Đánh giá chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tiền Giang

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm quản lý tốt nguồn nhân lực trong khu công nghiệp Tân Hương (Trang 28)

TỈNH TIỀN GIANG

2.2.1.2 Đánh giá chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tiền Giang

Về trình độ kỹ thuật, công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý

Các doanh nghiệp trong KCN thời gian ban đầu thường sử dụng nguồn nguyên liệu dễ tìm trên thị trường như các ngành dệt may, sản xuất sợi len, vải cao cấp, giày dép, bao bì, nhựa…Càng về sau, khi độ an toàn của môi trường đầu tư cho phép, các nhà đầu tư nâng công nghệ lên, đi vào những lĩnh vực công nghệ tiên tiến như cơ khí, tự động hóa có hàm lượng chất xám cao hơn, sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả của doanh nghiệp.

Mặt khác, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ở KCN đã chuyển giao dần việc quản lý và điều hành sản xuất cho người lao động Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp đã bố trí, sử dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí, chức danh công việc quan trọng như: tổ trưởng các bộ phận, quản đốc, trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc, hoặc thành viên Hội đồng quản trị. Qua đó, giúp lao động Việt Nam tiếp cận và học hỏi trình độ quản lý tiên tiến của nước ngoài.

Về giải quyết việc làm

Việc hình thành các KCN đã thu hút, giải quyết việc làm ngày càng nhiều cho người lao động trong và ngoài tỉnh Tiền Giang. Tính đến tháng 12/2012 các KCN đã thu hút được gần 48.000 lao động, lao động ngoài tỉnh chiếm tỉ lệ 20% tổng số lao động KCN.

Lao động làm việc trong KCN liên tục tăng qua các năm, đặc biệt là trong những năm gần đây, tốc độ tăng hàng năm đều trên 50%, do các KCN đang trong giai đoạn phát triển và điều này hứa hẹn các năm tiếp theo số lao động càng tăng nhanh hơn trước.

Vấn đề tồn tại hiện nay là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng. Lao động qua đào tạo những năm qua, tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng cơ cấu chưa hợp lý, nên vẫn tồn tại tình trạng thừa lao động có bằng cấp, thiếu lao động có kỹ thuật, lao động qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Số lao động tại các doanh nghiệp luôn bị biến động và không ổn định do tâm lý "đứng núi này, trông núi nọ" của người lao động. Đồng thời, chương trình giảng dạy tại các trường còn mang nặng tính lý thuyết, chậm đổi mới, nội dung đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tiễn; nhiều lao động đã được đào tạo qua trường lớp nhưng khi được tuyển dụng, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Do đó, việc cung ứng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất xám, kỹ thuật cao, luôn gặp khó khăn.

Về thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Chủ trương phát triển các KCN tập trung đã được Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang sớm quan tâm, triển khai thực hiện và thực tế đã mang lại bước phát triển mới cho công nghiệp của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước tập trung phát triển công nghiệp vào các KCN, với lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng đã từng bước hoàn thiện; năng lực sản xuất đã đầu tư trong những năm qua đang tiếp tục phát huy trong tương lai; nguồn lực về tài nguyên lao động, năng lực sản xuất công nghiệp... còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việc hình thành các KCN đã và đang huy động được một lượng vốn khá lớn để phát triển kinh tế; góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương và tác động lan tỏa tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp trong các lĩnh vực dịch vụ như ăn uống, vui chơi giải trí; cung ứng lao động; tư vấn thiết kế, xây dựng; bảo hiểm..., tạo sự dịch chuyển lao động từ các vùng nông thôn đến các KCN và ngành nghề nông nghiệp từ các vùng lân cận KCN dịch chuyển dần sang sản xuất công nghiệp phụ trợ, dịch vụ.

Các KCN đã phát huy được hiệu quả sản xuất; là nơi tiếp nhận các phương pháp quản lý hiện đại vận hành trên các dây chuyền công nghiệp của các đối tác nước ngoài và các liên doanh; tác động thiết thực đối với phát triển đô thị; tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu; góp phần đào tạo cán bộ quản lý và công nhân lành nghề.

Việc qui hoạch xây dựng các KCN đã tạo điều kiện phát triển công nghiệp theo quy hoạch, tránh tự phát, phân tán; tiết kiệm đất đai; sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, tiết kiệm chi phí sản xuất. Tập trung các cơ sở sản xuất nên hiệu quả sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật tiết kiệm; thuận lợi trong việc kiểm soát, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; là địa điểm tốt để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ các trung tâm thành phố, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, các

dự án đầu tư vào các KCN triển khai nhanh và thuận lợi hơn so với bên ngoài KCN, và chính sự phát triển nhanh và có chất lượng của các KCN tác động tích cực đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm quản lý tốt nguồn nhân lực trong khu công nghiệp Tân Hương (Trang 28)