cố quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, bởi những phát hiện lớn về địa lý và thiên văn, cùng những thành tựu khác của cả khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn đã mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển triết học Chủ nghĩa duy vật dựa trên cơ sở tri thức của khoa học thực nghiệm đã phát triển nhanh chóng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo và đã đạt tới đỉnh cao mới trong chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII – XVIII ở Anh, Pháp, Hà Lan, với những đại biểu tiêu biểu như Ph Bêcơn, T.Hốpxơ (Anh), Đ Điđrô, C Henvêtiuýt (Pháp), B Xpinôda (Hà Lan), … V.I Lênin đặc biệt đánh giá cao công lao của các nhà duy vật Pháp thời kỳ này đối với sự phát triển chủ nghĩa duy vật trong lịch sử triết học trước Mác Mặt khác, tư duy triết học cũng được phát triển trong các học thuyết triết học duy tâm mà đỉnh cao là triết học G Hêghen, đại biểu xuất sắc của triết học cổ điển Đức

Trang 7

Sự phát triển của các bộ môn khoa học độc lập chuyên ngành cũng từng bước làm phá sản tham vọng cho những ai coi triết học là “khoa học của các khoa học” Triết học G Hêghen là học thuyết triết học cuối cùng mang tham vọng đó G Hêghen tự coi triết học của mình là một hệ thống phổ biến của sự nhận thức, trong đó những ngành khoa học riêng biệt chỉ là những mắt khâu phụ thuộc vào triết học Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học vào đầu thế kỷ XIX đã dẫn đến sự ra đời của triết học Mác Đoạn tuyệt triệt để với quan niệm “khoa học của các khoa học”, triết học mácxít xác định đối tượng nghiên cứu của mình là phải tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các câu trả lời dựa trên cơ sở khoa học về mối quan giữa hệ tồn tại và tư duy hay giữa vật chất và ý thức; tiếp tục đi sâu nghiên cứu và tìm ra những mối quan hệ chung, phổ biến của cả ba lĩnh vực của thế giới: tự nhiên, xã hội và đời sống tinh thần

Triết học nghiên cứu thế giới bằng phương pháp của riêng mình khác với mọi khoa học cụ thể Nó xem xét thế giới như một chỉnh thể và tìm cách đưa ra một hệ thống các quan niệm về chỉnh thể đó Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách tổng kết toàn bộ lịch sử của khoa học và lịch sử của bản thân tư tưởng triết học Triết học là sự diễn tả thế giới quan bằng lý luận Chính vì tính đặc thù như vậy của đối tượng triết học mà vấn đề tư cách khoa học của triết học và đối tượng của nó đã gây ra những cuộc tranh luận kéo dài cho đến ngày nay Nhiều học thuyết triết học hiện đại ở phương Tây muốn từ bỏ quan niệm truyền thống về triết học, xác định đối tượng nghiên cứu riêng cho mình như mô tả những hiện tượng tinh thần, phân tích ngữ nghĩa, chú giải văn bản, v.v

Mặc dù vậy, cái chung trong các học thuyết triết học là nghiên cứu những vấn đề chung nhất của giới tự nhiên, của xã hội và con người, mối quan hệ của con người nói chung, của tư duy con người nói riêng với thế giới xung quanh

Trang 8

1.2 Khái lược và đối tượng nghiên cứu của lịch sử triết học

Khoa học lịch sử triết học nghiên cứu lịch sử phát triển của tư tưởng triết học qua mỗi bước phát triển xã hội, trước hết là lịch sử phát sinh, hình thành phát triển và đấu tranh của hai khuynh hướng triết học cơ bản - chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm

Đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm là lôgíc nội tại xuyên suốt lịch sử triết học từ cổ đại đến đương đại Nhưng đó là "đấu tranh và thống nhất các mặt đối lập" trong sự phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Do vậy nghiên cứu lịch sử phát triển của lịch sử triết học không chỉ đơn giản là đem đối lập một học thuyết triết học này với một học thuyết triết học khác hay giữa các thời đại triết học khác nhau, giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây, mà trái lại, cần phải thấy phương diện giao nhau, tiếp cận lẫn nhau và trong điều kiện nhận định có sự chuyễn hóa lẫn nhau

Trong quá trình tranh đấu với các thuyết đối lập, thì mỗi học thuyết triết học nhất định cũng tự đấu tranh với bản thân mình để vươn lên một trình độ mới, đáp ứng nhu cầu của lịch sử đang đòi hỏi nó

Khoa học lịch sử triết học cũng nghiên cứu lịch sử phát sinh, hình thành và phát triển của hai phương pháp nhận thức đối lập nhau là phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình, lịch sử đấu tranh giữa chúng Cuộc đấu tranh này gắn liền hữu cơ với cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng triết học cơ bản - chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm

Khi nghiên cứu phương pháp siêu hình và phương pháp biện chứng, cũng không thể giản đơn đem gắn liền phương pháp này với chủ nghĩa duy vật, và phương pháp kia với chủ nghĩa duy tâm Lịch sử phát triển của triết học cũng chứng tỏ rằng, trong những trường hợp cụ thể phương pháp siêu hình có thể trên cở sở duy vật cũng có thể trên cở sở duy tâm; phương pháp biện chứng có thể gắn liền với chủ nghĩa duy vật hoặc lấy chủ nghĩa duy tâm làm cơ sở

Nhiệm vụ của khoa học lịch sử triết học là nêu ra những qui luật phát triển của tư tưởng triết học và lôgíc nội tại của quá trình phát sinh, phát triển của các hệ thống triết học thông qua sự khái quát từ các sự kiện trong triết học

Trang 9

và từ nội dung những hệ thống triết học trong quá trình diễn biến của chúng Nó nghiên cứu một cách trung thực khách quan lịch sử phát triển của tư tưởng triết học với những sắc thái khác nhau của nền triết học của mỗi dân tộc với những đặc điểm và phong cách khác nhau trong sự hòa quyện với đặc điểm văn hóa dân tộc; trong sự giao lưu tư tưởng của nước này, dân tộc này với nước khác, dân tộc khác và của các thời đại khác nhau Nó vạch ra bản chất của các học thuyết triết học trong sợi dây liên hệ giữa quá khứ và hiện đại, chỉ rõ những giá trị lịch sử và những hạn chế của mỗi học thuyết, xác định nguồn gốc xã hội và nguồn gốc nhận thức của chúng

Lịch sử triết học về bản chất là lịch sử phát sinh và phát triển của thế giới quan duy vật khoa học trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm Do đó, khoa học lịch sử triết học phải làm sáng tỏ vai trò chân chính của chủ nghĩa duy vật trong lịch sử tư tưởng triết học phản tiến bộ trong quá khứ và hiện đại

1.3 Những đặc điểm chung có tính qui luật của sự hình thành, phát triển lịch sử triết học và phân kỳ lịch sử triết học

Điều kiện kinh tế - xã hội, sự phát triển của thực tiễn và khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, xét đến cùng, giữ vai trò quyết định nội dung các học thuyết triết học Trong chừng mực nhất định quyết định cả hình thức thể hiện của các học thuyết triết học đó Song hệ tư tưởng triết học có tính độc lập tương đối, có lôgíc nội tại và tác động trở lại đối với những điều kiện vật chất làm nền tảng cho nó

Đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm chỉ là một hình thức đặc biệt của sự giao lưu tư tưởng triết học trong toàn bộ lịch sử của nó Các hệ thống triết học không chỉ có sự giao lưu trong phạm vi các tư tưởng triết học mà còn có sự giao lưu với tư tưởng chính trị, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật Nhờ có sự giao lưu tư tưởng đã dẫn đến thực tế là: có dân tộc yếu kém về trình độ kinh tế so với các dân tộc khác đương thời nhưng lại có trình độ phát triển tương đối cao về triết học, vượt xa các dân tộc khác

Trang 10

Triết học của mỗi thời đại bao giờ cũng lấy tài liệu tư tưởng triết học nhất định trước nó truyền lại làm tiền đề Nhưng bao giờ cũng được lí giải, được sửa lại và phát triển theo tinh thần và điều kiện lịch sử của thời đại mà nó là đại biểu về tư tưởng Đó là phủ định biện chứng trên con đường phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Lịch sử tư tưởng triết học không đơn thuần là tổng số những hệ thống triết học được hình thành trong từng nước riêng lẻ, trái lại, nó có sự thống nhất và liên hệ lẫn nhau của những điều kiện dân tộc và quốc tế trong sự phát triển của nó

Từ những đặc điểm chung của sự hình thành và phát triển của lịch sử tư tưởng triết học có thể rút ra những yêu cầu về mặt phương pháp luận của việc nghiên cứu lịch sử triết học:

- Nghiên cứu lịch sử triết học phải đặt trong mối quan hệ phụ thuộc của nó vào đời sống vật chất của xã hội, trước hết là phụ thuộc vào cơ sở kinh tế Đồng thời phải vạch ra sự tác động trở lại của nó đối với điều kiện kinh tế xã hội làm nền tảng cho nó

- Nghiên cứu lịch sử triết học phải dựng lại một cách trung thực, khách quan lịch sử phát triển tiến bộ của tư tưởng triết học, đó là phủ định biện chứng bao hàm sự cải tạo có phê phán thành tựu của quá khứ, duy trì tất cả những gì có giá trị chứa đựng trong những thành tựu của cả triết học phương Đông và phương Tây với những đặc điểm và phong cách vốn có của chúng Chống thái độ gò ép và áp đặt cho lịch sử cái mà nó không có thậm chí xuyên tạc lịch sử theo ý muốn chủ quan nhằm phục vụ cho một mục đích nào đó

- Triết học khái quát về lí luận sự phát triển của nhận thức, nó liên hệ mật thiết với sự phát triển khoa học tự nhiên và khoa học xã hội Cho nên nghiên cứu lịch sử triết học không những phải đặt nó trong mối quan hệ đời sống với thực tiễn lịch sử mà còn xác định mối quan hệ mật thiết của nó với các khoa học, với tư tưởng chính trị, pháp quyền, nghệ thuật, tôn giáo

Lịch sử triết học là một khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử tư duy triết học của nhân loại được biểu hiện thành lịch sử các hệ thống triết học nối tiếp nhau trong suốt hơn hai ngàn năm nay từ Đông sang Tây, từ cổ đại đến

Trang 11

nay Việc nghiên cứu như vậy cho phép chỉ ra những tính qui luật cơ bản của lịch sử tư duy triết học nhân loại đã phát sinh và phát triển như thế nào Đồng thời việc nghiên cứu này cũng cho phép đánh giá những giá trị và hạn chế lịch sử của các hệ thống triết học trong lịch sử và chứng minh rằng sự ra đời của triết học Mác-Lênin (từ giữa thế kỷ XIX) là thành quả cao nhất của tư duy triết học nhân loại

Những tính qui luật cơ bản của lịch sử triết học được coi là những nguyên tắc cơ bản cần được nắm vững khi tìm hiểu về lịch sử triết học Đó là những tính qui luật sau đây

Một là: Những tư tưởng triết học của một thời đại, một giai đoạn nào đó,

suy đến cùng, chỉ là sự phản ánh dưới hình thức “kết tinh” những yêu cầu lịch sử, khả năng thực tế lịch sử của thời đại, của giai đoạn lịch sử đó nhằm đáp ứng những đòi hỏi khách quan của lịch sử

Điều này cho thấy việc nghiên cứu lịch sử triết học phải luôn luôn xuất phát từ những bối cảnh lịch sử nhất định Xa rời bối cảnh lịch sử sẽ không thể nắm được thực chất, nội dung của các hệ thống triết học quá khứ, sẽ thiếu sự chính xác trong việc đánh giá chúng

Hai là: cuộc đấu tranh của các quan điểm triết học: Duy vật – duy tâm,

biện chứng – siêu hình, v.v … cũng như sự kế thừa lẫn nhau giữa các hệ thống triết học cùng thời đại hay từ quá khứ là mối liên hệ nội tại của quá trình biến đổi và phát triển của lịch sử triết học Không nắm vững điều này có nguy cơ trình bày lịch sử triết học không trong một quá trình liên tục của các gián đoạn và sự khác biệt

Cũng cần tránh một xu hướng giản đơn chỉ biết đem đối lập – bài trừ giữa các hệ thống, các trường phái triết học mà cần thấy ngay trong sự đối lập bài trừ đã có sự thống nhất và kế thừa

Trong lịch sử triết học, có thể phân kỳ lịch sử triết thành các giai đoạn cơ bản sau:

• Triết học thời cổ đại, gồm: + Triết học Trung hoa cổ đại

Trang 12

+ Triết học Ấn Độ cổ đại + Triết học Hy Lạp cổ đại

• Triết học các nước Tây Âu thời Trung cổ

• Triết học các nước Tây Âu thời phục Hưng và cận đại • Triết học cổ điển Đức

• Triết học Mác-Lênin

• Triết học phi mác xít giữa thế kỷ XIX-XX

+ Vào những năm 40-60 của thế kỷ XIX, trong triết học Tây Âu, các hình thái kinh điển của chủ nghĩa duy tâm trượt vào sự thoái trào Là sự phản ứng với triết học duy tâm (trước hết với triết học cổ điển Đức), xuất hiện "chủ nghĩa duy vật tầm thường" mang tính siêu hình, máy móc; dựa trên tính đặc biệt của nhận thức, chủ nghĩa duy vật tầm thường đã đồng nhất nhận thức với các hiện tượng và các quá trình vật chất Vào thế kỷ thứ XIX, xuất hiện "chủ nghĩa thực chứng" - đó là trường phái triết học duy tâm chủ quan, phủ định tính thế giới quan của triết học, giải thích cơ sở của thế giới bằng ý chí, như là cái tự phát ban đầu Vào những năm 70-80 của thế kỷ XIX, dưới khẩu hiệu "Quay lại với Cantơ", xuất hiện "chủ nghĩa Cantơ mới", chủ nghĩa này được phát triển tiếp vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

+ Từ những năm 70 của thế kỷ XIX đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bắt đầu hình thành các trường phái chính của triết học không mácxít của thế kỷ XX

+ Vào đầu thế kỷ XX, "chủ nghĩa thực dụng" đã gây được ảnh hưởng lớn, chủ nghĩa này có xuất phát điểm từ sự lý giải chân lý chỉ là điều có ích thiết thực mà phủ định những lợi ích khách quan của cá nhân

+ Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng xuất hiện trường phái "triết học cuộc sống"

+ Những năm 20 của thế kỷ XX, xuất hiện "chủ nghĩa tự nhiên mới" + Vào những năm 20-30 của thế kỷ XX, xuất hiện "chủ nghĩa tự nhiên phê phán"- như là sự phản ứng lại chủ nghĩa tự nhiên mới

Trang 13

+ Nửa đầu đến giữa thế kỷ XX, một trong những hướng chính của triết học Phương Tây là "chủ nghĩa thực chứng mới", chủ nghĩa này phủ định khả năng của triết học như là khả năng của học thuyết lý luận nhận thức của những vấn đề mang tính thế giới quan, đối lập khoa học với triết học, đưa nhiệm vụ của triết học tới sự phân tích lôgíc ngôn ngữ của khoa học Đồng thời, những đại biểu trên của chủ nghĩa thực chứng mới đã có những vai trò nhất định trong việc phát triển lôgíc hình thức hiện đại Các trường phái chính của chủ nghĩa thực chứng mới là "chủ nghĩa lôgíc kinh nghiệm", "chủ nghĩa lôgic thực dụng" và "triết học ngôn ngữ học" Nửa đầu đến giữa thế kỷ XX, "chủ nghĩa cá nhân" cũng có được sự ảnh hưởng nhất định nào đó - đây là xu hướng tôn giáo - duy tâm, cho rằng cá nhân cao hơn giá trị tinh thần, còn toàn bộ thế giới - đó là sự thể hiện tính tích cực của "cá nhân cao nhất"- Chúa Trời

+ Một trong những hướng chủ đạo của triết học Tây Âu giữa thế kỷ XX là "chủ nghĩa hiện sinh" Hướng chính của chủ nghĩa đó là "chủ nghĩa hiện sinh "vô thần" và "chủ nghĩa hiện sinh tôn giáo" Vấn đề con người được chủ nghĩa này đặt lên hàng đầu, chủ nghĩa hiện sinh không xem xét con người như là thực thể tự nhiên và xã hội mà xem xét nó như là sự tồn tại (hiện sinh) tinh thần - khả năng "tồn tại (hiện sinh)", được thực hiện trong hành động lựa chọn mang tính tự do tuyệt đối

+ Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, các trường phái triết học trên đây đánh mất dần sự ảnh hưởng của mình Nổi lên những trường phái triết học như triết học nhân bản, chủ nghĩa cấu trúc, trường phái Phranphuốc, chủ nghĩa duy lý phê phán, chủ nghĩa hậu thực chứng các loại của triết học, các phương án hiện tại của "triết học phân tích", những trường phái triết học này thể nghiệm bằng con đường thay đổi các vấn đề và phương pháp nghiên cứu để khắc phục những khó khăn và mâu thuẫn của các tư tưởng triết học Phương Tây

+ Vào những năm 80 của thế kỷ XX, trường phái "chủ nghĩa duy vật khoa học" và các dạng khác nhau của chủ nghĩa hiện thực khoa học đã có những ảnh hưởng nhất định lên tư tưởng triết học Tây Âu, đặc biệt là trong triết học và phương pháp luận khoa học

Trang 14

Sự phân kỳ như vậy cho phép nhìn nhận lịch sử triết học diễn ra như một quá trình phát sinh, phát triển tương ứng với sự phát triển của lịch sử nhân loại đã trải qua các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau từ trình độ thấp đến trình độ cao

Ý nghĩa của các việc nghiên cứu lịch sử triết học

• Nghiên cứu lịch sử triết học cho ta khả năng hiểu biết và khái quát tư tưởng triết học của nhân loại; nắm được những kinh nghiệm của sự nhận thức khoa học; góp phần xây dựng phương pháp tư duy đúng đắn

• Nghiên cứu lịch sử triết học giúp người ta thâu tóm trí tuệ của mỗi thời đại lịch sử được kết tinh trong triết học, nhằm làm giàu trí tuệ cho mỗi người

• Nghiên cứu lịch sử triết học giúp ta nhận rõ tính chất đúng đắn, tiến bộ của thế giới quan duy vật khoa học và tính chất hạn chế, sai lầm của thế giới quan duy tâm

• Nghiên cứu lịch sử triết học giúp ta thấy rõ sự xuất hiện triết học Mácxít là tất yếu lịch sử, phù hợp với lôgíc khách quan của sự phát triển nhân loại; và sự mở rộng, sự phát triển của triết học Mácxít trong điều kiện mới của thời đại ngày nay cũng là một tất yếu lịch sử

Trang 15

Chương 2

MỘT SỐ TRƯỜNG PHÁI

TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG CỔ ĐẠI TIÊU BIỂU

2.1 Khái quát điều kiện ra đời của triết học cổ đại Ấn Độ

Điều kiện ra đời của triết học cổ đại Ấn Độ gắn liền với các điều kiện về tự nhiên, về kinh tế - xã hội, về văn hóa Trước hết, về điều kiện tự nhiên: Ấn Độ cổ đại là một đất nước rộng lớn thuộc bán đảo Nam Á, bao gồm cả nước Pakixtan, Bănglađét và Nêpan ngày nay Khắp vùng từ Đông Bắc đến Tây Bắc của Ấn Độ cổ đại núi non trùng điệp với dãy Himalaya nổi tiếng kéo dài 2600 km Dãy núi Vinđya phân chia Ấn Độ thành hai miền: Bắc và Nam Miền Bắc có hai con sông lớn là sông Ấn ở phía Tây và sông Hằng ở phía Đông, chúng

tạo nên hai đồng bằng màu mỡ, cái nôi của nền văn minh cổ Ấn Độ

Về điều kiện kinh tế – xã hội, Ấn Độ cổ đại ra đời sớm Theo tài liệu khảo cổ học, vào khoảng thế kỷ XXV trước công nguyên (TCN) đã xuất hiện nền văn minh sông Ấn, sau đó bị tiêu vong, nay vẫn chưa rõ nguyên nhân Từ thế kỷ XV TCN các bộ lạc du mục Arya từ Trung Á xâm nhập vào ấn Độ Họ định cư rồi đồng hóa với người bản địa Dravida tạo thành cơ sở cho sự xuất hiện quốc gia, nhà nước lần thứ hai trên đất Ấn Độ Từ thế kỷ thứ VII TCN đến thế kỷ XVI sau công nguyên, đất nước Ấn Độ phải trải qua hàng loạt biến cố lớn, đó là những cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các vương triều trong nước và sự xâm lăng của các quốc gia bên ngoài Đặc điểm nổi bật của điều kiện kinh tế – xã hội của xã hội Ấn Độ cổ, trung đại là sự tồn tại rất sớm và kéo dài kết cấu kinh tế – xã hội theo mô hình “công xã nông thôn”, trong đó, theo Mác, chế độ quốc hữu về ruộng đất là cơ sở quan trọng nhất để tìm hiểu toàn bộ lịch sử Ấn Độ cổ đại Trên cơ sở đó đã phân hóa và tồn tại bốn đẳng cấp lớn: tăng lữ (Brahman), quý tộc (Ksatriya), bình dân tự do (Vaisya) và tiện nô (Ksudra) Ngoài ra còn có sự phân biệt chủng tộc, dòng dõi, nghề nghiệp, tôn

giáo

Trang 16

Về điều kiện về văn hóa, văn hóa Ấn Độ được hình thành và phát triển trên cơ sở điều kiện tự nhiên và hiện thực xã hội Người Ấn Độ cổ đại đã tích lũy được nhiều kiến thức về thiên văn, sáng tạo ra lịch pháp, giải thích được

hiện tượng nhật thực, nguyệt thực… Ở Ấn Độ, toán học xuất hiện sớm: phát

minh ra số thập phân, tính được trị số π, biết về đại số, lượng giác, phép khai căn, giải phương trình bậc 2, 3… Về y học đã xuất hiện những danh y nổi tiếng, chữa bệnh bằng thuật châm cứu, bằng thuốc thảo mộc Nét nổi bật của văn hóa Ấn Độ cổ, trung đại là mang dấu ấn sâu đậm về tín ngưỡng, tôn giáo Văn hóa

Ấn Độ cổ, trung đại được chia làm ba giai đoạn:

• Khoảng từ thế kỷ XXV – XV TCN gọi là nền văn minh sông Ấn • Từ thế kỷ XV – VII TCN gọi là nền văn minh Vêda

• Từ thế kỷ VI – I TCN là thời kỳ hình thành các trường phái triết học tôn giáo lớn gồm hai hệ thống đối lập nhau là chính thống và không chính thống

Hệ thống chính thống bao gồm các trường phái thừa nhận uy thế tối cao của Kinh Vêda Hệ thống này gồm sáu trường phái triết học điển hình là Sàmkhya, Mimànsà, Védanta, Yoga, Nyàya, Vai’sesika Hệ thống triết học không chính thống phủ nhận, bác bỏ uy thế của kinh Vêda và đạo Bàlamôn Hệ thống này gồm ba trường phái là Jaina, Lokàyata và Buddha (Phật giáo)

2.2 Triết học cổ đại Ấn Độ 2.2.1 Triết học Phật giáo

Người sáng lập Phật giáo là Buddha (Phật), có nghĩa là "giác ngộ" Theo Jataka (Phật bản sinh kinh), Buddha vốn là một thái tử, tên là Siddhàrta (Tất Đạt Đa, có nghĩa là "người thực hiện được mục đích"), con trai của Suddhodana (Tịnh Phạm), vua một nước nhỏ ở Bắc ấn Độ (nay thuộc đất Nêpan) Vì muốn tìm cách giải thoát nhân loại khỏi sự khổ đau trong vòng luân hồi, Siddhàrta đã bỏ gia đình, đi tu Khi đã "giác ngộ", có nghĩa là khi đã phát hiện được nguyên nhân của nỗi khổ đau nhân thế và cách dứt bỏ nó, ông lấy hiệu là Buddha Người ta còn gọi ông là Sakya - muni (Thích Ca Mâu Ni), có nghĩa là "nhà hiền

Trang 17

triết của xứ 'Sakya'" Người ta không biết rõ đích xác năm sinh của Buddha, nhưng theo truyền thuyết, ông được coi là sinh vào năm 623 tr.CN, sống khoảng 80 năm Sau khi ông chết, các học trò của ông đã tiếp tục phát triển tư tưởng của ông, xây dựng thành một hệ thống tôn giáo - triết học lớn, có ảnh hưởng lớn ở ấn Độ, và từ đó, lan ra nhiều vùng của thế giới

Kinh điển Phật giáo hiện nay rất đồ sộ, gồm ba bộ phận là Tripitka (Tam Tạng) gồm Kinh (Sùtra), được coi là ghi lại lời Buddha thuyết pháp, Luật (Vinaya), tức giới điều mà giáo đoàn Phật giáo phải tuân theo và Luận (Sàstra), tức các tác phẩm luận giải các vấn đề Phật giáo của các học giả - cao tăng về sau Tam tạng lại chia làm hai loại là Đại thừa và Tiểu thừa

Tiểu thừa như là một cỗ xe nhỏ, con đường cứu vớt hẹp Phái tiểu thừa cho rằng: Chỉ có một Phật duy nhất là Phật Thích Ca, và chỉ có Phật Thích Ca mới cứu độ chúng sinh được; chỉ có những người xuất gia đi tu mới được Phật Thích Ca cứu vớt đưa đến Niết bàn - cảnh giới yên tĩnh gắn liền với giác ngộ sáng suốt, không có phiền não khổ đau

Đại thừa như là cỗ xe lớn, con đường cứu vớt rộng Phái đại thừa cho rằng: Phật Thích Ca là Phật cao nhất, ngoài ra còn có các Phật khác như Phật A Di Đà – vị Phật hiện đang giáo hóa ở cõi cực lạc phương Tây, Phật Di Lặc - vị Phật tương lai sẽ nối nghiệp Phật Thích Ca để giáo hóa cõi đời này (cõi Tabà), Phật Đại Dược Sư - vị Phật hiện đang giáo hóa ở cõi cực lạc phương Đông (cõi Tĩnh lưu li); Không chỉ có những người tu hành mà cả những người trần tục quy y Phật pháp cũng đều có thể được cứu vớt đưa đến niết bàn, nghĩa là có thể thành Phật - đó là các vị Bồ tát như: Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng…, dù đã thành Phật nhưng họ tự nguyện ở lại cõi trần để cứu độ chúng sinh Phái đại thừa đề cao tầng lớp tăng ni – người trung gian giữa tín đồ và Bồ tát, coi trọng nghi thức cúng bái và chủ trương thờ tượng Phật Sau đại hội lần thứ 4, các nhà sư được khuyến khích ra nước ngoài truyền đạo Từ Ấn Độ, Phật giáo đại thừa lan truyền vào các nước Trung Á và Đông Á như Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản (cả Bắc Việt Nam)… Trong khi đó, Phật

Trang 18

giáo nguyên thủy - Phật giáo tiểu thừa vẫn tồn tại phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Xri Lanca, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nam Việt Nam Về bản thể luận, Phật giáo đưa ra hệ thống quan niệm về thế giới, cho rằng tất cả các sự vật, hiện tượng xung quanh con người cũng như bản thân con người là không tồn tại thực, chỉ là ảo, là giả, do vô minh (sự không sáng suốt) của con người đưa lại Mọi vật đều cấu tạo bởi các yếu tố vật chất (sắc) và tinh thần (danh) Danh và sắc được gồm ngũ uẩn (năm yếu tố) là: sắc, thụ, hưởng, hành, thức Nhưng Danh và Sắc chỉ hội tụ với nhau trong một thời gian ngắn rồi lại chuyển sang trạng thái khác, do vậy "không có cái tôi" (Vô ngã) Bản chất của sự tồn tại của thế giới là một dòng biến chuyển liên tục (Vô thường), không thể tìm ra nguyên nhân đầu tiên, do vậy không có ai tạo ra thế giới và cũng không có cái gì gọi là vĩnh hằng Như vậy là Phật giáo đã bác bỏ sự tồn tại của Bràhman, Đấng sáng tạo và Atman (Ngã) của Upanisad

Thế giới sự vật và hiện tượng luôn luôn biến hiện theo chu trình: Sinh - trụ - dị - diệt (hoặc: thành - trụ - hoại - không) theo luật nhân quả Phật giáo đưa ra khái niệm Duyên (Pratyaya): trong quá trình nhân quả tương tục đó, duyên theo nghĩa vừa là kết quả của quá trình cũ, vừa là nguyên nhân của quá trình mới

Như vậy, thế giới quan của Phật giáo nguyên thủy mang tính vô thần, nhị nguyên luận ngả về phía duy tâm chủ quan và có chứa những tư tưởng biện chứng chất phác

• Nhân sinh quan: Nhân sinh quan là nội dung chủ yếu của triết lý Phật

giáo nguyên thủy Nó thể hiện cô động trong câu nói của Phật Thích Ca: Hỡi

chúng sinh, ta chỉ dạy cho các người chỉ có một điều, đó là điều khổ và diệt khổ; Nếu nước biển có một vị là vị mặn thì học thuyết của ta cũng có một vị là

vị giải thoát Nhân sinh quan của Phật giáo được trình bày trong thuyết Tứ diệu

đế 2 với bốn bộ phận là: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế

2 Bốn chân lý kỳ diệu về đời sống nhân sinh của con người, không phân biệt đẳng cấp

Trang 19

+ Khổ đế là lý luận về những nỗi khổ rõ ràng ở thế gian Theo Phật có 8

nỗi khổ (bát khổ) trầm luân bất tận mà bất cứ ai cũng phải gánh chịu là: sinh

khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ (yêu thương mà phải chia ly), sở

cầu bất đắc khổ (muốn mà không được), oán tăng hội khổ (ghét nhau mà phải sống với nhau), ngũ uẩn khổ (sự hội tụ và xung đột của ngũ uẩn - sắc, thụ,

tưởng, hành, thức)

+ Nhân đế là lý luận về những nguyên nhân dẫn đến nỗi khổ nơi cuộc

sống con người Phật giáo cho rằng con người còn chìm đắm trong bể khổ khi không thoát ra khỏi dòng sông luân hồi Mà luân hồi là do nghiệp tạo ra Sở dĩ có nghiệp là do lòng ham muốn, tham lam (ham sống, ham lạc thú, ham giàu sang…), do sự ngu dốt và si mê, nói ngắn gọn là do Tam độc (tham, sân, si)

gây ra Ngoài ra, nhân đế được diễn giải một cách lôgích và cụ thể trong thuyết

Thập nhị nhân duyên (12 nguyên nhân dẫn đến bể khổ): vô minh, hành, thức, danh – sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão - tử Trong 12 nguyên

nhân ấy thì vô minh là nguyên nhân thâu tóm tất cả, vì vậy, diệt trừ vô minh là

diệt trừ tận gốc sự đau khổ nhân sinh

+ Diệt đế là lý luận về khả năng tiêu diệt được nỗi khổ nơi cuộc sống thế

gian để đạt tới niết bàn Khi vô minh được khắc phục thì tam độc sẽ biến mất, luân hồi sẽ chấm dứt…, tâm sẽ thanh thản, thần sẽ minh mẫn, niết bàn sẽ xuất hiện… Diệt đế bộc lộ tinh thần lạc quan của Phật giáo ở chỗ nó vạch ra cho mọi người thấy cái hiện tại đen tối, xấu xa của mình, để cải đổi, kiến tạo lại nó thành một cuộc sống xán lạn, tốt đẹp hơn Phật giáo thể hiện khát vọng nhân bản, muốn hướng con người đến cõi hạnh phúc "tuyệt đối", muốn hướng khát vọng chân chính của con người tới chân – thiện - mỹ

+ Đạo đế là lý luận về con đường diệt khổ, giải thoát Nội dung cơ bản

của nó thể hiện trong thuyết Bát chính đạo (tám con đường đúng đắn) đưa chúng sinh đến niết bàn, đó là: chính kiến (hiểu biết đúng), chính tư duy (suy nghĩ đúng), chính ngữ (lời nói chân thật), chính nghiệp (hành động đúng đắn), chính

mệnh (sống một cách chân chính), chính tinh tấn (thẳng tiến mục đích đã chọn), chính niệm (ghi nhớ những điều hay lẽ phải), chính định (tập trung tư tưởng

Trang 20

vào một điều chính đáng) Chung quy, bát chính đạo là suy nghĩ, nói năng, hành động đúng đắn… ; nhưng về thực chất, thực hành bát chính đạo là khắc phục

tam độc bằng cách thực hiện tam học (giới, định, tuệ) Trong đó, tham được

khắc phục bằng giới (chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh); sân được khắc phục bằng định (chính tinh tấn, chính niệm, chính định); si được khắc phục bằng tuệ (chính kiến, chính tư duy)

Ngoài ra, Phật giáo còn khuyên chúng sinh thực hành Ngũ giới (không

sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không ẩm tửu); rèn

luyện Tứ đẳng (từ, bi, hỉ, xả)… Phật giáo phản đối chế độ đẳng cấp, tố cáo xã

hội bất công, đòi bình đẳng công bằng xã hội, khuyên chúng sinh luôn suy nghĩ về điều thiện và làm điều thiện…

Như vậy Phật giáo nguyên thuỷ có tư tưởng vô thần, phủ nhận đấng sáng tạo (vô ngã, vô tạo giả) và có tư tưởng biện chứng (vô thường, lí thuyết duyên khởi), mang tính nhân bản sâu sắc Tuy nhiên, triết học Phật giáo cũng thể hiện tính duy tâm chủ quan khi coi thế giới hiện tượng (Sarvadharma, vạn pháp) là ảo và giả, và do cái tâm vô minh của con người tạo ra

2.2.2 Triết học Samkhya

Trường phái Samkhya (Số luận) do Kapila (~350-250 TCN) khởi xướng,

và sau đó, Isvarakrisna phát triển thêm Lý luận cơ bản của phái này là học

thuyết duy vật về bản nguyên của thế giới Những tư tưởng triết học cơ bản của nó là:

Một là, không thừa nhận sự tồn tại của brátman và thần thánh, mà thừa

nhận bản nguyên của thế giới là prakriti - vật chất đầu tiên, tiềm ẩn, không hình

dạng, không giới hạn, không thể nhận biết được bằng cảm tính

Hai là, thừa nhận vạn vật chỉ là thể thống nhất, tác động và chuyển hóa

lẫn nhau giữa 3 yếu tố là sativa (nhẹ nhàng, thuần khiết), razas (tích cực, năng động) và tamas (nặng, ỳ)

Ba là, thừa nhận tồn tại luật nhân quả chi phối mọi sự chuyển hóa trong

thế giới vật chất [vật chất tri năng ngũ giác (thị, thính, khứu, vị, xúc giác)

Trang 21

lưỡi, da) và ngũ quan tác động (cuống họng, bàn tay, bàn chân, cơ quan bài tiết, cơ quan sinh dục); vật chất ngũ hành (không khí, lửa, nước, đất và ête);

giới như Vêđa quan niệm mà chỉ là nguyên lý phổ quát, bất biến của cá tính

trong các sinh vật Nó giúp thực hiện việc truyền sinh khí, đẩy mạnh sự biến hóa của các yếu tố vật chất

Phái Samkhya chịu sự phê phán mạnh mẽ của các trường phái khác, vì

vậy, nó đã không đứng vững trước lập trường duy vật nhất nguyên của mình mà chuyển dần sang lập trường nhị nguyên vào thời trung đại Khi thừa nhận

sự tồn tại song hành hai yếu tố đầu tiên là prakriti và purusa, Isvarakrisna coi

vạn vật chỉ là thể thống nhất, tác động, chuyển hóa của chúng; mà cụ thể là, sự

tác động giữa thể tinh và thể thô Là trung tâm của nghiệp, thể tinh bao gồm trí

tuệ, giác quan và các yếu tố gắn liền với chúng cũng như cảm giác về cái tôi,

về bản thân chủ thể; nó luôn đi theo Purusa khi nào còn chưa được giải thoát

Thể thô gắn liền với các yếu tố vật chất và chết đi cùng với các yếu tố vật chất Nếu thế giới là vật chất thì nguyên nhân của nó cũng phải là vật chất Theo trường phái Sàmkhuya, prakriti hay Pradhana là vật chất đầu tiên, nó không phải là vật chất ở dạng thô hay rõ ràng có thể nhận thức bằng cảm giác được, mà là vật chất ở dạng tinh thế, tiềm ẩn, không thể cảm giác được trực tiếp nhưng không biểu hiện (avyakta): không hình, không khu biệt, không giới hạn

Bất kì vật thể nào của thế giới vật chất cũng là thể thống nhất không ổn định gồm 3 yếu tố (guna):

1 Sattva: nhẹ, sáng, tươi, vui 2 Rajas: động, kích động 3 Tamas: nặng, khó khăn

2.2.3 Triết học Mimansa

Trường phái Mimansa xuất hiện vào thế kỷ II TCN, do Gaimini khởi

xướng và được nhiều người góp phần phát triển vào thời trung đại Là một trường phái triết học - tôn giáo, Mimansa đưa ra các kiến giải nhằm biện hộ,

củng cố và tuyên truyền cho các nghi thức được đề cập đến trong Vêđa nói

Trang 22

chung, trong giáo lý đạo Bàlamôn – Hinđu nói riêng Tư tưởng chủ đạo của nó là:

Một là, coi cảm giác là nguồn gốc duy nhất của nhận thức; và do cảm

giác không nhận thấy được thần linh, vì vậy, trong thế giới không có thần linh

Hai là, coi bản thân những nghi thức, lời kinh tự chúng đã có sức mạnh huyền bí đối với người tu hành để giúp họ trên con đường hành đạo, vì vậy,

không cần đến thần linh nữa

Ba là, muốn giải thoát khỏi trạng thái hiện hữu phải thực hiện đúng mọi

nghi thức được nêu ra trong Vêđa, trong giáo lý Bàlamôn – Hinđu, phải thực hiện mọi nghĩa vụ, bổn phận mà trật tự xã hội quy định

Những người Mimànsà chống lại lập trường hữu thần của phái Nyàya - Vai'sesika hậu kì, nhưng các nhà nghiên cứu hiện đại đã ngạc nhiên trong lí luận của người Mimànsà có một bộ phận lớn và quan trọng là vay mượn của Nyàya - Vai'sesika, vì phái Mimànsà sơ kì không những chống chủ nghĩa hữu thần mà còn chống cả chủ nghĩa duy tâm triết học Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm triết học, Mimànsà đã coi Nyàya - Vai'sesika như người đồng minh tự nhiên, vì Nyàya - Vai'sesika, ngược lại với hữu thần luận của họ, đã chống lại chủ nghĩa duy tâm một cách dứt khoát

Phái Mimansa chịu sự phê phán mạnh mẽ của các trường phái khác, vì

vậy, nó đã không đứng vững trước lập trường vô thần của mình mà chuyển dần sang lập trường hữu thần vào thời trung đại

2.2.4 Triết học Vedanta

Trường phái Vêđanta (Kết thúc Vêđa) xuất hiện vào thế kỷ II TCN, do Badarayana khởi xướng và Sankara phát triển Là một trường phái triết học -

tôn giáo, Vêđanta tiếp nối các tư tưởng của Upanisát, đưa ra các kiến giải siêu

hình và duy tâm về nguyên nhân hình thành thế giới (vũ trụ và vạn vật) Những tư tưởng triết học cơ bản của nó là:

Một là, thừa nhận sự tồn tại của brátman – linh hồn vũ trụ là thực tại tinh

thần tối cao, là bản chất, là nguồn sống vĩnh hằng, là cội nguồn chi phối mọi sự sinh thành và hủy diệt của mọi cái trong thế giới

Trang 23

Hai là, coi brátman – linh hồn cá nhân – là hiện thân của brátman nơi

thể xác trần tục của con người và bị vây hãm, ràng buộc bởi những ham muốn nhục dục của thể xác Để giải thoát brátman khỏi sự vây hãm ràng buộc này, con người (brátman) phải dốc lòng tu luyện, suy tư, chiêm nghiệm tâm linh để nhận ra bản tính thần thánh của mình mà quay về với Brátman

Ba là, coi thế giới vật chất chỉ là ảo ảnh do vô minh của con người mang

lại

Cách luận giải có ảnh hưởng lớn nhất là quan điểm Advaita - Vedànta (Vedànta - nhất nguyên) hay Màyà - Vada (lí thuyết ảo ảnh) Theo lí thuyết này, Bràhman, hay tồn tại tuyệt đối, đồng nhất với cái "Tôi" (atman) nghĩa là ý thức thuần tuý Thế giới vật chất tuyệt đối không hiện thực, hình ảnh của nó chỉ là ảo ảnh, sinh ra do "vô minh" (Avidya) "Advaita" có nghĩa là "duy nhất" Triết học Advaita là triết học của nhất nguyên luận tuyệt đối Nó không thừa nhận sự tồn tại của bất cứ cái gì Bràman hay ý thức thuần tuý

Phái Vêđanta chịu sự phê phán mạnh mẽ của các trường phái khác, vì

vậy, nó đã không đứng vững trước lập trường duy tâm nhất nguyên của mình Sang thời trung đại, nó đã chuyển dần sang lập trường nhị nguyên Dù vậy, nó vẫn là cơ sở triết học của giáo lý đạo Bàlamôn - Hinđu

2.2.5 Triết học Yoga

Trường phái Yôga xuất hiện vào thế kỷ II TCN, do đạo sĩ Patanjali sáng

lập Tư tưởng triết học cốt lõi của phái này là sự thừa nhận nguyên lý hợp nhất của vũ trụ nơi mỗi cá thể; và thông qua các phương pháp yôga mà mỗi cá thể có thể tập luyện để khai thác được sức mạnh vũ trụ tiềm ẩn trong mình để làm chủ mình, tiến tới làm chủ môi trường, và sau cùng, vươn tới sự giải thoát Phương pháp yôga đòi hỏi sự kiên trì, tính tích cực tự giác kết hợp giữa rèn

luyện thể xác và rèn luyện tư duy qua tám nguyên tắc cơ bản (Bát bảo tu pháp)

là: cấm chế (giữ đúng điều răn); khuyến chế (thanh tịnh trong học tập kinh điển);

tọa pháp (giữ đúng vị trí thân thể); điều tức (điều chỉnh hơi thở hợp lý); chế cảm (chế ngự, kiểm soát, làm chủ cảm giác); chấp trì (tập trung tư tưởng, trí

Trang 24

tuệ vào một chỗ); thiền định (giữ tâm thống nhất); tuệ (trạng thái xuất thần làm

bừng sáng tư duy hoà nhập vào đại ngã)

Tóm lại, tư tưởng cốt lõi của triết học Yoga là “sự hợp nhất của tâm thể về một mối”, là trường phái triết học duy tâm thần bí có khuynh hướng lấy việc thực hiện các phương pháp luyện công trong thực tiễn để chứng minh các triết lý của mình

2.2.6 Triết học Nyaya – Vaisesika

Hệ thống Nyàya và hệ thống Vai'sesika từ buổi đầu đã gắn liền với nhau, và qua thời gian, thực sự hoà làm một Vì vậy có thể gọi chung là Nyàya - Vai'sesika theo tài liệu ấn Độ thì tên Vai'sesika là bắt nguồn từ từ Visesa, tức là "Thuộc tính" Từ Nyàya thì ban đầu có nghĩa là "nguyên lí chú giải", "cách ngôn"

- Về lí thuyết nhận thức:

Những người Nyàya - Vai'sesika thừa nhận tính khách quan Theo họ, "tất cả nhận thức, do bản chất của nó, chứng thực rằng đối tượng nhận thức tồn tại ngoài nó và độc lập với nó" Họ đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa duy tâm trong triết học Họ chống lại quan điểm cho rằng nhận thức dựa vào kinh nghiệm là giả Họ chống lại quan điểm cho rằng nhận thức không thể kiểm tra được Theo họ "đối tượng của nhận thức là cái gì được nhận ra bằng nhận thức, còn nhận thức chỉ là nhận thức khi nó nhận ra được đối tượng Do đó, nhận thức bản thân nó không thể là không tin cậy hay không chân thực Lẽ nào nhận thức lại là nhận thức được khi nó không có khả năng quan sát đối tượng ! Lẽ nào khi nó nhận thức được đối tượng mà lại không đáng tin cậy và không chân thực ! Hiển nhiên có trường hợp nhận thức bị coi là giả, nhưng điều đó xảy ra là do nó không đem lại kết quả mong muốn chứ không phải nó không khảo sát đối tượng"

Những người Nyàya - Vai'sesika gạt bỏ lí thuyết của Mimànsà Họ đưa ra lí thuyết về tính tin cậy và không tin cậy mặt ngoài (Paratah - pràmànya - vada và paratah - apràmànya - vada) Theo họ, nhận thức có thể tin cậy (Prama), nhưng cũng có thể là không tin cậy (Aprama) Ví dụ, cái thừng có thể tưởng là

Trang 25

con rắn Nhưng tiêu chuẩn của tin cậy là phản ánh không nghi ngờ (Asamdigdha) và trung thành với (Yàthartha) hình ảnh (khái niệm) (Anubhava) của đối tượng

Có 4 hình thức nhận thức không đáp ứng các yêu cầu đó, được coi là không tin cậy (Aprama):

1 Kí ức (Smrti)

2 Nghi ngờ (Sam'saya)

3 Sai lầm (Bhrama hay Vipáryaya)

4 Mới là giả thiết, chưa có chứng cớ chắc chắn (Tàrka)

Nhưng nhận thức không tin cậy, không nhất thiết là giả Nhận thức là đúng đắn khi nó phù hợp với bản chất của đối tượng Nhận thức là giả khi nó không phù hợp với bản chất của đối tượng Họ cho rằng thực tiễn là thước đo duy nhất để kiểm tra nhận thức Họ đưa ra ví dụ: nước, do ảo ảnh (miraga) là giả, vì không giải khát được, còn nước trong hồ là thật, vì có thể giải khát Vì cho rằng đối tượng của nhận thức là tồn tại độc lập, những người Nyàya - Vai'sesika thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới được nhận thức

- Về lí thuyết nguyên tử

Những người Vai'sesika cho thế giới là do nguyên tử (paramànu) tạo nên Theo họ, phần tử nhỏ nhất (trasarenu) thấy được trong ánh sáng mặt trời khi chiếu qua một lỗ nhỏ, cũng gồm những phần tử, vì nó cũng là vật thể nhận được bằng mắt Tất cả các vật thể đều có kích thước (mahat) Cứ chia mãi hạt bụi thấy được qua tia nắng, thì được phần tử cuối cùng, không thể chia cắt, không có đơn vị kích thước, đó là nguyên tử

Nguyên tử là vĩnh hằng, vô thuỷ vô chung Theo phái này, nguyên tử của đất khác nguyên tử của nước Về điểm này, quan điểm của người Nyàya - Vai'sesika khác với những người Jaina và gần với thuyết nguyên tử của Đêmôcrít (Hy Lạp)

- Về lí thuyết biện luận:

Phái Nyàya - Vai'sesika có những đóng góp quan trọng cho lôgíc hình thức

Trang 26

Hình thức biện luận của phái này, có thể gọi là Ngũ đoạn luận, gần giống tam đoạn của Arixtốt

Về sau những người Nyàya - Vai'sesika rơi vào hữu thần luận Họ chứng minh rằng có thần và thần đã dùng nguyên tử để cấu tạo nên thế giới

2.2.7 Triết học Jaina

Trường phái Jaina (Kỳ na giáo) là một trường phái triết học - tôn giáo

xuất hiện vào khoảng thế kỷ V TCN Theo truyền thuyết, người sáng lập ra đạo Jaina là một người đàn ông xuất thân từ đẳng cấp thứ hai trong xã hội, sinh ra ở ngoại thành Vaixali thuộc tỉnh Biha ngày nay, sống cùng thời với Phật Thích Ca Năm 30 tuổi, do bị chấn động bởi sự kiện cha mẹ nhịn ăn tự tử vì lòng tin tôn giáo mà ông đã từ bỏ tất cả (gia đình, tiện nghi, quần áo…) đi lang thang tu khổ hạnh khắp miền Tây Bengan Sau khi đắc đạo, ông được người đời kính

phục, đặt biệt hiệu là Mahavira (Đại anh hùng) và được tôn làm Jina (Người

khắc phục được mọi ham muốn) Ông đã lập ra đạo Jaina

Tư tưởng triết học cơ bản của đạo Jaina là thuyết về cái tương đối Thuyết này cố dung hòa quan niệm về thực thể bất biến (trong Upanisát) với quan niệm

vô thường (trong Phật giáo) và cho rằng, thực thể đầu tiên là bất biến, nhưng vạn vật – các dạng tồn tại cụ thể của nó thì biến chuyển không ngừng Thế giới,

vạn vật là sự thống nhất của cái bất biến và cái biến đổi Thực thể có hai trạng thái cơ bản là jiva (sống) và ajiva (không sống) Jiva bao gồm quỷ, thần, người,

chim, thú, cây, cỏ… mang lý trí, có linh hồn Ajiva bao gồm không gian, thời gian, vận động, vật chất… Jiva và ajiva luôn liên kết tác động lẫn nhau Phái Jaina coi linh hồn là lực lượng toàn năng và tồn tại đa dạng, nhưng năng lực của chúng bị hạn chế bởi thân xác mà nó liên kết Muốn giải phóng và phát huy sức mạnh của linh hồn cần phải tu luyện một cách máy móc theo giới luật của đạo Jaina Ba giáo lý cơ bản được gọi là Ba báu vật của đạo Jaina là: lòng tin đúng, hiểu biết đúng và hành xử đúng Tất cả tín đồ của đạo Jaina đều phải tuân theo năm mahavrata (năm lời thề lớn) đó là: không làm ác, không có tài sản, không nói dối, không trộm cắp và tiết chế nhục dục Các tín đồ đạo Jaina là những người ăn chay nghiêm ngặt và đòi hỏi phải thực hiện một số nghi thức

Trang 27

hành lễ mỗi ngày Đạo Jaina được chia thành hai hệ phái chính: Digambara (Lõa hình – không mặc quần áo) và Svetambara (Chỉ mặc đồ trắng) Hệ phái Svetambara cử hành một nghi thức được biết là puja, trong đó những người hành lễ làm tám biểu tượng cúng bái trước hình ảnh của một tirthankara (Thầy cả)

2.2.8 Triết học Lokayata

Trường phái Lokayata xuất hiện khá sớm trong phong trào đấu tranh

chống lại truyền thống Vêđa và chế độ đẳng cấp ở Đông An Tương truyền

rằng, Brihaspati là người sáng lập ra trường phái Lokayata đầy tính duy vật, vô

thần, khoái lạc này

Phái Lokayata cho rằng, vạn vật (kể cả con người) đều được tạo thành từ 4 yếu tố là đất, nước, lửa, gió (Tứ đại) Tính đa dạng của vạn vật là do sự kết hợp khác nhau của các yếu tố ấy mà thành Còn linh hồn (ý thức) chỉ là một

thuộc tính của cơ thể, do thể xác (vật chất) sinh ra, vì vậy, nó khả tử Hơn nữa,

phái Lokayata phủ nhận cả thuyết luân hồi, nghiệp báo; chế giễu quan niệm

giải thoát…; đồng thời khẳng định con người chỉ sống có một lần trên thế gian;

vì vậy, con người cần phải sống cho chính cuộc đời này chứ không phải cho cuộc đời nào khác

Phái Lokayata coi cảm giác, kinh nghiệm là nguồn gốc duy nhất của nhận thức, họ phủ nhận tính xác thực của nhận thức suy lý gián tiếp Đặc biệt, họ lên án mạnh mẽ những suy luận trong Vêđa hay những kết luận được rút ra từ Vêđa Việc phủ nhận thần thánh, thiên đường, điạ ngục và cuộc sống sau khi chết… đã đưa phái này đến với những quan niệm đạo đức khoái lạc, để từ đó, họ chủ trương giải phóng con người ra khỏi những kìm chế ham muốn, kêu gọi con người nên tận hưởng đầy đủ những gì mà mình mong muốn thỏa mãn Về lý luận nhận thức, Lokayata có khuynh hướng duy vật theo lập trường kinh nghiệm Họ đề cao cảm giác, coi cảm giác là nguồn gốc duy nhất của nhận thức, phủ nhận tính xác thực của tri thức gián tiếp

Trang 28

2.3 Khái quát điều kiện ra đời của triết học cổ đại Trung Quốc

Triết học cổ đại Trung Quốc ra đời từ cuối thiên niên kỷ II đầu thiên niên kỷ I TCN khi xã hội đánh dấu sự tan rã của chế độ nô lệ và bắt đầu hình thành các quan hệ xã hội phong kiến phức tạp Trung Hoa là một đất nước rộng lớn thuộc vùng Đông Á Trên lãnh thổ Trung Hoa có hai con sông lớn chảy qua: sông Hoàng Hà ở phía bắc và sông Trường Giang ở phía nam Lúc mới lập quốc, tức vào thế kỷ XXI TCN, Trung Hoa chỉ là một vùng nhỏ ở trung lưu sông Hoàng Hà Dần dần, lãnh thổ được mở rộng, đến thế kỷ XVIII về cơ bản

được xác định như hiện nay

Dân tộc chủ yếu của Trung Hoa hiện nay là dân tộc Hán, mà tiền thân của nó có nguồn gốc Mông Cổ, được gọi là Hoa Hạ (hay Hoa/Hạ), sống du mục, thích săn bắn và chinh phục Còn cư dân phía nam Trường Giang là các dân tộc Bách Việt, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, định canh, định cư, có nền văn hóa riêng, nhưng sau này, dần dần bị dân tộc Hán đồng hóa Theo truyền thuyết, vào thời thái cổ, Trung Quốc là một xã hội thanh bình do những thủ lĩnh tài đức dẫn dắt là Phục Hy, Thần Nông, Toại Nhân (thời Tam hoàng) Đến nửa đầu thiên niên kỷ III TCN, ở vùng Hoàng Hà xuất hiện một thủ lĩnh bộ lạc họ Cơ, hiệu là Hiên viên, mà người Trung Hoa tôn gọi là Hoàng Đế và coi là thuỷ tổ của mình Tiếp theo Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn và Hạ Vũ cũng là những thủ lĩnh tốt (thời Ngũ đế) Khi Hạ Vũ mất, con là Khải được tôn lên làm vua Trung Hoa bước vào xã hội có nhà nước Thời cổ đại của Trung Quốc bắt đầu từ vương triều nhà Hạ, và trải qua 2 vương triều nhà Thương và nhà Chu Vương triều Hạ (~thế kỷ XXI - thế kỷ XVI TCN) do Hạ Vũ đặt nền móng, tồn tại tới thời vua Kiệt thì bị diệt vong Thời này, người Trung Quốc chỉ mới biết dùng đồng đỏ, chữ viết chưa có, dân cư sống phân tán chịu sự chi phối bởi những thế lực tự nhiên và ma thuật Vương triều Thương (còn gọi là Ân, thế kỷ XVI - thế kỷ XII TCN) do Thành Thang thành lập, tồn tại tới thời vua Trụ thì bị diệt vong Thời này, người Trung Quốc sống định canh, định cư; biết dùng đồng thau, khai khẩn ruộng đất và thực hiện đường lối tỉnh điền; ma thuật được thay bằng tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên và thần xã –

Trang 29

tắc; ý tưởng về lực lượng siêu nhiên hình thành qua biểu tượng Đế (Thượng đế hay Trời); chữ viết đã xuất hiện Vương triều Chu (~thế kỷ XII - 221 TCN) do Văn Vương thành lập, tồn tại hơn 8 thế kỷ trải qua thời Tây Chu đóng đô ở Cảo Kinh, trước 771 TCN và thời Đông Chu đóng đô ở Lạc Ấp Thời Tây Chu, đất nước Trung Quốc tương đối ổn định Nhưng sang thời Đông Chu, khi đồ sắt được dùng phổ biến, chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất được hình thành thay thế cho chế độ ruộng đất tĩnh điền trước đó đã làm nảy sinh một loạt những thế lực chính trị mới Đó là tầng lớp địa chủ mới đang lấn át và xung đột gay gắt với tầng lớp quý tộc cũ Do vậy, xã hội rơi vào tình trạng rối ren; các giá trị, chuẩn mực cộng đồng bị đảo lộn Sự tranh giành địa vị xã hội của các thế lực chính trị đã đẩy xã hội Trung Hoa cổ đại vào tình trạng chiến tranh khốc liệt Thời này bao gồm hai thời kỳ nhỏ là Xuân thu (722-481 TCN) và Chiến quốc (403-221 TCN) Thời Xuân thu, đất nước loạn lạc với hơn 400 cuộc chiến lớn nhỏ làm cho 160 nước ban đầu sau hơn hai thế kỷ đánh nhau chỉ còn lại có 5 nước lớn là Tề, Tấn, Tần, Tống, Sở (cục diện Ngũ bá) Sau đó, xuất hiện hai nước nữa là Ngô và Việt (cục diện Thất hùng) Vào thời Chiến quốc, những cải cách hiệu quả đã làm cho nhà Tần ngày càng mạnh Với sự lãnh đạo của Tần Thủy Hoàng, nhà Tần đã tiêu diệt các nước khác, thống nhất giang sơn, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của xã hội Trung

a) Sơ lược sự hình thành và phát triển Nho gia

Trang 30

+ Khổng Tử (551-479 TCN) là người sáng lập ra Nho giáo vào cuối thời

Xuân Thu Khổng Tử tên Khâu, hiệu Trọng Ni, người nước Lỗ (Sơn Đông) là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn và đầu tiên của Trung Quốc Ông có làm một số chức quan ở nước Lỗ trong mấy năm, nhưng phần lớn thời gian trong cuộc đời của mình, ông chu du nhiều nước để trình bày chủ trương chính trị của mình, và sau đó mở trường dạy học Tương truyền, số học trò của ông có

đến 3000 người, trong đó có nhiều người thành đạt mà sử sách gọi là thất thập

nhị hiền Khổng Tử không chỉ dạy học mà còn chỉnh lý các sách (san Thi, dịch Thư, tán Dịch, định Lễ, bút Xuân Thu) Lý luận của ông là một hệ thống triết lý

sâu sắc về đạo đức – chính trị – xã hội, được học trò chép lại thành sách Luận

ngữ

Khổng Tử rất quan tâm đến các vấn đề đạo đức – chính trị – xã hội Ông coi hoạt động đạo đức là nền tảng của xã hội, là công cụ để gìn giữ trật tự xã

hội và hoàn thiện nhân cách cá nhân cho con người Lý luận về nhân, nghĩa,

lễ, trí, tín, dũng… tạo nên nội dung quan điểm về đạo đức của ông Trong hoạt

động chính trị – xã hội, ông chủ trương dùng đức trị 3 và thực hành chính danh

4 để xây dựng một xã hội đại đồng5, - xã hội có trật tự trên - dưới, mỗi thành

viên từ vua chúa, quan lại đến thứ dân đều dựa trên địa vị của mình mà làm tròn bổn phận được xã hội giao cho; xã hội có vua sáng tôi hiền, cha từ con thảo, trong ấm ngoài êm…

Nội dung đường lối đức trị của Khổng Tử hướng đến thực hiện 3 điều là: dân đông, kinh tế phát triển, dân được học hành Biện pháp để thi hành đường lối đức trị là: thận trọng trong công việc, gìn giữ chữ tín, tiết kiệm trong tiêu dùng, thương người, sử dụng sức dân hợp lý… Để xây dựng xã hội đại đồng,

Khổng Tử chủ trương dựa vào sự nghiệp giáo dục để uốn nắn nhân cách, bồi

3 Khổng Tử cho rằng: Cai trị dân mà dùng mệnh lệnh, đưa dân vào khuôn phép mà dùng hình phạt thì dân có thể tránh được tội lỗi nhưng không biết liêm sỉ Cai trị dân mà dùng đạo đức, đưa dân vào khuôn phép mà dùng lễ thì dân sẽ biết liêm sỉ và thực lòng quy phục

4 Khổng Tử cho rằng: Danh không chính thì ngôn chẳng thuận, ngôn chẳng thuận thì việc không thành, việc không thành thì lễ - nhạc bất hưng, lễ - nhạc bất hưng thì hình phạt không trúng lý, hình phạt không trúng lý thì dân biết bám víu vào đâu? Người quân tử quan niệm được danh thì nói được, nói được thì làm được

5 Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử có nghĩa là, Vua ra vua, Tôi ra tôi, Cha ra cha, Con ra con

Trang 31

dưỡng đào tạo nhân tài theo hai phương châm: tiên học lễ, hậu học văn và học đi đôi với hành, học để vận dụng vào thực tế Để học tốt, ông yêu cầu học trò phải có tinh thần khiêm tốn và cầu tiến, biết suy tư và luôn tích cực trong học tập…

Đến thời Chiến Quốc, Nho gia bị chia thành 8 phái, trong đó có phái của

Tuân Tử và phái của Mạnh Tử là mạnh nhất Tuân Tử (315-230 TCN) phát triển Nho gia theo xu hướng duy vật, còn Mạnh Tử (372-298 TCN) phát triển Nho gia theo xu hướng duy tâm Họ bất đồng nhau trong việc lý giải bản tính

con người Tuy nhiên, Mạnh Tử đã có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển

của Nho gia nguyên thủy

+ Mạnh Tử là người nước Trâu (Sơn Đông), học trò của Khổng Cấp

Cũng như Khổng Tử, Mạnh Tử tin tưởng sâu sắc vào sự tồn tại Thiên mệnh và

cho rằng, mọi việc ở trên đời đều do Trời quyết Ông lý giải bản tính thiện của

con người thông qua lý luận về nhân, lễ, nghĩa và trí, trong đó nhân - nghĩa là

quan trọng, và từ lý luận này ông khẳng định: Nhân chi sơ tính bản thiện Mạnh

Tử chủ trương thực hành đường lối đức trị dựa trên tinh thần quý dân6, nhân

chính và thống nhất… Mạnh Tử đã khép lại một giai đoạn quan trọng, - giai

đoạn hình thành Nho gia; vì vậy, Nho gia Khổng - Mạnh còn được gọi là Nho gia nguyên thủy hay Nho gia tiên Tần

+ Sang thời Tây Hán, Đổng Trọng Thư (179-104 TCN) đã dựa trên lợi

ích giai cấp phong kiến thống trị, khai thác lý luận Âm dương – Ngũ hành, đưa

ra thuyết trời sinh vạn vật và thiên nhân cảm ứng để hoàn chỉnh thêm Nho

gia trong việc giải thích vạn vật, con người và xã hội Ông đã hệ thống hóa kinh

điển Nho gia thành Tứ thư và Ngũ kinh, đồng thời đưa ra quan niệm Tam

cương7, Ngũ thường8…, Tam tòng9, Tứ đức10… đối với phụ nữ Những quan

9 Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử

10 Công, dung, ngôn, hạnh

Trang 32

niệm này đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn đạo đức và nền tảng tư tưởng xã

hội, tức trở thành hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến thống trị Trung Quốc

Nho gia không dừng lại với tư cách một trường phái triết học vươn lên thành hệ tư tưởng xã hội mà còn được mở rộng thành một hệ thống niềm tin, tín

ngưỡng – nghi thức được phổ biến trong toàn xã hội Nho giáo xuất hiện và Khổng Tử được suy tôn làm Giáo chủ của đạo Học

+ Cũng từ đời Hán, Phật giáo bắt đầu truyền vào Trung Quốc và Đạo

giáo ra đời Từ đó, có nhiều nhà Nho cho rằng, triết học của Nho cần được bổ sung thêm một số tư tưởng của hai học thuyết kia Nho gia phát triển tiếp tục

Đặc biệt, sang thời nhà Tống, Nho giáo phát triển rất mạnh Chính Chu Đôn

Di (1017-1073) và Thiệu Ung (1011-1077) là những người đã khởi xướng lý học trong Nho giáo Với thuyết Thái cực đồ, Chu Đôn Di cho rằng: Nguồn gốc

của Vũ trụ là Thái cực; Thái cực có thể động và thể tĩnh; Động sinh ra dương,

động cực rồi lại tĩnh, và ngược lại Âm dương tác động sinh ra Ngũ hành, rồi

sinh ra vạn vật Ngoài ra, thời này còn có hai anh em họ Trình - Trình Hạo (1032-1085), Trình Di (1033-1107), và Chu Hy (1130-1200)… là những nhà lý học xuất sắc Họ đã nêu ra thuyết cách vật trí tri 11…

Nho giáo tiếp tục chi phối đời sống tư tưởng xã hội Trung Quốc qua các

triều đại tiếp theo, nhưng nói chung, Nho giáo trong thời Minh – Thanh không

có phát triển mới Càng ngày, Nho giáo càng khắc khe và bảo thủ Sang thế kỷ XIX, Nho giáo đã thật sự trở nên già cổi, nên không còn sức sống nữa

Với tính cách là hệ tư tưởng chỉ đạo đường lối trị nước ở Trung Quốc trên 2000 năm, Nho giáo đã đóng góp lớn vào sự nghiệp tổ chức và quản lý xã hội, vào sự phát triển văn hóa và giáo dục, vào quá trình rèn luyện đạo đức cá nhân, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước Nhưng đến cuối thời đại phong kiến, do tính phục cổ, bảo thủ của nó mà Nho giáo đã tạo ra tình trạng trì trệ kéo dài của xã hội Trung Quốc, làm cho Trung Quốc không bắt kịp trào lưu văn minh của thế giới

11 Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

Trang 33

Kinh điển của Nho gia gồm bộ Ngũ kinh và bộ Tứ thư

Bộ Ngũ kinh bao gồm 5 quyển kinh: Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu Kinh

Thi là sách sưu tập thơ ca dân gian với chủ đề chính là tình yêu nam nữ; Khổng

Tử muốn dùng nó để giáo dục tình cảm lành mạnh cho con người Kinh Thư là

sách ghi lại cách tổ chức hành chính nhà nước, những truyền thuyết, biến cố

xảy ra ở đời trước nhằm làm gương cho các đời sau Kinh Lễ là sách ghi chép

những lễ nghi đời trước dùng làm phương tiện duy trì và ổn định trật tự xã hội,

giáo dục đạo đức cho con người Kinh Dịch là sách bàn về những biến đổi của trời, đất, con người và xã hội Kinh Xuân Thu là sách viết về lịch sử biến động

chính trị thời Xuân Thu

Bộ Tứ Thư bao gồm 4 quyển sách: Luận ngư, Đại học, Trung dung,

Mạnh Tử Luận ngư là sách ghi lại các lời giảng, dạy, luận bàn của Khổng Tử,

do các học trò tập hợp chép lại sau khi ông mất Đại học là sách dạy cách làm người quân tử, do Tăng Tử - học trò xuất sắc của Khổng Tử soạn ra Trung

dung là sách dạy cách sống dung hòa, không thiên lệch do Khổng Cấp - cháu

nội của Khổng Tử, học trò của Tăng Tử viết Mạnh Tử là sách bàn về tính thiện,

về đạo nhân nghĩa do Mạnh Tử - học trò của Khổng Cấp soạn

b) Một số tư tưởng triết học cơ bản của Nho giáo nguyên thủy

Nho giáo nguyên thủy là triết lý của Khổng Tử và Mạnh Tử về đạo làm

người quân tử và cách thức trở thành người quân tử, cách cai trị đất nước Nó

được trình bày trong một hệ thống các tư tưởng về đạo đức – chính trị – xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau

Nho gia nguyên thủy cho rằng, nền tảng của xã hội, cơ sở của gia đình không phải là những quan hệ kinh tế - xã hội, mà là những quan hệ đạo đức -

chính trị, đặc biệt là 3 quan hệ vua – tôi, cha – con, chồng - vợ Các quan hệ

này được Nho gia gọi là đạo Khi các quan hệ này chính danh, nghĩa là: vua ra

vua, tôi ra tôi; cha ra cha, con ra con; chồng ra chồng, vợ ra vợ thì xã hội ổn định, gia đình yên vui; và ngược lại Xã hội thời Xuân thu – Chiến quốc loạn lạc, luân thường đạo lý suy đồi, kỷ cương phép nước lõng lẽo là do 3 quan hệ này rối loạn, do danh - thực oán trách nhau, nghĩa là, vua chẳng ra vua, tôi

Trang 34

chẳng ra tôi; cha chẳng ra cha, con chẳng ra con; vợ chẳng ra vợ, chồng chẳng ra chồng Vì vậy, muốn cải loạn thành trị, muốn thực hiện xã hội đại đồng thì phải chấn chỉnh lại 3 quan hệ đó Để chấn chỉnh lại 3 quan hệ đó, Nho gia

nguyên thủy lấy giáo dục đạo đức làm cứu cánh

Khổng Tử ít quan tâm đến các vấn đề nguồn gốc của vũ trụ nên quan điểm của ông về trời - đất, quỷ - thần không rõ ràng12 Tuy nhiên, để tìm chỗ dựa vững chắc cho lý luận đạo đức của mình, Khổng Tử và cả Mạnh Tử đều

xây dựng thuyết Thiên mệnh Xuất phát từ vũ trụ quan của kinh Dịch, Khổng

Tử cho rằng, vạn vật không ngừng biến hóa theo một trật tự không gì cưỡng lại

được, mà nền tảng tận cùng của trật tự đó là Thiên mệnh Còn sự hiểu biết được

Thiên mệnh là điều kiện tiên quyết để trở thành con người hoàn thiện13 Xuất

phát từ quan điểm Thiên mệnh, hai ông tìm kiếm sự thống nhất giữa trời, đất,

người và vạn vật, đặc biệt là trên bình diện đạo đức – chính trị - xã hội, chứ

không để ý đến khía cạnh sinh học - tự nhiên trong con người

+ Dựa trên thuyết thiên mệnh, Khổng Tử cho rằng: Thiên mệnh chi vị tính, xuất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo, và Tính tương cận, tập tương viễn Điều này có nghĩa là:

Con người có tính người, tính người do trời phú, sự phú cái tính ấy về cơ bản là đồng đều ở mỗi con người Nhưng trong cuộc sống, do điều kiện, hoàn

cảnh, môi trường khác nhau, do những tập quán, tập tục không giống nhau mà người này khác xa người kia Vậy, tập là nguyên nhân làm biến tính ở mỗi con người, làm cho con người không giữ được tính do trời phú cho, làm cho con người trở nên vô đạo; rồi cả nước, cả thiên hạ vô đạo Vì vậy, muốn giữ được

tính cho con người phải lập đạo; nghĩa là phải làm (giáo dục) cho cả nước, cả

thiên hạ hữu đạo

12 Về trời, một mặt, ông coi đó là giới tự nhiên với 4 mùa thay đổi, trăm vật sinh sôi; nhưng mặt

khác, ông coi trời là lực lượng siêu nhiên quy định số phận và cuộc đời của mỗi con người, quốc gia,

dân tộc Về quỷ thần, một mặt, ông có thái độ hoài nghi; nhưng mặt khác, ông lại coi trọng tang ma,

cúng tế

13 Khổng Tử cho rằng: Không hiểu mệnh trời thì không trở thành người quân tử Đã biết có mệnh trời thì phải sợ và thuận mệnh Đó là cái đức của người quân tử; Sống chết có mệnh, giàu sang tại trời…

Trang 35

Đạo phải có giáo mới sâu sắc, vững chắc và rộng khắp Còn mục đích

của giáo là làm cho mọi người, mọi nhà, cả thiên hạ hữu đạo Hữu đạo là thể

hiện được mối quan hệ giữa người và người, giữa người và trời đất - vạn vật

một cách đúng đắn, nghĩa là phù hợp với thiên mệnh14 Khổng Tử cho rằng, nếu lập đạo của trời, nói về âm và dương; lập đạo của đất, nói về cương và nhu;

thì lập đạo của người, phải nói về nhân và nghĩa Quan niệm về nhân và nghĩa

là quan niệm trung tâm của đạo đức Nho gia nguyên thủy Chúng hợp với các

quan niệm khác tạo thành hệ thống phạm trù đạo đức của phái này: nhân,

nghĩa, lễ, trí, tín, dũng…

- Quan niệm về nhân: Nhân được coi là nguyên lý đạo đức cơ bản qui

định bản tính con người, chi phối mọi quan hệ giữa người với người trong xã

hội, và nó được hiểu rất rộng Khổng Tử cho rằng, nhân là lòng thương người (ái nhân); còn Mạnh Tử thì cho rằng, nhân là lòng trắc ẩn Nói chung, nhân là

cách đối xử của con người với con người, để tạo ra người Muốn thực hiện đạo

làm người, tức muốn thực hiện đức nhân cần phải: Điều gì mà mình không

muốn thì cũng đừng đem áp dụng cho người khác; Mình muốn lập thân thì cũng giúp người khác lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt; Khống chế mình theo đúng lễ… Người có đức nhân thì bên ngoài xã hội

luôn cung, khoan, tín, mẫn, huệ (cung kính, khoan hòa, tín nhiệm, nhạy bén, rộng rãi)…, bên trong gia đình luôn hiếu, đễ (hiếu thảo, nhường nhịn)…

Quan niệm về nhân của Khổng Tử có nội dung giai cấp rõ ràng, ông cho rằng chỉ có người quân tử, tức kẻ cai trị, mới có được đức nhân, còn người tiểu nhân, tức nhân dân lao động, không thể có được đức nhân Nghĩa là, đạo nhân

chỉ là đạo của người quân tử, của giai cấp thống trị

- Quan niệm về nghĩa: Theo Nho gia, nếu nhân là lòng thương người,

đức nhân dùng để đối xử với người và tạo ra người, thì nghĩa là dạ thủy chung, đức nghĩa dùng để đối xử với chính mình và tạo ra ta Đức nhân thể hiện trong quan hệ với người khác; còn đức nghĩa thể hiện trong quan hệ với mình, khi tự

vấn lương tâm mình về điều mình nên nói, về việc mình nên làm Khi nói một

14 Thực chất là làm theo các nguyên tắc, phương châm cơ bản của Nho gia

Trang 36

điều gì đó hay khi làm một việc gì đó mà ta cảm thấy thỏa mái, thảnh thơi, hứng

thú trong lương tâm thì đó là ta nói điều nghĩa, ta làm việc nghĩa Vậy, nghĩa được hiểu là những gì hợp đạo lý mà con người phải làm, bất kể làm điều đó

có đem lại cho người thực hiện nó ích lợi gì hay không Khổng Tử cho rằng, con người muốn sống tốt phải biết lấy nghĩa để đáp lại lợi, chứ không nên lấy lợi đáp lại lợi, vì lấy lợi đáp lại lợi sẽ sinh ra oán trách…

Song, do hạn chế bởi lập trường giai cấp, mà Khổng Tử cho rằng, bậc

quân tử tinh tường về việc nghĩa, kẻ tiểu nhân rành rẽ về việc lợi Như vậy, tiểu

nhân và quân tử là hai loại người đối lập nhau không phải chủ yếu về địa vị xã hội mà chủ yếu là về phẩm chất đạo đức

- Quan niệm về lễ: Để đạt được nhân, để lập lại trật tự, khôi phục lại kỷ

cương cho xã hội Khổng Tử chủ trương phải dùng lễ, đặc biệt là lễ của nhà Chu Vì lễ có thể: xác định được vị trí, vai trò của từng người; phân định trật

tự, kỷ cương trong gia đình và ngoài xã hội; loại trừ những tật xấu và tạo ra những phẩm chất cá nhân mà xã hội đòi hỏi Do nhận thấy tác dụng to lớn của

lễ mà Khổng Tử đã dốc sức san định lại lễ Ở Khổng Tử, trước hết, lễ được

hiểu là lễ giáo phong kiến như những phong tục tập quán; những qui tắc, qui

định về trật tự xã hội; thể chế, pháp luật nhà nước như: sinh, tử, tang, hôn, tế

lễ, luật lệ, hình pháp…; sau đó, lễ được hiểu là luân lý đạo đức như ý thức, thái

độ, hành vi ứng xử, nếp sống của mỗi con người trong cộng đồng xã hội trước lễ nghi, trật tự, kỷ cương phong kiến Nhân và lễ có quan hệ rất mật thiết Nhân là nội dung bên trong của lễ, còn lễ là hình thức biểu hiện nhân ra bên ngoài Nhân giống như cái nền tơ lụa trắng tốt mà trên đó người ta vẽ lên những bức

tranh tuyệt đẹp Khổng Tử cho rằng, trên đời không hề tồn tại người có nhân mà vô lễ Vì vậy, ông khuyên chớ xem điều trái lễ, chớ nghe điều trái lễ, chớ

nói điều trái lễ và chớ làm điều trái lễ

Ngoài quan niệm về nhân, nghĩa, lễ, Nho gia còn bàn đến: trí – tức là sự

sáng suốt nhận thức thấu đáo mọi vấn đề, hiểu đạo trời, đạo người, hiểu cả thiên

hạ, biết sống hợp với nhân; tín – tức là lòng ngay dạ thẳng, lời nói và việc làm nhất trí với nhau, dũng – tức là sức mạnh tinh thần, lòng can đảm, biết xấu hổ

Trang 37

vì cái sai cái xấu để vứt bỏ chúng mà làm theo nhân nghĩa… Chúng là các nguyên tắc cơ bản của đạo đức Nho giáo 15 Khổng Tử còn cho rằng, người

quân tử có đủ trí, nhân, dũng Do có trí nên người quân tử không nhầm lẫn, do

có nhân nên người quân tử không buồn phiền, do có dũng nên người quân tử không có gì phải kinh sợ

Nếu Khổng Tử chỉ chú trọng đến Tam đức (nhân, trí, dũng) thì sang thời Chiến quốc, Mạnh Tử bỏ dũng thay vào đó lễ và nghĩa thành Tứ đức (nhân, lễ,

nghĩa, trí)16

+ Cũng dựa trên thuyết Thiên mệnh, nhưng Mạnh Tử cho rằng nhân chi

sơ tính bản thiện; bởi vì, khi sinh ra mỗi con người đều có đủ nhân, lễ, nghĩa,

trí Do có nhân nên ai cũng có lòng trắc ẩn, do có nghĩa nên ai cũng có lòng u tố, do có lễ nên ai cũng có lòng cung kính, do có trí nên ai cũng biết lẽ thị phi

Chúng toát ra từ tâm Là người ai cũng có cái tâm Tâm là cội nguộn của tính thiện trong con người Vì vậy, con người cần phải trường kỳ tâm dưỡng kỳ tính,

– tức gìn giữ cái tâm thiện ấy Dù bản tính con người là thiện, nhưng trong cuộc

sống của con người vẫn có cái ác Cái ác ấy xuất hiện là do kỷ cương xã hội rối loạn, luân thường đạo lý bị đảo điên Để vãn hồi tính thiện ở con người thì phải

lập lại trật tự kỷ cương cho xã hội trên cơ sở thực hành đường lối nhân nghĩa17

Như vậy, Khổng Tử và Mạnh Tử đều nhất trí coi chuẩn mực đạo đức là tiêu chuẩn của người quân tử, và muốn trở thành người quân tử cần phải tu

thân Để tu thân cần phải đạt đạo - con đường phải theo, quan hệ mà con người

phải biết để ứng xử trong cuộc sống, mà trước hết là đạo quân – thần, phụ – tử,

15 Khổng Tử nói: Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái ngu che mờ Muốn trí mà không muốn học thì bị cái sai trái che mờ Muốn cương trực mà không muốn học thì bị cái ương ngạnh che mờ Muốn dũng mà không muốn học thì bị cái loạn che mờ… Người ham học gần với đức trí, người ham làm gần với đức nhân, người biết hổ ngươi gần với đức dũng Ai biết ba điều ấy tất biết phép tu thân Biết phép tu thân tất biết phép trị nhân Biết phép trị nhân tất biết phép tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

16 Đến đời nhà Hán, Đổng Trọng Thư thêm Tín thành Ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín)

17 Tuân Tử cho rằng, bản tính con người là ác; vì vậy, ông chủ trương không chỉ dùng nhân, nghĩa,

lễ, nhạc mà phải dùng hình luật để giải hòa tính ác, cải biến cái ác thành cái thiện

Trang 38

phu – phụ18 cần phải đạt đức - phẩm chất tốt đẹp của con người cần phải thể

hiện trong cuộc sống, và phải biết thi, thư, lễ, nhạc

Tóm lại, quan điểm đạo đức – chính trị – xã hội của Khổng – Mạnh là

xây dựng mẫu người quân tử Muốn trở thành người quân tử không chỉ có tu

thân, dù tu thân là gốc mà phải biết hành động tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

Muốn hành động hiệu quả người quân tử phải thực hành đường lối nhân trị -

cai trị bằng tình người, bằng sự yêu người, coi người như bản thân mình -, và

chính danh, - cai trị sao cho vua ra vua, tôi ra tôi; cha ra cha, con ra con; chồng

ra chồng, vợ ra vợ Chỉ có như vậy thì người quân tử, tức giai cấp cai trị, mới

xây dựng được một xã hội đại đồng

Nho giáo nguyên thủy khao khát cải biến xã hội thời Xuân thu – Chiến quốc từ loạn thành trị là một khao khát thầm kín của cả thiên hạ lúc bấy giờ Nó thể hiện tính nhân bản sâu sắc Đòi hỏi của Nho giáo nguyên thủy về người cai trị - người quân tử không thể là dân võ biền mà phải là người có một vốn văn hóa toàn diện là một đòi hỏi chính đáng Nhưng chủ trương xây dựng một xã hội đại đồng của Nho giáo hoàn toàn không dựa trên các quan hệ kinh tế – xã hội, không xuất phát từ việc xây dựng nền sản xuất vật chất, không dựa vào quần chúng nhân dân bị trị, tức “bọn” tiểu nhân, mà chỉ dựa trên các quan hệ đạo đức – chính trị – xã hội, xuất phát từ việc giáo dục, rèn luyện nhân cách cá nhân cho tầng lớp thống trị và chỉ dựa duy nhất vào tầng lớp thống trị là một

chủ trương duy tâm, ảo tưởng, xa rời thực tế cuộc sống bấy giờ Ý tưởng về xã

hội đại đồng cho dù đã làm lay động trái tim và khối óc của biết bao con người,

nhưng nó mãi mãi chỉ là một lý tưởng chính trị rất cao đẹp của tầng lớp phong kiến thống trị xã hội Trung Quốc Do không phù hợp với ước vọng của quần chúng nhân dân, vì vậy, nó mãi mãi chỉ là một lý tưởng

Nho gia nguyên thủy Khổng - Mạnh chứa đựng nhiều giá trị nhân bản

và toát lên tinh thần biện chứng sâu sắc Điều này không có trong Nho giáo

hậu Tần Nho gia nguyên thủy đã làm nổi bật khía cạnh xã hội của con người;

18 Sau này, Đổng Trọng Thư gọi là Tam cương, và mở rộng Tam cương thành Ngũ Luân (quân –

thần, phụ – tử, phu – phụ, huynh – đệ, bằng – hữu)

Trang 39

tuy nhiên, khía cạnh xã hội của con người đã bị hiểu một cách hạn chế và duy tâm Đây là điểm khác so với quan điểm của Đạo gia – trường phái triết học nhấn mạnh bản tính tự nhiên của con người

2.4.2 Triết học Đạo gia

Đạo gia được Lão Tử (khoảng thế kỷ VI TCN), còn gọi là Lão Đam, tên

Lý Nhĩ, người nước Sở, có thời làm quan sử giữ kho sách ở Lạc Ap, sáng lập

ra; và sau đó, Trang Tử (369-286 TCN), người nước Tống phát triển thêm vào

thời Chiến quốc

Kinh điển của Đạo gia chủ yếu được tập trung lại trong bộ Đạo đức kinh

và bộ Nam hoa kinh Đạo đức kinh có khoảng 5000 từ do Lão Tử soạn, nó gồm hai thiên nói về Đạo và Đức Nam hoa kinh gồm các bài do Trang Tử và một

số người theo phái Đạo gia viết… Những tư tưởng triết học cơ bản của trường

phái Đạo gia được thể hiện chủ yếu trong lý luận về đạo và đức Lý luận này thể hiện quan niệm biện chứng về thế giới, và là cơ sở để Lão Tử xây dựng thuyết vô vi

a) Lý luận về Đạo và Đức

+ Đạo là phạm trù triết học vừa để chỉ bản nguyên vô hình, phi cảm tính,

phi ngôn từ, sâu kín, huyền diệu của vạn vật, vừa để chỉ con đường, quy luật

chung của mọi sự sinh thành, biến hóa xảy ra trong thế giới

Đạo được tạm hiểu như là cái tự nhiên tĩnh mịch, yên lặng, mộc mạc,

hỗn độn, mập mờ, thấp thoáng, không có đặc tính, không có hình thể; là cái

mắt không thấy, tai không nghe, tay không nắm bắt, ngôn ngữ không thể diễn

đạt, tư duy không nhận thức được; là cái năng động tự sinh sôi, nảy nở, biến

Trang 40

được không phải là đạo; Danh mà ta có thể gọi được không phải là danh Không

tên là gốc của trời đất, có tên là mẹ của vạn vật…

+ Đức là phạm trù triết học dùng để thể hiện sức mạnh tiềm ẩn của đạo,

là cái hình thức nhờ đó vạn vật được định hình và phân biệt được với nhau, là

cái lý sâu sắc để nhận biết vạn vật

Theo Lão Tử, đạo sinh ra vạn vật, đức nuôi nấng, bảo tồn vạn vật Vạn

vật nhờ đạo mà được sinh ra, nhờ đức mà thể hiện, và khi mất đi là lúc vạn vật

quay trở về với đạo Đạo sinh ra Một (khí thống nhất), Một sinh ra Hai (âm, dương đối lập), Hai sinh ra Ba (trời, đất, người), Ba sinh ra vạn Vật

Tóm lại, đạo không chỉ là nguồn gốc, bản chất mà còn là quy luật của mọi cái đã, đang và sẽ tồn tại trong thế giới Điều này cho phép hiểu đạo như

nguyên lý thống nhất - vận hành của vạn vật - nguyên lý Đạo pháp tự nhiên

(Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên) Đạo vừa

mang tính khách quan (vô vi) vừa mang tính phổ biến; vì vậy, trong thế giới,

không đâu không có đạo, không ai không theo đạo

Như vậy, quan niệm về đạo của trường phái Đạo gia đã thể hiện một trình

độ khái quát cao của tư duy về những vấn đề bản nguyên thế giới được xem xét trong tính chỉnh thể thống nhất của nó

b) Quan niệm biện chứng về thế giới

Trong triết học của Lão Tử, quan niệm biện chứng về thế giới gắn liền

với quan niệm về đạo – đức Nhờ đức mà đạo nằm trong vạn vật luôn biến hóa

Đạo là cái vô Cái vô sinh ra cái hữu Cái hữu sinh ra vạn vật…

Lão Tử cho rằng bất cứ sự vật nào cũng đều là thể thống nhất của hai mặt đối lập Chúng ràng buộc, bao hàm lẫn nhau Ông viết: Ai cũng biết đẹp là đẹp tức là có xấu; hai mặt dài ngắn tựa vào nhau, mới có hình thể; hai mặt cao thấp liên hệ với nhau, mới có chênh lệch; và, trong vạn vật, không vật nào không cõng âm, bồng dương Trong vạn vật, các mặt đối lập không chỉ thống nhất mà chúng còn xung đột, đấu tranh, chuyển hóa lẫn nhau tạo ra sự thay đổi, biến hoá không ngừng của vạn vật trong vũ trụ Tuy nhiên, theo Lão Tử, sự đấu tranh, chuyển hóa của các mặt đối lập này không làm xuất hiện cái mới, mà là

Ngày đăng: 06/05/2024, 16:42

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w