Kinh tế trang trại (KTTT) ở nước ta đã tồn tại từ lâu nhưng những năm gần đây kinh tế trang trại có bước phát triển phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng và đa dạng.Việc phát triển KTTT đã đem lại lợi ích to lớn về nhiều mặt, làm thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế xã hội (KTXH) của các vùng nông thôn. Khi nước ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) sản phẩm nông nghiệp cần phải thay đổi cả về số lượng và chất lượng, phải đạt các tiêu chí quốc gia, khu vực và quốc tế, bên cạnh đó phải hạ giá thành mới có thể đáp ứng được những yêu cầu về cạnh tranh, phát triển được trong khu vực và thế giới. Những phương thức sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún, thủ công sẽ được thay thế bằng sản xuất hàng hoá, tập trung, quy mô lớn.Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2016), bình quân một trang trại (TT) ở nước ta có diện tích 6,6 ha. Đến nay cả nước có khoảng 155.000 trang trại, bình quân mỗi năm số trang trại tăng gần 6%, diện tích đất sử dụng trên 900.000 ha, đa số trang trại là quy mô nhỏ. Các trang trại chuyên trồng cây nông nghiệp chiếm 55,3%, chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm 10,3 %, lâm nghiệp chiếm 2,2%, nuôi trồng thuỷ sản chiếm 27,3% và sản xuất kinh doanh tổng hợp chiếm 4,9%. Hàng năm, các trang trại tạo khoảng 30.000 việc làm thường xuyên và 6 triệu ngày công lao động thời vụ, đóng góp cho nền kinh tế trên 12.000 tỷ đồng giá trị sản lượng. Việc phát triển kinh tế trang trại là một trong những mô hình sản xuất mới, nó không chỉ đáp ứng được những yêu cầu trong tình hình hiện nay mà còn tạo công ăn việc làm, tăng hiệu quả sử dụng đất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, cơ cấu cây trồng…