Vận dụng chính sách lãi suất huy động hợp lý, linh hoạt

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp mở rộng hoạt động nhận tiền gửi tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam -chi nhánh Đà Nẵng (full) (Trang 65)

Trong điều kiện cạnh tranh của thị trường, lãi suất huy động có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến kết quả huy động vốn về quy mô và cơ cấu nguồn vốn. Việc tăng hay giảm lãi suất huy động vốn của các NHTM tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng. Bên cạnh việc phải bù đắp mọi chi phí hoạt động, lãi suất của ngân hàng đưa ra cần phải phản ánh đúng quan hệ cung cầu về tiền tệ trên thị trường, theo sát chỉ số biến động của lạm phát và phải có tính cạnh tranh thị trường. Các NHTM sử dụng hệ thống lãi suất tiền gửi như một công cụ quan trọng trong việc huy động và thay đổi quy mô nguồn vốn. Sự lên xuống bất thường của lãi suất trong việc kinh doanh theo cơ chế thị trường là tất nhiên và là rủi ro có nguy cơ cao, khó lường trước. Do vậy, lãi suất huy động vốn của ngân hàng cần phải đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng và khách hàng, thông thường được xác định tối thiểu như sau:

Lãi suất huy động = Lãi suất thực + % Lạm phát

Vietinbank Đà Nẵng cũng cần có chính sách lãi suất linh hoạt và phù hợp trong từng thời kỳ, từng địa bàn nơi ngân hàng đặt điểm giao dịch theo hướng nơi nào có tiềm năng huy động được nhiều vốn hơn thì áp dụng lãi suất cao hơn; nghiên cứu đưa phương pháp xác định chi phí vốn biên tế và chi phí vốn hỗn hợp để tính toán lãi suất huy động từng loại vốn cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho ngân hàng và hấp dẫn khách hàng.

Trong điều kiện thực hiện cơ chế mua, bán vốn với Hội sở như hiện nay, việc xác định lãi suất của từng chi nhánh phải được cân nhắc trên cơ sở tinh toán chênh lệch lãi suất bình quân giữa lãi suất huy động vốn đầu vào với lãi suất bán vốn cho Hội sở.

Mặt khác, ngoài chỉ tiêu chênh lệch lãi suất bình quân, chi nhánh cũng cần đưa vào tính toán chỉ tiêu chênh lệch thu nhập lãi ròng (NIM) để có thể phản ảnh được chính xác hơn hiệu quả sử dụng vốn.

Mặt khác, NH cũng cần tối ưu hoá lãi suất tiết kiệm và phát triển các dịch vụ thanh toán và các sản phẩm thanh toán nhằm giảm chi phí vốn đầu vào. NH nên áp dụng hệ thống lãi suất tiết kiệm theo nhiều bậc để thu hút các khách hàng với lượng tiền gửi lớn, đồng thời có thể giảm chi phí vốn đối với các tài khoản tiền gửi có số dư thấp; khuyến khích khách hàng gửi tiền tham gia vào các đợt tiến kiệm dự thưởng và đưa ra cơ chế lãi suất cao hơn cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài; phát triển các sản phẩm thanh toán và quản lý vốn, dịch vụ thẻ để thu hút khách hàng mở tài khoản tại Vietinbank Đà Nẵng và sử dụng số dư trên các tài khoản này nhằm giảm chi phí vốn, tăng độ ổn định của nguồn vốn. Tăng hiệu quả kinh doanh bằng cách tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ, tăng tỷ lệ bán chéo dịch vụ và sản phẩm, tăng khả năng sinh lời thông qua việc tối ưu hoá cơ cấu tài sản và công nợ, áp dụng hệ thống xác định lãi suất và phí dịch vụ phù hợp đảm bảo bù đắp rủi ro và chi phí hoạt động và có tích luỹ. Công tác huy động vốn ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển và lợi nhuận của Vietinbank Đà Nẵng, với mức chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra ngày càng thu hẹp như hiện nay thì ngân hàng khó có thể thu hút thêm khách hàng tiền gửi mới bằng việc đưa ra mức lãi suất huy động cao hơn. Để tránh tình trạng cạnh tranh về lãi suất huy động dẫn đến việc đẩy lãi suất lên cao, Vietinbank Đà Nẵng cần cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ của các chi nhánh cũng như toàn hệ thống để thu hút khách hàng gửi tiền vào Vietinbank Đà Nẵng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp mở rộng hoạt động nhận tiền gửi tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam -chi nhánh Đà Nẵng (full) (Trang 65)